ỦY BAN NHÂN
DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
96/2008/QĐ-UBND
|
Cần Thơ, ngày
18 tháng 11 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ BẾN KHÁCH
NGANG SÔNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa
ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT ngày 07
tháng 01 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chế quản lý
hoạt động của cảng, bến thủy nội địa;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải
và Giám đốc Sở Tư pháp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về tổ chức và quản
lý bến khách ngang sông.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày và đăng Báo
Cần Thơ chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Sở Giao thông vận tải tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực
hiện Quyết định này.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở, Thủ
trưởng cơ quan ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, các tổ
chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- VP Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (Cục KTVB);
- Bộ Giao thông Vận tải;
- TT.TU, TT.HĐND TP, TV. UBND TP;
- Sở, ban ngành TP;
- UBND các quận, huyện;
- Website Chính phủ;
- Báo Cần Thơ;
- TT Công báo;
- Lưu: VT.LPL
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Thanh Mẫn
|
QUY CHẾ
VỀ TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ BẾN KHÁCH NGANG SÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 96/2008/QĐ-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2008
của Ủy ban nhân dân thành phố)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định việc tổ chức, quản lý, hoạt
động vận chuyển khách ngang sông trên địa bàn thành phố.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng cho cơ quan, tổ chức, cá
nhân đầu tư xây dựng và khai thác bến khách ngang sông.
Điều 3. Điều kiện hoạt động
bến khách ngang sông
1. Không nằm trong khu vực cấm xây dựng theo quy
định của pháp luật; phù hợp với quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
đường thủy nội địa; vị trí bến có địa hình, thủy văn ổn định, phương tiện ra
vào an toàn thuận lợi.
2. Có cầu dẫn cho người, phương tiện giao thông
đường bộ lên xuống an toàn, thuận tiện; có trang thiết bị cho phương tiện neo
buộc, có đèn chiếu sáng nếu hoạt động ban đêm. Đối với bến khách ngang sông mà
phương tiện vận tải hành khách được phép chở ô tô thì công trình bến phải áp dụng
theo tiêu chuẩn kỹ thuật của bến phà.
3. Phải được lắp đặt biển báo hiệu đường thủy nội
địa theo quy định.
4. Phải có bảng tên bến khách ngang sông, có nhà
chờ, bảng nội quy bến và bảng niêm yết giá vé tại bến.
5. Phải được cơ quan có thẩm quyền quy định tại
Điều 6 của Quy chế quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa ban hành theo
Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 01 năm 2005 của Bộ Giao thông vận
tải cấp giấy phép hoạt động.
Điều 4. Công tác quản lý
nhà nước về hoạt động và vận chuyển hành khách ngang sông
1. Tổ chức thực hiện việc cấp giấy phép hoạt động
đối với bến khách ngang sông; điều kiện hoạt động an toàn của bến, phương tiện
và người điều khiển phương tiện (trình tự, thủ tục cấp phép phải đúng theo Điều
9 của Quy chế quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa ban hành tại Quyết định
số 07/2005/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 01 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải).
2. Tổ chức đấu thầu đầu tư xây dựng, khai thác bến
đúng theo quy định của pháp luật. Thời gian trúng thầu phải từ 2 năm trở lên (để
người trúng thầu có đủ điều kiện đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho bến); không
dùng một hồ sơ thầu đấu thầu nhiều nơi.
3. Tổ chức việc thu ngân sách từ kết quả đấu thầu
hoặc khoán thu khai thác bến đúng theo quy định hiện hành.
Chương II
TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ KHAI
THÁC BẾN KHÁCH NGANG SÔNG
Điều 5. Trách nhiệm của tổ
chức, cá nhân tham gia khai thác bến khách ngang sông
1. Đối với chủ đầu tư xây dựng bến khách ngang
sông:
a) Xin mở bến khách ngang sông, quy trình thực
hiện theo khoản 1 Điều 9 Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 01 năm
2005 của Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chế quản lý hoạt động của cảng, bến
thủy nội địa;
b) Sau khi bến khách ngang sông đã được đầu tư
xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn hoạt động đón, trả hành khách đúng quy định. Chủ đầu
tư xây dựng trực tiếp khai thác hoặc cho tổ chức, cá nhân khác thuê (gọi chung
là chủ khai thác bến khách ngang sông) bằng cách ký hợp đồng dân sự.
2. Đối với chủ khai thác bến khách ngang sông:
a) Xin cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang
sông, quy trình thực hiện theo các điểm a, b, c, d, đ và e, khoản 2, Điều 9 của
Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 01 năm 2005 của Bộ Giao thông vận
tải ban hành Quy chế quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa (nếu chủ bến
khách ngang sông không phải là chủ đầu tư xây dựng, phải bổ sung thêm hợp đồng
thuê bến vào hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động bến khách ngang sông);
b) Trường hợp chủ khai thác là chủ đầu đầu tư
xây dựng bến khách, thì thực hiện trách nhiệm nêu tại điểm a, b, c, d, đ và k
khoản 1 Điều 19 Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 01 năm 2005 của Bộ
Giao thông vận tải ban hành Quy chế quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa;
c) Phải sử dụng phương tiện đảm bảo điều kiện an
toàn kỹ thuật, an toàn cho khách, đầy đủ giấy tờ theo quy định; người lái
phương tiện phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn;
d) Thống nhất với chủ khai thác bến ngang sông
trên bờ đối diện thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động bến khách
ngang sông theo quy định; thống nhất phương án điều hành, giá cước vận tải (nếu
nhà nước không quy định) để bảo đảm tính đồng bộ của tuyến vận tải hành khách
ngang sông và trật tự an toàn trong quá trình khai thác;
đ) Phải tổ chức ra Ban điều hành tại hai đầu bến
để kiểm soát việc chấp hành các quy định an toàn hoạt động bến khách ngang
sông.
e) Trường hợp chấm dứt hợp đồng phải thông báo
cho Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động bến biết để ra quyết định
đóng bến thủy nội địa.
3. Đối với chủ cảng, bến thủy nội địa:
a) Thực hiện thủ tục đề nghị công bố cấp giấy
phép mở bến khách ngang sông theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Quyết định số
07/2005/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 01 năm 2005 của Bộ Giao thông vận tải ban hành
Quy chế quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa;
b) Trường hợp cho thuê cảng, bến thủy nội địa,
phải ký hợp đồng với chủ khai thác cảng, bến theo quy định của pháp luật và thực
hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết;
c) Trường hợp chấm dứt hoạt động thì chủ cảng, bến
hành khách phải thông báo cho cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép biết để ra quyết
định đóng bến theo quy định của pháp luật.
4. Đối với chủ khai thác cảng, bến thủy nội địa:
a) Duy trì điều kiện an toàn công trình cảng, bến
theo quy định;
b) Phương tiện hoạt động phải đảm bảo an toàn kỹ
thuật, đầy đủ giấy tờ; bố trí người điều khiển phương tiện phải có bằng cấp và
chứng chỉ chuyên môn đúng theo quy định;
c) Chở hàng hóa, hành khách phải đúng tải và
đúng số lượng hành khách cho phép;
d) Khi xảy ra tai nạn phải cứu người, hàng hóa
và phương tiện; báo cáo và phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền giải
quyết, khắc phục hậu quả tai nạn và ô nhiễm môi trường (nếu có);
đ) Chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống
lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và giữ gìn vệ sinh môi trường;
e) Phối hợp với Cảng vụ khu vực hoặc Ban quản lý
và điều hành bến trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong vùng nước
cảng, bến;
h) Chịu sự kiểm tra, giám sát và xử lý của cơ
quan có thẩm quyền về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự
an toàn giao thông.
Điều 6. Trách nhiệm của Sở
Giao thông vận tải
1. Tổ chức thực hiện cấp giấy phép hoạt động đối
với bến khách ngang sông thuộc địa giới hành chính của thành phố;
2. Ngoài trách nhiệm quy định tại khoản 1, khoản
2, khoản 4, khoản 5 Điều 22 Quy chế quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa
ban hành theo Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 01 năm 2005 của Bộ
Giao thông vận tải, còn có trách nhiệm:
a) Xây dựng phương án tổ chức quản lý bến khách
ngang sông và hướng dẫn bộ phận quản lý giao thông vận tải thuộc Ủy ban nhân
dân cấp quận, huyện, phường, xã trong công tác quản lý hoạt động bến khách
ngang sông trên địa bàn;
b) Đối với các bến khách ngang sông nằm trên
sông, kênh là địa giới hành chính giữa hai tỉnh (thành), thì Sở Giao thông vận
tải có trách nhiệm bàn bạc thống nhất với Sở Giao thông vận tải tỉnh có liên
quan trước khi cấp phép mở bến để bảo đảm tính đồng bộ của tuyến vận chuyển
ngang sông và trật tự an toàn giao thông trong quá trình khai thác.
3. Nếu bến khách ngang sông nằm trong khu vực
thuộc tuyến sông do Trung ương quản lý, thì khi cấp giấy phép cho hoạt động phải
tham khảo ý kiến của Cảng vụ khu vực về bảo đảm an toàn và an ninh trật tự theo
đúng quy định tại Thông tư số 10/2007/TT-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2007 của Bộ
Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện Nghị định số 71/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng
7 năm 2006 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải.
Điều 7. Trách nhiệm Ủy ban
nhân dân quận, huyện (gọi chung là cấp huyện)
1. Đối với các bến khách ngang sông nằm trên tuyến
ranh giới giữa hai quận, huyện thì Ủy ban nhân dân hai quận, huyện cần bàn bạc
thống nhất tổ chức và quản lý khai thác bến; chủ phương tiện thuộc địa bàn nào
thì địa phương đó quản lý.
2. Thực hiện đúng theo Quyết định số:
20/2007/QĐ-UBND ngày 13 tháng 6 năm 2007 về việc ban hành danh mục và mức thu
phí qua phà, qua đò. Có trách nhiệm niêm yết công khai giá cước vận chuyển hành
khách, hàng hóa, phương tiện của từng bến khách ngang sông và thực hiện đúng chế
độ miễn cho đối tượng được quy định tại Thông tư Liên bộ số 62/TT-LB ngày 23
tháng 7 năm 1993 của Bộ Giao thông vận tải - Bộ Tài chính. Các đối tượng miễn
thu cước vận chuyển khi qua bến phải xuất trình các giấy tờ có liên quan như:
thẻ thương binh hoặc giấy chứng nhận thương binh, thẻ học sinh, thẻ Giáo viên
miễn phí qua bến, Bộ đội, Công an phải có phù hiệu hoặc các giấy tờ cần thiết.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ
đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong phạm vi quản lý kiểm
tra chặt chẽ các bến khách và phương tiện đưa rước khách ngang sông, kiên quyết
đình chỉ hoạt động các bến không đủ quy định về an toàn giao thông (báo cáo kịp
thời về cơ quan cấp phép để đình chỉ hoạt động khi vi phạm).
Điều 8. Trách nhiệm Ủy ban
nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã)
1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bến khách ngang
sông phải có trách nhiệm tổ chức bảo vệ trật tự, an toàn trong khu vực bến và
nghiêm cấm lập bến khách ngang sông để tổ chức vận chuyển hành khách bất hợp
pháp.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã có nhiệm vụ phối hợp với
các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra việc thực hiện đúng, đủ các quy định về
điều kiện, tiêu chuẩn hoạt động vận chuyển khách ngang sông (bến và phương tiện);
có trách nhiệm giám sát, đôn đốc, nhắc nhở, áp dụng các biện pháp bắt buộc chủ
phương tiện thực hiện đúng các quy định này.
Chương III
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI
PHẠM
Điều 9. Tổ chức, cá nhân có
một trong những thành tích sau đây sẽ được khen thưởng theo quy định của nhà nước
1. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý và tổ chức
thực hiện tốt các Quy chế về tổ chức và quản lý bến khách ngang sông tại địa
phương.
2. Phát hiện và ngăn ngừa kịp thời những hành vi
phá hoại công trình giao thông đường thủy nội địa (công trình bến thủy). Đồng
thời tham gia cứu nạn, giải quyết tốt hậu quả các vụ tai nạn trên đường thủy nội
địa trong phạm vi địa phương.
Điều 10. Xử lý vi phạm
1. Chủ đầu tư hoặc chủ khai thác bến phải chịu
trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định trách nhiệm ghi trong Quy chế này, nếu
vi phạm sẽ xử lý vi phạm đúng theo Nghị định của Chính phủ theo thời điểm hiện
tại. Đồng thời có quyền khiếu nại, tố cáo về những hành vi vi phạm pháp luật của
cán bộ viên chức nhà nước quản lý hoạt động của bến thủy nội địa theo đúng quy
định của pháp luật.
2 . Trường hợp xét miễn giảm vi phạm cho chủ
khai thác bến khách ngang sông chỉ được đặt ra khi có các nguyên nhân khách
quan như: thiên tai do cấp có thẩm quyền công bố hoặc trong trường hợp bất khả
kháng không thể khắc phục được phải có xác nhận của chính quyền địa phương.
3. Tổ chức, cá nhân nào vi phạm các Quy chế về tổ
chức và quản lý bến khách ngang sông, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và
hậu quả xảy ra mà bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính theo quy định; trường
hợp gây thiệt hại phải bồi thường, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu
trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.