BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH-UỶ BAN
MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
27/2003/TTLT-BLĐTBXH-BTC-UBTƯMTTQVN
|
Hà Nội , ngày 18 tháng
12 năm 2003
|
CỦA BỘ LAO ĐỘNG- THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI- BỘ TÀI CHÍNH -
UBTƯMTTQVN SỐ 27/2003/TTLT- BLĐTBXH-BTC-UBTƯMTTQVN NGÀY 18 THÁNG 12 NĂM 2003 VỀ
VIỆC HƯỚNG DẪN VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI TÌNH NGUYỆN CẤP
XÃ
Thực hiện Quyết định số 150,
151/2000/QĐ-TTg ngày 28/12/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương
trình hành động phòng, chống ma tuý giai đoạn 2001-2005 và Chương trình hành động
phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2001-2005, Quyết định số 190/2001/QĐ-TTg
ngày 13/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu
quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch xã hội và HIV/AIDS, sau khi
có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Y tế, Liên tịch Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng
dẫn về tổ chức và hoạt động của Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã như
sau:
I. NHỮNG QUY
ĐỊNH CHUNG:
1. Trong Thông tư này, một số từ
ngữ được hiểu như sau:
1.1. Đội hoạt động xã hội tình
nguyện cấp xã là một tổ chức xã hội gồm những người sinh sống trên địa bàn xã,
phường, thị trấn tình nguyện tham gia công tác phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại
dâm; phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các công tác xã hội khác.
1.2. Tình nguyện viên là thành
viên của Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã.
2. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động
của Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã:
2.1- Mỗi xã, phường, thị trấn chỉ
thành lập 01 Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã.
2.2- Tự nguyện tham gia hoạt động
theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
2.3- Đội hoạt động xã hội tình
nguyện cấp xã có Quy chế hoạt động.
2.4- Tuân thủ các quy định của
luật pháp và phù hợp với quy định của địa phương.
3. Kinh phí hoạt động của Đội hoạt
động xã hội tình nguyện cấp xã bao gồm: Ngân sách địa phương hỗ trợ theo phân cấp
chi ngân sách hiện hành; kinh phí phòng, chống mại dâm; kinh phí phòng, chống
ma tuý; kinh phí phòng, chống HIV/AIDS; các chương trình kinh tế-xã hội có liên
quan và nguồn huy động hợp pháp khác.
II. THÀNH LẬP
VÀ QUẢN LÝ ĐỘI HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI TÌNH NGUYỆN CẤP XÃ:
1. Căn cứ vào tình hình, yêu cầu
thực tiễn của xã, phường, thị trấn, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau
đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) thống nhất với Mặt trận Tổ quốc và các
đoàn thể, tổ chức xã hội cùng cấp, chọn một tổ chức chính trị - xã hội (Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc Hội Phụ nữ; Hội Nông dân; Hội Cựu chiến
binh) lập hồ sơ trình Uỷ ban nhân dân cấp xã xin phép thành lập Đội hoạt động xã
hội tình nguyện cấp xã, đồng thời trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm trước Uỷ
ban nhân dân cấp xã về kết quả hoạt động của Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp
xã (sau đây gọi là đoàn thể quản lý Đội).
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp
xã sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp, lập tờ trình
Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi
chung là Uỷ ban nhân dân cấp huyện) ra Quyết định công nhận việc thành lập Đội
hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã.
3. Hồ sơ xin phép thành lập Đội
hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã bao gồm:
- Đơn xin phép thành lập Đội hoạt
động xã hội tình nguyện cấp xã;
- Tờ trình của Uỷ ban nhân dân cấp
xã trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện xin phép thành lập Đội hoạt động xã hội tình
nguyện cấp xã;
- Danh sách trích ngang các
thành viên Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã và sơ yếu lý lịch của người
được đề nghị là đội trưởng, đội phó.
- Dự thảo Quy chế hoạt động, kế
hoạch hoạt động của Đội.
4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ
ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, ra quyết định
công nhận việc thành lập Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã và thông qua
Quy chế hoạt động của Đội.
5. Tình nguyện viên phải đảm bảo
các tiêu chuẩn sau: Có độ tuổi từ 18 đến 60 tuổi; có sức khoẻ; có phẩm chất đạo
đức tốt; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; có khả năng thực hiện nhiệm vụ; đang
sinh sống trên địa bàn xã, phường, thị trấn và có đơn tự nguyện xin gia nhập Đội.
III. NHIỆM VỤ
CỦA ĐỘI HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI TÌNH NGUYỆN CẤP XÃ:
1. Hoạt động theo đúng Quy chế của
Đội.
2. Tham gia phối hợp với các
ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội khác trên địa bàn thực hiện các hoạt động phòng
ngừa tệ nạn mại dâm, nghiện ma tuý và phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS thông qua
các hoạt động liên quan như xoá đói giảm nghèo, cứu trợ xã hội và giữ gìn an
ninh trật tự xã hội.
3. Thực hiện các hoạt động tuyên
truyền, giáo dục phòng ngừa tệ nạn ma tuý, mại dâm và phòng ngừa lây nhiễm
HIV/AIDS trên địa bàn xã, phường, thị trấn; tư vấn, giúp đỡ và hướng dẫn người
mại dâm, người nghiện ma tuý, người bị nhiễm HIV/AIDS tiếp cận các dịch vụ y tế,
xã hội, tạo điều kiện cho họ hoà nhập cộng đồng.
4. Tích cực phát hiện và thông
báo cho các tổ chức, cơ quan chức năng về các hành vi liên quan đến hoạt động mại
dâm, nghiện ma tuý, hành vi làm lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn; đề xuất, tham
mưu với chính quyền biện pháp cụ thể giải quyết các vụ việc đó và ngăn chặn có
hiệu quả các hành vi vi phạm.
5. Cùng với Mặt trận Tổ quốc và
các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội thực hiện hoạt động lồng ghép cuộc vận động
"Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" với công
tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở xã, phường, thị trấn thông qua việc thực hiện
5 nội dung và phân loại, đánh giá xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn
mại dâm, ma tuý theo Nghị quyết Liên tịch số
546/2003/NQLT-BLĐTBXH-BVHTT-UBTƯMTTQVN ngày 27/2/2003 của Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội, Bộ Văn hoá-Thông tin và Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt
Nam.
IV. CHÍNH
SÁCH, CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI TÌNH NGUYỆN VIÊN:
1. Tình nguyện viên được tham dự
tập huấn để nâng cao trình độ nghiệp vụ, được cung cấp tài liệu và thông tin có
liên quan đến công tác phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm và phòng, chống lây
nhiễm HIV/AIDS.
2. Hàng năm, tình nguyện viên
trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ lao động công ích có thời gian tham gia Đội hoạt
động xã hội tình nguyện cấp xã từ 09 tháng trở lên được Uỷ ban nhân dân cấp xã
chứng nhận đã hoàn thành nghĩa vụ lao động công ích.
3. Tình nguyện viên bị tai nạn
trong khi thực hiện nhiệm vụ của Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã được hỗ
trợ chi phí y tế trong quá trình sơ cứu, cấp cứu, điều trị đến khi khỏi vết
thương. Trường hợp bị chết thì người mai táng hoặc gia đình được trợ cấp mai
táng phí như mức trợ cấp quy định đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
4. Tình nguyện viên được xét
khen thưởng nếu có thành tích. Trường hợp có thời gian tham gia Đội hoạt động
xã hội tình nguyện cấp xã từ 5 năm trở lên và tuỳ theo có nhiều thành tích thuộc
lĩnh vực nào thì được xét tặng bằng khen, giấy khen của chính quyền, các Bộ,
ngành, đoàn thể các cấp theo quy định hiện hành.
5. Tình nguyện viên tham gia hoạt
động liên tục trong Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã từ 3 năm trở lên và
có thành tích tốt được ưu tiên xét vay vốn từ dự án cho vay giải quyết việc làm
và từ các chương trình, dự án kinh tế-xã hội khác có liên quan; nếu là nông dân
được ưu tiên học nghề từ Dự án dạy nghề cho nông dân.
6. Chế độ phụ cấp hàng tháng của
tình nguyện viên:
Căn cứ vào khả năng ngân sách của
địa phương và các nguồn huy động hợp pháp, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định
mức phụ cấp hàng tháng đối với đội trưởng, đội phó và tình nguyện viên Đội hoạt
động xã hội tình nguyện cấp xã.
7. Kinh phí thực hiện các chính
sách, chế độ đối với tình nguyện viên nói ở trên chi từ nguồn kinh phí quy định
tại điểm 3 - mục I của Thông tư này.
V. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN:
1. Trách nhiệm của các Bộ,
ngành:
1.1. Bộ Lao động-Thương binh và
Xã hội hướng dẫn nghiệp vụ cho mạng lưới Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp
xã trong cả nước và chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Uỷ ban Trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành mình quản lý, hướng dẫn các
tổ chức thành viên quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh Thông tư này.
Định kỳ 6 tháng, Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội tổng hợp tình hình hoạt động của mạng lưới Đội hoạt động xã hội
tình nguyện cấp xã trong cả nước thông báo cho các Bộ ngành liên quan. Hàng
năm, tổ chức đánh giá kết quả việc thực hiện Thông tư liên tịch, báo cáo Chính
phủ.
1.2. Bộ Tài chính chỉ đạo cơ
quan tài chính các cấp đảm bảo kinh phí cho hoạt động của mạng lưới Đội hoạt động
xã hội tình nguyện cấp xã, đồng thời hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra để kinh phí
hoạt động của Đội được sử dụng theo đúng quy định hiện hành.
1.3. Uỷ ban Trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc cấp trực thuộc hướng dẫn Đội hoạt động
xã hội tình nguyện cấp xã trong việc triển khai lồng ghép hoạt động của Đội với
nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu
dân cư".
2. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân
dân các cấp:
2.1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương và Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo, đôn đốc các ngành trực
thuộc có liên quan thực hiện nhiệm vụ nêu tại Thông tư này.
b) Căn cứ vào tình hình thực tế
tại địa phương và theo quy định của Luật Ngân sách, các văn bản quy định của
Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, thống nhất với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
quyết định chi một phần kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi để Đội hoạt động xã
hội tình nguyện cấp xã hoạt động theo Quy chế, tuân thủ pháp luật và có hiệu quả.
2.2. Uỷ ban nhân dân cấp xã phối
hợp với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và đoàn thể, tổ chức xã hội khác trên địa bàn
thực hiện các nội dung sau:
a) Hướng dẫn đoàn thể quản lý Đội
xây dựng Quy chế về hoạt động và mối quan hệ của Đội với các cơ quan, đoàn thể,
tổ chức xã hội khác trên địa bàn.
b) Giúp Đội hoạt động xã hội
tình nguyện cấp xã về địa điểm sinh hoạt, trang thiết bị, phương tiện, kinh phí
và các điều kiện cần thiết khác để hoạt động của Đội được duy trì thường xuyên
và có hiệu quả.
c) Đề nghị với cơ quan có thẩm
quyền về chính sách, chế độ đối với tình nguyện viên và tổ chức thực hiện khi
ban hành; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về các
trường hợp tình nguyện viên bị tai nạn trong khi làm nhiệm vụ.
d) Định kỳ hàng tháng, quý và
năm báo cáo về tình hình và kết quả hoạt động của Đội với Hội đồng nhân dân và
Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
3. Trách nhiệm của các cơ quan
chức năng tại địa phương:
3.1. Sở Lao động-Thương binh và
Xã hội chủ trì, phối hợp với các Ban, ngành liên quan, chỉ đạo cơ quan Lao động-Thương
binh và Xã hội cấp huyện hướng dẫn Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã triển
khai thực hiện các hoạt động; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ
tình nguyện viên; định kỳ kiểm tra, đánh giá hoạt động của mạng lưới Đội hoạt động
xã hội tình nguyện cấp xã của địa phương báo cáo với Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đồng thời
tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt
động của Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã.
3.2. Sở Tài chính chỉ đạo cơ
quan tài chính địa phương thực hiện bảo đảm ngân sách cho hoạt động của Đội hoạt
động xã hội tình nguyện cấp xã theo định mức và thời gian quy định; hướng dẫn,
kiểm tra, thanh tra việc sử dụng kinh phí được chi cho hoạt động và chính sách,
chế độ đối với Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã.
3.3. Mặt trận Tổ quốc các cấp tại
địa phương là đầu mối trong việc phối hợp giữa Uỷ ban nhân dân và Hội đồng nhân
dân cùng cấp với các tổ chức thành viên trong việc chỉ đạo hoạt động của Đội hoạt
động xã hội tình nguyện cấp xã tiến hành có hiệu quả.
4. Thông tư này có hiệu lực sau
15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Trong quá trình thực hiện có gì
vướng mắc đề nghị báo cáo về Liên tịch (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) để
nghiên cứu giải quyết.
Đàm
Hữu Đắc
(Đã
ký)
|
Nguyễn
Công Nghiệp
(Đã
ký)
|
Hà
Thị Liên
(Đã
ký)
|