BỘ CÔNG AN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 15/2013/TT-BCA
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 03 năm 2013
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TANG LỄ TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP
ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị định số 105/2012/NĐ-CP
ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức Lễ tang cán bộ, công chức,
viên chức;
Sau khi trao đổi với Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch tại Công văn số 606/BVHTTDL-TCCB ngày 28 tháng 02 năm 2013;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng
cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
Thông tư quy định chế độ tang lễ trong Công an nhân dân,
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Thông tư này quy định về tổ chức Lễ
tang đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên, công nhân viên Công an
nhân dân (sau đây gọi chung là cán bộ, chiến sĩ công an) hy sinh, từ trần; cán
bộ công an đã nghỉ hưu từ trần; chi phí tổ chức lễ tang; chế độ viếng cán bộ,
chiến sĩ công an, thân nhân của cán bộ, chiến sĩ công an, Trưởng, Phó trưởng
Công an xã, thị trấn và Công an viên đang công tác hy sinh, từ trần.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Đối tượng áp dụng:
a) Cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh,
từ trần trong khi làm nhiệm vụ hoặc do ốm đau, tai nạn;
b) Cán bộ công an đã nghỉ hưu từ trần;
c) Thân nhân cán bộ, chiến sĩ công
an; Trưởng, Phó trưởng Công an xã, thị trấn và Công an viên đang công tác hy
sinh, từ trần.
2. Đối tượng không áp dụng:
a) Cán bộ, chiến sĩ công an chết do tự
sát hoặc do vi phạm bị kỷ luật “Tước danh hiệu Công an nhân dân” hoặc buộc thôi
việc;
b) Thân nhân của cán bộ, chiến sĩ
công an; Trưởng, Phó trưởng Công an xã, thị trấn và Công an viên chết do tự sát
hoặc do vi phạm bị truy tố trước pháp luật.
3. Trường hợp đặc biệt do lãnh đạo
đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang quyết định.
Điều 3. Nguyên tắc
1. Tổ chức Lễ tang theo nghi thức của
lực lượng Công an nhân dân phải đảm bảo trang nghiêm, chu đáo, tiết kiệm, phù hợp
với truyền thống dân tộc và nếp sống văn minh; không kết hợp tổ chức Lễ tang
theo nghi thức của lực lượng Công an nhân dân với phong tục, tập quán của địa
phương; khuyến khích tổ chức an táng theo các hình thức hỏa táng, điện táng.
2. Căn cứ vào cấp bậc hàm, chức vụ của
cán bộ tại thời điểm hy sinh, từ trần để tổ chức Lễ tang. Trường hợp cán bộ hy
sinh, từ trần giữ nhiều chức vụ khác nhau thì tổ chức Lễ tang theo quy định đối
với chức vụ cao nhất.
Điều 4. Hình thức
Lễ tang
1. Lễ tang cấp Nhà nước.
2. Lễ tang cấp cao trong Công an
nhân dân.
3. Lễ tang cán bộ đang công tác có
cấp bậc hàm Đại tá trở xuống.
4. Lễ tang cán bộ công an đã nghỉ
hưu.
5. Lễ tang công nhân viên Công an
nhân dân.
Điều 5. Trách
nhiệm tổ chức Lễ tang
Tổ chức Lễ tang theo nghi thức của
lực lượng Công an nhân dân gồm: Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ đưa tang, Lễ an táng
(hoặc hỏa táng, điện táng). Căn cứ vào cấp bậc, chức vụ, quá trình công tác của
người hy sinh, từ trần và điều kiện cụ thể để tổ chức Lễ tang theo nghi thức của
lực lượng Công an nhân dân cho phù hợp.
1. Cán bộ, chiến sĩ công an đang
công tác hy sinh, từ trần thuộc đơn vị, địa phương nào thì do đơn vị, địa
phương đó chủ trì tổ chức Lễ tang. Nếu hy sinh, từ trần ở xa đơn vị, địa phương
nơi công tác thì do Công an đơn vị, địa phương nơi cán bộ, chiến sĩ hy sinh, từ
trần chủ trì tổ chức Lễ tang; đơn vị có cán bộ, chiến sĩ hy sinh, từ trần cử
cán bộ phối hợp.
Đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang
thành lập Ban Lễ tang, Ban Tổ chức Lễ tang, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm
vụ, điều hành tổ chức Lễ tang, đảm bảo kinh phí và thanh quyết toán theo quy định.
2. Cán bộ công an nghỉ hưu cư trú
tại địa phương nào từ trần thì Công an địa phương đó có trách nhiệm tham gia
cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và gia đình tổ chức Lễ tang. Riêng đối
với cán bộ công an công tác tại các đơn vị thuộc cơ quan Bộ nghỉ hưu tại thành
phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ trần thì đơn vị công tác của cán bộ trước
khi nghỉ hưu tham gia cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và gia đình tổ
chức Lễ tang.
a) Trường hợp đơn vị công tác của
cán bộ trước khi nghỉ hưu đã chia tách hoặc sáp nhập thì đơn vị tiếp nhận bộ phận
công tác của cán bộ trước khi nghỉ hưu tham gia cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa
phương và gia đình tổ chức Lễ tang.
b) Trường hợp đơn vị công tác của
cán bộ trước khi nghỉ hưu đã giải thể:
- Nếu đơn vị cũ thuộc Tổng cục nào
(hoặc được Bộ giao cho Tổng cục nào theo dõi, quản lý) thì Cục Chính trị (hoặc
Cục Chính trị hậu cần hoặc Cục Tham mưu) của Tổng cục đó tham gia cùng cấp ủy Đảng,
chính quyền địa phương và gia đình tổ chức Lễ tang;
- Nếu đơn vị trực thuộc Bộ thì Văn
phòng Bộ tham gia cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và gia đình tổ chức
Lễ tang.
Điều 6. Trang phục
và băng tang
1. Trang phục
a) Đối với người hy sinh, từ trần:
- Sĩ quan Công an nhân dân hy sinh, từ
trần mặc lễ phục thu đông (nếu không có lễ phục thì mặc trang phục thu đông hoặc
trang phục xuân hè), đeo cấp hiệu, cành tùng đơn, chân đi tất; mũ kêpi đặt trên
ngực, sao mũ hướng lên đầu người hy sinh, từ trần; giầy da để cạnh hai bàn
chân;
- Hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên Công
an nhân dân hy sinh, từ trần mặc trang phục thu đông (hoặc xuân hè) đeo cấp hiệu,
phù hiệu, chân đi tất, giầy và mũ kêpi đặt như trường hợp sĩ quan;
- Công nhân viên Công an nhân dân hy
sinh, từ trần mặc thường phục.
b) Đối với cán bộ, chiến sĩ công an dự
Lễ tang:
- Dự Lễ tang cấp Nhà nước, mặc lễ phục
Công an nhân dân (theo mùa), có đội mũ;
- Các trường hợp còn lại, mặc trang phục
Công an nhân dân (theo mùa), có đội mũ.
2. Băng tang
Chỉ các thành viên Ban Lễ tang Nhà nước
và Ban tổ chức Lễ tang đeo băng tang đen (có chiều rộng 07cm) trên cánh tay
trái.
Điều 7. Một số
quy định khác
1. Lễ viếng tổ chức tại nhà tang lễ,
Lễ đưa tang và Lễ an táng thực hiện cùng trong một ngày.
2. Trường hợp tổ chức Lễ viếng tại
gia đình thì tùy theo phong tục địa phương và gia đình, thi hài người từ trần
phải được khâm liệm vào linh cữu và bảo đảm vệ sinh, nhất là đối với người có bệnh
lây nhiễm. Linh cữu được để không quá 48 (bốn mươi tám) giờ, kể từ khi khâm liệm
đến khi tổ chức Lễ an táng. Trong thời gian tổ chức Lễ viếng tại gia đình không
cử nhạc tang trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm; âm thanh bảo đảm không vượt
quá độ ồn cho phép theo quy định; không sử dụng các nhạc khúc không phù hợp
trong Lễ tang.
3. Linh cữu người từ trần quàn tại
nhà tang lễ hoặc gia đình không để cửa có lắp kính trên nắp quan tài.
4. Hạn chế rắc vàng mã, không rắc các
loại tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành và ngoại tệ trong quá trình
đưa tang từ nhà tang lễ hoặc gia đình đến nơi an táng.
Chương 2.
TỔ CHỨC LỄ TANG
MỤC 1. LỄ TANG CẤP
NHÀ NƯỚC
Điều 8. Chức danh
được tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước
Theo quy định tại Khoản
1 Điều 21 Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của Chính phủ, cán bộ
công an đang giữ chức vụ hoặc thôi giữ chức vụ hoặc có cấp bậc hàm sau đây khi
hy sinh, từ trần được tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước:
1. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban
Chấp hành Trung ương Đảng.
2. Đại tướng Công an nhân dân.
3. Thượng tướng Công an nhân dân
là cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945.
Điều 9. Tổ chức
lễ tang
Thực hiện theo quy định tại Chương
3 Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của Chính phủ về tổ chức Lễ tang
cán bộ, công chức, viên chức.
Văn phòng Bộ và Tổng cục Xây dựng
lực lượng Công an nhân dân là cơ quan thường trực giúp lãnh đạo Bộ thực hiện
nhiệm vụ được Ban Tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước phân công.
MỤC 2. LỄ TANG
CẤP CAO TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN
Điều 10. Chức
danh được tổ chức Lễ tang cấp cao trong Công an nhân dân
Cán bộ đương chức, thôi giữ chức
hoặc đã nghỉ hưu có chức vụ hoặc cấp bậc hàm sau đây khi hy sinh, từ trần (trừ
trường hợp thuộc chức danh được tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước quy định tại Điều
8 Mục 1 Chương này) được tổ chức Lễ tang cấp cao trong Công an nhân dân:
1. Ủy viên Ban Chấp hành Trung
ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng ủy
Công an Trung ương, Thứ trưởng và tương đương;
2. Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục
trưởng và tương đương;
3. Sĩ quan cấp bậc hàm Thiếu tướng
trở lên;
4. Cán bộ được tặng thưởng Huân
chương Độc lập hạng Nhất trở lên.
5. Cán bộ được tặng giải thưởng Hồ
Chí Minh (giải thưởng cá nhân) là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh
hùng Lao động.
Điều 11. Chủ
trì tổ chức Lễ tang
1. Đối với cán bộ đương chức:
a) Lãnh đạo Bộ Công an chủ trì tổ
chức Lễ tang đối với trường hợp là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy
viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung
ương, Thứ trưởng và tương đương; Tổng cục trưởng, Phó tổng cục trưởng và tương
đương; sĩ quan cấp bậc hàm Trung tướng;
Tổng cục Xây dựng lực lượng Công
an nhân dân là đơn vị thường trực phối hợp với đơn vị có cán bộ hy sinh, từ trần
giúp lãnh đạo Bộ tổ chức Lễ tang.
b) Các Tổng cục, Bộ Tư lệnh chủ
trì (Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân phối hợp) tổ chức Lễ tang cấp
cao đối với các trường hợp thuộc chức danh được tổ chức Lễ tang cấp cao còn lại
thuộc đơn vị.
c) Tổng cục Xây dựng lực lượng
Công an nhân dân chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ; Công an tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tổ chức Lễ
tang cấp cao đối với trường hợp thuộc chức danh được tổ chức Lễ tang cấp cao
công tác tại đơn vị trực thuộc Bộ và Công an địa phương (trừ trường hợp thuộc đối
tượng lãnh đạo Bộ chủ trì tổ chức Lễ tang nêu tại điểm a trên). Đối với các địa
phương mà Thành ủy, Tỉnh ủy đảm nhận chủ trì tổ chức Lễ tang thì thực hiện theo
quy định của địa phương.
2. Đối với cán bộ thôi chức hoặc
đã nghỉ hưu (trừ trường hợp bị kỷ luật cách chức):
a) Lãnh đạo Bộ Công an chủ trì tổ
chức Lễ tang đối với các trường hợp nguyên: Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng,
Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng, Tổng Cục trưởng, sĩ quan có cấp
bậc hàm Trung tướng trở lên;
Tổng cục Xây dựng lực lượng Công
an nhân dân là đơn vị thường trực phối hợp với Văn phòng Bộ hoặc đơn vị công
tác trước khi cán bộ nghỉ hưu từ trần giúp lãnh đạo Bộ tổ chức Lễ tang.
b) Các Tổng cục, Bộ Tư lệnh nơi
cán bộ công tác trước khi nghỉ hưu từ trần chủ trì tổ chức Lễ tang đối với cán
bộ thuộc chức danh được tổ chức Lễ tang cấp cao còn lại.
Cán bộ công tác tại các đơn vị trực
thuộc Bộ đã nghỉ hưu từ trần thuộc chức danh được tổ chức Lễ tang cấp cao còn lại
thì Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân chủ trì tổ chức Lễ tang. Đơn vị
công tác trước khi cán bộ nghỉ hưu từ trần là cơ quan thường trực phối hợp với
các đơn vị chức năng giúp Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân tổ chức
Lễ tang.
c) Cán bộ công tác tại Công an tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy nghỉ hưu từ
trần thuộc chức danh được tổ chức Lễ tang cấp cao do đơn vị công tác trước khi
cán bộ nghỉ hưu từ trần chủ trì tổ chức Lễ tang.
Điều 12. Công
tác chuẩn bị
Trước khi tổ chức Lễ tang, đơn vị
chủ trì thực hiện các công việc sau:
1. Thành lập Ban Tổ chức lễ tang.
2. Xác định địa điểm tổ chức Lễ viếng,
Lễ truy điệu, Lễ an táng hoặc hỏa táng, điện táng.
3. Xác định thời gian tổ chức Lễ
viếng, Lễ truy điệu, Lễ đưa tang, Lễ an táng hoặc hỏa táng, điện táng.
4. Đăng tin buồn và thông báo cho
các cơ quan, đơn vị liên quan biết.
5. Chuẩn bị điếu văn; ảnh chân
dung; huân chương, huy chương (nếu có); vòng hoa tiêu biểu, vòng hoa luân chuyển;
băng tang, sổ tang; xe phục vụ Lễ tang; hệ thống âm thanh...
6. Bố trí các lực lượng, đơn vị phục
vụ Lễ tang như: Đội tiêu binh, danh dự; Đội nhạc lễ (nếu có); cán bộ, chiến sĩ
làm nhiệm vụ túc trực bên linh cữu, khiêng hoa, khiêng linh cữu, dẫn viếng,
đăng ký viếng...
7. Chuẩn bị kinh phí phục vụ Lễ
tang theo quy định.
Điều 13. Ban
Tổ chức Lễ tang
1. Ban Tổ chức lễ tang Bộ Công an
có từ 13 đến 15 thành viên, do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định; Trưởng Ban Tổ
chức lễ tang là một đồng chí lãnh đạo Bộ Công an.
2. Ban Tổ chức lễ tang Tổng cục, Bộ
Tư lệnh, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có từ 11 đến 13 thành
viên, do lãnh đạo đơn vị chủ trì Lễ tang quyết định; Trưởng Ban Tổ chức lễ tang
là một đồng chí lãnh đạo đơn vị chủ trì Lễ tang.
3. Đối với cán bộ cấp cao nghỉ hưu
từ trần, ngoài thành phần quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này, tham gia Ban
Tổ chúc lễ tang còn có đại diện gia đình, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công an hưu
trí, cấp ủy và chính quyền địa phương.
4. Trường hợp đặc biệt do lãnh đạo
Bộ Công an xem xét, quyết định.
Điều 14. Tin
buồn, lời điếu, lời cảm ơn
1. Đối với trường hợp đương chức,
thôi giữ chức danh Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Ban
Chấp hành Trung ương Đảng thì đứng tên đưa tin buồn là Ban Chấp hành Trung ương
Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, đơn vị đã công
tác và gia đình (nếu là Đại biểu Quốc hội thì ghi thêm Quốc hội nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Tin buồn đăng trên trang nhất báo Nhân dân, báo
Quân đội nhân dân, báo Công an nhân dân (có ảnh cỡ 06cm x 09cm) và báo địa
phương nơi quê hương hoặc nơi sinh của người từ trần. Đài Truyền hình Việt Nam,
Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình Công an nhân dân đưa
tin buồn.
Tổng cục Xây dựng lực lượng Công
an nhân dân phối hợp với Văn phòng Bộ chuẩn bị tin buồn, tóm tắt tiểu sử, lời
điếu, lời cảm ơn và ảnh của cán bộ hy sinh, từ trần, tham khảo ý kiến của gia
đình và báo cáo Trưởng Ban Tổ chức lễ tang trước khi đưa tin.
2. Tin buồn của Đảng ủy Công an
Trung ương, Bộ Công an, đơn vị cán bộ hy sinh, từ trần đã công tác và gia đình
đăng trên trang nhất báo Công an nhân dân, có ảnh (cỡ 6cm x 9cm) và tóm tắt tiểu
sử đối với cán bộ hy sinh, từ trần thuộc chức danh được tổ chức Lễ tang cấp cao
quy định tại Điều 10 Mục này (trừ trường hợp thuộc Khoản 1 Điều này). Việc đăng
tin buồn trên báo Nhân dân và đưa tin buồn trên Đài Truyền hình Việt Nam thực
hiện theo quy định của Chính phủ.
Đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang phối
hợp với đơn vị có liên quan chuẩn bị tin buồn, tóm tắt tiểu sử, lời điếu, lời cảm
ơn, ảnh của cán bộ hy sinh, từ trần, tham khảo ý kiến của gia đình và báo cáo
Trưởng Ban Tổ chức lễ tang trước khi đưa tin.
Điều 15.
Trang trí lễ đài
1. Lễ đài trang trí phông nền đen,
phía trên có dòng chữ trắng “Vô cùng thương tiếc đồng chí…”.
2. Bàn thờ đặt trước và chính giữa
phông, dưới lễ đài; trên bàn thờ có ảnh đồng chí hy sinh, từ trần cỡ 40cm x
30cm, giá Huân chương, lư hương, cây đèn.
3. Linh cữu phủ Công an kỳ (kích
thước 3m x 2m) đặt trên giá đỡ chính giữa lễ đài, đầu hướng về phía lễ đài.
4. Bàn thờ nhỏ đặt phía dưới linh
cữu, có bát hương để Trưởng các đoàn đến thắp hương viếng; phía trước bàn thờ
có giá để vòng hoa của các đoàn đến viếng.
Điều 16. Vòng
hoa tiêu biểu, vòng hoa luân chuyển
1. Ban Tổ chức lễ tang chuẩn bị từ
02 đến 04 vòng hoa tiêu biểu, dải băng vải đỏ, chữ vàng (kích thước 1,2m x
0,2m) của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an và gia đình. Nếu cán bộ hy
sinh, từ trần là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Ban
Chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, có thêm vòng hoa tiêu biểu của
các cơ quan nêu trên đặt hai bên bàn thờ.
2. Ban Tổ chức lễ tang chuẩn bị 25
vòng hoa luân chuyển, băng vải đen, kích thước 1,2m x 0,2m với dòng chữ trắng
“Vô cùng thương tiếc đồng chí...”; trong thông báo tin buồn có ghi: Các đoàn đến
viếng không mang vòng hoa và băng vải đen mà sử dụng vòng hoa viếng do Ban Tổ
chức lễ tang chuẩn bị.
Điều 17. Túc
trực bên linh cữu, đơn vị danh dự
1. Túc trực bên linh cữu có 02 sĩ
quan cấp tá và 04 hạ sĩ quan, chiến sĩ. Thời gian túc trực bên linh cữu từ trước
lễ viếng 05 phút đến khi kết thúc Lễ truy điệu. Trường hợp thời gian tổ chức Lễ
viếng kéo dài trên 04 giờ thì Trưởng ban Tổ chức lễ tang quyết định việc túc trực
bên linh cữu cho phù hợp với thực tế nơi tổ chức Lễ tang.
2. Đơn vị danh dự gồm 40 đồng chí,
trong đó có 01 sĩ quan chỉ huy, 03 đồng chí tổ Công an kỳ và sĩ quan dẫn viếng.
Từ 10 đến 12 chiến sĩ làm nhiệm vụ khiêng hoa.
3. Sĩ quan túc trực bên linh cữu
do đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang bố trí. Hạ sĩ quan, chiến sĩ túc trực bên
linh cữu, khiêng hoa, dẫn viếng, đơn vị danh dự do lực lượng Cảnh sát cơ động đảm
nhiệm.
Điều 18. Sử dụng
xe trong Lễ tang
1. Sử dụng từ 9 đến 13 xe, gồm:
- 01 xe cờ truyền thống của lực lượng
Công an nhân dân, ảnh, giá Huân, huy chương;
- 02 xe chở đội danh dự;
- 01 xe chở đội nhạc lễ;
- 01 xe chở hoa;
- 01 xe chở hoặc kéo linh cữu;
- 02 đến 04 xe ca chở gia đình và cán
bộ, chiến sĩ đi đưa tang;
- 01 đến 02 xe Ban Tổ chức lễ tang.
2. Xe cờ truyền thống, xe chở đội
danh dự, xe chở đội nhạc lễ, xe chở hoa và xe chở linh cữu (gọi là xe nghi lễ)
do lực lượng Cảnh sát cơ động đảm nhiệm. Xe chở gia đình, xe chở cán bộ, chiến
sĩ đi đưa tang và xe Ban Tổ chức lễ tang do đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang bố
trí.
Điều 19. Nhạc lễ
phục vụ Lễ tang
1. Đội nhạc lễ Công an nhân dân phục
vụ Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ an táng (hoặc hỏa táng) đối với trường hợp thuộc
đối tượng quy định tại Khoản 1 và điểm a Khoản 2 Điều 11 Mục này.
2. Các trường hợp khác, dùng băng nhạc
“Hồn tử sĩ” trong lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ an táng (hoặc hỏa táng).
Điều 20. Trình tự
tổ chức Lễ tang
1. Lễ viếng (sơ đồ tổ chức Lễ viếng
thực hiện theo Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này).
Trước khi tổ chức Lễ viếng, đại diện Ban
Tổ chức lễ tang công bố Quyết định về việc thành lập Ban Tổ chức lễ tang; thông
báo thời gian tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ đưa tang và Lễ an táng.
a) Đến giờ viếng, khi các lực lượng
phục vụ Lễ tang và những người tham dự Lễ tang đã vào vị trí theo quy định, Ban
Tổ chức lễ tang thông báo “Lễ viếng đồng chí .... bắt đầu”.
b) Giới thiệu các đoàn vào viếng.
c) Từng đoàn vào viếng như sau:
- Hai chiến sĩ khiêng hoa đi trước;
- Trưởng đoàn;
- Các thành viên trong đoàn đi thành
một hoặc hai hàng dọc;
- Sĩ quan dẫn viếng đi chếch phía
sau, bên phải Trưởng đoàn.
d) Khi đoàn vào viếng, hai chiến sĩ
khiêng hoa đứng chờ sẵn, hướng vòng hoa về phía đoàn, “trình hoa”. Sau đó xoay
vòng hoa lại, đi “nghiêm” chậm rãi trước đoàn vào vị trí viếng.
đ) Đến vị trí viếng:
- Hai chiến sĩ khiêng hoa đứng lại,
phối hợp xoay và đặt vòng hoa vào giá hoa viếng, hướng mặt vòng hoa về phía
đoàn viếng, sửa lại ngay ngắn rồi quay đằng sau đi đều về đứng ở hai bên;
- Sĩ quan dẫn viếng dẫn đoàn viếng đứng
thành hàng ngang. Tùy số lượng đoàn viếng nhiều hay ít mà bố trí đứng thành một
hoặc nhiều hàng ngang. Trưởng đoàn đứng chính giữa hàng, sĩ quan dẫn viếng đứng
về bên phải đoàn viếng.
e) Mặc niệm:
Khi đoàn viếng đã ổn định đội hình,
người điều khiển âm thanh mở băng nhạc “Hồn tử sĩ’. Nếu có Đội nhạc lễ Công an
nhân dân thì cử bài “Hồn tử sĩ”. Khi nghe cử bài “Hồn tử sĩ”, mọi người trong
đoàn viếng mặc niệm. Nếu mặc trang phục Công an nhân dân thì đứng nghiêm thực
hiện động tác chào, mắt nhìn xuống nơi đặt linh cữu - chào vĩnh biệt người đã mất.
Khi nhạc dừng lại, thôi chào, thôi mặc niệm. Nếu không có nhạc thì đồng chí trưởng
đoàn hô: “Một phút mặc niệm bắt đầu”, cán bộ, chiến sĩ thực hiện động tác chào
vĩnh biệt người đã mất, hết thời gian mặc niệm hô “thôi”. Nếu mặc thường phục
thì đứng nghiêm, mắt nhìn xuống nơi đặt linh cữu, vĩnh biệt người đã mất.
g) Đi quanh linh cữu:
- Sĩ quan dẫn viếng hướng dẫn đoàn viếng
đi thành một hàng dọc theo thứ tự: Trưởng đoàn, sau đó đến các thành viên trong
đoàn. Sĩ quan dẫn viếng đi bên phải Trưởng đoàn, đi vòng từ bên phải linh cữu
(phía trong cán bộ túc trực) lên đầu linh cữu rồi vòng đến vị trí nơi gia đình
thân nhân người đã mất, chia buồn với gia đình, sau đó đi ra khỏi khu vực viếng.
Trưởng đoàn vào ghi sổ tang;
- Hai chiến sĩ khiêng hoa từ hai bên
đi vào đưa vòng hoa về nơi quy định.
h) Các đoàn nối tiếp theo thứ tự vào
viếng.
2. Lễ truy điệu (sơ đồ tổ chức Lễ
truy điệu thực hiện theo Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này).
Đến giờ làm Lễ truy điệu, Ban Tổ chức
lễ tang mời các đồng chí lãnh đạo, thành viên Ban Tổ chức lễ tang, các đoàn dự
Lễ tang, đơn vị nghi lễ... vào vị trí tổ chức Lễ truy điệu.
a) Khi mọi người đã vào vị trí ổn định,
Ban Tổ chức lễ tang tuyên bố: “Lễ truy điệu đồng chí... bắt đầu”. Sau đó, mời đồng
chí Trưởng ban Tổ chức lễ tang đọc điếu văn; đọc điếu văn xong, đồng chí Trưởng
ban Tổ chức lễ tang tuyên bố: “Phút mặc niệm bắt đầu”.
- Người điều khiển âm thanh mở nhạc
“Hồn tử sĩ’, nếu có Đội nhạc lễ Công an nhân dân thì cử nhạc “Hồn tử sĩ’.
- Đội danh dự thực hiện động tác bồng
súng chào. Tất cả mọi người dự Lễ truy điệu đứng nghiêm, mặc niệm; cán bộ, chiến
sỹ mặc trang phục Công an nhân dân đứng nghiêm thực hiện động tác chào. Kết
thúc nhạc “Hồn tử sĩ’, các đại biểu thôi mặc niệm, Đội danh dự thôi chào.
- Đại diện Ban Tổ chức lễ tang hoặc đại
diện gia đình cảm ơn (nếu có).
b) Ban Tổ chức lễ tang tuyên bố: “Lễ
truy điệu đồng chí... kết thúc”, rồi mời các đồng chí lãnh đạo, đại biểu, các
đoàn, gia đình nghỉ tại chỗ 5 phút và chuẩn bị đưa thi hài đồng chí... về nơi an
nghỉ cuối cùng. Đội nhạc lễ (nếu có), Đội danh dự, tiêu binh ra khỏi vị trí.
Các đội công tác thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
3. Lễ đưa tang
a) Chuyển linh cữu lên xe tang:
- Đội nghi lễ và đoàn xe tang triển
khai đội hình theo quy định;
- Chiến sĩ danh dự gấp Công an kỳ phủ
trên linh cữu;
- Hai chiến sĩ mang ảnh, giá Huân
chương đến vị trí trước linh cữu để đi trước linh cữu;
- Đội khiêng linh cữu vào khiêng linh
cữu ra xe, các đại biểu, Ban Tổ chức lễ tang có thể cùng tham gia khiêng linh cữu;
- Khi linh cữu được khiêng ra, thứ tự
đi sau linh cữu là gia đình, các đồng chí lãnh đạo, tiếp đến là đại biểu và các
đoàn...;
- Đến xe tang, đặt linh cữu lên xe
tang hoặc giá kéo. Chiến sĩ mang ảnh, giá Huân chương để lên xe chở Công an kỳ.
Đối với Lễ tang của sĩ quan cấp ủy, hạ sĩ quan, chiến sĩ không có xe Công an kỳ
thì mang ảnh, giá Huân chương (nếu có), lên xe linh cữu. Bộ phận khiêng hoa,
hương... đưa hoa, hương lên xe theo quy định;
- Lãnh đạo, gia đình, đại biểu, thân
quyến... lên các xe đưa tang.
b) Đưa tang, khi linh cữu đã được đặt
lên xe chở linh cửu (hoặc xe kéo), các lực lượng đã chuẩn bị xong, Ban Tổ chức
lễ tang ra lệnh cho đoàn xe tang xuất phát, thứ tự các xe như sau (xem Phụ lục
số 3 kèm theo Thông tư này):
- Xe chỉ huy của Ban Tổ chức lễ tang;
- Xe Công an kỳ, ảnh, huân, huy
chương;
- Xe Đội danh dự Công an nhân dân;
- Xe chở Đội nhạc (nếu có);
- Xe chở hoa;
- Xe chở linh cữu (hoặc xe kéo linh cữu);
- Xe gia đình;
- Xe các đồng chí lãnh đạo;
- Xe đại diện đơn vị, đại biểu;
- Xe Ban Tổ chức lễ tang.
Tốc độ, hành trình, cự ly của các xe
đưa tang do Ban Tổ chức lễ tang quy định. Nhưng phải đảm bảo tuyến đường đi từ
nơi tổ chức Lễ viếng đến nơi an táng hoặc hỏa táng là hợp lý nhất. Không thực hiện
rước di ảnh qua nơi ở. Trường hợp đặc biệt do lãnh đạo Bộ quyết định.
4. Lễ an táng hoặc hỏa táng
a) An táng:
- Đoàn xe tới nơi an táng, đỗ xe
vào các vị trí quy định, lực lượng nghi lễ vào các vị trí làm nhiệm vụ;
- Đội khiêng linh cữu chuyển linh
cữu đặt lên giá trước huyệt;
- Gia đình, các đồng chí lãnh đạo
và các đoàn tham dự Lễ an táng đứng sau linh cữu theo hướng dẫn của Ban Tổ chức
lễ tang;
- Đội danh dự đứng thành 2-4 hàng
ngang song song với linh cữu, đội nhạc lễ (nếu có) đứng hướng đối diện với đội
danh dự;
- Khi các lực lượng đã vào vị trí ổn
định, Ban Tổ chức lễ tang tuyên bố: “Lễ an táng đồng chí... bắt đầu”;
- Đội khiêng linh cữu khiêng linh
cữu đặt trên huyệt;
- Ban Tổ chức lễ tang tuyên bố “Hạ
huyệt”;
- Đội công tác hạ huyệt;
- Khi linh cữu đã đặt vào vị trí,
Ban Tổ chức lễ tang mời các đồng chí lãnh đạo, gia đình thân quyến bỏ nắm đất đầu
tiên. Sau đó gia đình về đứng bên phải hoặc bên trái huyệt, các đồng chí lãnh đạo,
các đại biểu về vị trí thích hợp;
- Ban Tổ chức lễ tang tuyên bố “Lấp
huyệt”;
- Đội công tác làm nhiệm vụ lấp
huyệt;
- Lấp huyệt xong, đặt hoa lên mộ;
- Sau khi đặt vòng hoa lên mộ
xong, Ban Tổ chức lễ lang tuyên bố “Vĩnh biệt đồng chí... Phút mặc niệm bắt đầu”.
Đội danh dự bồng súng chào, mọi người dự Lễ an táng mặc niệm;
- Mặc niệm xong, Đội danh dự “thôi
chào”, mọi người thôi mặc niệm;
- Kết thúc Lễ an táng, Ban Tổ chức
lễ tang tuyên bố “Lễ an táng đồng chí... kết thúc”; cảm ơn các đồng chí lãnh đạo,
các cơ quan, đoàn thể... rồi mời mọi người dự Lễ an táng đi một vòng quanh mộ,
vĩnh biệt lần cuối người đã mất. Các đại biểu chia buồn với gia đình rồi ra về.
Các lực lượng phục vụ Lễ tang theo hướng dẫn của Ban Tổ chức lễ tang lần lượt
ra khỏi khu vực Lễ an táng.
b) Hỏa táng: Ban Tổ chức lễ tang
phối hợp với Đài hỏa táng và gia đình tổ chức hỏa táng theo quy định.
Điều 21. Một
số nội dung khác
Nơi tổ chức Lễ tang, nơi an táng,
xây mộ và chi phí thực hiện theo Quy định tại Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày
17 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
MỤC 3. LỄ TANG
CÁN BỘ ĐANG CÔNG TÁC CÓ CẤP BẬC HÀM ĐẠI TÁ TRỞ XUỐNG
Điều 22. Đơn
vị chủ trì tổ chức Lễ tang
1. Đối với cán bộ lãnh đạo Bộ Tư lệnh;
lãnh đạo cấp Vụ, Cục, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Cảnh
sát phòng cháy và chữa cháy và tương đương hy sinh, từ trần (trừ các chức danh
được tổ chức Lễ tang cấp cao trong Công an nhân dân quy định tại Điều 10 Mục 2
Chương này):
a) Lãnh đạo Tổng cục, Bộ Tư lệnh
chủ trì tổ chức Lễ tang đối với cán bộ hy sinh, từ trần thuộc Tổng cục, Bộ Tư lệnh.
Trường hợp cán bộ hy sinh, từ trần thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ thì lãnh đạo
Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân chủ trì, phối hợp với đơn vị có
cán bộ hy sinh, từ trần tổ chức Lễ tang;
2. Lãnh đạo Công an tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương; Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chủ trì phối hợp với
chính quyền địa phương tổ chức Lễ tang đối với cán bộ thuộc đơn vị hy sinh, từ
trần.
3. Lãnh đạo Tổng cục, Bộ Tư lệnh;
đơn vị trực thuộc Bộ; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Sở Cảnh
sát phòng cháy và chữa cháy chủ trì tổ chức Lễ tang đối với cán bộ giữ chức vụ
lãnh đạo cấp Trưởng phòng và tương đương hoặc cán bộ có cấp bậc hàm Đại tá thuộc
đơn vị hy sinh, từ trần.
3. Lãnh đạo Bộ Tư lệnh; Vụ, Cục và
tương đương; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Sở Cảnh sát phòng
cháy và chữa cháy chủ trì tổ chức Lễ tang đối với cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo cấp
Phó Trưởng phòng và tương đương trở xuống hoặc cán bộ, chiến sĩ có cấp bậc hàm
Thượng tá trở xuống thuộc đơn vị hy sinh, từ trần. Tùy theo tình hình cụ thể của
đơn vị, Công an các đơn vị, địa phương thực hiện phân cấp hoặc ủy quyền tổ chức
Lễ tang đối với cán bộ, chiến sĩ công an thuộc đơn vị hy sinh, từ trần cho phù
hợp.
4. Cán bộ công an biệt phái hy
sinh, từ trần thì tùy tình hình và yêu cầu nghiệp vụ cụ thể, đơn vị quản lý cán
bộ biệt phái thống nhất với cơ quan nhận cán bộ biệt phái phối hợp với gia đình
tổ chức Lễ tang.
5. Cán bộ, chiến sĩ công an đi học,
đi công tác, đi chữa bệnh ở nước ngoài từ trần thì Công an đơn vị, địa phương
đang quản lý cán bộ chủ trì, phối hợp với Tổng cục V, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục
Đào tạo, Đại sứ quán (hoặc cơ quan đại diện Nhà nước Việt Nam) ở nước sở tại và
gia đình tổ chức Lễ tang.
6. Cán bộ, chiến sĩ công an đang
trong thời gian học tập trung tại các học viện, trường Công an nhân dân hy
sinh, từ trần thì Giám đốc học viện, Hiệu trưởng nhà trường chủ trì tổ chức Lễ
tang.
Trường hợp đang trong thời gian học
hệ vừa làm vừa học tại trường hy sinh, từ trần thì đơn vị công tác của cán bộ,
chiến sĩ chủ trì, phối hợp với nhà trường tổ chức Lễ tang.
7. Cán bộ, chiến sĩ công an được cử
đi học tại các trường ngoài ngành Công an hy sinh, từ trần thì đơn vị trực tiếp
quản lý tiền lương hoặc sinh hoạt phí của cán bộ, chiến sĩ đi học chủ trì tổ chức
Lễ tang.
Điều 23. Công
tác chuẩn bị
Công tác chuẩn bị tổ chức Lễ tang
thực hiện theo quy định tại Điều 12 Mục 2 Chương này.
Điều 24. Ban
Tổ chức lễ tang
Lãnh đạo đơn vị chủ trì tổ chức Lễ
tang quyết định thành lập Ban Tổ chức lễ tang, Trưởng Ban Tổ chức lễ tang là một
đồng chí lãnh đạo đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang. Số lượng, thành phần Ban Tổ
chức lễ tang do đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang quyết định.
Điều 25. Đưa
tin buồn
1. Bộ Công an, đơn vị và gia đình đứng
tên đưa tin buồn trên trang 2 báo Công an nhân dân đối với cán bộ hy sinh, từ
trần thuộc các chức danh quy định tại Khoản 1 Điều 22 Mục này.
Tổng cục, Bộ Tư lệnh; Vụ, Cục trực
thuộc Bộ; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Cảnh sát phòng cháy
và chữa cháy và gia đình đứng tên đưa tin buồn trên trang 2 báo Công an nhân
dân đối với cán bộ hy sinh, từ trần là lãnh đạo cấp phòng, cấp huyện và tương
đương; cán bộ cấp bậc hàm Thượng tá, Đại tá; Anh hùng lực lượng vũ trang; Anh
hùng lao động; Thầy thuốc nhân dân; Nhà giáo nhân dân; Nghệ sĩ nhân dân; Giáo
sư.
Việc đăng tin buồn trên báo Nhân
dân hoặc các phương tiện thông tin đại chúng đối với các trường hợp này, thực
hiện theo quy định tại Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2012 của
Chính phủ.
2. Cơ quan Tổ chức cán bộ thuộc
đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang chuẩn bị tin buồn, tham khảo ý kiến của gia đình
và thông qua Trưởng Ban Tổ chức lễ tang trước khi đăng tin trên báo Nhân dân và
báo Công an nhân dân.
Điều 26. Nơi
tổ chức Lễ tang và nơi an táng
1. Cán bộ, chiến sĩ công an hy
sinh, từ trần ở địa phương nào thì tổ chức Lễ tang và an táng hoặc hỏa táng ở
nghĩa trang của địa phương đó theo quy định.
2. Trường hợp gia đình có nguyện vọng
đưa thi hài về an táng ở nghĩa trang địa phương khác thì Trưởng ban Tổ chức lễ
tang căn cứ quy định và ý kiến bệnh viện xem xét, quyết định.
Điều 27.
Trang trí lễ đài
Đối với nơi tổ chức Lễ tang có điều
kiện thì thực hiện trang trí lễ đài như quy định tại Điều 15 Mục 2 Chương này. Những
nơi khác, tùy theo tình hình cụ thể để trang trí lễ đài phù hợp, đảm bảo trang
nghiêm.
Điều 28. Vòng
hoa tiêu biểu, vòng hoa luân chuyển
1. Ban Tổ chức lễ tang chuẩn bị 02
vòng hoa tiêu biểu, dải băng màu đen, chữ trắng ghi: “Vô cùng thương tiếc đồng
chí…” đặt hai bên bàn thờ.
2. Ban Tổ chức lễ tang chuẩn bị từ
10 đến 20 vòng hoa luân chuyển, băng vải đen, kích thước 1,2m x 0,2m với dòng
chữ trắng “Vô cùng thương tiếc đồng chí...”; trong thông báo tin buồn có ghi:
Các đoàn đến viếng không mang vòng hoa và băng vải đen mà sử dụng vòng hoa viếng
do Ban Tổ chức lễ tang chuẩn bị.
Điều 29. Túc
trực bên linh cữu, đơn vị danh dự
1. Túc trực bên linh cữu (thời
gian túc trực bên linh cữu thực hiện như quy định tại khoản 1 Điều 17 Mục 2
Chương này):
- Sĩ quan cấp Đại tá, Thượng tá:
02 sĩ quan cấp tá hoặc cấp úy và 04 hạ sĩ quan, chiến sĩ;
- Sĩ quan cấp Trung tá, Thiếu tá:
02 sĩ quan cấp úy và 04 hạ sĩ quan, chiến sĩ;
- Sĩ quan cấp úy và hạ sĩ quan,
chiến sĩ: 04 hạ sĩ quan, chiến sĩ.
2. Đơn vị danh dự, khiêng hoa:
- Sĩ quan cấp tá: 24 đồng chí,
trong đó có 01 sĩ quan chỉ huy và 03 đồng chí tổ Công an kỳ. Từ 08 đến 10 chiến
sĩ làm nhiệm vụ khiêng hoa;
- Sĩ quan cấp úy và hạ sĩ quan,
chiến sĩ: 13 đồng chí, trong đó có 01 chỉ huy. Có 08 chiến sĩ làm nhiệm vụ
khiêng hoa.
3. Sĩ quan túc trực bên linh cữu
do đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang đảm nhiệm. Hạ sĩ quan, chiến sĩ túc trực bên
linh cữu, khiêng hoa, dẫn viếng và đơn vị danh dự do lực lượng Cảnh sát cơ động
đảm nhiệm.
Điều 30. Sử dụng
xe trong Lễ tang
1. Số lượng xe sử dụng trong Lễ tang
- Sĩ quan cấp Thượng tá, Đại tá sử dụng
từ 7 đến 9 xe gồm: 01 xe cờ truyền thống của lực lượng Công an nhân dân, 01 xe
đội danh dự, 01 xe chở hoa, 01 xe chở linh cữu, 02 đến 03 xe ca chở gia đình và
cán bộ, chiến sĩ đi đưa tang, 01 xe Ban Tổ chức lễ tang.
- Sĩ quan cấp Thiếu tá, Trung tá sử dụng
từ 5 đến 7 xe gồm: 01 xe cờ truyền thống của lực lượng Công an nhân dân, 01 xe
đội danh dự, 01 xe chở linh cữu, 01 đến 02 xe ca chở gia đình và cán bộ, chiến
sĩ đi đưa tang, 01 xe Ban Tổ chức lễ tang.
- Sĩ quan cấp uý và hạ sĩ quan, chiến
sĩ sử dụng từ 3 đến 5 xe gồm: 01 xe chở linh cữu, 01 xe đội danh dự, 01 đến 03
xe chở gia đình, Ban Tổ chức lễ tang và cán bộ, chiến sĩ đi đưa tang.
2. Xe nghi lễ phục vụ Lễ tang do lực
lượng Cảnh sát cơ động đảm nhiệm. Xe phục vụ gia đình, Ban Tổ chức lễ tang và
cán bộ, chiến sĩ đi đưa tang do đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang đảm nhiệm.
Điều 31. Nhạc lễ
phục vụ Lễ tang
Sử dụng băng nhạc “Hồn tử sĩ” trong Lễ
viếng và Lễ truy điệu.
Điều 32. Trình tự
tổ chức Lễ tang
Trình tự tổ chức Lễ tang thực hiện
theo quy định tại Điều 20 Mục 2 Chương này.
MỤC 4. LỄ TANG CÁN
BỘ NGHỈ HƯU
Điều 33. Đối tượng
được tổ chức Lễ tang theo nghi thức của lực lượng Công an nhân dân
Cán bộ hoạt động cách mạng trước năm
1945, cán bộ Tiền khởi nghĩa, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, Đại
biểu Quốc hội, Thầy thuốc nhân dân, Nhà giáo nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân, Giáo
sư, lãnh đạo cấp phòng, Công an huyện và tương đương trở lên; cán bộ cấp bậc
hàm Đại tá từ trần, nếu tổ chức lễ tang ở nơi có đủ điều kiện tổ chức Lễ tang
theo nghi thức của lực lượng Công an nhân dân thì được tổ chức Lễ tang theo quy
định đối với sĩ quan cấp Thượng tá, Đại tá đang công tác hy sinh, từ trần.
Điều 34. Đơn vị
chủ trì tổ chức Lễ tang
1. Cán bộ thuộc đối tượng quy định Điều
33 Mục này từ trần cư trú tại địa phương nào thì do Công an tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương nơi đó chủ trì phối hợp với đơn vị công tác trước khi nghỉ
hưu, chính quyền địa phương và gia đình tổ chức Lễ tang. Nếu công tác tại các
đơn vị thuộc cơ quan Bộ nghỉ hưu tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh
thì do đơn vị công tác cấp Vụ, Cục... trước khi nghỉ hưu chủ trì phối hợp với
Công an, chính quyền địa phương và gia đình tổ chức Lễ tang. Trường hợp đơn vị
công tác của cán bộ trước khi nghỉ hưu đã sáp nhập (hoặc chia tách, giải thể)
thì thực hiện như quy định tại Khoản 2 Điều 5 Chương I Thông tư này.
Đối với cán bộ giữ chức vụ Vụ trưởng,
Cục trưởng và tương đương; Phó Vụ trưởng, Phó Cục trưởng và tương đương là cán
bộ hoạt động cách mạng trước Tháng 8 năm 1945; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân
dân, Anh hùng Lao động; Đại biểu Quốc hội; Thầy thuốc nhân dân, Nhà giáo nhân
dân, Nghệ sĩ nhân dân, Giáo sư công tác tại các đơn vị thuộc cơ quan Bộ nghỉ
hưu tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh từ trần thì do Tổng cục, Bộ Tư
lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ nơi cán bộ công tác trước khi nghỉ hưu chủ trì phối
hợp với công an, chính quyền địa phương và gia đình tổ chức Lễ tang.
2. Cán bộ không thuộc đối tượng quy định
tại Điều 33 Mục này từ trần thì chính quyền địa phương và gia đình chủ trì phối
hợp với Công an cấp huyện nơi cán bộ cư trú tổ chức Lễ tang. Đơn vị có cán bộ
nghỉ hưu tổ chức đoàn đến viếng hoặc có thể gửi vòng hoa viếng nếu ở xa.
Điều 35. Ban Tổ
chức lễ tang
Đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang quyết
định thành lập Ban Tổ chức lễ tang, Trưởng Ban Tổ chức lễ tang là một đồng chí
lãnh đạo đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang. Tham gia Ban Tổ chức lễ tang có đại diện
Công an, chính quyền địa phương nơi cán bộ cư trú, đại diện Câu lạc bộ Công an
hưu trí và gia đình.
Điều 36. Đưa tin
buồn
1. Bộ Công an, đơn vị và gia đình đứng
tên đưa tin buồn trên trang 2 báo Công an nhân dân đối với cán bộ từ trần
nguyên là lãnh đạo Bộ Tư lệnh; Lãnh đạo cấp Vụ, Cục, Công an tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương, Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy và tương đương.
Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Vụ, Cục...và
gia đình đứng tên đưa tin buồn trên trang 2 báo Công an nhân dân đối với cán bộ
nguyên là lãnh đạo cấp phòng, cấp huyện và tương đương; cán bộ cấp bậc hàm Đại
tá, Thượng tá; Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân
dân, Nhà giáo nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân, Giáo sư.
Việc đăng tin buồn trên báo Nhân dân
hoặc các phương tiện thông tin đại chúng đối với các trường hợp này, thực hiện
theo quy định tại Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2012 của
Chính phủ.
2. Cơ quan Tổ chức cán bộ thuộc đơn vị
chủ trì tổ chức Lễ tang chuẩn bị tin buồn, tham khảo ý kiến của gia đình và
thông qua Trưởng ban Tổ chức lễ tang trước khi đưa tin trên báo hoặc phương tiện
thông tin đại chúng.
MỤC 5. LỄ TANG
CÔNG NHÂN VIÊN CÔNG AN NHÂN DÂN
Điều 37. Nghi thức
và trách nhiệm tổ chức Lễ tang
1. Công nhân viên Công an nhân dân hưởng
lương từ ngân sách nhà nước từ trần, thực hiện tổ chức Lễ tang như đối với cán
bộ, công chức, viên chức Nhà nước từ trần quy định tại Nghị định số
105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của Chính phủ.
2. Công nhân viên Công an nhân dân hy
sinh trong khi làm nhiệm vụ thì được tổ chúc Lễ tang theo nghi thức của lực lượng
Công an nhân dân như quy định đối với sĩ quan cấp úy đang công tác hy sinh, từ
trần.
3. Công nhân viên Công an nhân dân từ
trần do cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý chủ trì cùng với gia đình tổ chức Lễ
tang.
4. Công nhân viên Công an nhân dân đã
nghỉ hưu từ trần do chính quyền địa phương và gia đình phối hợp với đơn vị công
tác trước khi nghỉ hưu tổ chức Lễ tang.
MỤC 6. KINH PHÍ TỔ
CHỨC LỄ TANG
Điều 38. Lễ tang
cấp Nhà nước và Lễ tang cấp cao
Kinh phí chi phục vụ tổ chức Lễ tang cấp
Nhà nước và Lễ tang cấp cao trong Công an nhân dân quy định tại Mục 1, Mục 2
Chương này thực hiện theo quy định tại Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17
tháng 12 năm 2012 của Chính Phủ và văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Điều 39. Lễ tang
cán bộ, chiến sĩ công an đang công tác có cấp bậc hàm Đại tá trở xuống
1. Kinh phí chi phục vụ tổ chức Lễ
tang đối với các trường hợp quy định tại Mục 3 Chương này: ngoài trợ cấp mai
táng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (bằng 10 tháng lương tối thiểu
chung), còn được Bộ Công an hỗ trợ thêm 12 tháng lương tối thiểu chung theo quy
định của Chính phủ tại thời điểm cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh, từ trần.
2. Trường hợp gia đình cán bộ, chiến
sĩ công an đang công tác hy sinh, từ trần đảm nhận tổ chức Lễ tang thì đơn vị
có cán bộ, chiến sĩ hy sinh, từ trần chi trả cho gia đình khoản kinh phí phục vụ
tổ chức Lễ tang quy định tại khoản 1 trên.
Điều 40. Lễ tang
cán bộ công an đã nghỉ hưu
Kinh phí chi phục vụ tổ chức Lễ tang đối
với cán bộ công an đã nghỉ hưu từ trần thuộc đối tượng được tổ chức Lễ tang
theo nghi thức của lực lượng Công an nhân dân quy định tại Điều 33 Mục 4 Chương
này do gia đình cán bộ từ trần đảm bảo và thanh toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội
nơi cư trú. Đơn vị chủ trì tổ chức Lễ tang đảm bảo chi phí phục vụ phần nghi lễ
của lực lượng Công an nhân dân như tiêu binh, danh dự và phương tiện chở đội
tiêu binh, danh dự.
Chương 3.
CHẾ ĐỘ VIẾNG CÁN
BỘ, CHIẾN SĨ CÔNG AN NHÂN DÂN; THÂN NHÂN CÁN BỘ, CHIẾN SĨ CÔNG AN NHÂN DÂN; TRƯỞNG,
PHÓ TRƯỞNG CÔNG AN XÃ, THỊ TRẤN VÀ CÔNG AN VIÊN ĐANG CÔNG TÁC HY SINH, TỪ TRẦN
Điều 41. Đối tượng
được tổ chức viếng
1. Cán bộ, chiến sĩ công an đang công
tác hoặc đã nghỉ hưu hy sinh, từ trần.
2. Thân nhân của cán bộ, chiến sĩ
công an đang công tác hy sinh, từ trần gồm: Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc chồng;
người trực tiếp nuôi dưỡng cán bộ, chiến sĩ công an từ nhỏ; vợ, hoặc chồng;
con.
3. Trưởng, Phó trưởng Công an xã, thị
trấn và Công an viên đang công tác hy sinh, từ trần.
Điều 42. Phân cấp
tổ chức viếng
1. Cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh,
từ trần và thân nhân cán bộ, chiến sĩ công an đang công tác thuộc đơn vị nào hy
sinh, từ trần thì đơn vị đó đi viếng. Trường hợp ở quá xa nơi đơn vị đóng trụ sở
thì trao đổi, đề nghị Công an địa phương nơi tổ chức Lễ tang làm đại diện đến
viếng. Việc tổ chức đi viếng thân nhân cán bộ, chiến sĩ công an đang công tác
hy sinh, từ trần thực hiện như phân cấp tổ chức Lễ tang đối với cán bộ, chiến
sĩ công an hy sinh, từ trần. Lãnh đạo hoặc đại diện đơn vị chủ trì tổ chức Lễ
tang đối với cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh, từ trần ở cấp nào thì đi viếng
thân nhân cán bộ, chiến sĩ ở cấp đó.
2. Trưởng, Phó trưởng Công an xã, thị
trấn và Công an viên đang công tác hy sinh, từ trần thì Công an cấp huyện trực
tiếp quản lý tổ chức viếng.
Điều 43. Kinh
phí tổ chức viếng
Đơn vị (theo quy định tại Điều 42
Chương này) đi viếng Cán bộ, chiến sĩ công an; thân nhân cán bộ, chiến sĩ công
an; Trưởng, Phó Trưởng Công an xã, thị trấn và Công an viên đang công tác hy
sinh, từ trần được chi mua vòng hoa, hương nến... bằng 01 (một) tháng lương tối
thiểu chung theo quy định của Chính phủ tại thời điểm đi viếng.
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 44. Kinh
phí đảm bảo
Kinh phí tổ chức Lễ tang quy định tại
Mục 6 Chương II và kinh phí tổ chức đi viếng quy định tại điều 43 Chương III
Thông tư này do ngân sách Bộ Công an đảm bảo.
Điều 45. Hiệu lực
thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ
ngày tháng năm 2013.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số
22/2011/TT-BCA ngày 26 tháng 4 năm 2011 của Bộ Công an và các văn bản hướng dẫn
trước đây của Bộ Công an trái với Thông tư này.
Điều 46. Trách
nhiệm thi hành
1. Các đồng chí Tổng cục trưởng; Thủ
trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương; Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy chịu trách nhiệm quán
triệt đến cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị và tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động chịu
trách nhiệm hướng dẫn chi tiết về trang phục, trang bị của lực lượng tiêu binh
danh dự và bố trí sắp xếp đội hình trong Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ đưa tang, Lễ
an táng để thực hiện thống nhất trong Công an nhân dân.
3. Tổng cục Xây dựng lực lượng Công
an nhân dân có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đề xuất xử lý những vướng mắc
phát sinh trong quá trình thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư
này, nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Tổng cục
Xây dựng lực lượng Công an nhân dân) nghiên cứu, giải quyết./
Nơi nhận:
- Các đồng chí Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Các Tổng cục, các đơn vị trực thuộc Bộ; Công an các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
Sở Cảnh sát PC và CC (để thực hiện);
- Lưu: VT, X11 (X33).
|
BỘ TRƯỞNG
Đại tướng Trần Đại Quang
|