BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
38/2022/TT-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 12 năm 2022
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH MÃ SỐ, TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VÀ XẾP
LƯƠNG VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH TÌM KIẾM CỨU NẠN HÀNG HẢI, THÔNG TIN AN NINH HÀNG
HẢI
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ,
công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm
2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm
2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và
lực lượng vũ trang; Nghị định số 17/2013/NĐ-CP
ngày 19 tháng 02 năm 2013 và Nghị định số
117/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một
số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP
ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ,
công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm
2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của
Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ
Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải ban hành Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp
lương viên chức chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn hàng hải, thông tin an ninh hàng
hải.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định mã số,
tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành tìm kiếm cứu
nạn hàng hải, thông tin an ninh hàng hải.
2. Thông tư này áp dụng đối với
viên chức chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn hàng hải, thông tin an ninh hàng hải tại
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, Trung tâm Thông tin an
ninh hàng hải và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều
2. Mã số các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn hàng
hải, thông tin an ninh hàng hải
1. Các chức danh nghề nghiệp
viên chức chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn hàng hải
a) Tìm kiếm cứu nạn hàng hải
hạng I
|
Mã số: V.12.45.01
|
b) Tìm kiếm cứu nạn hàng hải
hạng II
|
Mã số: V.12.45.02
|
c) Tìm kiếm cứu nạn hàng hải
hạng III
|
Mã số: V.12.45.03
|
2. Các chức danh nghề nghiệp
viên chức chuyên ngành thông tin an ninh hàng hải
a) Thông tin an ninh hàng hải
hạng I
|
Mã số: V.12.47.01
|
b) Thông tin an ninh hàng hải
hạng II
|
Mã số: V.12.47.02
|
c) Thông tin an ninh hàng hải
hạng III
|
Mã số: V.12.47.03
|
3. Thuyền viên tìm kiếm cứu nạn hàng hải
a) Thuyền trưởng
|
Mã số: V.12.46.01
|
b) Máy trưởng
|
Mã số: V.12.46.02
|
c) Đại phó
|
Mã số: V.12.46.03
|
d) Máy hai
|
Mã số: V.12.46.04
|
đ) Thuyền phó hai
|
Mã số: V.12.46.05
|
e) Máy ba
|
Mã số: V.12.46.06
|
g) Thuyền phó ba
|
Mã số: V.12.46.07
|
h) Máy tư
|
Mã số: V.12.46.08
|
i) Sỹ quan Kỹ thuật điện
|
Mã số: V.12.46.09
|
k) Thủy thủ trưởng
|
Mã số: V.12.46.10
|
l) Thợ máy
|
Mã số: V.12.46.11
|
m) Thợ kỹ thuật điện
|
Mã số: V.12.46.12
|
n) Thủy thủ
|
Mã số: V.12.46.13
|
o) Bác sĩ tàu
|
Mã số: V.12.46.14
|
p) Y tá tàu
|
Mã số: V.12.46.15
|
q) Nhân viên cứu nạn
|
Mã số: V.12.46.16
|
r) Phục vụ viên
|
Mã số: V.12.46.17
|
s) Cấp dưỡng
|
Mã số: V.12.46.18
|
Điều 3. Tiêu
chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp
1. Chấp hành các chủ trương, đường
lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
2. Trung thực, khách quan, có
tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao; thực hiện đúng và đầy đủ
các nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.
3. Có ý thức trau dồi đạo đức,
giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín nghề nghiệp; không lạm dụng vị trí công tác,
nhiệm vụ được phân công để trục lợi; đoàn kết, sáng tạo, tự nâng cao trình độ,
sẵn sàng tiếp thu, học hỏi kiến thức mới; có ý thức phối hợp, giúp đỡ đồng nghiệp,
chia sẻ kinh nghiệm trong công tác; tích cực tham gia nghiên cứu đề tài khoa học,
sáng kiến cải tiến kỹ thuật để phát triển nghề nghiệp và nâng cao trình độ.
Chương II
TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ
NGHIỆP
Điều 4. Tìm
kiếm cứu nạn hàng hải hạng I - Mã số: V.12.45.01
1. Nhiệm vụ:
a) Chủ trì tổ chức thực hiện
các nhiệm vụ chuyên môn thuộc phạm vi trách nhiệm của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm
cứu nạn hàng hải Việt Nam theo quy định của pháp luật;
b) Chủ trì nghiên cứu, đề xuất
xây dựng các chủ trương, chính sách, định hướng, kế hoạch phát triển, ứng dụng
khoa học và công nghệ trong phạm vi nhiệm vụ của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu
nạn hàng hải Việt Nam;
c) Chủ trì nghiên cứu, đề xuất
xây dựng quy định, quy chế, quy trình nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn hàng hải; biên
soạn các tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn hàng hải;
d) Chủ trì nghiên cứu, xây dựng
đề tài, đề án và các công trình nghiên cứu khoa học nhằm đổi mới, hoàn thiện cơ
chế quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phối hợp tìm
kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam;
đ) Tổ chức tuyên truyền, tập huấn,
bồi dưỡng, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn;
chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện và đề xuất các biện pháp, giải pháp
để thực hiện có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải;
e) Thực hiện các nhiệm vụ khác
được cấp có thẩm quyền giao.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo,
bồi dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học
trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc
làm;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo
tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn hàng hải.
3. Tiêu chuẩn về năng lực
chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Nắm vững chủ trương, đường lối,
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kiến thức quản lý về lĩnh vực tìm
kiếm cứu nạn hàng hải và các quy định của pháp luật về chế độ công vụ, viên chức,
chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam;
b) Nắm vững tình hình và xu thế
phát triển lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn hàng hải trong nước và thế giới; cập nhật
kịp thời những công nghệ hiện đại trong công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải của
thế giới; tổ chức nghiên cứu phục vụ công tác quản lý và xử lý thông tin;
c) Có năng lực đề xuất, tham
mưu hoạch định chính sách phát triển lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn hàng hải;
d) Có kỹ năng soạn thảo văn bản,
thuyết trình; giải quyết tốt các nhiệm vụ được giao;
đ) Có năng lực phân tích, tổng
hợp, hệ thống hóa và đề xuất được các phương pháp để hoàn thiện hoặc giải quyết
các vấn đề thực tiễn đang đặt ra thuộc phạm vi công tác;
e) Có năng lực tổ chức thực hiện
việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tiến và nâng cao chất lượng, hiệu
quả công tác trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn hàng hải;
g) Có kỹ năng sử dụng công nghệ
thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu
số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí
việc làm.
4. Tiêu chuẩn,
điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Tìm kiếm
cứu nạn hàng hải hạng I
Viên chức được đăng ký dự thi
hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải hạng I
khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 32
Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định
về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
a) Có thời gian giữ chức danh
nghề nghiệp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải hạng II và tương đương từ đủ 06 năm trở
lên. Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12
tháng) giữ chức danh nghề nghiệp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải hạng II tính đến
ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng;
b) Trong thời gian giữ hạng chức
danh nghề nghiệp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải hạng II và tương đương đã tham gia
xây dựng ít nhất 02 (hai) văn bản quy phạm pháp luật, đề tài, đề án, dự án,
sáng kiến cấp bộ, cấp ban, cấp ngành hoặc cấp tỉnh mà cơ quan sử dụng viên chức
được giao nghiên cứu, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm
thu.
Điều 5. Tìm
kiếm cứu nạn hàng hải hạng II - Mã số: V.12.45.02
1. Nhiệm vụ:
a) Chủ trì hoặc tham gia thực
hiện các nhiệm vụ chuyên môn thuộc phạm vi trách nhiệm của Trung tâm Phối hợp
tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam theo quy định của pháp luật;
b) Chủ trì hoặc tham gia nghiên
cứu, đề xuất, xây dựng các chủ trương, chính sách, định hướng, quy hoạch, kế hoạch
phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ trong phạm vi nhiệm vụ của Trung tâm
Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam;
c) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng
quy định, quy chế, quy trình nghiệp vụ chuyên ngành thuộc lĩnh vực được phân
công; biên soạn các tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn;
tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn
nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn;
d) Chủ trì hoặc tham gia nghiên
cứu xây dựng đề tài, đề án và các công trình nghiên cứu khoa học nhằm đổi mới,
hoàn thiện cơ chế quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Trung tâm
Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam;
đ) Trực tiếp theo dõi, kiểm tra
việc thực hiện hoạt động chuyên môn của lĩnh vực được phân công; xây dựng báo
cáo, thống kê, quản lý hồ sơ lưu trữ, thực hiện quy trình nghiệp vụ; tổng hợp,
đánh giá, hoàn thiện chính sách quản lý;
e) Tham mưu, đề xuất các biện
pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, năng lực kiểm tra, giám sát
trong lĩnh vực được phân công;
g) Thực hiện các nhiệm vụ khác
được cấp có thẩm quyền giao.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo,
bồi dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học
trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc
làm;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo
tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn hàng hải.
3. Tiêu chuẩn về năng lực
chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Nắm vững chủ trương, đường lối,
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kiến thức quản lý Nhà nước về lĩnh
vực chuyên môn của vị trí việc làm và các quy định của pháp luật về viên chức;
chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam;
b) Nắm vững tình hình và xu thế
phát triển lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn hàng hải trong nước và thế giới; cập nhật
kịp thời những công nghệ hiện đại trong công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải của
thế giới; tổ chức nghiên cứu phục vụ công tác quản lý và xử lý thông tin;
c) Có năng lực phân tích, tổng
hợp, hệ thống hóa và đề xuất được các phương pháp để hoàn thiện hoặc giải quyết
các vấn đề thực tiễn đang đặt ra thuộc phạm vi quản lý của Trung tâm Phối hợp
tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam;
d) Có năng lực triển khai công
việc bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả; có kỹ năng soạn thảo văn bản,
thuyết trình; giải quyết tốt các nhiệm vụ được giao;
đ) Có kỹ năng sử dụng công nghệ
thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu
số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí
việc làm.
4. Tiêu chuẩn,
điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Tìm kiếm
cứu nạn hàng hải hạng II
Viên chức được đăng ký dự thi
hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải hạng II
khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 32
Nghị định số 115/2020/NĐ-CP và các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
a) Có thời gian giữ chức danh
nghề nghiệp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải hạng III và tương đương từ đủ 09 năm trở
lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương
thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp Tìm kiếm cứu
nạn hàng hải hạng III tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc
xét thăng hạng;
b) Trong thời gian giữ hạng chức
danh nghề nghiệp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải hạng III và tương đương đã phải tham
gia xây dựng ít nhất 01 (một) văn bản quy phạm pháp luật, đề tài, đề án, dự án,
sáng kiến cấp bộ, cấp ban, cấp ngành hoặc cấp tỉnh mà cơ quan sử dụng viên chức
được giao nghiên cứu, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm
thu.
Điều 6. Tìm
kiếm cứu nạn hàng hải hạng III, Mã số: V.12.45.03
1. Nhiệm vụ:
a) Tham gia nghiên cứu, đề xuất
đối với các chủ trương, chính sách, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển,
ứng dụng khoa học và công nghệ trong phạm vi nhiệm vụ được giao; tham gia xây dựng
cơ chế, quy định chuyên ngành theo quy định của pháp luật, phù hợp với tình
hình thực tiễn;
b) Xây dựng kế hoạch, chương
trình cụ thể để triển khai nhiệm vụ được phân công; nghiên cứu giải quyết theo
thẩm quyền hoặc tham mưu trình cấp có thẩm quyền quyết định xử lý các vấn đề cụ
thể liên quan đến lĩnh vực được phân công;
c) Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc,
kiểm tra, giám sát và đề xuất các biện pháp để thực hiện các quy định hoặc quyết
định quản lý đạt kết quả;
d) Tham gia thu thập thông tin,
số liệu thống kê theo dõi người, phương tiện, trang thiết bị; quản lý đội tàu
chuyên trách, cơ sở hậu cần phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn; quản lý hồ sơ,
lưu trữ hồ sơ, tài liệu nhằm phục vụ công tác;
đ) Chủ động phối hợp với các
đơn vị liên quan và phối hợp với các viên chức khác triển khai công việc, đúng
thẩm quyền và trách nhiệm được giao;
e) Thực hiện các nhiệm vụ khác
được cấp có thẩm quyền giao.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo,
bồi dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học
trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc
làm;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo
tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn hàng hải.
3. Tiêu chuẩn về năng lực
chuyên môn, nghiệp vụ
a) Nắm vững chủ trương, đường lối,
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các chế độ chính sách của ngành,
lĩnh vực và các kiến thức cơ bản về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn hàng hải;
b) Hiểu rõ các mục tiêu và đối
tượng hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, hệ thống các nguyên tắc và cơ chế quản
lý của nghiệp vụ chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn hàng hải;
c) Nắm rõ quy trình xây dựng
các phương án, kế hoạch, các quyết định cụ thể và có kiến thức am hiểu về
ngành, lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn;
d) Có phương pháp nghiên cứu, tổng
kết và đề xuất, cải tiến nghiệp vụ; có năng lực triển khai công việc bảo đảm tiến
độ, chất lượng và hiệu quả;
đ) Am hiểu thực tiễn, nắm được
xu hướng phát triển của ngành, lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn;
e) Có kỹ năng soạn thảo văn bản;
giải quyết tốt các nhiệm vụ được giao;
g) Có kỹ năng sử dụng công nghệ
thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu
số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí
việc làm.
Điều 7.
Thông tin an ninh hàng hải hạng I - Mã số: V.12.47.01
1. Nhiệm vụ:
a) Chủ trì tổ chức thực hiện
nhiệm vụ chuyên môn thuộc phạm vi trách nhiệm của Trung tâm Thông tin an ninh
hàng hải theo quy định của pháp luật;
b) Chủ trì nghiên cứu, đề xuất
xây dựng các chủ trương, chính sách, định hướng, kế hoạch phát triển, ứng dụng
khoa học và công nghệ trong phạm vi nhiệm vụ của Trung tâm Thông tin an ninh
hàng hải theo quy định của pháp luật;
c) Chủ trì nghiên cứu xây dựng
quy định, quy chế, quy trình nghiệp vụ chuyên ngành về thông tin an ninh hàng hải;
biên soạn các tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ; triển khai hướng dẫn, kiểm
tra việc thực hiện công tác nghiệp vụ chuyên môn về tiếp nhận, xử lý và truyền
phát thông tin an ninh hàng hải;
d) Chủ trì nghiên cứu, xây dựng
đề tài, đề án và các công trình nghiên cứu khoa học nhằm đổi mới, hoàn thiện cơ
chế quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Thông tin an
ninh hàng hải;
đ) Chủ trì việc xây dựng hệ thống
công cụ tra cứu và tổ chức thực hiện các hình thức khai thác tài liệu;
e) Tổ chức tuyên truyền, tập huấn,
bồi dưỡng, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ thông tin an
ninh hàng hải đối với các tổ chức, cá nhân liên quan;
g) Thực hiện các nhiệm vụ khác
được cấp có thẩm quyền giao.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo,
bồi dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học
trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc
làm;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo
tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thông tin an ninh hàng
hải.
3. Tiêu chuẩn về năng lực
chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Nắm vững chủ trương, đường lối,
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kiến thức quản lý về lĩnh vực
thông tin an ninh hàng hải và các quy định của pháp luật về chế độ công vụ,
viên chức, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải;
b) Nắm vững tình hình và xu thế
phát triển của lĩnh vực thông tin an ninh hàng hải; cập nhật kịp thời những
công nghệ hiện đại trong công tác thông tin an ninh hàng hải của thế giới; tổ
chức nghiên cứu phục vụ công tác quản lý và xử lý thông tin;
c) Có năng lực đề xuất, tham
mưu chính sách phát triển lĩnh vực thông tin an ninh hàng hải;
d) Có kỹ năng soạn thảo văn bản,
thuyết trình; giải quyết tốt các nhiệm vụ được giao;
đ) Có năng lực phân tích, tổng
hợp, hệ thống hóa và đề xuất được các phương pháp để hoàn thiện hoặc giải quyết
các vấn đề thực tiễn đang đặt ra thuộc phạm vi công tác;
e) Có năng lực tổ chức thực hiện
việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tiến và nâng cao chất lượng, hiệu
quả công tác trong lĩnh vực thông tin an ninh hàng hải;
g) Có kỹ năng sử dụng công nghệ
thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu
số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí
việc làm.
4. Tiêu chuẩn,
điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Thông
tin an ninh hàng hải hạng I
Viên chức được đăng ký dự thi
hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Thông tin an ninh hàng hải hạng I
khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 32
Nghị định số 115/2020/NĐ-CP và các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
a) Có thời gian giữ chức danh
nghề nghiệp Thông tin an ninh hàng hải hạng II hoặc tương đương từ đủ 06 năm trở
lên. Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12
tháng) giữ chức danh nghề nghiệp Thông tin an ninh hàng hải hạng II tính đến
ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
b) Trong thời gian giữ hạng chức
danh nghề nghiệp Thông tin an ninh hàng hải hạng II và tương đương đã tham gia
xây dựng ít nhất 02 (hai) văn bản quy phạm pháp luật, đề tài, đề án, dự án,
sáng kiến cấp bộ, cấp ban, cấp ngành hoặc cấp tỉnh mà cơ quan sử dụng viên chức
được giao nghiên cứu, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm
thu.
Điều 8.
Thông tin an ninh hàng hải hạng II, Mã số: V.12.47.02
1. Nhiệm vụ:
a) Chủ trì hoặc tham gia thực
hiện nhiệm vụ chuyên môn thuộc phạm vi trách nhiệm của Trung tâm Thông tin an
ninh hàng hải theo quy định của pháp luật;
b) Chủ trì hoặc tham gia nghiên
cứu, đề xuất, xây dựng các chủ trương, chính sách, định hướng, quy hoạch, kế hoạch
phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ trong phạm vi nhiệm vụ của Trung tâm
Thông tin an ninh hàng hải;
c) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng
quy định, quy chế, quy trình nghiệp vụ về công tác thông tin an ninh hàng hải;
biên soạn các tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ; tuyên truyền, tập huấn,
bồi dưỡng, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ thông tin an
ninh hàng hải;
d) Chủ trì hoặc tham gia nghiên
cứu xây dựng đề tài, đề án về quản lý nghiệp vụ, cải tiến nội dung và nâng cao
hiệu quả phương pháp quản lý;
đ) Chủ trì hoặc tham gia tổ chức
triển khai thực hiện các hoạt động diễn tập, thực tập kết nối thông tin an ninh
hàng hải; báo cáo, thống kê, quản lý hồ sơ lưu trữ; tổng hợp, đánh giá, hoàn
thiện chính sách quản lý;
e) Trực tiếp thực hiện, hướng dẫn,
theo dõi, kiểm tra việc thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ; đề xuất các biện
pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực kiểm tra, giám
sát trong lĩnh vực thông tin an ninh hàng hải;
g) Thực hiện các nhiệm vụ khác
được cấp có thẩm quyền giao.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo,
bồi dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học
trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc
làm;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo
tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thông tin an ninh hàng
hải.
3. Tiêu chuẩn về năng lực
chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Nắm vững chủ trương, đường lối,
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kiến thức quản lý về lĩnh vực
thông tin an ninh hàng hải và các quy định của pháp luật về chế độ công vụ,
viên chức, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải;
b) Nắm được tình hình và xu thế
phát triển lĩnh vực thông tin an ninh trong nước và thế giới; tổ chức nghiên cứu
phục vụ công tác quản lý và xử lý thông tin;
c) Có năng lực tổ chức hướng dẫn,
thực hiện các quy định thuộc lĩnh vực thông tin an ninh hàng hải; thực hiện, đề
xuất các biện pháp xử lý thông tin kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực
tiễn;
d) Có kỹ năng soạn thảo văn bản,
thuyết trình; quyết tốt các nhiệm vụ được giao;
e) Có kỹ năng sử dụng công nghệ
thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu
số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí
việc làm.
4. Tiêu chuẩn,
điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Thông
tin an ninh hàng hải hạng II
Viên chức được đăng ký dự thi
hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Thông tin an ninh hàng hải hạng
II khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 32
Nghị định số 115/2020/NĐ-CP và các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
a) Có thời gian giữ chức danh
nghề nghiệp Thông tin an ninh hàng hải hạng III hoặc tương đương từ đủ 09 năm
trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương
đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp Thông
tin an ninh hàng hải hạng III tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự
thi hoặc xét thăng hạng;
b) Trong thời gian giữ hạng chức
danh nghề nghiệp Thông tin an ninh hàng hải hạng III và tương đương đã tham gia
xây dựng ít nhất 01 (một) văn bản quy phạm pháp luật, đề tài, đề án, dự án,
sáng kiến cấp bộ, cấp ban, cấp ngành hoặc cấp tỉnh mà cơ quan sử dụng viên chức
được giao nghiên cứu, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm
thu.
Điều 9.
Thông tin an ninh hàng hải hạng III, Mã số: V.12.47.03
1. Nhiệm vụ:
a) Tham gia nghiên cứu, đề xuất
đối với các chủ trương, chính sách, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển,
ứng dụng khoa học và công nghệ trong phạm vi nhiệm vụ được giao; tham gia xây dựng
quy định chuyên ngành theo quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực
tiễn;
b) Xây dựng kế hoạch, chương
trình cụ thể để triển khai nhiệm vụ được phân công; nghiên cứu giải quyết theo
thẩm quyền hoặc tham mưu trình cấp có thẩm quyền quyết định xử lý các vấn đề cụ
thể liên quan đến lĩnh vực được phân công;
c) Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc,
kiểm tra và đề xuất các biện pháp để thực hiện các quy định hoặc quyết định đạt
kết quả;
d) Tham gia diễn tập, thực tập
kết nối, bồi dưỡng huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ về tiếp nhận, xử lý và truyền
phát thông tin an ninh hàng hải; quản lý hồ sơ, lưu trữ hồ sơ, tài liệu nhằm phục
vụ công tác;
đ) Chủ động phối hợp với các
đơn vị liên quan và phối hợp với các viên chức khác triển khai công việc, làm
đúng thẩm quyền và trách nhiệm được giao;
e) Thực hiện các nhiệm vụ khác
khi được cấp có thẩm quyền giao.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo,
bồi dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học
trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc
làm;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo
tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thông tin an ninh hàng
hải.
3. Tiêu chuẩn về năng lực
chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Nắm vững chủ trương, đường lối,
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các chế độ chính sách của ngành,
lĩnh vực và các kiến thức cơ bản về lĩnh vực thông tin an ninh hàng hải;
b) Hiểu rõ các mục tiêu và đối
tượng hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, hệ thống các nguyên tắc và cơ chế quản
lý của nghiệp vụ chuyên ngành thông tin an ninh hàng hải;
c) Nắm rõ quy trình xây dựng
các phương án, kế hoạch, các quyết định cụ thể và có kiến thức am hiểu về
ngành, lĩnh vực thông tin an ninh, an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi
trường;
d) Có phương pháp nghiên cứu, tổng
kết và đề xuất, cải tiến nghiệp vụ; có năng lực triển khai công việc bảo đảm tiến
độ, chất lượng và hiệu quả;
đ) Am hiểu thực tiễn, nắm được
xu hướng phát triển của ngành, lĩnh vực thông tin an ninh hàng hải; nắm được kiến
thức và kỹ năng cơ bản về hoạt động thông tin an ninh hàng hải;
e) Thực hiện nguyên tắc bảo mật
thông tin, tài liệu về thông tin an ninh hàng hải;
g) Có kỹ năng soạn thảo văn bản;
giải quyết tốt các nhiệm vụ được giao;
h) Có kỹ năng sử dụng công nghệ
thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu
số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí
việc làm.
Điều 10.
Thuyền viên tìm kiếm cứu nạn hàng hải
1. Nhiệm vụ:
Thuyền viên tìm kiếm cứu nạn
hàng hải thực hiện nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên làm việc trên tàu biển
Việt Nam theo quy định của pháp luật chuyên ngành và các nhiệm vụ sau:
a) Quản lý, khai thác phương tiện
tìm kiếm cứu nạn theo quy định của pháp luật;
b) Đảm bảo phương tiện tìm kiếm
cứu nạn có đủ các điều kiện an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô
nhiễm môi trường cần thiết, phù hợp với tiêu chuẩn chuyên môn, các quy định về
trang thiết bị, vỏ tàu, dự trữ, thuyền viên và các vấn đề khác có liên quan đến
an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho phương
tiện và người ở trên tàu trước và trong khi tàu đang hành trình;
c) Thường trực, sẵn sàng thực
hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển theo chỉ đạo, chỉ huy, phân công nhiệm
vụ của cấp có thẩm quyền;
d) Tham gia với các lực lượng
chức năng trong công tác bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và góp phần
bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam khi được yêu cầu; tham gia phòng cháy, chữa
cháy, phòng ngừa ô nhiễm môi trường trên biển khi có yêu cầu; thực hiện mẫn cán
các nhiệm vụ, chức trách được giao theo đúng lương tâm nghề nghiệp;
đ) Phối hợp, hỗ trợ các chức
danh nghề nghiệp khác của cảng vụ hàng hải trong việc triển khai thực hiện chức
trách, nhiệm vụ theo quy định tại cảng biển và khu vực quản lý được giao.
2. Ngoài nhiệm vụ nêu tại khoản
1 Điều này, các chức danh nghề nghiệp Thuyền viên tìm kiếm cứu nạn hàng hải còn
thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
a) Nhân viên cứu nạn: sẵn sàng
và tham gia việc điều khiển xuồng cứu sinh, cứu nạn; giữ vai trò chủ yếu trong
việc bơi, lặn trên biển để tìm kiếm cứu người bị nạn;
b) Y tá tàu: trợ giúp chức danh
nghề nghiệp Bác sĩ tàu trong công tác tiếp nhận, cấp cứu, điều trị người bị nạn;
theo dõi kiểm tra sức khỏe bệnh nhân, bảo quản thi hài người chết trên tàu; quản
lý trang thiết bị, thuốc men phục vụ chuyến đi theo quy định;
c) Phục vụ viên: dọn dẹp vệ
sinh trên tàu đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh lao động theo quy định của pháp
luật.
3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo,
bồi dưỡng:
a) Có trình độ đào tạo và giấy
chứng nhận khả năng chuyên môn, giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phù hợp với
chức danh, phương tiện theo quy định của pháp luật;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo
tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn hàng hải;
c) Đáp ứng tiêu chuẩn về sức khỏe
đối với thuyền viên theo quy định của pháp luật;
d) Có chứng chỉ bơi, lặn biển;
chứng chỉ lái xuồng cứu sinh, cứu nạn (áp dụng đối với chức danh nghề nghiệp
Nhân viên cứu nạn);
đ) Đáp ứng tiêu chuẩn về trình
độ đào tạo, bồi dưỡng đối với Bác sĩ theo quy định của Bộ Y tế; có chứng chỉ Huấn
luyện nghiệp vụ an toàn cơ bản (áp dụng đối với chức danh nghề nghiệp Bác sĩ);
e) Đáp ứng tiêu chuẩn về trình
độ đào tạo, bồi dưỡng đối với Y tá theo quy định của Bộ Y tế; có chứng chỉ Huấn
luyện nghiệp vụ an toàn cơ bản (áp dụng đối với chức danh nghề nghiệp Y tá);
g) Có chứng chỉ sơ cấp nghề cấp
dưỡng trở lên; có chứng chỉ Huấn luyện nghiệp vụ an toàn cơ bản (áp dụng đối với
chức danh nghề nghiệp Cấp dưỡng);
h) Tốt nghiệp Trung học phổ
thông trở lên; có chứng chỉ Huấn luyện nghiệp vụ an toàn cơ bản (áp dụng đối với
chức danh nghề nghiệp Phục vụ viên).
4. Tiêu chuẩn về năng lực
chuyên môn, nghiệp vụ:
Thuyền viên tìm kiếm cứu nạn
hàng hải tùy theo chức danh làm việc trên phương tiện tìm kiếm cứu nạn phải đáp
ứng các tiêu chuẩn như sau:
a) Nắm vững chủ trương, đường lối,
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của quốc tế, pháp luật Việt
Nam liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao; quy định đối với viên chức; kiến
thức cơ bản về lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn hàng hải;
b) Hiểu rõ các mục tiêu và đối
tượng hoạt động trong lĩnh vực giao thông hàng hải, các nguyên tắc, quy trình,
quy định liên quan chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn hàng hải;
c) Có kiến thức, hiểu biết về
ngành, lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng
ngừa ô nhiễm môi trường;
d) Am hiểu, biết rõ đặc điểm
phương tiện tìm kiếm cứu nạn, kỹ thuật điều động, vận hành phương tiện tìm kiếm
cứu nạn;
đ) Nắm vững nghiệp vụ tìm kiếm
phương tiện, người bị nạn, phương pháp cấp cứu người bị nạn;
e) Đối với chức danh nghề nghiệp
Nhân viên cứu nạn: có kỹ năng điều khiển xuồng cứu sinh, cứu nạn, kỹ năng bơi,
lặn tốt trên biển;
g) Đối với chức danh nghề nghiệp
Bác sĩ tàu, Y tá tàu: theo vị trí yêu cầu có kiến thức khoa học cơ bản, y học
cơ sở; kiến thức về phỏng đoán, phòng và điều trị bệnh; nắm vững pháp luật và
chính sách về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe; kỹ năng chẩn đoán, xử trí, theo dõi
và dự phòng các bệnh thường gặp và cấp cứu thông thường; có khả năng làm việc
trong điều kiện sóng, gió;
h) Đối với chức danh nghề nghiệp
Cấp dưỡng: nắm vững quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo đảm chế độ ăn uống
cho thuyền viên và người bị nạn trên tàu; có khả năng làm việc trong điều kiện
sóng, gió;
i) Đối với chức danh nghề nghiệp
Phục vụ viên: nắm vững quy định về an toàn vệ sinh lao động; có khả năng làm việc
trong điều kiện sóng, gió.
Chương
III
XẾP LƯƠNG CHỨC DANH NGHỀ
NGHIỆP VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH TÌM KIẾM CỨU NẠN HÀNG HẢI, THÔNG TIN AN NINH HÀNG
HẢI
Điều 11.
Nguyên tắc xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tìm kiếm cứu
nạn hàng hải, thông tin an ninh hàng hải
1. Việc bổ nhiệm, xếp lương chức
danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn hàng hải, thông tin an
ninh hàng hải phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ và chuyên
môn nghiệp vụ đang đảm nhận và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại
Thông tư này.
2. Khi chuyển xếp vào chức danh
nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn hàng hải, thông tin an ninh
hàng hải tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh
nghề nghiệp viên chức.
Điều 12. Xếp
lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn hàng hải,
thông tin an ninh hàng hải
1. Kể từ ngày Thông tư này có
hiệu lực, trường hợp viên chức chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm chức
danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn hàng hải, thông tin an
ninh hàng hải theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10 Thông tư này thì thực hiện như sau:
a) Nếu viên chức còn thời hạn
dưới 05 năm (60 tháng) công tác tính đến thời điểm nghỉ hưu thì tiếp tục được
giữ ngạch hoặc hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và xếp lương theo ngạch hiện
hưởng;
b) Nếu viên chức còn thời hạn từ
05 năm (60 tháng) công tác trở lên, trong thời hạn 03 năm (36 tháng) cơ quan sử
dụng viên chức có trách nhiệm bố trí để viên chức học tập đảm bảo đủ tiêu chuẩn
của hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn hàng hải,
thông tin an ninh hàng hải theo quy định tại Thông tư này. Sau thời gian quy định
tại điểm này, nếu viên chức không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư
này thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập xem xét bố trí công việc khác
phù hợp hoặc giải quyết chế độ chính sách theo quy định.
2. Các chức danh nghề nghiệp
tìm kiếm cứu nạn hàng hải, chức danh nghề nghiệp thông tin an ninh hàng hải quy
định tại Thông tư này được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán
bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm
theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14
tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức,
viên chức và lực lượng vũ trang, như sau:
a) Chức danh nghề nghiệp Tìm kiếm
cứu nạn hàng hải hạng I, Thông tin an ninh hàng hải hạng I được áp dụng hệ số
lương viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương
8,00;
b) Chức danh nghề nghiệp Tìm kiếm
cứu nạn hàng hải hạng II, Thông tin an ninh hàng hải hạng II được áp dụng hệ số
lương viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương
6,78;
c) Chức danh nghề nghiệp Tìm kiếm
cứu nạn hàng hải hạng III, Thông tin an ninh hàng hải hạng III được áp dụng hệ
số lương viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
3. Việc xếp lương viên chức
chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn hàng hải, chuyên ngành thông tin an ninh hàng hải
đối với những người đang xếp lương ở các ngạch công chức, viên chức hiện giữ
sang chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn hàng hải, chuyên ngành thông tin an ninh
hàng hải quy định tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm
2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại
công chức, viên chức, cụ thể như sau:
a) Xếp lương chức danh nghề
nghiệp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải hạng I, mã số V.12.45.01 đối với viên chức
đang xếp lương loại A3, nhóm 1 (A3.1);
b) Xếp lương chức danh nghề
nghiệp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải hạng II, mã số V.12.45.02 đối với viên chức
đang xếp lương loại A2, nhóm 1 (A2.1);
c) Xếp lương chức danh nghề
nghiệp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải hạng III, mã số V.12.45.03 đối với viên chức
đang xếp lương loại A1;
d) Xếp lương chức danh nghề
nghiệp Thông tin an ninh hàng hải hạng I, mã số V.12.47.01 đối với viên chức
đang xếp lương loại A3, nhóm 1 (A3.1);
đ) Xếp lương chức danh nghề nghiệp
Thông tin an ninh hàng hải hạng II, mã số V.12.47.02 đối với viên chức đang xếp
lương loại A2, nhóm 1 (A2.1);
e) Xếp lương chức danh nghề
nghiệp Thông tin an ninh hàng hải hạng III, mã số V.12.47.03 đối với viên chức
đang xếp lương loại A1.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13.
Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2023.
2. Trường hợp các văn bản quy
phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế
thì thực hiện theo quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Điều 14. Tổ
chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh
tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ
quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Bộ trưởng Bộ GTVT;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, TCCB.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Xuân Sang
|