BỘ TƯ PHÁP
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
14/2024/TT-BTP
|
Hà Nội, ngày
25 tháng 11 năm 2024
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN XÉT THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ
NGHIỆP LÝ LỊCH TƯ PHÁP
Căn cứ Luật Lý lịch tư pháp
ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Viên chức ngày
15 tháng 11 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công
chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số
115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử
dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2023
của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày
25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý
viên chức;
Căn cứ Nghị định số
98/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Theo đề nghị của Giám đốc
Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia;
Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban
hành Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp
Lý lịch tư pháp.
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Thông tư này quy định tiêu chuẩn,
điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với
viên chức thực hiện công việc trong lĩnh vực Lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch
tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến
việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp.
Điều 3.
Tiêu chuẩn, điều kiện chung về xét thăng hạng đối với chức danh nghề nghiệp Lý
lịch tư pháp
1. Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều
kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP
ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
(sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP
ngày 07/12/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ).
2. Đáp ứng tiêu chuẩn chung về
đạo đức nghề nghiệp và tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh
nghề nghiệp Lý lịch tư pháp quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông
tư số 13/2024/TT-BTP ngày 25 tháng 11 năm 2024 của Bộ Tư pháp quy định mã số,
tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp (sau đây gọi là Thông tư số
13/2024/TT-BTP).
3. Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc
gia có nhu cầu vị trí việc làm của chức danh viên chức dự xét thăng hạng;
4. Được cấp có thẩm quyền cử
tham dự xét thăng hạng.
Điều 4.
Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với chức danh nghề nghiệp Viên chức lý
lịch tư pháp hạng II lên hạng I
Viên chức được dự xét thăng hạng
chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng I, mã số V.01.01.01 khi
đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 3 của Thông tư này và các
tiêu chuẩn, điều kiện sau:
1. Đang giữ chức danh nghề nghiệp
Viên chức lý lịch tư pháp hạng II – mã số V.01.01.02 tại thời điểm nộp hồ sơ
đăng ký dự xét thăng hạng.
2. Đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực
chuyên môn, nghiệp vụ đối với chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng
I – mã số V.01.01.01 quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số
13/2024/TT-BTP.
3. Có thời gian giữ chức danh
nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng II mã số V.01.01.02 từ đủ 06 năm trở
lên.
Trường hợp thời gian giữ chức
danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng II chưa đủ 06 năm trở lên nhưng
người dự xét thăng hạng đã có thời gian giữ chức danh chuyên viên chính và
tương đương thì có thể được xét thăng hạng nếu tổng thời gian giữ các chức danh
này đủ 06 năm trở lên, trong đó, có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp Viên chức
lý lịch tư pháp hạng II tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng) tính đến thời điểm nộp hồ
sơ đăng ký dự xét thăng hạng.
4. Trong thời gian giữ chức
danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng II, chuyên viên chính và tương
đương đã thực hiện một trong các nhiệm vụ được quy định tại điểm
c, d, đ, e khoản 1 Điều 5 Thông tư số 13/2024/TT-BTP và có quyết định hoặc
xác nhận bằng văn bản về việc thực hiện nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền.
Điều 5. Tiêu
chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch
tư pháp hạng III lên hạng II
Viên chức được dự xét thăng hạng
chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng II, mã số V.01.01.02 khi
đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 3 của Thông tư này và các
tiêu chuẩn, điều kiện sau:
1. Đang giữ chức danh nghề nghiệp
Viên chức lý lịch tư pháp hạng III – mã số V.01.01.03 tại thời điểm nộp hồ sơ
đăng ký dự xét thăng hạng.
2. Đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực
chuyên môn, nghiệp vụ đối với chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng
II – mã số V.01.01.02 quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số
13/2024/TT-BTP.
3. Có thời gian giữ chức danh
nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng III mã số V.01.01.03 từ đủ 09 năm trở
lên.
Trường hợp thời gian giữ chức
danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng III chưa đủ 09 năm trở lên
nhưng người dự xét thăng hạng đã có thời gian giữ chức danh chuyên viên và
tương đương thì có thể được xét thăng hạng nếu tổng thời gian giữ các chức danh
này đủ 09 năm trở lên, trong đó thời gian giữ chức danh nghề nghiệp Viên chức
lý lịch tư pháp hạng III tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng) tính đến thời điểm nộp
hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng.
Thời gian giữ chức danh nghề
nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng III quy định tại khoản này không bao gồm
thời gian tập sự, thử việc.
4. Trong thời gian giữ chức
danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng III, chuyên viên và tương đương
đã thực hiện một trong các nhiệm vụ được quy định tại điểm c, d,
đ, e khoản 1 Điều 6 Thông tư số 13/2024/TT-BTP và có quyết định hoặc xác nhận
bằng văn bản về việc thực hiện nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền.
Điều 6. Điều
khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực từ
ngày 15 tháng 01 năm 2025.
2. Trường hợp pháp luật về viên
chức hoặc văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ
sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định mới tại văn bản quy phạm
pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
3. Giám đốc Trung tâm Lý lịch
tư pháp quốc gia, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ
và các cá nhân, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tư pháp để được hướng dẫn, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bộ Tư pháp: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ;
- Công báo; Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư
pháp;
- Lưu: VT, Trung tâm LLTPQG.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Khánh Ngọc
|