THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 65/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 12 tháng 01
năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN TRONG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
VÀ NHÂN DÂN VỀ NỘI DUNG CỦA CÔNG ƯỚC CHỐNG TRA TẤN VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ
PHÒNG, CHỐNG TRA TẤN
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 83/2014/QH13
ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức
đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (sau đây gọi
tắt là Công ước chống tra tấn);
Căn cứ Quyết định số 364/QĐ-TTg
ngày 17 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con
người;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư
pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến trong cán
bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và
pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Phạm vi: Đề án được triển khai thực hiện trong phạm vi toàn quốc.
2. Đối tượng: Cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.
3. Mục tiêu: Nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân
dân về nội dung Công ước và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; giáo dục,
bồi dưỡng nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành Công ước chống tra tấn và pháp
luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân
dân.
4. Nội dung tuyên
truyền, phổ biến
a) Nội dung cơ bản của Công ước chống
tra tấn; các văn bản về việc phê chuẩn, triển khai thực hiện Công ước;
b) Quy định của pháp luật Việt Nam về
phòng, chống tra tấn, bao gồm:
- Các quyền con người, quyền và nghĩa
vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam, nhất là các quyền, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến phòng, chống
tra tấn;
- Các quyền của người bị bắt, bị tạm
giữ, tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự;
các tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự liên quan đến các hành vi tra tấn; các quy định của Bộ luật dân sự, Luật trách nhiệm bồi thường của
Nhà nước, Luật khiếu nại, Luật tố cáo để bảo đảm thực hiện
tốt hơn các quyền con người và phù hợp với yêu cầu của Công ước chống tra tấn;
- Nội dung cơ bản của Luật thi hành
án hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Tòa án
nhân dân, Luật xử lý vi phạm hành chính, các quy định pháp luật về đạo đức nghề
nghiệp của cán bộ, công chức bảo đảm tôn trọng quyền con người khi thi hành công vụ liên quan đến phòng, chống tra tấn;
- Các quy định pháp luật về bạo lực tại
nơi làm việc, bạo lực giới, bạo lực gia đình, bạo lực với
trẻ em và các đối tượng yếu thế phù hợp
với Điều 16 của Công ước chống tra tấn;
- Các quy định, chính sách dự kiến sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành mới trong quá trình hoàn thiện
thể chế, chính sách về phòng, chống tra tấn;
c) Các hành vi tra tấn, đối xử hoặc
trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người;
các biện pháp nghiệp vụ mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm
quyền tiến hành tố tụng được áp dụng trong quá trình tố
tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình
sự và các quy định có liên quan;
d) Tình hình phòng ngừa, đấu tranh, xử
lý của các cơ quan nhà nước đối với hành vi tra tấn, đối xử, trừng phạt tàn bạo;
vô nhân đạo, hạ nhục con người.
5. Hình thức tuyên
truyền, phổ biến
a) Biên soạn, phát hành và đăng tải
trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Bộ tài liệu tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước chống tra tấn và các quy định
của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn.
b) Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa
đàm pháp luật về phòng, chống tra tấn
và nội dung Công ước chống tra tấn
cho đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ, công
chức, viên chức và Nhân dân;
c) Tuyên truyền, phổ biến trực tiếp;
tư vấn, hướng dẫn, khai thác tủ sách pháp luật, tìm hiểu pháp luật về phòng, chống
tra tấn;
d) Tuyên truyền, phổ biến thông qua
hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại,
tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước;
thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở;
đ) Thực hiện thông tin, phổ biến
thông qua hoạt động đối ngoại của các cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
6. Biện pháp thực hiện
a) Việc tuyên truyền, phổ biến pháp
luật phòng chống tra tấn và Công ước chống tra tấn phải được
tiến hành thường xuyên, liên tục gắn với việc triển khai có hiệu quả pháp luật
tố tụng hình sự và các văn bản có liên quan;
b) Lồng ghép triển khai Đề án với triển
khai các Chương trình, Đề án, Kế hoạch về phổ biến, giáo dục
pháp luật; gắn với triển khai tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành;
c) Lồng ghép, tích hợp các quy định
pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn và nội dung Công ước chống tra tấn
trong nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo các chức danh tư
pháp và các nhà trường;
d) Ứng dụng công nghệ thông tin trong
triển khai tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ bản của Công
ước chống tra tấn và pháp luật Việt
Nam về phòng, chống tra tấn.
7. Phân công thực hiện
a) Bộ Tư pháp có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ
chức liên quan ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương tổ chức thực hiện Đề án;
- Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm
tra việc thực hiện Đề án trong phạm vi cả nước;
- Tổ chức biên soạn Bộ tài liệu tuyên
truyền, phổ biến nội dung Công ước chống tra tấn và quy định
của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn (hoàn thành trong Quý I năm 2018);
- Triển khai các hoạt động tuyên truyền,
phổ biến theo nội dung, hình thức quy định tại khoản 4 và 5 Điều này phù hợp với
từng nhóm đối tượng, địa bàn;
- Khen thưởng, xử lý vi phạm; sơ kết,
tổng kết việc thực hiện Đề án, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong báo
cáo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm.
b) Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp biên soạn Bộ tài liệu tuyên truyền,
phổ biến nội dung Công ước chống tra tấn và quy định của pháp luật Việt Nam về
phòng, chống tra tấn; tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội
dung Công ước chống tra tấn và pháp
luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn
theo đề án tuyên truyền riêng của Bộ Công an;
c) Bộ Tài chính có trách nhiệm tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện Đề án do các bộ, ngành đề xuất, trình cơ
quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
d) Bộ Thông tin và Truyền thông có
trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí lựa chọn các nội
dung quy định tại khoản 4 Điều này để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp Nhân dân bằng các hình thức thích hợp;
đ) Trách nhiệm của các bộ, cơ quan
ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương:
- Tổ chức triển khai thực hiện Đề án
phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; tổng hợp kết quả thực
hiện Đề án trong báo cáo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm gửi về
Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
- Lựa chọn nội dung, hình thức quy định
tại khoản 4 và 5 Điều này để tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức, viên
chức và Nhân dân trong quá trình triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi quản lý;
- Bảo đảm kinh phí cho việc triển
khai thực hiện Đề án tại bộ, ngành, địa phương theo quy định pháp luật hiện
hành;
e) Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao,
Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc
lựa chọn nội dung, hình thức quy định tại khoản 4 và 5 Điều này để tuyên truyền, phổ biến cho
cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống Tòa án, Viện
kiểm sát nhân dân, chú trọng tuyên truyền, phổ biến thông
qua các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, tiếp công
dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo;
g) Đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo, hướng
dẫn các tổ chức, đơn vị trực thuộc lựa chọn nội dung, hình thức quy định tại
khoản 4 và 5 Điều này để tuyên truyền, phổ biến cho thành viên, hội viên của tổ
chức mình và Nhân dân; vận động nhân dân tìm hiểu, nâng cao hiểu biết về nội dung cơ bản của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt
Nam về phòng, chống tra tấn để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
tăng cường giám sát việc thực hiện Công ước chống tra tấn
và pháp luật Việt Nam về phòng, chống
tra tấn để phát hiện các hành vi vi phạm, kiến nghị với
các cơ quan có thẩm quyền phát hiện,
xử lý đấu tranh phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về
phòng, chống tra tấn;
h) Đề nghị Liên đoàn luật sư Việt Nam
chỉ đạo, hướng dẫn Đoàn luật sư các địa phương, các tổ chức hành nghề luật sư
và luật sư lựa chọn nội dung, hình thức quy định tại khoản 4 và 5 Điều này để
tuyên truyền, phổ biến cho Nhân dân trong quá trình triển
khai các hoạt động nghề nghiệp.
8. Kinh phí thực hiện
a) Ngân sách
Trung ương bảo đảm kinh phí thực hiện các hoạt động của Đề án do các cơ quan, tổ
chức ở Trung ương chủ trì thực hiện. Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí thực
hiện các hoạt động của Đề án do các cơ quan, tổ chức ở địa phương chủ trì thực hiện;
b) Cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện
các nhiệm vụ của Đề án ở các cấp, căn cứ vào mục tiêu, kế hoạch thực hiện Đề án
hằng năm lập dự toán thực hiện các nhiệm vụ của Đề án tổng
hợp chung trong dự toán của cơ quan, tổ chức gửi cơ quan tài chính cùng cấp xem
xét, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và bố trí
vào dự toán ngân sách hằng năm để
bảo đảm triển khai thực hiện. Các cơ quan, tổ chức được huy động
kinh phí từ các nguồn hợp pháp khác để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo tinh thần xã hội hóa.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ
tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các Trợ lý TTg, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, NC, PL;
- Lưu: VT, QHQT (3b).
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|