BỘ CÔNG AN
TỔNG CỤC CẢNH SÁT PCTP
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 4980/TB-C41(C56)
|
Hà Nội, ngày 05
tháng 12 năm 2013
|
THÔNG BÁO
KẾT QUẢ 1 NĂM THỰC
HIỆN CÔNG TÁC CHUYỂN HÓA ĐỊA BÀN TRỌNG ĐIỂM, PHỨC TẠP VỀ AN NINH TRẬT TỰ
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng,
chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân
Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo 138/CP;
Kế hoạch số 99/KH-BCĐ ngày 02/5/2013 về việc sơ kết 1 năm thực hiện chỉ đạo
điểm công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự trở
thành địa bàn không có tội phạm hoặc giảm đến mức thấp nhất tại 25 tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương. Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm xin thông
báo cụ thể như sau:
I. TÌNH HÌNH TỘI PHẠM
Tình hình tội phạm tại 25 tỉnh, thành phố được lựa
chọn thực hiện thí điểm công tác chuyển hóa địa bàn, nổi lên là:
Tội phạm về trật tự xã hội: đã xảy ra 5.478
vụ (giảm 849 vụ = 13,42% so với cùng kỳ trước đó), tuy nhiên diễn biến vẫn hết
sức phức tạp, tính chất ngày càng nghiêm trọng, tập trung chủ yếu ở các tỉnh,
thành phố lớn, địa bàn giáp biên[1]. Hoạt động của các băng nhóm tội phạm
có tổ chức, lưu manh chuyên nghiệp[2], thanh, thiếu
niên, côn đồ hung hãn sử dụng vũ khí và các loại hung khí thanh toán, trả thù
lẫn nhau, gây rối trật tự công cộng, có sự liên kết giữa các vùng, miền và có
tính cơ động cao. Các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như tội phạm giết
người, nhất là giết người do nguyên nhân xã hội tiếp tục xảy ra nghiêm trọng[3].
Tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản (cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, trộm
cắp...) có xu hướng tăng ở hầu hết các địa phương và diễn biến phức tạp hơn,
tính chất ngày càng nguy hiểm, manh động, liều lĩnh. Tội phạm trộm cắp tài sản
vẫn chiếm tỷ lệ cao tập trung chủ yếu tại các địa bàn đông dân cư, tình hình an
ninh trật tự mất ổn định. Tình trạng chống người thi hành công vụ, nhất là
chống lại Cảnh sát vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều địa phương.
Tệ nạn cờ bạc, mại dâm diễn ra phổ biến ở nhiều địa
phương nhất là vào các dịp lễ hội, tết Nguyên Đán. Đã phát hiện nhiều sới bạc
hoạt động chuyên nghiệp, có quy mô lớn[4], gắn liền với các
hoạt động bảo kê, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật[5].
Tình trạng cờ bạc, cá độ bóng đá xuyên quốc gia qua mạng Internet có chiều
hướng gia tăng ở hầu hết các địa phương.
Tội phạm về kinh tế, tham nhũng: tiếp tục
diễn biến phức tạp, nghiêm trọng (phát hiện xử lý gần 1.000 vụ), xảy ra ở nhiều
địa phương, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực ngân hàng, sản xuất, mua bán, hàng
giả, hàng kém chất lượng. Hoạt động buôn lậu (buôn lậu khoáng sản, xăng dầu,
thuốc lá, hàng điện tử....), trốn thuế, kinh doanh trái phép buôn bán, vận
chuyển hàng cấm và gian lận thương mại cũng diễn ra phức tạp chủ yếu ở những
nơi tập trung đông dân, chợ, các vùng giáp biên (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần
Thơ, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bình Dương, An Giang...).
Tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi
trường: xảy ra trên nhiều lĩnh vực, số vụ phát hiện tăng hơn so với thời gian
cùng kỳ trước đó. Nổi lên là: Vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm
(buôn bán các loại gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch, sử dụng nguyên liệu,
các chất phụ gia, gia vị không rõ nguồn gốc, chất bị cấm để chế biến bảo quản
thực phẩm); doanh nghiệp không có hệ thống xử lý chất thải, xả nước thải chưa
qua xử lý ra môi trường; khai thác khoáng sản, săn bắt động vật hoang dã quý
hiếm xảy ra ở nhiều địa phương nhưng việc kiểm soát, phát hiện, xử lý còn nhiều
hạn chế…
Tội phạm về ma túy: xảy ra 1.166 vụ, ngày
càng có chiều hướng phức tạp hơn, do các địa bàn trọng điểm là nơi tập trung
đông dân cư, vùng biên giới, tình hình về an ninh trật tự không ổn định do vậy
tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy vẫn diễn ra hết sức phức tạp với nhiều
diễn biến khó lường[6]. Tại các địa bàn phức tạp về an ninh
trật tự các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận
chuyển ma túy số lượng lớn [7]. Thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm
này ngày càng tinh vi, xảo quyệt, liều lĩnh, manh động chúng cấu kết thành băng
nhóm sử dụng cả vũ khí nóng để chống trả quyết liệt đối với các lực lượng thi
hành nhiệm vụ. Tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp trong các quán bar, vũ trường,
quán karaoke, khách sạn, nhà nghỉ vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả.
II. KẾT QUẢ CÔNG TÁC CHUYỂN HÓA ĐỊA BÀN TRỌNG
ĐIỂM, PHỨC TẠP VỀ AN NINH TRẬT TỰ
1. Công tác chỉ
đạo, triển khai
Bộ Công an đã ban hành Điện số 14/TK và Điện số 66/TK,
chỉ đạo Công an 25 địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm chuyển
hóa, kéo giảm tình hình tội phạm tại địa phương. Qua đó Công an 25 tỉnh, thành
phố đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, thành phố tập trung
chỉ đạo xác định, lựa chọn từ 05 đến 10 địa bàn cấp xã, phường, thị trấn có tình
hình an ninh trật tự phức tạp nhất để tập trung chỉ đạo điểm[8]. Căn
cứ tình hình tội phạm ở địa phương, một số tỉnh, thành phố đã chỉ đạo lựa chọn
thêm địa bàn để tập trung chuyển hóa (An Giang 11 địa bàn, Bình Dương 20 địa
bàn, Đồng Nai 29 địa bàn, Quảng Trị 15 địa bàn, Sơn La 14 địa bàn, Thanh Hóa 22
địa bàn). Tổng số địa bàn phức tạp về an ninh trật tự được chọn để thực hiện
điểm chuyển hóa tại 25 tỉnh, thành phố là 238 xã, phường, thị trấn.
Các địa phương đã tổ chức thành lập, kiện toàn, sáp
nhập Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm cấp xã, với mô hình đồng chí Bí thư Đảng
ủy xã, phường, thị trấn làm Trưởng Ban Chỉ đạo, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân
dân và Trưởng Công an cùng cấp là Phó Trưởng ban, các ban, ngành, đoàn thể là
thành viên; tập trung củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo điều kiện thuận
lợi cho các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an trong đấu tranh
chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự. Công an các tỉnh đã tham mưu cho Ban
Chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; tăng cường lực lượng thuộc các
phòng nghiệp vụ xuống cơ sở, tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại
tội phạm, tập trung đấu tranh với các băng, ổ nhóm tội phạm, tụ điểm tệ nạn xã
hội; trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ lực lượng Công an cơ sở triển khai các mặt
công tác đảm bảo an ninh trật tự; định kỳ 6 tháng, 01 năm tổ chức giao ban, sơ
kết kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn, động
viên khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và đề ra nhiệm
vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tiếp theo.
Qua khảo sát tại một số địa bàn trọng điểm đồng chí
Bí thư Đảng ủy là Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm cấp xã đã thuận lợi
trong việc huy động cả hệ thống chính trị tại địa bàn trong công tác triển khai
thực hiện kế hoạch chuyển hóa địa bàn, tạo sự đồng thuận cao trong Đảng, chính
quyền, các ban ngành đoàn thể và các tầng lớp nhân dân (Riêng Bình Dương đến
nay vẫn duy trì mô hình đồng chí Chủ tịch, hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân
xã, phường làm Trưởng Ban).
Tuy nhiên công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý
điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở ở một số nơi đối với công tác này đôi
lúc còn chưa đủ mạnh, chưa thường xuyên, liên tục; sự phối hợp giữa các cơ
quan, ban, ngành tại địa phương có lúc, có nơi còn chưa đồng bộ, một số ban,
ngành đoàn thể chưa quan tâm đúng mức; thành viên Ban chỉ đạo các cấp chủ yếu
làm kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên môn nên trình độ năng lực của thành viên
Ban Chỉ đạo chưa đồng đều do đó việc thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn có
lúc, có nơi đạt hiệu quả chưa cao.
2. Công tác tuyên
truyền, vận động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Lực lượng Công an cấp xã đã phối hợp với các ban,
ngành, mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên tăng cường công tác tuyên
truyền về phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội. Nội dung
tuyên truyền tập trung vào các chủ trương, chính sách, pháp luật gắn với tuyên
truyền thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu
dân cư.... Đã tổ chức được trên 30 nghìn cuộc tuyên truyền với gần 01 triệu lượt
người tham dự[9]; xây dựng hàng nghìn tin, bài, phóng
sự, tranh cổ động tuyên truyền về phòng, chống tội phạm trên các phương tiện
thông tin đại chúng (như: Báo, Đài phát thanh-truyền hình của huyện, thị, thành
phố...). Nhiều địa phương đã đưa tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền phòng, chống tội
phạm đến từng thôn xóm, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học trên địa
bàn[10]. Thông qua tuyên truyền để làm cho
người dân nhận thức rõ tác hại của tội phạm với xã hội; vận động nhân dân tham
gia đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, tích cực tham gia phòng
ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự từ cơ sở.
Nhiều địa phương đã đa dạng hóa các hình thức tạo
thuận lợi cho người dân thuận lợi cung cấp thông tin tội phạm, đã thu nhận hàng
vạn tin, trong đó nhiều nguồn tin có giá trị giúp cho lực lượng Công an các cấp
triệt phá kịp thời các vụ phạm tội xảy ra trên địa bàn[11].
Lực lượng Công an đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo 138
các phường, xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn như Mặt trận
tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn
thanh niên... tập trung xây dựng nhiều phong trào, mô hình về phòng, chống tội
phạm qua đó đã phát huy được vai trò đoàn thể trong công tác tuyên truyền
phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội tại cơ sở cụ thể: Hội Cựu chiến binh, Hội
Người cao tuổi xây dựng phong trào “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng, hiến
kế xây dựng quê hương và sự nghiệp bảo vệ ANTQ”. Hội Liên hiệp phụ nữ với mô hình
triển khai kế hoạch vận động hội viên chấp hành tốt các quy định về ANTT, cùng
lực lượng Công an và các đoàn thể giải quyết các mâu thuẫn có liên quan đến phụ
nữ xảy ra ở cơ sở.
Công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến
được các địa phương chú trọng, nhiều mô hình được nhân rộng, duy trì và hoạt
động hiệu quả[12]. Đoàn Thanh niên tại các địa bàn phức
tạp cũng đã phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch về “Phòng ngừa,
ngăn chặn tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh, thiếu niên” gắn với phong trào
“Tuổi trẻ bảo vệ ANTQ”, phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ với công
tác phòng, chống tệ nạn xã hội”. Hội Nông dân triển khai chương trình phối hợp
hành động về “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện Nghị
quyết 09/CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm” gắn với các phong
trào xây dựng “Gia đình nông dân văn hóa, làm kinh tế giỏi” và phong trào “Xây
dựng thôn, khu dân cư văn hóa”...
Các địa phương đã tập trung rà soát, triển khai
thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, cảm hóa giáo dục, cải tạo người phạm
tội, nghiện ma túy, thanh thiếu niên hư hỏng, sau cai nghiện... tại gia đình
cộng đồng dân cư; coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong việc góp phần hạn chế
tái phạm, ngăn ngừa tội phạm. Nhiều địa phương đã xây dựng, duy trì, phát huy hiệu
quả nhiều mô hình và dần đi vào hoạt động ổn định để theo dõi, quản lý, giúp
đỡ, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù, người nghiện sau cai tái
hòa nhập cộng đồng. Đã xuất hiện nhiều mô hình hoạt động hiệu quả trong công
tác này như mô hình “Quản lý giúp đỡ đối tượng tù tha về có hoàn cảnh khó
khăn” (quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ), “Công khai hóa giáo dục những
người có hành vi vi phạm pháp luật” (huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ); “Quỹ
Doanh nhân với an ninh trật tự” (Công an tỉnh Đồng Nai, huyện Nga Sơn, tỉnh
Thanh Hóa)...
Công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm đã
được các địa phương đẩy mạnh, tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền nhưng một số nơi
nội dung tuyên truyền chưa sâu sát, hình thức tuyên truyền chưa đổi mới nhiều,
ít sinh động nên chưa thu hút được quần chúng quan tâm; công tác quản lý thanh,
thiếu niên còn bất cập, chưa có sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành,
nhà trường, gia đình và xã hội nên tình trạng thanh thiếu niên, học sinh vi
phạm pháp luật còn diễn ra khá phổ biến.
3. Công tác điều
tra xử lý tội phạm
Theo báo cáo của 25 địa phương, lực lượng Công an
đã tập trung mở nhiều đợt cao điểm tấn công tội phạm, tập trung vào các loại
tội phạm đang phức tạp là: tội phạm xâm phạm sở hữu, tội phạm cố ý gây thương
tích, gây rối trật tự công cộng, tội phạm chống người thi hành công vụ, tội
phạm ma túy...
Về tội phạm hình sự: đã có những chuyển biến
tích cực, về cơ bản đã được kiềm chế[13], tỷ lệ điều tra,
khám phá được nâng lên, đặc biệt là điều tra khám phá những vụ trọng án. Cơ
quan Công an các cấp đã tập trung đấu tranh với các loại tội phạm có tổ chức,
tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” như: Công an Thanh Hóa triệt xóa 118
băng, ổ nhóm, 578 đối tượng (Băng nhóm Tuấn Thần đèn, Bình Jupiter, Phú
Chéc...); Công an tỉnh Bình Dương triệt xóa 76 băng nhóm, 393 đối tượng (băng
nhóm Phi đen; Hùng rừng; Minh đen...); Công an tỉnh Đồng Nai triệt xóa 40 băng
nhóm, 220 đối tượng, Cần Thơ triệt xóa các băng nhóm (Hiệp sặc lô, Hải quắn,
Hùng lãng tử...); Khánh Hòa triệt xóa 183 băng nhóm, 972 đối tượng; Thừa Thiên
Huế triệt xóa 92 ổ, nhóm, 452 đối tượng...
Về tội phạm kinh tế, tham nhũng, môi trường:
đã có những chuyển biến tích cực, các lực lượng chức năng đã tập trung nhiều
lực lượng để đấu tranh với loại tội phạm này, tại các địa bàn trọng điểm thuộc
các tỉnh, thành phố đã triệt phát hiện gần 1.000 vụ, cụ thể: Cần Thơ (6 địa
bàn) phát hiện 27 vụ, 55 bị can (gây thiệt hại 410 tỷ đồng), An Giang (11 địa
bàn) phát hiện 82 vụ kinh tế, Hà Nội (5 địa bàn) phát hiện 46 vụ, 46 đối tượng;
Sơn La (14 địa bàn) phát hiện 19 vụ 27 đối tượng, Bình Dương (20 địa bàn) phát
hiện 149 vụ kinh tế...
Về tội phạm ma túy: Ban Chỉ đạo 138 các địa
phương đã tập trung chỉ đạo các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy (Sơn La,
Điện Biên, Nghệ An, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...), tiếp tục triển khai quyết liệt
các kế hoạch, biện pháp đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn
trọng điểm; phối hợp với các đơn vị, địa bàn giáp ranh, tập trung đấu tranh,
triệt xóa các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia; ngăn chặn sự
phát triển của các loại tội phạm ma túy tại địa bàn. Qua đó đạt được nhiều kết
quả nổi bật, cụ thể: Công an Sơn La đã phát hiện, xử lý 289 vụ ma túy với 393
đối tượng (tang vật thu giữ: 5,6 kg heroin; 5,4 kg thuốc phiện; 13.731 viên ma
túy tổng hợp; 0,15g ma túy dạng đá); Công an TP. Hồ Chí Minh
thu giữ hơn 2kg heroin; Công an TP. Cần Thơ: 267 vụ, bắt 921 đối tượng (570 đối
tượng sử dụng) vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy;
Công an Hà Nội phát hiện điều tra, khám phá 214 vụ 250 đối tượng, Bình Dương
phát hiện điều tra, khám phá 115 vụ...
Tòa án, Viện kiểm sát, Công an các
cấp đã phối hợp tổ chức nhiều vụ xét xử lưu động nhằm tuyên truyền cho người
dân biết phương thức thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm ngoài ra còn có tác
dụng giáo dục, răn đe các đối tượng không để vi phạm hoặc tái phạm tội (Hải Phòng
tổ chức xét xử lưu động 32 vụ; TP. Hồ Chí Minh 9 vụ 15 đối tượng…).
4. Công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự
Các địa phương đã chủ động chỉ đạo
triển khai đồng bộ các biện pháp, kế hoạch, chuyên đề về quản lý nhân hộ khẩu,
quản lý đối tượng, quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật
tự, tổ chức vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; các biện pháp
công tác nhằm nắm chắc tình hình liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn;
thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng của các
loại tội phạm như: tổ chức tuần tra, kiểm soát địa bàn, gọi hỏi răn đe các đối
tượng hình sự, đưa các đối tượng nghiện đi cai nghiện[14]…
Công an các phường, xã, thị trấn
thuộc địa bàn trọng điểm tập trung kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở, ngành
nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự đồng thời hướng dẫn các chủ cơ
sở cam kết thực hiện tốt các quy định về an ninh trật tự. Tổ chức tuần tra, lập
các điểm chốt chặn phòng, chống tội phạm, phòng ngừa đua xe trái phép, tuần tra
kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông[15].
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Những mặt đã làm được
Qua 01 năm thực hiện đã đạt kết
quả:
1.1. Cấp ủy, chính quyền các cấp
đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy, của
cán bộ đảng viên, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham
gia vào công tác phòng, chống tội phạm.
1.2. Công tác tuyên truyền, giáo
dục phổ biến pháp luật được đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức phong phú,
đa dạng; hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được nâng cao;
tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định
không để xảy ra những diễn biến phức tạp, củng cố niềm tin của nhân dân với
chính quyền cơ sở.
1.3. Lực lượng Công an các đơn vị,
địa phương có địa bàn trọng điểm phát huy tốt vai trò tham mưu, nòng cốt trong
công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm đã tập trung triển khai đồng
bộ các biện pháp nhằm giải quyết các tụ điểm, tuyến phức tạp về an ninh trật
tự, chủ động tổ chức nhiều đợt ra quân tấn công trấn áp các loại tội phạm đạt
được nhiều kết quả đáng khích lệ góp phần kiềm chế sự gia tăng của các loại tội
phạm, giữ vững ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội; công tác đảm bảo trật
tự an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ cũng được thực hiện có hiệu quả.
1.4. Tại 25 tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương đã tập trung chỉ đạo chuyển hóa địa bàn tại 238 xã, phường,
thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, qua thống kê báo cáo của các
địa phương có 175 địa bàn trọng điểm số vụ phạm pháp hình sự, kinh tế, ma túy
giảm, có một số địa bàn tình hình tội phạm giảm mạnh[16]; có
54 địa bàn tình hình tội phạm tăng; 08 địa bàn tình hình tội phạm chưa chuyển
biến; 01 địa bàn chưa có số liệu thống kê (Thị trấn Mỹ Phước, Huyện Bến Cát,
tỉnh Bình Dương).
2. Những tồn tại, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân
2.1. Tồn tại, khó khăn, vướng mắc
- Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy,
chính quyền địa phương một số nơi chưa thật sự mạnh mẽ, kiên quyết. Có địa bàn
còn mang tính hình thức, có thành lập Ban Chỉ đạo, có quy chế làm việc nhưng
chủ yếu là phó mặc cho lực lượng Công an, chưa có sự vào cuộc tích cực của các
ban, ngành, đoàn thể...
- Việc thực hiện chuyển hóa địa
bàn phức tạp về an ninh trật tự ở một số địa bàn còn chậm, chưa đồng bộ, việc
triển khai kế hoạch và các biện pháp công tác chưa sâu, chưa sát với diễn biến
tình hình thực tế ở địa bàn, một số địa bàn còn lúng túng, chưa xác định đúng
những vấn đề phức tạp nổi cộm, những vấn đề mới phát sinh liên quan đến công
tác giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến
giáo dục pháp luật chưa đa dạng, nội dung còn chung chung, mang tính hình thức,
chưa thật sự đi sâu đi sát chưa nêu bật được những gương điển hình tiên tiến...
chưa thực sự phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công
tác phòng, chống tội phạm; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc ở một số nơi
chưa được duy trì thường xuyên; Trình độ nghiệp vụ của các lực lượng chức năng
ở cơ sở còn hạn chế; biên chế cán bộ chuyên trách, kinh phí, trang thiết bị, công
cụ hỗ trợ còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu công tác đặt ra.
- Do thực hiện thí điểm nên việc
xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế hoạt động của các Ban Chỉ đạo chưa chặt
chẽ, có thời điểm bị chồng chéo, thiếu cụ thể; vai trò nòng cốt chủ yếu vẫn là
lực lượng Công an, vai trò của các ban, ngành, đoàn thể chỉ tập trung hoạt động
tuyên truyền, chưa chú trọng kiện toàn đội ngũ chuyên trách làm công tác an
ninh trật tự ở cơ sở theo hướng tăng cường và bổ sung lực lượng dân phòng, bảo
vệ dân phố để đủ sức tuần tra, kiểm soát, duy trì an ninh trật tự tại các địa
bàn đã chuyển hóa.
- Các địa bàn trọng điểm được chọn
để chuyển hóa thường là các địa bàn giáp ranh có nhiều tuyến giao thông liên
huyện, liên tỉnh là điều kiện thuận lợi cho các loại tội phạm hoạt động lưu
động, nên khó khăn cho công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này. Sự
phối hợp giữa các địa bàn trọng điểm phức tạp với các địa bàn giáp ranh chưa
thường xuyên liên tục, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, nhất là trong hoạt động
tuần tra kiểm soát địa bàn.
2.2. Nguyên nhân
- Ý thức, trách nhiệm của một số
ít lãnh đạo và cán bộ chiến sỹ Công an chưa cao, có dấu hiệu tiêu cực, né
tránh, làm ngơ trước phức tạp của tình hình vi phạm pháp luật ở địa phương;
việc lựa chọn địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự ở một số nơi chưa
tập trung nên chưa đạt hiệu quả cao nhất.
- Việc phối hợp tổ chức triển
khai, thực hiện giải quyết địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự giữa
các ngành, đoàn thể tại nhiều địa phương còn chưa đồng bộ; chưa coi trọng đúng
mức công tác tuyên truyền, vận động nên một số cán bộ, đảng viên và quần chúng
nhân dân chưa thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm, chưa thực sự gương mẫu.
Nhiều Ban chỉ đạo cấp huyện còn chưa thực sự chú trọng phân công các ban,
ngành, đoàn thể của huyện tăng cường cho địa bàn trọng điểm, phức tạp, thực
hiện theo đợt, vụ việc, chưa mang tính chất thường xuyên.
- Do tác động của sự suy thoái
kinh tế, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, giải thể dẫn đến hàng loạt người lao
động mất việc làm; sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức xã hội, ý thức kém và
việc coi thường pháp luật của một bộ phận nhân dân, nhất là trong thanh thiếu
niên rất đáng lo ngại.
- Biên chế lực lượng trực tiếp đấu
tranh phòng, chống tội phạm cấp cơ sở ở nhiều địa phương còn thiếu; trang thiết
bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ nhiều nơi đã cũ, lạc hậu chưa đáp ứng yêu cầu
công tác ảnh hưởng đến các hoạt động phòng, chống tội phạm.
- Nguồn kinh phí của Trung ương,
địa phương dành cho công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh
trật tự còn thiếu. Việc hỗ trợ kinh phí giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho các
đối tượng đã được cảm hóa giáo dục còn gặp nhiều khó khăn nên chưa đạt hiệu quả
cao trong công tác phòng ngừa tái phạm tội.
IV. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
THỜI GIAN TỚI
Trong thời gian tới để tiếp tục
thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm một cách có hiệu quả, đề nghị
các địa phương có địa bàn phức tạp về an ninh trật tự tập trung thực hiện những
nội dung sau:
1. Tiếp
tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc chỉ
đạo các ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh phòng,
chống tội phạm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia
thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự.
2. Lực
lượng Công an tiếp tục tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền có địa bàn trọng
điểm phức tạp về an ninh trật tự tiếp tục hướng dẫn và phối hợp với các xã,
phường trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự thực hiện chuyển hóa địa bàn, hỗ
trợ lực lượng, phương tiện và tăng cường các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh
triệt phá tội phạm và tệ nạn xã hội; tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản, quản
lý chặt số đối tượng hình sự, ma túy trên địa bàn; tăng cường công tác lập hồ sơ
đưa người vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, đưa các đối tượng nghiện ma
túy vào trung tâm cai nghiện..., không để xảy ra tình trạng tái phức tạp sau
khi đã tiến hành chuyển hóa.
3. Phát
huy hiệu quả các hình thức tuyên truyền, nhất là các hoạt động tuyên truyền ở
cơ sở xã, phường; Rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình thật sự có hiệu quả ở
địa phương, các xã phường tiếp tục củng cố các lực lượng ở cơ sở, phát huy hiệu
quả các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã.
4. Thường
xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, cần tập trung vào các địa
bàn, đối tượng trọng điểm, kết hợp giữa phòng ngừa với tấn công trấn áp tội
phạm, qua đó tập trung rà soát, bóc gỡ các đường dây tội phạm, các băng ổ, nhóm
hoạt động lưu động liên tuyến, liên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ
án, nhất là các vụ án trọng điểm, các vụ án gây bức xúc trong dư luận; tăng
cường xét xử lưu động các vụ án tại địa bàn phục vụ công tác tuyên truyền, răn
đe, phòng ngừa tội phạm; nắm chắc tình hình địa bàn, kịp thời, chủ động đảm bảo
an ninh trật tự không để đột xuất, bất ngờ xảy ra.
5.
Tổ chức công tác kiểm tra hành chính cơ sở kinh doanh các ngành nghề có điều
kiện về an ninh trật tự, nhất là khách sạn, nhà trọ, phòng cho thuê, tiệm cầm
đồ, vũ trường, quán bar, karaoke, mát xa... để chủ động phát hiện tội phạm,
ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. Vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật
liệu nổ. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát hành chính, phát huy hiệu quả hoạt
động của bảo vệ dân phố, dân phòng, các đội tuần tra nhân dân, phối hợp chặt
chẽ giữa các lực lượng trong công tác tuần tra tại các khu vực trọng điểm, phức
tạp, địa bàn giáp ranh. Tiếp tục tăng cường lực lượng công an chính quy phối
hợp với Công an tại các xã, phường, khu vực trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả
công tác phòng, chống tội phạm.
6. Hướng
dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện tại các địa bàn trọng điểm; tổ
chức kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và
phương hướng khắc phục để địa phương rút kinh nghiệm kịp thời động viên, khen
thưởng những tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này.
7.
Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ
chức xây dựng kế hoạch của Ban Chỉ đạo 138/CP thực hiện công tác chuyển hóa địa
bàn trọng điểm về trật tự an toàn xã hội, trong đó xác định rõ các mục tiêu,
tiêu chí xác định địa bàn, các bước chuyển hóa, trách nhiệm lực lượng Công an,
các cấp các ngành tham gia, kinh phí đảm bảo... để tập trung thực hiện thống
nhất, hiệu quả, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống
tội phạm.
Nơi nhận:
- Đ/c Lê Quý Vương, Thứ trưởng BCA (để
b/cáo);
- Đ/c Phan Văn Vĩnh, TCT TC VI (để b/cáo);
- Thành viên BCĐ 138/BCA;
- UBND, đ/c Giám đốc CA các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải
Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên,
Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Gia Lai,
Đắc Lắc, Khánh Hòa, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, An
Giang, Kiên Giang;
- Lưu: VT, C41 (C56).
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Trung tướng Đỗ Kim Tuyến
|