BỘ
XÂY DỰNG
------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------------
|
Số:
988/QĐ-BXD
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2010
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ
CHỨC CỦA CỤC GIÁM ĐỊNH NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Căn cứ Nghị định số
178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ văn bản số 3010/BNV-TCBC ngày 31/8/2010 của Bộ Nội vụ về việc xếp hạng Cục
Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Giám định nhà nước
về chất lượng công trình xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH
Điều
1. Vị trí, chức năng:
Cục Giám định
nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (sau đây gọi tắt là Cục Giám định)
là cơ quan trực thuộc Bộ Xây dựng, có chức năng giúp Bộ trưởng thực hiện quản
lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và tổ chức thực hiện việc giám định
nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo phân cấp của Chính phủ và phân
công của Thủ tướng Chính phủ.
Cục Giám định là
Cục hạng II, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng để giao dịch, được mở tài
khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Điều
2. Nhiệm vụ, quyền hạn:
1. Nghiên cứu, đề
xuất, tổ chức soạn thảo các cơ chế chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án,
các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về quản lý chất lượng công
trình xây dựng và giám định chất lượng công trình xây dựng để Bộ trình cấp có
thẩm quyền phê duyệt, ban hành hoặc Bộ trưởng phê duyệt, ban hành theo thẩm quyền.
2. Hướng dẫn,
đôn đốc, kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trong các
khâu: khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, nghiệm thu, bàn
giao, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra hoạt động giám
định chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.
3. Chỉ đạo, phối
hợp với các Bộ, ngành, các địa phương, các cơ quan, tổ chức liên quan để thực
hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và giám định
chất lượng công trình xây dựng; giải quyết, xử lý các công việc thường xuyên
liên quan đến quản lý chất lượng công trình xây dựng và giám định chất lượng
công trình xây dựng.
4. Theo dõi, tổng
hợp, đánh giá, xếp loại, thông tin và báo cáo tình hình chất lượng công trình
xây dựng, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và giám định chất lượng
công trình xây dựng trên phạm vi cả nước.
5. Hướng dẫn
nghiệp vụ giám định sự cố công trình xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra việc giải
quyết các tranh chấp về chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp
luật; theo dõi, tổng hợp, báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất về tình hình sự cố
công trình xây dựng trên phạm vi cả nước.
6. Tổ chức thực
hiện việc giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đối với các công
trình xây dựng thuộc trách nhiệm của Bộ Xây dựng theo phân cấp của Chính phủ và
phân công của Thủ tướng Chính phủ; giúp Bộ trưởng quản lý chất lượng các công
trình xây dựng do Bộ làm chủ đầu tư.
7. Tổ chức thực
hiện hoặc chỉ định tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện việc giám
định chất lượng, giám định sự cố công trình xây dựng theo yêu cầu của Thủ tướng
Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng hoặc theo đề nghị của các cơ quan nhà nước có
thẩm quyền.
8. Thực hiện các
nhiệm vụ của Cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình
xây dựng.
9. Quản lý về
chuyên môn, nghiệp vụ đối với các tổ chức kiểm định, giám định, chứng nhận sự
phù hợp về chất lượng công trình xây dựng; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có
liên quan nghiên cứu, soạn thảo trình Bộ trưởng ban hành quy định về điều kiện
năng lực và việc công nhận các tổ chức này; trực tiếp điều hành hoạt động của Mạng
kiểm định chất lượng công trình xây dựng.
10. Chủ trì, phối
hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, soạn thảo trình Bộ trưởng ban hành các
quy định và chương trình khung về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý chất lượng
công trình xây dựng, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng công trình xây
dựng; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.
11. Thực hiện hợp
tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài về các lĩnh vực công tác
của Cục.
12. Quản lý về tổ
chức bộ máy, biên chế; thực hiện chế độ tiền lương, các chế độ chính sách đãi
ngộ, khen thưởng; kỷ luật và các chế độ khác đối với cán bộ, công chức, viên chức
thuộc phạm vi quản lý của Cục.
13. Quản lý tài
chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước được phân bổ,
thực hiện quản lý các hoạt động có thu theo quy định của pháp luật và của Bộ
Xây dựng.
14.Thực hiện các
nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
Điều
3. Cục Giám định và Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về:
1. Tình hình chất
lượng và công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên phạm vi cả nước;
tình hình thực hiện công tác giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng
trên phạm vi cả nước.
2. Kết quả hoạt
động của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng và các tổ chức,
cá nhân giúp việc Hội đồng.
3. Kết quả thực
hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 2 Quyết định này.
Điều
4. Cục trưởng Cục Giám định được quyền:
1. Yêu cầu các
cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin về
tình hình chất lượng công trình xây dựng; cung cấp tài liệu, số liệu và tạo điều
kiện cần thiết phục vụ công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và giám
định chất lượng công trình xây dựng.
2. Đề xuất hoặc
chỉ định các pháp nhân có năng lực phù hợp để thực hiện việc kiểm tra, kiểm định,
giám định chất lượng công trình xây dựng khi cần thiết.
3. Xử lý hoặc kiến
nghị xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng theo quy định của
pháp luật; tạm đình chỉ xây dựng khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng về chất
lượng công trình, hoặc ngừng khai thác sử dụng công trình khi có nguy cơ dẫn đến
sự cố nghiêm trọng, sau đó phải báo cáo Bộ trưởng đồng thời phải thông báo ngay
cho các cơ quan có thẩm quyền quyết định.
4. Đề xuất và ký
hợp đồng với các chuyên gia, tổ chức tư vấn có năng lực phù hợp để tư vấn trong
các trường hợp cần thiết liên quan đến công tác chuyên môn của Cục.
5. Ký các báo
cáo kiểm tra, các văn bản hành chính, văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ
nhân danh Cục trưởng và sử dụng con dấu của Cục theo quy định pháp luật.
6. Được Bộ trưởng
ủy quyền ký một số văn bản về các lĩnh vực công tác của Cục theo quy định tại
Quy chế làm việc của cơ quan Bộ Xây dựng.
Điều
5. Cơ cấu tổ chức:
1. Cục Giám định
có Cục trưởng, một số Phó cục trưởng và các Phòng, Trung tâm trực thuộc với định
biên phù hợp nhu cầu công tác theo từng thời kỳ.
Các phòng có Trưởng
phòng, một số Phó trưởng phòng và các công chức chuyên môn nghiệp vụ; các Trung
tâm có Giám đốc, một số Phó giám đốc và các viên chức chuyên môn nghiệp vụ.
2. Các đơn vị trực
thuộc Cục Giám định:
a) Văn phòng;
b) Phòng Quản lý
chất lượng công trình xây dựng 1;
c) Phòng Quản lý
chất lượng công trình xây dựng 2;
d) Phòng Quản lý
chất lượng công trình xây dựng 3;
đ) Văn phòng đại
diện Cục Giám định tại Thành phố Hồ Chí Minh;
e) Trung tâm
Công nghệ quản lý chất lượng công trình xây dựng Việt Nam.
Trung tâm Công
nghệ quản lý chất lượng công trình xây dựng Việt Nam là đơn vị sự nghiệp có thu
trực thuộc Cục, được khắc con dấu theo mẫu quy định để giao dịch, được mở tài
khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo sự ủy quyền, phân cấp quản lý tài
chính kế toán của Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình
xây dựng và các quy định của pháp luật.
3. Việc thành lập
mới, tổ chức lại, giải thể các đơn vị trực thuộc Cục Giám định nhà nước về chất
lượng công trình xây dựng do Bộ trưởng quyết định theo đề nghị của Cục trưởng Cục
Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và Vụ trưởng Vụ Tổ chức
cán bộ.
4. Cục trưởng Cục
Giám định có trách nhiệm: xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của Cục, trình
Bộ trưởng ban hành; trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Cục, cụ thể hóa thành
chương trình, kế hoạch công tác cho từng giai đoạn và xác định nhu cầu biên chế
của Cục báo cáo Bộ trưởng quyết định; xây dựng quy chế làm việc của Cục, quy định
chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị trực thuộc, xác định trách nhiệm và sản
phẩm của mỗi đơn vị, cá nhân trong Cục.
Điều
6. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký và thay thế Quyết định số 590/QĐ-BXD ngày 23/4/2008 của Bộ trưởng Bộ xây dựng
về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Giám định
nhà nước về chất lượng công trình xây dựng.
Vụ trưởng Vụ Tổ
chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng
công trình xây dựng và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ XD;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Xây dựng các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Lưu: VPB, TCCB (5b).
|
BỘ
TRƯỞNG
Nguyễn Hồng Quân
|