Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 120/2020/TT-BQP phân cấp kỹ thuật phi công thành viên tổ bay trong Quân đội nhân dân

Số hiệu: 120/2020/TT-BQP Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng Người ký: Phan Văn Giang
Ngày ban hành: 06/10/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ QUỐC PHÒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 120/2020/TT-BQP

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2020

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH PHÂN CẤP KỸ THUẬT PHI CÔNG, THÀNH VIÊN TỔ BAY TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 164/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Theo đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định phân cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về phân cấp; tiêu chuẩn phân cấp; phong cấp, giữ cấp, lưu cấp, hạ cấp; biểu tượng và giấy chứng nhận cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay trong Quân đội.

2. Các tiêu chuẩn phân cấp quy định trong Thông tư này là mức tối thiểu cần đạt được khi phân cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay trong Quân đội.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ điều khiển máy bay quân sự và nhiệm vụ khác trên không theo tính năng thiết kế của máy bay quân sự (sau đây gọi chung là phi công, thành viên tổ bay).

2. Cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan phân cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Phi công quân sự là người trực tiếp điều khiển hoặc tham gia điều khiển máy bay quân sự trên không. Chủng loại, tính năng của phương tiện bay có phi công tiêm kích, phi công tiêm kích bom, phi công ném bom (cường kích), phi công trinh sát tuần thám, phi công vận tải, phi công trực thăng, phi công thử nghiệm.

2. Phi công lái chính (áp dụng đối với các loại máy bay, trực thăng có biên chế tổ bay) là người chỉ huy tổ bay, trực tiếp điều khiển máy bay, trực thăng trên không và chịu trách nhiệm toàn bộ về kết quả chuyến bay.

3. Phi công lái phụ (áp dụng đối với các loại máy bay có biên chế tổ bay) là người phụ giúp lái chính, tham gia điều khiển máy bay trên không khi được lái chính giao.

4. Phi công giảng viên (áp dụng đối với Trường sỹ quan Không quân) và phi công giáo viên (áp dụng với các đơn vị chiến đấu) là người dạy cho học viên bay và phi công khi bay đào tạo, bay hồi phục, bay chuyển loại hoặc huấn luyện các bài bay, khoa mục bay mới; là người kiểm tra bay đối với các phi công và học viên bay theo giáo trình huấn luyện chiến đấu (giáo trình huấn luyện đào tạo) hoặc chỉ thị của cấp trên và chịu trách nhiệm về kết quả, an toàn chuyến bay.

5. Dẫn đường trên không là người thực hiện công tác dẫn đường trên không bằng cách xác định liên tục vị trí máy bay, trực thăng theo hướng bay, tốc độ, độ cao, tọa độ quy định để dẫn máy bay, trực thăng cất cánh, hạ cánh, bay theo đường bay đến các địa điểm, khu vực, mục tiêu, sân bay, bãi hạ cánh theo các nhiệm vụ được giao.

6. Phi công kiêm dẫn đường (dẫn đường phi công lái phụ) là người thực hiện nhiệm vụ dẫn đường trên không và trực tiếp điều khiển máy bay, trực thăng trên không khi được lái chính giao.

7. Cơ giới trên không là người chịu trách nhiệm về kỹ thuật hàng không; trực tiếp kiểm tra, tra nạp các loại dầu lên máy bay, trực thăng; kiểm tra, quan sát các chế độ làm việc của động cơ và sự làm việc liên tục của các hệ thống thiết bị lái, dẫn đường; sử dụng băng tải, cửa rem, điều khiển thả bom; sử dụng tời, cẩu hàng, người từ mặt đất, mặt nước lên trực thăng; cùng tổ bay xử lý các hỏng hóc phát sinh của kỹ thuật hàng không trong chuyến bay.

8. Trinh sát tuần thám trên không là người chịu trách nhiệm trực tiếp điều khiển hệ thống giám sát hàng hải trên máy bay thực hiện nhiệm vụ tuần thám trên không theo chức trách trong hướng dẫn sử dụng thiết bị tuần thám và sổ tay phi công, phối hợp cùng tổ bay thực hiện nhiệm vụ chuyến bay tuần thám.

9. Tổ bay là nhóm người điều khiển và tham gia thực hiện nhiệm vụ trên không theo tính năng thiết kế của máy bay, trực thăng. Thành phần tổ bay gồm phi công lái chính, phi công lái phụ và thành viên tổ bay theo quy định đối với từng loại máy bay, trực thăng.

10. Thành viên tổ bay là nhóm người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên không theo tính năng thiết kế của máy bay, trực thăng, gồm: Dẫn đường trên không, cơ giới trên không, thông tin trên không, trinh sát tuần thám trên không và các thành viên chuyên ngành khác trên máy bay, trực thăng.

11. Tổng giờ bay tích lũy là tổng giờ bay của phi công, thành viên tổ bay được tính theo quy định của Bộ Quốc phòng trên các loại máy bay quân sự đã bay.

12. Giờ bay tích lũy trên loại máy bay, trực thăng đang bay là giờ bay của phi công, thành viên tổ bay được tính theo quy định của Bộ Quốc phòng trên loại máy bay quân sự thời điểm hiện tại đang bay.

13. Giờ bay trong năm so với chỉ tiêu là giờ bay của phi công, thành viên tổ bay được tính theo quy định của Bộ Quốc phòng trên loại máy bay quân sự đạt được trong năm so với chỉ tiêu giờ bay đã được giao.

Chương II

PHÂN CẤP KỸ THUẬT PHI CÔNG, THÀNH VIÊN TỔ BAY

Điều 4. Cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay quân sự

1. Phi công quân sự không cấp là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (sau đây gọi chung là quân nhân) đã hoàn thành chương trình đào tạo phi công quân sự và được cơ quan có thẩm quyền cấp bằng, chứng chỉ nhưng chưa đạt tiêu chuẩn phân cấp quy định tại Chương III Thông tư này.

2. Thành viên tổ bay quân sự không cấp là quân nhân đã hoàn thành chương trình huấn luyện, đào tạo thành viên tổ bay quân sự, được cấp có thẩm quyền phê chuẩn thực hiện nhiệm vụ theo chức trách nhưng chưa đạt tiêu chuẩn phân cấp quy định tại Chương III Thông tư này.

3. Phi công, thành viên tổ bay quân sự quy định tại khoản 1, 2 Điều này đạt tiêu chuẩn phân cấp quy định tại Chương III Thông tư này được xét, quyết định phong cấp kỹ thuật tương ứng từ thấp lên cao theo thứ tự cấp 3, cấp 2, cấp 1.

Điều 5. Phân cấp kỹ thuật phi công quân sự

1. Phân cấp kỹ thuật phi công (lái chính, lái phụ):

a) Phi công (lái chính, lái phụ) quân sự cấp 3;

b) Phi công (lái chính, lái phụ) quân sự cấp 2;

c) Phi công (lái chính, lái phụ) quân sự cấp 1.

2. Phân cấp kỹ thuật phi công kiêm dẫn đường:

a) Phi công kiêm dẫn đường quân sự cấp 3;

b) Phi công kiêm dẫn đường quân sự cấp 2;

c) Phi công kiêm dẫn đường quân sự cấp 1.

3. Phân cấp kỹ thuật phi công giảng viên bay:

a) Phi công giảng viên bay quân sự cấp 3;

b) Phi công giảng viên bay quân sự cấp 2;

c) Phi công giảng viên bay quân sự cấp 1.

Điều 6. Phân cấp kỹ thuật thành viên tổ bay quân sự

1. Phân cấp kỹ thuật dẫn đường trên không:

a) Dẫn đường trên không quân sự cấp 3;

b) Dẫn đường trên không quân sự cấp 2;

c) Dẫn đường trên không quân sự cấp 1.

2. Phân cấp kỹ thuật cơ giới trên không:

a) Cơ giới trên không quân sự cấp 3;

b) Cơ giới trên không quân sự cấp 2;

c) Cơ giới trên không quân sự cấp 1.

3. Phân cấp kỹ thuật trinh sát tuần thám trên không:

a) Trinh sát tuần thám trên không quân sự cấp 3;

b) Trinh sát tuần thám trên không quân sự cấp 2;

c) Trinh sát tuần thám trên không quân sự cấp 1.

4. Đối với thành viên tổ bay khác tùy theo tên gọi, làm việc trên không theo tính năng máy bay, trực thăng mà phân cấp theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này từ thấp lên cao theo thứ tự cấp 3, cấp 2, cấp 1.

Chương III

TIÊU CHUẨN PHÂN CẤP KỸ THUẬT PHI CÔNG, THÀNH VIÊN TỔ BAY

Mục 1. TIÊU CHUẨN PHÂN CẤP KỸ THUẬT PHI CÔNG MÁY BAY PHẢN LỰC

Điều 7. Tiêu chuẩn phi công quân sự cấp 3 máy bay phản lực

1. Trình độ kỹ thuật lái, dẫn đường và ứng dụng chiến đấu:

a) Là phi công quân sự máy bay phản lực không cấp;

b) Đã được sát hạch, phê chuẩn bay các khoa mục kỹ thuật lái, dẫn đường, ứng dụng chiến đấu phù hợp với tính năng của máy bay theo giáo trình huấn luyện chiến đấu và Điều lệ bay do cấp có thẩm quyền ban hành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, trong điều kiện ngày khí tượng giản đơn và ngày khí tượng phức tạp (hoặc bay ngày trên biển xa).

2. Tiêu chuẩn về giờ bay:

a) Tổng giờ bay tích lũy đối với phi công máy bay tiêm kích, tiêm kích bom ≥ 400 giờ, đối với phi công máy bay tiêm kích đa năng ≥ 450 giờ;

b) Giờ bay tích lũy trên máy bay đang bay đối với phi công chuyển loại ≥ 50 giờ.

Điều 8. Tiêu chuẩn phi công quân sự cấp 2 máy bay phản lực

1. Trình độ kỹ thuật lái, dẫn đường và ứng dụng chiến đấu:

a) Là phi công quân sự máy bay phản lực cấp 3;

b) Đã được sát hạch, phê chuẩn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư này trong điều kiện ngày khí tượng giản đơn, ngày khí tượng phức tạp (hoặc bay ngày trên biển xa) và đêm khí tượng giản đơn.

2. Tiêu chuẩn về giờ bay:

a) Tổng giờ bay tích lũy đối với phi công máy bay tiêm kích, tiêm kích bom ≥ 550 giờ, đối với phi công máy bay tiêm kích đa năng ≥ 650 giờ;

b) Giờ bay tích lũy trên máy bay đang bay đối với phi công chuyển loại ≥ 80 giờ.

Điều 9. Tiêu chuẩn phi công quân sự cấp 1 máy bay phản lực

1. Trình độ kỹ thuật lái, dẫn đường và ứng dụng chiến đấu:

a) Là phi công quân sự máy bay phản lực cấp 2;

b) Đã được sát hạch, phê chuẩn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư này trong điều kiện ngày khí tượng giản đơn, ngày khí tượng phức tạp (hoặc bay ngày trên biển xa), đêm khí tượng giản đơn và đêm khí tượng phức tạp (hoặc bay đêm trên biển).

2. Tiêu chuẩn về giờ bay:

a) Tổng giờ bay tích lũy đối với phi công máy bay tiêm kích, tiêm kích bom ≥ 750 giờ, đối với phi công máy bay tiêm kích đa năng ≥ 850 giờ;

b) Giờ bay tích lũy trên máy bay đang bay đối với phi công chuyển loại ≥ 120 giờ.

Mục 2. TIÊU CHUẨN PHÂN CẤP KỸ THUẬT PHI CÔNG, THÀNH VIÊN TỔ BAY MÁY BAY VẬN TẢI, TUẦN THÁM

Điều 10. Tiêu chuẩn phi công lái chính, phi công kiêm dẫn đường và dẫn đường trên không quân sự cấp 3 máy bay vận tải, tuần thám

1. Trình độ kỹ thuật lái, dẫn đường và khả năng thực hiện nhiệm vụ:

a) Là phi công lái chính, phi công kiêm dẫn đường và dẫn đường trên không quân sự không cấp;

b) Đã được sát hạch, phê chuẩn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư này trong điều kiện ngày khí tượng giản đơn, ngày khí tượng phức tạp.

2. Tiêu chuẩn về giờ bay:

a) Tổng giờ bay tích lũy ≥ 400 giờ;

b) Giờ bay tích lũy trên máy bay đang bay đối với phi công chuyển loại ≥ 50 giờ.

Điều 11. Tiêu chuẩn phi công lái chính, phi công kiêm dẫn đường và dẫn đường trên không quân sự cấp 2 máy bay vận tải, tuần thám

1. Trình độ kỹ thuật lái, dẫn đường và khả năng thực hiện nhiệm vụ:

a) Đã được phong phi công lái chính, phi công kiêm dẫn đường và dẫn đường trên không quân sự cấp 3;

b) Đã được sát hạch, phê chuẩn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư này trong điều kiện ngày khí tượng giản đơn, ngày khí tượng phức tạp, đêm khí tượng giản đơn.

2. Tiêu chuẩn về giờ bay:

a) Tổng giờ bay tích lũy ≥ 700 giờ;

b) Giờ bay tích lũy trên máy bay đang bay đối với phi công chuyển loại ≥ 80 giờ.

Điều 12. Tiêu chuẩn phi công lái chính, phi công kiêm dẫn đường và dẫn đường trên không quân sự cấp 1 máy bay vận tải, tuần thám

1. Trình độ kỹ thuật lái, dẫn đường và khả năng thực hiện nhiệm vụ:

a) Đã được phong phi công lái chính, phi công kiêm dẫn đường và dẫn đường trên không quân sự cấp 2;

b) Đã được sát hạch, phê chuẩn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư này trong điều kiện ngày khí tượng giản đơn, ngày khí tượng phức tạp, đêm khí tượng giản đơn, đêm khí tượng phức tạp.

2. Tiêu chuẩn về giờ bay:

a) Tổng giờ bay tích lũy ≥ 900 giờ;

b) Giờ bay tích lũy trên máy bay đang bay đối với phi công chuyển loại ≥ 120 giờ.

Điều 13. Tiêu chuẩn cơ giới trên không, trinh sát tuần thám trên không quân sự cấp 3 máy bay vận tải, tuần thám

1. Trình độ sử dụng kỹ thuật hàng không và khả năng thực hiện nhiệm vụ:

a) Là cơ giới trên không, trinh sát tuần thám trên không quân sự không cấp;

b) Thực hiện các nhiệm vụ theo chức trách được giao gắn với các nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Thông tư này.

2. Tiêu chuẩn về giờ bay:

a) Tổng giờ bay tích lũy đối với cơ giới trên không ≥ 550 giờ, đối với tuần thám trên không ≥ 400 giờ;

b) Giờ bay tích lũy trên máy bay đang bay đối với thành viên tổ bay chuyển loại ≥ 100 giờ.

Điều 14. Tiêu chuẩn cơ giới trên không, trinh sát tuần thám trên không quân sự cấp 2 máy bay vận tải, tuần thám

1. Trình độ sử dụng kỹ thuật hàng không và khả năng thực hiện nhiệm vụ:

a) Là cơ giới trên không, trinh sát tuần thám trên không quân sự cấp 3;

b) Thực hiện các nhiệm vụ theo chức trách được giao gắn với các nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Thông tư này.

2. Tiêu chuẩn về giờ bay:

a) Tổng giờ bay tích lũy đối với cơ giới trên không ≥ 700 giờ, đối với tuần thám trên không ≥ 650 giờ;

b) Giờ bay tích lũy trên máy bay đang bay đối với thành viên tổ bay chuyển loại ≥ 150 giờ.

Điều 15. Tiêu chuẩn cơ giới trên không, trinh sát tuần thám trên không quân sự cấp 1 máy bay vận tải, tuần thám

1. Trình độ sử dụng kỹ thuật hàng không và khả năng thực hiện nhiệm vụ:

a) Là cơ giới trên không, trinh sát tuần thám trên không quân sự cấp 2;

b) Thực hiện các nhiệm vụ theo chức trách được giao gắn với các nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Thông tư này.

2. Tiêu chuẩn về giờ bay:

a) Tổng giờ bay tích lũy đối với cơ giới trên không ≥ 900 giờ, đối với tuần thám trên không ≥ 850 giờ;

b) Giờ bay tích lũy trên máy bay đang bay đối với thành viên tổ bay chuyển loại ≥ 200 giờ.

Mục 3. TIÊU CHUẨN PHÂN CẤP KỸ THUẬT PHI CÔNG, THÀNH VIÊN TỔ BAY TRỰC THĂNG

Điều 16. Tiêu chuẩn phi công lái chính, phi công kiêm dẫn đường và dẫn đường trên không quân sự cấp 3 trực thăng

1. Trình độ kỹ thuật lái, dẫn đường và khả năng thực hiện nhiệm vụ:

a) Là phi công lái chính, phi công kiêm dẫn đường và dẫn đường trên không quân sự không cấp;

b) Đã được sát hạch, phê chuẩn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư này trong điều kiện ngày khí tượng giản đơn, ngày khí tượng phức tạp.

2. Tiêu chuẩn về giờ bay:

a) Tổng giờ bay tích lũy ≥ 400 giờ;

b) Giờ bay tích lũy trên trực thăng đang bay đối với phi công lái chính, phi công kiêm dẫn đường và dẫn đường trên không chuyển loại ≥ 50 giờ.

Điều 17. Tiêu chuẩn phi công lái chính, phi công kiêm dẫn đường và dẫn đường trên không quân sự cấp 2 trực thăng

1. Trình độ kỹ thuật lái, dẫn đường và khả năng thực hiện nhiệm vụ:

a) Là phi công lái chính, phi công kiêm dẫn đường và dẫn đường trên không quân sự cấp 3;

b) Đã được sát hạch, phê chuẩn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư này trong điều kiện ngày khí tượng giản đơn, ngày khí tượng phức tạp và đêm khí tượng giản đơn.

2. Tiêu chuẩn về giờ bay:

a) Tổng giờ bay tích lũy ≥ 600 giờ;

b) Giờ bay tích lũy trên trực thăng đang bay đối với phi công lái chính, phi công kiêm dẫn đường và dẫn đường trên không chuyển loại ≥ 80 giờ.

Điều 18. Tiêu chuẩn phi công lái chính, phi công kiêm dẫn đường và dẫn đường trên không quân sự cấp 1 trực thăng

1. Trình độ kỹ thuật lái, dẫn đường và khả năng thực hiện nhiệm vụ:

a) Là phi công lái chính, phi công kiêm dẫn đường và dẫn đường trên không quân sự cấp 2;

b) Đã được sát hạch, phê chuẩn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư này trong điều kiện ngày khí tượng giản đơn, ngày khí tượng phức tạp, đêm khí tượng giản đơn và đêm khí tượng phức tạp.

2. Tiêu chuẩn về giờ bay:

a) Tổng giờ bay tích lũy ≥ 800 giờ;

b) Giờ bay tích lũy trên trực thăng đang bay đối với phi công lái chính, phi công kiêm dẫn đường và dẫn đường trên không chuyển loại ≥ 120 giờ.

Điều 19. Tiêu chuẩn cơ giới trên không quân sự cấp 3 trực thăng

1. Trình độ sử dụng kỹ thuật hàng không và khả năng thực hiện nhiệm vụ:

a) Là cơ giới trên không trực thăng quân sự không cấp;

b) Thực hiện các nhiệm vụ theo chức trách được giao gắn với các nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Thông tư này.

2. Tiêu chuẩn về giờ bay:

a) Tổng giờ bay tích lũy ≥ 550 giờ (đối với cơ giới trên không trực thăng Trường Sĩ quan Không quân ≥ 650 giờ);

b) Giờ bay tích lũy trên trực thăng đang bay đối với thành viên tổ bay chuyển loại ≥ 100 giờ.

Điều 20. Tiêu chuẩn cơ giới trên không quân sự cấp 2 trực thăng

1. Trình độ sử dụng kỹ thuật hàng không và khả năng thực hiện nhiệm vụ:

a) Là cơ giới trên không trực thăng quân sự cấp 3;

b) Thực hiện các nhiệm vụ theo chức trách được giao gắn với các nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 Thông tư này.

2. Tiêu chuẩn về giờ bay:

a) Tổng giờ bay tích lũy ≥ 750 giờ (đối với cơ giới trên không trực thăng Trường Sĩ quan Không quân ≥ 850 giờ);

b) Giờ bay tích lũy trên trực thăng đang bay đối với thành viên tổ bay chuyển loại ≥ 150 giờ.

Điều 21. Tiêu chuẩn cơ giới trên không quân sự cấp 1 trực thăng

1. Trình độ sử dụng kỹ thuật hàng không và khả năng thực hiện nhiệm vụ:

a) Là cơ giới trên không trực thăng quân sự cấp 2;

b) Thực hiện các nhiệm vụ theo chức trách được giao gắn với các nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 18 Thông tư này.

2. Tiêu chuẩn về giờ bay:

a) Tổng giờ bay tích lũy ≥ 950 giờ (đối với cơ giới trên không trực thăng Trường Sĩ quan Không quân ≥ 1150 giờ);

b) Giờ bay tích lũy trên trực thăng đang bay đối với thành viên tổ bay chuyển loại ≥ 180 giờ.

Mục 4. TIÊU CHUẨN PHÂN CẤP KỸ THUẬT PHI CÔNG GIẢNG VIÊN BAY QUÂN SỰ

Điều 22. Tiêu chuẩn phi công giảng viên bay, phi công giảng viên lái chính, phi công kiêm dẫn đường và dẫn đường trên không quân sự cấp 3

1. Trình độ kỹ thuật lái, dẫn đường và khả năng thực hiện nhiệm vụ:

a) Là phi công giảng viên bay, phi công giảng viên lái chính, phi công kiêm dẫn đường và dẫn đường trên không quân sự không cấp;

b) Đã được phê chuẩn làm giảng viên 100% các khoa mục bay trong đề cương huấn luyện đào tạo học viên;

c) Đã được sát hạch, phê chuẩn thực hiện nhiệm vụ, bay các khoa mục kỹ thuật lái, dẫn đường, ứng dụng chiến đấu phù hợp theo tính năng của máy bay theo giáo trình huấn luyện chiến đấu, Điều lệ bay do cấp có thẩm quyền ban hành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn huyện, đào tạo nâng cao và sẵn sàng chiến đấu;

d) Làm giảng viên bay đào tạo học viên bay từ 4 khóa trở lên và có ít nhất 7 học viên bay đã tốt nghiệp.

2. Tiêu chuẩn về giờ bay:

a) Tổng giờ bay tích lũy đối với phi công giảng viên máy bay phản lực ≥ 550 giờ; đối với phi công giảng viên bay máy bay sơ cấp, phi công giảng viên lái chính, phi công kiêm dẫn đường, dẫn đường trên không ≥ 600 giờ;

b) Giờ bay tích lũy trên máy bay đang bay đối với phi công, thành viên tổ bay chuyển loại ≥ 50 giờ.

Điều 23. Tiêu chuẩn phi công giảng viên bay, phi công giảng viên lái chính, phi công kiêm dẫn đường và dẫn đường trên không quân sự cấp 2

1. Trình độ kỹ thuật lái, dẫn đường và khả năng thực hiện nhiệm vụ:

a) Là phi công giảng viên bay, phi công giảng viên lái chính, phi công kiêm dẫn đường và dẫn đường trên không quân sự cấp 3;

b) Đã được sát hạch, phê chuẩn thực hiện nhiệm vụ, phê chuẩn giáo viên bay các khoa mục theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Thông tư này;

c) Làm giảng viên bay đào tạo học viên bay từ 7 khóa trở lên và có ít nhất từ 11 đến 13 học viên bay đã tốt nghiệp.

2. Tiêu chuẩn về giờ bay:

a) Tổng giờ bay tích lũy đối với phi công giảng viên máy bay phản lực ≥ 800 giờ; đối với phi công giảng viên bay máy bay sơ cấp, phi công giảng viên lái chính, phi công kiêm dẫn đường, dẫn đường trên không ≥ 850 giờ;

b) Giờ bay tích lũy trên máy bay đang bay đối với phi công, thành viên tổ bay chuyển loại ≥ 80 giờ.

Điều 24. Tiêu chuẩn phi công giảng viên bay, phi công giảng viên lái chính, phi công kiêm dẫn đường và dẫn đường trên không quân sự cấp 1

1. Trình độ kỹ thuật lái, dẫn đường và khả năng thực hiện nhiệm vụ:

a) Là phi công giảng viên bay, phi công giảng viên lái chính, phi công kiêm dẫn đường và dẫn đường trên không quân sự cấp 2;

b) Đã được sát hạch, phê chuẩn thực hiện nhiệm vụ, giáo viên bay đào tạo các khoa mục theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Thông tư này;

c) Làm giảng viên bay đào tạo học viên bay từ 9 khóa trở lên và có ít nhất từ 14 đến 17 học viên bay đã tốt nghiệp.

2. Tiêu chuẩn về giờ bay:

a) Tổng giờ bay tích lũy đối với phi công giảng viên máy bay phản lực ≥ 1100 giờ; đối với phi công giảng viên bay máy bay sơ cấp, phi công giảng viên lái chính, phi công kiêm dẫn đường, dẫn đường trên không ≥ 1150 giờ;

b) Giờ bay tích lũy trên máy bay đang bay đối với phi công, thành viên tổ bay chuyển loại ≥ 120 giờ.

Chương IV

PHONG CẤP, GIỮ CẤP, LƯU CẤP VÀ HẠ CẤP KỸ THUẬT PHI CÔNG, THÀNH VIÊN TỔ BAY

Điều 25. Phong cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay

1. Phi công, thành viên tổ bay hàng năm được phong cấp khi đạt các điều kiện sau:

a) Đạt tiêu chuẩn phân cấp quy định tại Chương III Thông tư này;

b) Chỉ tiêu giờ bay trong năm đạt ≥ 80% chỉ tiêu giờ bay quy định;

c) Thực hành bay trong năm không để xảy ra uy hiếp an toàn bay, tai nạn bay;

d) Kết quả kiểm tra phân cấp: Lý thuyết từng nội dung đạt điểm khá trở lên (riêng đối với phong cấp 1 từng nội dung đạt từ 7,5 điểm trở lên theo thang điểm 10 và điểm bình quân đạt giỏi). Huấn luyện dù hàng không (nếu có) đạt khá trở lên. Rèn luyện thể lực đạt khá trở lên. Nhận thức chính trị, rèn luyện kỷ luật tốt. Thực hành bay đạt khá trở lên đối với phong cấp 2, cấp 3; đạt giỏi đối với phong cấp 1.

2. Mỗi phi công, thành viên tổ bay hàng năm chỉ được phong cấp một lần, không phong vượt cấp.

Điều 26. Giữ cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay

Phi công, thành viên tổ bay đã được phân cấp, hàng năm được giữ cấp khi đạt các yêu cầu sau:

1. Đối với phi công, thành viên tổ bay quân sự cấp 1:

a) Hoàn thành nhiệm vụ trong năm: Chỉ tiêu giờ bay huấn luyện đạt ≥ 60%; chỉ tiêu bay nhiệm vụ đạt ≥ 60%;

b) Không để xảy ra trên 01 lần uy hiếp an toàn bay do bản thân gây ra;

c) Kết quả kiểm tra phân cấp: Lý thuyết chung đạt điểm khá; huấn luyện dù hàng không (nếu có) đạt khá; rèn luyện thể lực đạt khá; nhận thức chính trị, rèn luyện kỷ luật tốt; thực hành bay đạt khá.

2. Đối với phi công, thành viên tổ bay quân sự cấp 2:

a) Chưa đủ tiêu chuẩn phong cấp 1;

b) Hoàn thành nhiệm vụ trong năm: Chỉ tiêu giờ bay huấn luyện đạt ≥ 70%; chỉ tiêu bay nhiệm vụ đạt ≥ 70%;

c) Không để xảy ra trên 01 lần uy hiếp an toàn bay do bản thân gây ra;

d) Kết quả kiểm tra phân cấp: Lý thuyết chung đạt điểm khá; huấn luyện dù hàng không (nếu có) đạt khá; rèn luyện thể lực đạt khá; nhận thức chính trị, rèn luyện kỷ luật tốt; thực hành bay đạt khá.

3. Đối với phi công, thành viên tổ bay quân sự cấp 3:

a) Chưa đủ tiêu chuẩn phong cấp 2;

b) Hoàn thành nhiệm vụ trong năm: Chỉ tiêu giờ bay huấn luyện đạt ≥ 80%; chỉ tiêu bay nhiệm vụ đạt ≥ 80%;

c) Không để xảy ra trên 01 lần uy hiếp an toàn bay do bản thân gây ra;

d) Kết quả kiểm tra phân cấp: Lý thuyết chung đạt điểm khá; huấn luyện dù hàng không (nếu có) đạt khá; rèn luyện thể lực đạt khá; nhận thức chính trị, rèn luyện kỷ luật tốt; thực hành bay đạt khá.

Điều 27. Lưu cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay

Phi công, thành viên tổ bay đã được phân cấp, hàng năm được quy định lưu cấp như sau:

1. Phi công, thành viên tổ bay không đủ điều kiện giữ cấp quy định tại Điều 26 Thông tư này. Thời gian lưu cấp là 01 năm tính từ ngày quyết định lưu cấp có hiệu lực.

2. Phi công, thành viên tổ bay được đi đào tạo tại các học viện, nhà trường trong nước, ngoài nước được lưu cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay trong thời gian học. Sau khi về đơn vị được lưu cấp thêm 01 năm tính từ ngày quyết định lưu cấp có hiệu lực.

3. Phi công giảng viên bay quân sự nhà trường, Binh đoàn 18 khi chuyển về đơn vị chiến đấu, được phép lưu cấp trong 01 năm đối với cấp 3; trong 02 năm đối với cấp 2 và trong 03 năm đối với cấp 1 tính từ ngày quyết định chuyển đơn vị có hiệu lực.

4. Phi công từ các đơn vị chiến đấu được điều động, bổ nhiệm về nhà trường, Binh đoàn 18 được phép lưu cấp trong 01 năm đối với cấp 3; trong 02 năm đối với cấp 2 và cấp 1 từ ngày quyết định điều động, bổ nhiệm có hiệu lực, (không tính số khóa đào tạo và số học viên bay tốt nghiệp).

5. Phi công, thành viên tổ bay công tác ở cơ quan Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Binh đoàn 18, các học viện, nhà trường và cơ quan Bộ Quốc phòng được lưu cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay (những đối tượng trên được giữ cấp nếu trong năm có tham gia thực hành bay).

6. Phi công, thành viên tổ bay khi chuyển sang bay loại máy bay, trực thăng khác, chuyển sang lái chính được phép lưu cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay trong 02 năm với phi công, thành viên tổ bay cấp 3; trong 03 năm với phi công, thành viên tổ bay cấp 2; trong 04 năm với phi công, thành viên tổ bay cấp 1 từ ngày quyết định chuyển loại có hiệu lực.

Điều 28. Hạ cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay

1. Hạ cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay được tiến hành trong các trường hợp sau:

a) Hạ 01 cấp đối với phi công, thành viên tổ bay do bản thân gây ra uy hiếp an toàn bay nghiêm trọng, tai nạn bay;

b) Hạ 01 cấp đối với phi công giảng viên bay quân sự do học viên mình trực tiếp kèm để xảy ra uy hiếp an toàn bay nghiêm trọng, tai nạn bay (trong ban bay thả đơn đầu);

c) Hạ 01 cấp đối với phi công, thành viên tổ bay đã hết thời gian được lưu cấp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 27 Thông tư này mà không đủ điều kiện giữ cấp quy định tại Điều 26 Thông tư này;

d) Hạ về cấp tương ứng trong tiêu chuẩn đối với phi công, thành viên tổ bay đã hết thời gian được lưu cấp quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 6 Điều 27 Thông tư này mà không đủ tiêu chuẩn phân cấp quy định tại Chương III Thông tư này.

2. Đối với các trường hợp phi công, thành viên tổ bay để xảy ra uy hiếp an toàn bay nghiêm trọng, tai nạn bay. Khi kết luận của Hội đồng điều tra uy hiếp an toàn bay nghiêm trọng, tai nạn bay có hiệu lực, cơ quan thường trực Hội đồng xét phân cấp có văn bản đề nghị:

a) Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam hạ từ cấp 1 xuống cấp 2 đối với phi công, phi công giảng viên bay, phi công kiêm dẫn đường;

b) Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Tư lệnh Cảnh sát biển, Tư lệnh Binh đoàn 18 hạ 01 cấp đối với các cấp kỹ thuật bay còn lại.

Điều 29. Thẩm quyền quyết định phong cấp, giữ cấp, lưu cấp, hạ cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay

1. Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định phong cấp 1 đối với phi công, phi công giảng viên bay, phi công kiêm dẫn đường.

2. Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Tư lệnh Cảnh sát biển, Tư lệnh Binh đoàn 18 quyết định phong cấp 2 và cấp 3 đối với phi công, phi công giảng viên bay, phi công kiêm dẫn đường; quyết định phong cấp kỹ thuật dẫn đường trên không, cơ giới trên không, trinh sát tuần thám trên không.

3. Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Tư lệnh Cảnh sát biển, Tự lệnh Binh đoàn 18 quyết định giữ cấp, lưu cấp phi công, thành viên tổ bay.

4. Cấp nào quyết định phong cấp thì cấp đó được quyền hạ cấp.

Chương V

BIỂU TƯỢNG, GIẤY CHỨNG NHẬN CẤP KỸ THUẬT PHI CÔNG, THÀNH VIÊN TỔ BAY

Điều 30. Biểu tượng cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay

1. Biểu tượng cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay thực hiện theo Điều lệnh quản lý bộ đội Quân đội nhân dân Việt Nam và quy định của Bộ Quốc phòng.

2. Mẫu biểu tượng cấp kỹ thuật phi công: Chất liệu bằng kim loại; kích thước 80mm x 25mm x 07mm; hình cánh én màu vàng, hình khiên nằm chính giữa, ngôi sao 5 cánh màu vàng; số thứ tự màu vàng thể hiện cấp kỹ thuật phi công; phía dưới có dòng chữ viết tắt “QĐNDVN”.

3. Mẫu biểu tượng cấp kỹ thuật thành viên tổ bay: tương tự như biểu trượng cấp phi công, chỉ khác thay hình ngôi sao bằng hình chiếc búa và kompa.

4. Mẫu biểu tượng cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Biểu tượng cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay mang trên quân phục thường dùng.

Điều 31. Giấy chứng nhận cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay

1. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay

a) Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phê duyệt danh sách, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Tư lệnh Cảnh sát biển, Tư lệnh Binh đoàn 18 ký Giấy chứng nhận cấp kỹ thuật phi công quân sự cấp 1 đối với phi công, phi công giảng viên bay, phi công kiêm dẫn đường;

b) Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Tư lệnh Cảnh sát biển, Tư lệnh Binh đoàn 18 ký Giấy chứng nhận cấp kỹ thuật phi công quân sự cấp 2, cấp 3 đối với phi công, phi công giảng viên bay, phi công kiêm dẫn đường và Giấy chứng nhận cấp kỹ thuật thành viên tổ bay quân sự cấp 1, cấp 2, cấp 3.

2. Mẫu giấy chứng nhận cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay

a) Giấy chứng nhận hình chữ nhật có kích thước 85mm x 55mm, riêng giấy chứng nhận cấp 1 của phi công được phóng thêm lên khổ A5; sản xuất bằng chất liệu bằng giấy;

b) Kỹ thuật trình bày:

Mặt trước: Giữa có hình Quân hiệu, nền hình hoa văn, in chìm màu xanh da trời, từ trên xuống là tiêu đề “QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM” (màu đỏ, cỡ chữ 8 đứng đậm, font chữ Times New Roman). Phía dưới là dòng chữ màu đỏ, cỡ chữ 12 đứng đậm, font chữ Times New Roman:

“CHỨNG NHẬN

PHI CÔNG QUÂN SỰ CẤP 1 (CẤP 2, CẤP 3)”

“CHỨNG NHẬN

THÀNH VIÊN TỔ BAY QUÂN SỰ CẤP 1 (CẤP 2, CẤP 3)”

Từ trên xuống bên trái là ảnh của người được cấp Giấy chứng nhận, bên phải là các dòng chữ: Họ tên; Loại máy bay; Số hiệu sĩ quan; Đạt trình độ phi công (cơ giới trên không; trinh sát tuần thám trên không;....) quân sự cấp 1 (cấp 2, cấp 3), (cỡ chữ 8, font chữ Times New Roman); …, ngày... tháng... năm... (cỡ chữ 6 nghiêng, font chữ Times New Roman); người có thẩm quyền cấp giấy ký tên và đóng dấu (cỡ chữ 8 đứng đậm, font chữ Times New Roman);

Mặt sau màu cờ đỏ, từ trên xuống là dòng chữ “QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM” (cỡ chữ 11 đứng đậm, font chữ Times New Roman). Bên dưới là hình biểu tượng cấp phi công, thành viên tổ bay tương ứng. Dưới biểu tượng là dòng chữ “PHI CÔNG QUÂN SỰ CẤP 1 (CẤP 2, CẤP 3), THÀNH VIÊN TỔ BAY QUÂN SỰ CẤP 1 (CẤP 2, CẤP 3)” (cỡ chữ 11 đứng đậm, font chữ Times New Roman);

c) Mẫu giấy chứng nhận cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 32. Bộ Tổng Tham mưu

1. Chỉ đạo các cơ quan thuộc quyền thẩm định đề nghị của Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Binh đoàn 18 và trình Tổng Tham mưu trưởng phong cấp, hạ cấp kỹ thuật phi công, phi công giảng viên bay, dẫn đường kiêm phi công quân sự cấp 1.

2. Kiểm tra, thanh tra việc phân cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Điều 33. Quân chủng Phòng không - Không quân

1. Thành lập Hội đồng kiểm tra và Hội đồng xét; tổ chức Phân cấp kỹ thuật đối với mỗi phi công, thành viên tổ bay trên từng loại máy bay thuộc quyền quản lý.

2. Thống nhất về giờ bay và các khoa mục bay sát hạch, phê chuẩn kỹ thuật lái, dẫn đường, ứng dụng chiến đấu phù hợp theo tính năng của mỗi loại máy bay, theo từng cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, đào tạo nâng cao và sẵn sàng chiến đấu.

Điều 34. Quân chủng Hải Quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Binh đoàn 18

Thành lập Hội đồng kiểm tra và Hội đồng xét; tổ chức Phân cấp kỹ thuật đối với mỗi phi công, thành viên tổ bay trên từng loại máy bay thuộc quyền quản lý.

Điều 35. Hội đồng kiểm tra và Hội đồng xét phân cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay

1. Hội đồng kiểm tra phân cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay (sau đây viết gọn là Hội đồng kiểm tra) được tổ chức tại Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Binh đoàn 18, Sư đoàn, Lữ đoàn tương đương; Hội đồng kiểm tra có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ trưởng đơn vị về công tác kiểm tra phân cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay.

2. Hội đồng xét phân cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay (sau đây viết gọn là Hội đồng xét) được tổ chức tại Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Binh đoàn 18, sư đoàn, lữ đoàn tương đương; Hội đồng xét có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ trưởng đơn vị về công tác phong cấp, giữ cấp, lưu cấp và hạ cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay.

3. Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch Hội đồng; Phó chủ tịch Hội đồng; thư ký Hội đồng; các ủy viên Hội đồng là cán bộ có trình độ chuyên môn phù hợp của các cơ quan có liên quan, để giúp Hội đồng thực hiện nhiệm vụ.

4. Chủ tịch Hội đồng ban hành quy chế, nội dung kiểm tra, đánh giá và phương pháp làm việc.

5. Chủ tịch Hội đồng làm việc theo nguyên tắc đa số; cuộc họp của Hội đồng phải có ít nhất 2/3 thành viên có mặt.

6. Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân, Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Phòng huấn luyện Binh đoàn 18 là Cơ quan thường trực của Hội đồng, có nhiệm vụ tham mưu cho Hội đồng về công tác kiểm tra và xét phân cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 36. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 và thay thế Thông tư số 85/2013/TT-BQP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ban hành Tiêu chuẩn phân cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Điều 37. Trách nhiệm thi hành

Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Đ/c Bộ trưởng BQP;
- Các đ/c Thứ trưởng BQP;
- BTTM, TCCT;
- TCKT, TCHC;
- Quân chủng: PK-KQ, Hải quân;
- BTL: Cảnh sát biển, Binh đoàn 18;
- C41, C60, C51, C55, C56, C63, C85, C17;
- Cổng Thông tin điện tử BQP;
- Vụ Pháp chế BQP;
- Lưu: VT, NCTH. N30.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Thượng tướng Phan Văn Giang

PHỤ LỤC I

MẪU BIỂU TƯỢNG CẤP KỸ THUẬT BAY PHI CÔNG, THÀNH VIÊN TỔ BAY
(Ban hành kèm theo Thông tư số 120/2020/TT-BQP ngày 06/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)

PHỤ LỤC II

MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN CẤP KỸ THUẬT PHI CÔNG, THÀNH VIÊN TỔ BAY
(Ban hành kèm theo Thông tư số 120/2020/TT-BQP ngày 06/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 120/2020/TT-BQP ngày 06/10/2020 quy định về phân cấp kỹ thuật phi công, thành viên tổ bay trong Quân đội nhân dân Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


8.080

DMCA.com Protection Status
IP: 3.133.140.88
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!