VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
104/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 3 năm 2009
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI
LÃNH ĐẠO TỈNH AN GIANG
Ngày 18 tháng 3 năm 2009, Thủ tướng
Chính phủ đã thăm và làm việc tại tỉnh An Giang. Cùng thăm và làm việc với Thủ
tướng có các đồng chí: Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
thôn, Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Công
Thương, Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, các Ngân hàng thương mại: Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Phát triển Việt Nam, Tổng
công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh
An Giang, sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo kết quả thực hiện
nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008; quý I năm 2009; tình hình sản xuất và tiêu
thụ lúa gạo, cá tra; kết quả thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư
và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ
quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ
CHUNG
Biểu dương và đánh giá cao những
kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đã đạt được trong những
năm qua và trong năm 2008, một năm có nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, lạm
phát, giá cả vật tư, hàng hóa tăng cao, nhưng tỉnh An Giang đã có nhiều nỗ lực
vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực
kinh tế, xã hội. Duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP tăng 14,6%), sản
xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phát triển, xuất khẩu tăng nhanh; đời sống
nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; văn hóa - xã hội, an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội có nhiều tiến bộ. Chương trình xây dựng cụm,
tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được nhiều kết
quả, làm thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn.
Tuy vậy, với thế mạnh là phát
triển ngành sản xuất nông nghiệp, kinh tế của An Giang tuy có tăng trưởng nhưng
chất lượng chưa cao, thiếu tính bền vững; việc huy động các nguồn lực cho đầu
tư phát triển còn hạn chế; đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn; cần
có những giải pháp cụ thể để ổn định đời sống của người dân và bảo đảm an sinh
xã hội trên địa bàn.
II. MỘT SỐ
NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Về cơ bản đồng ý với các giải
pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 của Tỉnh đã đề ra,
cần nhấn mạnh thêm một số điểm:
1. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi
thế của Tỉnh đó là lúa và thủy sản; cần nghiên cứu các cơ chế, chính sách, ứng
dụng khoa học công nghệ, điện khí hóa để đẩy mạnh ngành sản xuất nông nghiệp,
đem lại hiệu quả và lợi ích cao hơn.
2. Tập trung quyết liệt hơn nữa
trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, dạy nghề; phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ
lao động qua đào tạo nghề đạt trên 50%.
3. Tăng cường đầu tư các công trình
trọng điểm, xây dựng cơ sở hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân và tiếp tục làm
tốt việc huy động các nguồn vốn đầu tư trong xã hội.
4. Có những chương trình, hành động
cụ thể để triển khai nhanh các nhóm giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất,
kinh doanh và xuất khẩu; tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh
nghiệp và nhân dân được tiếp cận và hưởng lợi từ các chủ trương, chính sách của
Đảng và Nhà nước; duy trì ổn định sản xuất.
5. Tập trung chỉ đạo để thực hiện
có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, chính sách về hỗ
trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo và người dân các vùng khó khăn, thiên tai;
tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở
vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2; quan tâm và đẩy mạnh công tác
đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, xóa đói
giảm nghèo nhằm bảo đảm an sinh xã hội.
III. VỀ MỘT SỐ
ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH
1. Đồng ý đưa tuyến đường
Kaomsonno - Nét Lương của tỉnh Kandal Campuchia vào Chương trình viện trợ của
nước ta cho Vương quốc Campuchia, sẽ được bàn và quyết định trong phiên họp của
Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Campuchia.
2. Về việc xây dựng cầu Tân An
thuộc tuyến đường tỉnh lộ 952: Tỉnh làm việc với Bộ Giao thông vận tải, báo cáo
Thủ tướng Chính phủ.
3. Bộ Giao thông vận tải sớm
hoàn thành báo cáo đầu tư dự án cầu Long Bình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem
xét, quyết định để đưa vào Chương trình viện trợ của nước ta cho Vương quốc
Campuchia.
4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp
với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát nguồn vốn do Bộ Giao thông vận tải vay của
Ngân hàng Phát triển Việt Nam để đầu tư hạ tầng giao thông, tổng hợp, đề xuất
phương án xử lý chung cho các địa phương (trong đó có tỉnh An Giang), trình Thủ
tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
5. Bộ Giao thông vận tải xem xét
khả năng xây dựng sân bay nội địa Châu Đốc theo mô hình sân bay taxi và phối hợp
với Tỉnh để làm thủ tục kêu gọi nhà đầu tư thực hiện.
6. Đồng ý bổ sung đoạn nối từ tỉnh
lộ 943 đến Quốc lộ 91 (khoảng 3,5 km) vào dự án cầu Vàm Cống, giao Bộ Giao
thông vận tải nghiên cứu, thực hiện.
7. Về nguồn vốn trái phiếu Chính
phủ năm 2009 để thực hiện các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, thủy sản,
kiên cố hóa trường lớp học, Bệnh viện đa khoa tuyến huyện:
- Đối với các dự án nằm trong
danh mục trái phiếu Chính phủ: đồng ý điều chỉnh, bổ sung dự toán do trượt giá,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên
quan tổng hợp, bố trí vốn theo tiến độ thực hiện dự án.
- Các dự án thuộc đối tượng sử dụng
vốn trái phiếu Chính phủ nhưng chưa có trong danh mục theo Quyết định số
171/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ: Tỉnh làm việc
với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thống nhất bổ sung vào danh mục đầu
tư sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2003-2010, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trước mắt, đối với các dự án cấp
bách, thực hiện trong năm 2009 đồng ý cho tạm ứng từ nguồn dự phòng trái phiếu
Chính phủ theo tiến độ thực hiện của dự án.
8. Về hỗ trợ 50% vốn đầu tư xây
dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng: giao Bộ Tài chính tổng hợp chung
đưa vào danh mục cho vay không lãi.
9. Về cho phép Tỉnh thực hiện
thí điểm việc giao đất trực tiếp cho nhà đầu tư đối với khu liên hợp thể dục,
thể thao, sân vận động tỉnh và khu quân y (tại thành phố Long Xuyên): trường hợp
chỉ có một nhà đầu tư đề xuất dự án có điều kiện thì cho phép thực hiện; nếu có
từ hai nhà đầu tư trở lên phải đấu thầu theo quy định.
10. Về việc xóa nợ quá hạn cho
các hộ nghèo: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà
soát, xác định đối tượng cụ thể, lập phương án, đề xuất xử lý chung cho các tỉnh
(trong đó có tỉnh An Giang), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
11. Việc bổ sung nguồn vốn năm
2009 để phục vụ cho các đối tượng nghèo vay vốn: giao Ngân hàng Chính sách xã hội
xem xét, tổng hợp, đề xuất phương án xử lý chung cho các tỉnh.
12. Về việc cho phép các cửa khẩu
của tỉnh An Giang được tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách theo Quyết định số
65/2007/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ: giao Bộ Tài
chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ lập tổ công
tác, khảo sát tình hình hoạt động thực tế của các cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh
(trong đó có tỉnh An Giang), trên cơ sở đó nghiên cứu chính sách phù hợp với
nguyên tắc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhưng đảm bảo được quyền kiểm
soát về buôn lậu qua biên giới của Nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước
khi Quyết định số 33/2009/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2009 có hiệu lực thi hành.
13. Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng
dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm kê tình trạng
xe ô tô đang sử dụng tại các địa phương, tổng hợp, đề xuất phương án xử lý
chung trên nguyên tắc tiết kiệm nhưng đảm bảo an toàn chất lượng, báo cáo Thủ
tướng Chính phủ xem xét, quyết định; việc mua xe ô tô với những đơn vị mới
thành lập cần xem xét từng trường hợp cụ thể.
14. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp
với Bộ Xây dựng sớm dự thảo Nghị định về thành lập thị xã Tân Châu, trình Chính
phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông
báo để Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- TTg, các Phó TTg Chính phủ;
- Các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Công Thương, Xây dựng;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Các Ngân hàng thương mại: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đầu tư và
Phát triển Việt Nam, Phát triển Việt Nam;
- Tổng công ty Lương thực miền Bắc;
- Tổng công ty Lương thực miền Nam;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh An Giang;
- VPCP: BTCN, các PCN, cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTN, KTTH, TKBT;
- Lưu: VT, ĐP (5).
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Phạm Văn Phượng
|