BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 614/QĐ-LĐTBXH
|
Hà
Nội, ngày 16 tháng 04
năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA THANH TRA BỘ
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP
ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP
ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ
chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (gọi
tắt là Thanh tra Bộ) là cơ quan thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có
chức năng giúp Bộ trưởng thực hiện các quy định của pháp luật về công tác thanh
tra; tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân thuộc
phạm vi quản lý của Bộ; tiến hành thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức,
cá nhân hoạt động trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;
phòng, chống tham nhũng; tiếp công dân, xử lý đơn, thư, giải quyết khiếu nại, tố
cáo theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Bộ có tên giao dịch quốc tế
là Ministry Inspectorate, viết tắt là MI.
Điều 2. Thanh tra Bộ có nhiệm vụ:
1. Chủ trì hoặc tham gia xây dựng văn
bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của Bộ trưởng; kiến nghị cấp có thẩm
quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm
pháp luật phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về lao động, người có công và xã
hội.
2. Chủ trì xây dựng kế hoạch thanh tra trình Bộ trưởng; tổ chức thực hiện kế hoạch thanh
tra thuộc trách nhiệm của Thanh tra Bộ; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra
việc thực hiện kế hoạch thanh tra thuộc trách nhiệm của cơ quan được giao thực
hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ.
3. Thanh tra việc thực hiện chính
sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức và cá nhân thuộc quyền
quản lý trực tiếp của Bộ; thanh tra công vụ; thanh tra việc thực hiện hoạt động
nghề nghiệp của viên chức thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của
Bộ theo quy định của pháp luật.
4. Thanh tra việc chấp hành pháp luật
chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành,
lĩnh vực quản lý của Bộ:
a) Thanh tra việc chấp hành pháp luật
lao động;
b) Thanh tra việc chấp hành pháp luật
về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
c) Thanh tra việc chấp hành pháp luật
về dạy nghề;
d) Thanh tra việc chấp hành pháp luật
về ưu đãi đối với người có công với cách mạng;
đ) Thanh tra việc chấp hành pháp luật
về bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp);
e) Thanh tra việc chấp hành pháp luật
về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của Bộ;
g) Thanh tra việc chấp hành pháp luật
về giảm nghèo và trợ giúp xã hội;
h) Thanh tra chấp hành pháp luật về
phòng, chống tệ nạn xã hội;
i) Thanh tra việc chấp hành pháp luật
về bình đẳng giới trong phạm vi, quyền
hạn, trách nhiệm của Bộ;
k) Thanh tra việc chấp hành các quy định
khác của pháp luật trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
5. Tổ chức và hướng dẫn khai báo, điều
tra tai nạn lao động và những vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn lao động, vệ sinh lao động; tham gia xây dựng và hướng dẫn áp dụng hệ thống
tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
6. Xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực lao động, người có công và xã hội theo quy định của
pháp luật.
7. Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền
đình chỉ hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; kiến nghị hủy
bỏ quyết định trái pháp luật về lao động, người có công và
xã hội khi có đủ căn cứ cho rằng hành vi hoặc quyết định đó gây thiệt hại đến lợi
ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
8. Giúp Bộ trưởng quản lý công tác tiếp
công dân, xử lý đơn, thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo
trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động,
người có công và xã hội theo quy định của pháp luật.
9. Thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và đấu
tranh chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng
thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
10. Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra
chuyên ngành đối với cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành của Bộ,
Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; hướng dẫn, kiểm tra cơ quan, đơn
vị thuộc Bộ thực hiện quy định của pháp luật về thanh tra, khiếu
nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
11. Thanh tra đột xuất và tham gia
các đoàn thanh tra, kiểm tra của Nhà nước, của Bộ, ngành liên quan khi được Bộ
trưởng giao.
12. Hướng dẫn việc sử dụng trang phục
thanh tra ngành.
13. Thực hiện nghiên cứu khoa học;
tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật theo phân công của Bộ.
14. Tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng và Tổng
Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, thư, giải
quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý nhà nước
của Bộ theo quy định; tổng kết kinh nghiệm, nghiệp vụ thanh tra lao động, người
có công và xã hội.
15. Thực hiện hợp tác quốc tế theo sự
phân công của Bộ.
16. Quản lý công chức, người lao động,
cơ sở vật chất, tài chính theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
17. Thực hiện nhiệm vụ khác do Bộ trưởng
giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ:
1. Thanh tra Bộ có Chánh Thanh tra và
một số Phó Chánh thanh tra.
2. Các phòng chức năng:
- Phòng Tổng hợp và Thanh tra hành
chính;
- Phòng Tiếp dân và giải quyết khiếu
nại, tố cáo;
- Phòng Thanh tra Chính sách người có
công;
- Phòng Thanh tra An toàn, vệ sinh
lao động;
- Phòng Thanh tra Chính sách lao động;
- Phòng Thanh tra Chính sách về trẻ
em và xã hội;
- Phòng Thanh tra Chính sách bảo hiểm
xã hội.
Điều 4. Chánh Thanh tra Bộ có trách nhiệm ban hành và tổ
chức thực hiện Quy chế làm việc và quan hệ công tác của Thanh tra Bộ; quy định
chức năng, nhiệm vụ của các phòng trực thuộc; sắp xếp, phân công nhiệm vụ cụ thể
cho công chức và người lao động trong đơn vị để thực hiện chức năng, nhiệm vụ
được giao.
Điều 5. Thanh tra Bộ có con dấu, tài khoản riêng, được mở
tài khoản tại Kho bạc theo quy định.
Điều 6. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay
thế Quyết định số 148/QĐ-LĐTBXH ngày 30 tháng 01 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và
cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ.
Điều 7. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ
trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Thủ trưởng các đơn vị liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 7;
- Lưu VT, TCCB.
|
BỘ TRƯỞNG
Phạm Thị Hải Chuyền
|