TÒA
ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
581/QĐ-TANDTC
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG TRUNG TÂM TƯ LIỆU - THƯ VIỆN TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO
CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân
dân năm 2014;
Căn cứ Luật Thư viện năm 2019;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp
chế và Quản lý khoa học,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Hoạt động
Trung tâm Tư liệu - Thư viện Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Cục trưởng Cục Kế
hoạch - Tài chính, Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học,
Chánh án các Tòa án, các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Đ/c Chánh án TANDTC (để
báo cáo);
- Các PCA TANDTC (để phối hợp chỉ đạo);
- Như Điều 3;
- Cổng Thông tin điện tử TANDTC;
- Trung tâm Tư liệu - Thư viện TANDTC;
- Lưu: VT, Vụ PC&QLKH.
|
KT.
CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN
Nguyễn Văn Du
|
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG TRUNG TÂM TƯ LIỆU - THƯ VIỆN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 581/QĐ-TANDTC ngày 24 tháng 12 năm 2021 của
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao)
Chương 1
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Quy chế này quy định về hoạt động
Trung tâm Tư liệu - Thư viện Tòa án nhân dân tối cao, bao gồm: bổ sung nguồn lực
thông tin; xử lý tài liệu; lưu thông, liên thông tài liệu; lưu trữ, bảo quản
tài liệu; khai thác và sử dụng tài liệu, tài liệu số.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Quy chế này được áp dụng đối với các
đơn vị, cá nhân tham gia hoạt động Trung tâm Tư liệu - Thư viện trong hệ thống
Tòa án.
Chương 2
BỔ SUNG NGUỒN LỰC
THÔNG TIN
Điều 3. Căn cứ
bổ sung nguồn lực thông tin
1. Căn cứ chức năng nhiệm vụ của Tòa
án nhân dân tối cao;
2. Căn cứ chương trình, kế hoạch công
tác dài hạn, trung hạn và ngắn hạn của Tòa án nhân dân tối cao;
3. Căn cứ nhu cầu thông tin của cán bộ,
công chức, viên chức, người lao động thuộc Tòa án và bạn đọc là học viên, sinh
viên Học viện Tòa án.
Điều 4. Các hình
thức bổ sung
1. Mua tài liệu
a. Kinh phí mua tài liệu được bố trí từ
nguồn ngân sách chi thường xuyên là chủ yếu; ngoài ra có thể bố trí kinh phí
mua tài liệu phục vụ đề tài, đề án; nhiệm vụ cụ thể được cấp có thẩm quyền phê
duyệt hoặc nguồn tài trợ, hỗ trợ hợp pháp khác (nếu có).
b. Mua tài liệu phải bảo đảm tuân thủ
các quy định của pháp luật hiện hành.
2. Trao đổi, biếu tặng
a. Trung tâm tiếp nhận và trao đổi
nguồn tài liệu với các Trung tâm tư liệu, Thư viện, Nhà xuất bản trong và ngoài
nước theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý của nội dung
tài liệu. Việc trao đổi tài liệu dựa trên cơ sở nguồn tài liệu hiện có và bảo đảm
việc trao đổi tài liệu không ảnh hưởng đến nguồn lực thông tin và nhu cầu tin của
bạn đọc ...
b. Trung tâm được nhận tài liệu biếu
tặng từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo đúng quy định của
pháp luật và phải bảo đảm tính hợp lý, hợp pháp của nội dung tài liệu.
c. Nội dung trao đổi, biếu tặng do
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phê duyệt.
3. Lưu chiểu
Lưu chiểu là việc nộp tài liệu về
Trung tâm để lưu giữ, bảo quản và phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức, học
viên và sinh viên trong hệ thống Tòa án nhân dân tối cao. Tài liệu lưu chiểu là
nguồn lực thông tin quan trọng và mang tính đặc thù của Tòa án. Trung tâm và
các đơn vị, cá nhân thuộc hệ thống Tòa án có trách nhiệm thực hiện lưu chiểu
tài liệu.
3.1. Các loại tài liệu lưu chiểu
Tài liệu nộp lưu chiểu gồm: luận án,
luận văn, sách, tạp chí, đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên và các
xuất bản phẩm, bao gồm cả xuất bản phẩm điện tử.
3.2. Đối tượng và thời hạn nộp lưu
chiểu
a. Các đơn vị trực thuộc Tòa án nhân
dân tối cao đã được cấp phép in, xuất bản, phát hành các xuất bản phẩm, xuất bản
phẩm điện tử hoàn thành nộp lưu chiểu trong thời gian 15 ngày tính từ ngày xuất
bản;
b. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc
Tòa án nhân dân tối cao đứng tên tác giả các công trình nghiên cứu khoa học được
xuất bản trong và ngoài nước dưới dạng xuất bản phẩm, xuất bản phẩm điện tử
hoàn thành nộp lưu chiểu trong thời gian 30 ngày tính từ ngày xuất bản;
c. Chủ nhiệm đề tài khoa học từ cấp
cơ sở trở lên hoàn thành nộp lưu chiểu trong thời gian 30 ngày tính từ ngày
đánh giá nghiệm thu đề tài đạt.
d. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc
Tòa án nhân dân tối cao tốt nghiệp sau đại học tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài
nước hoàn thành nộp lưu chiểu trong thời gian 45 ngày tính từ ngày bảo vệ đạt.
đ. Học viên tốt nghiệp sau đại học tại
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hoàn thành nộp lưu chiểu trong thời gian
45 ngày tính từ ngày bảo vệ đạt.
3.3. Hình thức và số lượng nộp lưu
chiểu
3.3.1. Đối với các đối tượng quy định
tại Điểm a, Khoản 3.2, Điều 4:
a. Sách giáo trình: Nộp 05 cuốn/1 tên
sách
b. Sách tham khảo: Nộp 05 cuốn/1 tên
sách
c. Sách tra cứu - từ điển: Nộp 05 cuốn/1
tên sách
d. Báo, tạp chí, bản tin: Nộp 05 bản/1
số
3.3.2. Đối với đối tượng quy định tại
Điểm b, Khoản 3.2 Điều 4: Nộp 01 bản in hoặc 01 USB chứa nội dung của tài liệu.
3.3.3. Đối với đối tượng quy định tại
Điểm c, Khoản 3.2 Điều 4: Nộp 01 bộ bản in gồm tóm tắt kết quả nghiên cứu, báo
cáo tổng kết đề tài, các minh chứng dưới dạng xuất bản phẩm hoặc xuất bản phẩm
điện tử và 01 USB chứa nội dung của các tài liệu này.
3.3.4. Đối với đối tượng quy định tại
Điểm d, đ, Khoản 3.2, Điều 4:
a. Tài liệu là luận án: Nộp 01 bản in
luận án chính thức sau khi bảo vệ, sau luận án có đóng đầy đủ các giấy tờ liên
quan; 01 bản tóm tắt luận án và 01 USB chứa nội dung của các tài liệu này.
b. Tài liệu là luận văn: Nộp 01 bản
in luận văn chính thức sau khi bảo vệ và 01 USB chứa nội dung của các tài liệu
này.
3.3.5. Hình thức tài liệu phải bảo đảm:
a. Bản in của tài liệu phải có hình
thức và nội dung giống như bản in được xuất bản hoặc được phê duyệt (có chữ ký
hoặc con dấu) của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
b. Nội dung của USB nộp lưu chiểu phải
có nội dung đầy đủ như bản in, dưới dạng “pdf” (đối với văn bản), dưới dạng
“jpeg” (đối với hình ảnh tĩnh, bản đồ, bảng biểu), dưới dạng “mpeg4” (đối với
video hoặc ảnh động).
c. Nhãn USB phải chứa đầy đủ thông
tin thư mục, chất lượng USB phải bảo đảm sử dụng được.
3.4. Phạm vi nộp tài liệu lưu chiểu
Các đối tượng quy định tại khoản 3.2,
Điều 4 nộp lưu chiểu về Trung tâm tư liệu - Thư viện Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 5. Kiểm kê,
thanh lọc tài liệu
1. Kiểm kê tài liệu
Định kỳ 2 năm/1 lần, Trung tâm tiến hành
công tác kiểm kê toàn bộ tài liệu. Kết quả kiểm kê thể hiện rõ số lượng tài liệu
còn trong kho, số lượng tài liệu đang cho mượn, số lượng tài liệu mất hoặc thất
lạc, tài liệu hư hỏng ở từng mức độ khác nhau (bằng văn bản), để có giải pháp xử
lý trong công tác sắp xếp và bảo quản kho.
2. Thanh lý tài liệu
2.1. Căn cứ thanh lý tài liệu
Căn cứ thanh lý tài liệu được quy định
tại Thông tư số 21/2012/TT-BVHTTDL ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy định tiêu chí và thủ tục thanh lọc tài liệu
thư viện, các quy định của pháp luật hiện hành.
2.2. Điều kiện thanh lý tài liệu
Tài liệu có nội dung lạc hậu, không
còn giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thực tiễn; giáo trình, tài liệu tham khảo
dùng trong các trường đại học, học viện và cơ sở đào tạo khác đã được sửa đổi,
thay thế; các văn bản pháp quy hết hiệu lực thi hành.
a. Tài liệu có giá trị về nội dung
nhưng không phù hợp với đối tượng phục vụ của Trung tâm.
b. Báo, tạp chí phổ thông, khoa học thường
thức sau 05 năm xuất bản.
c. Tài liệu điện tử đã có phiên bản mới
thay thế được sản xuất bằng các công nghệ cao hơn.
d. Tài liệu còn giá trị về nội dung
nhưng đã hư, nát trong quá trình sử dụng hoặc do thiên tai, bão lũ, côn trùng
xâm hại mà không còn khả năng phục chế; trừ những tài liệu thuộc di sản văn hóa
theo quy định của pháp luật.
đ. Bản ghi âm, ghi hình, ghi chữ bị hỏng,
vỡ trong quá trình sử dụng, chất lượng không còn bảo đảm.
e. Tài liệu bị mất trong quá trình phục
vụ người sử dụng.
g. Các tài liệu bằng tiếng nước ngoài
không thông dụng mà bạn đọc không có nhu cầu sử dụng trong thời gian 05 năm gần
nhất tính đến thời điểm đề nghị thanh lọc.
Chương 3
XỬ LÝ TÀI LIỆU
Điều 6. Quy định
về chuẩn nghiệp vụ xử lý tài liệu
Trung tâm Tư liệu - Thư viện Tòa án
nhân dân tối cao tuân thủ nghiệp vụ xử lý tài liệu bảo đảm đồng bộ, chia sẻ dữ
liệu khi dùng phần mềm của Trung tâm, Thư viện số.
1. Đăng ký cá biệt đối với tài
liệu
a. Tài liệu phải được đăng kí vào sổ
sách của Trung tâm (sổ đăng ký cá biệt - sổ ĐKCB).
b. Sổ ĐKCB được lập bao gồm các thông
tin cơ bản như sau: số ĐKCB (cả chữ và số là 10 kí tự); tên sách; tên tác giả
hoặc tên người chủ biên, người dịch (nếu có); các yếu tố liên quan đến xuất bản
(nơi xuất bản, năm xuất bản); khu lưu trữ của tài liệu; các yếu tố liên quan đến
nhập sách (đợt và ngày nhập sách); phụ chú (người nhập tài liệu, người ghi sổ,
lí do xuất tài liệu...). Mỗi bản tài liệu được ghi vào một dòng của sổ ĐKCB.
Trong sổ ĐKCB, tài liệu được đăng ký bằng ngôn ngữ xuất bản của tài liệu đó. Sổ
ĐKCB được ghi theo số thứ tự tăng dần liên tục từ năm này qua năm khác. Mỗi bản
tài liệu được gắn 1 số ĐKCB độc lập. Sổ ĐKCB được lập đối với từng loại tài liệu
như: sổ ĐKCB sách; sổ ĐKCB luận văn; sổ ĐKCB luận án; sổ ĐKCB đề tài nghiên cứu
khoa học ...
c. Sổ ĐKCB được lưu trữ lâu dài.
2. Phân loại tài liệu
Trung tâm thực hiện phân loại tài liệu
theo phiên bản đầy đủ mới nhất của DDC (ấn bản 23 dịch sang tiếng Việt). Đối với
các phân loại đặc thù của Việt Nam dùng khung phân loại DDC 14.
3. Biên mục tài liệu
Trung tâm thực hiện biên mục theo khổ
mẫu MARC21 và quy tắc AACR2.
Chương 4
SỬ DỤNG VÀ KHAI
THÁC TÀI LIỆU
Điều 7. Quy định
về bạn đọc
1. Đối tượng bạn đọc
a. Cán bộ, công chức, viên chức, người
lao động đang làm việc tại hệ thống Tòa án.
b. Học viên, sinh viên đang học tập tại
Học viện Tòa án.
c. Nghiên cứu viên, giảng viên, học
viên các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có nhu cầu khai thác và sử dụng các dịch
vụ của Trung tâm, được Tòa án nhân dân tối cao cho phép.
2. Quyền hạn, nghĩa vụ của bạn đọc
2.1. Quyền hạn của bạn đọc
a. Được phép khai thác và sử dụng nguồn
thông tin, tài liệu của Trung tâm.
b. Được phép sử dụng các dịch vụ
thông tin thư viện có điều kiện theo quy định của Trung tâm.
c. Được tham gia các lớp tập huấn sử
dụng Trung tâm và các hoạt động khác do Trung tâm tổ chức như: ngày hội sách, tọa
đàm ...
2.2. Nghĩa vụ của bạn đọc
a. Phải chấp hành nghiêm túc nội quy
Trung tâm.
b. Có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn vốn
tài liệu, trang thiết bị và cơ sở vật chất của Trung tâm.
Điều 8. Các loại
dịch vụ Trung tâm
Các loại dịch vụ của Trung tâm bao gồm:
1. Sử dụng các công cụ tra cứu;
2. Đọc tài liệu tại chỗ;
3. Mượn tài liệu mang về;
4. Giải đáp thông tin;
5. Cung cấp tài khoản khai thác nguồn
cơ sở dữ liệu toàn văn dạng số của Trung tâm;
6. Cung cấp thông tin theo yêu cầu:
danh mục tài liệu theo yêu cầu, tài liệu dạng photocopy, scan tài liệu;
7. Tư vấn, đào tạo thông tin Trung
tâm;
8. Các loại dịch vụ khác.
Điều 9. Nội quy định
sử dụng Trung tâm
Khi sử dụng các dịch vụ của Trung tâm,
bạn đọc cần nghiêm túc thực hiện các quy định sau:
1. Xuất trình Thẻ chức danh tư pháp,
Thẻ giảng viên, học viên, sinh viên, căn cước công dân khi vào Trung tâm. Không
sử dụng thẻ của người khác hoặc cho người khác mượn thẻ.
2. Không mang vũ khí, hung khí, chất
nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu
hiệu và tài liệu, đồ vật khác ảnh hưởng đến sự an toàn của Trung tâm.
3. Không mang tài liệu cá nhân, đồ
ăn, đồ uống vào Trung tâm; không tự ý mang tài liệu của Trung tâm ra ngoài.
4. Giữ gìn trật tự, an toàn, không
hút thuốc, không nói chuyện điện thoại trong Trung tâm.
5. Các loại tài liệu quý hiếm, có một
bản chỉ được mượn tại chỗ.
6. Giữ gìn, bảo quản tài liệu mượn tại
chỗ, mượn mang về, kiểm tra kỹ tình trạng tài liệu trước khi mượn, không được
làm rách, bẩn, vẽ, viết, đánh dấu lên tài liệu.
7. Thời hạn mượn tài liệu mang về
không quá 10 ngày. Nếu làm mất, hư hỏng sách phải đền sách mới hoặc giá trị gấp
đôi giá trị sách bị mất.
Chương 5
LƯU TRỮ, BẢO QUẢN
TÀI LIỆU
Điều 10. Nhận
tài liệu bảo quản
1. Tài liệu khi nhận phải được xử lý
qua tất cả các khâu nghiệp vụ thư viện (vào số, đóng dấu, dán nhãn, dán thẻ từ,
phân loại, biên mục và phân kho lưu trữ tài liệu).
2. Cán bộ xử lý nghiệp vụ lập danh
sách quản lý của từng lĩnh vực phân loại, sau đó đưa vào phục vụ bạn đọc. Cán bộ
nghiệp vụ chịu trách nhiệm đối chiếu, kiểm tra sổ sách, ký nhận sau đó sắp xếp
tài liệu lên giá theo đúng nghiệp vụ thư viện.
Điều 11. Bảo quản,
lưu trữ
Bảo đảm các điều kiện theo quy định của
Bộ Văn hóa thể thao và du lịch về lưu trữ bảo quản tài liệu về:
1. Nhiệt độ 20 ± 2° C; Độ ẩm: 50 ±
5%.
2. Ánh sáng: không để ánh sáng mặt trời
trực tiếp lên tài liệu
3. Phòng cháy chữa cháy: bảo đảm các
điều kiện về phòng cháy chữa cháy. Các bình chữa cháy phải có đầy đủ nhiên liệu,
các họng nước phải trong tình trạng sẵn sàng hoạt động.
4. Kho phải được thực hiện các biện
pháp kỹ thuật theo định kỳ:
a. Vệ sinh: Vệ sinh kho, giá sách
hàng tuần.
b. Phun hoá chất bảo quản: phun hóa
chất bảo quản trong trường hợp cần thiết.
Điều 12. Trang
thiết bị bảo quản
1. Giá kệ phải bảo đảm thích hợp với
từng loại hình tài liệu.
2. Hộp tài liệu, thanh chắn đỡ sách bảo
đảm sắp xếp và bảo quản tài liệu.
3. Biển chỉ dẫn bảo đảm chỉ dẫn tổng
thể và chính xác đến tài liệu.
Điều 13. Tổ chức
tài liệu trong Trung tâm
1. Xử lý tài liệu trước khi nhập
a. Tài liệu trước khi nhập phải vệ
sinh, kiểm tra lại sự chính xác giữa tài liệu và số liệu theo thống kê.
b. Trước khi đưa vào sử dụng, tài liệu
phải được xếp khoa học bảo đảm thuận tiện cho bạn đọc, trường hợp chưa sắp xếp
được lên giá phải được sắp xếp gọn gàng, ghi chú đầy đủ thông tin để thống kê
và tra tìm.
2. Xếp tài liệu lên giá
a. Tài liệu được xếp lên giá theo đúng
quy định của từng loại hình: xếp theo lĩnh vực phân loại kết hợp với kích cỡ
tài liệu.
b. Nguyên tắc xếp giá tài liệu là từ
phải qua trái, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, trong mỗi khoang giá,
theo hướng của người đứng xếp quay mặt vào giá.
c. Mỗi đầu giá sách phải có biển chỉ
dẫn đầu giá thể hiện rõ từng vị trí mà tài liệu được lưu trữ.
3. Kiểm tra tài liệu trong kho
Tài liệu phải được kiểm tra thường
xuyên, kịp thời phát hiện những thiếu sót, hư hỏng, bất cập báo cáo cấp có thẩm
quyền giải quyết, khắc phục.
Điều 14. Tu bổ,
phục chế tài liệu
1. Các loại tài liệu cần tu bổ, phục
chế: theo kết quả của kiểm kê tài liệu như các tài liệu bị hư hỏng trong quá
trình sử dụng, hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, hoặc do không được thực hiện các biện
pháp bảo quản theo quy định;
2. Các mức độ tu bổ, phục chế: đóng
gáy, đóng bìa, chế bản các tài liệu thuộc diện được lưu giữ lâu dài trong Trung
tâm.
3. Các nguồn kinh phí phục vụ tu bổ,
phục chế tài liệu: theo nguồn kinh phí chi thường xuyên của Tòa án.
Chương 6
THƯ VIỆN SỐ
Điều 15. Xây dựng
Thư viện số
1. Số hóa tài liệu
Trung tâm thực hiện số hóa các loại
tài liệu có giá trị lịch sử, tài liệu quý hiếm, tài liệu có tình trạng vật lý
kém và tài liệu có tần suất khai thác, sử dụng cao nhằm tiết kiệm nhân lực thời
gian, kinh phí trong số hóa và bảo quản tài liệu số hóa.
a. Tài liệu được số hóa phải là các
tài liệu đã được chỉnh lý có giá trị pháp lý, tài liệu được thẩm định bởi người
có thẩm quyền trước khi đưa vào số hóa hoặc các tài liệu có giá trị đang được
lưu giữ trong kho Trung tâm.
b. Tài liệu khi quét (scan) xong được
lưu dưới dạng các file điện tử và tích hợp vào cơ sở dữ liệu của Trung tâm.
c. Quá trình số hóa tài liệu lưu trữ
phải bảo đảm tính pháp lý và tính trung thực của tài liệu; tuân thủ các quy
trình kỹ thuật số hóa tài liệu.
d. Bảo đảm các quy định về bản quyền
tài liệu.
đ. Các tài liệu của các nhà khoa học
trong và ngoài nước được số hóa nếu được sự đồng ý của các tác giả.
e. Ưu tiên số hóa các tài liệu không
xuất bản của Tòa án: Kỷ yếu, tài liệu hội thảo, luận văn, luận án, kết quả đề
tài nghiên cứu được bảo vệ và nghiệm thu tại Tòa án nhân dân tối cao.
g. Số hóa các tài liệu do Tòa án là
chủ biên, các tài liệu của các tác giả là cán bộ, công chức, viên chức, người
lao động của Tòa án.
2. Mua tài liệu số
a. Ưu tiên các tài liệu lý luận chính
trị, các tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, pháp luật, tư
pháp.
b. Tài liệu nhằm nâng cao chất lượng
hoạt động xét xử của Tòa án.
3. Biên mục tài liệu số
a. Trung tâm thiết kế xây dựng các bộ
sưu tập.
b. Tài liệu số được biên mục theo chuẩn
DoublinCore.
4. Đăng tải tài liệu số
Tài liệu số sau khi được biên mục
theo chuẩn nghiệp vụ sẽ được cán bộ chuyên trách đăng tải để bạn đọc khai thác trên
mạng Internet thông qua phần mềm Trung tâm theo các mức độ sau:
4.1. Đăng tải toàn văn:
a. Tài liệu nội sinh: sách, giáo
trình do Tòa án chủ biên xuất bản, các bài trích báo, tạp chí của các đơn vị
thuộc hệ thống Tòa án không thuộc tài liệu mật của Nhà nước và Tòa án.
b. Sách tham khảo, sách chuyên khảo,
bài trích báo, tạp chí do các cơ quan, bộ, ngành xuất bản, được bổ sung về
Trung tâm nếu được sự đồng ý (bằng văn bản) của tác giả và đơn vị xuất bản.
4.2. Tài liệu đăng tải một phần:
а. Luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ,
đề án tốt nghiệp, đề tài nghiên cứu khoa học của Tòa án (cấp cơ sở, cấp bộ và
nhà nước) không thuộc tài liệu mật của Nhà nước và Tòa án; Sách tham khảo, sách
chuyên khảo, bài trích báo tạp chí không do các cơ quan không thuộc Tòa án xuất
bản, được bổ sung về Trung tâm.
b. Nội dung đăng tải: 17 trang đầu hoặc
trang tên tài liệu, phần mở đầu, phần đề dẫn, mục lục và danh mục tài liệu tham
khảo.
5. Toàn bộ các tài liệu được đăng tải
lên phần mềm Thư viện số của Trung tâm chỉ được dùng với mục đích phục vụ
nghiên cứu, giảng dạy, học tập của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động,
học viên, sinh viên (không trao đổi, mua bán với mục đích kinh doanh thương mại).
6. Trong trường hợp cần thiết, Trung
tâm báo cáo Chánh án Tòa án xem xét quyết định nội dung và hình thức đăng tải
tài liệu.
Điều 16. Khai
thác tài liệu số
1. Đối tượng được cấp tài khoản đăng
nhập gồm: cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, giảng viên, học viên,
sinh viên trong toàn hệ thống Tòa án. Bạn đọc ngoài hệ thống Tòa án có nhu cầu
khai thác tài liệu với mục đích nghiên cứu, học tập, giảng dạy có thể liên hệ
trực tiếp với Trung tâm để được xem xét cấp tài khoản.
2. Tài liệu số được phân quyền, phân
cấp theo nhu cầu, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, cá nhân có liên quan.
3. Bạn đọc có tài khoản đăng nhập được
quyền đọc trực tuyến nội dung tài liệu được đăng tải (dưới dạng file PDF).
Điều 17. Lưu trữ
và bảo quản tài liệu số
1. Trung tâm chịu trách nhiệm lưu trữ
và bảo quản tài liệu số.
2. Tài liệu số của Tòa án được đăng tải
lên phần mềm Thư viện số do Trung tâm trực tiếp quản lý, thực hiện tích hợp/liên
kết với Cổng thông tin điện tử Cổng Thông tin điện tử, Trang Thông tin công bố
bản án, quyết định của Tòa án và Trang tin điện tử về án lệ của Tòa án nhân dân
tối cao....
3. Phần mềm Thư viện số là nơi lưu trữ
và quản lý tài nguyên số chung trong toàn hệ thống Tòa án.
4. Với tài liệu số được lưu trữ dưới
dạng USB sẽ được lưu vào cơ sở dữ liệu của Thư viện số;
5. Bạn đọc có nhu cầu khai thác toàn
văn tài liệu số trong hệ thống Tòa án có thể đến trực tiếp hoặc gửi mail yêu cầu
tài liệu đến địa chỉ email trungtamthuvientoaan@gmail.com. Trung tâm sẽ tiếp nhận,
xem xét yêu cầu và gửi tài liệu dưới hình thức bản in photocopy;
6. Bảo đảm tính bảo mật tài liệu:
không phát tán tài liệu số dưới bất cứ hình thức nào trái với quy định của nhà
nước và quy chế của Trung tâm.
Chương 7
KHIẾU NẠI, TỐ
CÁO
Điều 18. Khiếu nại,
tố cáo
1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân và bạn
đọc có quyền khiếu nại, tố cáo về các hành vi vi phạm quy chế của cơ quan, đơn
vị và của bạn đọc theo quy định hiện hành của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
2. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo
được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Chương 8
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 19. Tổ chức
thực hiện
1. Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Cục
trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính, Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản
lý khoa học, Chánh án các Tòa án, các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách
nhiệm thực hiện Quy chế này.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện,
nếu có vướng mắc, các thủ trưởng đơn vị, Chánh án các Tòa án có trách nhiệm báo
cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để
xem xét, quyết định./.