BỘ QUỐC
PHÒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
09/2021/TT-BQP
|
Hà Nội,
ngày 14 tháng 01 năm 2021
|
THÔNG
TƯ
BAN
HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TRANG THIẾT BỊ ĐÀO TẠO TẠI CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO
TRONG QUÂN ĐỘI
Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18
tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học
ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày
27 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 151/2017/NĐ-CP
ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;
Căn cứ Nghị định số 164/2017/NĐ-CP
ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Theo đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông
tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng trang thiết bị đào tạo tại các cơ sở đào tạo
trong Quân đội.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế quản lý, sử dụng
trang thiết bị đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong Quân đội.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm
2021 và thay thế Quyết định số 24/2008/QĐ-BQP ngày 29 tháng 02 năm 2008 của Bộ
trưởng Bộ Quốc phòng về việc ban hành Quy chế quản lý đầu tư, sử dụng trang thiết
bị đào tạo trong nhà trường quân đội.
Điều 3. Tổng Tham mưu trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cơ sở
đào tạo trong Quân đội và tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông
tư này.
Cục trưởng Cục Nhà trường chịu trách nhiệm
hướng dẫn và tổ chức thực hiện bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định và hiệu quả./.
Nơi nhận:
-
Đ/c Bộ trưởng BQP (để b/c);
- Đ/c Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;
- Các đồng chí Thứ trưởng BQP;
- Các cơ quan, đơn vị trực thuộc BQP;
- C12, C37, C55, C56, C57, C63, C85;
- Vụ Pháp chế BQP;
- Cục Kiểm tra văn bản/Bộ Tư pháp;
- Cổng Thông tin điện tử BQP;
- Lưu: VT, NCTH. Toan 98.
|
KT. BỘ
TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Thượng
tướng Phan Văn Giang
|
QUY CHẾ
QUẢN
LÝ, SỬ DỤNG TRANG THIẾT BỊ ĐÀO TẠO TẠI CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO TRONG QUÂN ĐỘI
(Ban hành kèm theo Thông tư số 09/2021/TT-BQP ngày 14 tháng 01 năm 2021 của
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)
Chương I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
1. Quy chế này quy định về phân cấp quản
lý, bảo đảm, khai thác sử dụng trang thiết bị đào tạo tại các học viện, nhà trường,
cơ sở giáo dục và đào tạo trong Quân đội (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo).
2. Quy chế này không điều chỉnh đối với
các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật nhóm 1 phục vụ giảng dạy và huấn luyện thực
hành.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các cơ
quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan đến công tác quản lý, sử dụng trang
thiết bị đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong Quân đội.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây
được hiểu như sau:
1. Trang thiết bị đào tạo là các cơ sở
vật chất kỹ thuật, trang bị bảo đảm cho nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, nghiên cứu
khoa học của các cơ sở đào tạo, gồm:
a) Trang thiết bị dùng chung phục vụ
giảng dạy và học tập.
b) Trang thiết bị tại các phòng học phổ
thông.
c) Trang thiết bị tại các phòng học
chuyên dùng, phòng thí nghiệm; trung tâm huấn luyện thực hành hoặc xưởng huấn
luyện thực hành; trung tâm mô phỏng hoặc phòng học mô phỏng.
d) Trang thiết bị tại thao trường, bãi
tập, trường bắn.
đ) Các phần mềm dạy học và quản lý đào
tạo.
2. Cơ sở vật chất kỹ thuật là hệ thống
các công trình, phương tiện kỹ thuật cần thiết được sử dụng vào hoạt động giáo
dục và đào tạo nhằm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo đề ra.
3. Quản lý trang thiết bị đào tạo là
các hoạt động có định hướng, mục đích, kế hoạch của chủ thể quản lý nhằm xây dựng,
sử dụng và phát triển có hiệu quả hệ thống trang thiết bị đào tạo để phục vụ
cho công tác giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học.
4. Quản lý cơ sở vật chất kỹ thuật là
tác động có chủ đích của chủ thể quản lý đối với hệ thống các công trình,
phương tiện kỹ thuật nhằm thường xuyên duy trì số lượng, chất lượng, đồng bộ của
hệ thống trang thiết bị; bảo đảm tốt, kịp thời cho nhiệm vụ giáo dục và đào tạo.
5. Danh mục trang thiết bị đào tạo là
bảng ghi tên theo sự phân loại quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật các trang thiết bị
đào tạo được sử dụng trong quá trình giảng dạy, học tập, nghiên cứu.
Điều 4. Nguyên tắc quản
lý, sử dụng trang thiết bị đào tạo
1. Công tác quản lý, sử dụng trang thiết
bị đào tạo phải tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định
của Bộ Quốc phòng; bảo đảm tính thống nhất, toàn diện, chính xác và thường
xuyên; đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp và thực hiện phân cấp quản
lý bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch đúng thẩm quyền quy định.
2. Trang thiết bị đào tạo phải bảo đảm
tình trạng kỹ thuật và đồng bộ; được khai thác sử dụng tối đa tính năng, tác dụng
nhằm tạo điều kiện cho người dạy và người học sử dụng hiệu quả.
3. Trang thiết bị đào tạo là tài sản
công của Nhà nước và Quân đội; các cơ sở đào tạo và các cá nhân liên quan phải
thực hiện nghiêm quy định về quản lý, khai thác sử dụng trang thiết bị đào tạo,
hướng dẫn sử dụng, quy tắc an toàn cho từng trang thiết bị đào tạo.
4. Người được giao quản lý, khai thác
sử dụng trang thiết bị đào tạo nắm chắc tính năng, tác dụng, quy trình vận
hành, các quy định về an toàn và được huấn luyện sử dụng thành thạo; không để
hư hỏng, xuống cấp, mất mát do thiếu tinh thần trách nhiệm.
5. Chấp hành nghiêm các quy định quản
lý, sử dụng tài sản công; quy định về đăng ký, thống kê, kiểm kê, báo cáo, bảo
mật thông tin và các quy định khác có liên quan của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.
Điều 5. Phân cấp quản
lý trang thiết bị đào tạo
1. Bộ Tổng Tham mưu thống nhất quản lý
danh mục trang thiết bị đào tạo và phân cấp cho các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ
Quốc phòng quản lý cơ sở đào tạo chỉ đạo xây dựng và quản lý danh mục trang thiết
bị đào tạo được giao.
2. Cục Nhà trường thuộc Bộ Tổng Tham
mưu chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan của Bộ Quốc phòng
và Nhà nước tham mưu giúp Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn công tác quản lý,
sử dụng trang thiết bị đào tạo của các cơ sở đào tạo trong Quân đội; thẩm định
danh mục trang thiết bị đào tạo đáp ứng mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo
của các cơ sở đào tạo.
3. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ
Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng
trang thiết bị đào tạo của các cơ sở đào tạo thuộc quyền.
4. Các cơ sở đào tạo thực hiện quản
lý, sử dụng trang thiết bị đào tạo được giao theo đúng quy định của Nhà nước và
Bộ Quốc phòng.
Điều 6. Yêu cầu đối với
trang thiết bị đào tạo
1. Trang thiết bị đào tạo đáp ứng chương
trình, nội dung, phương pháp giảng dạy cho từng môn học; bảo đảm tính khoa học,
tính sư phạm, an toàn cho người sử dụng, phù hợp với sự phát triển của khoa học
công nghệ, khoa học kỹ thuật quân sự và phù hợp với vũ khí, trang bị của Quân đội
nhân dân Việt Nam.
2. Danh mục trang thiết bị đào tạo quy
định theo môn học nằm trong chương trình đào tạo của từng cấp, trình độ đào tạo
và nhu cầu sử dụng của các cơ sở đào tạo.
Điều 7. Nguồn hình
thành trang thiết bị đào tạo
1. Được đầu tư mua sắm, sản xuất bằng
ngân sách Nhà nước; ngân sách Nhà nước chi thường xuyên cho quốc phòng; ngân
sách do địa phương hỗ trợ và các nguồn ngân sách hợp pháp khác.
2. Được cấp bằng hiện vật các trang
thiết bị, vật tư theo các chuyên ngành của Bộ Quốc phòng.
3. Được điều chuyển từ các cơ quan,
đơn vị trong Bộ Quốc phòng.
4. Được các tổ chức, cá nhân trong nước
và ngoài nước tài trợ, biếu, tặng, cho mượn, cho thuê; các nguồn hợp pháp khác
theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.
Điều 8. Phân loại
trang thiết bị đào tạo
Trang thiết bị đào tạo gồm các loại
sau:
1. Trang thiết bị phòng học phổ thông
là trang thiết bị kỹ thuật phổ thông phục vụ giảng dạy, học tập lý thuyết theo chương
trình đào tạo.
2. Trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng
là trang bị kỹ thuật của các chuyên ngành quân sự bảo đảm theo yêu cầu thực
hành, thực tập kiến thức, kỹ năng cho học viên sau khi hoàn thành nội dung học
lý thuyết chuyên ngành về trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật quân sự và bảo đảm
cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tại các cơ sở đào tạo.
3. Trang thiết bị phòng thí nghiệm là
trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật cần thiết phục vụ cho nhiệm vụ nghiên cứu,
giảng dạy, học tập của môn học thuộc chương trình đào tạo, bao gồm: Các trang
thiết bị thí nghiệm thuộc khối kiến thức cơ bản, cơ sở ngành và chuyên ngành.
4. Trang thiết bị trung tâm thực hành,
xưởng thực hành là trang thiết bị kỹ thuật phục vụ học viên thực hành, thực tập
những kiến thức, kỹ năng của môn học chung và chuyên ngành theo yêu cầu của chương
trình đào tạo.
5. Trang thiết bị trung tâm mô phỏng,
phòng học mô phỏng là trang thiết bị kỹ thuật, phần mềm ứng dụng công nghệ mô
phỏng phục vụ học viên thao tác, thực hành trên các hệ thống mô phỏng của môn học
chuyên ngành theo yêu cầu đào tạo.
6. Trang thiết bị trường bắn, thao trường
huấn luyện là các trang thiết bị chuyên dùng quân sự tại khu vực, địa hình được
cấu trúc phục vụ huấn luyện, kiểm tra kết quả huấn luyện hoặc thử nghiệm trang
bị kỹ thuật của cơ sở đào tạo.
Điều 9. Những hành vi
bị cấm
1. Sử dụng trang thiết bị đào tạo
không đúng nguyên tắc, mục đích, yêu cầu, quy trình, quy định.
2. Xây dựng kế hoạch, đăng ký, thống
kê, kiểm kê, báo cáo trang thiết bị đào tạo không đúng thực tế.
3. Thực hiện cải tiến, cải hoán, điều
chuyển trang thiết bị đào tạo khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định.
4. Để lộ, lọt các thông tin bí mật về trang
thiết bị đào tạo.
Chương II
QUẢN
LÝ, SỬ DỤNG TRANG THIẾT BỊ ĐÀO TẠO
Mục 1. BẢO ĐẢM TRANG
THIẾT BỊ ĐÀO TẠO
Điều 10. Xây dựng kế
hoạch bảo đảm trang thiết bị đào tạo
1. Phải xác định rõ mục tiêu, phạm vi,
quy mô, danh mục trang thiết bị, giải pháp công nghệ, tiến độ thực hiện và nguồn
vốn bảo đảm theo từng giai đoạn; gắn với quy hoạch phát triển nhiệm vụ giáo dục
và đào tạo của cơ sở đào tạo, khả năng bảo đảm của các nguồn ngân sách.
2. Kế hoạch bảo đảm trang thiết bị đào
tạo, gồm:
a) Kế hoạch bảo đảm theo giai đoạn 5
năm; kế hoạch bảo đảm hằng năm.
b) Kế hoạch mua sắm trang bị mới; nâng
cấp, cải tiến kỹ thuật công nghệ.
3. Xây dựng kế hoạch bảo đảm trang thiết
bị đào tạo
a) Các cơ sở đào tạo khi xây dựng quy
hoạch phát triển nhiệm vụ giáo dục và đào tạo theo từng giai đoạn xây dựng kế
hoạch bảo đảm trang thiết bị đào tạo nhằm bổ sung, hoàn thiện, từng bước hiện đại
hóa trang thiết bị đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo yêu cầu
nhiệm vụ mới.
b) Nội dung của kế hoạch bảo đảm trang
thiết bị đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhiệm vụ giáo dục và đào tạo
của cơ sở đào tạo, có phương án thiết kế và giải pháp công nghệ đáp ứng mục
tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch. Việc lập nhu cầu, dự toán phải phù hợp với các định
mức, tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật do cấp có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn áp
dụng.
c) Kế hoạch bảo đảm trang thiết bị đào
tạo được phê duyệt là căn cứ để cơ sở đào tạo lập nhu cầu, dự toán ngân sách hằng
năm và tổ chức triển khai thực hiện.
Điều 11. Thực hiện kế
hoạch bảo đảm trang thiết bị đào tạo
1. Ngân sách bảo đảm trang thiết bị
đào tạo thực hiện theo hướng dẫn lập dự toán, chấp hành và quyết toán theo quy
định của Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
2. Thực hiện kế hoạch bảo đảm
Căn cứ vào khung ngân sách 5 năm và
ngân sách được duyệt hằng năm, chỉ huy cơ quan, đơn vị chỉ đạo các cơ quan, đơn
vị chuyên trách thuộc quyền lập và trình phê duyệt kế hoạch bảo đảm, mua sắm
trang thiết bị đào tạo theo các yêu cầu sau:
a) Xác định số lượng, chủng loại, chất
lượng, tính năng kỹ thuật, đồng bộ và các thông số chính của trang thiết bị đào
tạo cần bảo đảm, phù hợp với ngân sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phân
công đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện mua sắm, đặt hàng theo quy định; kiểm tra
nghiệm thu, tiến độ thực hiện.
b) Theo tính chất, yêu cầu nội dung bảo
đảm, mua sắm; khả năng thị trường, năng lực của nhà cung cấp; các căn cứ đề xuất
của cơ quan chuyên môn; ý kiến thẩm định của các cơ quan chức năng; chỉ huy cơ
quan, đơn vị được giao dự toán ngân sách tổ chức mua sắm theo quy định của Nhà
nước và Bộ Quốc phòng.
c) Quá trình thực hiện kế hoạch bảo đảm,
các cơ quan, đơn vị phải cử cán bộ chuyên môn có năng lực, nghiệp vụ phù hợp,
thường xuyên trực tiếp theo dõi quá trình mua sắm, sản xuất và lắp đặt trang
thiết bị đào tạo bảo đảm đúng quy định. Những thay đổi trong quá trình thực hiện
bảo đảm, các cơ quan, đơn vị báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, khi có quyết định
mới được thực hiện;
d) Đối với trang thiết bị đào tạo nhập
khẩu là những trang thiết bị phù hợp với chương trình, nội dung đào tạo, có
trình độ kỹ thuật (công nghệ) tiên tiến mà trong nước chưa sản xuất được; hàng
mới chưa qua sử dụng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng tại Điều 12
của Quy chế này. Việc mua sắm nhập khẩu trang thiết bị đào tạo theo kế hoạch
bảo đảm trang thiết bị đào tạo được cấp có thẩm quyền quyết định, thực hiện
theo quy định của Bộ Quốc phòng về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phục vụ nhiệm
vụ quốc phòng.
đ) Đối với trang bị kỹ thuật của các
chuyên ngành quân sự bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo thực hiện theo
quy định của các chuyên ngành quân sự và Bộ Quốc phòng.
3. Các cơ sở đào tạo có trách nhiệm
báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch bảo đảm hằng năm theo hướng dẫn của
ngành nghiệp vụ và các quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng.
4. Cục Nhà trường và các cơ quan chức
năng có thẩm quyền ở các cấp chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện
kế hoạch bảo đảm trang thiết bị đào tạo theo mục tiêu, quy mô, nội dung, chỉ
tiêu kế hoạch được phê duyệt.
Điều 12. Chất lượng
trang thiết bị đào tạo
1. Được quy định bằng tiêu chuẩn kỹ
thuật cụ thể đối với mỗi loại trang thiết bị. Tùy theo phạm vi, tính chất sử dụng,
đặc trưng phổ biến của từng loại trang thiết bị đào tạo mà quy định việc áp dụng
tiêu chuẩn kỹ thuật cấp ngành hay tiêu chuẩn kỹ thuật cấp quốc gia.
2. Đối với những trang thiết bị đào tạo
chưa được áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật cấp ngành hay tiêu chuẩn kỹ thuật cấp quốc
gia, cho phép áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật của cơ sở sản xuất đã được cấp có thẩm
quyền phê duyệt.
3. Những trang thiết bị đào tạo sản xuất
trong nước hay nhập khẩu đạt tiêu chuẩn hệ thống chất lượng quốc tế, được ưu
tiên lựa chọn để trang bị tại các cơ sở đào tạo.
4. Các cơ quan, đơn vị thực hiện kế hoạch
bảo đảm chịu trách nhiệm về quản lý chất lượng trang thiết bị đào tạo từ mua sắm,
sản xuất, lắp đặt và nghiệm thu đưa vào sử dụng theo các quy định hiện hành của
Nhà nước và Bộ Quốc phòng.
Mục 2. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG
TRANG THIẾT BỊ ĐÀO TẠO
Điều 13. Đăng ký, thống
kê, kiểm kê trang thiết bị đào tạo
1. Thực hiện chế độ đăng ký, thống kê,
kiểm kê trang thiết bị đào tạo nhằm thường xuyên quản lý chặt chẽ số lượng, chất
lượng, đồng bộ và tình trạng kỹ thuật trang thiết bị đào tạo tại cơ sở đào tạo
để kịp thời khắc phục và đề xuất biện pháp giải quyết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
giáo dục và đào tạo.
2. Công tác đăng ký, thống kê trang
thiết bị đào tạo
a) Thực hiện thường xuyên theo quy định
bảo đảm đầy đủ, chính xác, kịp thời.
b) Sổ sách đăng ký, thống kê đúng mẫu
biểu; đúng tên gọi, ký hiệu; ghi chép sổ sách phải rõ ràng, đúng quy định,
không được tẩy xóa, trường hợp viết sai phải viết lại và phải có chữ ký của người
chỉ huy và đóng dấu.
c) Việc thống kê quản lý trang thiết bị
đào tạo trên máy tính thực hiện thống nhất theo chương trình phần mềm do Bộ Quốc
phòng và ngành nghiệp vụ ban hành; tuân thủ quy định về bảo mật, an toàn thông
tin.
d) Các cơ sở đào tạo áp dụng quy trình
quản lý theo hệ thống quản lý chất lượng ISO.
đ) Thời gian đăng ký, thống kê: Theo
quy định (hằng quý, năm); các cơ sở đào tạo tổng hợp đăng ký, thống kê làm cơ sở
xác định số liệu gốc cho thời gian tiếp theo và làm cơ sở báo cáo tăng, giảm trong
quý, năm.
3. Kiểm kê trang thiết bị đào tạo
a) Các cơ sở đào tạo thực hiện chế độ
kiểm kê trang thiết bị đào tạo định kỳ, đột xuất theo quy định chế độ kiểm kê tài
sản công trong Bộ Quốc phòng.
b) Báo cáo kiểm kê là văn bản thuộc hệ
thống hồ sơ theo dõi, quản lý vật tư, tài sản công được lưu trữ tại các cơ sở
đào tạo.
c) Thời gian kiểm kê: Các cơ sở đào tạo
tổ chức kiểm kê định kỳ thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 01 hằng năm theo quy định.
4. Sổ sách, mẫu biểu đăng ký, thống kê
trang thiết bị đào tạo
a) Mẫu biểu, sổ sách đăng ký, thống kê
trang thiết bị đào tạo thực hiện theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, gồm:
- Sổ theo dõi
thực lực trang thiết bị đào tạo.
- Sổ thống kê
khai thác sử dụng trang thiết bị đào tạo.
- Lý lịch thiết
bị đào tạo.
b) Mẫu biểu, sổ sách đăng ký, thống kê
trang bị kỹ thuật của các chuyên ngành quân sự phục vụ huấn luyện, đào tạo thực
hiện theo quy định của các ngành, chuyên ngành.
5. Trách nhiệm đăng ký, thống kê, kiểm
kê trang thiết bị đào tạo: Tập thể và cá nhân được giao quản lý, khai thác sử dụng
trang thiết bị đào tạo thực hiện đăng ký, thống kê, kiểm kê theo quy định.
Điều 14. Điều chuyển
trang thiết bị đào tạo giữa các cơ sở đào tạo trong Quân đội
1. Nhằm chuyển giao trách nhiệm quản
lý tài sản công giữa các cơ sở đào tạo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện,
đào tạo.
2. Thẩm quyền quyết định điều chuyển
trang thiết bị đào tạo thực hiện như sau:
a) Tổng Tham mưu trưởng quyết định điều
chuyển trang thiết bị đào tạo trong phạm vi toàn quân trên cơ sở đề nghị của
các đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng; Cục Nhà trường có nhiệm vụ tổng hợp, cân
đối, trình Tổng Tham mưu trưởng xem xét, quyết định.
b) Chỉ huy các đầu mối trực thuộc Bộ
Quốc phòng quyết định điều chuyển trang thiết bị đào tạo trong phạm vi cơ quan,
đơn vị mình quản lý (không điều chuyển trang thiết bị đào tạo của cơ quan, đơn
vị thuộc quyền cho cơ quan, đơn vị khác không thuộc quyền).
3. Tổ chức điều chuyển trang thiết bị
đào tạo
a) Việc điều chuyển trang thiết bị đào
tạo chỉ thực hiện khi có quyết định của cấp có thẩm quyền, không được tự chuyển
đổi hoặc nhượng cho đơn vị khác. Khi cấp có thẩm quyền cho phép điều chuyển
trang thiết bị đào tạo, cơ quan, đơn vị quản lý trang thiết bị đào tạo phải tiến
hành các thủ tục bàn giao; hồ sơ bàn giao được lưu trữ tại cơ quan, đơn vị
giao, nhận trang thiết bị đào tạo theo quy định.
b) Điều chuyển đủ về số lượng, chủng
loại đúng với chất lượng theo quy định và bảo đảm an toàn trong suốt quá trình
thực hiện điều chuyển.
c) Nội dung, trình tự điều chuyển
trang thiết bị đào tạo: Kiểm tra số lượng, chủng loại, đồng bộ, tình trạng kỹ
thuật trang bị, lý lịch và tài liệu kỹ thuật kèm theo; lập biên bản giao, nhận
giữa bên giao và bên nhận; biên bản giao, nhận phải có đầy đủ chữ ký và đóng dấu
của cả hai bên; tổ chức thực hiện bàn giao, vận chuyển, tiếp nhận, đăng ký, lưu
trữ hồ sơ và báo cáo kết quả sau khi hoàn thành việc điều chuyển trang thiết bị
đào tạo.
d) Vận chuyển trang thiết bị đào tạo
thực hiện theo mệnh lệnh của cấp có thẩm quyền và quy định của Bộ Tổng Tham
mưu.
Điều 15. Cấp phát, điều
động trang thiết bị đào tạo trong cơ sở đào tạo
1. Nhằm bảo đảm cho các cơ quan, đơn vị
của cơ sở đào tạo có đủ số lượng và chủng loại theo yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện,
đào tạo.
2. Thẩm quyền quyết định cấp phát, điều
động: Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định cấp phát, điều động đối với trang thiết
bị đào tạo trong phạm vi cơ quan, đơn vị mình quản lý (không cấp phát, điều động
trang thiết bị đào tạo của cơ quan, đơn vị mình cho cơ quan, đơn vị khác).
3. Tổ chức cấp phát, điều động
a) Các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng
các nội dung trong quyết định cấp phát, điều động trang thiết bị đào tạo của
người chỉ huy; trường hợp không có đủ điều kiện và khả năng thực hiện phải xin
ý kiến người chỉ huy; khi nhận được báo cáo của cấp dưới, người chỉ huy phải
xem xét và giải quyết kịp thời.
b) Mọi tổ chức, cá nhân được giao quản
lý, sử dụng trang thiết bị đào tạo phải bàn giao toàn bộ trang thiết bị đào tạo
cho đơn vị cũ trước khi chuyển đến đơn vị công tác mới (trừ trường hợp có quyết
định cho phép mang theo của cấp có thẩm quyền).
Điều 16. Tổ chức khai
thác sử dụng trang thiết bị đào tạo
1. Nhằm đánh giá việc chấp hành các
quyết định, chỉ thị, mệnh lệnh của người chỉ huy trong tổ chức khai thác sử dụng
trang thiết bị đào tạo; đánh giá khả năng hoạt động của trang thiết bị đào tạo
so với thông số kỹ thuật, tính năng, công dụng do nhà sản xuất công bố và đánh
giá hiệu quả sử dụng trang thiết bị trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và
đào tạo, nghiên cứu khoa học của cơ sở đào tạo. Bảo đảm kỹ thuật cho trang thiết
bị đào tạo được thực hiện theo kế hoạch, nội dung, quy trình công nghệ và quy định,
hướng dẫn về kỹ thuật, an toàn cho từng chủng loại trang bị của nhà sản xuất.
2. Các cơ quan, đơn vị chuyên ngành của
cơ sở đào tạo căn cứ vào đặc tính kỹ thuật của trang thiết bị đào tạo, xây dựng
và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định tổ chức khai thác sử dụng
trang thiết bị đào tạo.
3. Xây dựng kế hoạch khai thác sử dụng
trang thiết bị đào tạo
a) Phải xác định rõ nhiệm vụ, chỉ
tiêu, thời gian, biện pháp, đơn vị (phòng, khoa, bộ môn, đơn vị quản lý học
viên, cá nhân) thực hiện và các nội dung bảo đảm khác để hoàn thành nội dung huấn
luyện, đào tạo theo quy định.
b) Căn cứ lập kế hoạch: Kế hoạch huấn
luyện, đào tạo; kế hoạch sử dụng trang thiết bị đào tạo; tình trạng kỹ thuật của
trang thiết bị đào tạo nằm trong kế hoạch khai thác sử dụng; trình độ khai thác
sử dụng trang thiết bị đào tạo của người được giao sử dụng trang bị.
c) Nội dung kế hoạch: Chủng loại, số
lượng trang thiết bị đào tạo sử dụng; kế hoạch bảo quản, bảo dưỡng; kiểm tra
tình trạng kỹ thuật, tình trạng đồng bộ, khắc phục hỏng hóc phát hiện trong quá
trình kiểm tra trang thiết bị đào tạo; kế hoạch huấn luyện bổ sung trước khi sử
dụng cho người được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác sử dụng trang thiết bị đào
tạo; nội dung bảo quản trang thiết bị đào tạo sau khi sử dụng.
d) Trách nhiệm lập kế hoạch: Cơ quan,
đơn vị phụ trách trang thiết bị đào tạo xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền
phê duyệt.
4. Quy trình khai thác sử dụng trang
thiết bị đào tạo
a) Thực hiện theo quy trình công tác
chuẩn bị đưa trang thiết bị đào tạo vào khai thác sử dụng; thực hành khai thác
sử dụng; bảo dưỡng, bảo quản sau khi sử dụng; chế độ bảo dưỡng, bảo quản thường
xuyên theo tài liệu hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
b) Thực hiện các chế độ kiểm tra kỹ
thuật định kỳ hoặc kiểm tra kỹ thuật bất thường (khi cần). Khi phát hiện hư hỏng
hoặc xuống cấp, có kế hoạch sửa chữa khắc phục kịp thời để bảo đảm yêu cầu nhiệm
vụ huấn luyện, đào tạo.
c) Đăng ký thống kê; bàn giao, tiếp nhận;
kiểm kê; dự trù vật tư tiêu hao; điều động; bảo dưỡng, phân cấp chất lượng; báo
cáo; kiểm tra.
5. Tổ chức khai thác sử dụng trang thiết
bị đào tạo
a) Thực hiện theo các quy định tại Quy
chế này và các quy định có liên quan trong Bộ Quốc phòng.
b) Các cơ sở đào tạo có hệ thống sổ
sách đăng ký theo dõi trang thiết bị đào tạo theo quy định và thường xuyên ghi
chép cập nhật, kịp thời chính xác, lưu trữ theo quy định và được bàn giao đầy đủ
khi thay đổi người phụ trách.
c) Bảo quản trang thiết bị đào tạo đảm
bảo đúng quy trình, phương tiện bảo quản (tủ, giá, hòm), vật che phủ, phương tiện
chống ẩm, chống mối, mọt và trang thiết bị phòng cháy chữa cháy theo quy định.
d) Tùy theo yêu cầu, hướng dẫn sử dụng
của trang thiết bị đào tạo để bố trí diện tích và địa điểm thích hợp, bảo đảm
cho người dạy và người học thao tác sử dụng thuận tiện; bảo đảm an toàn lao động,
vệ sinh môi trường theo quy định.
đ) Các trang thiết bị đào tạo tại các
phòng thí nghiệm, phòng học chuyên dùng được thiết kế và lắp đặt theo tiêu chuẩn
kỹ thuật; bảo đảm thực hiện đủ bài thí nghiệm, giờ thực hành được quy định
trong chương trình đào tạo.
e) Đối với trang thiết bị đào tạo mới
đưa vào sử dụng, các cơ sở đào tạo có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và huấn luyện
chuyển giao công nghệ về khai thác sử dụng cho cán bộ, giảng viên, giáo viên và
nhân viên quản lý trang thiết bị đào tạo.
g) Chỉ những người được học tập, huấn
luyện nắm vững nguyên lý cấu tạo, quy tắc sử dụng trang thiết bị đào tạo, quy tắc
an toàn, thuần thục yếu lĩnh động tác, qua kiểm tra đạt yêu cầu mới sử dụng
trang thiết bị đào tạo.
h) Sử dụng đúng tính năng, công dụng của
từng loại trang thiết bị đào tạo theo quy định của nhà sản xuất. Trang thiết bị
đào tạo khi đưa vào khai thác sử dụng có tình trạng kỹ thuật tốt. Vận hành theo
trình tự quy định, trong quá trình vận hành thường xuyên kiểm tra, khắc phục kịp
thời hư hỏng phát sinh.
i) Sau khi sử dụng trang thiết bị đào
tạo, người trực tiếp khai thác, vận hành kiểm tra tình trạng kỹ thuật; báo cáo,
đề xuất biện pháp và tiến hành khắc phục hư hỏng nếu có; thực hiện bảo quản, cất
giữ đúng chế độ; ghi chép sổ sách theo quy định.
k) Người được giao quản lý, sử dụng
trang thiết bị đào tạo có trách nhiệm khai thác sử dụng hiệu quả trang thiết bị
theo mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học
của cơ sở đào tạo.
Điều 17. Bảo quản, bảo
dưỡng trang thiết bị đào tạo
1. Nhằm duy trì tuổi thọ, độ tin cậy của
trang thiết bị và khôi phục tính năng chiến kỹ thuật của trang thiết bị trong
quá trình khai thác sử dụng.
2. Chấp hành nghiêm các chế độ, quy định
và quy trình kỹ thuật của nhà sản xuất và của các chuyên ngành quân sự. Bảo quản,
bảo dưỡng trang thiết bị đào tạo do tập thể, cá nhân được giao quản lý, sử dụng
trang thiết bị đào tạo tiến hành.
3. Nội dung bảo quản trang thiết bị
đào tạo
a) Trang thiết bị đào tạo được bảo quản
thường xuyên, định kỳ theo quy trình, yêu cầu kỹ thuật của nhà sản xuất và
chuyên ngành kỹ thuật quy định.
b) Trong quá trình bảo quản nếu phát
hiện trang thiết bị đào tạo hư hỏng có biện pháp khắc phục kịp thời, kiểm định
chất lượng sau khi tiến hành khắc phục, sửa chữa. Tổ chức bảo quản lại theo quy
định.
c) Đối với các trang thiết bị đào tạo
hư hỏng không có khả năng khắc phục, cơ sở đào tạo phải lập hội đồng đánh giá
tình trạng kỹ thuật, xác định nguyên nhân hư hỏng của từng loại trang thiết bị
và lập biên bản báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của Bộ
Quốc phòng.
4. Nội dung bảo dưỡng trang thiết bị
đào tạo
a) Bảo dưỡng trang thiết bị đào tạo được
tiến hành định kỳ hoặc đột xuất, gồm: Kiểm tra, điều chỉnh các thông số kỹ thuật,
khắc phục hoặc thay thế các chi tiết, phụ tùng bị hư hỏng hay không đủ độ tin cậy
và thực hiện các nội dung khác theo tài liệu hướng dẫn của nhà sản xuất, của cơ
quan chuyên ngành nhằm duy trì đầy đủ tính năng, độ tin cậy, phục hồi dự trữ
hành trình và phòng ngừa hư hỏng trong quá trình bảo quản, sử dụng trang thiết
bị.
b) Bảo dưỡng đúng chủng loại, số lượng
trang thiết bị đào tạo theo kế hoạch bảo dưỡng được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
thực hiện đủ nội dung, đúng quy trình, định mức quy định của các hình thức bảo
dưỡng kỹ thuật đối với từng loại trang thiết bị đào tạo, bảo đảm chất lượng, an
toàn.
c) Chỉ được sử dụng phương tiện đo có
tình trạng kỹ thuật tốt, còn hạn kiểm định, dụng cụ đủ tiêu chuẩn để thực hiện
bảo dưỡng kỹ thuật; bảo dưỡng trang thiết bị đào tạo đồng thời tiến hành bảo dưỡng
kỹ thuật phụ tùng, đồng bộ đi kèm.
d) Kịp thời phát hiện và khắc phục những
hư hỏng, sai lệch tiêu chuẩn kỹ thuật của các hệ thống, bộ phận, cụm chi tiết.
đ) Cập nhật sổ sách thống kê, lý lịch
trang thiết bị đào tạo theo quy định.
4. Kinh phí cho công tác bảo quản, bảo
dưỡng trang thiết bị đào tạo được bảo đảm từ các nguồn: Kinh phí bảo đảm kỹ thuật,
kinh phí bảo quản trường, kinh phí do trên hỗ trợ, hợp đồng kinh tế và các nguồn
kinh phí hợp pháp khác.
Điều 18. Xử lý trang
thiết bị đào tạo
1. Nhằm loại bỏ những trang thiết bị
đào tạo không còn khả năng sửa chữa, phục hồi; sửa chữa phục hồi không hiệu quả
hoặc không nằm trong quy hoạch sử dụng để bảo đảm an toàn cho người và kho
tàng, thuận tiện cho công tác quản lý, sử dụng, tiết kiệm ngân sách quản lý và
bảo đảm kỹ thuật.
2. Việc xử lý trang thiết bị đào tạo
thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng về loại khỏi biên chế và xử lý tài sản
Nhà nước trong Bộ Quốc phòng.
3. Tận dụng vũ khí, trang bị đã loại
khỏi biên chế làm mô hình học cụ phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo; quy
trình thực hiện theo quy định của Bộ Tổng Tham mưu.
Điều 19. Nghiên cứu
khoa học, cải tiến trang thiết bị đào tạo
1. Nhằm ứng dụng tiến bộ, thành tựu
khoa học kỹ thuật và công nghệ để cung cấp cho các cơ sở đào tạo những loại
trang thiết bị đào tạo cần thiết, phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục và
đào tạo.
2. Tận dụng các sản phẩm nghiên cứu, cải
tiến trang thiết bị đào tạo đáp ứng tốt chương trình, nội dung đào tạo và đảm bảo
an toàn khi sử dụng.
3. Nội dung nghiên cứu khoa học, cải
tiến trang thiết bị đào tạo, gồm:
a) Nghiên cứu và ban hành chuẩn danh mục
trang thiết bị đào tạo.
b) Nghiên cứu công nghệ chế tạo các
trang thiết bị đào tạo mới.
c) Nghiên cứu chế tạo, cải tiến trang
thiết bị đào tạo phù hợp với chương trình, nội dung đào tạo.
4. Yêu cầu
Các sản phẩm nghiên cứu khoa học, sản
phẩm mới, sản phẩm cải tiến về trang thiết bị đào tạo trước khi đưa vào sản xuất
để cấp phát cho các cơ sở đào tạo phải đáp ứng nghiêm ngặt các quy định về an
toàn của Nhà nước và Bộ Quốc phòng và tuân thủ theo các quy trình sau:
a) Được sản xuất và sử dụng thử nghiệm
an toàn tại một số cơ sở đào tạo, đơn vị.
b) Được Hội đồng thẩm định trang thiết
bị đào tạo cấp ngành nghiệm thu.
c) Đăng ký mẫu, nhãn hiệu, chất lượng
trang thiết bị theo quy định.
5. Thuyết minh về tiêu chuẩn kỹ thuật;
hướng dẫn lắp đặt, sử dụng và cam kết thời gian bảo hành theo quy định của Nhà
nước và Bộ Quốc phòng.
Điều 20. Bồi dưỡng
nghiệp vụ quản lý, khai thác trang thiết bị đào tạo
1. Yêu cầu
a) Xác định đúng đối tượng, lập kế hoạch
bồi dưỡng và thực hiện phê duyệt kế hoạch theo phân cấp.
b) Chuẩn bị đầy đủ, tỉ mỉ về nội dung
và các mặt bảo đảm; hiệp đồng chặt chẽ giữa các cấp, các ngành tổ chức thực hiện
tốt kế hoạch bồi dưỡng.
c) Tổ chức bồi dưỡng đúng, đủ nội
dung, thời gian quy định, sát với nhiệm vụ của đơn vị phù hợp với từng đối tượng,
trang thiết bị được biên chế; bảo đảm tỷ lệ thích hợp giữa bồi dưỡng lý thuyết
với bồi dưỡng thực hành.
d) Chú trọng bồi dưỡng thực hành để
nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, khai thác sử dụng trang thiết bị
và bảo đảm an toàn. Khuyến khích tự học tập nâng cao trình độ quản lý, khai
thác sử dụng trang thiết bị; tổ chức huấn luyện bổ sung tại cơ quan, đơn vị trực
tiếp quản lý, khai thác sử dụng trang thiết bị; mời các chuyên gia, những người
có chuyên môn nghiệp vụ đến huấn luyện, giảng dạy và chuyển giao kỹ thuật khai
thác, sử dụng trang thiết bị đào tạo.
đ) Tổ chức bồi dưỡng không được làm ảnh
hưởng đến nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo thường xuyên của cơ sở đào tạo.
2. Đối tượng bồi dưỡng
a) Cán bộ quản lý có phẩm chất chính
trị, đạo đức tốt; nắm vững kiến thức quản lý trang thiết bị, kiến thức chuyên
môn, kỹ năng khai thác sử dụng thành thạo, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo,
phát hiện đề xuất và giải quyết những vấn đề thuộc về chuyên môn được phân công
quản lý.
b) Nhân viên chuyên môn được bổ sung
kiến thức, kỹ năng còn thiếu so với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; củng cố kiến thức,
kỹ năng đã có; trang bị kiến thức, kỹ năng mới theo yêu cầu phát triển của nhiệm
vụ; nâng cao năng lực thực hành theo tiêu chuẩn chức danh đang đảm nhiệm.
3. Nội dung bồi dưỡng
a) Đối với cán bộ quản lý: Nội dung chủ
yếu các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý; hướng dẫn sử dụng mẫu
biểu quản lý cơ sở vật chất kỹ thuật và trang bị, thực hành công tác đăng ký,
thống kê, báo cáo; các quy định quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng; nội dung
và tổ chức thực hiện bảo quản trang thiết bị, ngày kỹ thuật tại cơ sở đào tạo.
Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; giảng mẫu, giảng thử và ứng dụng công nghệ thông
tin, kỹ thuật mô phỏng vào giảng dạy, huấn luyện.
b) Đối với nhân viên chuyên môn: Nội
dung chủ yếu các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý; quy trình khai
thác sử dụng các loại trang thiết bị đào tạo mới được trang bị tại cơ sở đào tạo
và những điểm cần chú ý trong khai thác sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng; quy tắc
an toàn, thực hiện kiểm tra kỹ thuật; bồi dưỡng kỹ năng sử dụng trang thiết bị;
ghi chép sổ sách, thống kê, sử dụng mẫu biểu quản lý cơ sở vật chất kỹ thuật và
trang thiết bị. Thực hành công tác đăng ký, thống kê; ứng dụng công nghệ thông
tin trong quản lý trang thiết bị đào tạo.
Mục 3. CHẾ ĐỘ KIỂM
TRA, BÁO CÁO
Điều 21. Chế độ kiểm
tra
1. Nhằm kịp thời phát hiện và khắc phục
những hạn chế, thiếu sót trong công tác bảo đảm trang thiết bị đào tạo của cơ sở
đào tạo; phát huy hiệu quả trong sử dụng của trang thiết bị, hoàn thành nhiệm vụ
giáo dục, đào tạo được giao.
2. Nội dung kiểm tra
a) Kiểm tra thực trạng trang thiết bị
đào tạo, gồm: Chủng loại, số lượng, chất lượng, tình trạng kỹ thuật và đồng bộ
của trang thiết bị.
b) Kiểm tra công tác quản lý, sử dụng
trang thiết bị đào tạo, gồm: Kế hoạch bảo đảm; thực hiện chế độ đăng ký thống
kê, kiểm kê, báo cáo; thực hiện kế hoạch khai thác sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng
và bồi dưỡng nghiệp vụ.
3. Hình thức kiểm tra: Thường xuyên, định
kỳ và đột xuất.
4. Trách nhiệm các cấp trong công tác
kiểm tra trang thiết bị đào tạo: Chỉ huy các cấp thường xuyên, định kỳ phải tổ
chức kiểm tra việc chấp hành các chế độ quy định trong quản lý, sử dụng trang
thiết bị đào tạo; trường hợp cần thiết, có thể tổ chức kiểm tra đột xuất theo
yêu cầu nhiệm vụ.
Điều 22. Chế độ báo
cáo
1. Nhằm phản ánh kịp thời để cấp có thẩm
quyền nắm chắc thực lực và tình hình quản lý, sử dụng trang thiết bị đào tạo của
các cơ sở đào tạo thuộc quyền, số liệu báo cáo phải trung thực, chính xác, phản
ánh đúng thực lực trang thiết bị đào tạo của cơ sở đào tạo; nội dung, mẫu biểu,
thời gian báo cáo theo phân cấp và quy định của Bộ Quốc phòng.
2. Nội dung báo cáo
a) Báo cáo thực lực trang thiết bị đào
tạo: Báo cáo toàn diện về trang thiết bị đào tạo được tiến hành hằng năm theo
quy định của Bộ Quốc phòng.
b) Báo cáo chuyên ngành: Theo quy định
của các ngành nghiệp vụ.
3. Thời gian báo cáo: Theo quy định của
các ngành nghiệp vụ.
4. Hình thức báo cáo: Trực tiếp hoặc bằng
văn bản.
5. Trách nhiệm báo cáo trang thiết bị
đào tạo: Cá nhân, đơn vị được giao quản lý, sử dụng trang thiết bị đào tạo chịu
trách nhiệm lập báo cáo theo phân cấp quản lý và hướng dẫn của cơ quan chức
năng, ngành nghiệp vụ.
Chương III
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Điều 23. Trách nhiệm
của Bộ Tổng Tham mưu
1. Tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng về quản lý, sử dụng trang thiết bị đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong
Quân đội.
2. Chủ trì công tác quy hoạch, kế hoạch
bảo đảm cơ sở vật chất cho nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, hoạt động khoa học,
công nghệ tại các cơ sở đào tạo, làm cơ sở bảo đảm trang thiết bị đào tạo hằng
năm, giai đoạn phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân
đội.
3. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị, các cơ sở
đào tạo trong Quân đội thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch bảo đảm cơ sở vật chất
cho nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, hoạt động khoa học, công nghệ tại các cơ sở đào
tạo.
4. Quản lý danh mục trang thiết bị đào
tạo và phân cấp cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng quản lý cơ sở
đào tạo chỉ đạo xây dựng và quản lý danh mục trang thiết bị đào tạo được giao.
5. Quyết định điều chuyển trang thiết
bị đào tạo trong phạm vi toàn quân trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, đơn vị
trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Điều 24. Trách nhiệm
của cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng quản lý cơ sở đào tạo
1. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công
tác quản lý, sử dụng trang thiết bị đào tạo tại các cơ sở đào tạo thuộc quyền
theo phân cấp quản lý.
2. Điều chuyển trang thiết bị đào tạo
theo thẩm quyền quy định.
Điều 25. Trách nhiệm
của cơ sở đào tạo
1. Xây dựng quy chế, quy định về quản
lý, sử dụng trang thiết bị đào tạo tại cơ sở đào tạo, phù hợp với đặc điểm, yêu
cầu, quyền hạn, trách nhiệm và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị được giao quản lý,
sử dụng trang thiết bị đào tạo; tổ chức quản lý, sử dụng trang thiết bị đào tạo
đạt hiệu quả và tiết kiệm.
2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc
quyền lập kế hoạch bảo đảm trang thiết bị đào tạo theo giai đoạn 5 năm và hằng
năm trên cơ sở quy mô, nhiệm vụ, chương trình, nội dung đào tạo và khả năng
ngân sách bảo đảm.
3. Tổ chức thực hiện việc mua sắm, tiếp
nhận, quản lý, sử dụng trang thiết bị đào tạo đúng quy định của Nhà nước và Bộ
Quốc phòng.
4. Thường xuyên, định kỳ kiểm tra việc
quản lý, khai thác sử dụng trang thiết bị được biên chế; duy trì chế độ bảo quản,
bảo dưỡng, đăng ký, thống kê, kiểm kê và báo cáo trang thiết bị đào tạo theo
quy định.
5. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quản
lý, khai thác sử dụng trang thiết bị đào tạo, chuyển giao công nghệ cho đội ngũ
cán bộ, giảng viên, giáo viên và nhân viên chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.
6. Bố trí, điều động trang thiết bị
đào tạo trong nội bộ cơ sở đào tạo; thực hiện điều chuyển trang thiết bị đào tạo
khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.
Điều 26. Trách nhiệm
của Cục Nhà trường
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan,
đơn vị liên quan tham mưu, giúp Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra
công tác quản lý, sử dụng trang thiết bị đào tạo theo quy định tại Quy chế này.
2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan,
đơn vị liên quan và các cơ sở đào tạo xây dựng nhu cầu bảo đảm trang thiết bị
đào tạo giai đoạn 5 năm theo chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu.
3. Thẩm định danh mục trang thiết bị
đào tạo đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, nội dung chương trình đào tạo của các cơ sở
đào tạo trong Quân đội.
4. Trên cơ sở đề nghị của các cơ quan,
đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, nghiên cứu, tổng hợp và báo cáo, đề xuất Tổng
Tham mưu trưởng xem xét, quyết định điều chuyển trang thiết bị đào tạo trong phạm
vi toàn quân./.
PHỤ
LỤC
MẪU
CÁC LOẠI SỔ SÁCH ĐĂNG KÝ THỐNG KÊ TRANG THIẾT BỊ ĐÀO TẠO
(Ban hành kèm theo Thông tư số 09/2020/TT-BQP ngày 14 tháng 01 năm 2021 của
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)
Mẫu số 01: Sổ theo dõi thực lực
trang thiết bị đào tạo.
Mẫu số 02: Sổ thống kê khai
thác sử dụng trang thiết bị đào tạo.
Mẫu số 03: Lý lịch trang thiết
bị đào tạo.