ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 717/QĐ-UBND
|
Quảng Ngãi, ngày
12 tháng 8 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC KIỂM
LÂM TỈNH QUẢNG NGÃI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chính phủ và Luật Tổ chức
chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017;
Căn cứ Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày
01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng;
Căn cứ Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày
14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số
24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên
môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Căn cứ Thông tư số 15/2015/TT-BNNPTNT ngày
25/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhiệm
vụ các Chi cục và các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 49/2015/QĐ-UBND ngày
20/10/2015 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc ban hành Quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh
Quảng Ngãi;
Căn cứ Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 04/6/2018 của
UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ và Kế
hoạch số 126-KH/TU ngày 05/4/2018 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi thực hiện Nghị quyết số
19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương sáu khóa XII;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn tại Công văn số 1784/SNNPTNT-TCCB ngày 23/6/2021 và đề xuất của
Giám đốc Sở Nội vụ tại Công văn số 1701/SNV-TCCB&TCPCP ngày 30/7/2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày
14/3/2016 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Điều 3. Chánh Văn phòng
UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi cục
trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (b/cáo)
- Thường trực Tỉnh ủy (b/cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- VPUB: PCVP (NL), NNTN, CBTH;
- Lưu: VT, NCvi584.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Đặng Văn Minh
|
QUY ĐỊNH
CHỨC
NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC KIỂM LÂM TỈNH QUẢNG
NGÃI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 717/QĐ-UBND ngày 12/8/2021 của UBND tỉnh
Quảng Ngãi)
Chương I
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM
VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 1. Vị trí và chức năng
1. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi (sau
đây gọi tắt là Chi cục) là tổ chức hành chính thuộc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu
UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp, đảm bảo chấp hành
pháp luật về lâm nghiệp; là lực lượng chuyên ngành về phòng cháy chữa cháy rừng
trên địa bàn tỉnh.
2. Chi cục chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp
của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật;
đồng thời, chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Tổng cục
Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Chi cục có tư cách pháp nhân, có trụ sở
riêng, có con dấu và được mở tài khoản để giao dịch theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Tham mưu cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về lâm nghiệp
trên địa bàn tỉnh:
a) Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chiến
lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ
thuật, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế-kỹ thuật về chuyên ngành, lĩnh vực
thuộc phạm vi quản lý;
b) Xây dựng chương trình, kế hoạch, phương án, đề
án về quản lý rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng, giống cây trồng lâm nghiệp, sử
dụng rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, đảm bảo chấp hành pháp luật về lâm
nghiệp. Bảo tồn đa dạng sinh học, các loài thực vật, động vật rừng nguy cấp quý
hiếm theo quy định pháp luật;
c) Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án bảo
vệ rừng, phát triển rừng, các mô hình khuyến lâm, phát triển lâm sản ngoài gỗ,
trồng cây phân tán, trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật;
d) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, lực lượng
khác trên địa bàn bảo vệ rừng thuộc sở hữu toàn dân nơi nhà nước chưa giao,
chưa cho thuê;
đ) Phân loại rừng, phân định ranh giới các loại rừng
theo thẩm quyền. Giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển loại rừng, chuyển
mục đích sử dụng rừng theo quy định của pháp luật.
2. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch,
kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy
trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật về quản lý rừng, bảo vệ rừng, phát
triển rừng, giống cây trồng lâm nghiệp, sử dụng rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng,
đảm bảo chấp hành pháp luật về lâm nghiệp trên phạm vi địa bàn tỉnh:
a) Xây dựng và thực hiện chương hình, kế hoạch,
phương án, đề án về quản lý rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng, giống cây trồng
lâm nghiệp, sử dụng rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, đảm bảo chấp hành pháp
luật về lâm nghiệp;
b) Việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng
và đất lâm nghiệp trên địa bàn, phương án quản lý rừng bền vững; các quy hoạch,
kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy
trình, quy phạm, định mức kinh tế-kỹ thuật về trồng rừng, cải tạo rừng, khoanh
nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên, nuôi dưỡng làm giàu rừng;
c) Thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch
về chi trả dịch vụ môi trường rừng. Thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống vườn
giống, giống cây trồng lâm nghiệp; xây dựng hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng
hộ, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên, giáo dục môi trường gắn với
cộng đồng tại các khu bảo tồn thiên nhiên;
d) Điều tra, kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến rừng,
giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng
rừng theo quy định của pháp luật;
đ) Tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, lập và thực hiện
phương án phòng cháy và chữa cháy rừng của chủ rừng;
e) Tổ chức đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các
hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý rừng, bảo vệ rừng, khai thác rừng, sử dụng
rừng, vận chuyển, kinh doanh, cất giữ, chế biến lâm sản; xác minh, xác nhận nguồn
gốc lâm sản đối với cơ sở kinh doanh, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu lâm sản;
g) Việc kinh doanh, chế biến và thị trường lâm sản,
gây nuôi, trồng cấy các loài động vật rừng, thực vật rừng theo quy định của
pháp luật.
3. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về quản lý
rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng, giống cây trồng lâm nghiệp, sử dụng rừng,
phòng cháy và chữa cháy rừng, đảm bảo chấp hành pháp luật về lâm nghiệp trên phạm
vi địa bàn tỉnh:
a) Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật,
quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật,
quy trình, quy phạm, định mức kinh tế-kỹ thuật về quản lý rừng, bảo vệ rừng,
phát triển rừng, giống cây trồng lâm nghiệp, sử dụng rừng, phòng cháy và chữa
cháy rừng, đảm bảo chấp hành pháp luật về lâm nghiệp thuộc nhiệm vụ được giao
theo quy định của pháp luật. Cập nhật cơ sở dữ liệu, lập hồ sơ quản lý rừng của
địa phương.
b) Phối hợp với chủ rừng tổ chức thực hiện các biện
pháp bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, đảm bảo chấp hành pháp luật về
lâm nghiệp; bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học rừng theo quy định của pháp luật;
c) Theo dõi, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; tổ
chức lực lượng, phương tiện phối hợp với chủ rừng và chính quyền các cấp chữa
cháy rừng; trong trường hợp cần thiết tham mưu cho cấp có thẩm quyền tổ chức
huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn tổ chức chữa cháy rừng;
d) Thực hiện thanh tra chuyên ngành về lâm nghiệp
theo quy định pháp luật. Tổ chức xây dựng lực lượng chuyên ngành về phòng cháy
và chữa cháy rừng; kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng;
đ) Tổ chức đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn, đảm bảo
chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; xử lý vi phạm hành chính và áp dụng các biện
pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính; khởi tố, điều tra vụ án hình sự hành
vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật;
e) Thông tin, tuyên truyền, phổ biến, vận động,
giáo dục pháp luật về lâm nghiệp. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công
nghệ tiên tiến trong lâm nghiệp địa phương;
g) Cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài tỉnh cho
Kiểm lâm; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho Kiểm lâm và Lực
lượng chuyên trách bảo vệ rừng;
h) Quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ,
phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng, đồng phục Kiểm lâm theo quy định của
pháp luật;
i) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo định kỳ
và theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
4. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định
của pháp luật và cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.
Chương II
CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ BIÊN
CHẾ
Điều 3. Lãnh đạo Chi cục
1. Chi cục có Chi cục trưởng và không quá 02
Phó Chi cục trưởng.
2. Chi cục trưởng là người đứng đầu Chi cục,
chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trước
pháp luật về toàn bộ hoạt động của Chi cục.
3. Phó Chi cục trưởng là người giúp việc cho
Chi cục trưởng, được Chi cục trưởng phân công phụ trách một số lĩnh vực công
tác của Chi cục; chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và trước pháp luật về
lĩnh vực công tác được phân công hoặc ủy quyền. Khi Chi cục trưởng vắng mặt, một
phó Chi cục trưởng được Chi cục trưởng ủy nhiệm điều hành các hoạt động của Chi
cục.
4. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức,
điều động luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ chính sách
khác đối với Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng được thực hiện theo quy định của
pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức của Ủy ban nhân dân
tỉnh.
Điều 4. Cơ cấu tổ chức bộ máy của
Chi cục
1. Các phòng tham mưu, tổng hợp và chuyên
môn nghiệp vụ:
- Phòng Tổ chức, hành chính và Xây dựng lực lượng;
- Phòng Thanh tra, pháp chế và Tuyên truyền;
- Phòng Quản lý, bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên
nhiên;
- Phòng Sử dụng và Phát triển rừng.
2. Các đơn vị trực thuộc Chi cục:
- Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ;
- Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ;
- Hạt Kiểm lâm huyện Mộ Đức;
- Hạt Kiểm lâm huyện Tư Nghĩa;
- Hạt Kiểm lâm liên huyện Sơn Tịnh - thành phố Quảng
Ngãi;
- Hạt Kiểm lâm huyện Nghĩa Hành;
- Hạt Kiểm lâm huyện Minh Long;
- Hạt Kiểm lâm huyện Bình Sơn;
- Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hà;
- Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây;
- Hạt Kiểm lâm huyện Trà Bồng;
- Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Các Hạt, Đội thuộc Chi cục có tư cách pháp nhân, có
con dấu, có trụ sở làm việc và được mở tài khoản để giao dịch theo quy định của
pháp luật.
3. Bố trí biên chế, nhân sự của các phòng
tham mưu, tổng hợp và chuyên môn, nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc Chi cục (gọi
chung là phòng):
Các phòng thuộc Chi cục phải bố trí tối thiểu 05
biên chế công chức/phòng; bố trí nhân sự, số lượng Phó Trưởng phòng thuộc Chi cục
đảm bảo đúng theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày
14/9/2020 của Chính phủ; giải quyết số lượng Phó Chi cục trưởng, Phó Trưởng
phòng thuộc Chi cục dôi dư (nếu có) đảm bảo lộ trình quy định tại Điều 2
Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh cấp trưởng,
cấp phó của các phòng thuộc Chi cục thực hiện theo quy định của pháp luật và
phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 5. Biên chế của Chi cục
1. Biên chế hành chính của Chi cục do Giám đốc
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao trên cơ sở vị trí việc làm gắn với
chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng số biên chế hành chính
của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết
định giao.
2. Chi cục trưởng có trách nhiệm quản lý, bố
trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng công chức của Chi cục phù hợp với chức danh
chuyên môn, tiêu chuẩn ngạch công chức theo quy định của pháp luật, đảm bảo
hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
3. Đối với số lượng người làm việc (biên
chế sự nghiệp), viên chức hiện có của Chi cục sẽ thực hiện rà soát, sắp xếp,
điều chuyển, chuyển đổi, đảm bảo đến năm 2025 không còn biên chế sự nghiệp,
viên chức trong Chi cục.
Chương III
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 6. Chi cục chịu sự
lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, đồng thời chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Chi cục thực hiện mối
quan hệ phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở, các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan đơn vị có liên quan để thực hiện chức
năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực được giao theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 8. Chi cục có trách
nhiệm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố thực hiện mối quan hệ
phối hợp với các tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan ở huyện, thị xã, thành
phố để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và chấp hành sự chỉ đạo
của Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố theo quy định của pháp luật.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Trách nhiệm của Chi cục
trưởng Chi cục Kiểm lâm
Tổ chức triển khai thực hiện Quy định này. Ban hành
các quyết định sau đây và chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đảm
bảo mọi hoạt động của Chi cục hiệu lực, hiệu quả:
1. Quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn, mối quan hệ công tác của các phòng tham mưu, tổng hợp và chuyên môn, nghiệp
vụ, các đơn vị trực thuộc Chi cục;
2. Ban hành Quy chế làm việc của Chi cục, nội
quy cơ quan, các quy định khác có liên quan đảm bảo mọi hoạt động, điều hành của
Chi cục theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề vướng
mắc, phát sinh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tổng hợp, báo cáo Giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trình Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ)
quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.