Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 24/2015/TB-LPQT Loại văn bản: Điều ước quốc tế
Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà In-đô-nê-xi-a, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Người ký: Phạm Bình Minh, Amir Syamsudin
Ngày ban hành: 27/06/2013 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2015/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2015

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, ký tại Hà Nội ngày 27 tháng 6 năm 2013, có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 4 năm 2015.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Lê Đức Hạnh

 

HIỆP ĐỊNH

VỀ DẪN ĐỘ GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CỘNG HÒA IN-ĐÔ-NÊ-XI-A

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa In-đô-nê-xi-a (sau đây gọi là “các Bên”);

Với mong muốn nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước trong việc phòng, chống tội phạm, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, bình đẳng và lợi ích của nhau;

Đã thỏa thuận như sau:

ĐIỀU 1

NGHĨA VỤ DẪN ĐỘ

Theo quy định của Hiệp định này và phù hợp với pháp luật trong nước của các Bên, mỗi Bên đồng ý dẫn độ cho Bên kia bất cứ người nào có mặt trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu mà Bên yêu cầu đề nghị dẫn độ để truy tố, xét xử hoặc thi hành án về một tội bị dẫn độ được thực hiện trước hoặc sau thời điểm Hiệp định này có hiệu lực.

ĐIỀU 2

TỘI PHẠM THUỘC TRƯỜNG HỢP BỊ DẪN ĐỘ

1. Tội phạm thuộc trường hợp bị dẫn độ là hành vi phạm tội có thể bị xử phạt tù với thời hạn từ một năm trở lên hoặc nghiêm khắc hơn theo quy định pháp luật của cả hai Bên.

2. Hành vi chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt hoặc lập kế hoạch, giúp sức hoặc xúi giục, hướng dẫn hoặc tổ chức việc thực hiện hoặc là người cùng thực hiện hành vi phạm tội được quy định tại khoản 1 Điều này cũng là tội phạm thuộc trường hợp bị dẫn độ.

3. Phù hợp với quy định của Điều này, khi xác định hành vi bị buộc tội cấu thành một tội theo pháp luật của cả hai Bên, không yêu cầu pháp luật của cả hai Bên quy định hành vi bị buộc tội của người đó thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng tội danh. Tất cả các yếu tố của hành vi đó sẽ được xem xét, kể cả trong trường hợp có sự khác nhau giữa các yếu tố cấu thành của tội phạm bị yêu cầu dẫn độ.

4. Nếu yêu cầu dẫn độ liên quan đến nhiều tội và một trong số đó không có hình phạt tù từ một năm trở lên theo pháp luật hai Bên thì việc dẫn độ có thể được chấp thuận đối với tất cả các tội nếu đáp ứng được các yêu cầu khác theo quy định của Hiệp định này và ít nhất một trong số đó là tội phạm thuộc trường hợp bị dẫn độ.

5. Trường hợp dẫn độ một người liên quan đến một tội về thuế, thuế hải quan, kiểm soát ngoại hối hoặc các vấn đề về thu nhập khác thì Bên được yêu cầu không được từ chối dẫn độ với lý do pháp luật của Bên đó không áp dụng cùng loại thuế hoặc thuế hải quan hoặc không quy định về thuế, thuế hải quan hoặc quy chế ngoại hối tương tự như pháp luật của Bên yêu cầu.

6. Không ảnh hưởng đến khoản 4 Điều 3 Hiệp định này, tội phạm sẽ thuộc trường hợp bị dẫn độ theo Hiệp định này, bất kể hành vi của người bị yêu cầu dẫn độ diễn ra toàn bộ hoặc một phần tại Bên được yêu cầu, khi xem xét tổng thể hành vi phạm tội và hậu quả hoặc hậu quả mong muốn của hành vi đó theo pháp luật của Bên được yêu cầu, đã cấu thành tội phạm thuộc trường hợp bị dẫn độ trong lãnh thổ của Bên yêu cầu.

7. Đối với yêu cầu dẫn độ để thi hành bản án đã được tuyên thì thời hạn còn phải tiếp tục chấp hành hình phạt đối với tội phạm thuộc trường hợp bị dẫn độ không được ít hơn sáu tháng.

ĐIỀU 3

TỪ CHỐI DẪN ĐỘ

1. Dẫn độ sẽ bị từ chối nếu:

a. Tội phạm bị yêu cầu dẫn độ là tội phạm chính trị;

b. Bên được yêu cầu có cơ sở chắc chắn để tin tưởng rằng yêu cầu dẫn độ được đưa ra để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc trừng phạt người bị dẫn độ vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, dân tộc, quan điểm chính trị hoặc vì bất kể một trong các lý do nêu trên, người đó bị đối xử không công bằng trong quá trình tố tụng;

c. Tội phạm bị yêu cầu dẫn độ là tội phạm quân sự và không phải là tội phạm theo pháp luật hình sự thông thường;

d. Theo pháp luật của Bên yêu cầu, người bị yêu cầu dẫn độ không thể bị truy tố vì đã hết thời hiệu hoặc không thể thi hành án vì người đó đã được ân xá;

e. Một bản án cuối cùng đã được tuyên đối với người bị yêu cầu dẫn độ về tội phạm bị yêu cầu dẫn độ;

f. Theo pháp luật của Bên yêu cầu, tội phạm bị yêu cầu dẫn độ sẽ bị kết án tử hình, trong khi theo pháp luật của Bên được yêu cầu, tội phạm đó không bị kết án tử hình, trừ khi Bên yêu cầu cam kết nếu người đó bị kết án tử hình thì hình phạt sẽ không được thi hành.

2. Theo quy định của Hiệp định này, các tội sau sẽ không được coi là tội phạm chính trị:

a. Tội xâm phạm tính mạng hoặc thân thể người đứng đầu Nhà nước hoặc người đứng đầu Chính phủ hoặc các thành viên gia đình của người đó;

b. Một tội phạm trong công ước quốc tế mà các Bên là quốc gia thành viên có nghĩa vụ dẫn độ hoặc truy tố người bị yêu cầu hoặc chuyển ngay vụ án đó cho các cơ quan có thẩm quyền của mình để truy tố;

c. Tội phạm liên quan đến khủng bố theo pháp luật của Bên được yêu cầu, tại thời điểm yêu cầu, sẽ không được coi là tội phạm có tính chính trị;

d. Chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt hoặc là đồng phạm trong các trường hợp phạm tội nêu trên.

3. Theo Hiệp định này, các tội xâm phạm nghiêm trọng thân thể con người, tính mạng hoặc tài sản, mặc dù mang động cơ chính trị cũng sẽ không được coi là tội phạm chính trị.

4. Dẫn độ có thể bị từ chối nếu Bên được yêu cầu có quyền tài phán đối với tội phạm bị yêu cầu dẫn độ theo pháp luật quốc gia của Bên được yêu cầu. Trong trường hợp đó, Bên được yêu cầu sẽ có nghĩa vụ truy tố người bị yêu cầu về tội danh bị yêu cầu dẫn độ tại tòa án của nước mình phù hợp với pháp luật trong nước. Nếu các cơ quan có thẩm quyền của Bên được yêu cầu quyết định không truy tố trong trường hợp này hoặc việc truy tố là không thể thực hiện được vì bất cứ lý do gì thì yêu cầu dẫn độ sẽ được xem xét lại;

5. Trong các trường hợp ngoại lệ, xét mức độ nghiêm trọng của tội phạm và lợi ích của Bên yêu cầu, Bên được yêu cầu thấy rằng, việc dẫn độ sẽ không phù hợp với các nguyên tắc nhân đạo do hoàn cảnh cá nhân của người bị yêu cầu dẫn độ.

ĐIỀU 4

CÔNG DÂN

1. Theo Hiệp định này, các Bên sẽ không dẫn độ công dân của mình.

2. Nếu việc dẫn độ bị từ chối chỉ vì quốc tịch của người bị yêu cầu dẫn độ thì Bên được yêu cầu, theo đề nghị của Bên yêu cầu, chuyển vụ án đó cho cơ quan có thẩm quyền để truy tố.

3. Theo quy định của Điều này, quốc tịch của người bị yêu cầu dẫn độ được xác định trên cơ sở quốc tịch của người đó vào thời điểm thực hiện tội phạm mà vì đó yêu cầu dẫn độ được đưa ra.

ĐIỀU 5

CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG

1. Mỗi Bên chỉ định một cơ quan trung ương để thực hiện Hiệp định này.

2. Về phía Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan trung ương sẽ là Bộ Công an và về phía Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, cơ quan trung ương sẽ là Bộ Luật pháp và Nhân quyền.

ĐIỀU 6

YÊU CẦU DẪN ĐỘ VÀ TÀI LIỆU

1. Yêu cầu dẫn độ và tất cả các tài liệu có liên quan sẽ do cơ quan trung ương của một Bên gửi cho cơ quan trung ương của Bên kia thông qua các kênh ngoại giao.

2. Văn bản yêu cầu dẫn độ phải được gửi kèm theo các tài liệu sau:

a. Các tài liệu mô tả về người bị yêu cầu dẫn độ bao gồm: tên, tuổi, giới tính, quốc tịch, các tài liệu nhận dạng khác, nếu có thể, nghề nghiệp, nơi cư trú, nơi ở tạm thời của người bị yêu cầu dẫn độ, mô tả đặc điểm nhân thân, ảnh, dấu vân tay của người đó nếu có và các thông tin khác có thể hỗ trợ xác định nhận dạng và nơi ở của người đó;

b. Văn bản tóm tắt tình tiết chính của vụ án, mô tả về tội phạm bị yêu cầu dẫn độ bao gồm thời gian và địa điểm thực hiện và hình phạt được quy định với tội đó theo pháp luật;

c. Văn bản trích dẫn các quy định pháp luật xác định tội phạm và hình phạt và các quy định pháp luật liên quan đến thời hạn truy tố hoặc thi hành án tùy vào hoàn cảnh liên quan đến tội phạm đó.

3. Đối với yêu cầu dẫn độ để truy tố, phải gửi kèm theo: lệnh bắt của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác để dẫn độ; văn bản đề nghị truy tố hoặc bản cáo trạng đối với người bị yêu cầu dẫn độ về tội danh được nêu trong yêu cầu dẫn độ; và các chứng cứ xác nhận việc chuẩn bị truy tố người bị yêu cầu dẫn độ về tội phạm đó để truy tố.

4. Đối với yêu cầu dẫn độ để thi hành bản án được tuyên đối với người bị yêu cầu dẫn độ, phải gửi kèm bản sao có chứng thực bản án cuối cùng và văn bản thông báo thời gian đã chấp hành hình phạt và thời gian còn phải chấp hành.

5. Yêu cầu dẫn độ theo Hiệp định này phải được ký và đóng dấu bởi cơ quan có thẩm quyền của Bên yêu cầu.

6. Yêu cầu dẫn độ và tất cả các tài liệu liên quan phải được dịch sang tiếng Anh.

ĐIỀU 7

THÔNG TIN BỔ SUNG

Nếu Bên được yêu cầu cho rằng thông tin được cung cấp kèm theo yêu cầu dẫn độ không đầy đủ để xem xét yêu cầu thì có thể yêu cầu bổ sung thông tin trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu hoặc trong khoảng thời gian được các Bên thống nhất.

ĐIỀU 8

CHUYỂN GIAO TỰ NGUYỆN

Nếu người bị yêu cầu dẫn độ trình bày rõ ràng tại phiên tòa trong thủ tục dẫn độ rằng người này tự nguyện để được chuyển giao cho Bên yêu cầu, thì Bên được yêu cầu, căn cứ theo pháp luật quốc gia của mình, có thể chuyển giao người đó nhanh chóng mà không cần thực hiện thêm các thủ tục dẫn độ khác.

ĐIỀU 9

BẮT KHẨN CẤP

1. Trong các trường hợp khẩn cấp, một Bên có thể yêu cầu Bên kia bắt khẩn cấp người phạm tội bỏ trốn để dẫn độ trước khi có yêu cầu dẫn độ chính thức. Yêu cầu này phải được gửi bằng văn bản qua các kênh ngoại giao được quy định tại Điều 5 Hiệp định này, qua Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế - INTERPOL hoặc các kênh khác do các Bên thỏa thuận.

2. Yêu cầu bắt khẩn cấp gồm thông tin được quy định tại khoản 2 Điều 6 Hiệp định này, văn bản thông báo về lệnh bắt và văn bản khẳng định rõ sẽ gửi yêu cầu dẫn độ chính thức đối với người đó.

3. Bên được yêu cầu sẽ thông báo ngay cho Bên yêu cầu về kết quả của yêu cầu bắt khẩn cấp.

4. Người bị bắt giữ khẩn cấp sẽ được trả tự do nếu trong thời hạn 60 (sáu mươi) ngày sau ngày bắt giữ, các cơ quan có thẩm quyền của Bên được yêu cầu không nhận được yêu cầu dẫn độ chính thức.

5. Việc trả tự do cho người theo khoản 4 Điều này không cản trở việc bắt giữ lại người đó và bắt đầu thủ tục dẫn độ, nếu sau khi trả tự do cho người đó, Bên được yêu cầu nhận được yêu cầu dẫn độ chính thức.

ĐIỀU 10

QUYẾT ĐỊNH VỀ YÊU CẦU DẪN ĐỘ

1. Bên được yêu cầu sẽ xem xét yêu cầu dẫn độ được đưa ra theo Hiệp định này phù hợp với các thủ tục được quy định trong pháp luật quốc gia nước mình và thông báo ngay cho Bên yêu cầu về quyết định của mình.

2. Nếu Bên được yêu cầu từ chối toàn bộ hoặc một phần yêu cầu dẫn độ thì phải thông báo lý do từ chối cho Bên yêu cầu.

ĐIỀU 11

CHUYỂN GIAO

1. Nếu Bên được yêu cầu chấp thuận yêu cầu dẫn độ thì các Bên sẽ thống nhất về thời gian, địa điểm và các vấn đề khác liên quan đến chuyển giao người bị yêu cầu dẫn độ. Bên được yêu cầu sẽ thông báo cho Bên yêu cầu về thời gian người bị yêu cầu dẫn độ đã bị giam giữ trước khi được chuyển giao.

2. Nếu Bên yêu cầu không tiếp nhận người bị yêu cầu dẫn độ trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày sau ngày thỏa thuận chuyển giao thì Bên được yêu cầu sẽ trả tự do ngay cho người đó và có thể từ chối xem xét yêu cầu dẫn độ mới của Bên yêu cầu đối với người đó về cùng một tội danh.

3. Nếu một Bên không thể chuyển giao hoặc tiếp nhận người bị yêu cầu dẫn độ trong khoảng thời gian đã thỏa thuận vì các lý do bất khả kháng thì Bên đó phải thông báo ngay cho Bên kia biết. Các Bên sẽ thỏa thuận về thời gian, địa điểm mới và các vấn đề liên quan khác để thực hiện việc dẫn độ phù hợp với pháp luật quốc gia của mình. Trường hợp này được áp dụng quy định tại khoản 2 Điều này.

ĐIỀU 12

HOÃN VÀ CHUYỂN GIAO TẠM THỜI

1. Nếu người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang thi hành án ở Bên được yêu cầu về một tội phạm khác với tội bị yêu cầu dẫn độ, Bên được yêu cầu có thể, sau khi ra quyết định chấp thuận dẫn độ, hoãn dẫn độ cho tới khi kết thúc quá trình tố tụng hoặc chấp hành xong bản án. Bên được yêu cầu sẽ thông báo cho Bên yêu cầu về việc hoãn dẫn độ.

2. Nếu việc hoãn dẫn độ có thể gây trở ngại nghiêm trọng đến quá trình tố tụng hình sự tại Bên yêu cầu thì Bên được yêu cầu có thể, theo đề nghị của Bên yêu cầu, tạm thời chuyển giao người bị yêu cầu dẫn độ cho Bên yêu cầu nếu không gây cản trở đến các thủ tục tố tụng hình sự đang được tiến hành của Bên được yêu cầu và Bên yêu cầu cam kết giao trả người đó vô điều kiện và ngay lập tức sau khi kết thúc các quá trình tố tụng hình sự có liên quan.

ĐIỀU 13

NHIỀU YÊU CẦU DẪN ĐỘ ĐỐI VỚI MỘT NGƯỜI

Nếu hai hoặc nhiều hơn hai quốc gia cùng yêu cầu dẫn độ đối với cùng một người hoặc về cùng một tội hoặc về các tội khác nhau, khi xem xét các yêu cầu dẫn độ để quyết định việc dẫn độ người này cho quốc gia nào, Bên được yêu cầu sẽ xem xét tất cả các yếu tố có liên quan, bao gồm nhưng không giới hạn đối với:

a. Yêu cầu dẫn độ có được lập theo một hiệp định hay không;

b. Mức độ nghiêm trọng của tội phạm;

c. Thời gian và địa điểm phạm tội;

d. Quốc tịch của người bị yêu cầu dẫn độ và người bị hại;

e. Ngày đưa ra yêu cầu dẫn độ; và

f. Khả năng dẫn độ tiếp theo cho một quốc gia khác.

ĐIỀU 14

QUY TẮC ĐẶC BIỆT

Người bị dẫn độ theo Hiệp định này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không phải thi hành án tại Bên yêu cầu về một tội do người đó thực hiện trước khi bị chuyển giao, ngoài tội mà vì đó người này bị yêu cầu dẫn độ hoặc cũng sẽ không bị dẫn độ lại cho quốc gia thứ ba, trừ trường hợp:

a. Bên được yêu cầu đã đồng ý trước. Để đạt được sự đồng ý đó, Bên được yêu cầu có thể yêu cầu cung cấp các tài liệu và thông tin được quy định tại Điều 6 Hiệp định này;

b. Người đó không rời khỏi lãnh thổ của Bên yêu cầu trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày được tự do rời đi hoặc người đó tự nguyện quay trở lại lãnh thổ Bên yêu cầu sau khi rời đi. Tuy nhiên, thời hạn này không bao gồm thời gian người đó không thể rời khỏi Bên yêu cầu vì các lý do bất khả kháng; hoặc

c. Bất kỳ một tội nhẹ hơn nào được đưa ra dựa trên cùng các sự kiện dùng để dẫn độ người này, trừ tội mà vì đó việc dẫn độ không thể được thực hiện một cách hợp pháp.

ĐIỀU 15

CHUYỂN GIAO TÀI SẢN

1. Nếu Bên yêu cầu đề nghị, thì Bên được yêu cầu sẽ, trong phạm vi pháp luật quốc gia nước mình, tạm giữ các tài sản do phạm tội mà có và các phương tiện dùng để phạm tội cùng các tài sản khác để làm bằng chứng được tìm thấy trên lãnh thổ của mình hoặc thuộc sở hữu của người bị yêu cầu dẫn độ và khi chấp thuận dẫn độ sẽ chuyển giao tài sản này cho Bên yêu cầu.

2. Khi chấp thuận dẫn độ, tài sản được quy định tại khoản 1 Điều này sẽ được chuyển giao, ngay cả khi việc dẫn độ không thể thực hiện được vì người đó chết, mất tích hoặc bỏ trốn hoặc bất kỳ lý do nào khác.

3. Để phục vụ cho bất kỳ thủ tục tố tụng hình sự nào còn chưa được giải quyết, Bên được yêu cầu có thể hoãn việc chuyển giao tài sản được đề cập ở trên cho tới khi kết thúc các thủ tục đó hoặc chuyển giao tạm thời tài sản này với điều kiện Bên yêu cầu cam kết sẽ trả lại tài sản đó.

4. Việc chuyển giao tài sản như trên không làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Bên được yêu cầu hoặc của bên thứ ba đối với tài sản đó. Khi có các quyền và lợi ích nêu trên, theo đề nghị của Bên được yêu cầu, Bên yêu cầu phải trả lại tài sản được chuyển giao cho Bên được yêu cầu sớm nhất có thể sau khi kết thúc các thủ tục tố tụng.

ĐIỀU 16

TƯƠNG TRỢ PHÁP LÝ

Mỗi Bên sẽ, trong phạm vi cho phép của pháp luật trong nước, cung cấp cho Bên kia biện pháp rộng rãi nhất để tương trợ pháp lý về các vấn đề hình sự liên quan đến tội phạm bị yêu cầu dẫn độ.

ĐIỀU 17

QUÁ CẢNH

1. Trong phạm vi pháp luật nước mình cho phép, việc quá cảnh người bị yêu cầu dẫn độ đến một Bên từ một nước thứ ba qua lãnh thổ của Bên kia sẽ được phép khi có văn bản yêu cầu gửi qua đường ngoại giao hoặc trực tiếp qua các cơ quan trung ương của các Bên. Không yêu cầu phải xin phép quá cảnh nếu việc vận chuyển được thực hiện bằng đường hàng không và không có lịch trình hạ cánh trên lãnh thổ của Bên kia.

2. Nếu tiến hành việc hạ cánh không dự định trước trên lãnh thổ của Bên kia thì Bên này có thể gửi yêu cầu xin quá cảnh theo quy định tại khoản 1 Điều này. Bên kia có thể, không trái với pháp luật quốc gia mình, tạm giữ người đó trong khoảng thời gian 72 (bảy mươi hai) giờ trong khi chờ yêu cầu quá cảnh.

ĐIỀU 18

THÔNG BÁO KẾT QUẢ

Bên yêu cầu sẽ thông báo kịp thời cho Bên được yêu cầu về kết quả xét xử hoặc thi hành bản án đối với người bị dẫn độ hoặc thông tin liên quan đến dẫn độ lại người đó cho một quốc gia thứ ba.

ĐIỀU 19

CHI PHÍ

Các chi phí phát sinh trong quá trình dẫn độ tại Bên được yêu cầu sẽ do Bên đó chi trả. Các chi phí về vận chuyển và chi phí quá cảnh liên quan đến chuyển giao hoặc tiếp nhận người bị dẫn độ sẽ do Bên yêu cầu chi trả.

ĐIỀU 20

NGHĨA VỤ QUỐC TẾ

Hiệp định này sẽ không ảnh hưởng tới các quyền và nghĩa vụ của các Bên liên quan đến dẫn độ theo các điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận khác mà các Bên là thành viên.

ĐIỀU 21

GIẢI QUYẾT BẤT ĐỒNG

Bất cứ bất đồng nào nảy sinh trong việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này sẽ được giải quyết qua tham vấn giữa các Bên qua các kênh ngoại giao.

ĐIỀU 22

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

Hiệp định này sẽ được sửa đổi, bổ sung tại bất cứ thời điểm nào với sự đồng thuận của các Bên. Những sửa đổi, bổ sung này sẽ có hiệu lực theo các thủ tục như thủ tục để Hiệp định này có hiệu lực.

ĐIỀU 23

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

1. Các Bên sẽ thông báo cho nhau về việc hoàn thiện các thủ tục trong nước có liên quan để Hiệp định này có hiệu lực. Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày các Bên nhận được thông báo sau cùng.

2. Mỗi Bên sẽ chấm dứt Hiệp định này bằng việc gửi thông báo bằng văn bản cho Bên kia qua các kênh ngoại giao tại bất kỳ thời điểm nào. Hiệp định sẽ hết hiệu lực sau 06 (sáu) tháng kể từ ngày nhận được thông báo chính thức đó. Việc chấm dứt Hiệp định này sẽ không ảnh hưởng tới các yêu cầu dẫn độ được đưa ra trước khi chấm dứt Hiệp định.

Để làm bằng, những người ký tên dưới đây, được Chính phủ của mình ủy quyền đầy đủ, đã ký Hiệp định này.

Làm tại Gia-các-ta, vào ngày 27 tháng 6 năm 2013, thành hai bản chính, mỗi bản gồm tiếng Việt, tiếng In-đô-nê-xi-a và tiếng Anh, các bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp nảy sinh bất đồng trong việc giải thích Hiệp định này thì sẽ căn cứ vào bản tiếng Anh.

 

ĐẠI DIỆN
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM




Phạm Bình Minh
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM

ĐẠI DIỆN
CỘNG HÒA IN-ĐÔ-NÊ-XI-A





Amir Syamsudin
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP VÀ NHÂN QUYỀN IN-ĐÔ-NÊ-XI-A

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông báo hiệu lực của Hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.439

DMCA.com Protection Status
IP: 18.223.206.84
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!