VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
*****
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******
|
Số: 275/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2007
|
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI
NGHỊ TRIỂN KHAI CÁC QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ DỰ ÁN TRỒNG MỚI 5 TRIỆU
HA RỪNG
Ngày 15 tháng 12 năm 2007, tại Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì hội
nghị triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Dự án trồng mới 5 triệu
ha rừng; cùng Dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Cao Đức Phát và đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an; Ủy ban
Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Văn phòng Trung ương Đảng, Văn
phòng Chính phủ, Ủy ban dân tộc và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí
Minh.
Tham dự hội nghị có đại diện
lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi
cục Lâm nghiệp và Chi cục Kiểm lâm của 61 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến của các Bộ, ngành, lãnh đạo Ủy ban
nhân dân các tỉnh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến kết luận như sau:
Năm 2007 là năm đầu tiên thực hiện
Nghị quyết số 73/2006/QH11 của Quốc hội khóa XI về việc điều chỉnh chỉ tiêu,
nhiệm vụ của Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trong giai đoạn 2006-2010, công
tác bảo vệ rừng đã có nhiều tiến bộ; cả nước đã giao khoán bảo vệ 2,1 triệu ha
rừng, vượt 630.000 ha, đạt 142,8% kế hoạch năm 2007; nhiều địa phương đã huy động
thêm vốn để tăng diện tích giao khoán rừng. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh được
736.000 ha, đạt 113% so với kế hoạch.
Về trồng rừng mới, cả năm thực
hiện khoảng 197.000 ha, đạt 97% kế hoạch, trong đó trồng rừng sản xuất đạt khoảng
158.000 ha, đạt 105% kế hoạch. Nhiều địa phương đã huy động được các thành phần
kinh tế tham gia trồng rừng sản xuất. Trong tổng số 158.000 ha rừng sản xuất đã
trồng có 65.000 ha được hỗ trợ từ vốn ngân sách Dự án 661, còn lại 93.000 ha là
vốn của các doanh nghiệp hoặc của hộ gia đình và cá nhân đầu tư trồng rừng. Điều
đó chứng tỏ rằng khi có cơ chế phù hợp thì sẽ thu hút ngày càng nhiều các doanh
nghiệp, hộ gia đình và cá nhân đầu tư phát triển rừng.
Công tác giống, nghiên cứu khoa
học và khuyến lâm đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm; đã xây dựng được
quy chế quản lý giống, cải thiện giống cây trồng nhằm cung cấp các loại giống
cây có năng suất, chất lượng cao, áp dụng các kỹ thuật công nghệ tiến bộ về
phát triển rừng, trồng rừng thâm canh.
Tuy nhiên, trong quá trình thực
hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng, nhiều địa phương vẫn còn để diễn ra
tình trạng cháy rừng, khai thác rừng trái phép, phát rừng làm nương rẫy; việc
trồng rừng phòng hộ không đạt chỉ tiêu đề ra; tình trạng giải ngân vốn còn chậm.
Công tác giao, khoán rừng cho hộ
gia đình và cá nhân trên thực tế chủ yếu mới chỉ thực hiện ngắn hạn theo hợp đồng
khoán hàng năm. Vì vậy, người lao động vẫn chưa thật làm chủ rừng, chưa quan
tâm đến thành quả bảo vệ rừng, thậm chí có nơi rừng khoán vẫn bị khai thác, chặt
phá, vi phạm các quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.
Để thực hiện nghiêm túc Nghị quyết
của Quốc hội và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cần tổ chức triển khai
các nội dung sau:
1. Khẩn trương
kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc rà soát quy hoạch 3 loại rừng theo Chỉ thị số
38/2005/CT-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2005, rà soát Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực
hiện nghiêm túc các nội dung công việc sau:
a) Rà soát quy hoạch lại 3 loại
rừng của các tỉnh theo đúng tình thần Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Phải quy
hoạch, quản lý bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện còn, vì trên
thực tế diện tích rừng tự nhiên của nước ta còn rất ít, khả năng phòng hộ của rừng
rất thấp. Nguy cơ do thiên tai gây nên ngày càng nghiêm trọng nếu chúng ta
không quản lý bảo vệ rừng tốt hơn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà
soát quy hoạch lại 3 loại rừng trên địa bàn từng tỉnh là để nắm chắc diện tích
mỗi loại rừng hiện có. Đối với những diện tích rừng tự nhiên (giàu, trung bình)
còn lại, là kho tài nguyên quý báu đồng thời có chức năng phòng hộ, bảo vệ môi
trường, bảo tồn sự đa dạng sinh học để sử dụng phục vụ tốt nhất cho việc phát
triển kinh tế đất nước.
Vì vậy, những diện tích rừng
phòng hộ, rừng đặc dụng sau quy hoạch lại, nếu chuyển thành rừng sản xuất cũng
phải đưa vào quy hoạch bảo vệ thành rừng dự trữ quốc gia, k hông được quy hoạch
khai thác. Nếu để xảy ra khai thác chặt phá trên diện tích rừng loại này thì sẽ
làm cho khả năng phòng hộ của rừng ngày càng giảm đi đồng nghĩa với thiên tai
lũ lụt ngày càng nghiêm trọng hơn, đó là nghịch lý không thể chấp nhận được.
b) Phối hợp với các Bộ, ngành chỉ
đạo các địa phương kiểm tra lại kết quả rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng. Phải
tiến hành kiểm tra mẫu ở một số rừng trọng điểm làm cân đối chứng để xác định
sai số chênh lệch, làm thước đo kiểm tra độ chính xác của công tác rà soát quy
hoạch lại rừng trên bản đồ và trên thực địa; lập kế hoạch cắm mốc ngoài thực địa
theo đúng tinh thần chỉ thị số 38/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ đó tổng
hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
c) Chủ trì phối hợp với Bộ Tài
nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn tiêu chí
phân loại rừng và đất lâm nghiệp, xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ ban
hành Quy trình giao rừng, khoán rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê
đất lâm nghiệp ổn định lâu dài cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để thực hiện
việc bảo vệ và phát rừng có hiệu quả thiết thực, làm căn cứ để tiến tới thực hiện
chính sách phí chi trả dịch vụ môi trường rừng.
2. Đối với các
dự án trọng điểm.
Trên cơ sở Chương trình dự án trồng
mới 5 triệu ha rừng được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 100/2007/QĐ-TTg
ngày 6 tháng 7 năm 2007 và Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm
2007 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì,
phối hợp với các Bộ, ngành xem xét, quyết định, phê duyệt các dự án vùng: Dự án
đầu tư và bảo vệ, khôi phục rừng phòng hộ Sông Đà, Dự án khôi phục và phát triển
rừng Tây Bắc, Dự án thí điểm bảo vệ rừng 21 xã biên giới tỉnh Lai Châu; Dự án
khôi phục và phát triển rừng Tây Nguyên và hướng dẫn các địa phương chỉ đạo các
tỉnh trọng điểm về lâm nghiệp, tập trung chỉ đạo thực hiện, bảo đảm hiệu
quả các dự án đầu tư.
- Bộ Quốc phòng khẩn trương phối
hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan và các
địa phương có đất trống, đồi núi trọc vành đai biên giới, biển đảo, xây dựng bảo
vệ Dự án vệ sinh và phát triển rừng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Về công tác
giống, nghiên cứu khoa học và khuyến lâm.
Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp
với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan có cơ chế
chính sách nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật,
công tác khuyến lâm, quản lý giống, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện
thuận lợi khuyến khích nông dân và các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng sản xuất.
4. Về tổ chức,
chỉ đạo điều hành.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi
Bộ, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh triển khai thực hiện cụ thể các chủ
trương chính sách đã ban hành tại các Quyết định số 100/2007/QĐ-TTg và
147/2007/QĐ-TTg , nhất là chính sách hỗ trợ đồng bào nghèo trồng rừng thay thế
nương rẫy, cải tạo rừng nghèo kiệt, quản lý và khai thác rừng bền vững.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính thành lập
đoàn công tác đi các tỉnh trọng điểm kiểm tra và giúp Ủy ban nhân dân các tỉnh
tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai và giải ngân Dự án. Các Bộ cần
tổ chức giao lưu trực tuyến thường xuyên với các tỉnh để tháo gỡ những khó
khăn, vướng mắc khi triển khai Dự án.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo,
tăng cường sự phối hợp chặt chẽ các lực lượng trong công tác bảo vệ rừng, ngăn
chặn, xử lý nghiêm minh những hành vi xâm hại rừng. Tổ chức lực lượng kiểm lâm
gắn với các cấp ủy, chính quyền địa phương; sắp xếp đổi mới hệ thống Lâm trường
quốc doanh; thường xuyên kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện hoàn
thành kế hoạch dự án cơ sở, đảm bảo chất lượng, chống thất thoát, lãng phí.
5. Về vốn đầu
tư cho Dự án.
- Năm 2008, các tỉnh căn cứ vào
nhiệm vụ kế hoạch Chính phủ giao, triển khai ngay kế hoạch nhằm đảm bảo
hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của dự án đề ra. Các tỉnh cần nghiêm túc thực hiện
và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về Kế hoạch Trung ương giao để không làm giảm
chỉ tiêu chung của toàn Dự án và ảnh hưởng đến mục tiêu đến năm 2010 theo Nghị
quyết số 73/2006/QH11 của Quốc hội.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính căn cứ vào nhiệm vụ Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, đảm bảo đủ vốn 2008
và các năm tiếp theo và khẩn trương giao kế hoạch ổn định trong các năm tiếp
theo để các tỉnh chủ động trong việc thực hiện dự án đến năm 2010.
- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính xem
xét thực hiện điều chuyển vốn từ các địa phương không thực hiện hết vốn kế hoạch
đầu tư của dự án trồng mới 5 triệu ha rừng hàng năm sang các địa phương thực hiện
tốt và thiếu vốn. Việc cân đối, điều chuyển vốn giữa các địa phương phải phù hợp
với quy định của Luật Ngân sách và các quy định hiện hành của Nhà nước.
Văn phòng Chính phủ xin thông
báo để các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg CP;
- Các Bộ: NN&PTNT, Kế hoạch &ĐT,
Tài chính, TN&Môi trường, Khoa học &CN, CA, QP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Các Sở NN-PTNT;
- Ủy ban Dân tộc;
- Ủy ban KHCNMT QH;
- VPTW Đảng;
- TW Đoàn TNCSHCM;
- Ngân hàng NNVN;
- Kho bạc NNTW;
- TCTLN, TCT Giấy;
- Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website CP,
các Vụ: TH, KTTH, ĐP;
- Lưu: VT, NN (4).Phú 270
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Văn Trọng Lý
|