ỦY BAN NHÂN
DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
70/2005/QĐ-UBND
|
Cần Thơ, ngày
31 tháng 10 năm 2005
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC THAY ĐỔI, CẢI CHÍNH
HỘ TỊCH, XÁC ĐỊNH LẠI DÂN TỘC VÀ ĐIỀU CHỈNH CÁC GIẤY TỜ KHÁC CỦA CÔNG DÂN
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26
tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của HĐND và UBND ngày 14 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10
tháng 10 năm 1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch;
Căn cứ Thông tư số 12/1999/TT-BTP ngày 25
tháng 6 năm 1999 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định
số 83/1998/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quy định về điều kiện, thủ tục thay đổi, cải chính
hộ tịch, xác định lại dân tộc và điều chỉnh các giấy tờ khác của công dân.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và đăng
Báo Cần Thơ sau 05 ngày kể từ ngày ký;
Các quy định trước đây trái với nội dung Quyết định
này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Tư
pháp, Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và
cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng CP;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản Vụ Hành chính Tư pháp);
- TT.TU, HĐND, UBND.TP;
- Sở Tư pháp, GD&ĐT, Công an TP;
- UBND quận, huyện;
- UBND xã, phường, thị trấn;
- Cơ quan Báo, Đài;
- VPUBND TP (2A,2B,4)
- Lưu TTLT. P 120
|
TM. UBND
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
CHỦ TỊCH
Võ Thanh Tòng
|
QUY ĐỊNH
VỀ ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC THAY ĐỔI, CẢI CHÍNH HỘ TỊCH, XÁC ĐỊNH
LẠI DÂN TỘC VÀ ĐIỀU CHỈNH CÁC GIẤY TỜ KHÁC CỦA CÔNG DÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 70 /2005/QĐ-UBND ngày 31/10/2005 của Ủy ban
nhân dân thành phố Cần Thơ)
Chương I
NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Công dân có đủ điều kiện để thay đổi, cải chính hộ tịch,
xác định lại dân tộc theo quy định của pháp luật về hộ tịch thì được đăng ký
thay đổi họ, tên, chữ đệm; cải chính họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh; bổ
sung giới tính, dân tộc, quê quán, quốc tịch, ngày, tháng sinh trong giấy khai
sinh; xác định lại dân tộc và điều chỉnh các loại giấy tờ, hồ sơ cá nhân sau
khi có quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc của
cơ quan có thẩm quyền.
Điều 2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thay đổi, cải
chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, điều chỉnh các loại giấy tờ khác của công
dân có trách nhiệm tạo điều kiện để cá nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ đăng ký
hộ tịch.
Điều 3. Công dân có yêu cầu xin thay đổi, cải chính hộ tịch, xác
nhận lại dân tộc và điều chỉnh các loại giấy tờ khác; khi nộp hồ sơ tại bộ phận
tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp, công chức tiếp nhận có trách nhiệm kiểm
tra, đối chiếu nếu các bản sao đúng với bản gốc (trừ giấy khai sinh) thì tiếp
nhận bản sao, không cần phải có công chứng, chứng thực.
Điều 4. Việc đăng ký, kiểm tra và xử lý các vi phạm về thay đổi, cải
chính hộ tịch, xác định lại dân tộc và điều chỉnh các loại giấy tờ khác phải được
thực hiện kịp thời, khách quan, chính xác theo quy định của pháp luật về hộ tịch
và Quy định này.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục A. Các điều kiện được
thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc
Điều 5. Các điều kiện thay đổi hộ tịch:
Công dân được quyền thay đổi hộ tịch khi có một
trong các điều kiện sau đây:
1. Người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó
gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp
pháp của mình;
2. Thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người
con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ,
tên mà cha, mẹ đẻ đã đặt;
3. Khi đã xác định được cha, mẹ cho con;
4. Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của
mẹ hoặc ngược lại;
5. Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc từ nhỏ
mà tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
6. Tên gọi thô tục ảnh hưởng đến thuần phong mỹ
tục, văn hoá Việt Nam;
7. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
Điều 6. Các điều kiện để cải chính hộ tịch:
Công dân có một trong các trường hợp sau đây thì
được cải chính hộ tịch:
1. Trường hợp cải chính hộ tịch (cải chính ngày,
tháng, năm sinh) chỉ được thực hiện khi có sự sai sót do ghi chép của cán bộ hộ
tịch - tư pháp hoặc do đương sự khai báo nhầm lẫn;
2. Trường hợp khi phát hiện sai sót trong giấy
khai sinh như nơi sinh, dân tộc, quốc tịch, phần khai về cha, mẹ...;
3. Ngoài các trường hợp nêu tại khoản 1và khoản
2 Điều này nếu công dân xin cải chính hộ tịch mà có lý do chính đáng, phù hợp với
điều kiện hoàn cảnh thực tế của từng người và hồ sơ hợp lệ, đúng thủ tục qui định
thì Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan chức năng xem xét, đề xuất ý kiến trình Ủy
ban nhân dân thành phố quyết định.
4. Trường hợp yêu cầu cải chính hộ tịch trong giấy
khai sinh do đương sự cố tình sửa chữa sai sự thật đã đăng ký trước đây để hợp
thức hoá các hồ sơ, giấy tờ cá nhân hiện tại, thì không giải quyết.
Điều 7. Các điều kiện xác định lại dân tộc:
1. Người đã thành niên có quyền yêu cầu được xác
định lại dân tộc khi có một trong các trường hợp sau đây:
a. Xác định lại dân tộc theo dân tộc của người
cha hoặc người mẹ, nếu cha, mẹ thuộc hai dân tộc khác nhau;
b. Xác định lại dân tộc theo dân tộc của cha đẻ,
mẹ đẻ trong trường hợp làm con nuôi của người thuộc dân tộc khác;
c. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Người con đã thành niên xin xác định lại dân
tộc từ dân tộc của cha sang dân tộc của mẹ, hoặc ngược lại thì phải có ý kiến đồng
ý của cả cha và mẹ. Trường hợp cha hoặc mẹ chết thì chỉ cần ý kiến của cha hoặc
mẹ còn sống.
Mục B. Căn cứ để điều chỉnh
các loại giấy tờ khác
Điều 8. Các căn cứ để điều chỉnh các loại giấy tờ khác:
1. Giấy khai sinh và sổ hộ khẩu khớp với nhau
(có trước học bạ, văn bằng) nhưng không khớp với học bạ, văn bằng thì phải căn
cứ vào giấy khai sinh và sổ hộ khẩu để điều chỉnh học bạ, văn bằng;
2. Trường hợp không khớp giữa giấy khai sinh
(đúng hạn), sổ hộ khẩu và học bạ, văn bằng thì phải căn cứ vào giấy khai sinh
có tên trong sổ bộ gốc để chỉnh lý sổ hộ khẩu và học bạ, văn bằng và ngược lại
hộ khẩu lập trước khai sinh (có sổ bộ) thì chỉnh lý khai sinh, học bạ và văn bằng
theo hộ khẩu.
3. Nếu công dân có 2 hoặc nhiều giấy khai sinh
không khớp nhau về nội dung (khai sinh cùng số hoặc khác số), một số giấy tờ khớp
với khai sinh này, một số giấy tờ khớp với khai sinh khác thì Ủy ban nhân dân
xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã) ra quyết định thu hồi giấy khai sinh
không có sổ gốc, giấy khai sinh còn lại (có sổ gốc) là căn cứ để điều chỉnh các
giấy tờ khác. Nếu các giấy khai sinh đều có tên trong sổ gốc thì Ủy ban nhân
dân cấp xã ra quyết định thu hồi các giấy khai sinh cấp sau, giấy khai sinh còn
lại là căn cứ để điều chỉnh các giấy tờ khác. Nếu đương sự có các giấy khai
sinh đều không có tên trong sổ bộ gốc thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cấp giấy
khai sinh quyết định thu hồi và cho đăng ký lại khai sinh theo hộ khẩu, chứng
minh nhân dân.
4. Trường hợp công dân xin cải chính các giấy tờ
khác về hộ tịch (không phải giấy khai sinh) như giấy chứng nhận kết hôn, giấy
khai tử.... thì Ủy ban nhân dân nơi đã cấp các giấy tờ hộ tịch trước đây căn cứ
vào bản chính giấy khai sinh hoặc bản sao giấy khai sinh từ sổ gốc của đương sự
được cấp chưa quá 3 tháng để điều chỉnh cho phù hợp.
Điều 9. Các trường hợp thuộc phạm vi được phép cải chính hộ tịch
theo quy định tại Nghị định 83/1998/NĐ - CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ và
theo Quy định này, sau khi có quyết định cho phép cải chính hộ tịch của Ủy ban
nhân dân thành phố thì các cơ quan có thẩm quyền chỉnh lý sổ hộ khẩu, chứng
minh nhân dân, học bạ, văn bằng, giấy chứng nhận kết hôn, giấy khai tử... cho
phù hợp với quyết định cải chính hộ tịch.
Mục C. Bổ sung về giới tính,
dân tộc, quê quán, quốc tịch, ngày, tháng sinh trong giấy khai sinh và cấp xác
nhận hộ tịch.
Điều 10. Các loại giấy khai sinh trước đây (án thế vì khai sinh,
khai sinh của chế độ cũ, của chính quyền cách mạng...), trong phần khai về lai
lịch của người khai sinh và phần khai về cha mẹ của người khai sinh không ghi
giới tính, ngày, tháng sinh, dân tộc, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú, tạm
trú thì được khai bổ sung.
Điều 11. Trường hợp không thể thay đổi, cải chính hộ tịch thì Sở Tư
pháp xem xét, quyết định cấp giấy xác nhận hộ tịch với nội dung “các loại giấy
tờ hộ tịch là của một người” cho đương sự sử dụng.
Điều 12. Đối với các trường hợp trích lục chứng thư hộ tịch mất sổ bộ
hoặc sổ bộ bị rách nát, hư hỏng không xác định rõ nội dung chứng thư thì Sở Tư
pháp có trách nhiệm cấp giấy xác nhận hộ tịch cho đương sự để đăng ký lại hộ tịch.
Điều 13. Trường hợp các nội dung ghi trong sổ bộ khai sinh gốc lưu tại
cấp xã do sai sót của cán bộ hộ tịch không khớp với giấy khai sinh bản chính của
công dân đã được cấp trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm làm thủ
tục và báo cáo Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định điều chỉnh
sổ bộ khai sinh gốc;
Trường hợp hồ sơ lưu tại Sở Tư pháp sai với giấy
khai sinh gốc đã cấp mà giấy khai sinh này khớp với sổ lưu tại cấp xã thì Giám
đốc Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định điều chỉnh sổ bộ;
Trường hợp cả hai sổ lưu tại cấp xã và Sở Tư
pháp không khớp với giấy khai sinh gốc đã cấp cho công dân trước đây thì Ủy ban
nhân dân cấp xã làm thủ tục và báo cáo Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân ra quyết
định điều chỉnh sổ bộ.
Chương III
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, THẨM
QUYỀN THAY ĐỔI, CẢI CHÍNH, BỔ SUNG HỘ TỊCH VÀ XÁC ĐỊNH LẠI DÂN TỘC
Điều 14. Trình tự, thủ tục xin thay đổi họ, tên, chữ đệm trong giấy
khai sinh
1. Trình tự:
a. Người yêu cầu xin thay đổi họ, tên, chữ đệm
phải làm đơn theo mẫu quy định và có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú. Trường
hợp xin thay đổi họ, tên, chữ đệm tại UBND cấp xã không phải nơi đăng ký khai
sinh thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi đăng ký khai sinh trước đây;
b. Việc xin thay đổi họ, tên, chữ đệm đối với
người dưới 18 tuổi được thực hiện theo đơn yêu cầu của cha, mẹ hoặc người giám
hộ hợp pháp. Đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
2. Thủ tục:
Hồ sơ xin thay đổi họ, tên, chữ đệm nộp tại Bộ
phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp bao gồm:
a. Đơn xin thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định
lại dân tộc theo mẫu thống nhất do Bộ Tư pháp phát hành;
b. Giấy khai sinh bản chính, trong trường hợp đã
mất giấy khai sinh bản chính thì phải có giấy khai sinh bản sao được trích lục
từ sổ gốc, không quá 3 tháng;
c. Bản sao sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân;
d. Giấy thỏa thuận của cha, mẹ đồng ý cho con đổi
từ họ cha sang họ mẹ hoặc ngược lại, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú xác nhận.
Trường hợp cha hoặc mẹ chết thì chỉ cần ý kiến của cha hoặc mẹ còn sống và bổ
sung giấy chứng tử (bản sao) của người đã chết.
3. Thời hạn giải quyết:
Trong thời hạn 13 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ
hợp lệ, trường hợp có xác minh thì thời hạn tăng thêm không quá 03 ngày làm việc.
Điều 15. Trình tự, thủ tục xin cải chính hộ tịch
1. Trình tự:
a. Người có yêu cầu xin cải chính hộ tịch (họ
tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, dân tộc, quốc tịch, phần khai về
cha, mẹ...) phải làm đơn theo mẫu quy định và có xác nhận của UBND cấp xã nơi
cư trú. Trường hợp xin cải chính hộ tịch tại UBND cấp xã không phải nơi đăng ký
khai sinh thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi đăng ký khai sinh trước đây;
b. Việc xin cải chính hộ tịch đối với người dưới
18 tuổi được thực hiện theo đơn yêu cầu của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp
pháp. Đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
2. Thủ tục:
Hồ sơ xin cải chính hộ tịch nộp tại Bộ phận tiếp
nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp bao gồm:
a. Đơn xin thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định
lại dân tộc theo mẫu thống nhất do Bộ Tư pháp phát hành;
b. Giấy khai sinh bản chính, trong trường hợp đã
mất giấy khai sinh bản chính thì phải có giấy khai sinh bản sao từ sổ gốc,
không quá 3 tháng;
c. Bản sao hộ khẩu, chứng minh nhân dân;
d. Biên bản xác minh của cán bộ Tư pháp cấp xã
theo mẫu quy định (trong trường hợp đương sự không xuất trình được các loại giấy
tờ quy định tại điểm đ).
đ. Các loại giấy tờ khác:
- Bằng cấp, học bạ (bản sao);
- Giấy khai sinh của cha hoặc mẹ (bản sao);
- Giấy chứng nhận kết hôn của cha hoặc mẹ (bản
sao).
3. Thời hạn giải quyết:
Trong thời hạn 13 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ
hợp lệ, trường hợp có xác minh thì thời hạn tăng thêm không quá 03 ngày làm việc.
Điều 16. Trình tự, thủ tục xin xác định lại dân tộc
1. Trình tự:
a. Người có yêu cầu xin xác định lại dân tộc thì
phải làm đơn theo mẫu quy định và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư
trú. Trường hợp xin xác định lại dân tộc tại Ủy ban nhân dân cấp xã không phải
nơi đăng ký khai sinh thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng
ký khai sinh trước đây;
b. Đơn xin xác định lại dân tộc phải do chính
đương sự từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện.
2. Thủ tục:
Hồ sơ xin xác định lại dân tộc nộp tại Bộ phận
tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp bao gồm:
a. Đơn xin thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định
lại dân tộc theo mẫu thống nhất do Bộ Tư pháp phát hành;
b. Hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người xin
xác định lại dân tộc hoặc của cha, mẹ (bản sao);
c. Giấy khai sinh bản chính, trong trường hợp đã
bị mất giấy khai sinh bản chính thì phải có giấy khai sinh bản sao được trích lục
từ sổ gốc không quá 3 tháng;
d. Giấy thỏa thuận đồng ý của cha, mẹ cho con được
xác định lại dân tộc có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.
3. Thời hạn giải quyết:
Trong thời hạn 13 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ
hợp lệ, trường hợp có xác minh thì thời hạn tăng thêm không quá 03 ngày làm việc
Điều 17. Trình tự, thủ tục bổ sung về giới tính, dân tộc, quê quán,
quốc tịch, ngày, tháng sinh trong giấy khai sinh và cấp giấy xác nhận hộ tịch
1. Trình tự:
a. Người có yêu cầu bổ sung hộ tịch (giới tính,
ngày, tháng sinh, dân tộc, quê quán, quốc tịch) thì phải làm đơn theo mẫu quy định
và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú. Trường hợp xin bổ sung hộ tịch
tại Ủy ban nhân dân cấp xã không phải nơi đăng ký khai sinh thì phải có xác nhận
của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký khai sinh trước đây;
b. Việc xin bổ sung hộ tịch đối với người dưới
18 tuổi được thực hiện theo đơn yêu cầu của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp
pháp. Đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
2. Thủ tục:
Hồ sơ xin bổ sung hộ tịch nộp tại Bộ phận tiếp
nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp bao gồm:
a. Sử dụng mẫu đơn xin thay đổi, cải chính hộ tịch,
xác định lại dân tộc do Bộ Tư pháp phát hành;
b. Hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người xin bổ
sung hộ tịch hoặc của cha, mẹ (bản sao);
c. Giấy khai sinh bản chính, trong trường hợp đã
bị mất giấy khai sinh bản chính thì phải có giấy khai sinh bản sao từ sổ gốc
không quá 3 tháng.
3. Thời hạn giải quyết:
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận
đủ hồ sơ hợp lệ.
Điều 18. Trình tự, thủ tục cấp giấy xác nhận hộ tịch
1. Trình tự:
a. Người có yêu cầu cấp giấy xác nhận hộ tịch
(các loại giấy tờ hộ tịch là của một người) làm đơn theo mẫu do Sở Tư pháp phát
hành, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú và có xác nhận của Ủy
ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký khai sinh trước đây (nếu nơi cư trú và nơi đăng
ký khai sinh khác nhau);
Trường hợp xin cấp giấy xác nhận không còn sổ bộ
hộ tịch lưu trữ tại Sở Tư pháp thì làm đơn theo mẫu do Sở Tư pháp phát hành
nhưng không phải xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.
b. Việc xin cấp giấy xác nhận hộ tịch đối với
người dưới 18 tuổi được thực hiện theo đơn yêu cầu của cha, mẹ hoặc người giám
hộ hợp pháp. Đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
2. Thủ tục:
a. Đơn xin cấp giấy xác nhận hộ tịch theo mẫu do
Sở Tư pháp phát hành;
b. Hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người xin cấp
xác nhận hộ tịch (bản sao);
c. Trường hợp cấp xác nhận các loại giấy tờ hộ tịch
là của một người thì nộp thêm các loại giấy tờ sau (nếu có):
- Văn bằng, chứng chỉ, lý lịch đảng, đoàn....
3. Thời hạn giải quyết:
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận
đủ hồ sơ.
Điều 19. Thẩm quyền thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc:
1. Việc quyết định thay đổi, cải chính hộ tịch,
xác định lại dân tộc thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố.
2. Công dân có yêu cầu bổ sung, cấp giấy xác nhận
về hộ tịch, Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, có văn bản cho phép thực hiện theo Điều
10, 11 của Quy định này để làm cơ sở Ủy ban nhân dân cấp xã cho đăng ký lại việc
sinh; đồng thời, bổ sung hộ tịch cho công dân.
Điều 20. Thời gian giải quyết tất cả các công việc theo quy định này
cho công dân tại Ủy ban nhân dân cấp xã là 01 ngày làm việc. Trường hợp đặc biệt
cần xác minh thì thời hạn tăng thêm không quá 03 ngày làm việc.
Chương IV
XỬ LÝ VI PHẠM VÀ TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Điều 21. Người có thẩm quyền trong việc giải quyết thay đổi, cải
chính hộ tịch, xác định lại dân tộc và điều chỉnh các giấy tờ khác của công dân
mà do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc cố ý làm trái với các quy định này thì
tùy theo mức độ vi phạm, có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình
sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 22. Cá nhân có trách nhiệm phải đi đăng ký thay đổi, cải chính
hộ tịch, xác định lại dân tộc và điều chỉnh các giấy tờ khác của công dân mà
không thực hiện đúng quy định này, hoặc có hành vi gian dối khi đăng ký hộ tịch
thì tùy mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm
hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 23. Việc điều chỉnh các loại giấy tờ, hồ sơ cá nhân (không phải
giấy khai sinh), sau khi có quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch,
xác định lại dân tộc của Ủy ban nhân dân thành phố, ngành Giáo dục và Đào tạo,
Công an và Ủy ban nhân dân cấp xã điều chỉnh bằng việc cấp lại các loại giấy tờ
đó, không được cạo, sửa đóng dấu điều chỉnh.
Điều 24. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Giám đốc
Công an thành phố, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai và thực
hiện việc xin thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc và điều chỉnh
các loại giấy tờ khác của công dân theo quy định này.
Quy định này được phổ biến công khai trên các
phương tiện thông tin đại chúng để mọi tổ chức và công dân biết thực hiện./.