VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 414/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 12 năm 2016
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH HÒA
BÌNH
Ngày 19 tháng 11 năm 2016 tại thành phố Hòa Bình,
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình về
tình hình kinh tế - xã hội và một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh. Cùng dự với
Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc
phòng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng và Văn
phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình; ý kiến của đại
diện các bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương sự nỗ
lực phấn đấu, kết quả đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực của Đảng bộ,
chính quyền, nhân dân tỉnh Hòa Bình trong thời gian qua. Trong điều kiện khó
khăn chung, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nhân dân đã đồng thuận,
quyết tâm, có nhiều giải pháp phát huy được tiềm năng lợi thế, đạt nhiều kết quả
trong phát triển kinh tế - xã hội: 10 tháng năm 2016 tăng trưởng kinh tế ước
6,92%, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 9,41%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và
doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,14 %; xuất khẩu tăng 42,15%; thu ngân sách
địa phương đạt 7.351 tỷ đồng, bằng 98% kế hoạch. Khách du lịch đạt 1,5 triệu lượt,
trong đó, khách quốc tế 115 nghìn lượt. Các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu
tư có số lượng tăng gấp đôi và tổng vốn đăng ký tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ
năm trước; đời sống nhân dân có bước cải thiện; chương trình nông thôn mới được
triển khai khá tốt và số xã đạt chuẩn khá so với vùng. Tỉnh đã hình thành được
một số vùng chuyên canh nông nghiệp cho vùng Thủ đô và vùng lân cận (bưởi, cam,
mía tím, cá lồng...). 100% xã phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục các cấp.
Thực hiện tốt chính sách dân tộc; mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm,
đặc biệt tội phạm ma túy.
Tuy nhiên, Hòa Bình vẫn còn là tỉnh nghèo, đời sống
của nhân dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Kết cấu hạ tầng kinh tế
- xã hội thiếu và lạc hậu, đặc biệt là hạ tầng giao thông; chỉ số cạnh tranh
còn thấp, thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh; thời
gian lưu trú và mức chi tiêu của khách du lịch thấp; nguồn nhân lực ngành y tế
thiếu về số lượng và còn yếu về chất lượng (chỉ có khoảng 25% số xã đạt chuẩn
quốc gia về y tế); tỷ lệ hộ nghèo 12% (24,38% trong vùng dân tộc thiểu số), cao
so với mức bình quân chung của vùng và của cả nước; tệ nạn ma túy, nhất là tội
phạm buôn bán, vận chuyển ma túy còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, tác động xấu
đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI
GIAN TỚI
Cơ bản đồng ý với báo cáo của Tỉnh và ý kiến đóng
góp của lãnh đạo các bộ, ngành; nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ,
giải pháp đã nêu trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Nghị quyết
Đại hội đảng bộ tỉnh, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra.
2. Tỉnh cần đổi mới tư duy phát triển và tư duy quản
lý, có giải pháp đột phá để phát huy lợi thế (vị trí địa kinh tế, truyền thống
văn hóa đặc sắc đa dạng, tiểu khí hậu, tài nguyên...) phát triển kinh tế - xã hội;
tái cơ cấu nền kinh tế phù hợp với nền kinh tế thị trường; rà soát, hoàn thiện
quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh; tăng
cường liên kết vùng đối với một số lĩnh vực, ngành hàng và triển khai cho vay
theo chuỗi liên kết; xây dựng Tỉnh thành một địa bàn cung ứng các sản phẩm nông
nghiệp sạch và dịch vụ du lịch đa dạng cho vùng Thủ đô.
3. Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng
cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ
khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hỗ trợ và phát triển
doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ; khuyến
khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, huy động và phát huy mọi nguồn lực phục vụ
phát triển kinh tế xã hội. Phấn đấu đạt 5.000 doanh nghiệp đến năm 2020. Tăng
cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư, xuất khẩu hàng hóa với các
nước.
4. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; nhất
là hạ tầng giao thông. Bộ Giao thông vận tải quan tâm tiếp tục đầu tư, nâng cấp
các quốc lộ, kết nối các tỉnh trong vùng với nhau. Tỉnh cần có các giải pháp kịp
thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là với các công trình trọng điểm.
5. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng
nông thôn mới; lựa chọn, nhân rộng mô hình phát triển các sản phẩm nông nghiệp
sạch, đặc sản công nghệ cao (mía tím, cam, bưởi, gấc, dưa hấu, bí xanh, su su,
tỏi tía, rau an toàn, dược liệu); phát triển chăn nuôi đại gia súc, thủy sản; đẩy
mạnh ứng dụng công nghệ sinh học.
6. Phát huy tiềm năng để phát triển du lịch: Quy hoạch
tổng thể các điểm, loại hình, sản phẩm, tuyến du lịch phù hợp với tiềm năng và
lợi thế so sánh, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa gắn với bảo tồn,
phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, tăng cường
liên kết với các tỉnh trong vùng và các trung tâm du lịch lớn của cả nước; đặc
biệt chú ý kiện toàn bộ máy quản lý và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Phấn
đấu năm 2020 đạt 5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 1 triệu lượt khách quốc
tế.
7. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền
vững theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016 - 2020. Phấn
đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm ít nhất 2% so với mức bình quân 1 - 1,5% của cả nước và
4% đối với huyện nghèo. Thực hiện tốt Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính
sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và
hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền
vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
8. Về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội:
Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình
hình mới, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; phối hợp chặt chẽ giữa các lực
lượng Quân đội, Công an, xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh; tăng
cường xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường đấu
tranh và tổ chức thực hiện có hiệu quả các đợt tấn công trấn áp tội phạm, đặc
biệt là tội phạm ma túy.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về việc rà soát, bãi bỏ các văn bản cá biệt ưu
đãi doanh nghiệp Nhà nước: Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc
phòng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan rà soát các
văn bản liên quan, đề xuất cơ chế phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho địa phương,
báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Về chủ trương xây dựng thêm nhà máy thủy điện
cách đập thủy điện Nhà máy thủy điện Hòa Bình khoảng 800 m: Bộ Kế hoạch và Đầu
tư khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số
8670/VPCP-KTN ngày 12 tháng 10 năm 2016.
3. Về thuế giá trị gia tăng của các công ty thủy điện:
Giao Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án hướng dẫn các công ty thủy điện hạch
toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và hạch toán phụ thuộc GENCO phù hợp
với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế
tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.
4. Về việc cấp bổ sung vốn điều lệ Quỹ bảo lãnh tín
dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa từ số tiền thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp:
Giao Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
5. Về vốn thực hiện Dự án ổn định dân cư, phát triển
kinh tế - xã hội vùng hồ sông Đà giai đoạn 2009 - 2020 (hiện còn thiếu 1.480 tỷ
đồng): Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ
phương án xử lý cụ thể.
6. Về việc lập dự án đầu tư vùng CT229: Đồng ý về
chủ trương, Tỉnh lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
7. Đồng ý về nguyên tắc việc bổ sung quy hoạch sân
golf 36 lỗ tại xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn vào Quy hoạch sân golf Việt Nam đến
năm 2020; Tỉnh khẩn trương bổ sung hồ sơ dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định,
báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
8. Về Dự án nhà máy xi măng Xuân Thiện Hòa Bình tại
huyện Lạc Thủy và nâng công suất nhà máy xi măng Trung Sơn tại huyện Lương Sơn:
Bộ Xây dựng xem xét, tính hiệu quả, tính toán cân đối cung cầu xi măng chung cả
nước, đảm bảo các yếu tố về môi trường và phát triển du lịch sinh thái, sớm báo
cáo Thủ tướng Chính phủ.
9. Về sử dụng vốn kết dư từ dự án đường Hồ Chí Minh
giai đoạn 1 để tiếp tục thực hiện dự án hoàn trả quốc lộ 21 sử dụng làm đường
công vụ, vận chuyển vật tư phục vụ thi công đường Hồ Chí Minh nay đã xuống cấp:
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận, Bộ Tài
chính rà soát theo đúng tiêu chí quy định về sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ của
dự án đường Hồ Chí Minh, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
10. Về hỗ trợ vốn cho các dự án: Đường Hòa Lạc -
thành phố Hòa Bình; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435; đê ngăn lũ kết hợp đường
giao thông Thị trấn Kỳ Sơn - Pheo Chẹ (đường 445); đường tỉnh 433; cải tạo nâng
cấp đường 436; hồ Cánh Tạng: Tỉnh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông
nghiệp và phát triển nông thôn rà soát các dự án để bố trí trong kế hoạch đầu
tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, số vốn đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư
thông báo cho địa phương.
Về vốn đối ứng của Dự án Mở rộng Bệnh viện Đa khoa
tỉnh Hòa Bình sử dụng vốn tài trợ của Quỹ phát triển Ả-rập Xê-Út: Tỉnh phối hợp
với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí trong số vốn đối ứng ODA của kế hoạch đầu tư
công trung hạn 2016 - 2020.
11. Về việc cho phép Công ty Thủy điện Hòa Bình thực
hiện hạch toán độc lập để kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp đầy đủ tại Hòa
Bình: Tỉnh thực hiện theo quy định hiện hành.
12. Về việc nộp tiền dịch vụ môi trường rừng của
Công ty Thủy điện Hòa Bình về Quỹ bảo vệ và phát triển môi trường rừng của Tỉnh:
Thực hiện theo quy định; giao Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam điều phối
tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho tỉnh Hòa Bình tương xứng phần đóng góp
sinh thủy và tích thủy của Tỉnh cho hoạt động của Công ty. Giao Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính nghiên cứu có cơ chế phù hợp cho tỉnh Hòa
Bình.
13. Về việc đầu tư xây dựng Bảo tàng Hòa Bình: Đề
nghị Tỉnh tập trung thực hiện việc sưu tầm hiện vật và xây dựng bộ sưu tập phản
ánh đặc trưng lịch sử, văn hóa của địa phương; lập dự án và kêu gọi các nguồn lực
xã hội hóa đầu tư.
14. Về Dự án xử lý cấp bách chống hạn kè chống sạt
lở, nạo vét khơi thông dòng chảy dòng sông Bôi tỉnh Hòa Bình: Đồng ý hỗ trợ 350
tỷ đồng (giai đoạn 1) từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để thực hiện; giao
Bộ Tài chính xử lý cụ thể theo quy định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân
tỉnh Hòa Bình thực hiện theo đúng quy định của Luật đầu tư công.
15. Về việc hỗ trợ vốn để thực hiện Dự án Kè chống
sạt lở, chỉnh trị dòng chảy, nạo vét gia cố bờ sông Bùi, đoạn qua thị trấn
Lương Sơn: Tỉnh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp dự án
trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để báo cáo Ủy ban
thường vụ Quốc hội theo quy định tại Nghị quyết số 26/2016/QH14.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Tỉnh ủy, Ủy ban
nhân dân tỉnh Hòa Bình và các bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn,Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường,
Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: CN, NN, KTTH, TKBT,
NC, KGVX, TH;
- Lưu: VT, QHĐP (3) Th.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Văn Tùng
|