ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ****** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 59/2004/QĐ-UB |
TP.Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 03 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI THÀNH PHỐ.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003 ;
Căn cứ Nghị quyết số 416NQ/UBTVQH11 ngày 25 tháng 9 năm 2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội ;
Căn cứ Quyết định số 323/2003/QĐ-UB ngày 31 tháng 12 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố về thành lập Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố ;
Xét đề nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố tại Tờ trình số 03/CV-ĐĐB ngày 12 tháng 01 năm 2004 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 20 /TTr-SNV ngày 30 tháng 01 năm 2003 ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện và Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.-
Nơi nhận : - Như điều 3 - Văn phòng Quốc hội - Văn phòng Chính phủ - Bộ Nội vụ - Thường trực Thành Ủy - Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố - Ủy ban nhân dân thành phố - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố - Văn phòng Thành Ủy và các Ban Thành Ủy - Các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố - Các Đoàn thể thành phố - Sở Nội vụ (2b), Công an thành phố (PC13) - Kho bạc Nhà nước Thành phố - VP HĐ-UB : Các PVP - Các tổ NCTH - Lưu (VX-Hg)
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CHỦ TỊCH
Lê Thanh Hải |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 59 /2004/QĐ-UB ngày 16 tháng 3 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Chương 1:
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ
Điều 1. Vị trí chức năng :
1.1. Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố là cơ quan giúp việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, có chức năng tham mưu và tổ chức phục vụ mọi hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội, Trưởng đoàn, Phó trưởng Đoàn và các đại biểu Quốc hội trong Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố.
1.2. Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố có trụ sở riêng, có con dấu riêng ; kinh phí hoạt động của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố được trích từ nguồn kinh phí hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố.
Điều 2. Nhiệm vụ :
2.1. Giúp Trưởng Đoàn, Phó trưởng Đoàn dự kiến chương trình, kế hoạch hoạt dộng (hàng tháng, quý, sáu tháng và cả năm) của Đoàn Đại biểu Quốc hội.
2. 2. Phục vụ các Đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của Đoàn.
2.3. Tổ chức phục vụ Đại biểu Quốc hội tiếp công dân ; tiếp nhận, chuyển đơn, thư, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại-tố cáo và kiến nghị của công dân mà Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội đã chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để giải quyết.
2.4. Tổ chức phục vụ Đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp xúc cử tri ; giúp Trưởng Đoàn báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định và gửi các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xem xét, giải quyết những kiến nghị của cử tri thuộc phạm vi, thẩm quyền của địa phương.
2.5. Phục vụ Đoàn Đại biểu Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội trong Đoàn tham gia đóng góp vào các dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết và các báo cáo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến.
2.6. Phục vụ Đoàn Đại biểu Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật tại địa phương ; phối hợp với các Vụ chức năng của Văn phòng Quốc hội phục vụ các Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về địa phương công tác.
2.7. Phục vụ các hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội trong hoạt động đối ngoại.
2.8. Phục vụ Đoàn Đại biểu Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật.
2.9. Phục vụ các hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội trong Đoàn tại kỳ họp Quốc hội theo qui định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội và các quy định của pháp luật.
2.10. Giúp Trưởng đoàn, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội quản lý công tác văn thư - lưu trữ.
2. 11. Giúp Trưởng đoàn, Phó trưởng Đoàn lập dự trù kinh phí hoạt động hàng năm của Đoàn để gửi đến Văn phòng Quốc hội và thực hiện việc quản lý, chi tiêu, thanh quyết toán tài chính của Đoàn theo đúng chế độ tài chính Nhà nước.
2.12. Giúp Trưởng đoàn, Phó trưởng Đoàn quản lý, sử dụng các trang thiết bị, tài sản của Đoàn theo đúng chế độ Nhà nước quy định.
2.13. Giúp Trưởng đoàn, Phó trưởng Đoàn tổng hợp tình hình hoạt động của Đoàn Đại biểu và của các Đại biểu Quốc hội để báo cáo về Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chương 2:
TỔ CHỨC BỘ MÁY
Điều 3. Tổ chức, biên chế :
3.1. Chánh Văn phòng, Phó Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố và ý kiến thống nhất của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
3.2. Biên chế của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố thực hiện theo Điều 3, Nghị quyết số 416 NQ/UBTVQH11 ngày 25 tháng 9 năm 2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
3.3. Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố có : Chánh Văn phòng, 01 (một) Phó Văn phòng giúp việc cho Chánh Văn phòng và một số cán bộ công chức, nhân viên hợp đồng.
3.4. Cán bộ công chức của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố do cơ quan chức năng của thành phố quản lý theo thẩm quyền; các chính sách, chế độ đối với cán bộ công chức công tác tại Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố được thực hiện theo quy định của Nhà nước.
Chương 3:
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 4. Đối với Văn phòng Quốc hội :
4.1. Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Văn phòng Quốc hội ; có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của Văn phòng Quốc hội thông báo cho Đoàn Đại biểu Quốc hội để phục vụ cho nội dung các kỳ họp Quốc hội; các hoạt động nghiệp vụ thường xuyên của Đoàn Đại biểu Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội.
4.2. Được tham dự các hội nghị, các khóa học tập, trao đổi về kiến thức và nghiệp vụ do Văn phòng Quốc hội tổ chức ; nghiên cứu, tổng kết các kinh nghiệm thực tiễn về công tác Văn phòng để báo cáo với Văn phòng Quốc hội.
4.3. Phối hợp với các Vụ chức năng của Văn phòng Quốc hội phục vụ các Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về địa phương công tác.
Điều 5. Đối với Văn phòng Thành Ủy :
Phối hợp với Văn phòng Thành Ủy xếp lịch theo chương trình công tác cho các Đại biểu là Ủy viên Ban Thường vụ Thành Ủy ; tổng hợp báo cáo tình hình hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội, tổng hợp ý kiến cử tri của thành phố, kết quả các cuộc giám sát việc tuân theo pháp luật và theo yêu cầu của Thường trực Thành Ủy.
Điều 6. Đối với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố :
6.1. Phối hợp với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố trong các hoạt động giám sát theo luật định, khảo sát nắm tình hình và tiếp công dân.
6.2. Phối hợp với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Văn phòng Tiếp công dân thành phố trong việc cung cấp thông tin, tư liệu và tổ chức các buổi làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố với các ngành chức năng của thành phố trong việc đôn đốc giải quyết khiếu nại-tố cáo.
6.3. Chánh Văn phòng, Phó Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố được mời dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố và các cuộc họp do Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức có liên quan đến hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố.
Điều 7. Với Văn phòng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các Đoàn thể :
7.1. Phối hợp với Văn phòng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và Văn phòng các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố xây dựng kế hoạch tham gia giám sát theo quy định của pháp luật.
7.2. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận- huyện tổ chức cho Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8. Căn cứ Quy chế này, Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố có trách nhiệm cụ thể hoá thành chương trình công tác, các hoạt động, phối hợp công tác thuộc phạm vi, thẩm quyền của đơn vị và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành ; ban hành nội quy làm việc của Văn phòng, tổ chức sắp xếp các phòng ban, bố trí cán bộ, công chức phù hợp với yêu cầu công tác, bảo đảm phát huy tốt hiệu lực và hiệu quả công tác.
Điều 9. Trong quá trình thực hiện, Quy chế này được Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh khi cần thiết trên cơ sở đề nghị của Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố và của Giám đốc Sở Nội vụ.-
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ