Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 50/2005/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước Người ký: Nguyễn Văn Thỏa
Ngày ban hành: 23/05/2005 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/2005/QĐ-UB

Bình Phước, ngày 23 tháng 05 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM BUÔN BÁN PHỤ NỮ, TRẺ EM TỪ NĂM 2005 ĐẾN NĂM 2010.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 130/2004/QĐ-TTg ngày 14/07/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 đến năm 2010;

Xét đề nghị của Công an tỉnh tại Tờ trình số 06/TT-CAT(PC14) ngày 13/04/2005:

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2005 đến năm 2010, kèm theo Quyết định này, gồm những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội về công tác phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và giảm cơ bản vào năm 2010 tình trạng phụ nữ, trẻ em bị buôn bán.

2. Các Đề án chủ yếu của Chương trình:

a/ Đề án thứ nhất: Tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

b/ Đề án thứ hai: Đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

c/ Đề án thứ ba: Tiếp nhận và hỗ trợ những phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về.

d/ Đề án thứ tư: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

3. Tổ chức thực hiện, kinh phí của Chương trình:

- Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh và UBND các huyện, thị xã thực hiện Chương trình này.

- Kinh phí thực hiện Chương trình:

+ Từ ngân sách nhà nước (Ngân sách của tỉnh và ngân sách của địa phương).

+ Từ các nguồn huy động hợp pháp trong nước và ngoài nước, đóng góp của cộng đồng, tài trợ quốc tế…

Điều 2. Giao Giám đốc Công an tỉnh chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chương trình này.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- BCĐ 130/TW
- TTTU TT.HĐND tỉnh
- CT, PCT
- VKSND, TAND tỉnh
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể
- HĐND, UBND các huyện, thị
- LĐVP, CV
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thỏa

 

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM BUÔN BÁN PHỤ NỮ, TRẺ EM TỪ NĂM 2005 ĐẾN NĂM 2010.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 50/2005/QĐ-UB ngày 23 tháng 05 năm 2005 của UBND tỉnh).

Phần I

TÌNH HÌNH TỘI PHẠM BUÔN BÁN PHỤ NỮ, TRẺ EM VÀ CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA ĐẤU TRANH

I. TÌNH HÌNH TỘI PHẠM BUÔN BÁN PHỤ NỮ, TRẺ EM:

1/ Tình hình chung: Trong những năm gần đây tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em diễn ra ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Một số phụ nữ, trẻ em bị buôn bán trong nước, phần lớn bị buôn bán ra nước ngoài với nhiều hình thức và mục đích khác nhau. Trên địa bàn tỉnh Bình Phước thời gian qua đã có nhiều phụ nữ bị buôn bán qua biên giới chủ yếu qua các nước Trung Quốc, CamPuChia.. được sử dụng làm mại dâm trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoặc làm vợ một cách bất hợp pháp. Một số đối tượng đã lấy chồng ở Trung Quốc, CamPuChia…do nhu cầu lợi nhuận đã quay trở lại Việt Nam (trong đó có tỉnh Bình Phước) để dụ dỗ lừa gạt đưa người ra nước ngoài. Đa số nạn nhân do điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu công ăn việc làm, thiếu các thông tin về mua bán phụ nữ qua biên giới, một số gia đình do mâu thuẫn trong cuộc sống, bố mẹ bỏ nhau, sống không hạnh phúc, do trình độ văn hóa thấp, nhẹ dạ cả tin nên họ dễ bị bọn buôn bán người lừa gạt. Thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em rất đa dạng, xảo quyệt, tùy thuộc vào từng đối tượng mà chúng lừa gạt như dụ dỗ, hứa hẹn, giúp tìm công việc làm ở thành phố hay ở nước ngoài có thu nhập cao, sau đó đưa qua biên giới bán làm mại dâm, hoặc núp dưới danh nghĩa kết hôn với người nước ngoài. Các tổ chức đường dây tội phạm đều có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng, kể cả đối tượng ở nước ngoài. Vì vậy, việc điều tra phát hiện tội phạm gặp rất nhiều khó khăn.

2/ Về nguyên nhân: Tình hình trên là do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, tập trung ở một số vấn đề sau:

Về khách quan:

Trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, nhiều mâu thuẫn trong đời sống kinh tế - xã hội nảy sinh, nhất là phân hóa giàu nghèo, tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng. Một số khu vực nông thôn vùng sâu vùng xa, nhiều người có trình độ văn hóa thấp, nhiều phụ nữ, trẻ em và gia đình họ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị cuốn hút vào quá trình tìm kiếm công ăn việc làm ở đô thị hoặc nước ngoài; các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, tệ nạn mại dâm có chiều hướng lan rộng đến tận các vùng nông thôn, khu vực biên giới. Mặt khác, ở ngoài đặc biệt là Trung Quốc, Đài Loan nhu cầu tìm vợ hoặc tìm người phục vụ trong các cơ sở dịch vụ gia tăng, đã thúc đẩy nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài.

Do vị trí địa lý tỉnh Bình Phước giáp với các tỉnh bạn Campuchia có đường biên giới dài khoảng 240km, có nhiều đường mòn, cửa khẩu qua lại do vậy việc tuần tra kiểm soát khó khăn nên bọn tội phạm triệt để lợi dụng điều kiện này để đưa phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài mà lực lượng chức năng rất khó phát hiện.

Về mặt chủ quan:

Công tác tuyên truyền giáo dục ở cộng đồng về pháp luật, đạo đức lối sống còn hạn chế; Chưa phổ biến sâu rộng cho nhân dân hiểu được phương thức thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm. Sự nhẹ dạ cả tin và sự mất cảnh giác của người dân tạo điều kiện thuận lợi cho bọn tội phạm dễ dàng hoạt động, công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự còn nhiều sơ hở, bất cập.

Trình độ năng lực của cán bộ, chiến sĩ trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, điều tra khám phá tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em còn nhiều hạn chế, chưa có lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ đấu tranh chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, kinh phí trang thiết bị phục vụ chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh với loại tội phạm này.

II. CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, ĐẤU TRANH:

1/ Kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh:

Thời gian qua, công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em đã gắn liền với công tác phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội nói chung nhất khi Tỉnh Ủy ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 25/11/2002 và UBND tỉnh đã có kế hoạch số 01/KH-UB ngày 13/01/2003 về thực hiện chương trình mục tiêu 05 giảm: Tội phạm, ma túy, mại dâm, lây nhiễm HIV/AIDS và tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh, thì công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em đã được các Sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp quan tâm hơn và bước đầu cũng đem lại một số kết quả.

Công tác phòng ngừa được triển khai thực hiện với những nội dung trọng tâm là tuyên truyền giáo dục về chính sách pháp luật, các phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là các thủ đoạn dụ dỗ lừa gạt của bọn tội phạm buôn bán người. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức và tinh thần cảnh giác cho quần chúng nhân dân; thực hiện công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, quản lý các cơ sở kinh doanh nhà nghỉ..., quản lý các dịch vụ môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho người nước ngoài nhận con nuôi, xuất nhập cảnh nhằm kịp thời phát hiện các hành vi phạm tội và các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị buôn bán. Đối với phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài đã trở về, các ngành chức năng, các đoàn thể phối hợp với chính quyền địa phương cơ sở giúp họ sớm ổn định cuộc sống, tìm kiếm việc làm, tái hòa nhập cộng đồng.

Về công tác đấu tranh: Thời gian qua Công an tỉnh Bình Phước đã tiến hành rà soát và phát hiện một số vụ buôn bán phụ nữ ra nước ngoài, cụ thể đã tiến hành thụ lý điều tra làm rõ 04 vụ, nổi bật là các vụ:

- Vụ thứ nhất: Đưa phụ nữ ra nước ngoài qua cửa khẩu phía Bắc (Lào Cai), đã đưa trót lọt 01 phụ nữ ra nước ngoài (Trung Quốc). Ngày 13/07/2003 đối tượng Nguyễn Văn Vân, SN: 1969, HKTT: Ấp 3, xã Minh Hưng - Chơn Thành - Bình Phước. Trong quá trình tiếp tục thực hiện đưa người ra nước ngoài thì bị Công an Bình Phước phát hiện bắt giữ về hành vi tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài.

- Vụ thứ hai: Đối tượng lấy chồng nước ngoài (Trung Quốc) sau đó quay trở lại Việt Nam (Bình Phước) để đưa người ra nước ngoài. Đã đưa trót lọt 03 phụ nữ ra nước ngoài (Trung Quốc). Ngày 11/04/2004 đối tượng Mai Thị Kim Anh, SN: 1985, HKTT: 46/2 Trần Hưng Đạo, phường 17, quận Tân Bình, TP.HCM. Tiếp tục thực hiện hành vi dụ dỗ đưa người ra nước ngoài thì bị lực lượng Công an tỉnh Bình Phước bắt giữ về hành vi tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài.

- Vụ thứ ba: Đưa người ra nước ngoài qua cửa khẩu Hoa Lư, Hoàng Diệu - Lộc Ninh - Bình Phước. Đã đưa trót lọt 08 phụ nữ ra nước ngoài (Cam PuChia). Qua vụ việc xảy lực lượng Công an Bình Phước đã phát hiện bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Tiền, SN: 1960, HKTT: Ấp Thuận Hòa, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh về hành vi tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài.

2/ Một số hạn chế trong công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em:

Thời gian qua, nhìn chung công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em của các ngành, các cấp từ tỉnh đến địa phương còn thiếu đồng bộ, tỷ lệ phát hiện điều tra khám phá các vụ án buôn bán phụ nữ, trẻ em còn thấp so với thực tế đã xảy ra. Công tác điều tra cơ bản nắm tình hình chưa thường xuyên, chưa kịp thời. Công tác phát hiện các vụ việc còn mang tính thụ động, thường dựa vào đơn tố giác của người bị hại hoặc gia đình. Công tác quản lý nhân hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng chưa được tốt, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Cán bộ làm công tác trong lĩnh vực này ở các ngành, các cấp chưa mang tính chuyên sâu, tổ chức lực lượng và các trang thiết bị phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay.

Phần II

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM BUÔN BÁN PHỤ NỮ, TRẺ EM TỪ NĂM 2005 ĐẾN NĂM 2010

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1/ Phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em là vấn đề mang tính xã hội cao, phải đặt trong mối quan hệ giữa phòng, chống tội phạm với giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính quyền; sự phối hợp của các ngành, đoàn thể và huy động sự tham gia của toàn xã hội.

2/ Lấy việc phòng ngừa là chính, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa với đấu tranh xử lý tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em phù hợp với pháp luật hiện hành.

II. MỤC TIÊU

1/ Mục tiêu chung: Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, điều tra xử lý tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, từng bước kìm chế làm giảm cơ bản vào năm 2010 tình trạng phụ nữ và trẻ em bị buôn bán.

2/ Mục tiêu cụ thể: Từ năm 2005 đến năm 2006: Kiện toàn và nâng cao năng lực của các lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh triệt phá các tổ chức, đường dây tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, phấn đấu làm giảm 20% tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2007 đến năm 2010: Nâng cao tính chủ động và hiệu quả trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa, điều tra xử lý nhằm tiếp tục làm giảm và giảm trên 50% tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em trên phạm vi toàn tỉnh vào năm 2010.

III. NỘI DUNG VÀ CÁC ĐỀ ÁN CHỦ YẾU CỦA CHƯƠNG TRÌNH:

1/ Nội dung của Chương trình:

Tổ chức điều tra cơ bản, phân tích dự báo tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em. Tuyên truyền, giáo dục, phát động phong trào quần chúng nhân dân phát hiện, phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, tại gia đình, cộng đồng dân cư, cơ quan và tổ chức. Đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và các loại tội phạm khác có liên quan, nhất là tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài có tổ chức và có tính quốc tế. Hỗ trợ giáo dục, tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán, tiếp nhận phụ nữ và trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài trở về. Kiện toàn và đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em.

2/ Kế hoạch thực hiện các đề án:

Kế hoạch thực hiện đề án thứ nhất: Tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Tập trung vào việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục thường xuyên, dưới nhiều hình thức, tổ chức các chiến dịch truyền thông rộng khắp trên toàn tỉnh, đặc biệt là các vùng trọng điểm, các nhóm đối tượng nguy cơ cao; lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội; hỗ trợ tư vấn cho các gia đình nạn nhân và những phụ nữ, trẻ em có nguy cơ bị buôn bán.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì, phối hợp Báo Bình Phước, Đài Phát thanh Truyền hình, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Sở Văn hóa - Thông tin, Tỉnh đoàn thanh niên và các sở, ngành liên quan tham gia thực hiện Kế hoạch này.

Kế hoạch thực hiện đề án thứ 2: Đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Tập trung vào các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và các tội phạm khác có liên quan, nhất là đối với tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài, tội phạm hoạt động có tổ chức.

Kiên quyết truy bắt các đối tượng phạm tội còn lẩn trốn, không để những đối tượng này tiếp tục phạm tội hoặc phát triển thành các nhóm tội phạm mới.

Tiểu dự án 1: Triển khai công tác ở khu vực nội địa trong tỉnh do Công an tỉnh chủ trì - Tiểu dự án 2: Triển khai công tác ở khu vực biên giới của tỉnh do Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì.

Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và các Sở, ban, ngành khác phối hợp thực hiện.

Kế hoạch thực hiện đề án thứ 3: Tiếp nhận và hỗ trợ những phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về.

Tập trung vào việc kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu biên giới, đường bộ; phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng nước bạn có chung đường biên giới và các ngành hữu quan tiến hành các thủ tục tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chủ trì tiếp nhận, làm thủ tục bàn giao; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giáo dục, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Kế hoạch thực hiện đề án thứ 4: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ các văn bản và quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em trên lĩnh vực: Pháp luật hình sự, hành chính, hôn nhân và cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, du lịch và xuất khẩu lao động, xuất nhập cảnh, xử lý vi phạm và tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân.

Sở Tư pháp chủ trì nghiên cứu kiến nghị và đề xuất các ý kiến lên các cấp có thẩm quyền, các sở, ban, ngành khác tham gia.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

I. TỔ CHỨC ĐIỀU HÀNH:

Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em đến năm 2010 có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của nhiều Sở, ban, ngành. Vì vậy, cần tổ chức thực hiện đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể.

Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, một lãnh đạo Công an tỉnh làm Phó Trưởng ban. Các Sở, ban, ngành: Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Văn phòng UBND tỉnh cử 01 lãnh đạo làm thành viên. Mời UBMTTQVN tỉnh, VKSND tỉnh, TAND tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và Tỉnh đoàn tham gia làm thành viên.

Các huyện, thị xã thành lập Tiểu ban thực hiện Chương trình, thành phần Tiểu ban tương tự như ở cấp tỉnh.

II. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM:

1/ Công an tỉnh: Chủ trì thực hiện đề án có trách nhiệm lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong đề án theo phạm vi chức năng nhiệm vụ của ngành Công an (Tiểu dự án 1); phối hợp với các sở, ban, ngành được nêu trong đề án thực hiện các giải pháp theo chức năng nhiệm vụ của từng ngành; phối hợp với UBND các huyện, thị chỉ đạo Công an các huyện, thị, giúp Ban chỉ đạo tỉnh theo dõi, đôn đốc các Sở, ban, ngành và địa phương thực hiện đề án và tổng hợp kết quả báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

2/ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng: Lập kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong đề án theo chức năng nhiệm vụ của mình (Tiểu dự án 2); tập trung chủ yếu vào công tác đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ở khu vực biên giới.

3/ Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng làm tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; có kế hoạch chỉ đạo và thực hiện các giải pháp khác của đề án trong thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ của ngành.

4/ Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các Sở, ban, ngành khác lập kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong đề án thuộc chức năng của ngành Tư pháp, tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu đề xuất bổ sung lên cấp có thẩm quyền để từng bước hoàn chỉnh hệ thống pháp luật có liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

5/ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Y tế, Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ, UBND huyện, thị tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài trở về, đưa số mắc bệnh xã hội vào các Cơ sở chữa bệnh.

6/ Sở Tài chính đảm bảo cấp kinh phí đầy đủ, đúng thời gian quy định theo dự toán đã dược duyệt của đề án; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra các cơ quan cấp tỉnh và địa phương sử dụng kinh phí đúng quy định.

7/ Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan liên quan và chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn tại cộng đồng về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ và giúp đỡ cho số phụ nữ, trẻ em bị buôn bán trở về tái hòa nhập cộng đồng.

8/ Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em chỉ đạo và phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tình trạng trẻ em bị buôn bán, bị xâm hại tình dục.

9/ Các Sở, ban, ngành có kế hoạch chỉ đạo việc thực hiện các nội dung, biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em trong phạm vi trách nhiệm quyền hạn của mình.

10/ UBND các huyện, thị có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung và đề án của Chương trình phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, nhất là đề án 1,2,3, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể phù hợp với tình hình của địa phương; Chọn các địa bàn triển khai điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung. Xác định rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trong việc thực hiện Chương trình này.

11/ Đề nghị UBMTTQVN tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành và các cấp chính quyền trong việc vận động giáo dục, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH: Kinh phí thực hiện Chương trình này được huy động từ nhiều nguồn:

1/ Ngân sách trung ương: Gồm kinh phí chương trình hỗ trợ có mục tiêu của Chính Phủ dành cho các nhiệm vụ thực hiện công tác phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em.

2/ Ngân sách địa phương: Hàng năm địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách cho các hoạt động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án khác trên địa bàn.

3/ Từ nguồn huy động hợp pháp khác ở trong và ngoài nước (đóng góp của cộng đồng, tài trợ quốc tế...)

Vốn được ngân sách Nhà nước cấp hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước do Ban chỉ đạo chương trình và lập kế hoạch phân bổ trình UBND tỉnh quyết định và trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị có trách nhiệm tổ chức thực hiện, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình; xây dựng kế hoạch từng giai đoạn, từng năm để thực hiện Chương trình và các dự án một cách phù hợp và có hiệu quả./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 50/2005/QĐ-UB phê duyệt Chương trình hành động phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ ngày 23/05/2005 đến năm 2010 do tỉnh Bình Phước ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.195

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.89.152
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!