THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
230/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 04 tháng 02 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG QUẦN THỂ DANH THẮNG TRÀNG AN, TỈNH NINH
BÌNH
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29
tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung
một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 14 tháng
6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP
ngày 06 tháng 05 năm 2015 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số nội dung về
quy hoạch xây dựng;
Xét đề nghị của Bộ Xây dựng (văn bản
số 76/TTr-BXD ngày 30 tháng 12 năm 2015),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh
thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Thời hạn, phạm
vi, ranh giới quy hoạch
Thời hạn lập quy
hoạch: Giai đoạn dài hạn đến năm 2030; giai đoạn ngắn hạn đợt đầu năm 2020.
Phạm vi lập quy hoạch chung xây dựng
Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích đất tự nhiên 12.252 ha, thuộc ranh giới
hành chính của các huyện: Hoa Lư, Gia Viễn và Nho Quan, thành phố Ninh Bình và
thị xã Tam Điệp, giới hạn như sau:
- Về phía Bắc
giáp sông Hoàng Long.
- Về phía Đông
giáp sông Chanh.
- Về phía Nam
giáp sông Hệ Dưỡng, sông Vân và sông Bến Đang.
- Về phía Tây
giáp sông Bến Đang và sông Rịa.
Trong đó:
- Khu di sản Quần
thể danh thắng Tràng An có diện tích 6.226 ha, bao gồm một phần diện tích của
12 xã thuộc 05 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Ninh Bình là: Trường Yên, Ninh
Xuân, Ninh Vân, Ninh Thắng, Ninh Hải, Ninh Hòa (huyện Hoa
Lư); Gia Sinh (huyện Gia Viễn); Sơn Lai, Sơn Hà (huyện Nho
Quan); Yên Sơn (thị xã Tam Điệp); Ninh Nhất, Ninh Tiến (thành phố Ninh Bình).
- Vùng đệm bao quanh Khu di sản có diện
tích 6.026 ha, bao gồm một phần diện tích của 20 xã, phường của 05 huyện, thị
xã, thành phố của tỉnh Ninh Bình là: Trường Yên, Ninh
Xuân, Ninh Vân, Ninh Thắng, Ninh Hải, Ninh Hòa, Ninh Giang, Ninh Mỹ, Ninh An
(huyện Hoa Lư); Gia Sinh, Gia Trung, Gia Tiến (huyện Gia Viễn); Sơn Lai, Sơn
Hà, Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan); Yên Sơn, Yên Bình (thị xã Tam Điệp); Ninh Nhất,
Ninh Tiến, Ninh Phong (thành phố Ninh Bình).
2. Tính chất
- Là di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới, có giá trị về địa chất, địa
mạo, cảnh quan thiên nhiên và lịch sử - văn
hóa.
- Là khu du lịch của quốc gia, tầm cỡ quốc tế, có đặc trưng về Lịch sử - Văn hóa - Sinh thái.
- Là khu vực có dân cư sinh sống đan
xen.
3. Quy mô dân số
- Dự báo đến năm 2020: 47.200 người,
tốc độ tăng dân số trung bình khoảng 0,9%/năm.
- Dự báo đến năm 2030: 51.110 người,
với tốc độ tăng dân số trung bình khoảng 0,8%/năm.
4. Định hướng
phát triển không gian
a) Định hướng phát triển không gian
Khu Di sản quần thể danh thắng Tràng An:
Khu di sản Quần thể danh thắng Tràng
An, có diện tích 6.226 ha được phân thành các vùng cấm và hạn chế xây dựng (kiểm
soát đặc biệt nghiêm ngặt):
- Vùng cấm xây dựng, có diện tích
3.460 ha bao gồm các khu vực cảnh quan thiên nhiên và các khu vực di tích cần bảo
vệ nghiêm ngặt; các khu vực bảo tồn - sử dụng bền vững đan xen.
+ Là vùng bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt,
không có dân cư sinh sống, cấm xây dựng. Trong một số trường
hợp đặc biệt, có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và
phát huy giá trị di tích phải được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
+ Không xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở
lưu trú và giải trí; không xây cất công trình nhà cửa, nghĩa địa, đào ao hồ,
các công trình thủy lợi, chuồng trại chăn nuôi và các công trình phục vụ nhu cầu
dân sinh khác; không cho phép các hoạt động bán hàng và dịch vụ trong khu vực
này.
+ Nghiêm cấm mọi hành động làm thay đổi
hình dáng núi đá, phá hủy và làm thay đổi
thảm thực vật; nghiêm cấm đục phá hang động, núi đá vôi có hang động làm ảnh hưởng
đến những yếu tố gốc của hang động; nghiêm cấm san ủi, đào đất mặt bằng hang,
làm ảnh hưởng đến tầng văn hóa, giá trị cơ bản của di sản; nghiêm cấm việc sử dụng
hang động để làm nơi chăn thả gia súc hoặc làm dịch vụ; nghiêm cấm chặt phá rừng
và săn bắt động vật.
+ Nghiêm cấm việc đổ chất thải công nghiệp,
nông nghiệp, chất thải sinh hoạt và các loại chất thải khác vào Khu di sản.
- Vùng hạn chế xây dựng, cần kiểm
soát đặc biệt nghiêm ngặt có diện tích 2.766 ha, bao gồm
các khu vực dành cho phát triển du lịch, các khu vực làng, xã có dân cư sinh sống
và cảnh quan nông nghiệp xung quanh. Là vùng bảo vệ nghiêm ngặt, có dân cư sinh
sống và cho phép các hoạt động du lịch (không lưu trú), các hoạt động xây dựng
phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo nhà ở được phép tiến hành, nhưng ở mức
độ hạn chế và phải được kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt để không ảnh hưởng đến
di sản.
+ Đối với khu dân cư:
. Hiện trạng là 17.036 người. Giữ tỷ lệ tăng dân số giai đoạn đến năm 2020 là
0,9% và giai đoạn đến năm 2030 là 0,8%. Như vậy đến năm 2020 dân số khu vực này
khoảng 18.000 người và đến năm 2030 khoảng 19.640 người.
. Phân bố dân cư giữ nguyên theo hiện
trạng các khu dân cư tập trung; khống chế tỷ lệ tăng dân số, không mở rộng diện
tích đất ở; những hộ dân cư nằm rải rác, cần sớm di dời tới các khu tái định
cư.
. Gìn giữ cấu trúc làng xóm hiện có. Giữ gìn và tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị và hạ tầng kinh tế xã hội của làng, phục
hồi các công trình công cộng dân gian truyền thống.
. Các công trình công cộng, công trình hành chính, các công trình khác (nếu cần thiết) và nhà ở phải được
xây dựng trên tinh thần văn hóa
truyền thống, chiều cao không quá 3 tầng.
. Cấm xây dựng các công trình hiện đại,
không phù hợp với hình ảnh làng xóm truyền thống. Không mở rộng đường làng ngõ
xóm hiện có, chỉ cải tạo nâng cấp mặt lát
để tránh làm phá vỡ môi trường cảnh quan vốn có của làng.
+ Đối với khu vực dịch vụ, du lịch:
. Phát triển du lịch thăm quan, sinh
thái và văn hóa.
. Xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao
thông, bến thuyền, chòi nghỉ, chỉ dẫn thông tin, bãi đỗ xe); tu bổ, hoàn chỉnh
hệ thống kiến trúc nhỏ, tiểu cảnh trang trí, cầu đá, vườn dạo, vv....
. Xây dựng mạng lưới các công trình dịch vụ du lịch theo mô hình sinh thái, hình thức đơn giản, hình khối hợp lý, có khối tích và chiều cao hạn chế, mật
độ xây dựng thấp để hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.
. Khu trung tâm dịch vụ du lịch nằm
trong vùng cố đô Hoa Lư được phép xây dựng
công trình: Khu đón tiếp, bãi đỗ xe, điểm đỗ xe du lịch nội bộ, công viên cây
xanh, trung tâm dịch vụ nhỏ, điểm nghỉ, điểm ngắm cảnh... trung tâm quản lý điều
hành hội thảo chiếu phim tư liệu và trưng bày mô hình cố đô Hoa Lư thu nhỏ, hiện
vật khảo cổ.
. Khu trung tâm dịch vụ du lịch nằm
trong vùng Tam Cốc - Bích Động được phép xây dựng công trình như: Khu đón tiếp,
dịch vụ nhỏ... bố trí tại cửa ngõ khu Tam Cốc - Bích Động. Bãi đỗ xe, điểm đỗ xe du lịch nội bộ được bố trí cạnh nhau, cạnh nhà
đón tiếp, hướng dẫn du lịch. Sát bến thuyền Tam Cốc bố trí
công viên cây xanh, ki ốt dịch vụ, khu dân cư hiện hữu được giữ ổn định, không
tiến hành mở rộng thêm, dân cư trong khu vực sẽ tham gia vào các hoạt động dịch
vụ: bán hàng lưu niệm, đặc sản địa phương, dịch vụ ăn uống giải khát, dịch vụ
chèo thuyền, vv...
. Khu dịch vụ, quản lý, điều hành, bến
thuyền trung tâm khu hang động Tràng An, bố trí tại thung
Áng Mương, có quy mô khoảng 50 ha, được phép xây dựng các công trình: Nhà điều
hành, nhà trưng bày, bến thuyền trung tâm, bãi đỗ xe, vv...
+ Đối với cảnh quan tự nhiên, cảnh
quan nông nghiệp xung quanh:
Gìn giữ khu vực sinh thái nông nghiệp,
duy trì sản xuất nông nghiệp; trồng rừng phục hồi để thu
hút động vật, tăng độ che phủ. Ngăn chặn các hoạt động khai thác gỗ, chặt phá
cây rừng, săn bắt động vật.
b) Định hướng phát triển không gian
Vùng đệm (vùng bảo vệ):
Vùng đệm xung quanh Khu di sản có diện
tích: 6.026 ha. Là vùng được phép xây dựng và cần kiểm soát nghiêm ngặt. Hiện trạng dân số trong vùng đệm là 27.295 người. Dự
báo đến 2030 khoảng 31.470 người.
Toàn bộ không gian vùng đệm chia
thành 4 khu vực, gồm: Khu Bái Đính (phía Tây), Khu Trường Yên - Ninh Hòa (phía
Bắc), Khu Ninh Nhất - Ninh Tiến (phía Đông), Ninh Thắng -
Ninh Hải (phía Nam):
- Khu vực Bái Đính (phía Tây): Là khu
du lịch tâm linh và khu đô thị đại học mới. Dân số dự báo
năm 2030 đạt khoảng 20.000 người; đất xây dựng đô thị và nông thôn khoảng
1.330¸1460 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 750¸800 ha; đất
ngoài dân dụng khoảng 580¸660 ha, chia thành hai phân khu:
+ Khu vực phát triển đô thị Bái Đính:
Thuộc xã Gia Sinh, là khu đô thị mới và khu du lịch tâm linh. Dân số dự báo đến
năm 2030 đạt khoảng 10.000 - 12.000 người; đất xây dựng đô
thị khoảng 710¸800 ha.
+ Khu nông thôn Bái Đính: Thuộc xã
Sơn Lai, là khu đô thị đại học mới và khu dân cư nông thôn. Dân số dự báo đến
năm 2030 đạt khoảng 8000 - 10.000 người; đất xây dựng khu
dân cư nông thôn khoảng 380¸400 ha; đất xây dựng cơ sở kinh tế kỹ thuật tạo động
lực phát triển đô thị 240¸260 ha.
- Khu Trường Yên - Ninh Hòa (phía Bắc):
Là khu dân cư nông thôn kết hợp làm dịch vụ du lịch. Cửa ngõ phía Bắc Quần thể
danh thắng Tràng An. Dân số dự báo đến năm 2030 đạt khoảng
5.110 người. Đất xây dựng khu dân cư nông thôn khoảng 122,10 ha.
- Khu Ninh Nhất - Ninh Tiến (phía
Đông): Là khu dân cư kết hợp làm dịch vụ du lịch, cửa ngõ
phía Đông Quần thể danh thắng Tràng An. Dân số dự báo đến năm 2030 đạt khoảng
2.230 người. Đất xây dựng khu dân cư khoảng 101,30 ha.
- Khu Ninh Hải - Ninh Thắng (phía
Nam): Là khu dân cư kết hợp làm dịch vụ
du lịch. Cửa ngõ phía Nam Quần thể danh thắng Tràng An. Dân số dự báo đến năm
2030 đạt khoảng 9.000 người. Đất xây dựng khu dân cư khoảng 174,53 ha.
c) Định hướng phát triển không gian
các khu dân cư:
- Tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng xã
hội, hạ tầng kỹ thuật sao cho không ảnh hưởng tới mỹ quan thiên nhiên, môi trường
và hệ sinh thái khu vực. Tại đây, song song với việc gìn giữ không gian kiến trúc truyền thống, tiến
hành xây dựng cảnh quan, xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu ẩm thực, cửa
hàng bày bán đồ lưu niệm và dịch vụ du lịch.
- Tiến hành xây dựng các công trình lưu trú, homestay (quy mô tổng cộng khoảng
500 phòng: Khu vực Bái Đính khoảng 200 phòng, khu vực Trường Yên - Ninh Hòa khoảng
150 phòng và khu vực Ninh Thắng - Ninh Hải khoảng 100 - 150 phòng) là nơi du
khách có thể trải nghiệm đời sống nông thôn và tham gia các hoạt động nông nghiệp.
- Xây dựng các khu ở mới khu vực Ninh
Hải, Ninh Thắng. Dọc đường tới bến thuyền Tam Cốc, xây dựng các công trình lưu trú (khoảng 200
phòng), cửa hàng lưu niệm, công trình công cộng - dịch vụ và nhà ở nhằm tăng cường
chức năng du lịch và dịch vụ.
d) Định hướng phát triển không gian
các khu dịch vụ du lịch:
- Xây dựng mạng lưới các công trình dịch
vụ du lịch theo mô hình sinh thái, quy mô vừa và nhỏ.
- Tại khu vực Ninh Xuân, Trường Yên,
tiến hành xây dựng các khu resort với quy mô tổng cộng 200 phòng (khoảng 40 ha).
- Tại khu vực ven sông Chanh tại Ninh
Nhất, tiến hành xây dựng các khu biệt thự, resort với quy mô tổng cộng 250
phòng (khoảng 35 ha).
- Tại các khu vực sinh thái tiếp giáp
với sông Sào Khê xây dựng công viên tự nhiên, các công trình lưu trú (quy mô khoảng
100 phòng), ẩm thực, cửa hàng bày bán đồ lưu niệm sao cho không ảnh hưởng tới mỹ
quan thiên nhiên, môi trường và hệ sinh thái khu vực.
- Tiếp giáp với công viên văn hóa
Tràng An, xây dựng khu resort cao cấp quy mô 100 phòng (khoảng 20 ha) phù hợp cảnh
quan núi non Tràng An và môi trường thiên nhiên.
5. Định hướng
phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật
a) Định hướng phát triển giao thông:
- Đường bộ đối ngoại: Tuyến giao
thông đối ngoại chính nối Quần thể danh thắng Tràng An với các vùng phụ cận gồm
tuyến cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ 1A, quốc lộ 12B, quốc lộ 38B, đường tỉnh 477C,
đường tỉnh 477KD.
- Bến xe đối ngoại:
Bến xe phía Bắc (Ninh Giang, Hoa Lư); bến xe phía Đông
(Khánh Hòa, Yên Khánh); bến xe phía Nam (Mai Sơn, Yên Sơn).
- Đường thủy: Xây dựng cảng hành khách tại sông Hoàng Long, nhằm thu hút
khách du lịch bằng đường thủy đến với Quần
thể danh thắng Tràng An.
- Đường hàng không: Cảng hàng không
Tràng An đang trong giai đoạn khảo sát vị trí và nghiên cứu quy hoạch với 2 loại
cấp sân bay: Cấp 3C và 4C và cấp 2B tại khu vực xã Sơn Lai, Quỳnh Lưu (huyện
Nho Quan) với quy mô 150 - 300 ha khai
thác dịch vụ bay taxi, đảm bảo an ninh quốc phòng.
- Giao thông đường bộ đối nội:
Hệ thống tuyến trục chính của khu du
lịch gồm 4 tuyến chính sau:
+ Tuyến 1: Tuyến từ quốc lộ 1A đi đến
chùa Bái Đính: Tổng chiều dài khoảng 9,3 km. Quy mô mặt cắt từ 18 - 72 m.
+ Tuyến 2: Tuyến kết nối từ trục
chính đô thị Thiên Tôn đến khu vực du lịch Tràng An - Bái Đính.
Quy mô mặt cắt từ 9 - 54 m.
+ Tuyến 3: Tuyến nối từ Bích Động đến
khu cố đô Hoa Lư. Tổng chiều dài 11,6 km. Quy mô mặt cắt từ 7,5 - 15 m.
+ Tuyến 4: Tuyến nối từ quốc lộ 1A
vào khu Tam Cốc - Bích Động. Chiều dài đoạn qua khu vực là 5,6 km. Quy mô mặt cắt
13 m.
+ Hệ thống giao thông các khu chức
năng: Hệ thống giao thông nội bộ được tổ chức và thiết kế bám sát địa hình, tạo
hình thái giao thông thân thiện hòa nhập với thiên nhiên. Các đường nội bộ thiết
kế bám sát hiện trạng giao thông cũ để giảm tối đa chi phí xây dựng.
+ Giao thông công cộng: Sử dụng hệ thống
xe điện du lịch để chuyên chở khách đến các điểm tham quan và tuyến xe buýt chạy
xuyên khu du lịch, chiều dài khoảng 25 km.
- Giao thông đường thủy đối nội: Phát triển giao thông đường thủy nội địa phục vụ du lịch và được phân kỳ đầu
tư thành 2 giai đoạn.
+ Giai đoạn 1: Phát triển 2 lộ trình
đường thủy mới, bổ sung vào tuyến hiện có
để đưa vào khai thác, thu hút khách du lịch.
+ Giai đoạn 2: Phát triển 9 lộ trình
đường thủy theo quy hoạch.
b) Định hướng chuẩn bị kỹ thuật:
- Cao độ nền xây dựng:
+ Đối
với Khu di sản:
. Khu vực làng xóm, giữ nguyên cao độ
nền xây dựng hiện trạng.
. Các khu vực khác giữ nguyên điều kiện
tự nhiên, không cải tạo nền xây dựng.
+ Đối với vùng đệm: Giải pháp quy hoạch
cao độ nền tôn nền vượt mức nước nội đồng tính toán. Cụ thể là:
. Khu vực xây dựng mới chọn cao độ nền
xây dựng ³ 2,7 m.
. Các khu vực dân cư hiện hữu giữ
nguyên cao độ nền hiện trạng. Khi xây dựng công trình mới
chỉ tôn nền cục bộ cho từng công trình nhưng phải hài hòa
với khu vực xung quanh và không làm ảnh hưởng đến việc thoát nước.
. Các khu vực đất nông nghiệp thấp
trũng giữ nguyên nền hiện trạng. Đây sẽ là khu vực chứa nước đệm cho Quần thể
danh thắng Tràng An khi có mưa lớn trước khi thoát
ra sông Đáy và sông Hoàng Long.
- Thoát
nước mưa:
Toàn bộ Quần thể danh thắng Tràng An
chia làm 2 lưu vực chính:
+ Lưu vực 1, có diện tích khoảng
4.660 ha: Nằm về phía Tây của Quần thể (khu vực chùa Bái Đính), nước mưa thoát xuống hồ Đàm Thị sau đó thoát ra sông Hoàng Long. Khi mùa mưa lũ thì
dùng trạm bơm tiêu ra sông Hoàng Long và một phần đổ về sông Đáy phía Nam khu
du lịch qua các đập tràn của hệ thống hồ.
+ Lưu vực 2, có diện tích khoảng
7.850 ha: Nằm về phía Đông của Quần thể, nước thoát xuống sông Sào Khê, sông Luồn, sông Vân
và cuối cùng đổ ra sông Đáy.
c) Định hướng cấp nước:
- Tiêu chuẩn: Nước sinh hoạt: Đợt đầu:
120 lít/người - ngày đêm cấp cho 90% dân số; dài hạn: 150 lít/người - ngày đêm
cấp cho 100% dân số; Nước cấp cho hoạt động du lịch lấy bằng chỉ tiêu nước sinh
hoạt; các tiêu chuẩn khác lấy theo quy phạm.
- Tổng nhu cầu dùng nước của Quần thể
danh thắng Tràng An đợt đầu khoảng 8.000 m³/ngày; dài hạn 14.000 m³/ngày.
- Nguồn nước: Chọn nguồn nước mặt các
sông suối để cấp cho khu vực; ngoài ra khu vực còn được cấp nước bổ sung từ hệ
thống cấp nước tập trung của thành phố Ninh Bình.
- Giải pháp cụ thể:
+ Khu vực Tràng An - Bái Đính và phụ
cận (vùng đệm di sản):
Để cấp nước cho
khu vực này dự kiến xây dựng trạm cấp nước Bái Đính công suất đợt đầu khoảng
5.000 m³/ngày, dài hạn nâng lên 10.000 m³/ngày;
+ Khu vực Cố đô Hoa Lư và phụ cận:
. Giữ nguyên công suất cấp nước trạm Cây Khế công suất 72 m³/ngày đêm.
. Giữ nguyên công suất cấp nước trạm Núi Hồ công suất 240 m³/ngày đêm,
. Cải tạo nâng công suất trạm xử lý
nước sông Hoàng Long đến năm 2020 đạt công suất 1.500 m³/ngày, bổ sung thêm từ
hệ thống cấp nước tập trung của thành phố Ninh Bình.
+ Khu vực Tam Cốc - Bích Động (Ninh
Xuân, Ninh Thắng, Ninh Hải, Ninh Vân): Cải tạo nâng công suất trạm cấp nước Ngô
Đồng đến năm 2020 đạt 3.000 m³/ngày. Dài hạn khu vực này sẽ được bổ sung cấp nước
từ hệ thống cấp nước tập trung của thành phố Ninh Bình.
+ Các khu vực khác trong vùng lõi di
sản: Đối với các khu vực khác trong Khu di sản do điều kiện địa hình bị chia cắt
thì tại các điểm dừng chân, khu vực dịch vụ lữ hành trong mỗi tour du lịch sẽ
xây dựng các trạm cấp nước sạch mini công suất nhỏ với công nghệ hiện đại, khai
thác nguồn nước mặt tại chỗ để phục vụ cho du khách.
+ Mạng đường ống cấp nước: Tận dụng
những tuyến ống đã có. Xây dựng thêm các tuyến ống có đường kính Ø100 ¸ Ø300 mm
đảm bảo mọi nhu cầu dùng nước trong khu vực theo dự báo.
d) Định hướng cấp điện:
- Tổng phụ tải cấp điện: Năm 2020: 20
MW; năm 2030: 33 MW.
- Khu vực Tràng An được cấp từ: Trạm
biến áp 110 KV Ninh Bình công suất 2x25 MVA.
- Lưới điện:
+ Lưới điện 35 KV: Cải tạo trục lộ
971 trạm 110 KV Ninh Bình; từng bước cải tạo lưới 10 KV sau trạm trung gian Lạc
Vân lên 22 KV; phát triển một số trạm phân phối 35/0,4 KV theo các tuyến 35 KV
hiện có; các trạm biến áp trung gian sẽ được mở rộng nâng công suất. Trạm trung
gian Me sẽ được thay các máy biến áp sử dụng gam máy 4.000 KVA, trạm trung gian
Gia Tân sử dụng máy 3.200 KVA.
+ Lưới 10 KV: Cải tạo lưới 10 KV sau
trạm trung gian Ninh Bình lên 22 KV. Nâng cấp các trục
chính liên kết mạch vòng sử dụng dây AC185 hoặc cáp XLPE240.
+ Lưới 22 KV: Từng bước cải tạo lưới
10 KV sau trạm trung gian Đồng Giao 2. Cải tạo trục chính từ AC70 lên AC185.
+ Lưới 6 KV: Chỉ phục vụ cho các phụ
tải chuyên dùng.
+ Lưới 10 KV: Được cấp bởi 2 trạm
trung gian Hợp Bình và Yên Bình (đặt tại huyện Yên Mỗ) và sẽ được bổ sung bởi 2
trạm Tràng An và Ninh Vân. Các trục chính 10 KV sẽ được cải tạo dùng dây AC185.
Lưới điện khu du lịch Tràng An - Hoa Lư sử dụng cáp ngầm.
đ) Định hướng thoát nước thải, quản lý chất thải rắn,
nghĩa trang:
- Thoát
nước thải:
Quy hoạch thoát nước thải trong Quần thể danh thắng Tràng An là hệ thống thoát nước nửa riêng và riêng.
+ Khu vực Cố đô
Hoa Lư chọn hệ thống thoát nước riêng:
Xây dựng các tuyến cống nước thải và trạm bơm đưa nước thải về trạm xử lý nước
thải tập trung Trường Yên có công suất 1.400 m³/ngày đêm.
+ Khu vực Tràng An, Tam Cốc - Bích Động
và khu dân cư nông thôn: Xây dựng hệ thống thoát
nước nửa riêng.
. Tại các khu vực công trình công cộng,
khu vực đón tiếp và dịch vụ du lịch - thương mại... xây dựng nhà vệ sinh công cộng
với hình thức cố định hoặc di động. Nước thải xử lý
bằng các bể tự hoại hợp quy cách trong từng công trình hoặc nhóm công trình có
đường cống thoát nước ra hệ thống cống bên ngoài.
. Khu vực dân cư nông thôn tập trung ở
các vùng đệm hoặc sống rải rác trong các làng xã: Vận động, hướng dẫn người dân
xây dựng nhà vệ sinh tự hoại và hệ thống tiêu thoát
nước phù hợp với điều kiện sống nhưng đảm
bảo vệ sinh môi trường. Tận dụng các khu vực trũng ao, hồ để làm sạch tự nhiên.
+ Khu vực Bái Đính: Xây dựng hệ thống
thoát nước riêng, nước thải được thu gom
bằng các tuyến cống và trạm bơm đưa nước thải về các trạm xử lý nước thải tập
trung. Trạm xử lý Bái Đính 1: Công suất 2.000 m³/ngày đêm, trạm xử lý Bái Đính
2 công suất 1.600 m³/ngày đêm.
- Quản lý chất thải rắn (CTR):
CTR được phân loại tại nguồn. Mỗi
vùng thu gom tập trung vào các điểm trung chuyển và chở đến khu xử lý CTR.
- Quản lý nghĩa trang:
+ Các nghĩa trang nằm xa khu dân cư,
trong quy hoạch được giữ nguyên, không mở rộng thêm.
+ Các nghĩa trang thuộc phạm vi quy
hoạch và xây dựng cần phải được di dời tới nghĩa trang dự kiến theo “Đề án quy hoạch nghĩa trang nhân dân trên địa bàn thành phố Ninh Bình đến
năm 2020” và từng bước sử dụng nghĩa trang cấp vùng theo lộ trình quy hoạch. Sử dụng nhà
tang lễ hiện có của thành phố.
e) Đánh giá môi trường chiến lược:
- Các hoạt động xây dựng cần có sự kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế ảnh hưởng đến hệ động thực vật.
Việc nạo vét, khơi thông dòng chảy phải giảm thiểu tác động
tiêu cực đến hệ thủy sinh.
- Các phương tiện giao thông thủy
trong khu vực được kiểm soát để tránh gây tác động xấu đến môi trường nước; kiểm
soát nguy cơ cháy rừng do bất cẩn của
người dân và du khách. Xây dựng các giải pháp hạn chế nguy
cơ gây ô nhiễm môi trường, tổn hại đến tự nhiên do các chất thải phát sinh tại
các điểm thăm quan trong hoạt động du lịch.
- Việc khai thác đá vôi để sản xuất
xi măng tại khu vực phía Nam, tiếp giáp Quần thể danh thắng Tràng An, chủ đầu
tư dự án sản xuất xi măng cần:
+ Có những giải pháp công nghệ khai
thác tiên tiến, phù hợp để loại trừ hoàn toàn
những tác nhân nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của các hang động, an
toàn của du khách, không ảnh hưởng đến môi trường không khí, tiếng ồn và an
toàn lao động.
+ Có báo cáo cụ thể về: Lộ trình, thời
gian và khối lượng đá vôi cần khai thác đến thời điểm kết thúc dự án, trình các
Bộ, ngành liên quan và cơ quan địa phương, khẳng định không ảnh hưởng đến môi
trường, cảnh quan thiên nhiên, hệ thống hang động, di
tích.
6. Các chương trình dự án ưu tiên đầu tư
a) Khu vực Cố đô Hoa Lư:
- Dự án khai quật khảo cổ nền đất giữa
hai đền vua Đinh, vua Lê; dự án trùng tu công trình di tích; xây dựng các công trình kiến trúc tôn tạo cảnh quan khu vực; dự án nạo vét, mở rộng và kè bờ
sông Sào Khê; dự án xây dựng đường bao, hào nước vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư.
- Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu động
Am Tiên, bãi đỗ xe và khu dịch vụ phục vụ khu cố đô Hoa Lư; dự án xây dựng khu
trung tâm điều hành ban quản lý khu di tích; dự án xây dựng khu tái định cư,
xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
b) Khu vực hang động Tràng An - núi
chùa Bái Đính:
- Dự án bảo tồn, tôn tạo các công
trình di tích; dự án tôn tạo các hang, thung, đảo sinh thái; dự án nạo vét tuyến
đường thủy từ bến thuyền trung tâm.
- Dự án xây dựng, hoàn thiện tuyến đường
giao thông trung tâm, với đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật phục vụ trên tuyến (cây xanh, hè, biển báo, đèn chiếu sáng, đèn cảnh
quan, chỗ nghỉ, vv...); dự án xây dựng khu trung tâm dịch vụ tại khu vực tiếp
giáp với thành phố Ninh Bình.
c) Khu vực Tam Cốc - Bích Động:
- Các dự án bảo vệ, tôn tạo hệ thống
cảnh quan di sản tự nhiên, di sản văn hóa: Dự án bảo tồn, tôn tạo các công
trình di tích lịch sử văn hóa.
- Hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Xây dựng các công trình
trọng yếu như: Bãi xe, bến thuyền, nhà điều hành và các công trình phụ trợ. Đầu
tư vào các điểm du lịch sinh thái là sản phẩm du lịch đặc thù; dự án cải tạo một
số tuyến giao thông thủy; dự án nâng cấp tuyến đường bộ từ quốc lộ 12B; đầu tư xây dựng các khu trung tâm đón tiếp; đầu
tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại các điểm du lịch trọng yếu trên
các tuyến du lịch.
d) Vùng đệm:
- Hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ
thuật và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; dự án xây dựng khu tái định cư, xây dựng hệ thống hạ
tầng kỹ thuật.
- Dự án đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp; dự án phát triển các hoạt động dịch vụ với sự
tham gia của cộng đồng; dự án phát triển các khách sạn nhỏ ở nông thôn; dự án xây dựng làng du lịch sinh thái - nhà nghỉ
nông thôn.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình xây dựng và kiện toàn Ban quản lý Quần thể
danh thắng Tràng An. Ban hành Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch; Quy chế quản
lý di sản; tổ chức công bố quy hoạch chung và xây dựng kế hoạch triển khai thực
hiện quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình sau
khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ
trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh
Ninh Bình giám sát chặt chẽ các hoạt động xây dựng đảm bảo không ảnh hưởng đến
môi trường, cảnh quan thiên nhiên, hang động.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ
trì lập quy chế bảo tồn, khai thác các giá trị di sản của Quần thể danh thắng
Tràng An.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng cơ quan liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ
tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công Thương, Văn
hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Ngoại
giao, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, V.III, KGVX;
- Lưu: VT, KTN (3b).
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Hoàng Trung Hải
|