QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA
CẢNG VỤ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TRỰC THUỘC SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH NINH BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22
tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 107/2020/NĐ-CP
ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ
quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Căn cứ Nghị định 08/2021/NĐ-CP
ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy
nội địa;
Căn cứ Nghị định số 54/2022/NĐ-CP
ngày 22 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 78/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh
doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và Nghị định
số 08/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt
động đường thủy nội địa;
Căn cứ Thông tư số
15/2021/TT-BGTVT ngày 30 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về giao thông vận
tải thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân
dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Thông tư số
18/2021/TT-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc
Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình.
Điều 2. Hiệu lực
thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2022.
2. Bãi bỏ điểm b, điểm c, điểm d, điểm
đ Điều 1 Quyết định số 289/QĐ-UBND ngày 25 tháng 02 năm 2019 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Ninh Bình về việc thành lập Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Ninh Bình;
Quyết định số 2046/QĐ-SGTVT ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Giám đốc Sở Giao thông
vận tải Ninh Bình ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Ninh Bình.
Điều 3. Tổ chức
thực hiện
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh,
Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Cảng vụ đường thủy
và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Cục kiểm tra Văn bản Quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Website Chính phủ; Công báo tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
-Lưu: VT, VP2, VP4, VP7.
LQ_VP7_TCBM.2022
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Phạm Quang Ngọc
|
QUY ĐỊNH
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CẢNG VỤ ĐƯỜNG THỦY
NỘI ĐỊA TRỰC THUỘC SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH NINH BÌNH
(Kèm theo Quyết định số 56/2022/QĐ-UBND ngày 14 tháng 10 năm 2022 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Ninh Bình)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cảng vụ đường thủy nội địa trực
thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình.
2. Quy định này áp dụng đối với Cảng vụ
đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình và các tổ chức,
cá nhân khác có liên quan.
Điều 2. Vị trí,
chức năng, phạm vi quản lý
1. Cảng vụ đường thủy nội địa trực
thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình (sau đây gọi tắt là Cảng vụ) là cơ
quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường
thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa (sau đây viết tắt là cảng, bến), khu
neo đậu nhằm bảo đảm việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an
toàn giao thông đường thủy nội địa và bảo vệ môi trường.
2. Phạm vi quản lý
Phạm vi quản lý của Cảng vụ đường thủy
nội địa bao gồm các cảng, bến thủy nội địa (trừ bến khách ngang sông), khu neo
đậu đã được công bố, cấp phép hoạt động, cụ thể như sau:
a) Cảng, bến, khu neo đậu trên đường
thủy nội địa địa phương;
b) Cảng, bến, khu neo đậu trên đường
thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương;
c) Cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu
trong vùng nước cảng biển thuộc địa giới hành chính của địa phương được Bộ Giao
thông vận tải giao;
d) Cảng, bến, khu neo đậu khác do Bộ
Giao thông vận tải phân cấp theo quy định.
3. Cảng vụ đường thủy nội địa có tư
cách pháp nhân, có trụ sở riêng, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản
tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Ninh Bình; chấp hành sự lãnh đạo trực tiếp của của
Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình; đồng thời chấp hành sự hướng dẫn,
kiểm tra và quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Đường thủy nội địa Việt
Nam.
Trụ sở làm việc đặt tại: phường Thanh
Bình, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.
Chương II
NHIỆM VỤ, QUYỀN
HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC
Điều 3. Nhiệm vụ,
quyền hạn
1. Quy định nơi neo đậu cho phương tiện
thủy nội địa (sau đây viết tắt là phương tiện), tàu biển, thủy phi cơ, phương
tiện thủy nước ngoài trong vùng nước cảng, bến, khu neo đậu.
2. Kiểm tra việc thực hiện quy định của
pháp luật trong phạm vi của cảng, bến, khu neo đậu đối với:
a) Phương tiện, tàu biển, thủy phi
cơ, phương tiện thủy nước ngoài về an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường;
b) Giấy chứng nhận khả năng chuyên
môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện và danh bạ
thuyền viên;
c) Thiết bị xếp dỡ hàng hóa, người điều
khiển thiết bị xếp dỡ hàng hóa theo quy định.
3. Cấp giấy phép, lệnh điều động hoặc
không cấp phép vào, rời cảng, bến, khu neo đậu cho phương tiện, tàu biển, thủy
phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài vào, rời cảng, bến, khu neo đậu theo quy định
của pháp luật.
4. Tiếp nhận và thông báo tình trạng
luồng đường thủy nội địa cho thuyền viên, người lái phương tiện và tổ chức, cá
nhân có liên quan trong phạm vi trách nhiệm.
5. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn
thực hiện những quy định của pháp luật về giao thông vận tải đường thủy nội địa.
6. Thực hiện công tác bảo đảm an toàn
giao thông:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
quản lý nhà nước khác thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực
cảng, bến, khu neo đậu;
b) Kiểm tra điều kiện an toàn đối với
cảng, bến, khu neo đậu, luồng chuyên dùng vào cảng, bến, báo hiệu và các công
trình khác có liên quan trong phạm vi cảng, bến, khu neo đậu;
c) Khi phát hiện có dấu hiệu mất an
toàn kịp thời thông báo cho tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm xử lý;
d) Xác nhận việc khắc phục sự cố hoặc
các nguy cơ gây mất an toàn đối với các cảng, bến, khu neo đậu đã được loại bỏ.
7. Công bố hạn chế giao thông trong
vùng nước cảng, bến, khu neo đậu; thỏa thuận đối với hoạt động nạo vét, cải tạo
vùng nước cảng, bến, khu neo đậu; chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao
thông đối với hoạt động sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và hoạt động khác trong
vùng nước cảng, bến, khu neo đậu thuộc phạm vi quản lý.
8. Thực hiện công tác phòng, chống
thiên tai; chủ trì hoặc phối hợp tổ chức tìm kiếm, cứu nạn trong vùng nước cảng,
bến, khu neo đậu theo thẩm quyền và quy định pháp luật; huy động lực lượng,
phương tiện, tàu biển, tàu công vụ và các loại phương tiện khác trong khu vực cảng,
bến, khu neo đậu để tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp theo
quy định.
9. Kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch
ứng phó sự cố tràn dầu tại cảng, bến, khu neo đậu và phương tiện, tàu biển, thủy
phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài theo quy định.
10. Thẩm định hồ sơ, báo cáo kết quả
thẩm định để Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phê duyệt đánh giá an ninh, kế hoạch
an ninh và cấp giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận
phương tiện thủy nước ngoài, xác nhận hàng năm giấy chứng nhận phù hợp an ninh
cảng thủy nội địa.
11. Theo dõi, giám sát việc xếp hàng
hóa từ phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài lên cảng, bến và từ cảng,
bến xuống phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài hoặc giữa các
phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài trong vùng nước cảng, bến,
khu neo đậu.
12. Xác nhận việc trình báo đường thủy
nội địa theo quy định của pháp luật.
13. Thực hiện chức năng thanh tra
chuyên ngành; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về giao
thông đường thủy nội địa của các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi trách nhiệm; xử
phạt vi phạm hành chính; thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
14. Tham gia lập biên bản, kết luận
nguyên nhân tai nạn, sự cố xảy ra trong vùng nước cảng, bến, khu neo đậu; yêu cầu
các bên liên quan khắc phục hậu quả tai nạn, sự cố.
15. Cập nhật thông tin cảng, bến, khu
neo đậu, phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài, hàng
hóa, hành khách, xử phạt vi phạm hành chính vào cơ sở dữ liệu của Cục Đường thủy
nội địa Việt Nam.
16. Tham gia xây dựng văn bản quy phạm
pháp luật, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, quy chuẩn, tiêu chuẩn
cảng, bến, khu neo đậu khi có yêu cầu.
17. Xây dựng kế hoạch hoạt động hàng
năm trình cấp trên trực tiếp phê duyệt và tổ chức thực hiện.
18. Quản lý, sử dụng công chức, viên
chức, người lao động, cơ sở vật chất, tài sản, tài chính được giao theo thẩm
quyền và theo phân cấp quản lý; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo đúng
quy định của pháp luật.
19. Thực hiện nhiệm vụ khác do Giám đốc
Sở Giao thông vận tải hoặc cơ quan có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Cơ cấu tổ
chức
1. Lãnh đạo Cảng vụ đường thủy nội địa:
Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc;
a) Giám đốc Cảng vụ là người đứng đầu
Cảng vụ, là người trực tiếp quản lý, điều hành Cảng vụ, chịu trách nhiệm trước
Giám đốc Sở Giao thông vận tải và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động và kết
quả công tác của Cảng vụ;
b) Phó Giám đốc Cảng vụ là người được
Giám đốc Cảng vụ phân công đảm nhận một số công việc và chịu trách nhiệm trước
Giám đốc Cảng vụ và trước pháp luật. Khi Giám đốc Cảng vụ vắng mặt, Phó Giám đốc
Cảng vụ được Giám đốc Cảng vụ ủy nhiệm thay Giám đốc Cảng vụ điều hành các hoạt
động của Cảng vụ;
c) Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cách
chức, miễn nhiệm, từ chức, luân chuyển, điều động, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ
hưu và thực hiện các chế độ chính sách đối với Giám đốc Cảng vụ và Phó Giám đốc
Cảng vụ theo quy định hiện hành và phân cấp quản lý cán bộ của tỉnh.
2. Các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ
a) Bộ phận Tài chính - Pháp chế;
b) Bộ phận Quản lý cảng, bến.
3. Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa
Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa
thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến, khu neo đậu
theo quy định, được sử dụng con dấu riêng.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh
Ninh Bình quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể Đại diện Cảng vụ đường thủy
nội địa thuộc phạm vi quản lý theo đề nghị của Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội
địa.
Điều 5. Biên chế
Biên chế công chức, số lượng người
làm việc và lao động hợp đồng (theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000
của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày
29/11/2018) của Cảng vụ đường thủy nội địa nằm trong tổng biên chế công chức, số
lượng người làm việc và lao động hợp đồng của Sở Giao thông vận tải được Ủy ban
nhân dân tỉnh giao trên cơ sở đề án vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Trách nhiệm
của Cảng vụ đường thủy nội địa
1. Xây dựng và ban hành hoặc trình cấp
có thẩm quyền ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ phận
chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Cảng vụ đường thủy nội địa.
2. Ban hành hoặc trình cấp có thẩm
quyền ban hành Quy chế làm việc của Cảng vụ đường thủy nội địa và các quy định
khác để đảm bảo hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa theo đúng quy định của
pháp luật.
Điều 7. Sửa đổi
và bổ sung Quy định
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu
có vướng mắc, phát sinh, Cảng vụ đường thủy nội địa báo cáo bằng văn bản với Sở
Giao thông vận tải để trình Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) xem xét sửa đổi,
bổ sung cho phù hợp./.