TÒA
ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 01/GĐ-TANDTC
|
Hà
Nội, ngày 05 tháng 01
năm 2018
|
GIẢI ĐÁP
MỘT SỐ VẤN ĐỀ NGHIỆP VỤ
Kính
gửi:
|
- Các Tòa án nhân dân và Tòa án
quân sự;
- Các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao.
|
Qua thực tiễn công tác xét xử, Tòa án
nhân dân tối cao nhận được phản ánh của các Tòa án về một số vướng mắc về nghiệp
vụ. Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao có ý kiến
như sau:
I. VỀ DÂN SỰ
Trường hợp người để lại di sản
thừa kế chết trước năm 1987 mà hiện nay Tòa án mới thụ lý, giải quyết tranh chấp
thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được xác định như
thế nào?
Kể từ ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có
hiệu lực thi hành, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ
luật Dân sự năm 2015, khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số
02/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối
cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày
25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết số
104/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tố tụng hành
chính thì từ ngày 01-01-2017, Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 623 Bộ
luật Dân sự năm 2015 về thời hiệu thừa kế để thụ lý, giải quyết vụ án dân sự
"Tranh chấp về thừa kế tài sản”. Theo đó, thời hiệu để người
thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở
thừa kế.
Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10-9-1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản
thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36
của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày
19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một
số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: thời hiệu khởi kiện được tính từ
ngày 10-9-1990.
Khi xác định thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 01-7-1991
và di sản là nhà ở thì thời gian từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-01-1999 không
tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế không có người Việt Nam
định cư ở nước ngoài tham gia; thời gian từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-9-2006
không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế có người Việt Nam
định cư ở nước ngoài tham gia.
II. VỀ TỐ TỤNG DÂN
SỰ
1. Trường hợp vụ án tranh chấp
về thừa kế tài sản là nhà, đất mà các bên không thỏa thuận được giá trị di sản,
mặc dù đã được Tòa án giải thích nhưng nguyên đơn và bị đơn đều khẳng định
không yêu cầu đo đạc, định giá tài sản thì Tòa án giải quyết như thế nào?
Căn cứ vào khoản 1 Điều
101 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trường hợp xét thấy cần thiết, Thẩm
phán tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ với sự có mặt của đại diện Ủy ban
nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có
đối tượng cần xem xét, thẩm định và phải báo trước việc xem xét, thẩm định tại
chỗ để đương sự biết, chứng kiến việc xem xét, thẩm định đó. Trường hợp này,
nguyên đơn, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng chi
phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo quy định tại khoản 2 Điều
156 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Căn cứ vào điểm b khoản
3 Điều 104 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trường hợp các đương sự không thỏa
thuận được giá tài sản thì Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội
đồng định giá. Trường hợp này, nguyên đơn, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng
chi phí định giá tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 164 Bộ
luật Tố tụng dân sự năm 2015.
2. Trường hợp
nguyên đơn đã nộp tiền tạm ứng chi phí giám định, chi phí định giá tài sản
nhưng khi có kết luận giám định, kết quả định giá tài sản thì chi phí giám định,
chi phí định giá tài sản cao hơn số tiền tạm ứng và Tòa án có yêu cầu nguyên
đơn nộp bổ sung nhưng nguyên đơn không thực hiện thì Tòa án có căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
để đình chỉ giải quyết vụ án không?
Theo quy định tại điểm
đ khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án chỉ ra quyết
định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp “Nguyên đơn không nộp
tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của
Bộ luật này".
Như vậy, trường hợp nguyên đơn đã nộp
tiền tạm ứng chi phí giám định, chi phí định giá tài sản nhưng khi có kết luận
giám định, kết quả định giá tài sản thì chi phí giám định, chi phí định giá tài
sản cao hơn số tiền tạm ứng và Tòa án có yêu cầu nguyên đơn nộp bổ sung nhưng
nguyên đơn không thực hiện thì không phải là căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án
quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm
2015.
Việc xử lý tiền tạm ứng chi phí giám
định, chi phí định giá tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều
162 và Điều 166 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; cụ thể là:
Trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng
chi phí giám định không phải chịu chi phí giám định, người đã nộp tiền tạm ứng
chi phí định giá tài sản không phải nộp chi phí định giá tài sản thì người phải
chịu chi phí giám định, chi phí định giá tài sản theo quyết định của Tòa án phải
hoàn trả cho người đã nộp tiền tạm ứng chi phí giám định, chi phí định giá tài
sản.
Trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng
chi phí giám định phải chịu chi phí giám định, người đã nộp tiền tạm ứng chi
phí định giá tài sản phải chịu chi phí định giá tài sản nếu số tiền tạm ứng đã
nộp chưa đủ cho chi phí giám định, chi phí định giá tài sản thực tế thì họ phải
nộp thêm phần tiền còn thiếu; nếu số tiền tạm ứng đã nộp nhiều hơn chi phí giám định, chi phí định giá tài sản thực tế thì họ được trả lại
phần tiền còn thừa theo quyết định của Tòa án.
Tòa án căn cứ vào Điều
161 và Điều 165 Bộ luật Tố tụng dân sự để xác định người phải chịu chi phí
giám định, chi phí định giá tài sản.
3. Khoản 1 Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa
giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm
phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công
phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự”. Vậy đến ngày thứ
09, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý
kiến, Thẩm phán mới ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự thì
có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng do chậm ra quyết định công nhận sự thỏa
thuận của các đương sự không?
Khoản 3 Điều 203 Bộ
luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: "Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại
khoản 1 Điều này, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra
một trong các quyết định sau đây: a) Công nhận sự
thỏa thuận của các đương sự; b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; c) Đình
chỉ giải quyết vụ án dân sự; d) Đưa vụ án ra xét xử”.
Như vậy, quyết định công nhận sự thỏa
thuận của các đương sự phải được ban hành trong thời hạn chuẩn bị xét xử theo
quy định tại khoản 3 Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Để đảm bảo nguyên tắc Tòa án xét xử kịp thời theo quy định tại khoản
1 Điều 15 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Thẩm phán phải ra quyết định
công nhận sự thỏa thuận của các đương sự ngay sau khi kết thúc thời hạn 07 kể
từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay
đổi ý kiến.
Bên cạnh đó, khoản 2
Điều 147 và khoản 5 Điều 148 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định khi thời hạn
được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không
được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định; khi ngày cuối
cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết
thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.
Như vậy, nếu đến ngày thứ 09, kể từ
ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến, Thẩm
phán mới ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là có vi phạm
thời hạn ra quyết định nhưng không coi đó là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
4. Trong quá
trình giải quyết vụ án ly hôn, sau khi hòa giải vợ chồng thống nhất đoàn tụ
nhưng không rút đơn khởi kiện thì Tòa án ra quyết định hòa giải thành hay ra
quyết định đình chỉ giải quyết vụ án?
Trong quá trình giải quyết vụ án ly
hôn, nếu sau khi hòa giải, vợ chồng thống nhất đoàn tụ thì cần xác định đây là
trường hợp nguyên đơn rút lại yêu cầu khởi kiện. Tòa án
căn cứ điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
5. Trong vụ án
có nhiều đương sự, nếu có một đương sự là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên
quan đề nghị không tiến hành hòa giải thì có thuộc trường hợp vụ án dân sự
không hòa giải được theo quy định tại khoản 4 Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không?
Khoản 4 Điều 207 Bộ
luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định một trong các
trường hợp vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được là: “Một trong các
đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải”. Như vậy, trường hợp người có
quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đề nghị không tiến hành hòa giải là
trường hợp vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 209 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nếu trong vụ
án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng
ý tiến hành hòa giải và việc tiến hành hòa giải không ảnh hưởng đến quyền,
nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành hòa
giải giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để
có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên hòa giải.
Thẩm phán phải thông báo việc hoãn phiên hòa giải và việc mở lại phiên hòa giải
cho đương sự.
Theo quy định tại khoản
3 Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nếu các đương sự có mặt tại phiên
hòa giải thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó có
giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu
không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp thỏa thuận
của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận
này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự
vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản.
6. Vụ án dân sự đang tạm
đình chỉ, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập rút yêu cầu,
Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án để đình chỉ đối với yêu cầu đã rút hay chờ đến
khi lý do tạm đình chỉ vụ án không còn, mới giải quyết trong cùng vụ án và ghi
rõ trong phần nhận định của bản án về việc rút yêu cầu đó?
Điều 216 Bộ luật Tố tụng
dân sự năm 2015 quy định:
“Trong thời hạn 03 ngày làm việc,
kể từ ngày lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 214 của Bộ luật
này không còn thì Tòa án phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự và
gửi quyết định đó cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp.
Quyết định tạm đình chỉ giải quyết
vụ án dân sự hết hiệu lực kể từ ngày ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự. Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án kể từ khi ban hành
quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự”.
Theo quy định nêu trên thì việc rút
yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập sẽ được
Tòa án xem xét giải quyết khi Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án vì lý do tạm đình
chỉ vụ án không còn. Việc xem xét giải quyết rút yêu cầu của người có quyền lợi,
nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phải được ghi rõ trong bản án, quyết định
giải quyết vụ án.
7. Trường hợp
tại phiên tòa sơ thẩm, đương sự thay đổi, bổ sung yêu cầu thì trình tự, thủ tục
giải quyết yêu cầu đó như thế nào? Đương sự có phải làm lại đơn khởi kiện, đơn
yêu cầu phản tố, đơn yêu cầu độc lập và có phải nộp tiền tạm ứng án phí đối với
phần yêu cầu thay đổi, bổ sung đó không?
Căn cứ quy định tại khoản
3 Điều 235, khoản 1 Điều 236, khoản 1 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015,
việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự tại phiên tòa chỉ được Hội đồng xét
xử chấp nhận nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi
yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu được thể hiện
trong đơn khởi kiện của nguyên đơn, đơn phản tố của bị đơn, đơn yêu cầu độc lập
của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, khi được Chủ tọa hỏi có thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện,
yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập hay không thì đương sự có quyền trình bày về
việc thay đổi, bổ sung yêu cầu mà không phải làm lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu
phản tố, đơn yêu cầu độc lập và không phải nộp tiền tạm ứng án phí đối với phần
yêu cầu thay đổi, bổ sung đó. Việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự phải
được ghi vào biên bản phiên tòa. Trường hợp Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu
thay đổi, bổ sung của đương sự thì phải ghi rõ trong bản án.
8. Trong vụ án
ly hôn, vợ, chồng có con từ đủ 07 tuổi trở lên nhưng không biết địa chỉ cư trú
của con ở đâu nên Tòa án không lấy được lời khai của con. Trường hợp vợ, chồng
đều muốn nuôi con thì phải giải quyết như thế nào? Tòa án có quyền giao con cho
một bên đương sự nuôi mà không cần hỏi ý kiến của con được không?
Theo quy định tại khoản
2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì: “Vợ chồng thỏa thuận về
người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp
không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi
căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của
con".
Theo quy định nêu trên thì nguyện vọng
của con từ đủ 07 tuổi trở lên chỉ là một trong những yếu tố Tòa án phải xem xét
trong quá trình giải quyết vụ án, việc quyết định giao con cho bên nào trực tiếp
nuôi phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Mặt khác, theo quy định tại Điều 214, Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì việc
không lấy được lời khai của các con không phải là căn cứ để đình chỉ hay tạm
đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Do vậy, Tòa án giải quyết theo thủ tục chung
và căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để xem xét, quyết định người trực tiếp
nuôi dưỡng con.
Trên đây là giải đáp một số vướng mắc
về dân sự, tố tụng dân sự để các Tòa án nghiên cứu, tham khảo trong quá trình
giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền.
Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Đồng chí Chánh án TANDTC (để b/c);
- Các đồng chí Phó Chánh án TANDTC;
- Các đồng chí Thẩm phán TANDTC;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ Tư pháp;
- Thư ký Chánh án;
- Cổng TTĐT TANDTC (để đăng tải);
- Lưu: VT (VP, Vụ PC&QLKH).
|
KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN
Nguyễn Trí Tuệ
|