BỘ
QUỐC PHÒNG - BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
17/2012/TTLT-BQP-BGTVT
|
Hà
Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2012
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN PHỐI HỢP THỰC HIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC GIỮA BỘ QUỐC
PHÒNG VÀ BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN VÀ VIỆC
PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN VỚI CÁC LỰC LƯỢNG CÓ LIÊN QUAN
THUỘC BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI TRÊN CÁC VÙNG BIỂN VÀ THỀM LỤC ĐỊA CỦA NƯỚC CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật năm 2008;
Căn cứ Nghị định số
104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ
Quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Căn cứ Nghị định số
51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số
66/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp
thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối
hợp hoạt động giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Bộ Quốc phòng và Bộ Giao
thông vận tải thống nhất hướng dẫn khoản 3 Điều 5, Điều 8 và Điều 17 Quy chế phối
hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc
phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 66/2010/NĐ-CP
ngày 14 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quy chế), như sau:
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này hướng dẫn
phối hợp thực hiện quản lý nhà nước giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Giao thông vận tải
về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa lực lượng
Cảnh sát biển với các lực lượng liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải trên các
vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc
phòng và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải có liên quan đến các
hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Điều 3.
Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng (hướng dẫn khoản 3 Điều
5 của Quy chế)
1. Hàng quý, thông báo bằng văn
bản cho Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam về hoạt động của
lực lượng Cảnh sát biển có liên quan đến lĩnh vực an toàn, an ninh hàng hải
trên các vùng biển Việt Nam.
2. Tham khảo ý kiến của Bộ Giao
thông vận tải trước khi ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản
quy phạm pháp luật về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển có liên quan đến
lĩnh vực hàng hải.
3. Phối hợp với Bộ Giao thông vận
tải trong các hoạt động sau:
a) Hợp tác quốc tế về lĩnh vực
hàng hải có liên quan đến trật tự, an toàn, an ninh hàng hải và tìm kiếm, cứu nạn;
b) Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng
kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực hàng hải cho đội ngũ cán bộ, chiến
sĩ của lực lượng Cảnh sát biển;
c) Tuyên truyền, phổ biến pháp
luật về lĩnh vực hàng hải cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển
và thềm lục địa Việt Nam.
4. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát biển
phối hợp với lực lượng Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Đường thủy nội địa, đơn vị quản
lý đường thủy nội địa và các cơ quan có liên quan trong các hoạt động sau:
a) Tuần tra, kiểm tra, kiểm
soát, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam và các điều ước
quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có liên quan đến an
toàn, an ninh hàng hải tại các cảng biển, các khu vực hàng hải và cảng thủy nội
địa có tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài khi có yêu cầu;
b) Bảo vệ tài sản của Nhà nước,
tính mạng, tài sản của người và phương tiện hoạt động hợp pháp trên biển; bảo vệ
chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, bảo vệ tài nguyên, phòng chống ô
nhiễm môi trường biển; tìm kiếm cứu nạn và khắc phục các sự cố trên biển;
c) Đấu tranh phòng, chống các
hành vi vi phạm pháp luật trên biển và chống cướp biển, cướp có vũ trang chống
lại tàu thuyền;
d) Thu thập, tiếp nhận, xác
minh, xử lý các thông tin về an ninh hàng hải, công bố, thay đổi cấp độ an
ninh, hướng dẫn các biện pháp an ninh hàng hải và tổ chức diễn tập an ninh hàng
hải.
Điều 4.
Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải (hướng dẫn Điều
8 của Quy chế)
1. Tham khảo ý kiến của Bộ Quốc
phòng trước khi ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy
phạm pháp luật về lĩnh vực hàng hải có liên quan đến an ninh, trật tự an toàn
trên biển.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn các lực lượng
có liên quan thuộc Bộ thực hiện những công việc theo quy định của Điều
8 Quy chế đối với lực lượng Cảnh sát biển:
a) Đối với khoản
1
Cục Hàng hải Việt Nam thông báo
kịp thời khi có xây dựng mới các cảng biển và các công trình trên các vùng biển
Việt Nam;
Tổng Công ty bảo đảm an toàn
hàng hải miền Bắc, Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, thông báo kịp
thời khi có những thay đổi về hệ thống báo hiệu hàng hải (đèn biển, tàu đèn, chập
tiêu, phao và các báo hiệu hàng hải khác), luồng ra, vào cảng, chướng ngại vật trên
các tuyến hàng hải; độ sâu của các luồng, cảng biển;
Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng
kiểm Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thông báo kịp thời về việc áp
dụng các biểu mẫu giấy tờ, tài liệu; các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật
có liên quan tới hoạt động của tàu thuyền trên biển;
Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng
kiểm Việt Nam cung cấp các loại mẫu giấy chứng nhận và tài liệu của tàu biển và
tàu công vụ Việt Nam; các loại mẫu giấy tờ, chứng chỉ chuyên môn của thuyền
viên và các loại giấy tờ và chứng chỉ có liên quan khác theo yêu cầu của lực lượng
Cảnh sát biển;
Khi có yêu cầu, Cục Hàng hải Việt
Nam chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải cung cấp những thông tin về tàu thuyền của nước
ngoài khi được phép vào các cảng biển và khu vực hàng hải của Việt Nam cho lực
lượng Cảnh sát biển qua hệ thống thông tin điện tử của Cảng vụ Hàng hải;
Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo
Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải khi nhận được báo động an ninh từ tàu biển
hoặc yêu cầu hỗ trợ bảo đảm an ninh từ tàu biển đang hoạt động tại vùng biển Việt
Nam, từ cảng dầu khí ngoài khơi hoặc từ cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà
tàu mang cờ quốc tịch sau khi xác minh xong thì chuyển tin cho Cục Cảnh sát biển
để phối hợp xử lý theo quy định.
b) Đối với khoản
2
Khi có yêu cầu, Cục Hàng hải Việt
Nam hướng dẫn, hỗ trợ lực lượng Cảnh sát biển về công tác chuyên môn nghiệp vụ
chuyên ngành hàng hải để xác định các hành vi vi phạm, mức độ thiệt hại như:
nghiệp vụ giám định vi phạm các quy định trong việc sử dụng, điều khiển phương
tiện; hoạt động kinh doanh vận tải biển, dịch vụ hàng hải và các mặt chuyên môn
khác về lĩnh vực hàng hải làm cơ sở để xử lý theo quy định của pháp luật.
c) Đối với khoản
3
Phối hợp với lực lượng Cảnh sát
biển tham gia các hội nghị, hội thảo xây dựng pháp luật, đàm phán hoặc gia nhập
các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hàng hải có liên quan đến an ninh, trật tự
an toàn trên biển.
d) Đối với khoản
4
Phối hợp với lực lượng Cảnh sát
biển phổ biến, giáo dục, tuyên truyền những văn bản quy phạm pháp luật liên
quan đến lực lượng Cảnh sát biển cho các tổ chức, cá nhân thuộc ngành Giao
thông vận tải hoạt động trên các vùng biển Việt Nam.
Điều 5.
Trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát biển (hướng dẫn khoản
1 Điều 17 của Quy chế)
1. Khi có yêu cầu, thông báo cho
Cục hàng hải Việt Nam các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng hoạt động
trên biển như: hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh vận tải biển, dịch vụ
hàng hải, an toàn sinh mạng người và tàu thuyền, trật tự an toàn giao thông
trên biển và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan đến lĩnh vực hàng
hải xảy ra trên các vùng biển Việt Nam. Trong trường hợp có vụ việc nghiêm trọng
về an toàn hàng hải thì kịp thời thông tin ngay cho Cục Hàng hải Việt Nam để phối
hợp giải quyết.
2. Triển khai kịp thời lực lượng,
phương tiện hỗ trợ khi có yêu cầu của lực lượng có liên quan thuộc Bộ Giao
thông vận tải nhằm ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh
vực hàng hải.
3. Khi có yêu cầu, phối hợp với
Cảng vụ hàng hải để tiến hành kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử phạt vi phạm
hành chính về hoạt động hàng hải theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực hàng hải, những quy định về bắt giữ tàu biển và các quy định
khác của pháp luật có liên quan.
4. Khi có yêu cầu, thông báo bằng
văn bản cho Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, Tổng Công ty bảo đảm
an toàn hàng hải miền Nam về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển liên quan đến
lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải trên vùng biển, vùng nước cảng biển Việt Nam
để công bố Thông báo hàng hải
5. Phối hợp với các lực lượng
thuộc Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện bảo vệ tài nguyên, phòng chống ô nhiễm
môi trường biển; tìm kiếm cứu nạn và khắc phục các sự cố trên biển; chống cướp
biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền.
6. Bàn giao hồ sơ, phương tiện,
tang vật và đối tượng những vụ vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân bị lực lượng
Cảnh sát biển bắt giữ thuộc thẩm quyền xử lý của lực lượng có liên quan thuộc Bộ
Giao thông vận tải.
7. Tiếp nhận đối tượng, hồ sơ,
phương tiện và tang vật những vụ vi phạm pháp luật do lực lượng thuộc Bộ Giao
thông vận tải chuyển giao thuộc thẩm quyền xử lý của lực lượng Cảnh sát biển.
8. Cục Cảnh sát biển chỉ đạo các
Vùng Cảnh sát biển phối hợp cụ thể với Thanh tra Hàng hải và Cảng vụ hàng hải
trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh
vực hàng hải.
Điều 6.
Trách nhiệm của các lực lượng có liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải
(hướng dẫn khoản 2 Điều 17 của Quy chế)
1. Khi có yêu cầu, Cục Hàng hải
Việt Nam thông báo cho lực lượng Cảnh sát biển các hành vi vi phạm pháp luật của
tổ chức, cá nhân như: hành vi vi phạm quy định về hoạt động hàng hải của tàu
thuyền và phương tiện trong phạm vi cảng biển và khu vực hàng hải; hoạt động
kinh doanh vận tải biển, dịch vụ hàng hải; tìm kiếm cứu nạn; trục vớt tài sản
chìm đắm ở biển; bảo đảm an toàn hàng hải và các hành vi vi phạm pháp luật khác
trong lĩnh vực hàng hải có liên quan đến trật tự, an toàn, an ninh hàng hải và
tìm kiếm, cứu nạn xảy ra trong cảng biển và khu vực hàng hải.
2. Khi có yêu cầu, Cục Hàng hải
Việt Nam, Thanh tra Hàng hải và Cảng vụ hàng hải phối hợp với lực lượng Cảnh
sát biển tiến hành kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính
trong lĩnh vực hàng hải theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các
vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các
quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Khi có yêu cầu, Cục đăng kiểm
Việt Nam phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển kiểm tra, giám định an toàn kỹ
thuật tàu thuyền.
4. Tổng Công ty bảo đảm an toàn
hàng hải miền Bắc, Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam thông báo bằng
văn bản cho lực lượng Cảnh sát biển các hành vi trộm cắp, xâm hại đến báo hiệu
hàng hải cũng như các thiết bị gắn trên báo hiệu hàng hải gây ảnh hưởng nghiêm
trọng đến an toàn hàng hải trên vùng biển, vùng nước cảng biển Việt Nam để xử
lý theo quy định của pháp luật.
5. Tàu thuyền của các lực lượng
có liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm thực hiện việc huy động
của lực lượng Cảnh sát biển trong tình thế cấp thiết phải đuổi bắt người và
phương tiện vi phạm pháp luật, cấp cứu người bị nạn, ứng phó với sự cố môi trường
nghiêm trọng xảy ra trên các vùng biển Việt Nam.
6. Bàn giao đối tượng, hồ sơ,
phương tiện và tang vật những vụ vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân bị lực
lượng thuộc Bộ Giao thông vận tải bắt giữ thuộc thẩm quyền xử lý của lực lượng
Cảnh sát biển.
7. Tiếp nhận hồ sơ, đối tượng,
phương tiện, tang vật những vụ vi phạm pháp luật về lĩnh vực hàng hải do lực lượng
Cảnh sát biển chuyển giao thuộc thẩm quyền xử lý của lực lượng thuộc Bộ Giao
thông vận tải.
8. Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo
các cơ quan đại diện và cơ quan trực thuộc phối hợp cụ thể với các Vùng Cảnh
sát biển để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực hàng hải.
Điều 7. Tổ
chức thực hiện
Giao Cục Cảnh sát biển, Cục Hàng
hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ
trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải
tổ chức triển khai thực hiện Thông tư liên tịch này.
Điều 8. Hiệu
lực thi hành
1. Thông tư liên tịch này có hiệu
lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Thông tư liên tịch số
156/2002/TTLT-BQP-BGTVT ngày 21/10/2002 của Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải
hướng dẫn phối hợp thực hiện quản lý nhà nước giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Giao
thông vận tải về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động
giữa lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng có liên quan thuộc Bộ Giao thông
vận tải trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam.
2. Trong quá trình thực hiện
phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về
Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải để xem xét, giải quyết./.
KT.
BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Hồng Trường
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung
|