BỘ NỘI VỤ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 09/2017/TT-BNV
|
Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2017
|
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI,
BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 04/2012/TT-BNV NGÀY 31
THÁNG 8 NĂM 2012 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ HƯỚNG DẪN VỀ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THÔN, TỔ DÂN PHỐ
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Pháp lệnh thực hiện dân chủ
ở xã, phường, thị trấn ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban thường vụ Quốc hội
và Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17 tháng 4
năm 2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thi hành các Điều 11, Điều 14, Điều 16, Điều 22 và
Điều 26 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Nghị định số 34/2017/NĐ-CP
ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ
Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ;
Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông
tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31 tháng 8
năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ
dân phố.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều
của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố
1. Điều 4 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
“Điều 4. Tổ chức của thôn, tổ dân
phố
1. Mỗi thôn có Trưởng thôn, Phó Trưởng
thôn; mỗi tổ dân phố có Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố.
2. Thôn, tổ dân
phố có các cụm dân cư, các tổ chức tự quản theo quy định của pháp luật”.
2. Điều 5 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
“Điều 5. Nội dung hoạt động của thôn,
tổ dân phố
1. Cộng đồng dân cư ở thôn, tổ dân phố
bàn và biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định những nội dung theo quy định
của pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;
bàn và quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ
dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí và các công việc tự
quản trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật; tham gia
bàn và quyết định các công việc của thôn, tổ dân phố và của cấp xã theo quy định
của pháp luật; chấp hành và thực hiện các quyết định đã có giá trị thi hành.
Tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của
thôn, tổ dân phố nhằm bảo đảm toàn dân đoàn kết, dân chủ,
công khai, minh bạch trong các hoạt động của thôn, tổ dân phố; tham gia tự quản
trong việc giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường; giữ
gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp ở địa phương,
phòng chống các tệ nạn xã hội.
2. Chấp hành chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước theo quyền và nghĩa vụ của công dân;
thực hiện sự lãnh đạo của chi bộ thôn, tổ dân phố; tham gia, hưởng ứng các
phong trào, cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội
phát động.
3. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng
thôn, Tổ trưởng tổ dân phố. Tham gia việc bầu, bãi nhiệm thành viên Ban thanh
tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn theo
quy định của pháp luật.
4. Các nội dung hoạt động của thôn, tổ
dân phố theo quy định tại Điều này được thực hiện thông qua hội
nghị của thôn, tổ dân phố”.
3. Điều 7 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
“Điều 7. Điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới
Việc thành lập thôn mới, tổ dân phố mới
phải bảo đảm các điều kiện sau:
1. Điều kiện:
a) Quy mô số hộ gia đình:
- Đối với thôn: Ở vùng đồng bằng miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên phải có từ 400 hộ gia
đình trở lên; khu vực miền Nam có từ 500 hộ gia đình trở lên; ở vùng miền núi,
hải đảo có từ 200 hộ gia đình trở lên;
- Đối với tổ dân phố: ở vùng đồng bằng
phải có từ 500 hộ gia đình trở lên; ở vùng miền núi, hải đảo phải có từ 300 hộ
gia đình trở lên.
b) Các điều kiện khác:
Thôn và tổ dân phố cần có cơ sở hạ tầng
kinh tế - xã hội thiết yếu, phù hợp với điều kiện thực tế
của địa phương để phục vụ hoạt động cộng đồng và bảo đảm ổn
định cuộc sống của người dân.
2. Đối với trường hợp đặc thù:
a) Ở khu vực
biên giới, ở đảo biệt lập trên biển cách xa đất liền, do việc di dân hình thành
các cụm dân cư mới để bảo vệ đường biên giới, đòi hỏi phải thành lập thôn mới,
tổ dân phố mới thì điều kiện và quy mô số hộ gia đình có thể thấp hơn quy định
chung nêu trên.
b) Đối với thôn, tổ dân phố đã hình
thành từ lâu do xâm canh, xâm cư hoặc di dân tự do (nếu có) cần thiết phải chuyển
giao quản lý giữa các đơn vị hành chính cấp xã để thuận tiện
trong hoạt động và sinh hoạt của cộng đồng dân cư mà không làm thay đổi địa giới
đơn vị hành chính cấp xã thì điều kiện, quy trình, thủ tục và hồ sơ được thực
hiện theo quy định như đối với việc thành lập mới và giải thể thôn, tổ dân phố;
nếu không đủ quy mô quy định tại Thông tư này thì thực hiện
việc ghép cụm dân cư theo quy định tại Điều 9 Thông tư số
04/2012/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2012 nêu trên của Bộ Trưởng Bộ Nội vụ”.
4. Bổ sung Điều
7a sau Điều 7 như sau:
“Điều 7a. Điều kiện nhập, giải thể
và phân loại thôn, tổ dân phố
1. Tổ chức thực hiện việc sáp nhập
các thôn, tổ dân phố có quy mô nhỏ để thành lập thôn mới, tổ dân phố mới theo
đúng điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư này; đồng thời, việc sáp nhập
cần bảo đảm các yếu tố khác như: Không làm thay đổi địa giới đơn vị hành chính
cấp xã; các thôn, tổ dân phố thực hiện sáp nhập có vị trí liền kề nhau, địa
hình không bị chia cắt phức tạp, thuận tiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội,
sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống của nhân dân; được trên 50% số cử tri
hoặc cử tri đại diện hộ gia đình của các thôn, tổ dân phố liên
quan nhất trí, bảo đảm hiệu quả công tác quản lý dân cư của chính quyền cơ sở
và hoạt động của thôn mới, tổ dân phố mới. Hình thức lấy ý kiến của cử tri hoặc
cử tri đại diện hộ gia đình được thực hiện theo quy định tại Điều
14 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn ngày 20 tháng 4 năm 2007
của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XI.
2. Trường hợp giải thể thôn, tổ dân
phố để giải phóng mặt bằng hoặc do sắp xếp, ổn định dân cư và các trường hợp khác được cấp có thẩm quyền quyết định
thì việc di dân, bố trí dân cư và giải quyết các vấn đề
liên quan khác được thực hiện theo Phương án bồi thường, tái định
cư của Dự án thuộc các trường hợp thu hồi đất hoặc Đề án sắp xếp, ổn định dân
cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Về việc phân
loại thôn, tổ dân phố: Trên cơ sở quy định tại Khoản 3 Điều 1 của Thông tư này,
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tiêu chí phân loại thôn, tổ dân phố nhằm nâng
cao hiệu quả quản lý dân cư và thực hiện chính sách phù hợp với thực tế của địa
phương”.
5. Bổ sung Điều
8a sau Điều 8 như sau:
“Điều 8a. Quy trình và hồ sơ nhập, chia, giải thể và đặt tên, đổi tên, xóa tên thôn, tổ dân phố
1. Quy trình và hồ sơ nhập, chia
thôn, tổ dân phố hiện có để thành lập thôn mới, tổ dân phố mới được áp dụng thực
hiện như quy định tại Điều 8 Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày
31 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của
thôn, tổ dân phố (thành lập thôn mới, tổ dân phố mới trên cơ sở nhập, chia thôn, tổ dân phố hiện có).
2. Chuyển thôn thành tổ dân phố trong
trường hợp thành lập phường, thị trấn từ đơn vị hành chính xã:
Căn cứ vào Nghị quyết của Ủy ban thường
vụ Quốc hội về việc thành lập phường, thị trấn từ đơn vị hành chính xã, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh lập Tờ trình để Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển
thôn thành tổ dân phố thuộc phường, thị trấn.
3. Đối với trường hợp giải thể thôn,
tổ dân phố:
Sau khi thực hiện Phương án bồi thường,
tái định cư của Dự án thuộc các trường hợp thu hồi đất hoặc Đề án sắp xếp, ổn định
dân cư và các trường hợp khác được cấp có thẩm quyền quyết định, Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh lập Tờ trình kèm theo Danh sách các thôn, tổ dân phố liên quan
trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định giải thể và xóa tên theo quy định của
pháp luật.
4. Việc đặt tên,
đổi tên thôn, tổ dân phố:
a) Việc đặt tên thôn, tổ dân phố được
thực hiện trong quy trình lập hồ sơ thành lập thôn mới, tổ dân phố mới.
b) Việc đổi tên thôn, tổ dân phố thực
hiện theo các bước như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ gồm:
Tờ trình và Phương án đổi tên thôn, tổ dân phố; lấy ý kiến của toàn thể cử tri hoặc
cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố về phương án đổi tên thôn, tổ
dân phố theo quy định tại Điều 14 Pháp lệnh thực
hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban thường
vụ Quốc hội khóa XI;
- Ủy ban nhân dân cấp xã trình Hội đồng
nhân dân cùng cấp thông qua Phương án đổi tên thôn, tổ dân phố; trên cơ sở đó,
trình Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức
thẩm định hồ sơ đổi tên thôn, tổ dân phố do Ủy ban nhân
dân cấp xã chuyển đến; lập tờ trình kèm theo hồ sơ gửi Sở Nội vụ thẩm định và
trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết
định theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 Luật tổ chức chính quyền
địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội khóa XIII”.
6. Điều 10 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
“Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của
Trưởng thôn và Tổ trưởng tổ dân phố
1. Nhiệm vụ:
a) Triệu tập và chủ trì hội nghị
thôn, tổ dân phố; tổ chức thực hiện những công việc thuộc
phạm vi thôn, tổ dân phố đã được nhân dân bàn và quyết định; bảo đảm các nội
dung hoạt động của thôn, tổ dân phố theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Thông
tư này. Vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở và hương ước,
quy ước của thôn, tổ dân phố đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tập hợp, phản
ánh, đề nghị chính quyền cấp xã giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính
đáng của nhân dân trong thôn, tổ dân phố. Báo cáo kịp thời với Ủy ban nhân dân
cấp xã về những hành vi vi phạm pháp luật trong thôn, tổ dân phố. Thực hiện việc
lập biên bản về kết quả đã được nhân dân thôn, tổ dân phố bàn và quyết định trực
tiếp những công việc của thôn, tổ dân phố; lập biên bản về kết quả đã được nhân
dân thôn, tổ dân phố bàn và biểu quyết những công việc thuộc
phạm vi cấp xã; báo cáo kết quả cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
b) Phối hợp với Ban công tác Mặt trận
và các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố để vận
động nhân dân tham gia thực hiện các phong trào và cuộc vận động do các tổ chức
này phát động.
c) Sáu tháng đầu năm và cuối năm phải
báo cáo kết quả công tác trước hội nghị thôn, tổ dân phố.
2. Quyền hạn:
a) Được ký hợp đồng về xây dựng công
trình do nhân dân trong thôn, tổ dân phố đóng góp kinh phí đầu tư đã được hội
nghị thôn, tổ dân phố thông qua và bảo đảm các quy định
liên quan của chính quyền các cấp.
b) Được phân công nhiệm vụ và quyền hạn
giải quyết công việc của Phó Trưởng thôn, Tổ phó tổ dân phố; được chính quyền cấp
xã mời họp và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến quản lý, hoạt động của
thôn, tổ dân phố; được bồi dưỡng, tập huấn về công tác tổ chức và hoạt động của
thôn, tổ dân phố”.
7. Điều 12 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
“Điều 12. Quy trình bầu, miễn nhiệm,
bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó Trưởng thôn, Tổ phó tổ dân phố
1. Quy trình bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm
Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố:
a) Trên cơ sở thống nhất với Chi ủy
chi bộ, Ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố đề cử danh sách để Hội nghị của
thôn, tổ dân phố bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; tại hội nghị này, cử
tri có thể tự ứng cử hoặc giới thiệu người ứng cử. Căn cứ kết quả bầu cử, Ủy
ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố. Thời
điểm tổ chức bầu cử được thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
b) Quy trình bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm
Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thực hiện theo quy định tại Mục
2 Chương 2 Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17 tháng
4 năm 2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn
thi hành các Điều 11, Điều 14, Điều 16, Điều 22 và Điều 26 của
Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
2. Việc bầu hoặc chỉ định, miễn nhiệm,
bãi nhiệm Phó Trưởng thôn, Tổ phó tổ dân phố do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định
và hướng dẫn bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật.
3. Nhiệm kỳ của Trưởng thôn, Tổ trưởng
tổ dân phố và Phó Trưởng thôn, Tổ phó tổ dân phố:
a) Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố
có nhiệm kỳ là hai năm rưỡi hoặc năm năm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định
thống nhất và phù hợp điều kiện cụ thể ở địa phương. Trường hợp do thành lập
thôn mới, tổ dân phố mới hoặc khuyết Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thì Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lâm
thời để điều hành hoạt động của thôn, tổ dân phố cho đến khi cử tri hoặc cử tri
đại diện hộ gia đình của thôn, tổ dân phố bầu được Trưởng thôn mới, Tổ trưởng tổ
dân phố mới trong thời hạn không quá sáu tháng kể từ ngày có quyết định cử Trưởng
thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lâm thời.
b) Nhiệm kỳ của Phó Trưởng thôn, Tổ
phó tổ dân phố, thực hiện theo nhiệm kỳ của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố”.
8. Điều 14 được sửa đổi, bổ
sung Điểm a và Điểm b Khoản 4 như sau:
“Điều 14. Trách nhiệm thi hành
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã:
a) Quyết định cử Trưởng thôn, Tổ trưởng
tổ dân phố lâm thời đối với các trường hợp quy định tại Điểm 3 Khoản 7 Điều 1
Thông tư này.
b) Quản lý, chỉ đạo hoạt động của Trưởng
thôn, Tổ trưởng tổ dân phố trên địa
bàn bảo đảm theo quy định tại Thông tư này và Quy chế về tổ chức và hoạt động của
thôn, tổ dân phố do Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh ban hành'’.
Điều 2.
Thông tư này
bãi bỏ các điều, khoản: Điều 4, Điều
5, Điều 7, Điều 10, Điều 12 và Khoản 4 Điều 14 của Thông tư số 04/2012/TT-BNV
ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng
dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày
01 tháng 03 năm 2018.
2. Trong quá trình thực hiện Thông tư
này, nếu có vướng mắc, đề nghị tổ chức và cá nhân gửi ý kiến về Bộ Nội vụ để
nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Các Ban của TW Đảng, Văn
phòng TW Đảng;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của
Quốc hội:
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo, Website Chính phủ;
- Bộ Nội vụ: Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ;
- Lưu: VT, Vụ CQĐP (5b).
|
BỘ TRƯỞNG
Lê Vĩnh Tân
|