BỘ NGOẠI
GIAO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5925/BNG-LPQT
|
Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2024
|
THÔNG
BÁO
VỀ
HIỆU LỰC CỦA ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Thực hiện quy định tại Điều
56 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp về việc phát triển
trung tâm Pháp - Việt đào tạo về quản lý giai đoạn 2024 - 2029, ký tại Hà Nội
ngày 24 tháng 10 năm 2024, có hiệu lực từ ngày 24 tháng 10 năm 2024.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Quý Cơ
quan bản sao Thông cáo chung theo quy định tại Điều 59 của Luật
nêu trên./.
|
TL. BỘ
TRƯỞNG
KT.
VỤ TRƯỞNG
VỤ
LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ
VỤ TRƯỞNG
Trần
Lê Phương
|
THỎA
THUẬN
GIỮA
CHÍNH PHỦ NƯỚC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
VÀ
CHÍNH PHỦ NƯỚC
CỘNG HÒA PHÁP
VỀ
VIỆC
PHÁT
TRIỂN TRUNG TÂM PHÁP - VIỆT ĐÀO TẠO VỀ QUẢN LÝ
GIAI ĐOẠN 2024 - 2029
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp, sau đây gọi tắt là “hai Bên”;
Căn cứ Hiệp định Hợp tác Văn hóa, Khoa
học và Kỹ thuật giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa
Pháp được ký ngày 27 tháng 4 năm 1977 tại Paris;
Tiếp theo Thỏa thuận giữa Chính phủ nước
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp về việc Phát
triển Trung tâm Pháp - Việt Đào tạo về Quản lý giai đoạn 2019-2023 được ký ngày
10 tháng 10 năm 2019 tại Hà Nội (sau đây gọi tắt là «Thỏa thuận
2019»);
Dựa trên những thành công của Trung
tâm Pháp - Việt Đào tạo về Quản lý từ năm 1992 và với mục đích tăng cường nỗ lực
thúc đẩy đa dạng hóa các hình thức đào tạo về quản lý và quản trị kinh doanh tại
Việt Nam, phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế;
đã thỏa thuận các điều khoản sau:
CHƯƠNG
1. CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều
1
1. Hai Bên quyết
định tiếp tục phát triển Trung tâm Pháp - Việt Đào tạo về Quản lý (sau đây gọi
tắt là CFVG và là tên gọi chung của cơ sở CFVG Hà Nội và cơ sở CFVG Thành phố Hồ
Chí Minh) được thành lập năm 1992 theo Thỏa thuận giữa hai Chính phủ để CFVG
đáp ứng được các tiêu chuẩn của một đơn vị đào tạo quốc tế về các lĩnh vực Quản
lý và Quản trị kinh doanh.
2. CFVG Hà Nội là một đơn vị đào tạo
trực thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trụ sở tại Nhà A1, Trường Đại
học Kinh tế Quốc dân, 207 Đường Giải Phóng, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Điện thoại:
(+84) (024) 6280280.
CFVG Thành phố Hồ Chí Minh là một đơn
vị đào tạo trực thuộc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, trụ sở tại cơ sở của
Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, 91 Đường Ba Tháng Hai, Quận 10, Thành phố
Hồ Chí Minh. Điện thoại: (+84) (028) 38300103.
Cả hai cơ sở có cơ chế hoạt động đặc
thù được quy định tại các Điều 1, 5, 6, và 8 của Thỏa thuận này và
thống nhất về hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Website (chung cả hai cơ sở):
www.cfvg.org
3. CFVG được sự hỗ trợ của hai cơ sở
giáo dục đại học Việt Nam nêu trên và của các trường đối tác Pháp và quốc tế,
cũng như của Phòng Thương mại và Công nghiệp Vùng Paris Île-de-France (CCI) về
đào tạo và khoa học.
4. CFVG có tư cách pháp nhân, con dấu
và tài khoản riêng, được áp dụng cơ chế tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn;
tổ chức và nhân sự; tài chính và tài sản trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp
luật Việt Nam. CFVG là tổ chức hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
Điều
2
Mục tiêu của
CFVG nhằm đóng góp nguồn nhân lực có chất lượng cao vào sự phát triển kinh tế của
Việt Nam thông qua hoạt động sáng tạo và phổ biến kiến thức về các lĩnh vực
Kinh doanh và Quản lý, đặc biệt là các chương trình đào tạo và nghiên cứu quốc
tế chất lượng cao.
Điều
3
Phạm vi hoạt
động của CFVG bao gồm:
1. Liên kết đào tạo trình độ đại học,
thạc sĩ và tiến sĩ về các lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý;
2. Đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ
về các lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý;
3. Triển khai các hoạt động nghiên cứu
khoa học và ứng dụng;
4. Phát triển quan hệ với các trường đại
học Việt Nam thông qua ba mảng hoạt động được nêu ở các Khoản 1, 2 và 3 của Điều
này.
CHƯƠNG
2. CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CẤP BẰNG
Điều
4
1. Hai Bên nhất
trí tiếp tục duy trì và thực hiện các chương trình liên kết đào tạo hiện có
đang triển khai thực hiện tại CFVG.
CFVG là đơn vị chủ trì, xây dựng mới
và quản lý các chương trình liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến
sĩ về các lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý.
Việc phê duyệt, gia hạn các chương
trình liên kết đào tạo thuộc thẩm quyền của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đối
với cơ sở CFVG Hà Nội và của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đối với cơ sở
CFVG Thành phố Hồ Chí Minh, theo như Khoản 3 Điều 5 của Thỏa thuận này và phù hợp
với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
Chỉ tiêu tuyển sinh của tất cả các chương
trình liên kết đào tạo của CFVG không tính vào chỉ tiêu tuyển sinh chung của
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; chỉ
tiêu tối đa của các chương trình liên kết đào tạo không vượt quá năng lực về cơ
sở vật chất và đội ngũ giảng viên theo quy định pháp luật hiện hành để đảm bảo
về chất lượng của các chương trình. Chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể của từng chương trình
liên kết đào tạo do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phê duyệt đối với cơ sở CFVG Hà Nội
và do Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt đối với cơ sở CFVG Thành
phố Hồ Chí Minh theo các quy định hiện hành.
2. Hai Bên khuyến khích CFVG
mở rộng quy mô đào tạo của các chương trình liên kết đào tạo trình độ đại học,
thạc sĩ và tiến sĩ trên cơ sở đảm bảo năng lực đào tạo và các điều kiện đảm bảo
chất lượng của CFVG cũng như phân tích khảo sát nhu cầu đào tạo của Việt Nam
nói chung và của từng cơ sở đào tạo CFVG Hà Nội và CFVG Thành phố Hồ Chí Minh
nói riêng và theo quy định của pháp luật hiện hành.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của CFVG, việc thực hiện các chương trình liên kết đào tạo
do Ban Giám đốc CFVG, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế
Quốc dân, Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và các đối tác học thuật
quốc tế liên quan cùng xác định. Quy trình phê duyệt và gia hạn đối với mỗi chương
trình được tiến hành theo quy định của pháp luật Việt Nam và khoản 1, Điều 4 của
Thỏa thuận này.
3. Hai Bên cho phép và khuyến khích việc
phát triển các quan hệ hợp tác giữa CFVG với các trường đối tác Việt Nam và nước
ngoài để triển khai các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên, học viên
trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, tổ chức các chương trình đào tạo và các
hoạt động nghiên cứu khoa học tại Việt Nam và nước ngoài dưới sự quản lý của
hai cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Sinh viên, học viên tốt nghiệp các chương trình
này ở trình độ đại học hoặc
thạc sĩ được xét cấp hai văn bằng nếu thỏa mãn các điều kiện cấp bằng theo quy định của
pháp luật hiện hành của Việt Nam và của nước ngoài.
CHƯƠNG
3. TỔ CHỨC BỘ MÁY
Tổ chức bộ máy của CFVG bao gồm Ủy ban
Định hướng, Ban Giám đốc và các tổ chức hỗ trợ.
Điều
5
1. Ủy ban Định
hướng là cấp định hướng chiến lược của CFVG. Ủy ban Định hướng do hai đại diện
của hai Chính phủ là đồng chủ tịch.
a) Đối với Bên Việt Nam, Bộ Giáo dục
và Đào tạo cử bảy (7) đại diện tham gia Ủy ban Định hướng, trong đó gồm: Thứ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Đồng Chủ tịch Ủy ban Định hướng), một (1) lãnh đạo
các đơn vị là Vụ Giáo dục Đại học, Cục Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ, và Vụ
Kế hoạch - Tài chính, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Giám đốc Đại
học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
b) Đối với Bên Pháp, Bộ Châu Âu và Ngoại
giao cử bảy (7) đại diện tham gia Ủy ban Định hướng, trong đó gồm: Đại sứ Pháp
tại Việt Nam (Đồng Chủ tịch Ủy ban Định hướng), Tham tán Hợp tác và Hoạt động
Văn hóa, Tùy viên Hợp tác Khoa học và Đại học (Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam),
một (1) đại diện của Tổng lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh, một (1) đại
diện của Bộ Châu Âu và Ngoại giao Cộng hòa Pháp (Paris), một (1) đại diện Phòng
Thương mại và Công nghiệp (CCI) Vùng Paris Île-de-France, và một
(1) đại diện Trường đối tác chiến lược quốc tế của CFVG.
c) Các thành viên có thể cử người đại
diện dự họp thay bằng văn bản.
2. Ủy ban Định hướng có nhiệm vụ:
a) Cho ý kiến về những định hướng lớn
của CFVG, hỗ trợ sự phát triển CFVG về mặt chính sách và ngoại giao.
b) Cho ý kiến về việc cử ba (3) đồng
giám đốc CFVG. Bên Pháp, Bộ Châu Âu và Ngoại giao bổ nhiệm một (1) giám đốc chịu
trách nhiệm về cả hai cơ sở CFVG Hà Nội và CFVG Thành phố Hồ Chí Minh, với nhiệm
kỳ là hai (2) năm và có thể được gia hạn. Bên Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại
học Kinh tế Quốc dân bổ nhiệm một (1) đồng giám đốc của CFVG Hà Nội, Giám đốc Đại
học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm một (1) đồng giám đốc của CFVG Thành
phố Hồ Chí Minh. Nhiệm kỳ giám đốc Bên Việt Nam là năm (5) năm và có thể được
gia hạn. Các giám đốc có thể được
thay thế trong nhiệm kỳ cũng theo cách thức như trên.
3. Ủy ban Định hướng giao Hiệu trưởng
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí
Minh điều hành và quản lý CFVG Hà Nội và CFVG Thành phố Hồ Chí Minh, chịu trách
nhiệm trước Ủy ban Định hướng và trước pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa
vụ theo Thỏa thuận. Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Giám đốc Đại
học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn, hỗ trợ Ban Giám đốc CFVG và các bộ
phận liên quan tiến hành các thủ tục cần thiết để CFVG được hưởng cơ chế đặc
thù theo Thỏa thuận này, đồng thời hoàn thành hồ sơ phê duyệt các chương trình
liên kết đào tạo của CFVG như nêu tại Điều 4 của Thỏa thuận này.
4. Ủy ban Định hướng họp mỗi năm một lần,
do hai đồng Chủ tịch cùng điều hành và biểu quyết theo đa số. Mỗi Bên quyết định
thành phần đoàn của Bên mình tham gia phiên họp, với số thành viên ngang bằng
và không quá bảy (7) đại biểu mỗi Bên. Các giám đốc CFVG tham dự họp nhưng
không có quyền biểu quyết, Ủy ban Định hướng họp trực tiếp hoặc trực tuyến.
a) Phiên họp cho ý kiến về các báo cáo
của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Giám đốc Đại học Kinh tế Thành
phố Hồ Chí Minh và Ban Giám đốc CFVG cùng chuẩn bị và về những định hướng chiến
lược của CFVG.
b) Giữa các phiên họp định kỳ, trong
trường hợp cần thiết, Ủy
ban Định hướng triệu tập cuộc họp trực tiếp hoặc trực tuyến với một cơ cấu hạn
chế và đảm bảo nguyên tác số đại biểu ngang bằng của mỗi Bên.
c) Trong trường hợp phải giải quyết kịp
thời một số vấn đề cấp bách liên quan đến các hoạt động của CFVG nhưng vượt quá
thẩm quyền của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Giám đốc Đại học
Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và không có điều kiện họp với cơ cấu hạn chế, hai
Đồng Chủ tịch Ủy ban Định hướng ra quyết định trên cơ sở xem xét đề nghị của Hiệu
trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ
Chí Minh và Ban Giám đốc CFVG.
Điều
6
1. CFVG hoạt động
theo cơ chế đồng giám đốc. Cơ cấu Ban Giám đốc CFVG gồm có ba (3) (đồng) giám đốc
được bổ nhiệm theo Mục b) Khoản 2 Điều 5 của Thỏa thuận này.
2. Tiêu chí tuyển chọn các đồng giám đốc
phải có trình độ tiến sĩ và kinh nghiệm trong quản lý. Các đồng giám đốc CFVG
có trách nhiệm và quyền hạn ngang nhau trong việc triển khai các hoạt động của
CFVG trong khuôn khổ Thỏa thuận này.
3. Chức năng và nhiệm vụ của Ban Giám
đốc:
a) Chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (đối với Ban Giám đốc CFVG Hà Nội), Giám đốc Đại
học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (đối với Ban Giám đốc CFVG thành phố Hồ Chí
Minh), và đại diện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và chịu trách nhiệm trước pháp
luật về hoạt động của CFVG.
b) Có trách nhiệm tổ chức thực hiện và
triển khai các chương trình đào tạo và nghiên cứu và các hoạt động khác của
CFVG một cách hiệu quả và bền vững.
c) Bổ nhiệm các chủ nhiệm chương trình
đào tạo và nghiên cứu theo tiêu
chí năng lực và quy trình do Ban Giám đốc CFVG quyết định.
d) Xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động,
quy chế chi tiêu nội bộ của mỗi cơ sở CFVG Hà Nội và CFVG Thành phố Hồ Chí
Minh, có sự phối hợp cần thiết giữa hai cơ sở, đảm bảo hiệu quả hoạt động, chất
lượng, kiểm định và uy tín quốc tế, thống nhất về mặt đào tạo và nghiên cứu
khoa học như nêu tại Khoản 2 Điều 1 của Thỏa thuận này. Các quy chế trên phải
được Hiệu trưởng Trường Đại
học Kinh tế Quốc dân, Giám đốc Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh và đại diện
Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phê duyệt.
e) Đề xuất chiến lược, kế hoạch phát triển
hàng năm và trung hạn, báo cáo hoạt động thường niên, các báo cáo thực hiện
ngân sách và dự toán ngân sách hàng năm trình Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế
Quốc dân, Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và đại diện Đại sứ
quán Pháp tại Việt Nam phê duyệt và trình bày tại cuộc họp thường niên của Ủy
ban Định hướng.
f) Thực hiện tất cả các biện pháp quản
lý phù hợp để CFVG hoạt động tốt, đặc biệt liên quan đến quản lý nhân sự, hệ thống
thông tin, tài chính, tiếp thị và truyền thông.
4. Phương thức hoạt động của Ban Giám
đốc
Ban Giám đốc CFVG ra các quyết định dựa
trên nguyên tắc đồng thuận chung (không biểu quyết).
Điều
7
Các tổ chức hỗ
trợ CFVG bao gồm:
1. Nhóm hỗ trợ khoa học tập hợp các
trường đối tác khoa học Pháp và quốc tế của CFVG. Nhóm này họp mỗi năm một lần,
xem xét các đề án mở chương trình đào tạo mới và đề xuất sửa đổi các chương
trình hiện có.
2. Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp
(HĐTVDN) tập hợp các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài có quan tâm đến các hoạt
động của CFVG, với thành phần ngang nhau về số lượng giữa hai bên.
HĐTVDN có một bộ phận ở Hà Nội và một bộ phận ở Thành phố Hồ Chí Minh. HĐTVDN hỗ
trợ CFVG trong việc xác định những lĩnh vực có triển vọng và tăng cường sự gắn
kết giữa các chương trình đào tạo của CFVG với nhu cầu của các doanh nghiệp.
HĐTVDN đề xuất các ý kiến tư vấn đối với Ban Giám đốc CFVG, Hiệu trưởng Trường
Đại học Kinh tế Quốc dân và/hoặc Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí
Minh.
CHƯƠNG
4. CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ TÀI CHÍNH
Điều
8
1. CFVG được tự
chủ trong sử dụng nguồn tài chính và được áp dụng cơ chế tự chủ tài chính như đối
với một đơn vị sự nghiệp công lập, tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư
theo quy định của Chính phủ Việt Nam; Chính phủ Việt Nam giao Hiệu trưởng Trường
Đại học Kinh tế Quốc dân và Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh thực
hiện trách nhiệm quản lý của đơn vị sự nghiệp cấp trên trực tiếp theo quy định
của pháp luật Việt Nam.
2. Nguồn kinh phí hoạt động của CFVG
bao gồm:
a) Khoản thu học phí, lệ phí tuyển
sinh và các khoản thu dịch vụ giáo dục khác;
b) Nguồn thu từ hoạt động đào tạo bồi
dưỡng, nâng cao trình độ về các lĩnh vực Quản lý và Quản trị kinh doanh;
c) Nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và
ứng dụng:
d) Khoản hỗ trợ của Chính phủ Pháp như
nêu tại Khoản 6 của Điều này;
e) Khoản tài trợ của các tổ chức quốc
tế;
f) Khoản tài trợ của các doanh nghiệp
và cá nhân;
g) Các nguồn thu hợp pháp khác.
Các nguồn kinh phí hoạt động của CFVG
được CFVG trực tiếp thu và quản lý thông qua tài khoản ngân hàng và con dấu
riêng của CFVG. CFVG được quyết định sử dụng các khoản thu, bao gồm cả lãi tiền
gửi để chi cho các hoạt động của CFVG trên cơ sở Quy chế chi tiêu nội bộ, đảm bảo
công khai, minh bạch và hiệu quả.
3. Các khoản chi của CFVG:
CFVG được quyết định các nội dung và mức
chi theo quy định của Chính phủ Việt Nam về cơ chế tự chủ như đối với đơn vị sự
nghiệp công lập áp dụng đối với đơn vị nhóm 1 tự đảm bảo chi thường xuyên và
chi đầu tư và trên cơ sở Quy chế chi tiêu nội bộ trong phạm vi nguồn tài chính
của CFVG đảm bảo đúng chế độ, công khai, minh bạch và hiệu quả, bao gồm:
a) Các khoản chi thường xuyên của CFVG
cho các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học như đã nêu tại Điều 3 của Thỏa
thuận này, trong đó bao gồm các chi phí quản lý cho hai trường đại học Việt Nam
và các đối tác của CFVG;
b) Các khoản chi sửa chữa, nâng cấp, cải
tạo cơ sở vật chất, mua sắm tài sản cố định và trang thiết bị để phát
triển CFVG;
c) Các khoản chi khác theo quy định của
pháp luật Việt Nam.
4. CFVG được mở các tài khoản ngân
hàng bằng ngoại tệ, bằng tiền đồng Việt Nam và thực hiện chế độ kiểm toán độc lập
hàng năm. Báo cáo kiểm toán phải được gửi tới Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế
Quốc dân, Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo
và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.
5. CFVG được tự chủ xây dựng và quy định
các mức thu (học phí, lệ phí tuyển sinh, các dịch vụ giáo dục khác) theo nguyên
tắc bù đắp chi phí. Căn cứ chi phí đào tạo tính toán dựa theo nguyên tắc này,
Ban Giám đốc CFVG tổ chức xây dựng các mức thu, báo cáo Hiệu trưởng Trường Đại
học Kinh tế Quốc dân, Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và đại diện
Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam xem xét, phê duyệt trước khi ký ban hành. Học phí
xác định trên nguyên tắc phù hợp với yêu cầu chất lượng của chương trình, dựa
theo chỉ số lạm phát của năm trước, theo xu hướng của thị trường và tiến triển cấu
trúc các chương trình đào tạo. CFVG có trách nhiệm công khai các mức thu học
phí, lệ phí tuyển sinh, khoản thu dịch vụ giáo dục khác theo quy định của Việt
Nam.
6. Bên Pháp và Phòng Thương mại và
Công nghiệp (CCI) Vùng Paris Île-de-France tiếp tục hỗ trợ phát triển các hoạt động
cũng như tính chất quốc tế các chương trình của CFVG. Trong
thời gian hiệu lực của Thỏa thuận này,
Bên Pháp cung cấp và đảm nhận trả lương một chuyên gia kỹ thuật quốc tế đảm
trách cương vị đồng giám đốc Pháp của cả hai cơ sở CFVG ở Hà Nội và ở Thành phố
Hồ Chí Minh.
7. Trường Đại học Kinh tế quốc dân và
Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm đảm bảo cơ sở vật chất,
các phòng học, phòng làm việc và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của
CFVG tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân ở Hà Nội và tại Đại học Kinh tế Thành
phố Hồ Chí Minh ở Thành phố Hồ Chí Minh để đáp ứng nhu cầu hoạt động của các chương
trình đào tạo của CFVG.
8. Về quản lý tài sản, tài chính:
a) Các nguồn tài chính, các nội dung
chi, mức chi và các vấn đề liên quan đến quản lý tài chính, tài sản của CFVG phải
được thể hiện trong Quy chế chi tiêu nội bộ của CFVG. Quy chế chi tiêu nội bộ của
CFVG được xây dựng trên cơ sở thảo luận công khai và minh bạch, hàng năm báo
cáo Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Giám đốc Đại học Kinh tế Thành
phố Hồ Chí Minh và đại diện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam xem xét, phê duyệt
trước khi thực hiện.
b) CFVG thực hiện nghĩa vụ tài chính
theo quy định của pháp luật Việt Nam.
c) Việc quản lý, sử dụng tài sản thực
hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý, sử dụng tài sản công.
Điều
9
Theo luật,
các quy định và chính sách quốc gia hiện hành tại mỗi nước, các điều khoản tài
chính nhằm chi trả các cam kết của hai Bên cho các hoạt động hợp tác được thực
hiện trong khuôn khổ của Thỏa thuận này, bao gồm cả cam kết của các Bên như nêu
tại các Khoản 6 và 7 của Điều 8, được quyết định bởi một thỏa thuận chung giữa
các Bên đối với từng trường hợp, trong phạm vi kinh phí hàng năm duy trì hoạt động
thông thường của các cơ quan quản lý liên quan cho phép.
CHƯƠNG
5. HỖ TRỢ NHẬP CẢNH, LƯU TRÚ VÀ NHẬP KHẨU
Điều 10
1. Bên Việt Nam
tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập cảnh và lưu trú của giảng viên, nhân
viên, cộng tác viên và học viên quốc tế và gia đình họ trong thời gian công
tác, học tập hoặc thực tập tại CFVG, theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Ngược lại, Bên Pháp tạo điều kiện
thuận lợi cho giảng viên, nhân viên, cộng tác viên, học viên của CFVG sang Pháp
công tác, học tập hoặc thực tập, theo quy định của pháp luật Pháp.
3. Bên Việt Nam cho phép nhập khẩu miễn
thuế những mặt hàng phục vụ cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của
CFVG và cho sinh hoạt cá nhân của các giảng viên, nhân viên người Pháp làm việc
tại CFVG (trừ các loại thuế ô-tô), theo quy định của pháp luật Việt Nam.
CHƯƠNG
6. ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều
11
1. Thỏa thuận
này có hiệu lực kể từ ngày ký với thời hạn năm (5) năm và được tự động gia hạn
một lần năm (5) năm, trừ khi một Bên thông báo chính thức bằng văn bản cho Bên
kia về việc không tiếp tục gia hạn Thỏa thuận.
Để đảm bảo các hoạt động của CFVG được
liên tục trong quá trình chuyển đổi giữa Thỏa thuận 2019 và Thỏa thuận này, tất
cả các chương trình đào tạo bắt đầu trước khi Thỏa thuận này có hiệu lực và
chưa hoàn thành khi Thỏa thuận này có hiệu lực, được áp dụng các điều khoản của
Thỏa thuận năm 2019.
2. Các hoạt động hợp tác theo khuôn khổ
của Thỏa thuận này phải phù hợp với pháp luật của Việt Nam và của Pháp và các điều
ước quốc tế mà hai Bên là thành viên.
3. Mỗi Bên có thể chấm dứt Thỏa thuận
này bằng một văn bản thông báo cho Bên kia biết ít nhất sáu (6) tháng trước thời
điểm có ý định chấm dứt.
4. Hai Bên có thể sửa đổi Thỏa thuận
này sau khi đạt được sự đồng thuận. Các điều khoản sửa đổi sẽ là một bộ phận
không tách rời của Thỏa thuận này.
5. Việc chấm dứt Thỏa
thuận không ảnh hưởng đến các hoạt động đào tạo đang được triển khai và cho đến
khi kết thúc. Việc quyết định xử lý tài sản của CFVG sẽ là nội dung của một văn
bản ký kết đặc biệt giữa hai Bên.
6. Mọi bất đồng liên quan đến việc diễn
giải và thực hiện Thỏa thuận này cần được giải quyết hữu nghị thông qua đàm
phán.
Làm tại Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm
2024, thành 2 (hai) bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, các văn bản
có giá trị như nhau.
Thay mặt
Chính phủ
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam
Nguyễn Văn Phúc
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
|
Thay mặt
Chính phủ
nước
Cộng hòa Pháp
Olivier Brochet
Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam
|