VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
249/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 08
năm 2016
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI HỘI NGHỊ RÚT KINH NGHIỆM
BÃO SỐ 1, SỐ 2 NĂM 2016
Ngày 08 tháng 8 năm 2016, tại trụ sở
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình
Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã dự, chỉ đạo Hội nghị rút
kinh nghiệm về công tác ứng phó với bão số 1, số 2 năm 2016 của Ban Chỉ đạo
Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các đồng
chí thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân 15 tỉnh, thành phố phía Bắc. Sau khi nghe
báo cáo tổng hợp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, báo cáo về
công tác dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn
Trung ương, ý kiến của các ngành, địa phương, Phó Thủ tướng đã kết luận và chỉ
đạo như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ CÔNG TÁC ỨNG
PHÓ:
1. Những mặt đã làm được:
- Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn
đã rất tích cực, có nhiều cố gắng trong điều kiện nhân lực, trang thiết bị còn
hạn chế để tổ chức theo dõi chặt chẽ, liên tục cập nhật, kịp thời phát các bản
tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, theo đúng quy định tại Quyết
định 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, phục vụ tốt
công tác chỉ đạo ứng phó của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn,...
- Công tác chỉ đạo,
ứng phó với bão đã được triển khai quyết liệt, kịp thời từ trung ương tới cơ
sở. Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống
thiên tai - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã kịp thời có các công điện chỉ đạo
các địa phương và các Bộ, ngành triển khai ứng phó và khắc phục hậu quả sau
bão, mưa lũ. Các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực, nghiêm túc triển khai thực
hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung
ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, kêu gọi, hướng
dẫn tàu, thuyền trú tránh, neo đậu, thực hiện cấm biển, tổ
chức sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, tiêu nước đệm đề phòng ngập
úng,... Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ
trung ương tới địa phương, triển khai thực hiện nghiêm túc của các Bộ, ngành, địa
phương và chủ động của nhân dân, nhất là ngư dân hoạt động trên biển nên thiệt
hại do thiên tai đã được giảm thiểu (không để xảy ra thiệt
hại về người trên biển).
- Công tác khắc phục hậu quả sau bão
đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai kịp thời, tập trung khắc phục sự cố
lưới điện đảm bảo cấp điện bơm tiêu úng cứu lúa, phục hồi diện tích lúa bị ngập
úng và bảo đảm giao thông.
2. Những hạn chế, yếu kém:
a) Mặc dù đã chỉ đạo quyết liệt, ứng
phó tích cực, góp phần hạn chế thiệt hại về người, nhưng với diễn biến phức tạp,
bất thường, thiệt hại do bão số 1 và số 2 vẫn rất nghiêm trọng (bão số 1 đã làm
07 người chết và mất tích, 63 người bị thương; gần 3.000 ngôi nhà bị đổ sập,
trên 80.000 nhà tốc mái, hư hại; trên 1.300 tàu thuyền bị chìm đắm hư hỏng; trên 200.000 ha lúa bị ngập úng, gần 30.000 ha rau màu bị
hư hại; trên 200.000 cây xanh, 31.000 cột điện bị đổ, gãy. Bão số 2 không đổ
bộ trực tiếp vào nước ta, nhưng hoàn lưu bão gây mưa lớn cục bộ,
lũ quét làm 13 người chết và mất tích, 19 người bị thương, 58 ngôi nhà bị đổ sập
cuốn trôi, trên 10.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại).
b) Công tác chỉ đạo,
ứng phó vẫn còn có những hạn chế, bất cập cần nghiêm túc
rút kinh nghiệm, tập trung khắc phục trong thời gian tới:
- Công tác chỉ đạo, ứng phó đã quyết
liệt, nhưng vẫn còn những nơi bị động, lúng túng để tình huống bất ngờ xảy ra. Sự chủ động ứng phó với bão của một số địa phương chưa thật sự
cao, vẫn chờ chỉ đạo của cấp trên, phụ
thuộc vào các thông tin từ trung ương. Việc sơ tán người dân ra khỏi các khu vực
nguy hiểm trước khi thiên tai xảy ra chưa quyết liệt; chưa chủ động phòng,
tránh trước khi có bão, mưa lũ như việc kiểm tra các công trình xây dựng để
phát hiện kịp thời các nguy cơ, việc cắt tỉa cành cây trước bão, chằng chống
công trình, nhà cửa trước bão chưa được quan tâm đúng mức,...
Khả năng chống chọi với thiên tai của hệ thống cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa
theo kịp diễn biến ngày càng khốc liệt của thiên tai, đặc biệt là hệ thống lưới
điện, công trình thoát nước ở các đô thị, hệ thống tiêu thoát nước cho nông
nghiệp.
- Cơ quan dự báo chưa lường trước được
diễn biến rất phức tạp, bất thường của bão số 1, chưa dự báo sớm được khi qua đảo
Hải Nam bão có xu hướng dịch chuyển sâu hơn về phía nam, khi vào gần bờ bão tiếp tục mạnh thêm, di chuyển chậm lại và thời gian duy trì gió mạnh
kéo dài (tuy nhiên đây cũng là khó khăn chung trong công
tác dự báo, kể cả đối với các nước tiên tiến); các bản tin dự báo, cảnh báo chưa được cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến
thức, hướng dẫn các cấp chính quyền, doanh nghiệp, người dân cách thức để ứng
phó với thiên tai, bão, lũ chưa được triển khai thường xuyên, dẫn tới người
dân, doanh nghiệp còn chủ quan, chưa chủ động ứng phó và thiệt hại về người và
tài sản khi thiên tai.
II. NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI:
1. Nhiệm vụ trước mắt:
- Các Bộ, ngành, các địa phương bị ảnh
hưởng của thiên tai vừa qua cần tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là hậu quả bão số 1 và bão số 2. Tập trung tìm kiếm
được những người còn đang bị mất tích, tiếp tục thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị
nạn; huy động lực lượng vũ trang, thanh niên, đoàn thể, vận động các tổ chức,
doanh nghiệp, người dân phát huy tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá
rách” hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân sửa chữa,
dựng lại nhà cửa bị sập đổ, trôi, hư hại do bão, lũ; triển
khai rà soát, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định, kiên
quyết không để hộ dân nào bị thiếu đói. Tiếp tục chỉ đạo khôi phục sản xuất
nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ để sớm ổn định lại đời sống, khắc phục hệ thống
giao thông để bảo đảm giao thông thông suốt. Sẵn sàng ứng
phó với các đợt thiên tai tiếp theo với tinh thần chủ động
hơn, quyết liệt hơn để hạn chế thiệt hại do thiên tai.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo
Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia tổ chức theo dõi chặt chẽ, cảnh báo, dự
báo kịp thời các hình thế thời tiết nguy hiểm, thiên tai thời gian tới; cải tiến
nội dung bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu hơn để mọi
người dân hiểu mức độ nguy hiểm của thiên tai, tránh hiểu lầm, chủ quan trong ứng
phó; phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng và cơ quan có liên quan đẩy mạnh
tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thiên tai, nhất là
bão, lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan, chính quyền và nhân dân biết.
- Các cơ quan thông tin báo chí, đặc
biệt là Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các đài báo ở địa
phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, cơ quan chỉ đạo
tăng tần suất, thời lượng phát các bản tin dự báo, cảnh báo, chỉ đạo khi có
thiên tai để doanh nghiệp, người dân kịp thời biết thông tin để chủ động ứng
phó với thiên tai.
2. Về lâu dài:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo
và tạo điều kiện để nâng cao năng lực (cả về trang thiết bị, công nghệ và con
người) của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương và các cơ quan dự
báo. Phối hợp với các cơ quan có liên quan và các địa phương tiếp tục đầu tư bổ
sung các trạm, phương tiện phục vụ quan trắc, giám sát khí hậu (bao gồm cả trên
biển, trên đất liền), đẩy mạnh phát triển hệ thống trạm đo mưa cộng đồng, tăng
cường hợp tác quốc tế trong dự báo khí tượng thủy văn nhằm nâng cao chất lượng
công tác dự báo thời tiết, thiên tai, đáp ứng đòi hỏi ngày
càng cao của xã hội.
- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống
thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn kiểm tra công tác phòng, chống
thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của các địa phương, đặc biệt là công tác chuẩn bị ứng
phó theo phương châm “4 tại chỗ” tại các địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn các địa
phương xây dựng các kịch bản, các phương án ứng phó cụ thể với các loại hình
thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn theo từng cấp độ thiên tai sát tình hình,
phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để chủ động triển khai ứng phó
nhanh khi thiên tai xảy ra, không để bất ngờ trong mọi tình huống. Kiện toàn đội ngũ, nâng cao năng lực cơ quan chỉ
đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn từ trung ương tới cơ sở, đặc biệt là đội ngũ làm công
tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương theo hướng hiện
đại và chuyên nghiệp hơn, trong đó lực lượng vũ trang, quân đội đóng vai trò nòng cốt trong công tác tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm
tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền trong công tác
phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
- Các Bộ, ngành, địa phương phải chủ
động công tác hậu cần cho phòng, chống thiên tai, trong đó các Bộ: Xây dựng,
Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin
và Truyền thông phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát sửa chữa,
nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình xây dựng để bảo đảm an
toàn khi có thiên tai.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng chỉ đạo, tổ chức kiểm
tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ
được giao, đồng thời kiểm tra vận hành an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu
tư, Tài chính và các địa phương khẩn trương rà soát lại quy hoạch dân cư ở các
vùng dễ xảy ra thiên tai, nhất là các khu vực xung yếu có nguy cơ cao xảy ra lũ
quét, lũ ống, sạt lở đất, sớm có quy hoạch và kế hoạch tổ chức di dời dân cư ra
khỏi các vùng nguy hiểm; đối với các hộ chưa thực hiện di dời được phải có
phương án sơ tán cụ thể khi có cảnh báo, dự báo thiên tai của cơ quan khí tượng
thủy văn. Yêu cầu các địa phương chỉ đạo kiểm tra, kiên quyết di dời ngay các hộ
dân lấn chiếm lòng sông, suối làm co hẹp dòng chảy, tăng nguy cơ xảy ra lũ quét
để tránh thiệt hại về người, tài sản.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương sơ kết đánh giá và đẩy mạnh
thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa
vào cộng đồng; hoàn thiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai trong giai đoạn tới, trong đó xác định nhiệm vụ phòng, chống thiên tai
không chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, của các cấp
chính quyền địa phương mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng,
xã hội, đặc biệt là vai trò của người dân và doanh nghiệp
trong phòng, chống thiên tai, góp phần hạn chế thiệt hại khi thiên tai xảy ra.
3. Về kiến nghị của
các địa phương: Giao Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các Bộ:
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công
Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính rà soát xử lý theo thẩm quyền và các quy
định hiện hành, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ
xem xét, xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các
cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương
Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn;
- Ban Chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam,
Ninh Bình, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên,
Lai Châu, Yên Bái, Quảng Ninh và thành phố Hà Nội;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các vụ: TH, KTTH, V.III, TGĐ
Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTN (3), Tuynh.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Xuân Thành
|