Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 191/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Nguyễn Văn Tùng
Ngày ban hành: 22/07/2016 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 191/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 22 tháng 07 năm 2016

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ VỀ CÁC GIẢI PHÁP KHÔI PHỤC RỪNG BỀN VỮNG VÙNG TÂY NGUYÊN NHẰM ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GIAI ĐOẠN 2016-2020

Ngày 20 tháng 6 năm 2016, tại Thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị “Về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020”. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ủy ban Tài chính Ngân sách; Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đại diện các Bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020; Chủ tịch và lãnh đạo Ủy ban nhân dân 05 tỉnh Tây Nguyên; đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Sau khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo; ý kiến các tỉnh khu vực Tây Nguyên, các Ban, Bộ, ngành và các đại biểu dự Hội Nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:

1. Về đánh giá tình hình

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ và phát triển rừng Tây nguyên và một số chương trình dự án lớn đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhằm tăng tốc độ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ hệ sinh thái bền vững. Đời sống nhân dân trong khu vực được cải thiện, từng bước ổn định và nâng cao; cơ sở hạ tầng trong Vùng được cải thiện đáng kể; xây dựng nông thôn mới đạt một số kết quả bước đầu; sản lượng một số mặt hàng xuất khẩu đứng đầu cả nước như: cà phê, hồ tiêu...

Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm chỉ đạo và hoàn thiện hơn, đặc biệt đã xây dựng các phương án quản lý lửa rừng ở nhũng vùng trọng điểm. Từ 2011 - 2015, số vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm 24%; số vụ cháy rừng giảm 37%. Diện tích rừng trồng các tỉnh Tây nguyên năm 2014 đạt 313.300 ha. Các địa phương trong Vùng đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án tổng thể sắp xếp đổi mới 55 công ty lâm, nông nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác bảo vệ và phát triển rừng còn một số khuyết điểm, yếu kém: Rừng khu vực Tây Nguyên bị suy giảm, tàn phá nghiêm trọng, diện tích rừng giảm 180.000 ha so với năm 2010, độ che phủ của rừng giảm từ 51,9% xuống 45,8%; trữ lượng rừng giảm hơn 57 triệu m3. Công tác quản lý quy hoạch tại các tỉnh Tây Nguyên chưa được coi trọng, đặc biệt là quy hoạch phát triển các cây trồng chủ lực. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng xảy ra nghiêm trọng, tràn lan và diễn biến phức tạp; việc quản lý các cơ sở chế biến lâm sản còn hạn chế, tình trạng xây dựng xưởng chế biến gỗ gần rừng, không gắn với nguồn nguyên liệu, làm gia tăng tình trạng phá rừng và mua bán gỗ bất hợp pháp còn diễn ra phổ biến. Công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp còn bộc lộ nhiều yếu kém, diện tích rừng và đất rừng quy hoạch cho lâm nghiệp bị chồng lấn, tranh chấp. Hoạt động của các công ty lâm nghiệp kém hiệu quả; công tác sắp xếp, đổi mới chậm được triển khai.

Nguyên nhân hạn chế, chủ yếu: Nhiều cơ quan, đơn vị, chính quyền cơ sở chưa quan tâm, thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao, chưa chỉ đạo quyết liệt trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng; công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp chậm triển khai trên thực tế, nhất là chủ trương xã hội hóa công tác quản lý bảo vệ rừng; việc cấp phép kinh doanh chế biến gỗ thiếu quy hoạch, không gắn kết với vùng nguyên liệu; sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển lâm nghiệp khu vực Tây Nguyên chưa đủ mạnh...

2. Phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới:

- Mục tiêu đến năm 2020 là nâng tỷ lệ che phủ rừng khu vực Tây Nguyên lên 59% (Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Kế hoạch triển khai thực hiện kết luận số 12-KL/TW ngày 24 tháng 10 năm 2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-KL/TW của Bộ Chính trị Khóa IX phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020).

- Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là: Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, quyết tâm khôi phục và phát triển rừng bền vững, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu đề ra, gắn với nâng cao đời sống của người dân các địa phương có rừng, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội.

- Nhiệm vụ thời gian tới: Phát huy lợi thế so sánh của Vùng (đất đai, tài nguyên và nguồn lực), thực hiện tái cơ cấu kinh tế, trước hết là tái cơ cấu nông nghiệp; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn trong việc giải quyết thỏa đáng nhu cầu đất sản xuất cho người dân địa phương tại chỗ; ổn định tình trạng dân di cư tự do đối với cả nơi di chuyển đi và đến.

Với tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên tập trung chỉ đạo nỗ lực khắc phục các hạn chế, yếu kém nêu trên, có cơ chế chính sách đột phá, tạo chuyển biến căn bản, rõ nét trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng bền vững; trong đó chú trọng một số nhiệm vụ sau:

a) Đối với các Bộ, ngành Trung ương:

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp chặt chẽ với các địa phương Tây Nguyên thực hiện các giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống hạn hán; phòng và chữa cháy rừng, cung cấp thông tin cảnh báo cháy rừng nhanh chóng đến các chủ rừng; hướng dẫn địa phương rà soát quy hoạch, kế hoạch phát triển các loại rừng; phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương kiện toàn, nâng cao năng lực và hiệu quả của lực lượng kiểm lâm, thực hiện tốt chức năng bảo vệ rừng; xử lý nghiêm các vi phạm. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại lực lượng kiểm lâm, xử lý nghiêm những đơn vị và cá nhân vi phạm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương rà soát, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vùng Tây Nguyên; kiểm tra, thu hồi đất lâm nghiệp sử dụng trái phép; kiên quyết chấm dứt tình trạng “hợp thức hóa” đất phá rừng, sang nhượng trái pháp luật.

- Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống vào cuộc mạnh mẽ, hỗ trợ các Bộ, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.

- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát cơ chế, chính sách về di dân, tái định cư, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững để có phương án bố trí vốn phù hợp. Thực hiện chính sách và xây dựng dự án ổn định dân di cư tự do, phát triển lâm nghiệp vùng Tây Nguyên gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; cân đối vốn đầu tư cho phục hồi rừng bền vững vùng Tây Nguyên; đưa các dự án bảo vệ và phát triển rừng Tây nguyên vào danh mục ưu tiên được sử dụng vốn tài trợ, vốn vay quốc tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Công Thương: Chỉ đạo và tổ chức rà soát quy hoạch hệ thống Thủy điện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên; tạm dừng cấp phép đầu tư các công trình Thủy điện tác động và ảnh hưởng đến rừng; chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định trồng rừng thay thế, kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng.

b) Đối với các tỉnh Tây Nguyên:

Tập trung triển khai và có giải pháp phù hợp phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng được giao;

- Các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt ba giải pháp trọng yếu:

+ Thực hiện nghiêm chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên theo Kết luận số 97-KL/TW ngày 9 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị và từ nay thực hiện nghiêm túc đóng cửa rừng tự nhiên.

+ Không chuyển mục đích sử dụng 2,25 triệu héc-ta rừng tự nhiên hiện còn sang mục đích khác, kể cả các dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai (trừ các dự án phục vụ quốc phòng, an ninh đặc biệt phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

+ Không chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp.

+ Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án chuyển đổi rừng sang các cây trồng khác và các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp từ năm 2006 đến nay, đề xuất giải pháp phù hợp. Kiên quyết thu hồi diện tích rừng, đất lâm nghiệp thuộc các dự án vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng quy định. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo kiệt để trục lợi. Đối với các dự án đã chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác cần xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên, theo dõi tiến độ, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện việc trồng rừng thay thế theo đúng kế hoạch được phê duyệt.

- Tăng cường và đẩy mạnh các biện pháp giảm nghèo, đảm bảo cuộc sống của người dân sống trong và gần rừng ổn định; tăng cường các biện pháp nhằm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Trên cơ sở kết quả Dự án Tổng điều tra kiểm kê rừng đã được công bố, giao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và chủ rừng. Từ nay, địa phương để mất rừng phải kiểm điểm, xử lý rõ trách nhiệm quản lý theo đúng quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.

- Huy động sự vào cuộc của lực lượng Công an, Quân đội và các tổ chức chính trị, xã hội kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phá rừng lấy gỗ, lâm sản và đất sản xuất trái pháp luật; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, chống người thi hành công vụ.

- Giải quyết kịp thời tình trạng di dân tự do, không để người dân phá rừng lấy đất sản xuất. Tổ chức giải tỏa, thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm kể từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1685/CT-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2011, đồng thời có kế hoạch phục hồi và trồng lại rừng. Giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp giữa người dân tại chỗ với các chủ rừng, chủ đầu tư dự án, không để tạo ra “điểm nóng” và khiếu kiện đông người.

- Quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ; kiên quyết đình chỉ hoạt động cơ sở vi phạm, thu hồi, không cấp mới giấy phép kinh doanh đối với cơ sở không bảo đảm nguồn nguyên liệu hợp pháp hoặc không phù hợp với quy hoạch...

- Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp theo đúng chủ trương, chính sách về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp gắn với quản lý đất đai.

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai Dự án bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2020.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây nguyên xử lý nghiêm các đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm, thực hiện nghiêm túc các chủ trương trên đây, thường xuyên báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

c) Đề nghị Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên chỉ đạo hệ thống dọc vào cuộc, phát động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, đối phó với lâm tặc, với phương châm: “Bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình”.

3. Về một số kiến nghị:

- Về việc tăng mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng (400.000 đồng/ha/năm), tăng suất đầu tư trồng rừng: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ.

- Về biên chế cán bộ kiểm lâm địa bàn: Giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan làm việc cụ thể với các địa phương để cân đối nhu cầu lực lượng kiểm lâm, đảm bảo đủ kiểm lâm viên địa bàn phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng.

- Đồng ý giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, triển khai Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020, trong đó chú trọng các cơ chế đặc thù đối với bảo vệ và phát triển rừng; xây dựng chính sách quy định cụ thể trách nhiệm của chủ rừng, của người đứng đầu chính quyền các cấp, người đứng đầu các tổ chức quản lý rừng khi để xảy ra mất rừng, phá rừng, cháy rừng, suy giảm chất lượng rừng. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý III năm 2016.

- Về sửa đổi bổ sung Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 về chi trả dịch vụ môi trường rừng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 10567/VPCP-KTN ngày 17 tháng 12 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ.

- Bổ sung thêm một số loài nguy cấp, quý hiếm ưu tiên bảo vệ vào danh mục tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Các thành viên BCĐ Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;
- Ban Chỉ đạo Tây Nguyên;
- Ban Kinh tế Trung ương;
- Ủy ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội;
- UBND các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng;
- VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ: KTTH, VIII, TKBT, NC, TH,
- Lưu: VT, KTN (3b) Tn.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Tùng

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông báo 191/TB-VPCP ngày 22/07/2016 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.910

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.58.90
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!