ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2386/2006/QĐ-UBND
|
Việt Trì, ngày
29 tháng 8 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY HOẠCH ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TỈNH
PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2006-2010
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26
tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 874/TTg ngày 20/11/1996 của
Thủ tướng Chính phủ về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 161/2003/QĐ- TTg ngày
4/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,
công chức;
Căn cứ Quyết định số 03/2004/QĐ-TTg ngày 04/8/2004
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,
công chức xã, phường, thị trấn đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg ngày
15/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức giai đoạn 2006-2010;
Xét đề nghị của Gám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy hoạch đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006- 2010.
Điều 2. Giao sở Nội vụ căn cứ nội dung quy hoạch, chủ trì, phối hợp
với sở Kế hoạch & Đầu tư , Sở Tài chính xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức hàng năm trình UBND tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng
UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài
chính, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định
này.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Doãn Khánh
|
QUY HOẠCH
ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN
2006 – 2010
( Ban hành kèm theo Quyết định số: 2368/2006/QĐ-UBND ngày 29 tháng 8 năm
2006 của UBND tỉnh Phú Thọ)
Căn cứ Quyết định số 874/TTg ngày 20/11/1996 của
Thủ tướng Chính phủ về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước;
Thông tư liên tịch số 79/TTLT ngày 19/9/1997 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (
nay là Bộ Nội vụ) – bộ Kế hoạch và Đầu tư – Bộ Tài chính – Bộ Giáo dục và Đào tạo
hướng dẫn thực hiện Quyết định số 874/TTg ngày 20/11/1996;
Căn cứ Quyết định số 161/2003/QĐ- TTg ngày
4/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,
công chức;
Căn cứ Quyết định số 03/2004/QĐ-TTg ngày
04/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng quy hoạch đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg ngày
15/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức giai đoạn 2006-2010;
UBND tỉnh Phú Thọ xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006- 2010 như sau:
Phần I
THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ,
CÔNG CHỨC
1. Thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức ( có
biểu số 1 đính kèm)
1.1. Cán bộ, công chức khối QLNN cấp tỉnh,
huyện:
- Số lượng: Tổng số cán bộ, công chức khối
QLN cấp tỉnh, huyện là 1.790 người. Trong đó cơ cấu ngạch: Chuyên viên cao cấp:
10 người; Chuyên viên chính: 301 người; chuyên viên: 909 người; cán sự: 429 người;
còn lại 151 người.
Qua điều tra khảo, sát cho thấy số lượng cán bộ,
công chức ở nhiều cơ quan vẫn trong tình trạng vừa thừa, vừa thiếu; thiếu cán bộ,
công chức hành chính chuyên ngành có trình độ học vấn cao, cán bộ quản lý giỏi
trong khi đó vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức không đủ phẩm chất, năng lực
yếu, không đáp ứng được yêu cầu công việc.
- Độ tuổi: Dưới 30 tuổi: 226 người=
12,62%; từ 30 đến dưới 50 tuổi: 1.143 người= 63,85%; trên 50 tuổi: 421 người=
23,51%.
Về độ tuổi hiện nay tương đối hợp lý và có tính
kế thừa, do trong những năm gần đây, các cơ quan, đơn vị đã trú trọng công tác
tuyển dụng cán bộ trẻ, có trình độ chuyên môn phù hợp, năng động, để thay thế dần
cán bộ, công chức đến tuổi nghỉ hưu, nhưng hầu hết số cán bộ này chưa được bồi
dưỡng các kiến thức về QLNN cũng như các kiến thức bổ trợ khác nên hiệu quả
công việc chưa cao.
- Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ: 5 người=
0,27%; thạc sĩ: 50 người= 2,79%; đại học: 1.205 người= 67,31%; cao đẳng: 33 người
= 1,84%; trung cấp: 364 người= 20,33%; còn lại: 133 người= 8,21%.
Trên thực tế đội ngũ cán bộ, công chức có trình
độ học vị cao tỷ lệ còn thấp, trình độ đại học 67,31% số cán bộ, công chức này
được đào tạo từ nhiều nguồn với nhiều chuyên ngành khác nhau và việc tuyển chọn
trước đây có lúc chưa được chuẩn hóa hoặc do chưa xây dựng được cơ cấu công chức
chuẩn nên không ít cán bộ, công chức công việc đang đảm nhiệm khác với chuyên
ngành được đào tạo, còn có những công chức chưa đủ bằng cấp theo quy định tiêu
chuẩn nghiệp vụ của ngạch đang đảm nhiệm, từ đó ảnh hưởng không ít tới chất lượng
công việc.
- Lý luận chính trị: Cử nhân và cao cấp
353 người= 19,72%; trung cấp 505 người = 28,21%; hầu hết cán bộ, công chức được
đào tạo về lý luận chính trị là cán bộ quản lý, lãnh đạo; cán bộ, công chức
chuyên môn được đào tạo lý luận chính trị cao cấp còn ít; trong số trình độ
chính trị trung cấp có một bộ phận công chức có bằng đại học kinh tế được tính
tương đương trung cấp lý luận chính trị ( theo Quy định số 12QĐ/CT-TTVH ngày
9/01/2004 của Ban Tổ chức – Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương).
- Quản lý Nhà nước (QLNN): Công chức được
bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước từng ngạch như sau: Chuyên viên cao cấp:6/10
người; chuyên viên chính; 173/301 người; chuyên viên 474/909 người; cán sự
222/429 người.
Hàng năm, căn cứ số lượng, chỉ tiêu phân bổ của
Sở Nội vụ cho ngạch chuyên viên cao cấp và chuyên viên chính, tỉnh đã cử cán bộ
dự các khóa bồi dưỡng kiến thức QLNN chương trình chuyên viên cao cấp, chuyên
viên chính do Bộ Nội vụ tổ chức và mở các lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên, cán
sự tại tỉnh nên cán bộ, công chức đã từng bước đạt được chuẩn so với quy định của
từng chức danh ngạch,
- Ngoại ngữ, tin học: Số cán bộ, công chức
làm chuyên môn, nghiệp vụ hầu hết đã được đào tạo về ngoại ngữ, tin học; số
công chức trẻ, mới tuyển dụng được đào tạo ngoại ngữ, tin học trước khi được tuyển
dụng vào biên chế, chứng tỏ mỗi công chức đã ý thức tự hoàn thiện về trình độ để
theo kịp với xu hướng phát triển chung của xã hội.
- Cơ cấu giới: Số lượng cán bộ nữ của khối
QLNN có 395/1.790 người = 22,06%, số cán bộ, công chức này đã dần dần được sử dụng
đúng chuyên ngành đào tạo và tự khẳng định được vị trí của mình trong giải quyết
công việc.
- Dân tộc: Tổng số cán bộ , công chức là
người dân tộc thiểu số thuộc khối QLNN cấp tỉnh, huyện 98 người ( đa số dân tộc
Mường, Thái)
- Về lý luận chính trị: trình độ cao cấp:24/98
người = 24,5 %; Trung cấp 21/98 người = 21,4%
- Chuyên môn, nghiệp vụ: Trình độ thạc sĩ 2/98
người = 2%; đại học:67/98 người = 68,37%; trung cấp 16/98 người = 16,33%.
Số cán bộ, công chức này đang công tác tại các
cơ quan QLNN của huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thủy, VĂn phòng
UBND tỉnh, Sở Giáo dục – Đào tạo, Y tế, Ban Dân tộc- Tôn giáo.
1.2. Cán bộ, công chức cấp xã:
Cán bộ chuyên trách: Tổng số 2.799 người.
Trong đó:
- Trình độ chuyên môn: Đại học: 186 người = 5,77%;
cao đẳng 23 người = 0,82%; trung cấp 676 người = 24,15%; sơ cấp: 385 người =
13,75%; chưa qua đào tạo; 1.529 người = 54,62%.
- Lý luận chính trị: Trung cấp: 1.484 người =
53.01%; sơ cấp 734 người = 26,22,%.
- Quản lý Nhà nước: 96,5% đã được bồi dưỡng kiến
thức về QLNN cho các chức danh chuyên trách theo chương trình ngắn hạn ( thời
gian học 15 ngày)tại trường Chính trị, các Trung tâm Chính trị huyện.
- Về độ tuổi: Dưới 30 tuổi: 124 người; từ 31-45
tuổi: 1.170 người; từ 45-60 tuổi”1.399 người; trên 60 tuổi: 106 người. Số cán bộ
trên 60 tuổi chủ yếu là ở các chức danh đoàn thể như Cựu chiến binh.
Công chức: Tổng số 2.192 người
- Trình độ chuyên môn: Đại học: 154 người=
7.02%; cao đẳng 40 người = 1,82%; trung cấp: 915 người=41,74%; sơ cấp:261 người
= 11,9%; chưa qua đào tạo: 822 người= 37,5%.
- Lý luận chính trị: Cử nhân, cao cấp: 04 người=
0,18%; trung cấp: 584 người = 26,64%; sơ cấp: 527 người = 24,04%.
- Quản lý Nhà nước: Đã được bồi dưỡng 50%.
Cán bộ, công chức cấp xã về chuyên môn tỷ lệ
chưa qua đào tạo còn cao, nhất là cán bộ chuyên trách ( 1.529/2.799 người=
54,62%; công chức 822/2.192 = 37,5%) chưa đạt so với yêu cầu đặt ra, làm việc
chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên còn hạn chế trong công tác quản lý, điều hành
và thực thi công vụ. Nguyên nhân là do lịch sử để lại, cán bộ cấp xã khi được
tuyển dụng chưa được tiêu chuẩn hóa, trong khi nguồn cán bộ được đào tạo ở các
xã còn rất nhiều. Những năm gần đây, tỉnh có chủ trương đưa sinh viên tốt nghiệp
đại học, cao đẳng về hợp đồng làm việc tại cấp xã, trong năm 2005 có 70/137 người
đã được tuyển dụng vào biên chế cấp xã nên dần dần thay thế số cán bộ, công chức
không có trình độ.
Từ phân tích trên có thể đánh giá khái quát những
hạn chế của cán bộ, công chức cấp xã là: thiếu cán bộ chủ chốt có trình độ
chuyên môn và học vị cao; thiếu kiến thức về lý luận chính trị, QLNN, quản lý
kinh tế, còn có tư tưởng làng xã, cục bộ địa phương; 50% cán bộ chuyên trách tuổi
đã cao, ngại đi học ( tuổi từ 45- 60 là 1.399 người= 49,98%) Năm 2005, số cán bộ,
công chức chưa qua đào tạo tuy có giảm so với năm 2004 ( cán bộ chuyên trách giảm
17,4%; công chức giảm 12,25%) song tỷ lệ cán bộ, công chức chưa qua đào tạo vẫn
còn cao ( cán bộ chuyên trách 54,62%, công chức 37,5%), từ đó đặt ra cho công
tác đào tạo phải dần dần khắc phục được những hạn chế để từng bước chuẩn hóa đội
ngũ cán bộ, công chức cấp xã, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức
trong hệ thống chính trị ở cơ sở.
1.3. Đánh giá:
Ưu điểm:
- Đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay được rèn
luyện trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa có bản lĩnh chính trị vững
vàng, có truyền thống đoàn kết, nhất là trong điều kiện cuộc sống còn nhiều khó
khăn và có nhiều tác động tiêu cực, mặt trái của cơ chế thị trường nhưng đa số
cán bộ, công chức vẫn giữ được phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, quan tâm,
chăm lo đến sự nghiệp chung.
- Đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện về
trình độ chuyên môn hầu hết được đào tạo chuẩn, một số được đào tạo trên chuẩn,
được phân công đúng chuyên ngành đào tạo nên phát huy được hiệu quả và chất lượng
công việc.
- Nhược điểm:
- Nhìn chung đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay
của tỉnh cơ bản vẫn còn bị thiếu hụt về trình độ lý luận chính trị, kiến thức
QLNN, ngoại ngữ, tin học, quản lý kinh tế và các kiến thức bổ trợ khác; một số
tuy đã đạt chuẩn so với quy định từng chức danh ngạch công chức, nhưng do chất
lượng đào tạo hoặc được đào tạo cơ bản nhưng ít được sử dụng nên kiến thức dần
bị mai một, không phát huy được hiệu quả ( ví dụ như trình độ ngoại ngữ, tin học).
- Hầu hết cán bộ, công chức chưa được bồi dưỡng
về trình độ và phương pháp quản lý kinh tế nên phần nào chưa đáp ứng được yêu cầu
nhiệm vụ; còn bất cập về nhiều lĩnh vực như: Kinh tế thị trường, QLNN, pháp luật,
kỹ năng hành chính, ngoại ngữ, tin học cũng như tri thức khoa học và công nghệ
hiện đại. Một bộ phận do trình độ hoặc do tuổi cao nên không có ý thức vươn lên
để tự hoàn thiện mình đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, một số cán bộ còn có
biểu hiện chạy theo bằng cấp nhiều hơn là học để nâng cao trình độ, nhất là cán
bộ, công chức cấp xã nên chất lượng giải quyết công việc còn thấp. Một số bộ phận
cán bộ, công chức sa sút về phẩm chất chính trị, tha hóa về đạo đức, lối sống,
quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân, gây nên những bức xúc, bất bình
trong nhân dân, cản trở quá trình cải cách hành chính và phát triển kinh tế -
xã hội của địa phương, đơn vị.
- Chưa xây dựng được tỷ lệ hợp lý giữa các độ tuổi,
cán bộ chủ chốt tuổi đời bình quân cao, hầu hết số cán bộ, công chức cao cấp,
công chức lãnh đạo đều ở độ tuổi trên 55, lực lượng cán bộ trẻ có kiến thức, có
trình độ học vấn tham gia lãnh đạo, quản lý còn ít.
- Công tác tham mưu, đề xuất của cán bộ, công chức
còn hạn chế, năng lực làm việc của một số cán bộ, công chức còn chưa cập với
yêu cầu đặt ra, mặc dù được đào tạo ở các trường, lớp chính quy; kiến thức QLNN
trong nền kinh tế thị trường vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.
- Cán bộ, công chức cấp xã hiện nay vừa thừa, vừa
thiếu, vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ ( chủ yếu là trình độ trung cấp,; chức
danh Trưởng Công an xã hầu hết chưa qua đào tạo nghiệp vụ), có nơi bố trí cán bộ
làm công tác chuyên môn nghiệp vụ không đúng chuyên ngành được đào tạo hoặc bố
trí cán bộ không có bằng cấp.
Nguyên nhân:
- Công tác xây dựng quy hoạch, đào tạo cán bộ dự
nguồn ở các sở, ngành, các huyện, thành, thị còn chậm, hầu hết chưa có. Một số
cơ quan, đơn vị, Thủ trưởng chưa quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng để
nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức, chưa kiên quyết thực hiện
tiêu chuẩn hóa chức danh ngạch công chức theo quy định của Chính phủ.
- Ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị chưa bám
sát tiêu chuẩn quy định từng chức danh công chức để tuyển dụng hoặc phân công
nhiệm vụ nên chưa phản ánh đúng thực chất trình độ của cán bộ, công chức. Vì vậy,
việc đánh giá, đề bạt, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức chưa nhất quán, nhiều
lúc còn phiến diện, cảm tính và chưa chuẩn xác.
- Công tác quản lý cán bộ chưa có sự liên kết và
hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ; việc quản lý cán
bộ, công chức còn yếu vì chưa có cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất để tổng hợp,
phân tích, đánh giá chất lượng thực tế của toàn đội ngũ cán bộ, công chức nên
việc xây dựng quy hoạch, chính sách cũng như dự báo xu hướng phát triển còn thiếu
số liệu và thiếu căn cứ để tổng hợp.
- Kinh phí, chế độ, chính sách đầu tư cho công
tác đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế.
2. Kết quả thực hiện quy hoạch đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2001-2005 ( có biểu số 2 đính kèm).
Thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2001 – 2005, các cáp, các ngành đã tổ
chức triển khai thực hiện đạt kết quả cụ thể như sau:
2.1. Lý luận chính trị:
- Đào tạo sau đại học chính trị: 6/10 người =
60% chỉ tiêu quy hoạch
- Lý luận chính trị cao cấp: 352/320 người =
110%, đối tượng là cán bộ lãnh đạo sở, ngành, lãnh đạo UBND các huyện, thành,
thị và cán bộ trong diện dự nguồn phát triển.
Trung cấp chính trị: 2.056/1.400 người = 147%, gồm
cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện,xã.
2.2. Quản lý Nhà nước.
- Đào tạo sau đại học: 1/15 người = 6,6,%.
- Đào tạo sau đại học hành chính: 140/50 người =
280% ( mới mở 1 kháo năm 2005 cho 100 học viên tham gia).
- Trung cấp hành chính: Đào tạo được 185/200 học
viên = 92,5%
- Bồi dưỡng và thi chuyển ngạch CVC lên ngạch
chuyên viên cao cấp : 6 công chức là Giám đốc, Phó Giám đốc các sở, ngành dự học
và thi đạt kết quả tốt.
- Ngạch chuyên viên chính: 94/150 = 62,6%
- Ngạch chuyên viên: 341/300 = 104,7%
- Ngạch cán sự: 165/200 = 82,5 %
- Bồi dưỡng kiến thức QLNN cho cán bộ, công chức
cơ sở: 490/480 = 102%
- Bồi dưỡng kỹ năng thực hành công vụ cho cán bộ,
công chức cấp xã 1.535/1350 = 113,7%.
2.3. Chuyên môn nghiệp vụ:
- Đào tạo trình độ sau đại học: 25/18 người =
140%
- Trình độ đại học: 140/90 người = 155,5%
- Trình độ trung cấp: 384/350 người = 109%
- Đào tạo ngoại ngữ cho 98/250 = 39,2% cho cán bộ
lãnh đạo chủ chốt, cán bộ quản lý cấp tỉnh, huyện.
- Tin học 450/250 người = 180% ( cả đào tạo tin
học theo Đề án 112 của tỉnh)
Chất lượng cán bộ, công chức qua các khóa đào tạo
đều được đánh giá tốt, 100% đạt yêu cầu, trong đó có 60 – 70 % đạt khá giỏi.
Khi trở về đơn vị công tác đảm đương công việc và được đề bạt giữ nhiều vị trí
quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
2.4. Kết quả đào tạo kiến thức hội nhập kinh
tế quốc tế:
Thực hiện Quyết định 137/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ về kế hoạch đào tạo , bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác hội nhập
kinh tế quốc tế giai đoạn 2003 – 2010, UBND tỉnh đã tổ chức triển khai đào tạo,
bồi dưỡng. Kết quả như sau:
- Mở 01 lớp bồi dưỡng kiến thức về kinh tế thị
trường, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới cho 63 người là Giám đốc, các Phó
Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện, thành, thị; trưởng,
phó các đoàn thể; Giám đốc, Phó Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh
quản lý.
- Phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược chính
sách công nghiệp mở 01 lớp cho 51 người là Giám đốc, Phó Giám đốc, kế toán trưởng
doanh nghiệp Nhà nước, bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực cạnh tranh của
doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế với khu vực và quốc tế.
- Phối hợp với Bộ Thương mại, Cục Xúc tiến
thương mại thuộc Bộ Thương mại mở các lớp bồi dưỡng cho các đối tượng là cán bộ,
công chức; cán bộ công nhân và viên chức lao động trong ngành thương mại; các
lãnh đạo và cán bộ chủ chốt các đơn vị sản xuất kinh doanh mở các lớp bồi dưỡng
như:
- Nâng cao kỹ năng tiếp cận tín dụng trung và
dài hạn: 70 học viên.
- Tiếp cận và khai thác thị trường Mỹ - ASEAN:
50 học viên.
- Sử dụng và quản lý vốn có hiệu quả: 50 học
viên.
- Giới thiệu Cổng Thương mại điện tử quốc gia
cho các đơn vị, doanh nghiệp truy cập các thông tin thương mại trên toàn thế giới…
- Mở 02 lớp đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định
hướng cho 118 học viên; lớp đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin; lớp tọa đàm cổ
phần hóa doanh nghiệp..
( Đào tạo kiến thức hội nhập kinh tế quốc
tế có kế hoạch đào tạo riêng cho giai đoạn 2006 – 2010)
2.5. Đánh giá khái quát:
2.5.1. Ưu điểm:
Trước yêu cầu cải cách nền hành chính nhà nước, việc
quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh giai đoạn 2001 – 2005,
công tác đào tạ, bồi dưỡng của tỉnh đã thu được kết quả cao và đi vào nề nếp,
hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm đã đặt ra. Theo quy hoạch, kế hoạch
chung của tỉnh, các cơ sở đào tạo đã chủ động tìm nhiều hình thức đào tạo, bồi
dưỡng, thực hiện các cấp độ đào tạo, tổ chức tốt các khóa học theo yêu cầu, kể
cả các khóa học cho chức danh cán bộ quản lý và chức danh ngạch công chức. Sau
khi được đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng cán bộ, công chức từng bước được nâng
lên, đảm bảo các tiêu chuẩn chức danh cán bộ quản lý và chức danh ngạch công chức,
qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức của mỗi cán bộ, công chức là phải thường
xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận, kiến thức, kỹ năng hoạt động chuyên
môn, nghiệp vụ để đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
2.5.2. Những hạn chế:
Việc thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2001 – 2005 một số chỉ tiêu đặt ra chưa hoàn
thành như đã nêu trên, còn một số hạn chế ở một số ngành cần rút kinh nghiệm,
đó là:
- Công tác quản lý Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng
còn chưa được chú trọng, tăng cường đúng mức, các cơ sở đào tạo chưa được đổi mới,
củng cố, phát triển ngang tầm với nhiệm vụ mới.
- Đội ngũ giảng viên ở một số lĩnh vực chưa đạt
yêu cầu so với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, chưa thường xuyên được tập huấn nên
còn nhiều hạn chế.
- Chương trình, giáo trình còn trùng lặp; nội
dung, hình thức, phương pháp dạy và học còn theo lối mòn, chậm đổi mới; còn nặng
về lý thuyết, ít gắn với thực tiển. Phần lớn các chương trình đào tạo, bồi dưỡng
chỉ mang tính định hướng, chưa đi vào những việc cụ thể và mang tính tổng quan
chung cho tất cả các ngành, các chương trình chậm được bổ sung, cập nhật.
2.5.3. Nguyên nhân tồn tại:
- Việc phân bổ kinh phí hàng năm và giai đoạn
còn hạn chế và chưa đủ để thực hiện mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch
đề ra.
- Thủ trưởng một số đơn vị chưa nhận thức đúng tầm
quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC nên việc xây dựng, hoạch định
chính sách, phân bổ kinh phí chưa sát với thực tế công tác đào tạo, bồi dưỡng.
- Việc chọn, cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng
chưa gắn với sử dụng, một số cơ quan cử người đi học không đúng đối tượng và mục
đích nên còn có tình trạng cán bộ, công chức được cử đi học về phân công chưa
đúng với chuyên môn nghiệp vụ, chưa đúng với năng lực sở trường của từng công
chức và có một bộ phận cán bộ được cử tham dự các khóa đào tạo không phù hợp hoặc
không thiết thực với công việc đang đảm nhận nên ảnh hưởng đến thực hiện chỉ
tiêu đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh.
3. Những bài học kinh nghiệm:
3.1. Để thực hiện được các chỉ tiêu đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức trong từng giai đoạn và từng năm, trước hết, các cấp,
các ngành phải xây dựng được kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng sát với nhiệm vụ chính
trị của đơn vị và tổ chức thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra.
3.2. Thủ trưởng đơn vị cần quan tâm hơn nữa đến
sự tiến bộ của cán bộ, công chức trong đơn vị, tạo điều kiện về thời gian, vật
chất để động viên cán bộ, công chức theo dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng khi được
chiêu sinh.
Cán bộ, công chức khi qua các lớp đào tạo, bồi
dưỡng phải được cơ quan theo dõi, đánh giá, sắp xếp và bố trí sử dụng đúng với
năng lực, trình độ chuyên môn được đào tạo để cán bộ công chức có điều kiện án
dụng kiến thức đã được đào tạo, bồi dưỡng vào thực tế.
3.3. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
Nhà nước cần theo nguyên tắc lý luận gắn với thực tiễn, coi trọng hiệu quả thiết
thực. Nội dung giảng dạy phải phù hợp với nhu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ
chính trị của tỉnh nói chung, của từng cơ quan, đơn vị nói riêng và của từng học
viên. Thường xuyên tiến hành rà soát, điều chỉnh giáo trình, tài liệu học tập,
kịp thời bổ sung những nội dung mới, loại bỏ những nội dung trùng lắp, chưa thiết
thực; đào tạo, bồi dưỡng cần đi sâu và nâng cao kỹ năng hành chính, đạo đức
công chức thi hành công vụ.
3.4. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ
sở đào tạo, tăng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và giai đoạn.
Phần II
QUY HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI
DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
I. Mục tiêu:
1.1. Mục tiêu chung:
Nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý điều
hành và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; tiêu chuẩn các chức
danh cán bộ quản lý, đạt đủ tiêu chuẩn quy định của từng chức danh ngạch công
chức; đáp ứng yêu cầu của việc kiện toàn và nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý
Nhà nước và cải cách hành chính trong thời kỳ mới. Đến năm 2010 nâng cao toàn
diện cơ bản, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Trang bị kiến thức lý luận
chính trị, kỹ năng quản lý Nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học
và kiến thức bổ trợ khác nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ đạt
chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, có
phẩm chất đạo đức tốt, đủ khả năng để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn để hình thành đội ngũ chuyên gia về ác lĩnh vực,
có trình độ và năng lực tham gia hoạch định các chính sách phát triển kinh tế-
xã hội của tỉnh. Đào tạo từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, đặc
biệt là cán bộ chủ chốt, có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ chuyên
môn, kỹ năng thực hành công vụ, đảm bảo đủ tiêu chuẩn, đồng bộ về cơ cấu và có
tính kế thừa giữa các thế hệ, nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống
chính trị ở cơ sở.
1.2. Mục tiêu cụ thể:
1.2.1. Cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện:
Cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cán bộ, công
chức thuộc Tỉnh ủy, UBND tỉnh quản lý, chuyên viên chính, chuyên viên trong diện
quy hoạch nguồn phát triển, đến năm 2010 có 50% trình độ sau đại học, 100%
trình độ lý luận chính trị cao cấp, được bồi dưỡng cập nhật kiến thức QLNN, kiến
thức quản lý kinh tế, tin học để phục vụ công tác quản lý.
1.2.2 Cán bộ chuyên gia đầu ngành:
Chọn, cử cán bộ nguồn đi đào tạo trình độ sau đại
học về chuyên môn, lý luận chính trị cao cấp; trình độ ngoại ngữ trình độ C, có
khả năng giao tiếp, làm việc trực tiếp với người nước ngoài; trình độ tin học B
và biết lập trình để chủ trì trong việc nghiên cứu, xây dựng, hoạch định quy hoạch,
kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế xã hội của ngành, của tỉnh.
1.2.3. Công chức nhà nước:
Cán bộ trưởng, phó phòng cấp tỉnh, huyện 100% có
trình độ chuyên môn đại học, lý luận chính trị trình độ trung cấp trong đó có
25% cao cấp, được bồi dưỡng, trang bị kỹ năng lãnh đạo và quản lý; cập nhật kiến
thức quản lý kinh tế. Công chức dự bị trước khi được bổ nhiệm chính thức vào ngạch
công chức Nhà nước phải được bồi dưỡng xong chương trình QLNN theo quy định của
ngạch và các kiến thức bổ trợ khác.
1.2.4 Cán bộ và công chức cấp xã:
- Cán bộ chủ chốt cấp xã: 100% được bồi dưỡng ký
năng quản lý hành chính nhà nước. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ phấn đấu 50% có
trình độ đại học; 50 % có trình độ trung cấp; lý luận chính trị đạt 100% trình
độ từ trung cấp trở lên.
- Công chức cấp xã: 100% được đào tạo trình độ
chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó 35% có trình độ đại học, cao đẳng (
riêng khu vực miền núi cao 100% có trình độ trung cấp trở lên), 60 % được đào tạo
trung cấp lý luận chính trị; 100% được đào tạo kiến thức về quản lý hành chính
Nhà nước, cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ theo chuyên ngành.
- Cấp trưởng, cấp phó UBMTTQ và các đoàn thể
nhân dân cấp xã ( Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh) 100% được đào tạo
lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 100% có trình độ chuyên môn từ trung cấp
trở lên.
- Cán bộ không chuyên trách được bồi dưỡng kiến
thức QLNN, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công việc,
được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên tạo nguồn dự bị cho công
chức cấp xã.
1.2.5. Đào tạ, bồi dưỡng kiến thức quản lý về
các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ, các chính sách kinh tế vĩ mô, các kiến thức
cơ bản về hội nhập kinh tế thế giới, tác động của quá trình toàn cầu hóa và vai
trò của nhà nước trong tiến trình hội nhập kinh tế cho 100% cán bộ lãnh đạo chủ
chốt sở, ngành, UBND cấp huyện, trưởng phòng cấp tỉnh, huyện; 50 % số cán bộ,
công chức liên quan đến công tác hội nhập kinh tế thế giới.
II. Nhiệm vụ, giải pháp:
1. nhiệm vụ:
1.1. Nhiệm vụ đào tạo:
1.1.1. Trình độ lý luận chính trị:
- Trình độ cao cấp: Cho 372 cán bộ là trưởng,
phó phòng chuyên môn, chuyên viên chính, chuyên viên các cơ quan quản lý nhà nước
đáp ứng được tiêu chuẩn theo quy định.
- Trình độ trung cấp: 723 cán bộ là chuyên viên,
cán sự các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, huyện. Cán bộ cấp xã đương chức và dự nguồn
kế cận các chức danh chủ chốt cấp xã.
1.1.2. Đào tạo cử nhân hành chính: 80 cán bộ, chọn
cử công chức tốt nghiệp đại học chuyên môn nghiệp vụ để đào tạo cử nhân hành
chính học tại các lớp của Học viện Hành chính Quốc gia đặt tại các khu vực.
1.1.3. Đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ: Trình độ
sau đại học, chọn cử công chức trong diện dự nguồn phát triển các chức danh
lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, huyện đi đào tạo tiến sĩ 10 người; chọn cử công chức
có trình độ, trong diện dự nguồn phát triển đào tạo thạc sĩ 296 người.
1.1.4. Đào tạo ngoại ngữ: Tiếp tục mở các lớp
đào tạo ngoại ngữ cho 350 cán bộ quản lý và công chức chuyên môn để đảm bảo đủ
tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức, nhất là những cán bộ, công chức làm việc
trong lĩnh vực liên quan đến người nước ngoài.
- Hàng năm mở các lớp tiếng Anh tập trung, đối
tượng là lãnh đạo sở, ngành dưới 50 tuổi và cán bộ trong diện quy hoạch phát
triển. Đến 2010 có 50% cán bộ lãnh đạo có trình độ trung cấp II ( giao dịch được
trực tiếp với người nước ngoài bằng tiếng Anh)
- Công chức còn lại do các huyện, thành, thị tự
mở lớp đào tạo tại chức trình độ trung cấp I, trình độ sơ cấp. Đến hết 2010,
công chức, viên chức đảm bảo tiêu chuẩn ngoại ngữ theo yêu cầu chức danh ngạch
công chức.
1.1.5. Đào tạo tin học: 700 cán bộ, công chức tỉnh,
huyện, xã được đào tạo chương trình A trở lên phục vụ cho công tác quản lý,
công tác chuyên môn nghiệp vụ.
1.2. Nhiệm vụ bồi dưỡng:
1.2.1. Bồi dưỡng kiến thức về quản lý Nhà nước:
- Bồi dưỡng kiến thức QLNN ngạch chuyên viên cao
cấp: 20 cán bộ là cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh và Giám đốc, Phó Giám đốc các sở,
ban, ngành có đủ điều kiện thi nâng ngạch chuyên viên chính lên chuyên viên cao
cấp.
- Bồi dưỡng kiến thức QLNN ngạch chuyên viên
chính: 200 cán bộ là cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, huyện; công chức ngạch chuyên
viên chính và một số công chức ngạch chuyên viên có đủ điều kiện thi nâng ngạch
chuyên viên lên chuyên viên chính.
- Bồi dưỡng kiến thức QLNN ngạch chuyên viên:
340 cán bộ là công chức ngạch chuyên viên và công chức ngạch cán sự có đủ điều
kiện thi nâng ngạch từ cán sự lên chuyên viên thuộc khối quản lý Nhà nước cấp tỉnh,
huyện.
- Bồi dưỡng kiến thức QLNN ngạch cán sự: 287 người
là công chức ngạch cán sự thuộc khối QLNN cấp tỉnh, huyện và công chức ngạch
cán sự cấp xã.
- Bồi dưỡng kiến thức QLNN và các chính sách mới
của Trung ương cho 5.500 người là đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2009 – 2011 và
cán bộ chủ chốt cấp xã có thay đổi sau Đại hội Đảng.
1.2.2. Bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ tổ chức cho
240 cán bộ làm công tác tổ chức Nhà nước cấp tỉnh, huyện.
1.2.3. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức quản lý
kinh tế theo các chuyên đề cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo sở, ban, ngành;
huyện, thành, thị; cán bộ lãnh đạo trong diện luân chuyển; công chức chuyên môn
tham mưu về lĩnh vực quản lý kinh tế.
- Bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế trong nền
kinh tế thị trường, trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về kinh tế thị trường
và vai trò của Nhà nước trong sự nghiệp đổi mới đất nước cho 895 cán bộ lãnh đạo
quản lý từ cấp phường trở lên.
1.2.4. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn
về công tác quản lý đất đai, quản lý tài nguyên, khoáng sản, khí tượng thủy
văn, quản lý môi trường và quản lý đo đạc bản đồ cho 4.430 cán bộ cấp huyện, Chủ
tịch, Phó Chủ tịch UBND, cán bộ địa chính cấp xã.
1.2.5. Ngoài ra còn thường xuyên bồi dưỡng cho
cán bộ, công chức, nhất là công chức cấp xã các nội dung chương trình mục tiêu
của Chính phủ giai đoạn mới, nội dung chương trình phát triển kinh tế, xã hội
theo Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh giai đoạn 2006 – 2010.
1.3. Kinh phí: Dự kiến giai đoạn 2006 –
2010 là 48.810.000.000đ
Trong đó:
- Ngân sách tỉnh là: 8.500.550.000đ.
- Nguồn do các đơn vị có cán bộ đi học đóng góp:
13.827.900.000đ
- Kinh phí do người đi học đóng góp:
26.481.550.000đ.
2. Các giải pháp thực hiện:
Để thực hiện các nội dung đào tạo, bồi dưỡng có
chất lượng, hiệu quả cần thực hiện các giải pháp sau:
2.1. Các cấp ủy Đảng, Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị căn cứ tiêu chuẩn từng chức danh, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các
ngành rà soát, điều chỉnh quy hoạch nguồn, cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc Tỉnh ủy,
UBND tỉnh quản lý để xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo
chất lượng theo tiêu chuẩn đã đè ra.
2.2. Đến hết 2010 đối với cán bộ quản lý cấp tỉnh,
huyện phải có trình độ đại học chuyên môn trở lên, trong đó có 30 % trình độ
sau đại học; trình độ lý luận chính trị cao cấp; ngoại ngữ trình độ C có khả
năng giao tiếp, làm việc trực tiếp với người nước ngoài không qua phiên dịch;
tin học trình độ B, thực hiện giải quyết công việc trên máy vi tính, biết lập
trình một số lĩnh vực đang đảm nhiệm.
2.3. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung chức
năng, nhiệm vụ, sắp xếp lại hệ thống các trung tâm đào tạo, cải tiến quy trình
đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, giỏi thực hành,
lấy hiệu quả , chất lượng đào tạo, bồi dưỡng làm trọng tâm.
2.4. Các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng tăng cường
liên kết với các Học viện, các trường Đại học trong nước để mở rộng các hình thức
đào tạo, bồi dưỡng; xác định đối tượng, độ tuổi tham gia các hình thức đào tạo;
cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, huyện tuổi 45 trở lên tham gia học tại chức.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, huyện dưới 45 tuổi, cán bộ nguồn các chức
danh lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, huyện phải được đào tạo chính quy, tập trung
theo tiêu chuẩn đã quy định.
2.5. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
giai đoạn 2006- 2010 được huy động tối đa từ các nguồn ngân sách của tỉnh, của
các đơn vị sử dụng cán bộ, công chức và của từng cán bộ, công chức và viên chức
được chọn cử đi học. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch
ngân sách, dành kinh phí đủ để tha\ực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch đã
đề ra. Cán bộ, công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng phải
có trách nhiệm đóng góp một phần kinh phí ăn, ở, tham gia nghiên cứu để hoàn
thành khóa học.
2.6. Xây dựng, bổ sung, ban hành chế độ chính
sách đối với cán bộ đi học phù hợp với thực tế nhằm động viên, khuyến khích cán
bộ, công chức tham gia học tập nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng tiêu chuẩn chức
danh, ngạch cán bộ, công chức. Sửa đổi, bổ sung Quyết định 4466/QĐ-UB ngày
18/12/2002 của UBND tỉnh về chế độ đối với cán bộ đi học. Đối với cán bộ, công
chức là người dân tộc thiểu số, ưu tiên 100% kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.
III. Tổ chức thực hiện
Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tỉnh
Phú Thọ giai đoạn 2006-2010 làm căn cứ để các cấp Ủy đảng, Thủ trưởng các cơ
quan, các đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và triển khai thực hiện từng
năm cho phù hợp với giai đoạn cải cách hành chính của tỉnh.
1. Sở Nội vụ:
1.1. Hàng năm phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu
tư, Sở Tài chính và các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
và bố trí ngân sách cho phù hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt.
1.2. Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch
theo đúng tiến độ, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra chất lượng các khóa đào tạo, bồi
dưỡng, tổng hợp các báo cáo trình UBND tỉnh.
1.3. Phối hợp với các cơ sở đào tạo nghiên cứu,
thống nhất nội dung chương trình các khóa bồi dưỡng để biên soạn tài liệu cho
phù hợp với các khoá học.
1.4. Xây dựng đề án đào tạo cán bộ có trình độ
cao làm chuyên gia các ngành mũi nhọn, nghiên cứu bổ sung các chính sách cho
cán bộ đi học phù hợp với giai đoạn hiện nay.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thống nhất
bố trí ngân sách đảm bảo đủ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
theo chỉ tiêu quy hoạch, từng bước đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết
bị dạy và học cho các cơ sở đào tạo trong tỉnh.
3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chọn cử và tạo
điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức đi học, kiểm tra, đôn đốc cán bộ được
cử đi đào tạo, nhằm thực hiện tốt quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Gắn chất lượng
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức coi đây là tiêu chí để xây dựng, lựa chọn
cán bộ nguồn hàng năm, đặc biệt quan tâm việc sắp xếp, bổ nhiệm sau đào tạo để
tạo động lực cho cán bộ, công chức tham gia học tập.