UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
71/2007/QĐ-UBND
|
Lào
Cai, ngày 19 tháng 10 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ ĐOÀN ĐI NƯỚC NGOÀI, ĐOÀN NƯỚC
NGOÀI, ĐOÀN QUỐC TẾ VÀO LÀM VIỆC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh nhập cảnh,
xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 24/1999/PL-UBTVQH10
ngày 28/4/2000;
Căn cứ Nghị định
136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công
dân Việt Nam;
Căn cứ Nghị định
21/2001/NĐ-CP ngày 28/5/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành pháp lệnh
nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
Căn cứ Quyết định 340/QĐ-TTg
ngày 24/5/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế về hoạt động của
các Tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam;
Căn cứ Quyết định
28/2005/QĐ-TTg ngày 01/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thống
nhất quản lý các hoạt động đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
22/2005/TTLT-BNG-BNV ngày 22/12/2005 của liên Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ hướng dẫn
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại ở địa
phương;
Căn cứ Thông báo số 815 TB/TU
ngày 02/10/2007 của Tỉnh uỷ Lào Cai;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Ngoại vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế quản lý đoàn đi
nước ngoài, đoàn nước ngoài, đoàn quốc tế vào làm việc trên địa bàn tỉnh Lào
Cai.
Điều 2.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành,
đoàn thể Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp hoạt động
trên địa bàn tỉnh và các đối tượng có liên quan căn cứ quyết định thi hành.
Quyết định có hiệu lực sau 10
ngày kể từ ngày ký ban hành. Những quy định trước đây của tỉnh trái với Quyết định
này đều bãi bỏ./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Nguyễn Hữu Vạn
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ ĐOÀN ĐI NƯỚC NGOÀI, ĐOÀN NƯỚC NGOÀI, ĐOÀN QUỐC TẾ
VÀO LÀM VIỆC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Ban hành theo Quyết định số 71/2007/QĐ - UBND ngày 19 tháng 10 năm 2007 của
UBND tỉnh Lào Cai)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi áp dụng: Quy chế này
quy định về quản lý đoàn đi nước ngoài, đoàn nước ngoài, đoàn quốc tế vào làm
việc trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Cán bộ, đảng viên, công chức,
viên chức đang làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, doanh nghiệp
nhà nước đi nước ngoài.
b) Cán bộ đã nghỉ hưu và nhân
dân đi nước ngoài có sử dụng ngân sách nhà nước.
c) Các đoàn quốc tế vào tỉnh làm
việc được cơ quan chủ quản có văn bản đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền
cho phép hoạt động.
Điều 2.
Nguyên tắc quản lý
a) Cán bộ thuộc diện Trung ương
quản lý (Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ quản lý) khi ra nước ngoài phải
được sự đồng ý của Trung ương.
b) Cán bộ thuộc diện Ban Thường
vụ quản lý (theo phân cấp quản lý cán bộ quy định tại Quyết định 80 - QĐ/TU
ngày 15/7/2006 của Tỉnh uỷ Lào Cai) khi đi nước ngoài phải được sự đồng ý của
Thường trực Tỉnh uỷ; nếu đi nước ngoài từ 3 tháng trở lên phải được sự đồng ý của
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
c) Cán bộ, công chức là đảng
viên, ngoài việc thực hiện các quy định trong Quy chế này phải thực hiện các
quy định của Trung ương Đảng và của Tỉnh uỷ về quản lý cán bộ, đảng viên đi nước
ngoài.
d) Cán bộ lực lượng vũ trang,
cán bộ, công chức trong các ngành có quy định riêng về việc ra nước ngoài,
ngoài việc thực hiện các quy định trong Quy chế này phải thực hiện các quy định
riêng của ngành.
e) Các đoàn thuộc các tổ chức
Phi chính phủ nước ngoài đến tỉnh khảo sát, xây dựng dự án thực hiện theo Quyết
định 340/QĐ-TTg ngày 24/5/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế
về hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam và quy định
của UBND tỉnh về quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trên địa
bàn tỉnh Lào Cai (Quyết định số 65/2007/QĐ-UBND ngày 22/8/2007 của UBND tỉnh
Lào Cai).
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ
>>>đoàn đi nước ngoài, đoàn nước ngoài, đoàn quốc tế vào làm việc trên
địa bàn tỉnhhhh được hiểu như sau:
1. Đoàn đi nước ngoài
(sau đây gọi tắt là đoàn ra): Các đoàn ( kể cả là cá nhân) gồm cán bộ, công chức,
nhân viên ở các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, doanh nghiệp Nhà nước
(gọi là các cơ quan, đơn vị) đóng trên địa bàn tỉnh, bao gồm cả cán bộ đã nghỉ
hưu thuộc diện chính sách của tỉnh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết
định cho phép đi nước ngoài.
2. Đoàn nước ngoài, đoàn quốc
tế vào làm việc trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là đoàn vào): Bao gồm
các đoàn nước ngoài (cá nhân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế) được cơ quan
nhà nước có thẩm quyền cho phép đến làm việc với các cơ quan, tổ chức trong hệ
thống chính trị và các doanh nghiệp nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Thẩm
quyền cho phép đoàn ra
1. Chủ tịch UBND tỉnh quyết định
cho phép:
a) Các đoàn ra có cán bộ, công
chức và cán bộ doanh nghiệp nhà nước thuộc diện Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh
uỷ, UBND tỉnh quản lý.
b) Các đoàn ra có sử dụng ngân
sách nhà nước.
2. Chủ tịch
UBND tỉnh uỷ quyền bằng văn bản cho Giám đốc Sở Ngoại vụ quyết định cho phép:
a) Các đoàn ra là cán bộ, công
chức nhà nước không thuộc diện Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quản
lý không sử dụng ngân sách nhà nước.
b) Các đoàn ra là cán bộ doanh
nghiệp nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh không sử dụng ngân sách nhà nước.
3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh
ký văn bản uỷ quyền giới thiệu chữ ký của Giám đốc Sở Ngoại vụ, con dấu của Sở
Ngoại vụ gửi cho Bộ Công an, Bộ Ngoại giao. Giám đốc sở Ngoại vụ chịu trách nhiệm
trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và pháp luật về việc cho phép đoàn ra theo
uỷ quyền.
Điều 5.
Trình tự, thủ tục cho phép đoàn ra
1. Thủ tục: Cơ quan, đơn vị có
nhu cầu thành lập đoàn ra nước ngoài gửi văn bản đề nghị (nếu là đơn vị trực
thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh và tương đương, UBND cấp huyện, thị xã, thành phố
phải có văn bản của cơ quan chủ quản) và các giấy tờ sau đến sở Ngoại vụ:
a) Văn bản đề nghị cho phép
thành lập đoàn ra. Nội dung văn bản nêu rõ: Lý do thành lập đoàn, mục đích chuyến
đi, nội dung công tác, thành phần (giới tính, mã ngạch công chức...), thời gian
đi, địa điểm đến, hình thức và địa điểm xuất cảnh, kinh phí.
b) Thư mời của nước ngoài hoặc
chương trình do các tổ chức trong nước sắp xếp.
2. Trình tự:
a) Sở Ngoại vụ tiếp nhận, xem
xét hồ sơ đề nghị cho phép đoàn ra do các cơ quan, đơn vị trong tỉnh gửi đến
trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
b) Hồ sơ đề nghị cho phép đoàn
ra thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh thì chậm nhất
trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ Sở Ngoại vụ lập
tờ trình trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định;
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ra
quyết định cử đoàn ra (hoặc trả lời không cho phép đoàn ra) chậm nhất sau 03
ngày kể từ ngày nhận được Tờ trình về việc cho phép đoàn ra của Sở Ngoại vụ.
c) Đối với cán bộ thuộc diện Ban
Thường vụ quản lý đi nước ngoài, Uỷ ban nhân dân tỉnh có văn bản xin ý kiến Thường
trực Tỉnh uỷ và ra quyết định sau khi có ý kiến của Thường trực Tỉnh uỷ.
d) Hồ sơ thuộc thẩm quyền cho
phép của Giám đốc Sở Ngoại vụ thì Giám đốc sở Ngoại vụ quyết định cho phép đoàn
ra chậm nhất sau 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
e) Trường hợp cơ quan có thẩm
quyền không đồng ý cho phép đoàn ra thì Sở Ngoại Vụ phải trả lời bằng văn bản
và thông báo cho cơ quan đề nghị biết.
Điều 6. Các
trường hợp không được ra nước ngoài
Các đối tượng vi phạm Điều 21
Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh
của công dân Việt Nam.
Điều 7. Thẩm
quyền cho phép đoàn vào
1. Chủ tịch
UBND tỉnh quyết định việc cho phép đoàn vào trong các trường hợp sau:
a) Các đoàn nước ngoài vào làm
việc theo lời mời của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh về các lĩnh vực
công tác chuyên môn của ngành, của địa phương hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo
Quốc tế.
b) Các đoàn quy định tại điểm e
Điều 2 Quy chế khi lần đầu vào làm việc tại tỉnh trong khuôn khổ của một chương
trình, dự án...
c) Các đoàn Trung Quốc vào làm
việc với các doanh nghiệp tại tỉnh nhập cảnh bằng Giấy thông hành xuất cảnh, nhập
cảnh; các đoàn đến làm việc với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn biên giới.
d) Các đoàn phóng viên, báo chí
nước ngoài vào hoạt động tại tỉnh.
2. Chủ tịch UBND tỉnh uỷ quyền
cho Giám đốc Sở Ngoại vụ cho phép đoàn vào trong trường hợp sau:
Các đoàn quy định tại điểm e Điều
2 Quy chế khi vào tỉnh để triển khai các bước tiếp theo của các chương trình, dự
án... đã được UBND tỉnh cho phép vào lần đầu.
Điều 8.
Trình tự, thủ tục cho phép đoàn vào
1. Thủ tục: Cơ quan, đơn vị có
nhu cầu đón đoàn vào gửi văn bản đề nghị (nếu là đơn vị trực thuộc sở, ban,
ngành cấp tỉnh và tương đương, UBND cấp huyện, thị xã phải có văn bản của cơ
quan chủ quản) và các giấy tờ sau đến sở Ngoại vụ trước ít nhất 07 ngày làm việc,
kể từ ngày dự kiến đoàn vào đến Lào Cai làm việc:
a) Nội dung văn bản đề nghị cho
phép đoàn vào nêu rõ: Mục đích, thời gian, địa điểm đoàn làm việc, kinh phí đón
tiếp đoàn, thành phần đoàn nước của cơ quan, đơn vị tham gia đón tiếp và làm việc
với đoàn bạn.
b) Danh sách đoàn vào ghi rõ các
thông tin: Họ tên, tuổi, giới tính, quốc tịch, nghề nghiệp, số hộ chiếu, vi sa.
c) Thư liên hệ của phía nước
ngoài.
2. Trình tự
a) Sở Ngoại vụ tiếp nhận, xem
xét hồ sơ đề nghị cho phép đoàn vào do các cơ quan, đơn vị trong tỉnh gửi đến
trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
b) Hồ sơ đề nghị cho phép đoàn
vào thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh thì chậm nhất
trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Ngoại vụ lập
tờ trình trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định. Đối với các đoàn vào
quy định tại điểm b, c khoản 1, Điều 7 Quy chế; trước khi trình UBND tỉnh cho
phép, Sở Ngoại vụ gửi các thủ tục cần thiết cho Công an tỉnh, Biên phòng tỉnh
thẩm tra và có văn bản trả lời chậm nhất sau 02 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ
đề nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh ban hành bằng
văn bản cho phép đoàn vào (hoặc không cho phép đoàn vào) chậm nhất sau 03 ngày
kể từ ngày nhận được Tờ trình về việc cho phép đoàn vào của Sở Ngoại vụ.
c) Hồ sơ thuộc thẩm quyền của
Giám đốc Sở Ngoại vụ cho phép, nếu đủ điều kiện thì Giám đốc sở Ngoại vụ ban
hành văn bản cho phép đoàn vào chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ
hồ sơ hợp lệ.
d) Các văn bản cho phép đoàn vào
được gửi tới các cơ quan, địa phương liên quan trước 02 ngày làm việc, kể từ
ngày dự kiến đoàn vào để phối hợp quản lý, trường hợp phát sinh đột xuất sẽ thực
hiện theo quy định riêng.
đ) Trường hợp cơ quan có thẩm
quyền không đồng ý cho phép đoàn vào thì Sở Ngoại Vụ phải trả lời bằng văn bản
và thông báo cho cơ quan đề nghị biết.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9.
Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quản lý đoàn ra, đoàn vào
1. Các cơ quan, đơn vị, Uỷ ban
nhân dân các huyện, thành phố:
a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến
các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý xuất nhập cảnh, quản lý các hoạt động
đối ngoại, bảo vệ biên giới Quốc gia và Quy chế này trong phạm vi cơ quan, đơn
vị, địa phương thuộc quyền quản lý.
b) Hàng năm xây dựng chương
trình đối ngoại của cơ quan, đơn vị gửi Sở Ngoại vụ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh
theo quy định.
c) Thực hiện nghiêm túc các quy
định về quản lý đoàn ra, đoàn vào. Quản lý, xét duyệt cán bộ, công chức thuộc
quyền quản lý đi nước ngoài. Quản lý các đoàn nước ngoài đến làm việc đúng quy
định.
d) Báo cáo kết quả hoạt động của
các đoàn ra, đoàn vào theo quy định.
e) Thực hiện đúng chức năng, nhiệm
vụ của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc quản lý
đoàn ra, đoàn vào theo phân cấp.
2. Sở Ngoại vụ: Là cơ quan đầu mối
chủ trì, phối hợp với các sở ngành, cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện công
tác quản lý các đoàn ra, đoàn vào theo quy định, có trách nhiệm:
a) Tham mưu xây dựng chương
trình công tác đối ngoại hàng năm của tỉnh.
b) Ban hành văn bản trong phạm
vi quyền hạn của cơ quan hướng dẫn các thủ tục cụ thể về giải quyết đoàn ra,
đoàn vào để hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện đúng
nội dung Quy chế.
Đảm bảo tính pháp lý của hồ sơ
đoàn ra, đoàn vào; thực hiện việc quản lý hồ sơ đoàn ra, đoàn vào theo quy định
về công tác lưu trữ.
c) Xây dựng chương trình đón tiếp
và thực hiện công tác lễ tân đối với những đoàn đại biểu đến thăm và làm việc tại
tỉnh theo lời mời của lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh.
d) Tổng hợp báo cáo định kỳ tuần,
tháng, quý, năm về tình hình đoàn ra, đoàn vào. Giải quyết các kiến nghị vướng
mắc về công tác quản lý đoàn ra, đoàn vào. Thanh tra việc thực hiện các quy định
về quản lý đoàn ra, đoàn vào theo quy định của pháp luật.
3. Công an tỉnh:
a) Thẩm tra hồ sơ, thủ tục của
các Đoàn vào theo đề nghị của Sở Ngoại vụ.
b) Phối hợp quản lý đoàn ra, vào
theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, đảm bảo đoàn vào hoạt động đúng mục đích,
đúng chương trình, kế hoạch được tỉnh cho phép và đảm bảo an ninh cho các đoàn
vào trong thời gian ở tỉnh.
c) Giải quyết thủ tục đoàn ra,
đoàn vào theo chức năng của Công an tỉnh.
4. BCH Biên phòng tỉnh:
a) Quản lý, kiểm tra, thực hiện
các thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định.
b) Phối hợp quản lý các đoàn
vào, khi đoàn có hoạt động tại khu vực biên giới.
Điều 10.
Trách nhiệm cá nhân
1. Thực hiện nghiêm túc các quy
định của pháp luật nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và luật pháp của nước
sở tại về xuất cảnh, nhập cảnh và các quy định khác có liên quan; các quy định
về quan hệ làm việc với người nước ngoài, quy định nhận quà biếu, huân, huy
chương hoặc các danh hiệu học hàm, học vị do nước ngoài trao tặng.
2. Nếu là Trưởng đoàn đi nước
ngoài, có trách nhiệm quản lý và chỉ đạo mọi hoạt động của đoàn khi ở nước
ngoài.
3. Báo cáo kết quả các chuyến đi
nước ngoài và quá trình làm việc với các tổ chức, cá nhân người nước ngoài theo
quy định (báo cáo gửi Sở Ngoại vụ).
4. Quản lý, sử dụng hộ chiếu
theo đúng quy định.
Điều 11. Xử
lý vi phạm
Các cơ quan, đơn vị, cá nhân nếu
có hành vi vi phạm Quy chế thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ
luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định
của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện Quy chế,
nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh bằng văn bản về Sở
Ngoại vụ. Sở Ngoại vụ chịu trách nhiệm tổng hợp, giải trình và đề xuất với Uỷ
ban nhân dân tỉnh giải quyết./.
PHỤ LỤC
(Kèm
theo Quy chế quản lý đoàn đi nước ngoài, đoàn nước ngoài, đoàn quốc tế vào làm
việc trên địa bàn tỉnh Lào Cai)
Cán bộ
diện Tỉnh uỷ quản lý và UBND tỉnh gồm:
1. Cán bộ thuộc diện Ban Thường
vụ Tỉnh uỷ quản lý
- Tỉnh uỷ viên; Phó Chủ tịch, Uỷ
viên Thường trực HĐND tỉnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Uỷ viên UBND tỉnh.
- Trưởng, Phó trưởng ban HĐND tỉnh;
Trưởng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội.
- Trưởng, Phó trưởng các sở,
ban, ngành, đoàn thể và tương đương thuộc tỉnh.
- Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm UBKT
Tỉnh uỷ.
- Chủ tịch, Phó chủ tịch các Hội
xã hội nghề nghiệp.
- Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng
các trường Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp trực thuộc tỉnh.
- Trưởng, Phó trưởng các cơ quan
đơn vị thuộc ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.
- Bí thư, Phó Bí thư, Uỷ viên
Ban Thường vụ huyện, thành uỷ và đảng uỷ trực thuộc.
- Bí thư Ban cán sự Đảng, Đảng
đoàn.
- Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND,
UBND huyện, thành phố.
- Đại biểu Quốc hội đương nhiệm,
Đại biểu HĐND tỉnh đương nhiệm.
- Anh hùng lực lượng vũ trang,
Anh hùng Lao động, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ
tiền khởi nghĩa.
- Thầy thuốc nhân dân, Nhà giáo
nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân.
- Chuyên viên cao cấp.
- Tiến sỹ.
- Bí thư, Chủ tịch Hội đồng quản
trị, Giám đốc doanh nghiệp hạng I, II.
2. Cán bộ thuộc diện Thường trực
Tỉnh uỷ quản lý:
- Uỷ viên Ban chấp hành các đảng
bộ trực thuộc Tỉnh uỷ (trừ diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý).
- Uỷ viên Đảng đoàn, Ban cán sự;
Uỷ viên Thường trực HĐND huyện, thành phố
- Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Mặt
trận Tổ quốc tỉnh, Uỷ viên Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh,
Tỉnh đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Tỉnh Hội Phụ nữ, Hội chữ thập đỏ
tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.
- Giám đốc, phó giám đốc các
doanh nghiệp Trung ương trên địa bàn tỉnh.
- Nhà giáo ưu tú, nghệ sỹ ưu tú,
thầy thuốc ưu tú.
- Chuyên viên chính hoặc tương
đương có mức lương từ bậc 6 trở lên.
- Bí thư, Chủ tịch hội đồng quản
trị các doanh nghiệp nhà nước hạng I, II; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trưởng
Ban kiểm soát, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng doanh nghiệp nhà nước của tỉnh có vốn
liên doanh với nước ngoài và giám đốc công ty cổ phần của tỉnh có vốn nhà nước
trên 50% đóng trên địa bàn tỉnh.
3. Cán bộ thuộc diện UBND tỉnh
quản lý gồm:
- Trưởng các đơn vị sự nghiệp
thuộc sở, ngành và tương đương.
- Trưởng các cơ sở giáo dục đào
tạo thuộc Sở Giáo dục đào tạo quản lý.
- Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế
toán trưởng các doanh nghiệp nhà nước hạng 3 ( trừ các đối tượng diện Tỉnh uỷ
quản lý).
- Cán bộ công chức là Chuyên
viên chính có mức lương từ bậc 5 trở xuống./.