BỘ QUỐC
PHÒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 88/2023/TT-BQP
|
Hà Nội,
ngày 22
tháng 11 năm 2023
|
THÔNG
TƯ
QUY
ĐỊNH MÀU SẮC, CỜ HIỆU, PHÙ HIỆU, TÍN HIỆU CỦA TÀU THUYỀN, MÁY BAY, XE - MÁY VÀ
PHƯƠNG TIỆN KHÁC CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG
Căn cứ Luật
Biên phòng Việt Nam năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 82/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính
phủ quy định quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân
Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 01/2022/NĐ-CP ngày
30 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và
cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Theo đề nghị của Tư lệnh Bộ đội Biên
phòng;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông
tư quy định màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu, tín hiệu của tàu thuyền, máy bay, xe -
máy và phương tiện khác của Bộ đội Biên phòng.
Chương I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh
Thông tư này quy định màu sắc, cờ hiệu,
phù hiệu của tàu thuyền, máy bay, xe - máy và phương tiện khác; tín hiệu ưu
tiên của tàu thuyền được quyền ưu tiên của Bộ đội Biên phòng; trách nhiệm của
các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp
dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ
quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc Bộ
đội Biên phòng được trang bị tàu thuyền, máy bay, xe - máy và phương tiện khác.
Điều 3. Giải thích từ
ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Tàu thuyền của Bộ đội Biên phòng là
các phương tiện hoạt động trên mặt nước, gồm: Tàu, thuyền, xuồng, ca nô, các
phương tiện nổi khác được trang bị phục vụ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới
quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn
và thực hiện nhiệm vụ khác.
2. Máy bay của Bộ đội Biên phòng là
phương tiện hoạt động trên không, gồm: Trực thăng vận tải và các thiết bị bay
khác được trang bị phục vụ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc
gia, giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và
thực hiện nhiệm vụ khác.
3. Xe - máy của Bộ đội Biên phòng là ô
tô, mô tô, moóc kéo, xe xích, trạm nguồn điện, xe chuyên dùng, xe vận tải được
trang bị phục vụ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh
trật tự ở khu vực biên giới; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và thực hiện nhiệm vụ
khác.
4. Phương tiện khác của Bộ đội Biên
phòng là các loại phương tiện không thuộc khoản 1, 2, 3 Điều này được trang bị
phục vụ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự ở
khu vực biên giới; tìm kiếm,
cứu hộ, cứu nạn và thực hiện nhiệm vụ khác.
5. Cờ hiệu của Bộ đội Biên phòng là dấu
hiệu nhận biết của phương tiện do cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng sử dụng
khi thực hiện nhiệm vụ.
6. Phù hiệu của Bộ đội Biên phòng là dấu hiệu
nhận biết được sơn, dán, kẻ, vẽ lên tàu thuyền, máy bay, xe - máy và phương tiện
khác của Bộ đội Biên phòng.
7. Tín hiệu ưu tiên là tín hiệu phát
ra theo quy định từ còi, đèn gắn trên tàu thuyền khi làm nhiệm vụ khẩn cấp;
tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Điều 4. Hành vi
nghiêm cấm
1. Lợi dụng, sử dụng, làm giả màu sắc,
cờ hiệu, phù hiệu, tín hiệu của tàu thuyền, máy bay, xe - máy và phương tiện
khác của Bộ đội Biên phòng vi phạm pháp luật và quy định của Bộ Quốc phòng, xâm phạm quyền và lợi ích
hợp pháp của tổ
chức, cá nhân.
2. Tự ý thay đổi nguyên trạng, tính
năng tác dụng; không tuân thủ quy trình, quy định về sử dụng màu sắc, cờ hiệu,
phù hiệu, tín hiệu của tàu thuyền, máy bay, xe - máy và phương tiện
khác của Bộ đội Biên phòng.
Chương II
MÀU
SẮC, CỜ HIỆU, PHÙ HIỆU, TÍN HIỆU CỦA TÀU THUYỀN, MÁY BAY, XE - MÁY VÀ PHƯƠNG TIỆN
KHÁC CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG
Điều 5. Màu sắc
1. Màu sắc của tàu thuyền
a) Tàu thuyền thực hiện nhiệm vụ quản
lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới:
Thân tàu thuyền (phần mạn khô), cabin sơn màu ghi sáng; mặt boong sơn màu xanh
lá cây; hai bên mạn khô sơn dòng chữ
“BIÊN PHÒNG VIỆT NAM -
VIETNAM BORDER GUARD”; hai bên mạn phía mũi sơn phù hiệu, số đăng ký cách phù
hiệu 30 cm; cỡ số và chữ bằng 1/4 chiều cao mạn khô, được bố trí cân đối; kiểu
số và chữ in hoa, phông tiếng Việt “VnHelventlnsH” màu vàng phản quang.
b) Tàu thuyền tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn:
Thân tàu thuyền (phần mạn khô) sơn màu da cam, cabin sơn màu trắng; mặt boong
sơn màu xanh lá cây; hai bên mạn khô sơn dòng chữ “BIÊN PHÒNG VIỆT NAM
- VIETNAM BORDER GUARD”; hai bên mạn phía mũi sơn phù hiệu, số đăng ký cách phù
hiệu 30 cm; cỡ số và chữ bằng 1/4 chiều cao mạn khô, được bố trí cân đối; kiểu
số và chữ in hoa, phông tiếng Việt “VnHelventlnsH” màu trắng.
c) Tàu thuyền bảo đảm hậu cần và thực
hiện các nhiệm vụ khác: Thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
(Chi tiết quy định tại Phụ lục I, ban hành kèm
theo Thông tư này).
2. Màu sắc máy bay
a) Thân máy bay: Thân phía dưới sơn màu xanh
lá cây (tính từ vạch dưới cửa sổ lồi của máy bay trở xuống phần bụng máy bay
cho tới sát cửa kính cabin khoang lái); thân phía trên sơn màu trắng (tính từ vạch
dưới cửa sổ lồi của máy bay trở lên phần lưng máy bay cho tới sát cửa kính
cabin khoang lái và phần cánh máy bay).
b) Đầu máy bay: Sơn phù hiệu của Bộ đội
Biên phòng, tính từ mép dưới cabin lái xuống sát mép bụng thân máy bay, kích
thước phù hiệu bằng 2/5 thân phía dưới (phần sơn màu xanh lá cây), số, ký hiệu
máy bay sơn cách phù hiệu 30 cm về phía đầu máy bay; sơn dòng chữ “BIÊN PHÒNG
VIỆT NAM” ở trên, “VIETNAM BORDER GUARD” ở dưới, chữ in hoa, phông tiếng Việt
“VnHelvetlnsH” màu vàng phản quang, cách phù hiệu 30 cm về phía đuôi máy bay;
kích thước số và chữ bằng 1/2 phù hiệu.
c) Cánh máy bay: Cánh chính, cánh đuôi
ngang và cánh đuôi đứng sơn màu trắng; cánh đuôi đứng phía trên sơn hình Quốc kỳ
Việt Nam, kích thước bằng 2/3 diện tích cánh đuôi đứng.
(Chi tiết quy định tại Phụ lục II, ban
hành kèm theo Thông tư này).
3. Màu sắc xe - máy và phương tiện
khác theo thực trạng trang bị.
Điều 6. Cờ hiệu
1. Cờ tuần tra Biên phòng được làm bằng
vải Polyester, hình tam giác vuông nền màu xanh lá cây, có tua màu vàng ở cạnh
góc vuông dài và cạnh huyền; hình quốc huy ở giữa phía trên hai hàng chữ “TUẦN
TRA BIÊN PHÒNG” và “BORDER PATROL” màu vàng, kiểu chữ in hoa, phông tiếng Việt
“VnHelvetlnsH”; kích thước cụ thể cho từng loại phương tiện như sau:
a) Loại dùng cho phương tiện thủy
Đối với tàu, thuyền: Cạnh góc vuông
dài 105 cm, cạnh góc vuông ngắn 70 cm; đường kính Quốc huy 20 cm, cỡ chữ cao 08
cm, mép dưới hàng chữ thứ hai “BORDER PATROL” cách mép dưới của cờ 05 cm, tua
màu vàng dài 3,5 cm; treo trên cột cao 180 cm ở mũi phương tiện.
Đối với xuồng, ca nô và các phương tiện
nổi khác: Cạnh góc vuông dài 60 cm, cạnh góc vuông ngắn 40 cm, đường
kính Quốc huy 16 cm, chữ cao 06 cm, mép dưới hàng chữ thứ hai
“BORDER PATROL” cách mép dưới của cờ 04 cm, tua màu vàng dài 2,5 cm; treo trên cột
cao 120 cm ở mũi phương tiện.
b) Loại dùng cho xe - máy, phương tiện
khác của Bộ đội Biên phòng: Cạnh góc vuông dài 37 cm, cạnh góc vuông ngắn 25
cm, ở giữa thêu hình Quốc huy, đường kính 6,5 cm, chữ cao 03 cm, mép dưới hàng
chữ thứ hai “BORDER PATROL” cách mép dưới của cờ 02 cm, tua màu vàng dài 02 cm;
treo trên cột cao 50 cm phía trước, bên trái theo chiều tiến của phương tiện.
(Chi tiết quy định tại Phụ lục III, ban hành kèm
theo Thông tư này).
2. Cờ hỏa tốc: Được làm bằng vải
Polyester, hình tam giác cân, nền màu xanh lá cây, cạnh dài 37 cm, cạnh đáy 23
cm; có tua màu vàng 02 cm ở hai cạnh bên tam giác cân; ở giữa thêu hình Quốc
huy, đường kính 09 cm, trên mũi tên màu vàng dài 20 cm hướng vào cạnh
đáy tam giác. Cờ được treo trên cột cao 50 cm phía trước, bên trái theo chiều
tiến của phương tiện và chỉ được dùng trong trường hợp làm nhiệm vụ khẩn cấp theo
quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng.
(Chi tiết quy định tại Phụ lục IV ban
hành kèm theo Thông tư này).
Điều 7. Phù hiệu
1. Hình khiên trên nền xanh lá cây,
chiều ngang bằng 2/3 chiều cao, ngoài viền đỏ, trong viền vàng; phía trên có
hình ngôi sao năm cánh màu vàng, ngay dưới ngôi sao là hai dòng chữ “BIÊN
PHÒNG VIỆT NAM” và “VIETNAM BORDER GUARD”, kiểu chữ in hoa, phông tiếng Việt
“VnHelvetlnsH” màu vàng; ở giữa có hình tròn nhỏ viền đỏ; bên trong là hình chiến
sĩ Biên phòng cưỡi ngựa, phía dưới là ba rãnh hình cánh sóng; dưới
phù hiệu có hình bông lúa, ở giữa phía dưới hai bông lúa có hình nửa bánh răng
màu vàng; chiều cao hình khiên cao bằng 2/5 chiều cao của vị trí sơn, dán trên
phương tiện.
(Chi tiết quy định tại Phụ lục V ban
hành kèm theo Thông tư này).
2. Cách bố trí phù hiệu
trên từng loại phương tiện
a) Đối với tàu thuyền, máy bay: Sơn
cách chữ “BIÊN PHÒNG VIỆT NAM - VIETNAM BORDER GUARD” 30 cm về phía mũi.
b) Đối với xe - máy và phương tiện
khác: Sơn hoặc chất liệu khác bố trí chính giữa hai bên sườn, phía trước phương tiện
(không áp dụng với mô tô).
Điều 8. Tín hiệu ưu
tiên của tàu thuyền
Tàu thuyền được gắn thiết bị và phát
tín hiệu ưu tiên khi làm nhiệm vụ khẩn cấp; tham gia tìm kiếm cứu hộ,
cứu nạn theo quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng.
Chương III
TRÁCH
NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
Điều 9. Bộ Tổng Tham
mưu
1. Chỉ đạo Cục Quân huấn:
a) Hướng dẫn Bộ đội Biên phòng rà soát
nhu cầu số lượng tàu thuyền cần điều chỉnh về màu sắc, phù hiệu; số lượng tàu
thuyền, thiết bị phát tín hiệu ưu tiên và giấy phép sử dụng; tổng hợp, báo cáo,
đề xuất theo quy định.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan,
đơn vị liên quan thẩm định đối với báo cáo, đề xuất của Bộ đội Biên phòng về
các nội dung được hướng dẫn tại điểm
a khoản 1 Điều này.
c) Phối hợp với các cơ quan chức năng
kiểm tra, chỉ đạo việc tổ chức, triển khai thực hiện quy định tại Thông tư này.
2. Chỉ đạo Cục Tiêu chuẩn - Đo lường -
Chất lượng:
Hướng dẫn đơn vị tổ chức kiểm định các
thiết bị phát tín hiệu ưu tiên bảo đảm chính xác, hiệu quả, an toàn.
Điều 10. Tổng cục Kỹ
thuật
1. Tổ chức bảo đảm, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa,
cấp, đổi, thu hồi
thiết bị phát tín hiệu ưu tiên theo quyết định của Bộ Tổng Tham mưu.
2. Phối hợp hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra Bộ đội Biên
phòng trong việc thực hiện các quy định của Thông tư này theo chức năng, nhiệm
vụ.
Điều 11. Bộ Tư lệnh Bộ
đội Biên phòng
1. Tổ chức rà soát, tổng hợp nhu cầu bảo
đảm kinh phí, thiết bị để thực hiện nội dung quy định tại Điều
5, Điều 6, Điều 7 Thông tư này; báo cáo Bộ Tổng Tham mưu
đề xuất Bộ Quốc phòng xem xét quyết định.
2. Định kỳ hằng năm, tổng hợp nhu cầu
sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, thay thế, làm mới màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu, thiết
bị phát tín hiệu ưu tiên của tàu thuyền, máy bay, xe - máy và phương tiện khác
báo cáo Bộ Tổng Tham mưu (qua Cục Quân huấn) xem xét, quyết định.
3. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các
cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, sử dụng màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu, thiết
bị phát tín hiệu ưu tiên của tàu thuyền, máy bay, xe - máy và phương tiện khác đúng
mục đích, quy định của pháp luật và Thông tư này.
Điều 12. Cục Tài
chính Bộ Quốc phòng
1. Chủ trì, hướng dẫn Bộ đội Biên
phòng, các cơ quan, đơn vị liên quan lập dự toán kinh phí để thực
hiện Thông tư này.
2. Bảo đảm kinh phí hằng
năm cho đơn vị theo dự toán ngân sách được Bộ Quốc phòng giao.
Chương IV
ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Điều khoản
chuyển tiếp
1. Giấy tờ có liên quan đến màu sắc của
tàu thuyền được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực phải đề xuất cấp, đổi lại
khi màu sắc của tàu thuyền thay đổi.
2. Trường hợp các cơ quan, đơn vị được
quy định tại Thông tư này có sự thay đổi về tên gọi nhưng không có sự thay đổi
về chức năng, nhiệm vụ thì trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đó được thực hiện
theo tên mới.
Điều 14. Hiệu lực thi
hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày 06 tháng 01 năm 2024.
2. Văn bản và nội dung sau đây hết hiệu
lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành
a) Quyết định số 838/QĐ-BQP ngày
21/6/1997 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về kiểu mẫu, màu sắc và quy định sử dụng
quân phục, biển tên đơn vị, quân kỳ của Bộ đội Biên phòng.
b) Nội dung quy định tại Mục
I, Mục II Phần B (Quy định số đăng ký tàu thuyền quân sự do Bộ Tư lệnh Bộ đội
Biên phòng quản lý) Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 32/2017/TT-BQP
ngày 24/01/2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định đăng ký, quản lý, sử dụng
tàu thuyền quân sự.
3. Cờ tuần tra và cờ công tác hỏa tốc
quy định tại khoản 5 Phụ lục III Điều lệnh quản lý bộ đội Quân đội Nhân dân Việt
Nam ban hành kèm theo Thông tư số 193/2011/TT-BQP ngày 23/11/2011 của Bộ trưởng
Bộ Quốc phòng không áp dụng đối với Bộ đội Biên phòng kể từ ngày Thông tư này
có hiệu lực thi hành.
Điều 15. Trách nhiệm
thi hành
1. Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh Bộ đội
Biên phòng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có trách
nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, tổng hợp báo cáo việc thực hiện Thông tư này./.
Nơi nhận:
-
Các đ/c Lãnh đạo Bộ Quốc phòng(08);
- Các cơ quan, đơn vị trực thuộc BQP(68);
- Bộ đội Biên phòng(02);
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL/Bộ Tư pháp;
-
Vụ
Pháp chế BQP;
- Cổng TTĐT của Chính phủ, BQP;
- Công báo;
- Lưu: VT, NCTH, BĐBP. Ng86.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương
|
PHỤ LỤC I
MẪU
CHỮ SƠN LÊN TÀU THUYỀN
(Kèm
theo Thông tư số 88/2023/TT-BQP ngày 22/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)
PHỤ
LỤC II
MẪU
CHỮ SƠN LÊN MÁY BAY
(Kèm
theo Thông tư số 88/2023/TT-BQP ngày 22/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)
PHỤ
LỤC III
MẪU
CỜ TUẦN TRA BIÊN PHÒNG
(Kèm
theo Thông tư số 88/2023/TT-BQP ngày 22/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)
1. Loại dùng cho phương tiện thủy:
Đối với các
loại tàu thuyền
|
Đối với xuồng,
ca nô
|
- Cạnh góc vuông dài: 105 cm.
- Cạnh góc vuông ngắn: 70 cm.
- Chữ TUẦN TRA BIÊN PHÒNG, BORDER
PATROL: 08 cm.
- Đường kính quốc huy: 20 cm.
|
- Cạnh góc vuông dài: 60 cm.
- Cạnh góc vuông ngắn: 40 cm.
- Chữ TUẦN TRA BIÊN PHÒNG, BORDER
PATROL: 06 cm.
- Đường kính quốc huy: 16 cm.
|
2. Loại dùng cho xe - máy và phương tiện
khác:
- Cạnh góc vuông dài: 37 cm.
- Cạnh góc vuông ngắn: 25 cm.
- Đường kính quốc huy: 6,5 cm.
- Chữ TUẦN TRA BIÊN PHÒNG,
BORDER PATROL: 03 cm.
PHỤ
LỤC IV
MẪU
CỜ HỎA TỐC
(Kèm
theo Thông tư số 88/2023/TT-BQP ngày 22/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)
- Cạnh dài: 37 cm.
- Cạnh đáy: 23 cm.
- Tua vàng: 02 cm.
- Đường kính quốc huy: 09 cm.
- Mũi tên: 20 cm.
PHỤ
LỤC V
MẪU
PHÙ HIỆU TRÊN CÁC LOẠI PHƯƠNG TIỆN
(Kèm
theo Thông tư số 88/2023/TT-BQP ngày 22/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)