ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
62/2008/QĐ-UBND
|
Lào Cai, ngày 02
tháng 12 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14/6/2005;
Căn cứ Nghị định số 02/2003/ NĐ-CP ngày
14/01/2003 của Chính phủ về Quản lý phát triển chợ;
Căn cứ Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày
08/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm bắt buộc;
Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006
của Chính phủ Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ,
tổ chức bộ máy và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Quyết định số 22/2008/QĐ-BCT ngày
31/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy chế chợ biên giới, chợ cửa
khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu;
Căn cứ Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày
07/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới
với các nước có chung biên giới;
Căn cứ Thông tư số 06/2003/TT-BTM ngày 15/8/2003
của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và tổ chức của Ban quản lý chợ;
Căn cứ Quyết định số 772/2003/QĐ-BTM ngày
24/6/2003 của Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về việc ban hành
Nội quy mẫu về chợ;
Căn cứ Thông tư số 67/2003/TT-BTC ngày 11/7/2003
của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho Ban quản lý chợ, doanh
nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ;
Căn cứ Thông tư số 07/2003/TT-BKH ngày 11/9/2003
của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lập các dự án quy hoạch phát triển và đầu
tư xây dựng chợ;
Căn cứ Thông tư số 97/2006/TT-BTC ngày
16/10/2006 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định
của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 41/2007/TTLT - BTC
- BCA ngày 24/4/2007 liên bộ Bộ Tài chính - Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một
số điều của Nghị định 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006 quy định chế độ bảo hiểm
cháy, nổ bắt buộc;
Căn cứ Quyết định số 1843/2007/QĐ-UBND ngày
03/8/2007 của UBND tỉnh Lào Cai về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới
chợ trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2006- 2010, xét đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào
Cai tại Tờ trình số: 44/TTr-SCT ngày 02/10/2008 về việc xin phê duyệt Quy định
về tổ chức, quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Lào Cai,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này bản Quy định về tổ chức, quản
lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ngành: Công
Thương, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Cục
Thuế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Các thành viên Ban Quản lý
chương trình phát triển chợ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban
hành và thay thế Quyết định số: 203/2000/QĐ-UB ngày 12/7/2000 của UBND tỉnh Lào
Cai về việc ban hành quy chế tổ chức và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Lào
Cai./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Nguyễn Hữu Vạn
|
QUY ĐỊNH
VỀ
TỔ CHỨC, QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 62 /2008/QĐ-UBND ngày 02/12/2008 của Uỷ
ban nhân dân tỉnh Lào Cai)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp
dụng
Quy chế này qui định về tổ chức, quản lý và phát
triển chợ, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động về chợ trên
địa bàn tỉnh Lào Cai, bao gồm các lĩnh vực: Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ;
đầu tư xây dựng mới; sửa chữa, cải tạo nâng cấp chợ; hoạt động kinh doanh khai
thác và quản lý chợ; kinh doanh mua bán hàng hoá tại chợ.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
a) Các từ ngữ: “Phạm vi chợ”, “Chợ đầu mối”, “Chợ
kiên cố”, “Chợ bán kiên cố”, “Điểm kinh doanh” được hiểu theo quy định tại Điều
2 Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản
lý chợ.
b) Các từ ngữ: “Chợ biên giới”, “Chợ cửa khẩu”, “Chợ
trong khu kinh tế cửa khẩu” được hiểu theo Quyết định số 22/2008/QĐ-BCT ngày
31/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy chế chợ biên giới, chợ cửa
khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu .
c) Chợ họp thường xuyên : Là chợ họp tất cả các
ngày trong tuần.
d) Chợ phiên: Là chợ họp không thường xuyên, theo
phiên định kỳ vào các ngày cố định trong tuần hoặc trong tháng.
e) Vốn do Nhà nước đầu tư: Bao gồm vốn từ ngân sách
Trung ương, địa phương và các nguồn viện trợ không hoàn lại.
Điều 3. Phân loại chợ
1. Chợ loại 1: Là chợ có đủ điều kiện sau đây:
a) Có trên 400 điểm kinh doanh;
b) Được đầu tư xây dựng kiên cố, hiện đại theo quy
hoạch;
c) Nằm tại các trung tâm kinh tế, thương mại của tỉnh,
thành phố, thị xã thuộc tỉnh hoặc là chợ đầu mối của ngành hàng, của khu vực
kinh tế và được tổ chức họp thường xuyên;
d) Có mặt bằng phù hợp với qui mô hoạt động, có đầy
đủ các dịch vụ: Trông giữ xe, kho bảo quản, bốc xếp hàng hóa, dịch vụ đo lường,
dịch vụ kiểm tra chất lượng hàng hoá, vệ sinh an toàn thực phẩm và các dịch vụ
khác.
2. Chợ loại 2: Là chợ có đủ điều kiện sau đây:
a) Có từ 200 đến 400 điểm kinh doanh;
b) Được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố
theo quy hoạch;
c) Được đặt ở trung tâm giao lưu kinh tế của khu vực,
được tổ chức họp thường xuyên hoặc không thường xuyên;
d) Có mặt bằng phù hợp với qui mô hoạt động của chợ
và tổ chức các dịch vụ tối thiểu tại chợ: Trông giữ phương tiện, bốc xếp hàng
hoá, kho bảo quản hàng hoá, dịch vụ đo lường, vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Chợ loại 3: Là chợ có ít nhất một trong các điều
kiện sau đây:
a) Có dưới 200 điểm kinh doanh được xây dựng kiên cố
hoặc bán kiên cố;
b) Các chợ chưa được đầu tư xây dựng kiên cố và bán
kiên cố.
Chương II
QUI HOẠCH PHÁT TRIỂN VÀ
ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CHỢ
Điều 4. Quy hoạch phát triển chợ
1. Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ phải được xây
dựng và điều chỉnh kịp thời gắn liền với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội
từng thời kỳ của tỉnh Lào Cai, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội
của các huyện, thành phố trong tỉnh. Quy hoạch phát triển chợ phải được lập
theo những nguyên tắc cơ bản qui định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày
14/01/2003 của Chính phủ và được UBND tỉnh phê duyệt.
2. Tất cả các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo,
sửa chữa lớn, nâng cấp chợ phải thực hiện theo đúng Quy hoạch đã được UBND tỉnh
phê duyệt tại Quyết định số 1843/QĐ-UBND ngày 03/8/2007 về việc phê duyệt Quy
hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2006 - 2010,
xét đến năm 2020.
Điều 5. Đầu tư xây dựng chợ
1. Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước chỉ tập trung đầu
tư một số chợ sau:
a) Chợ đầu mối chuyên doanh tiêu thụ nông, lâm, thuỷ
sản ở các khu vực mà tỉnh có chính sách khuyến khích phát triển sản xuất.
b) Chợ các cụm xã, chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu
số với mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, xoá đói giảm nghèo, định
canh định cư của tỉnh.
c) Chợ loại 1 theo quy hoạch ở vị trí trọng điểm về
kinh tế - thương mại của tỉnh.
2. UBND tỉnh Lào Cai khuyến khích các tổ chức, cá
nhân và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư hoặc góp vốn cùng
đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn tỉnh.
3.Tổ chức kinh tế đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn
tỉnh Lào Cai thuộc các thành phần kinh tế, ngoài việc được thụ hưởng các chính
sách ưu đãi đầu tư theo Nghị định số: 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính
phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, còn được
thụ hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư khác do UBND tỉnh Lào Cai quy định, phù
hợp với từng thời kỳ, từng khu vực.
4. Tổ chức kinh tế đầu tư xây dựng chợ được quyền:
a) Huy động vốn của các tổ chức, cá nhân xây dựng
chợ trên cơ sở thoả thuận bằng văn bản với thương nhân đăng ký sử dụng hoặc
thuê địa điểm kinh doanh.
b) Sử dụng quyền sử dụng đất và các công trình
trong phạm vi chợ thuộc quyền sử dụng của mình để thế chấp vay vốn tín dụng
ngân hàng theo quy định hiện hành cho việc sửa chữa lớn, cải tạo, nâng cấp chợ.
Điều 6. Quy định về Dự án đầu
tư xây dựng chợ và bố trí các công trình trong phạm vi chợ
1. Các dự án xây dựng chợ mới hoặc sửa chữa lớn, cải
tạo, nâng cấp chợ phải tuân theo các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng,
ý kiến bằng văn bản của Sở Công Thương về quy hoạch và được cấp có thẩm quyền
phê duyệt.
2. Việc bố trí các công trình trong phạm vi chợ của
Dự án đầu tư xây dựng chợ phải thực hiện đúng các quy trình quy phạm về xây dựng
chợ, đồng thời phải đảm bảo các yêu cầu cụ thể sau:
a) Bố trí đầy đủ mặt bằng và các trang thiết bị phục
vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy theo quy định hiện hành.
b) Bố trí khu vực trồng cây xanh, các công trình cấp
thoát nước, khu vệ sinh công cộng, các thiết bị chiếu sáng, thông gió, khu gom
rác, bảo đảm vệ sinh môi trường trong phạm vi chợ.
c) Bố trí khu để phương tiện có diện tích phù hợp với
đặc điểm loại phương tiện, dung lượng người vào chợ bảo đảm trật tự, an toàn và
thuận tiện cho khách.
d) Bố trí mặt bằng thích hợp để xắp xếp các hộ, cá
nhân thuộc diện sản xuất nhỏ tự tiêu thụ sản phẩm của mình, hàng rong, quà vặt...
e) Đối với chợ loại 1, loại 2 và các chợ đầu mối
chuyên ngành phải bố trí khu kho bảo quản, cất giữ hàng hoá, phù hợp với các
quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy mô và tính chất của chợ.
g) Các công trình chợ phải được thiết kế, xây dựng
phù hợp với bản sắc văn hoá của đồng bào địa phương và cảnh quan của khu vực.
Chương III
QUẢN LÝ, KINH DOANH VÀ
KHAI THÁC CHỢ
Điều 7: Ban quản lý; tổ quản lý
chợ; doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ (áp dụng cho chợ do nguồn
vốn Nhà nước đầu tư)
Một đơn vị quản lý, khai thác chợ có thể đồng thời
quản lý nhiều chợ.
1. Ban quản lý chợ
Tất cả các chợ loại 1, loại 2, loại 3 họp thường
xuyên được xây dựng kiên cố đều phải thành lập Ban quản lý chợ.
Ban quản lý chợ là đơn vị sự nghiệp có thu; có tư
cách pháp nhân; có con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc nhà nước và trực thuộc
UBND cấp thẩm quyền quyết định thành lập theo quy định tại điều 15 Nghị định
02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 về phát triển và quản lý chợ.
a) Về biên chế:
Ban quản lý chợ loại 1: Có không quá 5 biên chế sự
nghiệp trong đó có 1 Trưởng ban; 1 đến 2 Phó trưởng ban và 1 kế toán.
Ban quản lý chợ loại 2: Có không quá 4 biên chế
trong đó có 1 Trưởng ban; 1 Phó trưởng ban và 1 kế toán.
Ban quản lý chợ loại 3: Có không quá 3 biên chế
trong đó có 1 Trưởng ban, 1 kế toán.
Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định giao chỉ tiêu biên
chế và bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật các chức danh Trưởng ban, Phó
trưởng ban và kế toán của chợ loại 1 theo đề nghị của Giám đốc sở Nội vụ.
Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định việc giao chỉ
tiêu biên chế và bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật các chức danh Trưởng
ban, Phó trưởng ban và kế toán của chợ loại 2 và chợ loại 3 theo đề nghị của
Trưởng phòng Nội vụ cấp huyện.
Tuỳ theo tính chất, đặc điểm, khối lượng công việc
và khả năng tài chính, Trưởng ban quản lý chợ quyết định việc tổ chức các bộ phận
chuyên môn nghiệp vụ giúp việc quản lý, điều hành chợ hoạt động và tổ chức các
dịch vụ tại chợ; ký kết hợp đồng tuyển dụng lao động; các hợp đồng khác với các
cơ quan, doanh nghiệp về đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi
trường, an ninh trật tự và an toàn thực phẩm trong phạm vi chợ theo quy định của
pháp luật.
b) Trưởng Ban quản lý chợ phải có trình độ chuyên
môn từ trung cấp kinh tế trở lên, cán bộ còn lại của Ban quản lý chợ phải qua
đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý hoạt động kinh doanh chợ.
c) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý
chợ thực hiện theo quy định của Thông tư số 06/2003/TT-BTM ngày 15/8/2003 của Bộ
Thương mại hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Ban quản lý chợ. Ngoài
ra Ban quản lý chợ còn có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với
tài sản chợ theo quy định tại Nghị định 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006 của
Chính Phủ quy định chế độ bảo hiểm bắt buộc và các văn bản hướng dẫn liên quan.
d) Ban quản lý chợ được áp dụng cơ chế tài chính
theo quy định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định
quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tài
chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản hướng dẫn liên quan.
2. Tổ quản lý chợ
Áp dụng cho chợ loại 3 họp không thường xuyên chưa
được đầu tư xây dựng kiên cố.
Tổ quản lý chợ: Do UBND cấp huyện thành lập hoặc giải
thể theo đề nghị của UBND cấp xã nơi có chợ. Tổ quản lý chợ có không quá 3 lao
động trong đó có 1 tổ trưởng, không thuộc biên chế sự nghiệp nhà nước, hoạt động
theo chế độ kiêm nhiệm hoặc không kiêm nhiệm.
Tổ quản lý chợ có nhiệm vụ:
- Bố trí sắp xếp địa điểm kinh doanh trong chợ.
- Xây dựng nội quy chợ trình UBND cấp huyện phê duyệt
và tổ chức điều hành hoạt động chợ theo nội quy.
- Tổ chức đảm bảo phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi
trường, an ninh trật tự và an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Tổ chức dịch vụ trông giữ phương tiện.
- Tổ chức thu nộp tiền thuê địa điểm kinh doanh và
các loại phí và lệ phí theo quy định của pháp luật.
- Quản lý tài sản của chợ.
3. Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh khai thác và
quản lý chợ
a) Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh khai thác và
quản lý chợ:
Là đơn vị được thành lập, đăng ký kinh doanh, hoạt
động theo quy định của pháp luật có đăng ký kinh doanh khai thác và quản lý chợ,
được UBND cấp có thẩm quyền giao hoặc trúng thầu khi tham gia đấu thầu lựa chọn
đơn vị khai thác, quản lý chợ.
b) Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh khai thác và
quản lý chợ có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo quy định dưới
đây:
- Tổ chức kinh doanh các dịch vụ tại chợ.
- Bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh
môi trường, an ninh trật tự và an toàn vệ sinh thực phẩm trong phạm vi chợ.
- Xây dựng nội quy chợ theo quy định tại Điều 9 Quy
định này để trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp quản lý chợ; tổ
chức điều hành chợ hoạt động theo Nội quy chợ và xử lý về vi phạm Nội quy chợ.
- Bố trí, sắp xếp các khu vực kinh doanh bảo đảm
các yêu cầu về trật tự, vệ sinh, văn minh thương mại và phù hợp với yêu cầu của
thương nhân kinh doanh tại chợ.
- Ký hợp đồng với thương nhân về việc thuê, sử dụng
địa điểm kinh doanh tại chợ và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức thông tin kinh tế, phổ biến chính sách,
quy định của pháp luật và nghĩa vụ đối với Nhà nước của thương nhân kinh doanh
tại chợ theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
- Tổng hợp tình hình hoạt động kinh doanh tại chợ
và báo cáo định kỳ cho các cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định.
c) Cơ chế tài chính áp dụng cho doanh nghiệp, hợp
tác xã kinh doanh khai thác và quản lý chợ thực hiện theo quy định tại Thông tư
số 67/2003/TT-BTC ngày 11/7/2003 của Bộ Tài chính;
Điều 8. Quản lý, kinh doanh
khai thác chợ không thuộc nguồn vốn do Nhà nước đầu tư
Chợ do các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, doanh
nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng (đơn vị đầu tư chợ) tổ chức kinh
doanh khai thác và quản lý chợ theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và theo quy
định tại Điểm b Khoản 3 Điều 7 Quy định này.
Điều 9. Nội quy chợ
Tất cả các chợ đều phải có Nội quy chợ. Nội quy chợ
được xây dựng trên cơ sở các quy định tại Điều 10 Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày
14/01/2003 của Chính phủ, Quyết định số 772/2003/QĐ-BTM ngày 24/6/2003 về việc
ban hành Nội quy mẫu về chợ của Bộ Thương mại và hướng dẫn cụ thể của Sở Công
thương.
Điều 10. Quy định về điểm kinh
doanh
1. Điểm kinh doanh tại chợ bao gồm:
a) Điểm kinh doanh giao cho thương nhân sử dụng
kinh doanh trong trường hợp có hợp đồng góp vốn giữa thương nhân với đơn vị đầu
tư chợ để đầu tư xây dựng chợ. Loại này có thời gian sử dụng cùng với thời gian
của dự án được duyệt.
b) Điểm kinh doanh cho thương nhân thuê để kinh
doanh: Được hình thành như sau:
- Điểm kinh doanh do đơn vị quản lý chợ tổ chức bốc
thăm vị trí theo phương án giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các
thương nhân đã thuê địa điểm trước khi đầu tư xây dựng lại chợ và các hộ phải
giải toả di dời do đầu tư nâng cấp, xây mới chợ có nhu cầu thuê điểm kinh doanh
trong chợ: Loại này có kỳ hạn là 5 năm và thanh toán 1 lần trước khi nhận địa
điểm kinh doanh.
- Điểm kinh doanh cho thuê trên cơ sở kết quả đấu
thầu khi số lượng điểm kinh doanh ít hơn hoặc bằng số lượng thương nhân đăng ký
sử dụng. Loại này có kỳ hạn là 5 năm và thanh toán 1 lần trước khi nhận địa điểm
kinh doanh.
- Điểm kinh doanh do đơn vị quản lý chợ bố trí xắp
xếp khi số lượng điểm kinh doanh lớn hơn số lượng thương nhân đăng ký sử dụng.
Loại này có kỳ hạn tối thiểu là 3 năm, tiền thuê trả theo tháng và được thanh
toán vào ngày 25 hàng tháng.
2. Diện tích điểm kinh doanh tại chợ:
a) Diện tích tối thiểu của mỗi điểm kinh doanh tại
chợ dành cho ngành hàng rau hoa, quả và thực phẩm tươi sống là 3m2.
b) Diện tích tối thiểu của mỗi điểm kinh doanh tại
chợ loại 1, loại 2 dành cho ngành hàng không phải rau, hoa, quả và thực phẩm
tươi sống là 9m2, đối với chợ loại 3 được xây dựng kiên cố là 6 m2.
3. Nguyên tắc bố trí địa điểm kinh doanh:
a) Ưu tiên bố trí đủ địa điểm kinh doanh cho các
thương nhân đã thuê điểm kinh doanh tại chợ và các hộ phải giải toả di dời trước
khi đầu tư xây dựng lại chợ theo mức giá thuê do đơn vị quản lý khai thác chợ
xây dựng trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt. Giá thuê cho từng điểm kinh
doanh được xác định trên cơ sở chi phí đầu tư hợp lý và hệ số lợi thế thương mại.
b) Trừ trường hợp quy định tại điểm a; tiết thứ nhất
và tiết thứ ba điểm b khoản 1 Điều này, tất cả mọi thương nhân lần đầu thuê địa
điểm kinh doanh tại chợ được đầu tư kiên cố đều phải tham gia đấu thầu trực tiếp.
Mức giá cho thuê địa điểm kinh doanh là kết quả đấu thầu trực tiếp theo vị trí
điểm kinh doanh.
4. Kết thúc mỗi kỳ hạn thuê địa điểm, đơn vị quản
lý khai thác chợ xây dựng phương án giá thuê địa điểm kinh doanh phù hợp với mặt
bằng giá thời điểm, trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ưu tiên cho thương
nhân đang kinh doanh tại điểm đó tiếp tục thuê để bán hàng. Trường hợp thương
nhân đã thuê kỳ trước không có nhu cầu thuê lại thì tổ chức đấu thầu để thu hút
thương nhân khác.
5. Thương nhân đã ký hợp đồng và trả tiền thuê địa
điểm nhưng trong thời gian quá 12 tháng liên tục kể từ ngày nhận địa điểm kinh
doanh không tổ chức kinh doanh, đơn vị quản lý, khai thác chợ được quyền thanh
lý hợp đồng phần thời gian còn lại mà không phải bồi thường cho thương nhân.
6. Đơn vị quản lý khai thác chợ có trách nhiệm lập
phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng địa điểm kinh doanh tại
chợ, trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ký hợp đồng với thương nhân được
giao, thuê địa điểm kinh doanh tại chợ.
Điều 11. Quy định đối với
thương nhân kinh doanh tại chợ
Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập
hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có
đăng ký kinh doanh.
1. Thương nhân kinh doanh tại chợ phải thực hiện
theo phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh của chủ thể quản lý chợ.
2. Thương nhân kinh doanh tại chợ ngoài việc chấp
hành các qui định của pháp luật còn phải thực hiện nội quy chợ và chịu sự quản
lý của chủ thể quản lý chợ.
3. Thương nhân được sang nhượng điểm kinh doanh hoặc
cho thương nhân khác thuê lại điểm kinh doanh với thời gian sang nhượng, cho
thuê phù hợp với thời hạn còn lại của hợp đồng. Việc sang nhượng điểm kinh
doanh chỉ được thực hiện khi có xác nhận của đơn vị quản lý khai thác chợ về việc
hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến địa điểm sang nhượng. Người mua,
thuê lại điểm kinh doanh được hưởng các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký với
đơn vị quản lý khai thác chợ.
4. Thương nhân có điểm kinh doanh hợp pháp tại chợ
(trừ điểm kinh doanh theo quy định tại tiết thứ 3 điểm b khoản 1 Điều 10) có thể
sử dụng điểm kinh doanh để thế chấp vay vốn kinh doanh tại các ngân hàng thương
mại theo quy định của pháp luật.
5. Thương nhân phải tự giác mua bảo hiểm hàng hoá của
mình kinh doanh tại các chợ.
6. Những người thuộc diện sản xuất nhỏ, tự tiêu thụ
sản phẩm của mình (nông dân, thợ thủ công...) và những người buôn bán nhỏ, hàng
rong, quà vặt được bố trí bán hàng trong chợ tại khu vực riêng dành cho người
kinh doanh không thường xuyên.
7. Thương nhân của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa
kinh doanh tại các chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu
của tỉnh Lào Cai: Phải được Sở Công thương hoặc cơ quan do Sở Công thương uỷ
quyền (đối với chợ biên giới, chợ cửa khẩu) hoặc Ban Quản lý kinh tế cửa khẩu
(nếu là chợ trong khu kinh tế cửa khẩu) cấp Giấy phép kinh doanh tại các chợ
này theo quy định hiện hành.
Điều 12. Quy định về hàng hoá,
dịch vụ
1. Quy định chung về hàng hoá dịch vụ kinh doanh tại
chợ:
Hàng hoá, dịch vụ kinh doanh tại chợ: Là hàng hoá,
dịch vụ không thuộc danh mục pháp luật cấm kinh doanh, đồng thời không thuộc
các loại sau đây:
a) Hàng hoá có chứa chất phóng xạ và thiết bị phát
bức xạ ion hoá.
b) Các loại vật liệu nổ, các loại chất lỏng dễ gây
cháy nổ như: xăng, dầu (trừ dầu hoả thắp sáng) khí đốt hoá lỏng (gas), các loại
khí nén.
c) Các loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục hạn
chế kinh doanh.
d) Các loại hoá chất độc hại thuộc danh mục kinh
doanh có điều kiện.
e) Đối với hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài mua
bán, trao đổi tại chợ phải tuân thủ chế độ quản lý xuất nhập khẩu.
2. Hàng hoá lưu thông trong chợ cửa khẩu, chợ biên
giới, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu:
Ngoài thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này
còn phải thực hiện theo quy định tại Điều 10 Quyết định số 22/2008/QĐ-BCT ngày
31/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc ban hành Quy chế chợ biên giới,
chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu trên đất liền giữa Việt Nam với
các nước có chung biên giới.
Chương IV
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHỢ
Điều 13. Trách nhiệm của Sở
Công thương
1. Trình UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng địa
điểm kinh doanh và bố trí, sắp xếp các ngành nghề kinh doanh tại chợ loại 1.
2. Trình UBND tỉnh Quy định cụ thể việc sử dụng,
thuê, thời hạn và các biện pháp quản lý địa điểm kinh doanh tại chợ.
3. Tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng qui hoạch, quản
lý qui hoạch mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh.
4. Tổ chức điều tra phân loại lại tất cả các chợ
theo quy định tại Điều 3 Quy định này trình UBND tỉnh quyết định.
5. Phối hợp quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp
vụ về chợ đối với các chủ thể kinh doanh khai thác và quản lý chợ.
6. Phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các
huyện, thành phố lập phương án và kế hoạch tổ chức từng bước chuyển giao tất cả
các loại chợ sang doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ.
7. Thực hiện cấp Giấy phép kinh doanh hoặc uỷ quyền
cấp Giấy phép kinh doanh cho các thương nhân nước ngoài tại các chợ biên giới,
chợ cửa khẩu.
8. Trình UBND tỉnh ban hành Nội quy chợ mẫu và phê
duyệt Nội quy chợ loại 1. Hướng dẫn xây dựng Nội quy phù hợp với từng loại chợ.
9. Chấp thuận bằng văn bản điểm quy hoạch các dự án
đầu tư xây dựng chợ.
10. Là đầu mối tổ chức đào tạo chuyên môn nghiệp vụ
cho các đối tượng công tác tại các chủ thể kinh doanh khai thác và quản lý chợ
và thương nhân kinh doanh tại chợ.
11. Tổng hợp, báo cáo hoạt động của chợ với UBND tỉnh
và Bộ Công thương.
Điều 14. Trách nhiệm của Ban
Quản lý kinh tế cửa khẩu
Cấp Giấy phép kinh doanh cho các thương nhân nước
ngoài tại các chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu theo quy định.
Điều 15. Trách nhiệm của Sở Kế
hoạch và Đầu tư
1. Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan xây dựng
chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh chợ. Hằng năm bố trí vốn
chương trình mục tiêu cho đầu tư xây dựng các chợ nông thôn, vùng sâu, vùng xa
theo quy hoạch được duyệt.
2. Trình UBND tỉnh Quyết định giao hoặc tổ chức đấu
thầu, lựa chọn doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh khai thác và quản lý chợ và phê
duyệt dự án xây dựng chợ từ vốn ngân sách nhà nước có giá trị trong thẩm quyền
quyết định của UBND tỉnh.
Điều 16. Trách nhiệm của Sở
Tài chính
1. Trên cơ sở phương án sử dụng địa điểm kinh doanh
đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và kết quả đấu thầu địa điểm kinh doanh báo
cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định mức phí chợ hoặc tiền thuê, sử dụng địa
điểm kinh doanh theo thẩm quyền.
2. Triển khai hướng dẫn thống nhất cơ chế tài chính
của các Ban quản lý chợ theo quy định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày
25/4/2006 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Điều 17. Trách nhiệm của Sở Nội
vụ
Trình UBND tỉnh Quyết định thành lập, giải thể và
quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn, tổ chức của Ban quản lý chợ loại 1 do
Nhà nước đầu tư.
Điều 18. Các sở ngành liên quan khác: Triển khai các nhiệm vụ liên
quan thuộc chức năng trong công tác tổ chức, quản lý, phát triển chợ.
Điều 19. Trách nhiệm của UBND
huyện, thành phố
1. Phê duyệt dự án xây dựng chợ từ vốn ngân sách
nhà nước có giá trị trong thẩm quyền quyết định của UBND cấp huyện.
2. Quyết định thành lập, giải thể và qui định chức
năng nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban quản lý chợ loại 2, chợ loại 3
và Tổ quản lý chợ được đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước.
3. Phê duyệt phương án sử dụng địa điểm kinh doanh
và bố trí, sắp xếp các ngành nghề kinh doanh tại chợ của chợ loại 2 và loại 3:
4. Phê duyệt nội quy các chợ loại 2, chợ loại 3.
5. Tổng hợp, báo cáo hoạt động của chợ trên địa bàn
với Sở Công thương và UBND tỉnh.
Điều 20. Trách nhiệm của UBND
xã, phường, thị trấn
Quản lý các chợ loại 3 và phối hợp với các cơ quan
cấp tỉnh, huyện quản lý các hoạt động chợ trên địa bàn.
1. Trình UBND cấp huyện Quyết định thành lập, giải
thể và qui định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Tổ quản lý chợ
và quản lý hoạt động của Tổ quản lý chợ.
2. Phê duyệt dự toán thu chi, báo cáo quyết toán
thu chi cho Tổ quản lý chợ.
3. Tổng hợp, báo cáo hoạt động của chợ phiên trên địa
bàn với UBND cấp huyện.
4. Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan tới hoạt động
chợ theo quy định của pháp luật.
Chương V
KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM
VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 21. Khen thưởng
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng
phát triển và quản lý chợ được khen thưởng theo qui định của Nhà nước và của
UBND tỉnh Lào Cai.
Điều 22. Xử lý vi phạm
Các tổ chức, cá nhân hoạt động quản lý, kinh doanh,
khai thác chợ và các đối tượng tham gia mua bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ và
các hoạt động khác tại chợ vi phạm các quy định pháp luật và quy định này tuỳ
theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, thu hồi địa điểm kinh doanh, bồi
thường thiệt hại và nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định
của pháp luật.
Các vi phạm pháp luật tại chợ được xử lý theo quy định
hiện hành của pháp luật.
Các vi phạm Nội quy chợ do chủ thể quản lý chợ xử
lý theo quy định của Nội quy chợ.
Điều 23. Tổ chức thực hiện
Giao cho Sở Công thương chủ trì phối hợp với Sở Kế
hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Nội vụ, UBND các
huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện quy chế này.
Trong quá trình thực hiện có vướng mắc hoặc cần điều
chỉnh, bổ sung, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Sở Công
thương để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.