BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------
|
Số: 88-QĐ/TW
|
Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp
hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII;
- Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày
25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp
xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả,
BỘ CHÍNH TRỊ QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Chức năng
Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham
mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp và thường xuyên là
Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo
đức; về chủ trương, đường lối của Đảng trong các lĩnh vực: Tuyên truyền, lý luận
chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lịch sử Đảng, báo chí, xuất bản,
văn hóa, văn nghệ, thông tin đối ngoại, khoa học, công nghệ, môi trường, giáo dục,
đào tạo, dạy nghề, y tế, thể dục, thể thao, dân số, gia đình, trẻ em... (sau
đây gọi chung là lĩnh vực tuyên giáo); đồng thời, là cơ quan chuyên môn - nghiệp
vụ về công tác tuyên giáo của Đảng.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền
hạn
1. Nghiên cứu, tham mưu
a) Chủ trì, nghiên cứu, tham mưu về chủ
trương, đường lối, nhiệm vụ và giải pháp của Đảng trong lĩnh vực tuyên giáo;
tham gia chuẩn bị dự thảo nghị quyết Đại hội Đảng.
b) Chủ trì, phối hợp giúp Ban Chấp hành Trung
ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng các nghị quyết, chỉ thị, kết luận;
cụ thể hóa Cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; nghiên cứu, phát
triển lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu các đề án thuộc lĩnh vực
tuyên giáo. Tham gia ý kiến với các cơ quan nhà nước trong việc thể chế hóa và
thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong lĩnh vực tuyên giáo.
c) Nghiên cứu tình hình tư tưởng trong Đảng,
trong xã hội, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, nội dung, giải pháp xây dựng, chỉnh
đốn Đảng và hệ thống chính trị về chính trị, tư tưởng, đạo đức.
d) Tham mưu công tác tuyên truyền, giáo dục,
học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền,
giáo dục nâng cao nhận thức về học tập, nghiên cứu về ý nghĩa vai trò, tầm quan
trọng, sự cần thiết học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
đ) Chủ trì, phối hợp nghiên cứu, phân tích những
âm mưu, thủ đoạn và các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch chống phá Đảng,
Nhà nước, chế độ; kịp thời đề xuất đối sách, biện pháp và chỉ đạo đấu tranh bảo
vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái thù địch; đấu
tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Chủ trì, phối hợp thống nhất nội dung đấu tranh với các luận điểm sai trái, thù
địch trên các lĩnh vực lý luận chính trị, tư tưởng - văn hóa và văn học - nghệ
thuật.
2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát
a) Phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương
tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm
tra, giám sát thuộc lĩnh vực tuyên giáo.
b) Chủ trì, phối hợp hướng dẫn, kiểm tra,
giám sát việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết
định, quy định của Đảng; việc tổ chức thực hiện công tác tuyên giáo đối với các
tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc
Trung ương.
c) Chỉ đạo, định hướng về chính trị, tư tưởng
trong chương trình đào tạo lý luận chính trị; chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan thẩm định nội dung các chương trình đào tạo lý luận chính trị sơ cấp,
trung cấp, cao cấp và kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
d) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về
nội dung đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần
chúng ngoài đối tượng của hệ thống trường chính trị (Trung ương và các tỉnh ủy,
thành ủy); kiểm tra về chính trị, tư tưởng trong giảng dạy lý luận chính trị,
khoa học xã hội - nhân văn trong hệ thống giáo dục quốc dân.
đ) Chỉ đạo định hướng, hướng dẫn, kiểm tra,
giám sát về chính trị, tư tưởng trong hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản,
văn hóa, văn nghệ, các cơ quan thông tin, tuyên truyền, các hội văn học - nghệ
thuật, hội nhà báo, hội xuất bản, liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật ở
Trung ương và địa phương. Chủ trì, phối hợp hoặc chỉ đạo, hướng dẫn ban tuyên
giáo tỉnh ủy, thành ủy (khi cần thiết) kiểm tra về quan điểm chính trị, tư tưởng,
công trình nghiên cứu khoa học, tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản,...;
định hướng tư tưởng, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nội dung tuyên truyền và bồi
dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hệ thống cộng tác
viên dư luận xã hội từ Trung ương đến cơ sở.
e) Chỉ đạo hệ thống các cơ quan báo chí, xuất
bản, văn hóa, văn nghệ, khoa giáo và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ
Trung ương đến địa phương tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, học tập và làm
theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
g) Chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn tổ chức kỷ niệm
các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của Đảng, của đất nước; ngày lễ quốc
tế; 100 năm, trên 100 năm ngày sinh các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt của Đảng,
Nhà nước, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu; ngày kỷ niệm năm tròn, năm chẵn của các
tỉnh, thành phố, ban, bộ, ngành, đoàn thể trực thuộc Trung ương.
h) Chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị
quốc gia Hồ Chí Minh, Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan
liên quan trong định hướng tư tưởng, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng,
lịch sử dân tộc; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện.
i) Tổ chức biên soạn, phối hợp phát hành các
tài liệu nội bộ phục vụ học tập nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định, quy
định của Đàng và tài liệu phổ biến kiến thức về giáo dục lý luận chính trị,...
3. Thẩm định
Phối hợp thẩm định, đánh giá tác động về tư
tưởng chính trị, công tác tuyên truyền của các chương trình, dự án, đề án trình
Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kinh tế - xã hội có tính chất phức tạp, nhạy cảm,
Nhân dân quan tâm khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
4. Tham gia, phối hợp trong công tác xây dựng
tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo
a) Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn
về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế ban tuyên giáo các cấp.
b) Tham gia với các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy
trực thuộc Trung ương về phương hướng công tác xây dựng Đảng thuộc lĩnh vực
tuyên giáo, về tổ chức bộ máy, về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt,
bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, miễn nhiệm, kỷ luật đối với cán bộ trong
lĩnh vực tuyên giáo theo phân cấp quản lý.
c) Tham gia thẩm định nhân sự về tư tưởng,
chính trị, đạo đức đối với cán bộ lĩnh vực tuyên giáo thuộc diện Bộ Chính trị,
Ban Bí thư quản lý khi có yêu cầu.
d) Nghiên cứu và tham gia đào tạo, bồi dưỡng
kỹ năng, nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác tuyên giáo các cấp, các ngành,
các đoàn thể.
đ) Phối hợp, tham gia ý kiến với Ban Tổ chức
Trung ương và các cơ quan liên quan trong công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan
báo chí, xuất bản, văn hóa - văn nghệ, các cơ quan thông tin, tuyên truyền, các
hội văn học - nghệ thuật, hội nhà báo, hội xuất bản, liên hiệp các hội khoa học
và kỹ thuật và các cơ quan Trung ương thuộc lĩnh vực tuyên giáo.
e) Chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà
nước về báo chí, xuất bản, thẩm định, kiểm tra, giám sát việc bổ nhiệm, miễn
nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo; việc cấp phép, thành lập cơ quan
báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ theo quy định của Đảng, Nhà nước.
5. Thông tin đối ngoại và hợp tác quốc tế
a) Phối hợp với Ban Chỉ đạo công tác thông
tin đối ngoại chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác thông tin, tuyên
truyền đối ngoại.
b) Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo,
định hướng công tác tuyên truyền về biển, đảo, biên giới, lãnh thổ và công tác
nhân quyền.
c) Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng
đề án tuyên truyền và chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền hoạt động đối ngoại
của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
d) Phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương thực
hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tuyên giáo đối với các chính đảng, tổ chức
trên thế giới.
6. Thực hiện một số nhiệm vụ do Bộ Chính trị,
Ban Bí thư giao
a) Chủ trì, phối hợp đề xuất chủ trương, định
hướng tư tưởng, chính trị trong công tác nghiên cứu lý luận và giáo dục chính
trị, giáo dục lịch sử truyền thống và đạo đức cách mạng. Chỉ đạo nội
dung giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống
giáo dục quốc dân, hệ thống trường chính trị, hệ thống trường của các ngành,
đoàn thể và các trung tâm chính trị cấp huyện.
b) Theo dõi, chỉ đạo các hội do Đảng, Nhà nước
giao nhiệm vụ ở Trung ương thuộc lĩnh vực tuyên giáo.
c) Nghiên cứu và tham gia xây dựng chủ
trương, chính sách đối với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ.
d) Định hướng xây dựng kế hoạch, chỉ đạo quản
lý các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ của các ban đảng Trung ương.
đ) Phối hợp với các ban, bộ, ngành ở Trung
ương trong thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội,
giải quyết các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, Nhân dân quan tâm.
e) Thường trực và tham gia một số ban chỉ đạo
Trung ương do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công.
g) Thực hiện những công việc khác do Bộ Chính
trị, Ban Bí thư giao.
Điều 3. Tổ chức bộ
máy
1. Lãnh đạo Ban
Ban Tuyên giáo Trung ương có Trưởng Ban và
các Phó Trưởng Ban (trong đó có một số Phó Trưởng Ban kiêm nhiệm).
2. Cơ cấu tổ chức
a) Các vụ, đơn vị trực thuộc:
- Vụ Lý luận chính trị.
- Vụ Tuyên truyền.
- Vụ Báo chí - Xuất bản.
- Vụ Văn hóa - Văn nghệ.
- Vụ Khoa học và Công nghệ.
- Vụ Giáo dục.
- Vụ Xã hội.
- Vụ Thông tin đối ngoại và hợp tác quốc tế.
- Vụ Tổng hợp.
- Cơ quan thường trực khu vực miền Nam.
- Cơ quan thường trực khu vực miền Trung -
Tây Nguyên.
- Vụ Tổ chức - Cán bộ.
- Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương.
- Văn phòng.
- Viện Dư luận xã hội.
- Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo.
- Tạp chí Tuyên giáo.
- Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
b) Các đơn vị được Bộ Chính trị, Ban Bí
thư giao trực tiếp quản lý:
- Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung
ương.
- Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ
thuật Trung ương (có Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật).
- Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại
Trung ương (có Trang Thông tin đối ngoại điện tử).
3. Về biên chế
Bộ Chính trị quyết định biên chế của Ban
Tuyên giáo Trung ương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban
Tuyên giáo Trung ương.
Ngoài số biên chế theo quy định, Ban Tuyên
giáo Trung ương được sử dụng chế độ chuyên gia, cán bộ biệt phái, chế độ cộng
tác viên phục vụ cho công tác của Ban.
Điều 4. Quy chế làm
việc, mối quan hệ công tác
1. Căn cứ Quyết định này, Ban Tuyên giáo
Trung ương xây dựng và ban hành Quy chế làm việc của Ban.
2. Quan hệ của Ban Tuyên giáo Trung ương với
các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực
thuộc Trung ương thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quy chế phối hợp và theo
quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Điều 5. Điều khoản
thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký
và thay thế Quyết định số 144-QĐ/TW, ngày 08/8/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về
chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo Trung ương.
2. Ban Tuyên giáo Trung ương, các tỉnh ủy,
thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy, các cơ quan, tổ chức
trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng
mắc cần thiết sửa đổi, bổ sung thì Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Tổ
chức Trung ương trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng,
đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Ban Bí thư Trung ương
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên
Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
Võ Văn Thưởng
|