VIỆN KIỂM
SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
54/QĐ-VKSTC-V9
|
Hà Nội, ngày
21 tháng 02 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TRANG PHỤC VIỆN
KIỂM SÁT NHÂN DÂN, GIẤY CHỨNG MINH, GIẤY CHỨNG NHẬN CHỨC DANH PHÁP LÝ
NGÀNH KIỂM SÁT
VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ Luật tổ chức Viện kiểm
sát nhân dân số năm 2002;
Căn cứ Pháp lệnh Kiểm sát
viên Viện kiểm sát nhân dân năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của
Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân năm 2011;
Căn cứ Pháp lệnh Tổ chức điều
tra hình sự năm 2004;
Căn cứ Nghị quyết số
522b/NQ-UBTVQH13 ngày 16/8/2012 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về trang
phục đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát và Giấy chứng minh Kiểm
sát viên;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ
Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời việc
quản lý, sử dụng trang phục đối với cán bộ, công chức, viên chức Viện kiểm sát
nhân dân, Giấy chứng minh và Giấy chứng nhận chức danh pháp lý ngành Kiểm sát.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế
Quy định số 01/VKSTC-TCCB ngày 28 tháng 4 năm 2003 của Viện trưởng Viện kiểm
sát nhân dân tối cao.
Điều 3.
Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối
cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- UBTP Quốc hội (để b/cáo);
- Các đ/c Lãnh đạo Viện;
- Các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao,
63 VKSND tỉnh, TP tr/thuộc TW (để t/hiện);
- Đảng ủy, Công đoàn VKSND tối cao;
- Lưu V9, V11, VP.
|
VIỆN TRƯỞNG
Nguyễn Hòa Bình
|
QUY ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TRANG PHỤC VIỆN
KIỂM SÁT NHÂN DÂN, GIẤY CHỨNG MINH, GIẤY CHỨNG NHẬN CHỨC DANH PHÁP LÝ NGÀNH KIỂM
SÁT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 80/QĐ-VKSTC-V9 ngày 04
tháng 02 năm 2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)
Chương 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
1. Quy định này quy định tạm thời
việc quản lý, sử dụng trang phục Viện kiểm sát nhân dân, Giấy chứng minh và Giấy
chứng nhận chức danh pháp lý trong ngành Kiểm sát.
2. Quy định về quản lý, sử dụng
trang phục Viện kiểm sát nhân dân tại quy định này áp dụng đối với Kiểm sát
viên, Điều tra viên; Kiểm tra viên, chuyên viên, viên chức các ngạch, cán sự,
nhân viên thuộc biên chế của ngành Kiểm sát nhân dân và nhân viên hợp đồng theo
Nghị định số 68/NĐ-CP của Viện kiểm sát nhân dân các cấp (sau đây viết tắt là
cán bộ, công chức, viên chức).
3. Trang phục của Kiểm sát
viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên, của sỹ quan, quân nhân quốc phòng làm việc
tại Viện kiểm sát quân sự các cấp thực hiện theo Quy định về trang phục đối với
Quân đội nhân dân Việt Nam.
4. Quy định về quản lý, sử dụng
Giấy chứng minh và Giấy chứng nhận chức danh pháp lý trong ngành Kiểm sát tại
quy định này áp dụng đối với Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm
tra viên Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Viện kiểm sát quân sự các cấp; Thủ trưởng,
Phó Thủ trưởng, Điều tra viên Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao,
Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương.
Điều 2.
Giải thích từ ngữ
Một số từ ngữ trong Quy định
này được hiểu như sau:
1. "Quản lý trang phục
Viện kiểm sát nhân dân, Giấy chứng minh và Giấy chứng nhận chức danh pháp lý
trong ngành Kiểm sát”: quy định việc cấp, đổi, giữ lại, thu hồi và xử
lý vi phạm về sử dụng trang phục Viện kiểm sát nhân dân, Giấy chứng minh và Giấy
chứng nhận chức danh pháp lý ngành Kiểm sát.
2. "Sử dụng trang phục”:
quy định việc mặc quần áo trang phục thường dùng, lễ phục; gắn phù hiệu, cấp hiệu,
bộ cành tùng; đội mũ kêpi; đeo cà vạt; đeo biển tên, chức vụ và thắt lưng,
giày, dép.
Điều 3.
Yêu cầu sử dụng trang phục Viện kiểm sát nhân dân
1. Phải sử dụng đúng mục đích,
đúng đối tượng theo quy định.
2. Phải đồng bộ, nghiêm túc và
gọn gàng.
3. Cán bộ, công chức, viên chức
sử dụng trang phục thống nhất kể từ khi được cấp phát trang phục Viện kiểm sát
nhân dân theo mẫu quy định mới.
4. Nghiêm cấm việc sản xuất,
tàng trữ, mua bán, tặng, cho, cho mượn và sử dụng trang phục Viện kiểm sát nhân
dân, Giấy chứng minh và Giấy chứng nhận chức danh pháp lý ngành Kiểm sát trái
phép, sai mục đích; viết vẽ lên trang phục; sửa chữa, thay đổi quy cách, kiểu
dáng, màu sắc và chất liệu của trang phục.
Chương 2
TRANG PHỤC VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN, GIẤY CHỨNG MINH VÀ GIẤY CHỨNG NHẬN CHỨC DANH PHÁP LÝ NGÀNH KIỂM SÁT
Điều 4.
Trang phục Viện kiểm sát nhân dân
1. Trang phục thường dùng gồm:
quần, áo xuân-hè; quần, áo thu-đông; áo khoác chống rét; áo sơ mi dài tay; cà vạt;
thắt lưng; giày da; bít tất; dép quai hậu; áo mưa; bộ phù hiệu, bộ cấp hiệu, biển
tên.
2. Lễ phục: quần áo lễ phục mùa
hè; quần áo lễ phục mùa đông; áo sơ mi dài tay lễ phục mùa đông; bộ cành tùng
đơn gắn trên ve áo lễ phục; cuống đeo huân chương (dùng vào dịp đại lễ), trong
những ngày lễ, hội nghị và cuộc họp trang trọng của Đảng, Nhà nước và của ngành
Kiểm sát.
Điều 5. Giấy
chứng minh và Giấy chứng nhận chức danh pháp lý ngành Kiểm sát
1. Giấy chứng minh chức danh
pháp lý trong ngành Kiểm sát gồm: Giấy chứng minh Viện trưởng, Phó Viện trưởng,
Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp;
2. Giấy chứng nhận chức danh
pháp lý trong ngành Kiểm sát gồm: Giấy chứng nhận Thủ trưởng, Phó thủ trưởng,
Điều tra viên Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra
Viện kiểm sát quân sự trung ương; Giấy chứng nhận Kiểm tra viên Viện kiểm sát
nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp.
Chương 3
SỬ DỤNG TRANG PHỤC VIỆN
KIỂM SÁT NHÂN DÂN, GIẤY CHỨNG MINH VÀ GIẤY CHỨNG NHẬN CHỨC DANH PHÁP LÝ
NGÀNH KIỂM SÁT
Điều 6. Sử
dụng trang phục thường dùng
Cán bộ, công chức, viên chức
trong giờ làm việc, khi thực hiện nhiệm vụ, hội họp, học tập phải sử dụng trang
phục thường dùng, cụ thể như sau:
1. Mùa hè, mặc quần áo xuân hè,
đeo phù hiệu, cấp hiệu và đeo biển tên; mùa đông, mặc quần áo thu đông, thắt cà
vạt, đeo phù hiệu, cấp hiệu và đeo biển tên. Biển tên được đeo ở ngực áo bên phải,
cạnh dài phía dưới của biển tên song song sát trên nắp túi áo ngực.
2. Khi mặc trang phục xuân hè
áo kiểu sơ mi phải để áo trong quần, áo kiểu bludông phải để áo ngoài quần; khi
mặc trang phục không đeo trang sức, vật trang trí gây phản cảm.
3. Cán bộ, công chức, viên chức
các đơn vị từ tỉnh Thừa Thiên - Huế trở ra sử dụng trang phục theo mùa; mặc
trang phục xuân hè từ ngày 01 tháng 4 đến hết ngày 31 tháng 10 hàng năm, mặc
trang phục thu đông từ ngày 01 tháng 11 năm trước đến hết ngày 31 tháng 3 năm
sau. Cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị từ thành phố Đà Nẵng trở vào (trừ
tỉnh Lâm Đồng) mặc trang phục thường dùng xuân hè.
4. Trong thời gian giao mùa giữa
mùa hè và mùa đông hoặc những địa phương có thời tiết trong ngày khác nhau việc
thống nhất mặc trang phục thu đông, hoặc trang phục xuân hè do thủ trưởng cơ
quan, đơn vị quyết định.
5. Cán bộ, công chức, viên chức
mặc trang phục được đeo phù hiệu kết hợp với cấp hiệu, đội mũ bảo hiểm khi đi
đường bằng xe mô tô, xe gắn máy.
Điều 7. Sử
dụng lễ phục Viện kiểm sát nhân dân
1. Cán bộ, công chức, viên chức
mặc lễ phục Viện kiểm sát nhân dân trong các trường hợp sau:
a) Dự hội nghị tổng kết triển
khai công tác năm và hội nghị vinh danh Kiểm sát viên tiêu biểu, Điều tra viên
tiêu biểu của ngành Kiểm sát nhân dân;
b) Dự Đại hội Đảng; dự Đại hội
các tổ chức chính trị, xã hội;
c) Dự buổi khai mạc và bế mạc các
kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp;
d) Dự lễ đón tiếp lãnh đạo Đảng,
Nhà nước và đón khách quốc tế việc mặc lễ phục do đồng chí trưởng ban tổ chức
hoặc thủ trưởng đơn vị chủ trì quyết định;
e) Nhận huân chương, huy
chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước tại buổi lễ đón nhận;
g) Được bổ nhiệm, thăng chức,
vinh danh học hàm, học vị khoa học tại buổi lễ đón nhận;
h) Dự Đại hội thi đua toàn quốc,
Đại hội thi đua toàn ngành Kiểm sát nhân dân và Hội nghị điển hình tiên tiến
ngành Kiểm sát nhân dân;
i) Dự lễ tang cấp Nhà nước;
k) Mặc lễ phục Kiểm sát nhân
dân trong các trường hợp khác hoặc không theo mùa và không theo nhiệt độ ngoài
trời do trưởng ban tổ chức hoặc thủ trưởng đơn vị quyết định.
2. Cán bộ, công chức, viên chức
khi mặc lễ phục Viện kiểm sát nhân dân đeo huân chương, huy chương, kỷ niệm
chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước (nếu có) và được đeo ở ngực áo bên trái,
theo thứ tự từ phải qua trái, hạng bậc cao bên trên, hạng bậc thấp bên dưới
(đeo đầy đủ cuống, dải và thân huân chương, huy chương, kỷ niệm chương, danh hiệu
vinh dự Nhà nước) khi dự lễ do Nhà nước tổ chức, dự Đại hội thi đua, hội nghị
điển hình tiên tiến, gặp mặt truyền thống; đeo cuống huân chương, huy chương, kỷ
niệm chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước trong các trường hợp khác.
Điều 8. Đội
mũ
1. Cán bộ, công chức, viên chức
đội mũ kêpi khi mặc trang phục trong các trường hợp sau:
a) Kiểm sát khám nghiệm hiện
trường, thực nghiệm điều tra, kiểm sát cưỡng chế thi hành án, kê biên tài sản,
khi tham gia khai mạc phiên toà, kiểm sát Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, Trại
giam.
b) Trao và nhận huân chương,
huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng khác;
c) Trực ban hội nghị, hội thi,
buổi lễ; dự lễ tang cấp Nhà nước.
2. Đội mũ cứng, mũ bảo hiểm
(không phải trang phục) khi mặc trang phục trong trường hợp quy định tại Khoản
5, Điều 6 Quy định này.
3. Đội mũ bảo hiểm (không phải
trang phục) khi đi mô tô, xe gắn máy theo quy định của Chính phủ và Bộ Công an.
4. Khi mặc trang phục, nếu đội
mũ phải đội ngay ngắn, cài quai khi có yêu cầu.
Điều 9. Mặc
thường phục dân sự
1. Cán bộ, công chức, viên chức
trong giờ làm việc và khi thực hiện nhiệm vụ, hội họp được mặc thường phục dân
sự trong các trường hợp sau:
a) Do yêu cầu công tác hoặc
tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội;
b) Nữ cán bộ, công chức, viên
chức khi mang thai từ tháng thứ 3 đến khi sinh con được 6 tháng tuổi;
2. Mặc thường phục dân sự phải
lịch sự, gọn gàng theo quy định của Chính phủ về trang phục đối với công chức,
viên chức Nhà nước.
Chương 4
QUẢN LÝ TRANG PHỤC, GIẤY
CHỨNG MINH VÀ GIẤY CHỨNG NHẬN CHỨC DANH PHÁP LÝ
Điều 10.
Việc quản lý trang phục, Giấy chứng minh và Giấy chứng nhận chức danh pháp lý
1. Cán bộ, công chức, viên chức
không được sử dụng trang phục Kiểm sát nhân dân, Giấy chứng minh, Giấy chứng nhận
chức danh pháp lý vào mục đích tư lợi hoặc vào việc riêng; không được dùng Giấy
chứng minh, Giấy chứng nhận chức danh pháp lý thay giấy giới thiệu, giấy chứng
minh nhân dân hoặc các loại giấy tờ tuỳ thân khác; không được cho người khác mượn
trang phục, Giấy chứng minh, Giấy chứng nhận chức danh pháp lý; không được dùng
trang phục được cấp để làm quà biếu, tặng cho người khác.
2. Cán bộ, công chức, viên chức
khi mất Giấy chứng minh, Giấy chứng nhận chức danh pháp lý phải trình báo ngay
cho cơ quan công an nơi gần nhất và báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát hoặc thủ
trưởng cơ quan nơi mình đang công tác.
3. Cán bộ, công chức, viên chức
khi mất phù hiệu, cấp hiệu phải trình báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát hoặc thủ
trưởng đơn vị nơi mình đang công tác.
Điều 11. Thu
hồi, giữ lại trang phục Viện kiểm sát nhân dân
1. Cán bộ, công chức, viên chức
nghỉ hưu được giữ lại trang phục Viện kiểm sát nhân dân, phù hiệu, cấp hiệu để
dùng trong những ngày lễ, khi tham dự các buổi hội họp do ngành Kiểm sát tổ chức
mời dự.
2. Khi cán bộ, công chức, viên
chức chuyển Ngành hoặc bị buộc thôi việc thì đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ,
công chức, viên chức đó có trách nhiệm thu hồi phù hiệu, cấp hiệu, mũ kêpi đã cấp
và nộp lại cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Vụ Tổ chức cán bộ).
Điều 12.
Trường hợp cấp, đổi và thu hồi phù hiệu, cấp hiệu, Giấy chứng minh và Giấy chứng
nhận chức danh pháp lý
1. Phù hiệu, cấp hiệu hoặc Giấy
chứng minh, Giấy chứng nhận chức danh pháp lý bị mất hoặc bị hư hỏng, cán bộ,
công chức, viên chức phải có bản tường trình và đề nghị cấp lại. Viện kiểm sát
nhân dân tối cao chỉ xem xét cấp lại sau khi cán bộ, công chức, viên chức có bản
tường trình trong đó có xác nhận và đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân
dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Viện trưởng, Phó Viện trưởng
Viện kiểm sát, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Kiểm sát viên, Điều
tra viên và Kiểm tra viên các cấp được bổ nhiệm vào ngạch, chức danh cao hơn hoặc
thấp hơn ngạch, chức danh đang giữ; được điều động công tác từ Viện kiểm sát
nhân dân địa phương này đến Viện kiểm sát nhân dân địa phương khác, từ Viện kiểm
sát quân sự này đến Viện kiểm sát quân sự khác (không cùng cấp, sang tỉnh hoặc
quân khu, quân chủng khác), từ Viện kiểm sát nhân dân địa phương đến Viện kiểm
sát nhân dân tối cao và ngược lại, phải nộp lại Giấy chứng minh, Giấy chứng nhận
chức danh pháp lý đang giữ và được đổi Giấy chứng minh, Giấy chứng nhận chức
danh pháp lý mới theo ngạch, chức danh được bổ nhiệm.
3. Đối với cán bộ, công chức,
viên chức khi chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị thuộc ngành khác hoặc miễn
nhiệm phải nộp lại phù hiệu, cấp hiệu, Giấy chứng minh, Giấy chứng nhận
chức danh pháp lý cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân địa phương, thủ
trưởng đơn vị nơi mình công tác khi có quyết định.
4. Viện trưởng, Phó Viện trưởng
Viện kiểm sát, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Kiểm sát viên, Điều
tra viên và Kiểm tra viên được nghỉ hưu theo chế độ phải nộp lại Giấy chứng
minh, Giấy chứng nhận chức danh pháp lý cho Viện kiểm sát nhân dân địa
phương, đơn vị nơi mình công tác khi nhận quyết định.
5. Viện trưởng, Phó Viện
trưởng Viện kiểm sát, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Kiểm sát
viên, Điều tra viên và Kiểm tra viên bị cách chức danh hoặc buộc thôi việc
phải nộp lại phù hiệu, cấp hiệu, Giấy chứng minh, Giấy chứng nhận chức danh
pháp lý cho Viện kiểm sát địa phương, đơn vị nơi mình công tác khi có quyết định
cách chức hoặc buộc thôi việc.
6. Cán bộ, công chức,
viên chức khác không giữ chức danh pháp lý bị buộc thôi việc phải
nộp lại phù hiệu, cấp hiệu cho Viện kiểm sát nhân dân địa phương, đơn vị nơi
mình công tác khi có quyết định buộc thôi việc.
Chương 5
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ XỬ
LÝ VI PHẠM VỀ SỬ DỤNG TRANG PHỤC, GIẤY CHỨNG MINH VÀ GIẤY CHỨNG NHẬN CHỨC DANH
PHÁP LÝ
Điều 13. Xử
lý vi phạm về sử dụng trang phục, Giấy chứng minh và Giấy chứng nhận chức danh
pháp lý
1. Thanh tra, Vụ Tổ chức cán bộ,
Phòng tổ chức cán bộ, Thanh tra nhân dân Viện kiểm sát nhân dân các cấp có
trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở và kiểm tra, việc sử dụng trang phục Viện kiểm
sát nhân dân.
2. Cán bộ, công chức, viên chức
vi phạm các quy định về chế độ sử dụng trang phục Viện kiểm sát nhân dân, Giấy
chứng minh và Giấy chứng nhận chức danh pháp lý ngành Kiểm sát tại Quy định này
hoặc cho người khác mượn trang phục, Giấy chứng minh, Giấy chứng nhận chức danh
pháp lý để làm những việc vi phạm pháp luật thì cán bộ, công chức, viên chức đó
phải bị xử lý theo quy định của pháp luật tùy theo tính chất, mức độ hậu quả xảy
ra.
Điều 14.
Kiểm tra việc sử dụng trang phục Viện kiểm sát nhân dân
1. Ở cơ quan Viện kiểm sát nhân
dân tối cao và các Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương thành lập 01 (một) Tổ kiểm tra việc sử dụng trang phục, gồm đại diện các
đơn vị: Tổ chức cán bộ, Thanh tra, Văn phòng, Thanh tra nhân dân và phối hợp
tham gia của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể thuộc Viện kiểm
sát nhân dân các cấp.
2. Tổ kiểm tra do Thanh tra
nhân dân chủ trì, làm việc theo chế độ tập thể, có trách nhiệm giúp Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc thực
hiện Quy định này về sử dụng trang phục Viện kiểm sát nhân dân đối với cán bộ,
công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý theo định kì hoặc đột xuất.
3. Đưa kết quả kiểm tra việc sử
dụng trang phục của cán bộ, công chức, viên chức vào báo cáo công tác định kỳ,
là một trong những tiêu chuẩn để bình xét thi đua, đánh giá cán bộ hàng năm của
từng đơn vị, Viện kiểm sát nhân dân các cấp.
Điều 15.
Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Vụ Kế hoạch – Tài chính có
trách nhiệm: Tổ chức mua sắm, hướng dẫn và kiểm tra việc quản lý trang phục đối
với cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Kiểm sát nhân dân;
2. Vụ Tổ chức cán bộ có trách
nhiệm:
a) Hướng dẫn, làm, cấp, đổi,
thu hồi Giấy chứng minh và Giấy chứng nhận chức danh pháp lý cho toàn Ngành, đồng
thời quản lý, thu hồi Giấy chứng minh, Giấy chứng nhận chức danh pháp lý
và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy định này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn được giao;
b) Đảm bảo việc cấp, đổi và thu
hồi Giấy chứng minh, Giấy chứng nhận chức danh pháp lý phải được thực hiện cùng
lúc với việc trao quyết định bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý, chức danh pháp
lý đối với cán bộ, công chức, viên chức Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát
quân sự các cấp (bao gồm: bổ nhiệm lần đầu hoặc thay đổi chức vụ lãnh đạo,
quản lý, ngạch, chức danh);
c) Trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm
chức vụ lãnh đạo quản lý hoặc chức danh pháp lý đối với cán bộ, công chức, viên
chức của Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Viện kiểm sát quân sự các cấp (bao gồm: bổ
nhiệm lần đầu và bổ nhiệm nâng ngạch) yêu cầu phải có ảnh
kèm theo để làm Giấy chứng minh, Giấy chứng nhận chức danh pháp lý được kịp thời.
3. Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc
Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có
trách nhiệm:
a) Đề nghị cấp, đổi trang phục
đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền;
b) Thu hồi và đề nghị cấp đổi
phù hiệu, cấp hiệu Giấy chứng minh và Giấy chứng nhận chức danh pháp lý đối
với các trường hợp được quy định tại Điều 12 của Quy định này để giao nộp cho
Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Vụ Tổ chức cán bộ).
4. Thủ trưởng các đơn vị trực
thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách
nhiệm quán triệt, phổ biến, tổ chức thực hiện và kiểm tra cán bộ, công chức,
viên chức thuộc quyền quản lý thực hiện nghiêm túc Quy định này tại cơ quan,
đơn vị, địa phương mình.
Quá trình thực hiện Quy định
này nếu có vướng mắc, khó khăn, các cơ quan, đơn vị báo cáo về Viện kiểm sát
nhân dân tối cao (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để được hướng dẫn, giải đáp và báo cáo
lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định./.