ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 818/QĐ-UBND
|
Hà Giang, ngày 26 tháng 4 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ CỦA BAN
TIẾP CÔNG DÂN TỈNH TRỰC THUỘC VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Tiếp công dân ngày
25/11/2013;
Căn cứ Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày
26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp
công dân;
Căn cứ Nghị định số 158/2018/NĐ-CP
ngày 22/11/2018 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức
hành chính;
Căn cứ Quyết định số 2974/QĐ-UBND ngày
28/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án thí điểm hợp nhất Văn phòng
Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân
và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh thành Văn phòng Đoàn
Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang;
Căn cứ Quyết định số 2975/QĐ-UBND ngày
28/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Văn phòng Đoàn
Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang;
Xét đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức
- Nội vụ tỉnh và Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và
Ủy ban nhân dân tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định vị trí, chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Tiếp công dân tỉnh Hà Giang
1. Vị trí, chức năng
a) Ban Tiếp công dân tỉnh Hà Giang là
tổ chức trực thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân tỉnh (gọi tắt là Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh), có chức năng
tham mưu giúp Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh tổ chức việc tiếp công dân
để tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân; phối hợp
cùng đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức, thực hiện việc tiếp công dân
thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân; là đầu mối tiếp nhận, phân loại, đề xuất,
xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; đồng thời theo dõi, đôn đốc
tiến độ giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các cơ quan, tổ
chức, đơn vị, cá nhân có liên quan, báo cáo kết quả với Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH,
HĐND, UBND và Chủ tịch UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp
luật.
b) Ban Tiếp công dân tỉnh có con dấu riêng
để phục vụ công tác tiếp công dân theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo,
quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND
tỉnh, đồng thời chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh, Đoàn
ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh về công tác tiếp công dân.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn
2.1. Tổ chức việc tiếp công dân đến khiếu
nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh:
a) Bố trí người tiếp công dân, xử lý khiếu
nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban Tiếp công
dân tỉnh;
b) Điều hòa, phối hợp hoạt động tiếp công
dân giữa người của Ban Tiếp công dân tỉnh với đại diện của cơ quan, tổ chức tham
gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh;
c) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức
tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân hoặc với cơ quan,
tổ chức, đơn vị có liên quan tham mưu giúp Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân
định kỳ hoặc đột xuất; người đứng đầu cơ quan, tổ chức tiếp công dân thường xuyên
tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh hoặc lãnh đạo Tỉnh ủy, lãnh đạo Đoàn ĐBQH và đại
biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND và đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo UBND
tỉnh tiếp công dân.
2.2. Giải thích, hướng dẫn công dân thực
hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng trình tự, thủ tục, đúng
cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; chấp hành quyết định
giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị,
cá nhân có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật.
2.3. Phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố
cáo, kiến nghị, phản ánh:
a) Phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố
cáo, kiến nghị, phản ánh được tiếp nhận trực tiếp tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh
hoặc qua đường bưu điện hoặc do các cơ quan, tổ chức, công dân gửi đến đại biểu
Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND, Thường trực HĐND tỉnh và các cơ quan, tổ chức, người
có thẩm quyền chuyển đến UBND tỉnh, Ban Tiếp công dân tỉnh, cơ quan, tổ chức
tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh;
b) Hướng dẫn, chuyển đơn khiếu nại, tố
cáo, kiến nghị, phản ánh đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết đối
với đơn đã tiếp nhận nhưng không thuộc phạm vi, trách nhiệm xử lý của Ban Tiếp
công dân tỉnh, của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ
sở tiếp công dân tỉnh.
2.4. Theo dõi, đôn đốc việc giải
quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh:
a) Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của
cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền đối với những đơn, vụ việc khiếu
nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường
trực HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Ban Tiếp công dân tỉnh chuyển đến;
b) Chủ trì, phối
hợp với đại diện cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ
sở và Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra tỉnh kiểm tra việc tiếp nhận, giải
quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền đối với đơn, vụ việc
khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mà Ban Tiếp công dân tỉnh chuyển đến khi
được Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao.
2.5. Tổng hợp tình hình, kết quả công
tác tiếp công dân thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban Tiếp công dân tỉnh; của cơ
quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân
tỉnh; báo cáo định kỳ và đột xuất với Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND,
UBND tỉnh, cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp
công dân, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra tỉnh và cơ quan, tổ chức có thẩm
quyền.
2.6. Tổ chức tiếp, xử lý trường hợp nhiều
người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung:
a) Chủ trì tổ chức tiếp hoặc phối hợp
với cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công
dân tỉnh hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức tiếp, xử lý trường
hợp nhiều người khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung;
b) Phối hợp với cơ quan công an địa phương
bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn cho người tiếp công
dân tại Trụ sở tiếp công dân, xử lý người có hành vi vi phạm
pháp luật tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh;
c) Phối hợp với cơ quan công an, Ủy
ban nhân dân nơi phát sinh vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị, phản ánh vận động, thuyết phục hoặc có biện pháp
để công dân trở về địa phương xem xét, giải quyết.
2.7. Phối hợp với Cơ quan Ủy ban Kiểm
tra - Thanh tra tỉnh và các cơ quan chức năng khác tham mưu giúp Chủ tịch UBND tỉnh
trong việc:
a) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện
pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND
tỉnh, UBND cấp huyện;
b) Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt
pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn đối với nhân dân, công chức, viên chức cơ
quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện;
c) Hướng dẫn nghiệp vụ cho công chức,
viên chức làm nhiệm vụ tiếp công dân thuộc sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện.
2.8. Xây dựng quy chế phối hợp hoạt động
tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt
để tổ chức thực hiện; xây dựng nội quy tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân
tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành theo quy định.
2.9. Thực hiện nhiệm vụ khác do Đoàn ĐBQH
tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao.
Điều 2. Cơ cấu tổ chức và biên chế
1. Cơ cấu tổ chức
a) Ban Tiếp công dân tỉnh có Trưởng ban,
Phó Trưởng ban và công chức làm công tác tiếp công dân;
b) Trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh do một
lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh phụ trách, chịu trách nhiệm trước
pháp luật và trước Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh về mọi hoạt động của Ban Tiếp
công dân;
c) Phó Trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh tương
đương cấp Trưởng phòng, là người giúp Trưởng ban chỉ đạo một số nhiệm vụ của
Ban Tiếp công dân theo sự phân công của Trưởng ban, chịu trách nhiệm trước Trưởng
ban và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.
d) Trưởng ban, Phó Trưởng Ban Tiếp công
dân tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm.
2. Biên chế
Biên chế công chức của Ban Tiếp công dân
tỉnh nằm trong tổng biên chế của Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh được Ủy
ban nhân dân tỉnh giao hàng năm trên cơ sở vị trí việc làm, phù hợp với chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn, khối lượng công việc và cơ cấu tổ chức của đơn vị.
Điều 3. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày
ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
2. Giám đốc các Sở, thủ trưởng các cơ
quan, đơn vị thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Trưởng Ban
Tiếp công dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Thanh tra Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Ban Đảng Tỉnh ủy;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Đảng ủy Khối cơ quan-doanh nghiệp tỉnh;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh: LĐVP, Trưởng các phòng,
đơn vị trực thuộc;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Công an tỉnh;
- VNPT ioffice;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Sơn
|