UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 573/2005/QĐ-UB
|
Ninh Bình, ngày
07 tháng 4 năm 2005
|
QUYẾT ĐỊNH
V/V: BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN TRÍCH TỪ NGÂN SÁCH
TỈNH CHO VAY XOÁ ĐÓI GIẢM NGHÈO QUA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003.
- Căn cứ Nghị quyết HĐND tỉnh
Ninh Bình khoá X, kỳ họp thứ II, ngày 13/7/1995.
- Xét đề nghị của Ngân hàng
Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình về việc tạo lập và sử dụng vốn ngân sách tỉnh
cho vay xoá đói giảm nghèo trên địa bàn tại Tờ trình số: 165/NHCS ngày
14/5/2004 và ý kiến tham gia của thành viên Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân
hàng Chính sách xã hội tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo
quyết định này Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn trích từ ngân sách tỉnh cho
vay xoá đói giảm nghèo qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình.
Điều 2. Giao Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh chủ
trì, phối hợp với các cơ quan và các tổ chức chính trị xã hội có liên quan tổ
chức thực hiện.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/4/2005.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Ban đại diện Hội đồng
quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội
tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 4
- TT TU (để B/c)
- TT HĐND tỉnh (để B/c)
- Ban ĐDNHCSXH tỉnh
- Các tổ chức chính trị xã hội
- Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp
- Lưu VT, VP5, VP6
H2/68
|
TM. UỶ BAN NHÂN
DÂN TỈNH NINH BÌNH
K/T. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Bùi Thị Thanh
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN TRÍCH TỪ NGÂN SÁCH TỈNH CHO VAY XOÁ ĐÓI
GIẢM NGHÈO QUA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 573/2005/QĐ-UB ngày 07/4/2005 của UBND tỉnh
Ninh Bình)
Điều 1. Mục
đích, đối tượng vay vốn:
1. Việc lập và sử dụng nguồn vốn từ
Ngân sách tỉnh hàng năm cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay, nhằm
thực hiện tốtmục tiêu xoá đói giảm nghèo của Nhà nước trên địa bàn tỉnh, theo
tinh thần Nghị định:78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ.
- Việc trích lập và sử dụng quỹ phải
đảm bảo nguyên tắc cho vay đúng đối tượng, đảm bảo an toàn, có hiệu quả.
2. Đối tượng vay vốn:
Là hộ nghèo và các đối tượng chính
sách theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ trên
địa bàn Ninh Bình.
Điều 2. Kế
hoạch tạo lập nguồn vốn cho vay xoá đói giảm nghèo của tỉnh:
- Hàng năm UBND tỉnh trích ngân
sách theo Nghị quyết của HĐND tỉnh để lập quỹ xoá đói giảm nghèo của tỉnh chuyển
sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để làm nguồn vốn cho hộ nghèo và các đối
tượng chính sách vay, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh quản lý, tổ chức
giải ngân theo mô hình, dự án, do các tổ chức chính trị xã hội xây dựng và bảo
lãnh thông qua hợp đồng nhận uỷ thác với Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân
hàng Chính sách xã hội tỉnh.
- Ngoài nguồn vốn trên, Ngân hàng
Chính sách xã hội tỉnh được nhận uỷ thác những nguồn vốn cho vay ưu đãi khác của
chính quyền các cấp để cho vay theo chương trình dự án cụ thể do cấp chính quyền
quyết định.
Điều 3. Cơ
chế giải ngân từ quỹ xoá đói giảm nghèo của tỉnh.
1. Điều kiện cho vay vốn:
- Người vay là hộ nghèo có địa chỉ và
cư trú hợp pháp tại dịa bàn vay vốn, được tổ tiết kiệm và cho vay bình xét, được
Ban xoá đói giảm nghèo xã, phường lập vào danh sách được UBND xã, phường phê
duyệt (theo mẫu số:03/CV-HN).
- Người vay là các đối tượng chính
sách khác thực hiện theo các quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam
cho từng đối tượng cụ thể (do Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hướng
dẫn).
2. Mục đích sử dụng vốn vay:
Dùng để chi phí mua sắm máy móc, thiết
bị, phương tiện vận tải, cây trồng vật nuôi, nguyên, nhiên vận liệu, chăm sóc
cây, con... kinh doanh nhỏ và các dịch vụ khác.
3. Mức vốn cho vay:
- Đối với hộ nghèo áp dụng theo mức
quy định như của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam theo từng thời kỳ.
- Đối với cho vay tạo việc làm không quá
15 triệu đồng/hộ và trên 01 lao động tạo việc làm mới, không quá 200 triệu đồng/dự
án. Mức vay được xem xét điều chỉnh tuỳ theo khả năng quản lý của người vay và
nguồn vốn hiện có do UBND tỉnh (hoặc Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng
Chính sách xã hội tỉnh) quyết định.
4. Thời hạn cho vay:
- Đối với ngắn hạng không quá 12
tháng.
- Đối với trung hạn không quá 60
tháng.
5. Lãi suất cho vay:
Áp dụng bằng mức lãi suất cho vay hộ
nghèo và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam
quy định theo từng thời điểm.
Điều 4. Quy
trình xây dựng, thẩm định dự án, thủ tục cho vay, thu nợ, xử lý nợ:
1. Quy trình xây dựng dự án:
Hàng tháng, hàng quý Ngân hàng Chính
sách xã hội tỉnh căn cứ vào nguồn vốn cho vay xoá đói giảm nghèo của tỉnh, báo
cáo Ban đại diện phê duyệt phân bổ cho các tổ chức chính trị xã hội của tỉnh,
trên cơ sở đó các tổ chức chính trị xã hội của tỉnh chỉ đạo các tổ chức cơ sở
trực thuộc hướng dẫn các hộ vay vốn xây dựng dự án hoặc viết giấy đề nghị vay vốn,
gửi chủ dự án hoặc tổ trưởng tổ vay vốn tổng hợp.
Đối với cho vay hộ nghèo: Tổ trưởng
vay vốn sẽ tổng hợp trình Ban xoá đói giảm nghèo xem xét lập danh sách trình
UBND xã, phường duyệt.
Đối với cho vay giải quyết việc làm,
xuất khẩu lao động... chru dự án lập 02 bản dự án, 01 bản gửi Ngân hàng Chính
sách xã hội cùng cấp, 01 bản gửi tổ chức chính trị xã hội cùng cấp làm cơ sở phối
hợp thẩm định.
2. Thẩm dịnh dự án và quyết định
cho vay:
Về cơ bản, thực hiện theo quy trình
cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác do Ngân hàng Chính sách xã hội
Trung ương ban hành, cụ thể: Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh sẽ phối hợp với
các tổ chức chính trị xã hội để thẩm định mô hình, dự án tổng thể đối với cho
vay hộ nghèo và thẩm định tại hộ đói với cho vay các đối tượng chính sách khác.
3. Thủ tục cho vay:
- Về giấy tờ, ấn chỉ sử dụng để cho
vay, thu nợ, xử lý dư nợ: Sử dụng mẫu giấy tờ in theo quy định của Ngân hàng
Chính sách xã hội Việt Nam.
- Khi nhận được quyết định cho vay của
Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Chính
sách xã hội cùng cấp có trách nhiệm hướng dẫn khác hàng làm thủ tục thế chấp, cầm
cố tài sản hoặc bảo lãnh vay vốn, sau đó làm thủ tục phát tiền vay. Việc cho
vay được lập thành hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và khách
hàng. Ngân hàng Chính sách xã hội có thể uỷ thác cho các chủ dự án, các tổ chức
chính trị xã hội cơ sở hoặc tổ trưởng tổ vay vốn thu nợ, thu lãi thông qua hợp
đồng uỷ nhiệm.
4. Kiểm tra vốn vay:
Ngoài việc kiểm tra sử dụng vốn vay của
Ngân hàng Chính sách xã hội định kỳ hoặc đột xuất Ban đại diện Hội đồng quản trị
Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị xã hội có liên quan có
trách nhiệm kiểm tra quá trình sử dụng vốn vay, nếu phát hiện vốn vay sử dụng
sai mục đích thì thông báo bằng văn bản hoặc biên bản kiểm tra để Ngân hàng
Chính sách xã hội để xử lý theo quy định.
5. Gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn: Áp dụng như cơ chế cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách do
Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương.
6. Xử lý rủi ro:
- Đối với số vốn bị rủi ro do nguyên
nhân khách quan Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với chính quyền, các tổ chức
chính trị xã hội cùng cấp và tổ vay vốn hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ theo quy định
trình UBND tỉnh xử lý từ quỹ trích rủi ro của tỉnh.
- Nếu vốn vay bị rủi ro do nguyên
nhân chủ quan của cá nhân hoặc tập thể gây nên thì phải bồi thường vật chất và
chịu trách nhiệm theo quy định hiện hành.
Điều 5. Phân bổ
tiền lãi thu được từ vốn vay của tỉnh.
- Nguồn vốn cho vay từ Ngân sách tỉnh
được theo dõi ở một tài khoản riêng.
- Nguồn vốn cho vay từ Ngân sách tỉnh
hàng năm phải đảm bảo nguyên tắc an toàn có hiệu quả.
- Tiền lãi thu được phải đảm bảo bù đắp
chi phí từ khâu tổ chức giải ngân thu hồi nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh,
số còn lại sẽ trích lập và nguồn để xử lý rủi ro, cụ thể:
- Trên cơ sở dư nợ có thu được lãi, số
lãi thu được sẽ phân bổ như sau:
+ Chi 0,1 % hoa hồng cho tổ trưởng tổ
vay vốn (như quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương).
+ Chi 0,1% trả phí dịch vụ cho đơn vị
nhận uỷ thác cho vay.
+ Số còn lại 0,3% được phân bổ tiếp
theo tỷ lệ: 50% trích để bù đắp các chi phí cho hoạt động uỷ thác của Ngân hàng
Chính sách xã hội tỉnh, 40% trích lập quỹ phòng ngừa rủi ro và 10% còn lại
trích lập quỹ khen thưởng, cả hai quỹ trên giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội
quản lý và xử lý theo quyết định của UBND tỉnh.
Điều 6. Báo cáo
tình hình quản lý và sử dụng vốn vay của tỉnh.
Hàng quý, năm Ngân hàng Chính sách xã
hội có trách nhiệm quyết toán và báo cáo tổng hợp tình hình quản lý và đầu tư
nguồn vốn hiện có. Hiệu quả đầu tư, kết quả thu nợ, thu lãi, về quản lý và sử dụng
quỹ phòng ngừa rủi ro, và quỹ khen thưởng cho Ban đại diện Hội đồng quản trị
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.
Điều 7. Trách
nhiệm của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức
chính trị xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.
1. Ban đại diện HĐQT - NHCSXH tỉnh:
Chỉ đạo các tổ chức chính trị xã hội, các ngành ban liên quan ở tỉnh và Ban đại
diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thị phối, kết hợp
tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu.
- Chỉ đạo các ngành, các tổ chức
chính trị xã hội, chỉ đạo các chủ dự án, các hộ cho vay vốn chấp hành chính
sách tín dụng tại địa phương, xử lý các sai phạm, xử lý quỹ rủi ro. Khen thưởng
kịp thời những tổ chức cá nhân có đóng góp trong việc quản lý và sử dụng nguồn
vốn trên, đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể thực hiện không đúng
các quy định quản lý và sử dụng quỹ cho vay xoá đói giảm nghèo.
2. Các sở, ngành, các tổ chức
chính trị xã hội: có trách nhiệm hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối,
kết hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cùng cấp xây dựng, thẩm định dự án, cho
vay, kiểm tra sử dụng vốn vay và đôn đốc thu nợ thu lãi theo đúng quy chế.
3. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh:
Có trách nhiệm hướng dẫn chỉ đạo phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội
các huyện, thị xã phối, kết hợp với các tổ chức chính trị xã hội cùng cấp: Thẩm
định dự án, tổng hợp các dự án khả thi trình Ban đại diện Hội đồng quản trị
Ngân hàng Chính sách xã hội cùng cấp phê duyệt trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ.
Có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ thủ tục giải ngân. Ký hợp đồng ủy thác, hợp đồng
uỷ nhiệm, đôn đốc thu nợ, thu lãi, xử lý rủi ro (nếu có) theo quy định hiện
hành.
Điều 8. Tổ chức
thực hiện.
Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày
ký, các văn bản trước trái với quy chế này đều hết hiệu lực thi hành ./.