BỘ CÔNG AN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 17/2024/TT-BCA
|
Hà Nội,
ngày 15 tháng 5 năm 2024
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT CĂN CƯỚC
Căn cứ Luật Căn
cước ngày 27 tháng 11 năm 2023;
Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06
tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ
cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát quản
lý hành chính về trật tự xã hội;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy
định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật
Căn cước.
Chương I
NHỮNG QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết
và biện pháp thi hành về hình thức thể hiện căn cước điện tử; nội dung thể hiện
trên thẻ căn cước đối với thông tin về nơi cư trú; nội dung thể hiện trên thẻ
căn cước đối với trường hợp không có hoặc không thu nhận được đầy đủ thông tin
về nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo; tổ chức thu
nhận hồ sơ cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước lưu động trong trường hợp cần
thiết; thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia; biểu mẫu sử dụng trong
cấp, quản lý căn cước; biểu mẫu sử dụng trong thu thập, cập nhật, điều chỉnh,
tích hợp, xác nhận, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư,
Cơ sở dữ liệu căn cước; trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong
công tác cấp, quản lý căn cước.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
1. Công an
các đơn vị, địa phương.
2. Sĩ quan, hạ
sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân.
3. Cơ quan,
tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác cấp, quản lý căn cước.
Chương
II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Hình
thức thể hiện căn cước điện tử
1. Căn cước điện tử được thể hiện dưới dạng hình ảnh
thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước công dân còn hiệu lực và thông tin khác được lưu
trữ, tích hợp vào căn cước điện tử được thể hiện dưới dạng ký tự. Căn cước điện
tử được cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an tạo lập ký hiệu riêng để xác
thực bảo đảm tính chính xác, toàn vẹn theo quy định của pháp luật về giao dịch
điện tử.
2. Căn cước điện tử được truy cập, sử dụng thông qua
tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia; được cập nhật đầy
đủ, kịp thời thông tin có liên quan đến việc cấp, quản lý, tích hợp thông tin
trên thẻ căn cước.
Điều
4. Nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đối với thông tin về nơi cư trú
1. Thông tin
nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi thường trú của người
được cấp thẻ căn cước.
2. Trường hợp
người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú nhưng
có nơi tạm trú thì thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin
nơi tạm trú của người được cấp thẻ.
3. Trường hợp
người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú, nơi
tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thì thông tin
nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi ở hiện tại của người
được cấp thẻ.
4. Trường hợp
người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có thông tin về nơi cư
trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cơ quan quản lý căn cước có
trách nhiệm hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký
tạm trú hoặc khai báo thông tin về cư trú. Đối với
công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, không có nơi cư trú tại Việt Nam thì
thông tin về nơi cư trú trên thẻ căn cước thể hiện là địa chỉ cư trú ở nước
ngoài (ghi rõ phiên âm bằng tiếng Việt).
Điều
5. Nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đối với trường hợp không có hoặc không
thu nhận được đầy đủ thông tin về nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, quê quán,
dân tộc, tôn giáo
1. Trường hợp
thông tin về nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, quê quán trên thẻ căn cước chưa
có hoặc chưa đầy đủ địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh thì cơ quan
quản lý căn cước yêu cầu công dân cung cấp giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm
quyền cấp thể hiện đầy đủ các thông tin đó để thực hiện thu thập, cập nhật, điều
chỉnh vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Trường hợp
giấy tờ, tài liệu do người dân cung cấp thể hiện không đầy đủ địa danh hành
chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh thì cơ quan quản lý căn cước đề nghị công dân
cung cấp thông tin và có văn bản cam kết, chịu trách nhiệm đối với các thông
tin về nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, quê quán đã cung cấp. Cơ quan quản lý
căn cước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý hộ tịch, cơ quan khác có
liên quan kiểm tra, xác minh bảo đảm tính chính xác, thống nhất trước khi thu
thập, cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu
căn cước.
2. Trường hợp
thông tin về dân tộc, tôn giáo trên thẻ căn cước chưa có hoặc đã được thu thập
nhưng công dân đề nghị cập nhật, điều chỉnh thì cơ quan quản lý căn cước có
trách nhiệm cập nhật, điều chỉnh theo quy định tại Điều 10 Luật
Căn cước.
Thông tin dân
tộc, tôn giáo được cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư,
Cơ sở dữ liệu căn cước phải thuộc danh mục dân tộc, tôn giáo được cấp có thẩm
quyền ban hành hoặc công nhận.
Điều 6. Tổ
chức thu nhận hồ sơ cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn
cước lưu động trong trường hợp cần thiết
1. Cơ quan quản lý căn cước tổ chức
làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước tại
địa chỉ của cơ quan, tổ chức khác khi có văn bản đề nghị và cơ quan quản lý căn
cước có đủ điều kiện về phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực thực
hiện.
2. Cơ quan quản lý căn cước tổ chức
làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước tại
Công an cấp xã hoặc chỗ ở của người dân đối với trường hợp người già yếu, bệnh
tật, tai nạn, khuyết tật và trường hợp đặc biệt khác khi cơ quan quản lý căn
cước có đủ điều kiện về phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực thực
hiện.
Điều 7. Thỏa
thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia
1. Cơ quan, tổ chức,
cá nhân sử dụng ứng dụng định danh quốc gia có trách nhiệm:
a) Cung cấp đầy đủ,
chính xác dữ liệu về cơ quan, tổ chức, cá nhân khi đồng ý sử dụng ứng dụng định
danh quốc gia;
b) Không sử dụng
tài khoản định danh điện tử, căn cước điện tử vào hoạt động, giao dịch trái quy
định của pháp luật, xâm phạm đến an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích
công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;
c) Không được can thiệp trái phép vào
hoạt động của ứng dụng định danh quốc gia;
d) Tuân thủ hướng dẫn sử dụng ứng dụng
định danh quốc gia do cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an ban hành.
2. Cơ quan quản lý
căn cước của Bộ Công an có trách nhiệm:
a) Áp dụng các biện pháp bảo mật, bảo
đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu do cơ quan, tổ chức, cá nhân
cung cấp trong quá trình phát triển, quản lý ứng dụng định danh quốc gia theo quy
định của pháp luật;
b) Chỉ sử dụng dữ liệu do cơ quan, tổ
chức, cá nhân cung cấp khi sử dụng ứng dụng định danh quốc gia đúng với phạm
vi, mục đích, chức năng, nhiệm vụ được giao;
c) Thông báo
cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ứng dụng định danh quốc gia biết về hoạt
động liên quan tới xử lý dữ liệu của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định
khác.
Điều 8. Biểu mẫu
sử dụng trong cấp, quản lý căn cước
1. Phiếu thu nhận
thông tin căn cước (ký hiệu là CC01)
Phiếu thu nhận thông
tin căn cước được cơ quan quản lý căn cước nơi tiếp nhận hồ sơ cấp, cấp đổi,
cấp lại thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước tạo lập trên cơ sở
trích xuất thông tin của công dân, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc
tịch đang sinh sống tại Việt Nam (sau đây gọi là người gốc Việt Nam chưa xác
định được quốc tịch) trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn
cước khi thực hiện thủ tục.
2. Giấy hẹn trả kết
quả giải quyết thủ tục về căn cước (ký hiệu là CC02)
Giấy hẹn trả kết quả
giải quyết thủ tục về căn cước do cơ quan quản lý căn cước nơi tiếp nhận hồ sơ tạo lập cấp cho công
dân, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch để hẹn ngày trả kết quả
giải quyết thủ tục về căn cước.
3. Thông báo về việc
từ chối giải quyết thủ tục về căn cước (ký hiệu là CC03)
Thông báo về việc từ
chối giải quyết thủ tục về căn cước do cơ quan quản lý căn cước nơi tiếp nhận
hồ sơ lập để thông báo cho công dân, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc
tịch về việc từ chối giải quyết thủ tục về căn cước.
4. Giấy xác nhận số
chứng minh nhân dân 09 số, số định danh cá nhân (ký hiệu là CC04)
Giấy xác nhận số
chứng minh nhân dân 09 số, số định danh cá nhân được cơ quan quản lý căn cước
hoặc Công an cấp xã cấp cho công dân để xác nhận thông tin số chứng minh nhân
dân 09 số với số định danh cá nhân; số định danh cá nhân đã hủy với số định
danh cá nhân đã xác lập lại.
5. Biên bản về việc
thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước (ký hiệu là CC05)
Biên bản về việc thu
hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước do cơ quan có thẩm quyền thu hồi lập
đối với các trường hợp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước bị thu hồi theo quy
định.
Điều 9. Biểu mẫu
sử dụng trong thu thập, cập nhật, điều chỉnh, tích hợp, xác nhận, khai thác
thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước
1. Phiếu thu thập
thông tin dân cư (ký hiệu là DC01)
Phiếu thu thập thông
tin dân cư được dùng cho công dân, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc
tịch kê khai thông tin để thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân
cư.
2. Phiếu đề nghị giải
quyết thủ tục về căn cước (ký hiệu là DC02)
Phiếu đề nghị giải
quyết thủ tục về căn cước được sử dụng khi công dân, người gốc Việt Nam chưa
xác định được quốc tịch thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước;
xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 09 số, số định danh cá nhân; hủy, xác
lập lại số định danh cá nhân; khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia
về dân cư; khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước; điều chỉnh thông
tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp thông tin vào thẻ căn
cước; thu thập, cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
3. Phiếu cung cấp
thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước (ký
hiệu là DC03)
Phiếu cung cấp thông
tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước do cơ quan
quản lý căn cước hoặc Công an cấp xã cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị
khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn
cước.
Điều
10. Quản lý, sử dụng biểu mẫu
1. Các biểu mẫu CC01, CC02,
CC03, CC04, CC05, DC01, DC02, DC03 in trên
khổ giấy 210 mm x 297 mm (A4), in bằng mực đen trên nền giấy trắng.
2. Các biểu mẫu CC01, CC02,
CC03, CC04, DC03 được tích hợp trong phần mềm hệ thống Cơ sở
dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước và in trực tiếp từ máy tính
để sử dụng. Mẫu được in, sử dụng đã bao gồm các thông tin được trích xuất từ Cơ
sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước. Đối với biểu mẫu có số
thì số của biểu mẫu đó được cơ quan quản lý căn cước ghi theo thứ tự tăng dần,
bắt đầu từ số 01 vào ngày đầu tiên của năm và kết thúc vào ngày 31 tháng 12
hàng năm.
3. Theo nhu cầu,
cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể yêu cầu cơ quan quản lý căn cước cấp bản điện
tử, bản sao điện tử kết quả giải quyết thủ tục về căn cước (bao gồm biểu mẫu CC04, DC03) theo quy
định của pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Điều 11.
Trách nhiệm của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội
1. Tham mưu xây dựng và
trình Bộ trưởng Bộ Công an ban hành văn bản quy phạm pháp luật về căn cước, Cơ
sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước theo thẩm quyền.
2. Giúp Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo,
hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra Công an các đơn vị, địa phương thực hiện các quy
định về cấp, quản lý thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; thu thập, cập
nhật, điều chỉnh, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ
liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, Hệ thống định danh và xác thực
điện tử.
3. Tổ chức sản xuất, quản lý thống
nhất thẻ căn cước; phối hợp với Cục Kế hoạch và tài chính, Cục Trang bị và kho
vận, Viện Khoa học và công nghệ và các đơn vị liên quan để bảo đảm kinh phí sản
xuất, quản lý thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước, vật tư, trang thiết bị, biểu
mẫu phục vụ công tác cấp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước.
4. Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố
cáo và xử lý vi phạm liên quan đến công tác cấp, quản lý thẻ căn cước, giấy
chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật.
5. Thực hiện hợp tác quốc tế trong
công tác liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn
cước; cấp, quản lý thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước.
6. Sơ kết, tổng kết,
thống kê về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; cấp, quản
lý thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước.
Điều 12.
Trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an
1. Cục Kế hoạch và tài chính có trách
nhiệm chủ
trì, phối
hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội bố trí kinh phí
thường xuyên,
đột xuất
phục vụ duy trì hoạt động của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu
căn cước;
cấp,
quản lý thẻ căn cước, giấy chứng
nhận căn cước.
2. Cục Công nghệ thông tin, Viện Khoa học và
công nghệ, Cục Viễn thông và cơ yếu có trách nhiệm chủ trì, phối hợp
với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hướng dẫn, bảo đảm cho Công an
các đơn vị, địa phương về kỹ thuật, công nghệ, bảo mật thông tin trong
xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; cấp, quản lý thẻ
căn cước, giấy chứng nhận căn cước.
3. Cục Hậu cần, Cục Trang bị và kho vận có
trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã
hội hướng dẫn, bảo đảm cho Công an các đơn vị, địa phương về vật tư, trang
thiết bị trong quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ
liệu căn cước, cấp, quản lý thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước.
4. Các đơn vị khác thuộc Bộ Công an căn cứ
chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý
hành chính về trật tự xã hội trong công tác liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; cấp, quản lý thẻ căn cước, giấy chứng nhận
căn cước.
Điều 13. Trách nhiệm
của Công an cấp tỉnh
1. Trực tiếp thực hiện và tham mưu với Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về Cơ sở
dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, cấp, quản lý căn cước.
2. Tổ chức thu thập, cập nhật, chuẩn
hóa, số hóa, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở
dữ liệu căn cước. Tổ chức thực hiện công tác thu nhận, quản lý hồ sơ đề nghị
cấp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước.
3. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết
khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm liên quan công tác thu thập, cập nhật, điều
chỉnh, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ
sở dữ liệu căn cước và công tác cấp, quản lý căn cước trong phạm vi quản lý.
4. Báo cáo định kỳ, đột xuất về công
tác cấp, quản lý căn cước tại địa bàn quản lý về Bộ Công an.
Điều 14.
Trách nhiệm của Công an cấp huyện
1. Triển khai các văn bản quy phạm
pháp luật về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, cấp,
quản lý căn cước đến Công an cấp xã; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Công an cấp
xã thu thập thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực
hiện thu thập, cập nhật thông tin người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc
tịch vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
2. Tổ chức thu thập, cập nhật, chuẩn
hóa, số hóa, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở
dữ liệu căn cước; cấp, quản lý căn cước.
3. Tổ chức thực hiện công tác thu nhận
hồ sơ đề nghị cấp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; kiểm tra việc sử dụng
thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước của công dân, người gốc Việt Nam chưa
xác định được quốc tịch trong địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.
4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên
quan đến công tác thu thập, cập nhật, điều chỉnh, khai thác thông tin trong Cơ
sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước và công tác cấp, quản lý
căn cước trong phạm vi quản lý.
5. Báo cáo định kỳ, đột xuất về công
tác cấp, quản lý căn cước tại địa bàn quản lý về Công an cấp tỉnh.
Điều 15.
Trách nhiệm của Công an cấp xã
1. Thu thập, cập nhật, điều chỉnh
thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
2. Nắm tình hình, thống kê, rà soát
công dân, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch chưa được cấp thẻ căn
cước, giấy chứng nhận căn cước; phối hợp với Công an cấp trên trong tổ chức thu
nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước tại địa bàn quản lý.
3. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên
quan đến công tác thu thập, cập nhật, điều chỉnh, khai thác thông tin trong Cơ
sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong phạm vi quản lý.
4. Tổ chức kiểm tra việc sử dụng thẻ
căn cước, giấy chứng nhận căn cước trong phạm vi địa bàn quản lý theo quy định
của pháp luật.
Chương III
ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Hiệu
lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
2. Các thông tư sau đây hết hiệu lực
kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành:
a) Thông tư số 59/2021/TT-BCA ngày 15 tháng 05
năm 2021 của Bộ
trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành Luật
Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP
ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân đã được sửa đổi, bổ
sung bằng Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29
tháng 3 năm 2021;
b) Thông tư số 66/2015/TT-BCA ngày 15/12/2015 của Bộ trưởng Bộ
Công an quy định về biểu mẫu sử dụng trong công tác cấp, quản lý thẻ Căn cước
công dân, tàng thư căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
c) Thông tư số 41/2019/TT-BCA ngày 01/10/2019 của Bộ trưởng Bộ
Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 66/2015/TT-BCA ngày 15/12/2015 quy định về biểu
mẫu sử dụng trong công tác cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân, tàng thư căn
cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
d) Thông tư số 104/2020/TT-BCA ngày 30/9/2020 của Bộ trưởng Bộ
Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 66/2015/TT-BCA ngày 15 tháng 12 năm 2015 của
Bộ trưởng Bộ Công an quy định về biểu mẫu sử dụng trong công tác cấp, quản lý
thẻ Căn cước công dân, tàng thư căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về
dân cư đã được sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư số 41/2019/TT-BCA
ngày 01 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công an.
Điều 17.
Trách nhiệm thi hành
1. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý
hành chính về trật tự xã hội chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông
tư này.
2. Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ Công an,
Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan, tổ chức, cá
nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư
này, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, cơ quan, tổ
chức, cá nhân có liên quan báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát quản lý hành
chính về trật tự xã hội) để kịp thời hướng dẫn./.
|
BỘ TRƯỞNG
Đại
tướng Tô Lâm
|