VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
********
Số:
131/TB-VPCP
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
********
Hà
Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2006
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ PHÁT TRIỂN
KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
Ngày 18 và 19 tháng 07 năm 2006,
tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị phát
triển kinh tế - xã hội Vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2006 – 2010. Tham
dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, lãnh đạo các cơ
quan: Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương, Ban Khoa giáo Trung ương,
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Kinh tế và Ngân sách, Ủy ban
Các vấn đề Xã hội của Quốc hội, lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,
Xây dựng, Công nghiệp, Giao thông vận tải, Thương mại, Khoa học và Công nghệ,
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủy sản, Y tế, Nội vụ, Tài nguyên và Môi
trường, Giáo dục và Đào tạo, Bưu chính, Viễn thông, Quốc phòng, Công an, Lao động
– Thương binh và Xã hội, Văn hóa – Thông tin, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Hội
đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Giám đốc một số Sở, ngành của các tỉnh,
thành phố: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà
Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, lãnh đạo
Ban Tôn giáo Chính phủ, Tổng cục Du lịch, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Tổng công ty
Lương thực Miền Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt
Nam.
Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư đã báo cáo về tình hình thực hiện Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 06 tháng 11
năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội Vùng đồng bằng
sông Cửu Long giai đoạn 2001-2005 và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ
về một số cơ chế, chính sách và giải pháp để chuyển đổi cơ cấu kinh tế Vùng đồng
bằng sông Cửu Long giai đoạn 2006 – 2010; Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ
báo cáo kết quả ba năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20 tháng 01 năm
2003 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế -
xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng Vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ
2001-2010; các Bộ; cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế,
Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Ban Tôn giáo Chính phủ đã
tham gia ý kiến.
Sau khi nghe ý kiến của các Bộ,
Ban, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương Vùng đồng bằng sông Cửu Long,
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
I. VỀ ĐÁNH
GIÁ TÌNH HÌNH:
1. Thành tựu, kết quả:
Qua 5 năm triển khai thực hiện
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20 tháng 01 năm
2003 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001-2010 và Quyết
định 173/2001/QĐ-TTg ngày 06 tháng 11 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về phát
triển kinh tế - xã hội Vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2001-2005, với sự
nỗ lực phấn đấu rất cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cùng với sự hỗ trợ
tích cực của các Bộ, Ban, ngành Trung ương, Vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có
những bước phát triển quan trọng và khá toàn diện về kinh tế - xã hội.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP của
Vùng đạt bình quân 10,41% (cao hơn mức bình quân chung của cả nước 7,5%); trong
đó, GDP ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng khoảng 7%/năm, công nghiệp – xây dựng
tăng 17%/năm, thương mại - dịch vụ tăng 13%/năm. Về cơ cấu GDP có bước cải thiện,
năm 2005 tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 45%, công nghiệp – xây dựng
chiếm 23%, thương mại, dịch vụ chiếm 32%. Đời sống của đại bộ phận người dân được
cải thiện và nâng cao hơn trước, GDP bình quân đầu người năm 2005 ước đạt 7,83
triệu đồng/người/năm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các ngành kinh tế và
trong nội bộ từng ngành kinh tế đã và đang đúng hướng; đầu tư kết cấu hạ tầng
kinh tế - xã hội… có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng vốn đầu tư xã hội toàn
Vùng trong 5 năm qua đạt 180 ngàn tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch; thu chi ngân sách
toàn Vùng đạt khá, thu nội địa tăng bình quân 15 – 16%/năm, đã có 204 dự án FDI
với tổng số vốn đăng ký 1,55 tỷ USD; trong đó, giai đoạn 2000-2005 có 126 dự án
với số vốn 549,2 triệu USD.
Nhiều chỉ tiêu về văn hóa, xã hội
đạt và vượt so với mục tiêu đề ra như giảm từ 27,3% số hộ nghèo toàn Vùng theo
tiêu chí cũ (năm 2001) xuống còn 11,02% (năm 2005). Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng
giảm xuống còn 22%, số hộ nông thôn được cung cấp điện đạt 89,7% (kế hoạch 70 –
80%). Tạo việc làm mới tại chỗ cho 1,477 triệu lao động (bình quân khoảng 29,5
vạn lao động/năm, tăng gần 10 vạn lao động/năm so với thời kỳ 1996 – 2000). Một
số vấn đề bức xúc về xã hội đã được quan tâm giải quyết. An ninh, chính trị, trật
tự an toàn xã hội ổn định và giữ vững.
2. Tồn tại, yếu kém:
Bên cạnh những thành tựu, kết quả
đạt được, Vùng đồng bằng sông Cửu Long còn tồn tại nhiều nhược điểm, yếu kém. Cụ
thể là: Những thành tựu, kết quả đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng về
đất, nước, khí hậu của Vùng, đặc biệt là so với các lợi thế trong sản xuất nông
nghiệp, thủy sản. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, tỷ trọng công nghiệp –
xây dựng trong GDP mới chiếm 23%, bằng 50% so bình quân với cả nước. Kết cấu hạ
tầng nhìn chung còn lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Công tác quy hoạch
và chỉ đạo thực hiện thiếu đồng bộ, gây chậm trệ, ắch tắc, kém hiệu quả trong
quá trình thực hiện. Môi trường đầu tư kém hấp dẫn, chưa thu hút được nhiều các
nhà đầu tư trong và ngoài nước; môi trường sinh thái bị ô nhiễm, nhất là môi
trường nước gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đời sống xã hội ở một số
vùng, địa bàn. Một số chỉ tiêu về lĩnh vực xã hội đạt thấp so với mức bình quân
chung của cả nước, nhất là các chỉ tiêu về giáo dục, dạy nghề, chất lượng nguồn
nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác chỉ đạo, lãnh đạo của các địa phương
còn hời hợt, thiếu sâu sát; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành Trung ương và địa
phương trong tổ chức thực hiện còn chưa chặt chẽ, hiệu quả còn hạn chế. An
ninh, chính trị còn tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp.
II. ĐỊNH HƯỚNG
PHÁT TRIỂN
Về cơ bản nhất trí với định hướng
phát triển của Vùng nêu trong các báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo
Tây Nam Bộ và ý kiến các đại biểu đã trình bày. Để thúc đẩy kinh tế - xã hội
Vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững, cần tập trung thực
hiện những định hướng chủ yếu sau đây:
1. Bằng các cơ chế, chính sách,
biện pháp cụ thể để khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh của từng địa
phương, của toàn Vùng để mức tăng trưởng GDP đạt từ 10 – 11%/năm. Sự phát triển
mạnh mẽ của Vùng đồng bằng sông Cửu Long có tác dụng to lớn thúc đẩy kinh tế -
xã hội cả nước.
2. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu
kinh tế theo hướng vừa giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và
dịch vụ, vừa bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước và góp phần xuất khẩu. Đẩy
mạnh phát triển chăn nuôi, nhất là nuôi trồng thủy, hải sản, để đưa ngành này
trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước.
3. Phát triển kinh tế nhanh
nhưng phải bảo đảm sự bền vững. Do đó, trước hết phải gắn kết chặt chẽ với bảo
vệ môi trường sinh thái, giải quyết các vấn đề xã hội, giải quyết việc làm, tạo
thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước thực hiện
công bằng xã hội.
4. Phát triển kinh tế phải góp
phần tăng cường, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, bảo đảm an ninh, quốc phòng,
tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển.
III. MỘT SỐ
GIẢI PHÁP:
Về cơ bản tán thành các kiến nghị,
đề xuất nêu tại Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Đồng
thời, cần lưu ý thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
1. Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội
lần thứ X của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về phương hướng phát triển kinh tế
- xã hội 5 năm (2006 – 2010), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố Vùng đồng
bằng sông Cửu Long; các Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương rà soát, bổ sung,
điều chỉnh kế hoạch 5 năm (2006 – 2010), của địa phương và các Bộ, ngành mình.
Sau đó, trên cơ sở các mục tiêu kế hoạch đã được điều chỉnh, tập trung rà soát,
bổ sung, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch
ngành, quy hoạch phát triển sản phẩm chủ yếu của từng tỉnh và cả Vùng, bảo đảm
phù hợp với các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch.
Việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch,
quy hoạch cần khẩn trương thực hiện để hoàn thành trong tháng 9 năm 2006.
Các Bộ, ngành liên quan có trách
nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương xây dựng kế hoạch, quy hoạch; đồng thời,
căn cứ vào đó để tổng hợp và xây dựng quy hoạch Vùng, liên vùng, phù hợp với
quy hoạch phát triển tổng thể của ngành, lĩnh vực mình. Trong công tác quy hoạch
kết cấu hạ tầng (điện, nước, giao thông…) Vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất
thiết phải lấy quy hoạch thủy lợi làm trung tâm.
2. Về nguồn vốn: trong 5 năm tới
cần có giải pháp, chính sách cụ thể để huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển.
Nguồn vốn từ Ngân sách sẽ được tập trung hỗ trợ phát triển 4 nội dung chính là:
xây dựng, củng cố kết cấu hạ tầng giao thông, coi đây là khâu đột phá, quyết định
cho sự phát triển cả Vùng; đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi; cụm, tuyến dân
cư và lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Các địa phương phải
dành một phần ngân sách hợp lý để kết hợp với nguồn ngân sách Trung ương đầu tư
tập trung cho giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục và đào tạo.
Từ năm 2007, chỉ phát hành xổ số
khi đã xác định rõ công trình phúc lợi xã hội từ mức vốn cần đầu tư được Hội đồng
nhân dân tỉnh, thành phố thông qua, không được coi đây là nguồn thu chính, nguồn
thu thường xuyên của các địa phương.
3. Ngoài các cơ chế, chính sách
hỗ trợ từ Trung ương, các địa phương Vùng đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động
nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể phù hợp, khuyến khích các
nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế (không phân biệt thành phần kinh tế
trong hay ngoài nước) đầu tư vào địa phương mình.
4. Chú trọng việc nghiên cứu, ứng
dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là cây giống, con giống có
năng suất, chất lượng cao, tỷ lệ thất thoát, hao hụt sau thu hoạch thấp. Đầu tư
xây dựng một số khu công nghệ, khu nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo ra một số
sản phẩm đặc sắc của Vùng để từ đó có thương hiệu và có sức cạnh tranh cao.
5. Các địa phương phải thực hiện
tốt Quyết định số 20/2006/QĐ-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính
phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề Vùng đồng bằng sông Cửu Long đến
năm 2010. Cần quan tâm chỉ đạo và tập trung vốn đầu tư cho giáo dục, đào tạo
nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề cho lao động trẻ tại chỗ, bồi dưỡng nhân
tài; nâng tỷ lệ lao động có tay nghề, đã qua đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp
hóa, hiện đại hóa; trong đó, công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn là một nội
dung cơ bản; không để kéo dài tình trạng các chỉ số về giáo dục của Vùng là rất
thấp so với cả nước.
6. Cần chú trọng thích đáng đến
việc khuyến khích phát triển doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng
thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm
nghèo; đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc Khmer.
7. Về tổ chức thực hiện: Cần rà
soát lại, loại bỏ các quy trình thủ tục gây cản trở, khó khăn; đề cao trách nhiệm
của các cấp trong quá trình chỉ đạo, thực hiện, nhất là trong công tác thu hồi,
bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, nên tiến
hành ngay việc cắm mốc, giải phóng mặt bằng. Đối với các dự án phát triển kinh
tế - xã hội quan trọng và cấp bách, có thể cho tiến hành công tác giải phóng mặt
bằng đồng thời với việc trình duyệt dự án để triển khai thực hiện đúng tiến độ,
sớm phát huy hiệu quả công trình, khắc phục tình trạng ắch tắc do quá trình giải
phóng mặt bằng bị chậm trễ, kéo dài.
IV. NHIỆM VỤ
CỦA CÁN BỘ, NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG:
1. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị để hoàn chỉnh dự thảo
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trình Thủ tướng trong tháng 8 năm 2006. Đối
với các công trình, dự án lớn, trọng điểm phải xác định rõ nguồn vốn đầu tư cho
từng công trình, dự án.
2. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt
chẽ với các địa phương trong Vùng tập trung ngăn chặn dịch sốt xuất huyết và
nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm.
3. Giao Bộ Lao động – Thương
binh và Xã hội lập Đề án dạy nghề nhằm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ có tay
nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, trình Chính phủ trong quý IV
năm 2006.
4. Giao Ủy ban Dân tộc nghiên cứu,
đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp cho đồng bào dân tộc thiểu số Vùng đồng bằng
sông Cửu Long, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2006.
5. Các Bộ, ngành Trung ương khẩn
trương hoàn chỉnh kế hoạch của Bộ, ngành về phát triển ngành, lĩnh vực trên địa
bàn Vùng đồng bằng sông Cửu Long, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm
2006.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố Vùng đồng bằng sông Cửu Long tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai chủ
trương tại Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và các Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng hệ thống thủy lợi,
phát triển giáo dục và đào tạo… của Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cần hoàn chỉnh
kế hoạch, quy hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quý III năm 2006.
Đồng thời, nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ,
nông nghiệp phù hợp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động để từng
bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong 5 năm tới, Vùng đồng bằng
sông Cửu Long cần tạo ra bước phát triển mạnh về kinh tế, giải quyết tốt các vấn
đề xã hội nhằm góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội do Đại hội lần thứ X của Đảng đề ra.
Văn phòng Chính phủ xin thông
báo để các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố Vùng đồng bằng sông Cửu
Long biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương;
- Ban Kinh tế Trung ương;
- Ban Khoa giáo Trung ương;
- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội;
- Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tỉnh uỷ, HĐND, UBND các tỉnh Vùng đồng bằng sông Cửu Long;
- Bộ Tư lệnh Quân khu 9;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ngân hành Chính sách xã hội;
- Tổng công ty Lương thực Miền nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website,
Các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, ĐP.
|
BỘ
TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
Đoàn Mạnh Giao
|