ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
6678/QĐ-UB-NCVX
|
TP.
Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 11 năm 1997
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BIỂU DIỄN NGHỆ
THUẬT VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA DIỄN VIÊN CHUYÊN NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ
MINH.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ
CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội
đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21/6/1994 ;
- Căn cứ Quyết định số 40/VH-QĐ ngày 13/4/1984 của Bộ Văn hóa thông tin ban hành
quy chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc khu ở phía Nam ;
- Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 12/12/1995 của Chính phủ về tăng cường quản lý
các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội
nghiêm trọng ;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa và thông tin (công văn số 1142/VH-TT ngày
04/8/1997) và của Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố (tờ trình số 47/TCCQ
ngày 07/10/1997) ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành “Quy
chế tạm thời về tổ chức quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật và hoạt động của
diễn viên chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh” kèm theo quyết định
này.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số 21/QĐ-UB ngày 11/01/1989 của Ủy
ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy chế hoạt động của diễn viên nghệ
thuật chuyên nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 3. Chánh Văn phòng
Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố, Giám đốc
Sở Văn hóa và thông tin, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và xã hội, Thủ
trưởng các sở-ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Phương Thảo
|
QUY CHẾ TẠM THỜI
VỀ
TỔ CHỨC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA DIỄN VIÊN
CHUYÊN NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 6678/QĐ-UB-NCVX ngày 22/11/1997 của Ủy ban nhân
dân thành phố)
Chương I
HOẠT ĐỘNG BIỂU DIỄN NGHỆ
THUẬT.
Điều 1. Tổ chức hoạt động
biểu diễn nghệ thuật là hoạt động của các đơn vị tổ chức biểu diễn Nhà nước,
các đoàn thể quần chúng và cá nhân có giấy phép của Nhà nước, bao gồm tổ chức
biểu diễn các hình nghệ thuật trên sân khấu và các loại hình phim nhựa, băng
vidéo, audio, sân khấu.
Điều 2. Tổ chức hoạt động
biểu diễn nghệ thuật nơi công cộng phải tuân thủ những quy định của Nghị định
87/CP ngày 12/12/1995 của Chính phủ và Thông tư 05/TT-PC ngày 08/01/1996 của Bộ
Văn hóa-thông tin. Cụ thể, phải nghiêm chỉnh chấp hành một số quy định sau đây :
- Chương trình, tiết mục trình
diễn của các đơn vị thuộc thành phố quản lý phải được Sở Văn hóa và thông tin thành
phố xét duyệt và cấp giấy phép. Các đơn vị thuộc các địa phương khác đến biểu
diễn tại thành phố, Sở Văn hóa và thông tin thành phố sẽ tổ chức xem để có ý
kiến với Sở Văn hóa và thông tin liên quan trong những trường hợp cần thiết.
- Chỉ được sử dụng những diễn
viên đã có giấy phép hành nghề do Sở Văn hóa và thông tin cấp. Khi có nhu cầu,
đơn vị tổ chức biễu diễn được sử dụng những diễn viên chưa có giấy phép hành
nghề nhưng phải báo cáo bằng văn bản với Sở Văn hóa và thông tin, được sự chấp
thuận của Sở Văn hóa và thông tin mới mời tham gia biểu diễn.
- Diễn viên tham gia biểu diễn
phải ký kết hợp đồng theo Luật lao động với đơn vị tổ chức biểu diễn.
- Mọi khoản thu, chi của buổi
diễn phải hạch toán đúng quy định của ngành thuế, tài chánh.
- Đơn vị tổ chức biểu diễn, cá
nhân sử dụng tác phẩm phải thực hiện đầy đủ những quy định tại chương I (quyền
tác giả) của phần thứ sáu trong Bộ Luật dân sự.
- Đơn vị tổ chức biểu diễn phải
có đầy đủ điều kiện vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đảm bảo chất lượng diễn và
an toàn cho diễn viên.
Chương II
HOẠT ĐỘNG CỦA DIỄN VIÊN
CHUYÊN NGHIỆP.
Điều 3. Người diễn viên
chuyên nghiệp (thu nhập và hoạt động chủ yếu bằng nghề nghiệp của mình) là :
- Người có bằng hoặc giấy chứng
nhận đã tốt nghiệp các trường, lớp đào tạo chuyên ngành về văn hóa, nghệ thuật.
- Người chưa qua các lớp đào tạo
nhưng đã hoạt động trên sân khấu chuyên nghiệp được tổ chức quần chúng và tổ
chức trong giới công nhận.
Các đối tượng trên tham gia hoạt
động trong các lĩnh vực nghệ thuật như : tuồng, chèo, cải lương, kịch nói,
xiếc, múa rối, ca hát, múa, ngâm thơ, biểu diễn nhạc cụ... góp phần tích cực
thực hiện nhiệm vụ giáo dục nâng cao nhận thức tư tưởng, trình độ thẩm mỹ, đáp
ứng nhu cầu giải trí lành mạnh của công chúng, góp phần xây dựng con người mới,
xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Điều 4. Người diễn viên
chuyên nghiệp phải luôn trau dồi nghề nghiệp, kỹ năng sáng tạo nghệ thuật, phát
huy tài năng, nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng, phấn đấu trở thành người
nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa chân chính. Người diễn viên chuyên nghiệp chỉ được
biểu diễn trước công chúng khi đã được cấp giấy phép hành nghề và đã ký hợp
đồng lao động (theo quy định cụ thể trong Luật lao động) với đơn vị tổ chức
biểu diễn. Những nghệ sĩ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân
dân, Nghệ sĩ Ưu tú, đương nhiên được cấp giấy phép hành nghề.
Điều 5. Người diễn viên
chuyên nghiệp được đơn vị tổ chức biểu diễn chăm lo đầy đủ các chế độ chính
sách đã được Nhà nước ban hành, bảo đảm chế độ đãi ngộ về vật chất, chế độ bảo
hiểm xã hội, chế độ biểu diễn và nghỉ ngơi thích đáng để bảo vệ sức khỏe, giữ
gìn kỹ năng thanh sắc, kéo dài tuổi thọ nghề nghiệp của diễn viên.
Điều 6. Diễn viên biểu
diễn theo kế hoạch hoạt động của đơn vị mình, ngoài số buổi biểu diễn, các đơn
vị nghệ thuật cần dành thời gian để diễn viên nghỉ ngơi, sinh hoạt học tập trau
dồi kỹ năng, nghiệp vụ, nâng cao kiến thức chính trị, văn hóa.
Trường hợp có yêu cầu phải diễn
thêm suất trong tháng, diễn viên sẽ được trả thêm thù lao theo sự thỏa thuận
giữa diễn viên và đơn vị tổ chức biểu diễn.
Điều 7. Trong khi chờ đợi
có một chính sách hợp lý và thống nhất trong cả nước, việc quy định mức thù lao
của diễn viên trong một buổi diễn được thỏa thuận giữa đơn vị tổ chức biểu diễn
với cá nhân diễn viên theo từng trường hợp cụ thể, nhưng không nên để chênh
lệch quá đáng về thu nhập giữa diễn viên chính, phụ và các đối tượng khác tham
gia biểu diễn.
Điều 8. Diễn viên có
trách nhiệm làm đầy đủ các nghĩa vụ Nhà nước quy định như đóng thuế thu nhập,
tham gia lao động công ích bằng nghề nghiệp của mình... Diễn viên cần tích cực
tham gia các hoạt động xã hội như : đền ơn đáp nghĩa, hoạt động từ thiện, xóa
đói giảm nghèo...
Diễn viên được đơn vị tổ chức
biểu diễn bảo đảm các quyền lợi : bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm lao
động...
Chương III
TỔ CHỨC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG.
Điều 9. Sở Văn hóa và
thông tin có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý Nhà nước các
hoạt động biểu diễn nghệ thuật và hoạt động của diễn viên chuyên nghiệp. Sở
phối hợp với các đơn vị nghệ thuật, các Hội âm nhạc, Hội nghệ sĩ múa, Hội điện
ảnh, Hội sân khấu... chăm lo bồi dưỡng giáo dục, nhận thức, đào tạo, tập huấn
nghiệp vụ để không ngừng nâng cao năng lực nghề nghiệp cho diễn viên và xét cấp
giấy phép hành nghề cho diễn viên.
Điều 10. Diễn viên được
cấp giấy phép hành nghề phải hội đủ những điều kiện sau :
- Có đăng ký hoạt động ở một đơn
vị có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật được cơ quan quản lý Nhà nước là
Sở Văn hóa và thông tin cấp phép.
- Có đủ điều kiện như điều 3 của
quy chế và có giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ do Sở Văn hóa và thông tin tổ
chức.
Điều 11. Diễn viên đã
đăng ký hợp đồng hoạt động ở một đơn vị nghệ thuật này có thể tham gia biểu
diễn ở đơn vị nghệ thuật khác, nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động của
đơn vị đã hợp đồng.
Chương IV
KHEN THƯỞNG - KỶ LUẬT.
Điều 12. Diễn viên có ý
thức phấn đấu và chấp hành tốt các quy định của Nhà nước sẽ được đơn vị quản lý
khen thưởng hoặc đề nghị lên cấp trên xét khen thưởng.
Các hình thức khen thưởng :
- Tặng Giấy khen, Bằng khen...
của các cấp.
- Đề nghị Nhà nước xét phong
tặng các danh hiệu cao quý của ngành, xét tặng huân chương.
Được thưởng bằng hiện vật hoặc
bằng tiền tùy theo mức độ thành tích đã đóng góp.
Điều 13. Người diễn viên
nào không chấp hành những quy định của Nhà nước, cố tình vi phạm, tự hạ thấp vị
trí, làm mất danh dự dân tộc và phẩm giá người diễn viên đã được tổ chức khuyến
cáo nhưng không chịu sửa chữa thì tùy theo mức độ, Sở Văn hóa và thông tin sẽ
xử lý theo các hình thức sau :
- Khiển trách hoặc cảnh cáo
trong toàn ngành ;
- Đình chỉ hoạt động có thời
gian ;
- Rút giấy phép hành nghề (có
thời hạn hoặc vĩnh viễn).
Điều 14. Trường hợp đơn
vị tổ chức biểu diễn hoặc diễn viên vi phạm hợp đồng sẽ có các biện pháp chế
tài khác như phạt tiền, bồi thường thiệt hại, v.v... Trường hợp vi phạm nghiêm
trọng sẽ xử lý theo pháp luật hiện hành.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.
Điều 15. Bản quy chế này
có hiệu lực kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với quy định này đều
bãi bỏ.
Giám đốc Sở Văn hóa và thông tin
có trách nhiệm thực hiện Bản quy chế này và ra văn bản hướng dẫn cho các đơn vị
tổ chức biểu diễn, các diễn viên chuyên nghiệp thực hiện quy chế.
Điều 16. Trong quá trình
thực hiện Bản quy chế này, Giám đốc Sở Văn hóa và thông tin có trách nhiệm theo
dõi, đề xuất bổ sung các điều khoản cho phù hợp với tình hình thực tế, trình Ủy
ban nhân dân thành phố xem xét phê duyệt./.
ỦY
BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ