VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 397/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 22
tháng 8 năm 2024
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC XÂY DỰNG LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG (SỬA ĐỔI) VÀ
LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT QUY HOẠCH, LUẬT ĐẦU TƯ, LUẬT ĐẦU TƯ
THEO PHƯƠNG THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ, LUẬT ĐẤU THẦU
Ngày 14 tháng 8 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về việc
xây dựng Luật đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu
thầu.
Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Trần Hồng
Hà, Trần Lưu Quang và lãnh đạo các bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng,
Công an, Tư pháp, Y tế, Ngoại giao, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường,
Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại
doanh nghiệp và Văn phòng Chính phủ. Trên cơ sở báo cáo của lãnh đạo Bộ Kế hoạch
và Đầu tư và ý kiến của lãnh đạo các bộ, cơ quan tại cuộc họp, Thường trực
Chính phủ kết luận như sau:
1. Về việc xây dựng Luật đầu tư
công (sửa đổi):
Thường trực Chính phủ đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch
và Đầu tư đã khẩn trương tổ chức nghiên cứu xây dựng Luật ngay sau khi có ý kiến
chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2024. Việc
nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật đã bảo đảm đầy đủ về cơ sở chính trị, pháp lý,
phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng, yêu cầu của Quốc hội về việc hoàn
thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đầu tư và đặc biệt là bám sát các nội
dung tổng kết, đánh giá khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn như: phân định trách
nhiệm còn bất cập; quy trình, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, chi phí
tuân thủ còn cao, huy động nguồn lực xã hội còn hạn chế...
Cơ bản đồng ý với các nhóm chính sách được đề xuất,
đặc biệt một số nội dung cụ thể như: sửa đổi cơ chế thúc đẩy thực hiện và giải
ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; nâng quy mô
vốn của dự án quan trọng quốc gia lên 30 nghìn tỷ đồng; nâng cao chất lượng chuẩn
bị đầu tư dự án; xác định Danh mục dự án Chính phủ báo cáo Quốc hội để ban hành
kế hoạch đầu tư công trung hạn là danh mục dự kiến... Giao Bộ Kế hoạch và Đầu
tư tiếp thu ý kiến tại cuộc họp, chuẩn bị hồ sơ dự án Luật, trong đó lưu ý bảo
đảm một số yêu cầu sau:
- Nội dung chính sách cần xác định có trọng tâm, trọng
điểm, tránh dàn trải; các quy định của mỗi chính sách cần được rà soát để bảo đảm
sự thống nhất với các quy định pháp luật liên quan, phù hợp các cam kết quốc tế
mà Việt Nam là thành viên. Trường hợp khác nhưng thực tiễn đòi hỏi phải sửa thì
đề nghị áp dụng luật mới này.
- Việc sửa đổi Luật kiên quyết xóa bỏ môi trường,
cơ chế xin - cho; không đầu tư dàn trải, huy động hiệu quả nguồn lực của các
thành phần kinh tế khác; phát huy vai trò các dự án đầu tư công, nguồn vốn hỗ
trợ từ Trung ương nhằm thúc đẩy sự kết nối, phát triển kinh tế, xã hội giữa các
vùng, tỉnh, quốc gia cũng như các nước trong khu vực và thế giới; cắt giảm tối
đa thủ tục hành chính, không để người dân, doanh nghiệp phải chạy vạy, xin -
cho.
- Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, rà soát để xác định
những nội dung gì đã rõ, đã thực hiện có hiệu quả, thực tế chứng minh là đúng,
đa số đồng tình thì đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật theo hướng vừa làm vừa mở rộng
dần không cầu toàn, nóng vội. Việc phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đầu tư
công cần được phân cấp mạnh, quy định rõ, khả thi trên cơ sở gắn với việc phân
bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của từng cấp; nghiên cứu, thiết kế các
cơ chế, công cụ đánh giá hiệu quả công việc cũng như giám sát, kiểm tra, đôn đốc
để thực hiện, đồng thời có cơ chế khen thưởng, kỷ luật kịp thời, phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật trong việc thực hiện đầu tư.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan
liên quan của Quốc hội để đánh giá, rà soát, lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức
liên quan, địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân. Chú trọng công
tác truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận, đặc biệt là về cắt giảm thủ tục
hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ,
tăng cường phân cấp, phân quyền. Các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương đóng góp
ý kiến bằng văn bản bảo đảm tập trung, ngắn gọn, rõ ràng, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu
tư trước ngày 19 tháng 8 năm 2024.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tiếp thu, giải
trình đầy đủ kết luận của Thường trực Chính phủ và ý kiến của các Bộ, cơ quan,
tổ chức liên quan, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng
quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chậm nhất ngày 20 tháng
8 năm 2024 gửi Bộ Tư pháp để thẩm định; trình Chính phủ xem xét tại Phiên họp
chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024 để trình Quốc hội xem xét và
thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình 01 kỳ họp.
Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định, gửi báo cáo thẩm định
đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm nhất ngày 22 tháng 8 năm 2024.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo việc xây dựng
Luật này.
2. Về việc xây dựng Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức
đối tác công tư, Luật Đấu thầu:
Thường trực Chính phủ đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu
tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện rà soát, đề xuất
phương án sửa đổi, bổ sung các Luật: Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư theo phương thức
đối tác công tư, Đấu thầu và thống nhất cần khẩn trương xây dựng dự án Luật này
nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc có tính cấp bách, tạo điều kiện thuận lợi
cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân
quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin - cho, chống
phiền hà, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp và tăng cường kiểm tra, giám sát để
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh.
Thường trực Chính phủ cơ bản thống nhất đề xuất của
Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung tại các Luật:
Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhất là Luật Đấu thầu
bảo đảm thực chất, không hình thức. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến
tại cuộc họp, chuẩn bị hồ sơ dự án Luật, trong đó lưu ý bảo đảm một số yêu cầu
sau:
- Rà soát kỹ các kiến nghị của bộ, ngành, địa
phương về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các Luật: Quy hoạch,
Đầu tư, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Đấu thầu; xác định đúng những
nội dung có tính cấp bách cần ưu tiên sửa đổi ngay của từng Luật để góp phần ổn
định kinh tế vĩ mô, khơi thông mọi nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng, những nội
dung còn ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành, địa phương giao Phó Thủ tướng Lê
Thành Long họp xử lý, không để ách tắc, các bộ, ngành không “ôm việc”, phải
phân cấp tối đa, giải phóng nguồn lực, tạo tính linh hoạt, tự chủ, tự chịu
trách nhiệm... Ngoài các Luật nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp
với các bộ, cơ quan có liên quan rà soát, đánh giá các quy định vướng mắc, bất
cập của Luật Doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có
liên quan đến quy hoạch, Luật Xây dựng..., cần đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay
trong dự án Luật này.
- Đẩy mạnh hoạt động truyền thông đối với những nội
dung sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, nhất là những nội dung khó, nhạy cảm, tác
động lớn đến xã hội và hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân,
doanh nghiệp hoặc còn ý kiến khác nhau để tạo sự đồng thuận trong xã hội; tăng
cường tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội, doanh nghiệp, người
dân và các đối tượng chịu sự tác động trong quá trình xây dựng dự án Luật.
- Về việc tiếp tục thực hiện dự án Xây dựng - Chuyển
giao (BT): Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát quy định về cơ chế BT (thanh toán bằng
tiền và bằng quỹ đất) tại Luật Thủ đô năm 2024, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của
Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí
Minh, Nghị quyết số 137/2024/QH15 của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế,
chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; làm rõ những bất cập của việc thực
hiện loại hợp đồng này trong thời gian qua để nghiên cứu, đề xuất phương án sửa
đổi, hoàn thiện cơ chế này trong dự án Luật. Nội dung sửa đổi, bổ sung liên
quan đến việc thực hiện dự án BT phải được đánh giá kỹ, bảo đảm quy định chặt
chẽ, khả thi, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
- Về việc xử lý khó khăn, vướng mắc đối với các dự
án BOT, BT: Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, xác định đầy đủ các trường
hợp cần có quy định chuyển tiếp liên quan đến dự án BOT, BT trên cơ sở bám sát
chỉ đạo của Bộ Chính trị về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự
án, đất đai tại một số tỉnh, thành phố; bảo đảm việc áp dụng Luật được thống nhất,
không phát sinh nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan và không tạo khoảng trống
pháp lý trong áp dụng pháp luật về đầu tư.
- Về đề xuất bổ sung quy định lựa chọn nhà thầu
trong một số trường hợp đặc biệt: Thực tế điều này là cần thiết; Bộ Kế hoạch và
Đầu tư tổng hợp khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương, đánh giá kỹ sự cần
thiết, tác động của việc bổ sung các trường hợp được áp dụng hình thức lựa chọn
nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng,
minh bạch, không làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong quá trình lựa chọn
nhà thầu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ,
cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của Thường trực Chính phủ,
ý kiến của Thành viên Chính phủ, ý kiến các đại biểu dự họp; khẩn trương hoàn
thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật; chậm nhất ngày 20 tháng 8 năm 2024 gửi Bộ Tư pháp để thẩm định;
trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật tại Phiên họp chuyên đề xây dựng
pháp luật tháng 8 năm 2024 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ
sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình
Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét, thông qua tại Kỳ
họp thứ 8 theo quy trình 01 kỳ họp.
Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định, gửi báo cáo thẩm định
đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm nhất ngày 22 tháng 8 năm 2024.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo việc xây dựng
Luật này.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan biết,
thực hiện./
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP (để
báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý, Thư ký TTg, các PTTg; các Vụ, Cục: TH, KTTH,
CN, NN, KSTT;
- Lưu: VT, PL (3b).
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Cao Huy
|