ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 76/2002/QĐ-UB
|
Bình
Phước, ngày 9 tháng 12 năm 2002
|
QUYẾT ĐỊNH
V/V
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN TƯ PHÁP XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND tỉnh (sửa đổi)
ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
năm 1997;
- Căn cứ Thông tư Liên Bộ số 12/TTLB ngày
26/7/1993 của Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ hướng dẫn chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn, và tổ chức của các cơ quan Tư pháp địa phương,
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình
Phước tại Tờ trình số 150/STP-TT ngày 19/11/2002;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm
theo Quyết định này Quy chế Tổ chức và hoạt động của Ban Tư pháp xã, phường, thị
trấn trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Điều 2: Các ông (bà): Chánh
Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban TCCQ tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các
cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị chịu trách nhiệm
thi hành.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
|
TM. UỶ BAN NHÂN
DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Nguyễn Tấn Hưng
|
QUY CHẾ
TỔ
CHỨC VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA BAN TƯ PHÁP XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 76/2002/QĐ-UB ngày 9-12-2002 của UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Ban Tư pháp xã,
phường, thị trấn là cơ quan chuyên môn của UBND xã, phường, thị trấn chịu sự chỉ
đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Phòng Tư pháp huyện, thị.
Điều 2: Ban Tư pháp xã,
phường, thị trấn giúp UBND xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý Nhà nước về
công tác Tư pháp trên địa bàn.
Cán bộ Tư pháp là chức danh chuyên môn của UBND xã,
phường, thị trấn và được hưởng chế độ sinh hoạt phí theo ngạch, bậc chuyên môn
đào tạo.
Chương II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
Điều 3: Ban Tư pháp xã, phường,
thị trấn giúp UBND xã, phường, thị trấn thực hiện các hoạt động quản lý Nhà nước
về công tác Tư pháp như sau:
1. Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác tư pháp
dài hạn và hằng năm của xã, phường, thị trấn để trình UBND xã, phường, thị trấn
phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch này;
2. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các tổ chức, cá nhân
được giao nhiệm vụ trong các chương trình, kế hoạch công tác tư pháp trong quá
trình tổ chức thực hiện;
3. Định kỳ sơ kết, tổng kết công tác tư pháp ở xã,
phường, thị trấn; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu
quả công tác tư pháp trong thời gian tiếp theo; đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác ở cơ sở;
4. Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo công tác tư pháp với
UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan Tư pháp cấp trên.
Điều 4: Ban Tư pháp xã, phường,
thị trấn giúp HĐND và UBND cùng cấp thực hiện việc ban hành văn bản quy phạm
pháp luật trong những việc sau:
1.Trực tiếp xây dựng, soạn thảo, lấy ý kiến và
trình UBND cùng cấp ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực,
ngành được UBND giao;
2. Có ý kiến văn bản đối với dự thảo những văn bản
quy phạm pháp luật trong lĩnh vực, ngành khác trước khi trình UBND ban hành;
3. Phối hợp với Văn phòng UBND xã, phường, thị trấn
tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân đối với dự thảo những văn bản quy phạm
pháp luật của UBND có yêu cầu lấy ý kiến đóng góp của nhân dân;
4. Thực hiện nghiệp vụ rà soát, hệ thống hoá văn bản
quy phạm pháp luật của HĐND và UBND cùng cấp;
5. Có ý kiến đóng góp bằng văn bản đối với những
Nghị quyết của HĐND cùng cấp là văn bản quy phạm pháp luật;
6. Phối hợp với Văn phòng UBND xã, phường, thị trấn
công khai các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND cùng cấp.
Điều 5: Trong lĩnh vực xây
dựng và thực hiện hương ước, quy ước, cán bộ Tư pháp phối hợp với cán bộ Văn
hoá – Thông tin giúp UBND xã, phường, thị trấn thực hiện công việc sau đây:
1. Xây dựng phương án, chương trình, kế hoạch và chỉ
đạo, hỗ trợ các làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư xây dựng hương ước, quy ước;
2. Chuẩn bị hồ sơ để Chủ tịch UBND xã, phường, thị
trấn trao đổi thống nhất với Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBMTTQVN xã, phường, thị
trấn trình Chủ tịch UBND huyện, thị phê duyệt;
3. Phối hợp với Chủ tịch UBMTTQVN xã, phường, thị
trấn kiểm tra, tạo điều kiện cho việc phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện
hương ước, quy ước;
4. Phát hiện và chấn chỉnh mọi biểu hiện sai trái,
lệnh lạc, tiêu cực trong việc thực hiện hương ước, quy ước; định kỳ báo cáo về
việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở địa phương.
Điều 6: Ban Tư pháp xã, phường,
thị trấn giúp UBND cùng cấp thực hiện việc phổ biến giáo dục pháp luật trong
nhân dân với những công việc như sau:
1. Xây dựng chương trình, kế hoạch phổ biến giáo dục
pháp luật theo hướng dẫn của các cơ quan Tư pháp cấp trên, phù hợp với đặc điểm
kinh tế - xã hội thực tế ở địa phương để trình UBND xã, phường, thị trấn thông
qua;
2. Theo dõi, đôn đốc thực hiện hoặc kiến nghị UBND
xã, phường, thị trấn có biện pháp phù hợp cho việc tổ chức thực hiện kế hoạch
tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật;
3. Sơ kết, tổng kết công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật ở địa phương;
4. Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về công tác phổ biến
giáo dục pháp luật với UBND tỉnh xã, phường, thị trấn và cơ quan Tư pháp cấp trên;
đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khen thưởng các tổ chức, cá nhân có
thành tích và tích cực tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Điều 7: Ban Tư pháp xã, phường,
thị trấn có nhiệm vụ xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật. Tổ chức cho cán bộ,
nhân dân có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu được trực tiếp đọc các văn bản pháp luật
của Nhà nước.
Điều 8: Ban Tư pháp xã, phường,
thị trấn có nhiệm vụ giúp UBND xã, phường, thị trấn thực hiện việc đăng ký và
quản lý hộ tịch với các nội dung sau:
1. Đăng ký khai sinh; khai tử; kết hôn; nuôi con
nuôi; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn; đăng ký lại
việc khai sinh, khai tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi;
2. Căn cứ vào quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền, ghi vào sổ đăng ký hộ tịch các việc về ly hôn, xác định cha, mẹ, con,
thay đổi quốc tịch, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực
hành vi dân sự, huỷ hôn nhân trái pháp luật, hạn chế quyền của cha mẹ đối với
con cái chưa thành niên và những sự kiện hộ tịch khác do pháp luật quy định;
3. Cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ gốc;
4. Tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp
hành các quy định của pháp luật về Hộ tịch;
5. Tổng hợp tình hình và báo cáo thống nhất các số
liệu về Hộ tịch cho UBND cấp huyện và Phòng Tư pháp huyện, thị theo định kỳ sáu
tháng và hàng năm;
6. Lưu trữ sổ sách, hồ sơ hộ tịch;
7. Sử dụng các loại sổ sách, biểu mẫu Hộ tịch theo
quy định của Bộ Tư pháp;
8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm
về đăng ký quản lý hộ tịch theo thẩm quyền;
9. Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn ở khu vực biên
giới giúp UBND cùng cấp thực hiện đăng ký kết hôn; nhận cha, mẹ, con; nuôi con
nuôi giữa công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước
láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam;
Điều 9: Ban Tư pháp xã, phường,
thị trấn thực hiện công tác đăng ký, quản lý Hộ tịch tư pháp và thống kê tư
pháp theo hướng dẫn thống nhất của Bộ Tư pháp và cơ quan tư pháp cấp trên.
Điều 10: Ban Tư pháp xã,
phường, thị trấn có trách nhiệm quản lý, tổ chức và hướng dẫn hoạt động cho các
tổ chức hoà giải ở cơ sở; đồng thời, trực tiếp thực hiện việc hoà giải khi có vụ
việc do tổ hoà giải chuyển lên hoặc thuộc thẩm quyền của UBND cùng cấp.
Điều 11: Ban Tư pháp xã,
phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức phối hợp thực hiện công tác thi hành án
dân sự theo chỉ đạo, hướng dẫn của Đội thi hành huyện, thị với các công việc
sau:
1. Trực tiếp hoặc phối hợp với các tổ chức, các
đoàn thể quần chúng, cán bộ cơ sở giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án
tự nguyện thi hành án;
2. Cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản
thu nhận của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án;
3. Phối hợp với cơ quan thi hành án xử lý tài sản,
tang vật và những việc khác có liên quan đến việc thi hành án;
4. Tham gia việc cưỡng chế thi hành án, kê biên tài
sản… của người phải thi hành án;
5. Chuyển cho cơ quan thi hành án khoản tiền người
thi hành án bị trừ vào thu nhập do mình đang quản lý;
6. Tống đạt giấy tờ Tư pháp liên quan đến việc thi
hành án dân sự;
7. Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ trực
tiếp tổ chức thi hành án đối với các vụ việc có giá trị không quá 500.000 đồng
theo sự hướng dẫn nghiệp vụ của Đội thi hành án huyện, thị.
Điều 12: Ban Tư pháp xã,
phường, thị trấn thực hiện một số nhiệm vụ sau để thi hành án trong lĩnh vực
Hình sự do UBND xã, phường, thị trấn giao cho:
1. Giám sát, giáo dục người chưa thành niên phạm tội;
2. Theo dõi, giám sát, giáo dục việc cải tạo của những
người được hưởng án treo hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ;
3. Đảm nhiệm việc thi hành, quản chế, cấm cư trú,
tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm một số chức vụ hoặc cấm làm một số
nghề nhất định;
4. Quản lý người được hoãn hoặc được tạm đình chỉ
chấp hành án phạt tù;
5. Thi hành án phạt quản chế đối với người bị phạt
quản chế sau khi chấp hành xong hình phạt tù;
6. Phối hợp với Ban Giám thị trại giam giúp đỡ người
đã thi hành xong hình phạt tù trở về địa phương;
7. Xem xét, nhận xét đơn xin xoá án của người bị kết
án;
8. Tống đạt các giấy tờ Tư pháp.
Điều 13: Ban Tư pháp xã,
phường, thị trấn thực hiện điều tra, xác minh, thu thập tài liệu, thông tin để
tham mưu giúp UBND xã, phường, thị trấn thực hiện công việc về Quốc tịch như
sau:
1. Cấp xác nhận về nhà ở, việc làm, thu nhập hợp
pháp hoặc tình trạng tài sản tại Việt Nam cho người nước ngoài thường trú tại địa
phương khi xin nhập Quốc tịch Việt Nam.
2. Xác nhận vào bản khai danh dự về ngày, tháng,
năm sinh, nơi sinh, quê quán, nơi cư trú của công dân Việt Nam, họ, tên, tuổi,
quốc tịch nơi cư trú của cha mẹ và nguồn gốc gia đình của công dân Việt Nam khi
xin cấp giấy chứng nhận có Quốc tịch Việt Nam.
Điều 14: Ban Tư pháp xã,
phường, thị trấn chủ động tham mưu, đề xuất với UBND xã, phường, thị trấn; phối
hợp chặt chẽ với Trung tâm Trợ giúp pháp lý để tổ chức hoặc tham gia thực hiện
công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách theo những
nội dung sau:
1. Tuyên truyền, giải thích về các tổ chức trợ giúp
pháp lý và hoạt động trợ giúp pháp lý Nhà nước để cung cấp cho người dân những hiểu
biết cần thiết về Trợ giúp pháp lý.
2. Tham mưu với UBND cùng cấp cấp cho đối tựơng được
hưởng Trợ giúp pháp lý các giấy tờ cần thiết để xuất trình với tổ chức Trợ giúp
pháp lý, giải quyết các kiến nghị do tổ chức Trợ giúp pháp lý chuyển đến.
3. Tham gia làm cộng tác viên của Trung tâm Trợ
giúp pháp lý; phối hợp với Trung tâm trong hoạt động Trợ giúp pháp lý lưu động ở
cơ sở hoặc trong các vụ việc trợ giúp cụ thể ở cơ sở; thống kê đối tượng, nhu cầu
trợ giúp pháp lý và giới thiệu hướng dẫn đối tượng đến Trung tâm để được trợ
giúp pháp lý; cung cấp các văn bản pháp luật, thông tin pháp luật cho nhân dân
khi họ có nhu cầu, thông tin về các hoạt động pháp luật để người dân quan tâm,
theo dõi, đóng góp khi cần thiết.
4. Thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối
tượng chính sách về tổ chức hoạt động Trợ giúp pháp lý tại nơi tiếp dân của
UBND cùng cấp theo sự hướng dẫn của Trung tâm trợ giúp pháp lý trong các lĩnh vực
tư pháp thụôc chức năng, nhiệm vụ Ban Tư pháp.
Điều 15: Trong công tác quản
lý tư pháp ở cơ sở, Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn được UBND xã, phường, thị
trấn giao thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Phối hợp với cơ quan Công an và Mặt trận Tổ quốc
cùng cấp giúp UBND xã, phường, thị trấn thực hiện việc áp dụng biện pháp giáo dục
tại xã, phường, thị trấn đối với người nhiều lần có hành vi vi phạm pháp luật
nhưng chưa đến mức đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục hoặc người nghiện
ma tuý, người mại dâm chưa đến mức đưa vào cơ sở chữa bệnh.
2. Tham gia công tác giám hộ;
3. Tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của
nhân dân địa phương;
4. Tham gia các Ban chỉ huy về nếp sống văn minh,
gia đình văn hoá, dân số kế hoạch hoá gia đình.
Điều 16: Ban Tư pháp xã,
phường, thị trấn có nhiệm vụ giúp Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cùng cấp phụ
trách Tư pháp thực hiện việc chứng thực các công việc sau:
1. Chứng thực chữ ký của công dân Việt Nam trong
các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch dân sự ở trong nước;
2. Chứng thực di chúc, văn bản từ chối nhận di sản;
3. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và hàng
năm báo cáo, thống kê số liệu về chứng thực gửi cho Phòng Tư pháp cấp huyện;
4. Các việc khác theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC CỦA BAN TƯ PHÁP
XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
Điều 17: Ban Tư pháp xã,
phường, thị trấn gồm:
1. Trưởng ban là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND
xã, phường, thị trấn phụ trách công tác Tư pháp;
2. Cán bộ Tư pháp – Phó ban thường trực;
3. Các thành viên khác được mời gồm:
a) Một Đại biểu của UBMTTQVN cùng cấp;
b) Một Đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ ;
c) Một Đại biểu Đoàn Thanh niên ;
d) Một Đại biểu Hội Nông dân Việt Nam ;
e) Một Đại biểu Hội Cựu chiến binh.
Điều 18: Tiêu chuẩn của
cán bộ Tư pháp cấp xã:
1. Những người có đủ các điều kiện sau đây có thể
được giao làm cán bộ Tư pháp cấp xã:
a) Là công dân Việt Nam;
b) Có đủ năng lực hành vi;
c) Có tư cách đạo đức tốt;
d) Đã tốt nghiệp phổ thông trung học
trở lên;
e) Có tinh thần trách nhiệm trong
công tác;
g) Chữ viết rõ ràng;
h) Được bồi dưỡng nghiệp vụ Hộ tịch
và các nghiệp vụ khác của ngành Tư pháp.
2. Từ ngày 01/01/2005 để được bổ nhiệm
vào chức danh cán bộ Tư pháp xã, phường, thị trấn ngoài những điều kiện quy định
ở Khoản 1 của Điều này thì phải thêm điều kiện có bằng Trung cấp pháp lý hoặc bằng
Đại học luật;
Chương IV
MỐI QUAN HỆ CÔNG
TÁC
Điều 19: Ban Tư pháp xã, phường,
thị trấn có mối quan hệ với các ngành các cấp như sau:
1. Đối với các Phòng Tư pháp huyện,
thị xã: Ban Tư pháp xã, phường chịu sự chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp
vụ của Phòng Tư pháp; Trưởng Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn có trách nhiệm
báo cáo tình hình công tác chuyên môn về công tác tư pháp ở địa phương cho
Phòng Tư pháp theo chế độ định kỳ và theo yêu cầu đột xuất.
2. Đối với UBND xã, phường, thị trấn:
Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn chịu sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của
UBND xã, phường, thị trấn. Thường xuyên báo cáo công tác với UBND xã, phường,
thị trấn về các lĩnh vực công tác của mình.
3. Đối với các Ban thuộc UBND xã, phường,
thị trấn: Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn xây dựng mối quan hệ phối kết hợp chặt
chẽ với các ban trong lĩnh vực công tác có liên quan để phối hợp hỗ trợ cùng
hoàn thành nhiệm vụ.
Trong trường hợp có những vấn đề chưa
thống nhất thì các bên báo cáo xin ý kiến chỉ đạo giải quyết của Chủ tịch UBND
xã, phường, thị trấn.
4. Đối với các tổ hoà giải: Ban Tư
pháp xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về công
tác hoà giải theo quy định của pháp luật đối với các tổ hoà giải cơ sở và yêu cầu
các tổ hoà giải chấp hành việc báo cáo thường xuyên và đột xuất về công tác hoà
giải ở cơ sở.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 20: Trên cơ sở Bản Quy chế
này UBND các huyện, thị hướng dẫn các xã, phường, thị trấn củng cố, thành lập
Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn.
Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn trên
địa bàn tỉnh Bình Phước hoạt động theo đúng Quy chế này.
Điều 21: Việc sửa đổi, bổ sung
Bản Quy chế này do Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, trình UBND tỉnh quyết định.
Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày ký.