QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH NHÀ NƯỚC THẨM ĐỊNH BÁO CÁO ĐỀ XUẤT CHỦ TRƯƠNG
ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG MA TÚY ĐẾN NĂM 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Đầu tư
công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác
công tư, Luật đầu tư, Luật nhà ở, Luật đấu thầu, Luật điện lực, Luật doanh nghiệp,
Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thi hành án dân sự ngày 11 tháng 01 năm
2022;
Căn cứ Nghị định số 40/2020/NĐ-CP
ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật Đầu tư công;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu
tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Hội đồng
thẩm định nhà nước để thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình
mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương
trình) gồm các thành viên sau:
1. Chủ tịch Hội đồng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu
tư.
2. Phó Chủ tịch Hội đồng: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và
Đầu tư.
3. Các ủy viên Hội đồng:
- Lãnh đạo các bộ: Tài chính; Công Thương, Xây dựng;
Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lao động -
Thương binh và Xã hội; Quốc phòng; Công an; Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào
tạo; Nội vụ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Tư pháp; Thông tin và Truyền
thông; Khoa học và Công nghệ; Ngoại giao.
- Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc.
- Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội
đồng thẩm định nhà nước.
Điều 2. Hội đồng thẩm định
nhà nước có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
- Tổ chức thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu
tư Chương trình, trình Chính phủ xem xét, quyết định;
- Yêu cầu Cơ quan được giao chuẩn bị Báo cáo đề xuất
chủ trương đầu tư Chương trình cung cấp các tài liệu, thông tin có liên quan đến
Chương trình để phục vụ công tác thẩm định; khi cần thiết, yêu cầu sửa đổi, bổ
sung hồ sơ để đáp ứng các yêu cầu thẩm định;
- Xem xét, quyết định kế hoạch thẩm định và các vấn
đề khác có liên quan trong quá trình thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu
tư Chương trình;
- Hội đồng thẩm định nhà nước làm việc theo chế độ
tập thể dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng.
- Phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước được coi là
hợp lệ khi có ít nhất 50% số thành viên tham dự (kể cả người được ủy quyền).
Các ý kiến kết luận được thống nhất theo nguyên tắc đa số. Trường hợp tỷ lệ biểu
quyết là 50/50 trên số thành viên Hội đồng (bao gồm cả số có mặt tại phiên họp
và số biểu quyết bằng văn bản gửi đến Hội đồng), vấn đề được thông qua theo ý
kiến đã biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng.
- Kết luận cuối cùng thông qua các nội dung thẩm định
Chương trình để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải được ít nhất 2/3 số
thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua. Ý kiến các thành viên Hội đồng
thẩm định nhà nước được thực hiện bằng cách biểu quyết tại cuộc họp hoặc bằng
văn bản gửi đến Hội đồng thẩm định nhà nước.
- Hội đồng được sử dụng con dấu và tài khoản (nếu cần)
của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ cho hoạt động của Hội đồng.
Điều 3. Trách nhiệm, quyền
hạn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên trong Hội đồng:
1. Chủ tịch Hội đồng:
- Chịu trách nhiệm về tổ chức thẩm định và các hoạt
động thẩm định theo nhiệm vụ được giao, những ý kiến đánh giá kết quả thẩm định,
kết luận và kiến nghị của Hội đồng về các nội dung của Báo cáo đề xuất chủ
trương đầu tư Chương trình;
- Xem xét phê duyệt kế hoạch thẩm định sau khi Hội
đồng có ý kiến, quyết định triệu tập các cuộc họp Hội đồng, chủ trì các phiên họp,
phân công trách nhiệm Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng;
- Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng có
thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng triệu tập và chủ trì các phiên họp Hội đồng
hoặc báo cáo trước Chính phủ một số nội dung hoặc công việc do Phó Chủ tịch trực
tiếp phụ trách;
- Được mời đại diện của các Bộ, ngành, cơ quan liên
quan, chuyên gia tham dự và đóng góp ý kiến tại một số phiên họp của Hội đồng về
những vấn đề liên quan đến nội dung thẩm định của Hội đồng;
- Yêu cầu Cơ quan được giao chuẩn bị Báo cáo đề xuất
chủ trương đầu tư Chương trình giải trình nội dung và các vấn đề liên quan đến
Chương trình bằng văn bản tại các phiên họp Hội đồng;
- Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng có thể
yêu cầu các Bộ, các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có ý kiến thẩm định
mang tính chất chuyên sâu.
2. Phó Chủ tịch Hội đồng:
- Giúp Chủ tịch Hội đồng tổ chức bộ máy làm việc,
chỉ đạo các hoạt động của Hội đồng, theo dõi và thực hiện các nhiệm vụ của Hội
đồng do Chủ tịch Hội đồng phân công, báo cáo thường xuyên về tình hình và kết
quả thực hiện của Hội đồng. Thay mặt Chủ tịch Hội đồng quyết định các vấn đề
liên quan đến triển khai, điều hành công việc của Hội đồng khi được Chủ tịch Hội
đồng ủy quyền;
- Giúp Chủ tịch Hội đồng xem xét, đánh giá các báo
cáo chuyên môn và các hoạt động khác của Hội đồng.
3. Các Ủy viên Hội đồng:
- Xem xét có ý kiến về các nội dung thẩm định Báo
cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình trong các lĩnh vực thuộc chức năng,
nhiệm vụ của Bộ, cơ quan và địa phương do Ủy viên Hội đồng phụ trách và về những
vấn đề chung của Chương trình;
- Giúp Hội đồng tổ chức các lực lượng chuyên gia,
phương tiện làm việc, cơ sở nghiên cứu (Bộ, cơ quan) thuộc quyền quản lý của Ủy
viên đó để hoàn thành nhiệm vụ được giao;
- Tham dự đầy đủ các phiên họp của Hội đồng, trao đổi
đóng góp ý kiến về các nội dung xem xét, thẩm định và biểu quyết các kết luận của
Hội đồng thẩm định nhà nước.
Trường hợp đặc biệt không thể tham dự cuộc họp, Ủy
viên Hội đồng phải có ý kiến bằng văn bản, đồng thời ủy quyền cho đại diện tham
dự. Người được ủy quyền phải hiểu biết tổng thể về Chương trình để góp ý về vấn
đề Hội đồng xem xét thẩm định và tham gia biểu quyết (khi cần thiết). Ý kiến của
đại diện được ủy quyền là ý kiến của Ủy viên đó trong Hội đồng.
Điều 4. Trách nhiệm của cơ
quan thường trực Hội đồng:
1. Huy động bộ máy giúp Chủ tịch Hội đồng tổ chức
công việc thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình và các hoạt
động chung của Hội đồng. Phối hợp với các cơ quan để thực hiện các công việc thẩm
định.
2. Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ Báo cáo đề xuất chủ
trương đầu tư Chương trình, gửi hồ sơ Chương trình đến các thành viên Hội đồng,
lập và trình kế hoạch thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình.
3. Tổng hợp các ý kiến của thành viên Hội đồng, đề
xuất, trình Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định những vấn đề cần xử lý trong
quá trình thẩm định.
4. Chuẩn bị các chương trình, nội dung, dự kiến các
nội dung kết luận và biểu quyết, mời họp, tài liệu và phương tiện làm việc cho
các phiên họp của Hội đồng.
5. Chuẩn bị các nội dung yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ
sơ theo yêu cầu của các thành viên trong Hội đồng, các Tổ, nhóm chuyên môn trong
quá trình thẩm định, trình Chủ tịch Hội đồng (hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng) thông
qua và ký văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ hồ sơ.
6. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng
giao.
7. Chuẩn bị báo cáo của Hội đồng trình Chính phủ.
Điều 5. Các cơ quan có
thành viên thuộc Hội đồng thẩm định nhà nước có văn bản cử người gửi về cơ quan
thường trực Hội đồng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trước ngày 12 tháng 7 năm 2024.
Điều 6. Bộ Công an có trách
nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan trong quá trình thẩm định Báo
cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình.
Điều 7. Hội đồng tự giải thể
sau khi kết thúc nhiệm vụ.
Điều 8. Quyết định này có
hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước và Thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 1;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg,
TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ: KTTH, TKBT,
CN, PL, QHĐP, TH;
- Lưu: VT, KGVX (03).vt.
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Thành Long
|