ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 747/QĐ-UBND
|
Ninh Bình, ngày
16 tháng 7 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN
LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN NINH, TRẬT TỰ, ĐẢM BẢO MÔI TRƯỜNG AN TOÀN, VĂN MINH PHỤC VỤ
PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2026
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Du lịch ngày 19/6/2017;
Căn cứ Nghị định số
168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của
Luật Du lịch;
Thực hiện Chỉ thị số
10/CT-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ an ninh quốc
gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên lĩnh vực du lịch trong tình hình mới;
Theo đề nghị của Giám đốc
Công an tỉnh tại Tờ trình số 1293/TTr-CAT-ANĐNg ngày 08/7/2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác
quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đảm bảo môi trường an toàn, văn minh phục
vụ phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2026 (có Đề án kèm theo).
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh;
Giám đốc Sở Du lịch; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố và các hiệp hội, đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công an (BC);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lưu VT, VP5, các VP;
NN_VP5_QDUB.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Song Tùng
|
ĐỀ ÁN
NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN
NINH, TRẬT TỰ, ĐẢM BẢO MÔI TRƯỜNG AN TOÀN, VĂN MINH PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH
TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2026
(Ban hành kèm theo Quyết định số 747/QĐ-UBND ngày 16/7/2021 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Ninh Bình)
Phần I
CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. CƠ SỞ
CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ
1. Luật Du lịch năm 2017;
Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một
số điều của Luật Du lịch;
2. Nghị quyết số
08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở
thành ngành kinh tế mũi nhọn;
3. Nghị quyết số 103/NQ-CP
ngày 06 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của
Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ
Chính trị;
4. Chỉ thị số 10/CT-TTg
ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, đảm
bảo trật tự an toàn xã hội trên lĩnh vực du lịch trong tình hình mới;
5. Quyết định số
147/QĐ-TTg , ngày 22 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến
lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030;
6. Quyết định số
201/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy
hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
7. Quyết định số
2163/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải
Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
8. Quyết định số
230/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch
chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An.
9. Kết luận số 03 ngày
26 tháng 6 năm 2017 của Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số
15-NQ/TU, ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển
du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
10. Quyết định số
1124/QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2018 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến
năm 2030.
11. Chỉ thị số
05/CT-UBND, ngày 27 tháng 11 năm 2014 của UBND tỉnh Ninh Bình về tăng cường công
tác quản lý môi trường, văn hóa, đảm bảo an ninh, an toàn tại các khu, điểm du
lịch trên địa bàn tỉnh.
II. CƠ SỞ THỰC
TIỄN
1. Ninh Bình có nhiều
danh lam thắng cảnh nổi tiếng, trong đó có Quần thể Danh thắng Tràng An là Di sản
Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Tại các
văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và địa phương về phát triển du lịch
đều xác định việc đảm bảo môi trường xã hội an ninh, an toàn là nội dung, điều
kiện quan trọng để triển khai thực hiện các mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ phát triển
du lịch.
2. Trong những năm qua,
lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với ngành Du lịch và các cơ quan, đơn vị,
địa phương có liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp công tác đảm bảo an
ninh trật tự trên địa bàn tỉnh nói chung và trên lĩnh vực du lịch nói riêng. Do
đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo ổn định;
những vụ việc, vấn đề phức tạp nổi lên trên lĩnh vực du lịch đều được giải quyết
kịp thời; các phong trào, mô hình đảm bảo an ninh trật tự trên lĩnh vực du lịch
được triển khai rộng rãi, có hiệu quả… Với những kết quả nêu trên, đã góp phần
quan trọng trong việc triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách về phát
triển du lịch. Các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển du lịch của tỉnh đã đạt được
những kết quả quan trọng.
3. Công tác quản lý nhà
nước về du lịch vẫn còn tồn tại những hạn chế, nếu không được giải quyết tốt sẽ
nảy sinh những vấn đề phức tạp như:
- Công tác quản lý nhà nước
đối với các dịch vụ du lịch:
+ Toàn tỉnh có khoảng gần 700
cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, trong đó có khoảng 300 cơ sở kinh
doanh homestay. Các cơ sở homestay tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Hoa Lư,
qua công tác quản lý nổi lên một số vấn đề bất cập, còn phát sinh vi phạm như:
Vi phạm Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An quy định “không được
kinh doanh lưu trú trong vùng lõi Di sản Tràng An”; vi phạm quy định về quản lý
đất đai, trật tự xây dựng.
+ Công tác quản lý dịch vụ lữ
hành: Còn một số cơ sở trên địa bàn tỉnh hoạt động khi chưa có đầy đủ thủ tục
pháp lý theo quy định, cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài ra, một số công ty lữ
hành ngoài địa bàn tỉnh đã bảo lãnh, đưa dẫn khách du lịch nước ngoài về Ninh
Bình nhưng không quản lý, để khách du lịch nước ngoài hoạt động sai mục đích nhập
cảnh; một số công ty lữ hành đưa khách về Ninh Bình đã tự ý thay đổi địa điểm,
lịch trình tham quan, thực hiện không đúng theo chương trình quảng cáo, gây ảnh
hưởng đến quyền lợi của khách du lịch và hình ảnh du lịch Ninh Bình.
- Công tác quản lý các dự án
đầu tư xây dựng phát triển du lịch: Những năm gần đây, lượng khách du lịch
đến tham quan tại Ninh Bình tăng cao, nhu cầu sử dụng các loại hình dịch vụ du
lịch cũng tăng theo; với chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch của tỉnh,
đã có nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch được
triển khai thực hiện trên địa bàn, trong đó tập trung chủ yếu trong khu vực Di
sản Tràng An. Các dự án được triển khai đã góp phần phục vụ nhu cầu của khách
du lịch, làm phong phú thêm các loại hình sản phẩm du lịch, thu hút được khách
du lịch đến với Ninh Bình.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy quá
trình triển khai các dự án vẫn còn một số tồn tại, chưa đáp ứng được nhu cầu thực
tế, như: Quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư còn vi phạm các quy định về quản
lý đất đai và trật tự xây dựng; chưa có các giải pháp phù hợp để giải quyết những
vấn đề liên quan đến sinh kế, phong tục tập quán, lợi ích của cộng đồng dân cư
trong khu vực, còn phát sinh những vụ việc liên quan đến an ninh trật tự; các dự
án đầu tư xây dựng về dịch vụ lưu trú, nhà hàng chiếm số lượng lớn, các dự án đầu
tư phát triển các loại hình du lịch mới còn hạn chế, do đó chưa tạo ra những sản
phẩm dịch vụ có khả năng thu hút khách du lịch lưu trú qua đêm tại Ninh Bình;
tình trạng một số dự án chậm tiến độ thi công do thiếu vốn, kéo dài thời gian
hoàn thành, tuy nhiên hiệu quả, đóng góp vào phát triển du lịch không tương xứng;
một số dự án mới chỉ dừng ở bước phê duyệt dự án, chậm đưa vào triển khai, gây
khó khăn trong công tác quản lý.
- Công tác bảo tồn và phát
huy giá trị Di sản Tràng An: đã được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo thực
hiện. Tuy nhiên, nhận thức của một số ngành, các địa phương về ý nghĩa, tầm
quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và thiên nhiên của
Quần thể danh thắng Tràng An chưa đầy đủ. Do đó, vẫn còn tình trạng một số đơn
vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức, còn để xảy ra các vụ việc, hoạt động xâm
phạm di sản, đặc biệt là xâm phạm về môi trường cảnh quan; sự phối hợp giữa các
sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan và doanh nghiệp trong xử lý các vụ việc
phức tạp phát sinh còn chưa thống nhất, thiếu quyết liệt.
4. Công tác đảm bảo an
ninh, trật tự trên lĩnh vực du lịch vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:
- Vẫn còn tồn tại những vấn đề
có nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn:
+ Hoạt động của khách du lịch
nước ngoài: Những năm gần đây, lượng khách quốc tế đến với Việt Nam nói chung,
đến với Ninh Bình nói riêng tăng đều theo các năm. Trong năm 2019, có tới
910.703 lượt khách quốc tế, chủ yếu đến từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc,
Nhật Bản, Pháp, Anh, Mỹ…; trong đó có 147.222 lượt khách quốc tế lưu trú qua
đêm, chiếm 16,16% tổng lượng khách quốc tế đến Ninh Bình. Qua theo dõi, khách
du lịch nước ngoài đến với Ninh Bình cơ bản chấp hành các quy định của pháp luật,
tuy nhiên nổi lên một số vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo an ninh trật tự
như:
Tình trạng khách du lịch nước
ngoài thuê phương tiện tự lái, trong đó nhiều trường hợp không đủ giấy tờ pháp
lý tham gia giao thông, đáng chú ý đã xảy ra những vụ tai nạn giao thông gây hậu
quả nghiêm trọng1.
Người nước ngoài lợi dụng du lịch,
vào địa bàn cư trú có hoạt động sai mục đích khi chưa được các cơ quan chức
năng cho phép: lợi dụng du lịch vào địa bàn làm việc với các cơ quan, đơn vị,
có hoạt động kinh doanh thương mại, thăm thân, tìm hiểu kết hôn với người Việt
Nam2.
Khách du lịch nước ngoài lưu
trú tại các khu, điểm du lịch không chấp hành quy định của pháp luật về cư trú
(còn tình trạng ăn uống, sinh hoạt về đêm quá giờ quy định tại các cơ sở lưu
trú gần các khu, điểm du lịch); khách du lịch nước ngoài gây rối trật tự công cộng
(vụ việc liên quan khách du lịch nước ngoài tại Khu Du lịch Hang Múa năm
2020…).
Xuất hiện hoạt động người nước
ngoài đến Ninh Bình, phát tán tài liệu ngoài luồng, các tài liệu, ấn phẩm độc hại,
tuyên truyền sai sự thật về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, tuyên truyền, tổ chức
các hoạt động tôn giáo trái phép3…
Khách du lịch nước ngoài vào địa
bàn lợi dụng tham quan du lịch tiếp xúc, gặp gỡ các cơ quan, tổ chức, người dân
để tìm hiểu về những vấn đề nhạy cảm trên lĩnh vực tôn giáo, dân chủ, nhân quyền.
+ Tình hình an ninh trật tự tại
các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh: Hiện trên địa bàn tỉnh có 17 khu, điểm
du lịch (06 khu, 11 điểm), các khu, điểm du lịch đa số đều trong giai đoạn vừa
đầu tư xây dựng, vừa kinh doanh khai thác du lịch. Qua công tác quản lý, còn nổi
lên một số vấn đề sau:
Công tác đảm bảo trật tự an
toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm đã được quan tâm, tuy nhiên vẫn còn
tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố, hành lang hành lang an toàn giao
thông, chưa có quy hoạch cụ thể cho các khu dịch vụ đảm bảo vệ sinh an toàn thực
phẩm dành cho khách du lịch; vẫn còn tình trạng chèo kéo khách, tranh giành
khách du lịch gây mất an ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch, đặc biệt là trong
mùa du lịch cao điểm.
Vẫn còn tình trạng các loại đối
tượng lợi dụng các hoạt động du lịch, lễ hội đông người để trộm cắp, cướp giật,
lừa đảo, gian lận, tổ chức các hoạt động tệ nạn xã hội, ép giá, chèo kéo, đeo
bám khách du lịch.
Vào mùa du lịch, có thời điểm
quá tải khách du lịch, cơ sở hạ tầng ở một số khu, điểm du lịch chưa đủ đáp ứng,
dẫn đến tình trạng ùn ứ khách, gây lộn xộn, nhiều khách du lịch phải xếp hàng
mua vé rất lâu hoặc đã mua được vé tham quan nhưng phải chờ đợi rất lâu, cá biệt
đã xảy ra các vụ việc mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản của
khách du lịch, gây tâm lý, ấn tượng không tốt đối với du khách về du lịch Ninh
Bình. Ngoài ra, lượng phương tiện giao thông tăng đột biến cũng kéo theo nhiều
yếu tố phức tạp về trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng tại các khu vực,
tuyến đường lân cận các khu, điểm du lịch.
Công tác quản lý các hoạt động
du lịch, văn hóa có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ, ảnh hưởng tiêu cực đến môi
trường, văn hóa, an ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn, tác động
xấu đến hình ảnh du lịch của tỉnh.
Việc tuyên truyền, khuyến khích
và hỗ trợ cho cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên du lịch tham gia vào các hoạt
động du lịch đã được chú trọng nhưng còn ít, chưa tạo thành phong trào để người
dân tham gia bảo vệ và phát huy tài nguyên và môi trường du lịch, đặc biệt là
trong phạm vi Di sản Tràng An.
- Công tác phối hợp giữa lực lượng
Công an với các ngành có liên quan trong đảm bảo an ninh du lịch còn chưa thường
xuyên, chặt chẽ, chưa có cơ chế phối hợp cụ thể trong công tác đảm bảo an ninh
trật tự phục vụ phát triển du lịch.
- Công tác nắm tình hình, dự
báo tình hình về an ninh, trật tự trên lĩnh vực du lịch còn chưa được quan tâm
đúng mức, chưa kịp thời, dẫn đến còn để xảy ra các vụ việc phức tạp về an ninh
trật tự.
5. Nhận thức của cấp,
các ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp về đảm bảo an ninh trật tự, vệ
sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm
vụ, giải pháp phát triển du lịch còn hạn chế, do đó dẫn tới việc chỉ đạo thực
hiện chưa quyết liệt, còn tình trạng các doanh nghiệp chỉ tập trung vào khai
thác tối đa về du lịch, chưa quan tâm đúng mức đến công tác đảm bảo an ninh trật
tự, bảo vệ môi trường cảnh quan, vệ sinh môi trường...
Nguyên nhân của những tồn tại
nêu trên ngoài các yếu tố khách quan thì nguyên nhân chủ quan là rất lớn, trong
đó công tác tham mưu, tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về đảm bảo an
ninh trật tự, về quản lý và phát triển du lịch còn những bất cập, tồn tại; công
tác phối hợp quả n lý, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm giữa các sở, ngành,
địa phương chưa đạt được hiệu quả tích cực, thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời. Một
số đơn vị, địa phương còn chưa nhận thức đầy đủ, trách nhiệm, coi nhẹ công tác
bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong thực hiện các mục
tiêu, nhiệm vụ phát triển du lịch; ý thức chấp hành của một bộ phận không nhỏ
doanh nghiệp, lao động trên lĩnh vực du lịch còn thấp.
Vì vậy, việc xây dựng “Đề án
nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, đảm bảo
môi trường an toàn, văn minh phục vụ phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn
2021 - 2026” là yêu cầu cấp thiết nhằm huy động sự vào cuộc đồng bộ của các
cấp, các ngành trong giải quyết những vấn đề còn tồn tại, phát sinh liên quan đến
công tác đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ phát triển du lịch trở thành ngành
kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Phần II
QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC
TIÊU
I. QUAN ĐIỂM
CHỈ ĐẠO
1. Công tác quản lý nhà nước
về an ninh trật tự phục vụ phát triển du lịch phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo
trực tiếp, toàn diện, chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, sự quản lý tập trung, thống
nhất của các cấp chính quyền. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vai
trò nòng cốt của lực lượng Công an, vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng
dân cư.
2. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm
vụ phát triển du lịch và quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên lĩnh vực du
lịch. Quá trình triển khai các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch về phát triển du lịch
và triển khai các biện pháp công tác đảm bảo an ninh trật tự phải tuân thủ
nguyên tắc “phát triển du lịch bền vững gắn với nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc
gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội”; đảm bảo không làm ảnh hưởng đến lợi
ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động du lịch.
3. Triển khai công tác bảo đảm
an ninh, trật tự đối với các hoạt động du lịch và các sự kiện chính trị - xã hội
quan trọng của tỉnh phải chặt chẽ, linh hoạt, gắn với mục tiêu xây dựng hình ảnh
con người Ninh Bình thân thiện, văn minh, mến khách; bảo tồn và phát huy các
giá trị văn hóa Ninh Bình; giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hoá và thiên
nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
4. Đảm bảo an ninh trật tự để
phục vụ mục tiêu phát triển du lịch. Ngược lại, phát triển du lịch nhằm hướng tới
mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tạo môi trường xã hội ổn định, phòng ngừa,
đẩy lùi các tệ nạn xã hội và triệt tiêu điều kiện hoạt động của các loại tội phạm.
II. MỤC
TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Tạo môi trường an ninh, an
toàn để phát triển du lịch, đảm bảo nguyên tắc “phát triển du lịch bền vững
gắn với nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội”.
- Huy động được sức mạnh của cả
hệ thống chính trị và toàn xã hội vào công tác đảm bảo an ninh, trật tự, tạo dựng
môi trường du lịch văn minh, an toàn, để phát triển du lịch.
- Đảm bảo các chủ trương, đường
lối, chính sách phát triển du lịch; hệ thống văn bản pháp luật về du lịch được
thực hiện đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả cao. Đồng thời, chủ động phát hiện, đấu
tranh với các hành vi xâm phạm, làm ảnh hưởng đến các chủ trương, đường lối,
chính sách của Đảng về phát triển du lịch; lợi dụng du lịch để xâm phạm an ninh
quốc gia, vi phạm pháp luật.
- Đảm bảo môi trường xã hội an
toàn, góp phần xây dựng hình ảnh điểm đến, thương hiệu du lịch mang đặc trưng
riêng của Ninh Bình đó là “du lịch văn minh, an toàn, thân thiện”.
- Đảm bảo an ninh du lịch, góp
phần hoàn thành mục tiêu đã đề ra về phát triển du lịch, đến 2025 du lịch Ninh
Bình cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư,
đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
- Chủ động phát hiện, xử lý
nghiêm các loại tội phạm, đối tượng lợi dụng du lịch hoạt động xâm phạm an ninh
quốc gia, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến phát triển du lịch.
- Đảm bảo các cá nhân, tổ chức
nước ngoài có dấu hiệu hoạt động “núp bóng” đầu tư du lịch “chui”, tham gia hoạt
động du lịch trái phép (lữ hành trái phép, hướng dẫn viên “chui”, tour du lịch
“0 đồng”) đều được phát, đấu tranh ngăn chặn kịp thời.
- Đảm bảo hạn chế thấp nhất, tiến
tới không còn tình trạng chèo kéo, đeo bám, tranh giành khách du lịch gây mất
an ninh trật tự; tiếp tục khẳng định Ninh Bình là điểm đến an toàn, thân thiện,
mến khách.
- Xử lý nghiêm đối với các hành
vi vi phạm về quản lý đất đai và trật tự xây dựng trong vùng Di sản; hạn chế tối
đa các trường hợp phát sinh mới.
- Quản lý chặt chẽ hoạt động của
khách du lịch nước ngoài; tham mưu, giải quyết tình trạng khách du lịch nước
ngoài thuê xe máy tự lái tham gia giao thông khi không đầy đủ giấy tờ pháp lý
theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp người nước ngoài lợi dụng du lịch,
vào địa bàn cư trú có hoạt động sai mục đích khi chưa được các cơ quan chức
năng cho phép.
- Xây dựng Quy chế phối hợp giữa
Công an tỉnh, Sở Du lịch và các đơn vị, địa phương liên quan trong trong thực
hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên lĩnh
vực du lịch.
- Xây dựng các mô hình, phong
trào đảm bảo an ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; đảm bảo
có sự tham gia của cấp chính quyền, các đoàn thể tại cơ sở, các cá nhân, tổ chức
hoạt động du lịch và lực lượng Công an chính quy tại cơ sở.
Phần III
NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Chỉ đạo
các cơ quan, đơn vị có liên quan tích cực tham gia công tác đảm bảo an ninh, trật
tự tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh
- Tổ chức xây dựng và thực hiện
nghiêm túc nội quy, quy định về an ninh, trật tự ở các khu, điểm du lịch đảm bảo
phù hợp với tình hình thực tiễn ở từng địa bàn, nhất là các quy định an toàn về
người, tài sản và những quy định về cấm các hoạt động mê tín dị đoan, tệ nạn xã
hội.
- Bổ sung, hoàn thiện các quy định
về tổ chức, quản lý các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội, chú ý phải gắn với
các quy định về công tác đảm bảo an ninh, trật tự. Quá trình tổ chức các hoạt động
lễ hội, du lịch phải đảm bảo phù hợp về tính chất, quy mô, thời điểm, hiệu quả;
tổ chức đánh giá, đề xuất giải pháp khắc phục sơ hở, thiếu sót, bất cập trong
công tác quản lý, kiên quyết không để xảy ra tình trạng lộn xộn, gây mất an
ninh, trật tự.
- Các doanh nghiệp, Ban quản lý
các khu, điểm du lịch đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án du lịch trọng điểm,
hoàn thiện, rà soát, kiểm tra lại các điều kiện về cơ sở vật chất, bố trí các
phương án để không xảy ra tình trạng ùn tắc, quá tải trong mùa du lịch, lễ hội
cao điểm.
- Tổ chức các đoàn thanh tra
liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động
du lịch, tổ chức các hoạt động lễ hội, văn hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm… tại
các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai các phương án, kế
hoạch đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ tại các khu, điểm du lịch.
Tập trung phát hiện, đấu tranh với loại đối tượng lợi dụng du lịch, lễ hội để
tán phát các tài liệu có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước,
xâm phạm chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc; trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, gian lận,
tổ chức các hoạt động tệ nạn xã hội, ép giá…Đảm bảo không còn tình trạng chèo
kéo, đeo bám, tranh giành khách du lịch gây mất an ninh trật tự.
- Tăng cường các biện pháp quản
lý chặt chẽ hoạt động của khách du lịch nước ngoài; xử lý nghiêm đối với các
trường hợp khách du lịch nước ngoài thuê xe máy tự lái, tham gia giao thông khi
không đủ giấy tờ pháp lý; người nước ngoài lợi dụng du lịch, tuyên truyền, phát
tán tài liệu, ấn phẩm độc hại, xâm phạm chủ quyền, biển đảo, vi phạm các quy định
về hoạt động du lịch, văn hóa, vào địa bàn cư trú có hoạt động sai mục đích...
- Tiến hành khảo sát, đánh giá
toàn diện tình hình liên quan đến an ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch và
các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh để chủ động trong tham mưu, triển khai lực
lượng, phương tiện, biện pháp đảm bảo an ninh trật tự. Trong đó, chú ý những vấn
đề bất cập, sơ hở, thiếu sót trong cơ chế quản lý, điều hành tại các khu, điểm
du lịch; những vấn đề nổi lên về an ninh trật tự đáng chú ý như: hoạt động của
người nước ngoài liên quan an ninh quốc gia, hoạt động của các đối tượng hình sự,
ma túy, các tai tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, lợi dụng tổ chức lễ hội để trục
lợi, trái với thuần phong mỹ tục… Trên cơ sở đó, dự báo những vấn đề liên quan
đến an ninh, trật tự để chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu
tranh.
2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; nhận thức về tầm quan trọng của
công tác đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường du lịch an toàn trong thực hiện
mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ phát triển du lịch đối với các cá nhân, tổ chức,
doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch và cộng đồng.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp,
được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Do đó, cần nâng cao nhận thức
trong toàn xã hội về vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã
hội và muốn thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển du lịch thì phải đảm
bảo được môi trường xã hội an toàn, trong đó công tác đảm bảo an ninh, trật tự
đóng vai trò quan trọng. Để thực hiện được nhiệm vụ này, cần tập trung thực hiện
một số nội dung công tác sau:
- Phát huy vai trò của cấp ủy,
chính quyền cơ sở trong chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách, kế hoạch
về phát triển du lịch của tỉnh; trong quản lý các hoạt động du lịch; đặc biệt
là trong chỉ đạo, huy động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân vào
công tác đảm bảo an ninh, trật tự.
- Tuyên truyền tới các cá nhân,
tổ chức, doanh nghiệp du lịch và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của
du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; về ý thức và trách nhiệm
trong bảo vệ môi trường du lịch bền vững, đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch;
xây dựng phong cách ứng xử văn minh, thái độ cởi mở, chân thành đối với khách
du lịch.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ
biến sâu rộng, vận động nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh
trật tự, trọng tâm là nâng cao kiến thức phòng, chống tội phạm hình sự, ma túy,
tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, trật tự
an toàn giao thông, trật tự đô thị, nhất là vào mùa du lịch, lễ hội; thực hiện
nếp sống văn minh, lịch sự, tôn trọng pháp luật; gìn giữ truyền thống văn hóa địa
phương, đặc biệt là nhân dân tại các khu, điểm du lịch về văn hóa giao tiếp,
thái độ ứng xử, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan du lịch và bảo vệ
Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
- Nâng cao nhận thức của người
dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường an
toàn; để các cơ quan, tổ chức và người dân hiểu rõ “những bất ổn về an ninh, trật
tự sẽ có những tác động tiêu cực đến môi trường xã hội chung và sự phát triển
du lịch nói riêng”.
- Tổ chức phát động Phong trào
toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc ở các khu, điểm du lịch và trong các lễ hội phù
hợp với điều kiện và đặc điểm từng địa bàn. Phát huy vai trò của người đứng đầu
các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân nơi có các khu, điểm du lịch, tổ
chức lễ hội.
3. Ban
hành, hoàn thiện và triển khai thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật trên lĩnh
vực du lịch
- Ban hành quy chế, kế hoạch phối
hợp giữa Công an tỉnh, Sở Du lịch và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên
quan trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn
xã hội trên lĩnh vực du lịch; tạo hành lang pháp lý để triển khai các biện
pháp, tăng cường hiệu quả công tác phối hợp trong xử lý, giải quyết những vấn đề
phức tạp phát sinh liên quan đến đảm bảo an ninh trật tự trên lĩnh vực du lịch.
- Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện
các quy chế quản lý ở các khu, điểm du lịch, các khu di tích; trong đó chú ý
xây dựng nội quy, quy định về an ninh, trật tự… nhằm tạo hành lang pháp lý để
quản lý về đầu tư, khai thác, phát triển du lịch và quản lý về an ninh, trật tự
tại các khu, điểm du lịch trên cơ sở đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn ở
từng địa bàn.
- Tăng cường công tác quản lý
quy hoạch du lịch, trong đó xác định ranh giới quy hoạch du lịch trên địa bàn
các phân khu chức năng, các khu, điểm du lịch đã được xác định; phân định cụ thể,
rõ ràng vùng bảo vệ di sản Tràng An…để làm căn cứ quản lý và đầu tư khai thác
du lịch, góp phần hạn chế tình trạng xâm phạm di sản Tràng An, các hành vi vi
phạm về quản lý quy hoạch.
- Các địa phương thuộc khu vực
di sản Tràng An nghiên cứu tham mưu ban hành nghị quyết, chỉ thị, hệ thống văn
bản chỉ đạo về việc tăng cường các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Tràng An; nghiêm cấm và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm quy
định về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, vi phạm các quy định về bảo tồn di sản.
- Tổ chức đánh giá việc triển
khai thực hiện Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An; Quyết định số
28/2018/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý,
bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Tràng An. Trên cơ sở đó nghiên cứu, điều chỉnh
bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tế.
- Tiếp tục hoàn thiện, thực hiện
nghiêm túc các chính sách về quản lý xuất, nhập cảnh và cư trú của người nước
ngoài, theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng về mặt thủ tục pháp lý
đối với khách du lịch quốc tế; có chính sách hỗ trợ về thông tin du lịch đối với
du khách quốc tế đến với Ninh Bình.
- Có cơ chế chính sách khuyến
khích, tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ
du lịch; nâng cao đời sống vật chất của người dân, góp phần đẩy lùi vi phạm, gắn
trách nhiệm của cộng đồng trong tạo môi trường du lịch văn minh, thân thiện,
trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
4. Tăng cường
hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, quản lý chặt chẽ các
hoạt động kinh doanh du lịch, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ thúc
đẩy các doanh nghiệp du lịch phát triển. Từ đó, góp phần phòng ngừa, đẩy lùi
các hoạt động vi phạm pháp luật trên lĩnh vực du lịch
- Tiếp tục triển khai thực hiện
nghiêm túc, có hiệu quả hệ thống văn bản pháp luật, nghị quyết, chỉ thị về phát
triển du lịch, trọng tâm là: Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành; Chỉ
thị số 14/CT-TTg ngày 02/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực
quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy du lịch phát triển; Nghị
quyết số 103/NQ-CP , ngày
06/10/2017 ban hành Chương
trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017
của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn… Đồng
thời, thường xuyên tổ chức sơ kết, đánh giá, phát hiện, đề xuất giải pháp khắc
phục những vấn đề còn bất cập, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống
văn bản pháp luật về du lịch.
- Kiện toàn, nâng cao chất lượng,
hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về du lịch.
Trong đó, phát huy vai trò là cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về du lịch
của Sở Du lịch; tăng cường trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền địa
phương (đặc biệt là hệ thống phòng chức năng quản lý hoạt động du lịch thuộc Ủy
ban nhân dân cấp huyện) trong quản lý các hoạt động du lịch, đặc biệt trong quản
lý quy hoạch, quản lý bảo tồn di sản, quản lý đầu tư, quản lý môi trường du lịch...
- Đẩy mạnh công tác thanh tra,
kiểm tra chuyên ngành, liên ngành đối với các hoạt động du lịch; chủ động phát
hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động lưu trú, lữ hành, trong
quản lý dự án, quy hoạch du lịch. Xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm quy định về
quản lý đất đai, trật tự xây dựng trong vùng Di sản thế giới; hạn chế tối đa
các vi phạm mới phát sinh.
- Tăng cường công tác phối hợp
trong tổ chức triển khai, quản lý hoạt động du lịch; xử lý dứt điểm các tệ nạn
đeo bám, chèo kéo, ép khách du lịch; đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an
toàn thực phẩm, xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện.
- Hướng dẫn, yêu cầu các doanh
nghiệp, hộ kinh doanh cam kết thực hiện đúng, đủ các quy định về điều kiện kinh
doanh, an ninh trật tự, an toàn về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm
trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; quy định về quản lý trật tự xây dựng,
thuế, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá, không mua
bán, sử dụng, giết mổ và trưng bày quảng cáo các mẫu vật, sản phẩm từ động vật
hoang dã trái pháp luật, không vi phạm và tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp
luật... Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm,
đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch an toàn, lành mạnh và chuyên nghiệp, tạo
động lực phát triển du lịch.
- Kiểm tra, giám sát và xử lý
các vi phạm trong hoạt động quy hoạch, đầu tư, kinh doanh du lịch tại các khu,
điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm phát
triển du lịch. Các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch chủ động xây dựng
và triển khai Chương trình, Kế hoạch phát triển du lịch địa phương.
- Thẩm định, xét duyệt các quy
hoạch phát triển du lịch, các dự án đầu tư phát triển du lịch; trong đó chú ý đối
với các quy hoạch, dự án có vị trí nhạy cảm về quốc phòng, an ninh.
- Củng cố vai trò và nâng cao
chất lượng hoạt động của Hiệp hội Du lịch; khuyến khích hình thành các hiệp hội,
mạng lưới nghề nghiệp nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ
kinh doanh, giảm thiểu tối đa xung đột lợi ích và các mâu thuẫn khác thông qua
các kênh liên lạc kịp thời, hiệu quả.
5. Chủ động
phòng ngừa, tổ chức đấu tranh, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật
trên lĩnh vực du lịch hoặc các hoạt động lợi dụng du lịch để xâm phạm an ninh
quốc gia, trật tự, an toàn xã hội
- Có cơ chế phối hợp đồng bộ,
hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, chủ động phát hiện, đấu tranh
ngăn chặn với các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội,
ảnh hưởng đến phát triển du lịch.
- Bảo vệ tuyệt đối an toàn các
sự kiện chính trị, xã hội quan trọng được tổ chức trên địa bàn tỉnh; tiếp tục
duy trì, khẳng định môi trường an ninh, an toàn, góp phần xây dựng hình ảnh du
lịch Việt Nam an toàn, văn minh đối với du khách trong nước và quốc tế.
- Thực hiện tốt chức năng quản lý
nhà nước về an ninh trật tự đối với các hoạt động kinh doanh du lịch; chủ động
phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch
Ninh Bình. Tăng cường công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội trong lĩnh
vực du lịch và tổ chức lễ hội.
- Quản lý chặt chẽ hoạt động của
các cá nhân, tổ chức nước ngoài, kịp thời phát hiện hoạt động lợi dụng du lịch
xâm phạm ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, tăng cường quản lý
hoạt động của khách du lịch nước ngoài, chủ động phát hiện, giải quyết tình trạng
khách du lịch nước ngoài có hoạt động vi phạm pháp luật.
- Tăng cường các biện pháp
phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tập trung vào một số tội phạm lợi
dụng việc tổ chức các sự kiện, lễ hội để hoạt động như: cướp, cướp giật, trộm cắp,
lừa đảo, cố ý gây thương tích, đánh bạc.
- Triển khai đồng bộ các biện
pháp đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn, trong đó
tập trung tại các khu, điểm du lịch lớn, có đông khách du lịch. Phối hợp chặt
chẽ với ngành du lịch phát hiện, đấu tranh với các cá nhân, tổ chức nước ngoài
có dấu hiệu hoạt động “núp bóng” đầu tư du lịch “chui”, tham gia các hoạt động
du lịch trái phép; đảm bảo không còn tình trạng chèo kéo, đeo bám, tranh giành
khách du lịch gây mất an ninh trật tự.
6. Phát động
phong trào bảo vệ an ninh trật tự, các mô hình an ninh, an toàn tại tất cả các
khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh
- Tham mưu, tổ chức thực hiện
nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Tỉnh ủy,
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ
an ninh Tổ quốc.
- Tổ chức phát động tuyên truyền
vận động nhân dân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia đảm bảo an ninh
trật tự tại các khu, điểm du lịch. Trong đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, hướng
dẫn cho cán bộ và nhân dân về các quy định của pháp luật trong lĩnh vực du lịch
và tổ chức lễ hội, chú ý phát triển du lịch và tổ chức lễ hội phải gắn với nhiệm
vụ bảo đảm môi trường, văn hóa, an toàn tại các khu, điểm du lịch; xây dựng,
phát huy và giữ gìn nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
- Thường xuyên kiểm tra, hướng
dẫn; xây dựng mới và nhân rộng các mô hình bảo vệ an ninh Tổ quốc đang phát huy
hiệu quả tại các địa bàn có khu, điểm du lịch và trong các lễ hội phù hợp với
điều kiện và đặc điểm từng địa bàn.
- Tăng cường công tác phối hợp
giữa lực lượng Công an, ngành du lịch, các cấp, các ngành và doanh nghiệp trong
xây dựng, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các khu, điểm
du lịch, lễ hội; đến với đối tượng là các cá nhân, tổ chức, cơ quan hoạt động
trên lĩnh vực du lịch.
7. Tăng cường
biên chế, xây dựng cơ sở vật chất và trang bị phương tiện cho lực lượng trực tiếp
làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh du lịch và lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại
cơ sở, đặc biệt là tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh
- Nghiên cứu, bố trí hợp lý mô
hình, tổ chức, biên chế; xây dựng cơ sở vật chất và trang bị phương tiện cho lực
lượng trực tiếp làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh du lịch.
- Tăng cường biên chế cho lực
lượng làm công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở, đặc biệt là tại các xã,
phường có khu, điểm du lịch, thường xuyên tổ chức các hoạt động du lịch, lễ hội.
- Huy động mọi nguồn lực, tăng
cường đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện, nhất là
các phương tiện cơ động chiến đấu, thông tin liên lạc cho lực lượng trực tiếp
làm công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các địa bàn có khu, điểm du lịch và tập
trung nhiều các hoạt động lễ hội.
Phần IV
PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Công an tỉnh
- Là cơ quan thường trực, chủ
trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xây dựng
kế hoạch hằng năm, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện Đề án.
- Chịu trách nhiệm hướng dẫn,
theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả các nội
dung thuộc Đề án.
- Định kỳ hàng năm, tổng hợp
tình hình, kết quả thực hiện Đề án, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân
dân tỉnh theo quy định.
2. Sở Du lịch
Nghiên cứu, xây dựng và trình cấp
có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước trên
lĩnh vực du lịch; kế hoạch, chương trình phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các sở ngành có liên quan triển khai các
giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động du
lịch.
3. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh
tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí ngân sách cho công tác triển
khai thực hiện Đề án, đảm bảo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan có liên quan đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực du lịch. Đồng
thời, tăng cường rà soát, kiểm tra các dự án thuộc lĩnh vực du lịch sử dụng vốn
ngoài ngân sách; tham mưu phương án xử lý đối với những dự án vi phạm các nội
dung theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp.
5. Sở Giao thông Vận tải
- Nghiên cứu, đề xuất đầu tư
xây dựng một số tuyến đường giao thông kết nối vùng, liên vùng, kết nối các
khu, điểm du lịch tạo động lực phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã hội.
- Tăng cường quản lý, bảo trì
các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành
vi gây mất trật tự an toàn giao thông, nhất là hành vi lấn chiếm hành lang an
toàn giao thông đường bộ; thường xuyên rà soát, phát hiện, xử lý các điểm tiềm ẩn
xảy ra tai nạn giao thông, nhất là đường vào các khu, điểm du lịch. Tăng cường
quản lý đối với dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Đông thời, có giải pháp
thu hút đầu tư, khai thác các tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt tới các
khu, điểm du lịch; lắp đặt hệ thống điểm dừng đón, trả khách tuyến cố định tại
các khu, điểm du lịch.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn
vị có liên quan hướng dẫn các đơn vị quản lý các khu, điểm du lịch trong quản
lý, khai thác dịch vụ vận tải hành khách tại các khu, điểm du lịch như: Vận tải
hành khách bằng xe ô tô điện, thuyền du lịch…
6. Sở Xây dựng
- Tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh hướng dẫn các đơn vị, địa phương trong công tác lập, thẩm định, phê
duyệt, quản lý, quy hoạch xây dựng các khu vực có liên quan đến du lịch trên địa
bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch
trong vùng Di sản Tràng An.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn
vị liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện
các quy định tại Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 về việc phê duyệt Quy
hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An; Quyết định số 28/2018/QĐ
-UBND ngày 22/10/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo tồn
và phát huy giá trị di sản Tràng An. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các
quy định về quản lý trật tự xây dựng, xâm phạm di sản Tràng An.
7. Sở Công Thương
- Tuyên truyền, vận động các doanh
nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động
kinh doanh dịch vụ du lịch.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố, Sở Du lịch và các đơn vị có liên quan khảo sát, bố trí, sắp
xếp lại các điểm bán hàng phục vụ khách du lịch đảm bảo trật tự, vệ sinh, văn
minh lịch sự.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan tăng cường công tác quản lý thị trường; kiểm tra, xử lý theo quy định của
pháp luật các hành vi gian lận thương mại, như: Không niêm yết giá và bán hàng
không đúng giá niêm yết; bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không đảm
bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh
dịch vụ du lịch.
8. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Thực hiện công tác quản lý
nhà nước về bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch
tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện tốt
các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, đầu
tư kinh doanh du lịch.
9. Sở Thông tin và Truyền
thông
Chỉ đạo, hướng dẫn định hướng
các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh tăng thời lượng
phát sóng, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng
bá về du lịch Ninh Bình, các nguồn lực, tài nguyên du lịch của tỉnh, những giá
trị nổi bật của Di sản Tràng An nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh
nghiệp và cộng đồng xã hội góp phần duy trì, cải thiện môi trường du lịch Ninh
Bình.
10. Sở Y tế
Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương,
Sở Du lịch, Công an tỉnh hướng dẫn các nhà hàng, cơ sở lưu trú, các khu, điểm
du lịch thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Thường xuyên kiểm tra
và xử lý kịp thời các vi phạm trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ
sinh thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh.
11. Sở Văn hóa và Thể thao
Chủ trì, phối hợp với các sở
ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra phát hiện, xử lý vi phạm đối với
các hành vi vi phạm trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích, tổ chức
lễ hội và các hoạt động văn hóa khác. Trong đó, chú trọng phát hiện, xử lý các
hoạt động tuyên truyền, tán phát tài liệu, ấn phẩm độc hại tại các khu, điểm du
lịch trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các khu dân cư xây dựng nếp sống văn hóa, văn
minh tạo hình ảnh văn hóa, con người Ninh Bình văn minh, thân thiện.
12. Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh,
các ngành và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, thu dung, giải quyết các
đối tượng lang thang, ăn xin, ăn mày tại các khu điểm du lịch, các lễ hội, các
sự kiện du lịch quan trọng của tỉnh.
13. Báo Ninh Bình, Đài Phát
thanh và Truyền hình Ninh Bình
Chủ trì, phối hợp xây dựng kế
hoạch, nội dung, chương trình công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế
mạnh của du lịch Ninh Bình; đồng thời, khuyến cáo khách du lịch chấp hành các
quy định của pháp luật về an ninh trật tự, chủ động phòng ngừa, tố giác các hoạt
động vi phạm pháp luật, không sử dụng các dịch vụ du lịch trái phép khi tham
quan du lịch tại Ninh Bình.
14. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
- Chỉ đạo xây dựng và thực hiện
Đề án phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, hằng năm xây dựng kế hoạch/chương
trình cụ thể triển khai thực hiện; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Đề án, gửi
Công an tỉnh theo quy định.
- Vận động, phát huy vai trò
tích cực của các doanh nghiệp trên địa bàn trong thực hiện các nội dung. Có các
giải pháp huy động nguồn lực đầu tư xã hội hóa để thực hiện các mục tiêu, nhiệm
vụ của Đề án.
15. Đề nghị Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức nghề nghiệp
Phối hợp tham gia và hỗ trợ các
ngành, đơn vị liên quan và chính quyền địa phương trong công tác phát triển du
lịch. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, đoàn thể, các cơ
quan, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện
Đề án.
16. Đề nghị Hiệp hội Du lịch
Ninh Bình
Phối hợp với các hội, hiệp hội,
tổ chức chính trị xã hội tổ chức vận động các hội viên tích cực tham gia thực
hiện Đề án.
17. Vai trò, trách nhiệm của
các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh du lịch
- Chấp hành các quy định của
pháp luật về an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Đồng thời phổ biến và hướng dẫn cho nhân viên, người lao động và khách lịch
tuân thủ các quy định của pháp luật.
- Tăng cường lực lượng, phương
tiện, chủ động công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cứu hộ, cứu
nạn tại các khu vực được giao quản lý.
- Tăng cường trao đổi, cung cấp
thông tin, phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn, chống chèo kéo, ép
giá khách du lịch; phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh nghiên cứu xây dựng giá
sàn thống nhất cho các chương trình du lịch, phát hiện và báo cáo cấp có thẩm
quyền xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến quyền lợi của
khách du lịch và hình ảnh du lịch Ninh Bình.
- Tích cực hưởng ứng phong trào
doanh nghiệp kinh doanh du lịch tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật
tự, bảo đảm an toàn cho du khách.
- Huy động mọi nguồn lực để đầu
tư xây dựng, phát triển phong phú các loại hình dịch vụ, khuyến khích đầu tư
phát triển các dịch vụ du lịch mới thu hút khách du lịch lưu trú qua đêm tại
Ninh Bình.
Phần V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
1. Nguồn kinh phí: Ngân sách của
tỉnh; tài trợ của các tổ chức, cá nhân (nếu có); nguồn thu hợp pháp
khác.
2. Lập dự toán kinh phí: Hàng
năm, Công an tỉnh lập dự toán kinh phí thực hiện, gửi Sở Tài chính để thẩm định,
tổng hợp dự toán chi ngân sách, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh phê duyệt
theo quy định.
II. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Các sở, ban, ngành,
đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng
kế hoạch, chương trình cụ thể triển khai thực hiện Đề án đạt hiệu quả. Định kỳ
hàng năm (trước ngày 15 tháng 12), báo cáo kết quả thực hiện Đề án về
Công an tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
2. Công an tỉnh chủ trì,
phối hợp với Sở Du lịch hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa
phương triển khai thực hiện Đề án. Định kỳ hàng năm, tổng hợp tình hình, kết quả
thực hiện, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung Đề án (nếu có), báo
cáo UBND tỉnh theo quy định./.
1 Năm 2019, đã xảy ra 02 vụ
khách du lịch nước ngoài (01 Ireland, 01 Anh) điều khiển phương tiện giao thông
gây tai nạn chết người.
2 Trong năm 2018, đã phát
hiện, xử lý đối với 27 NNN hoạt động sai mục đích nhập cảnh; phát hiện, kịp thời
ngăn chặn không để 02 đoàn khách du lịch hoạt động trái phép; phối hợp với
Thanh tra Sở Du lịch xử lý đối với 01 đoàn 23 người khách du lịch Trung Quốc
làm lễ trái phép tại Nhà thờ đá Phát Diệm…. Năm 2019, phát hiện, xử lý 01 trường
hợp NNN lợi dụng du lịch, vào địa bàn cư trú có hoạt động liên quan đến kinh doanh
thương mại; 03 đoàn, 111 khách du lịch tham gia hoạt động tôn giáo.
3 Tháng 12/2014, tại Hội
nghị Quốc tế “Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững” tổ chức tại Chùa Bái
Đính, ông Florence John Mason, quốc tịch Mỹ - Giám đốc Văn phòng Điều phối du lịch
vùng sông Mê Kông đã có hoạt động tán phát 100 ấn phẩm quảng bá về du lịch in
hình bản đồ Việt Nam nhưng không có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cho các
đại biểu dự Hội nghị.