VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 235/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 18
tháng 06 năm 2014
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ
TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG NINH
Ngày 04 tháng 6 năm 2014, tại thành phố Hạ Long,
tỉnh Quảng Ninh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với Ban
Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy
ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về kết quả 03 năm thực hiện Nghị quyết Đại
hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII; phương hướng
nhiệm vụ năm 2014. Tham dự buổi làm việc có: Bộ trưởng, Bộ Tài chính Đinh Tiến
Dũng, Bộ trưởng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ
trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; đại diện lãnh đạo các Bộ,
cơ quan: Quốc phòng, Giao thông vận tải và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy báo cáo kết
quả thực hiện; nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian
tới và một số kiến nghị của Tỉnh. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo
cáo tổng hợp hướng xử lý những kiến nghị của Tỉnh; ý kiến phát biểu của lãnh
đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thay mặt Chính phủ đánh giá cao và biểu dương nỗ lực
phấn đấu, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; Nghị quyết Đại hội
Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và các thành tích đạt được khá toàn diện trên các
lĩnh vực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh trong
thời gian qua. Năm 2013 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, với tinh thần chủ
động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; với sự đồng thuận,
quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, của cộng đồng
doanh nghiệp và nhân dân nên tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh đạt nhiều kết
quả tích cực, đúng hướng, bám sát mục tiêu đẩy mạnh 3 khâu đột phá chiến lược,
tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế
tăng cao hơn bình quân chung cả nước (tăng 7,5%), thu nhập bình quân đầu người
đạt 60 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân
sách nhà nước tăng khá (đạt 34.184 tỷ đồng), 5 tháng đầu năm 2014 tăng 23% so
cùng kỳ; đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng trọng yếu; diện mạo nông thôn có
nhiều đổi mới, đã huy động được toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; công tác xóa
đói, giảm nghèo, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân có bước cải thiện;
tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,52%.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị
chuyển biến tích cực, có nhiều mô hình mới trong cải cách hành chính thể hiện
tư duy đổi mới và ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị ở địa phương. Công
tác xây dựng chính quyền có nhiều tiến bộ. Công tác tổ chức bộ máy, xây dựng
đội ngũ cán bộ, công chức được chú trọng. Quốc phòng được giữ vững, an ninh
chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không để xảy ra đột xuất bất
ngờ; bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình hữu
nghị, hợp tác và phát triển. Hoạt động đối ngoại được mở rộng và đạt được nhiều
kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, lao động trong nông, lâm, ngư nghiệp
chiếm gần 40% nhưng giá trị sản xuất chỉ chiếm 5,5% GDP nên đời sống của người
nông dân còn thấp; chênh lệch về thu nhập giữa người thu nhập cao với thu nhập
thấp còn lớn (8 lần). Đầu tư công còn dàn trải. Công tác bảo vệ môi trường còn
những mặt hạn chế, yếu kém.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Về cơ bản nhất trí với nhiệm vụ,
giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 mà Tỉnh
đã đề ra. Trong thời gian tới, Tỉnh phát huy kết
quả đã đạt được khắc phục tồn tại, hạn chế, nhấn mạnh một số điểm sau:
1. Tập trung chỉ đạo với tinh thần
cao nhất nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Tỉnh đã đề ra năm
2014, qua đó tạo tiền đề phát triển cho những năm tiếp theo để hoàn thành kế
hoạch 5 năm 2011-2015. Trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cần đặc biệt chú trọng
tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, cụ thể
hóa trong từng lĩnh vực công nghiệp, xây
dựng, nông nghiệp, du lịch và dịch vụ nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát
triển kinh tế nhanh, bền vững đi đôi với việc đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá
chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình phát triển từ “nâu”
sang “xanh”.
2. Tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh
công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh; triển khai
đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tinh
giảm bộ máy biên chế; chuyển dịch mạnh hơn nữa lao động từ nông nghiệp sang làm
công nghiệp và dịch vụ; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông
thôn để phục vụ cho các mục tiêu phát triển,
ổn định nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương; đẩy mạnh sự nghiệp phát
triển văn hóa, y tế, giáo dục, cung cấp dịch vụ công.
3. Tỉnh cần quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ
tầng, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy và
nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục
hành chính; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh
tranh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư vào địa phương.
4. Chỉ đạo quyết liệt hơn nữa
trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, theo tinh thần chỉ
đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình
mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới toàn quốc, bởi đây chính là công nghiệp
hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; là xóa đói, giảm nghèo và nâng cao
đời sống cho người dân nông thôn.
5. Đối với công tác quốc phòng, an
ninh: Chủ trương nhất quán của chúng ta là kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ
quyền, song vẫn duy trì làm ăn, buôn bán, hợp tác kinh tế và thúc đẩy hợp tác với
Trung Quốc trên các tất cả các lĩnh vực. Vì vậy, Quảng Ninh cần tiếp tục duy
trì các hoạt động hợp tác kinh tế cũng như các hoạt động hợp tác trên các lĩnh
vực khác với Trung Quốc vì lợi ích chung của cả hai bên. Bên cạnh đó, Quảng
Ninh cần đề cao cảnh giác, hết sức chú trọng bảo đảm quốc phòng, giữ vững an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại,
xây dựng tỉnh thực sự là khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và
phòng tuyến hợp tác cạnh tranh kinh tế quốc tế một cách chủ động, tích cực; xây
dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về xây dựng Luật Đặc khu kinh
tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh và Đặc khu
kinh tế Phú Quốc tỉnh Kiên Giang sẽ được triển khai sau khi có ý kiến kết luận
của Bộ Chính trị.
2. Về xây dựng Đề án "Khu kinh
tế cửa khẩu tự do Móng Cái" theo tinh thần chỉ
đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 108-TB/TW, ngày 01 tháng 10 năm
2012: Trước khi lập đề án, Tỉnh làm rõ những nội dung cơ bản của đề án, báo cáo
Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
3. Về xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực, sức chiến đấu; đổi
mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tinh giản bộ máy biên chế”: Tỉnh phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng
đề án, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Chính
trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ.
4. Về sửa đổi Thông tư số
05/2014/TT-BCT, ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Công Thương theo hướng cho
phép tạm nhập, tái xuất mặt hàng từ Trung
Quốc qua các cửa khẩu phụ và điểm thông
quan trong khu kinh tế cửa khẩu đi nước thứ ba: Giao Bộ Công Thương nghiên cứu,
giải quyết theo thẩm quyền.
5. Đồng ý về chủ trương thí điểm
thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Tỉnh lập đề án, Bộ Nội vụ
thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Về triển khai mô hình hợp tác công tư (PPP) trên các lĩnh vực: Tỉnh
làm thí điểm một số lĩnh vực, sau đó tổng kết đánh giá nếu hiệu quả cho nhân
rộng mô hình.
7. Về thành lập sở Du lịch: Đồng ý
chủ trương, Tỉnh làm việc cụ thể với Bộ Nội vụ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem
xét, quyết định.
8. Về quy định quản lý di sản
thiên nhiên thế giới ở Việt Nam: Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét,
đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
9. Việc ủy quyền cấp giấy phép cho
các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
10. Về những vấn đề liên quan đến
hoạt động casino:
a) Về ban hành Nghị định về hoạt
động casino trong đó quy định các điều kiện cụ thể để người Việt Nam tham gia các hoạt động casino: Bộ Tài chính (cơ quan
soạn thảo) nghiên cứu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại điểm 2 Thông báo kết
luận số 138-TB/TW ngày 24 tháng 6 năm 2013.
b) Về công bố quy hoạch phát triển
casino; ban hành Nghị định riêng về casino cho Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc
(Kiên Giang); tổ chức Hội thảo quốc tế về kinh nghiệm tổ chức và quản lý hoạt
động casino tại thành phố Hạ Long: Tỉnh thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản
3824/VPCP-KTTH ngày 27 tháng 5 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ.
11. Về thành lập trường Đại học Hạ
Long: Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét,
quyết định.
12. Về ưu tiên nguồn lực với các hình
thức đầu tư (BOT, BO, BTO, PPP...) để đầu tư các tuyến đường: Nội Bài - Hạ
Long, Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; Quốc lộ 4B Lạng Sơn - Mũi Chùa (Tiên Yên);
sân bay quốc tế Vân Đồn; các cảng hàng hóa, du lịch và trung tâm du thuyền:
Đồng ý về chủ trương, Tỉnh làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và
các Bộ, ngành liên quan xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tổ
chức xúc tiến đầu tư kêu gọi các nhà đầu tư theo quy định.
13. Về bổ sung quy hoạch 02 sân
golf Hùng Thắng (TP. Hạ Long) và An Biên (huyện Hoành Bồ): Tỉnh làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ theo quy định.
14. Đối với các dự án về giao
thông:
a) Về áp dụng hình thức chỉ định thầu:
- Đối với Dự án cầu Bắc Luân II:
Đồng ý về nguyên tắc áp dụng hình thức chỉ định thầu khi bố trí vốn để khởi
công; giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng
Ninh chỉ định nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm theo quy định hiện hành;
- Đồng ý chủ trương áp dụng hình
thức chỉ định thầu Dự án đường nối thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng; giao Ủy ban nhân dân tỉnh
Quảng Ninh xem xét, lựa chọn nhà thầu bảo đảm hiệu quả, chất lượng và chịu
trách nhiệm toàn diện việc chỉ định thầu theo quy định hiện hành.
b) Đồng ý bố trí vốn ngân sách
trung ương để tỉnh Quảng Ninh đầu tư xây dựng Dự án cầu Bắc Luân II; giao các
Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính bố trí trong kế hoạch hàng năm để thực hiện.
Trước mắt, cho phép tỉnh Quảng Ninh được ứng trước kế hoạch năm 2015 để thực
hiện một số hạng mục cấp bách của Dự án ngay trong năm 2014; giao Kế hoạch và
Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
c) Về bố trí vốn để giải phóng mặt
bằng tuyến đường nối thành phố Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Đồng
ý về chủ trương, giao Bộ Kế hoạch và Đầu
tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các Bộ liên quan xem xét, báo cáo Thủ
tướng Chính phủ.
d) Đồng ý về chủ trương đầu tư tuyến đường Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái
theo các hình thức BOT, PPP. Tỉnh lập dự án cụ thể, Bộ Giao thông vận tải thẩm
định dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, đề xuất phương án vốn
thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
đ) Về việc tiếp tục đầu tư tuyến
đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân: Đồng ý về chủ trương, giao Bộ Giao thông vận tải rà
soát, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính
phủ.
e) Về hoàn trả số tiền Tỉnh đã ứng
cho Bộ Giao thông vận tải để đầu tư quốc lộ 18 (đoạn Hạ Long-Uông Bí) và quốc
lộ 18C: Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao
thông vận tải đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
15. Về hỗ trợ vốn xây dựng và phát
triển đội tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ kết hợp phát triển kinh tế gắn với
quốc phòng an ninh bảo vệ quyền và chủ quyền trên biển: Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo về cơ chế, chính sách phát triển
thủy sản, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định để triển khai thực hiện (trong
đó có Quảng Ninh).
16. Về bố trí vốn xây dựng hệ thống đường tuần tra biên giới,
cầu, đập tràn; kè bảo vệ sông, suối, cột mốc biên giới: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu
tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng và các Bộ liên quan tổng hợp
đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
17. Về việc hỗ trợ vốn đầu tư và
nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng tại các đảo huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô (đê, kè,
hồ chứa nước ngọt, đường giao thông, khu neo đậu tránh trú bão, trung tâm dịch
vụ hậu cần nghề cá); đầu tư điện lưới quốc gia và di dân ra Đảo Trần, đảo Cái
Chiên: Đồng ý về chủ trương, Tỉnh lập dự án, làm việc với Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ liên quan,
báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
18. Về sửa đổi Quyết định số
60/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của
Thủ tướng Chính phủ: Giao Bộ Công Thương
chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan liên quan
sửa đổi Quyết định theo hướng quy hoạch lại địa bàn khai thác cho Tập đoàn Công
nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng
công ty than Đông Bắc; Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương cấp phép thăm dò,
khai thác mỏ than theo kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp của Tập đoàn Công
nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng
công ty than Đông Bắc.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo
để các Bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân
dân tỉnh Quảng Ninh biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg CP;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du
lịch, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Quốc phòng;
- Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam;
- Tổng công ty than Đông Bắc;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND
tỉnh Quảng Ninh;
- VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT, các
Vụ: TH, KTTH, TCCV, KTN, KGVX, ĐMDN;
- Lưu: VT, V.III (3) Thg.
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM
Nguyễn Văn Nên
|