QUY CHẾ
VỀ VIỆC NÂNG BẬC LƯƠNG TRƯỚC THỜI HẠN ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG
CHỨC, VIÊN CHỨC LẬP THÀNH TÍCH XUẤT SẮC TRONG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 49/2006/QĐ-UBNDngày 20 tháng 6 năm 2006 của
UBND tỉnh Bình Thuận)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi thực
hiện
Quy chế này quy định việc nâng bậc lương trước
thời hạn và quy trình thực hiện đối với cán bộ, công chức, viên chức lập thành
tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.
Điều 2. Đối tượng
1. Đối tượng áp dụng:
Những người là cán bộ, công chức, viên chức (kể
cả công chức cấp xã); người làm việc theo chế độ hợp đồng (trừ các đối tượng được
quy định tại khoản 2 dưới đây) trong các cơ quan và đơn vị sự nghiệp của Nhà nước
được thỏa thuận trong bản hợp đồng lao động xếp lương theo ngạch, bậc công chức,
viên chức và chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh.
2. Đối tượng không áp dụng:
a) Những người làm việc theo chế độ hợp đồng chờ
thi tuyển, công chức dự bị, hợp đồng thử việc, hợp đồng có thời hạn dưới một
năm, hợp đồng thời vụ, hợp đồng đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực theo quy định
của Nhà nước;
b) Cán bộ chuyên trách cấp xã; cán bộ, công chức,
viên chức không hưởng lương từ ngân sách địa phương.
Điều 3. Điều kiện áp dụng
Cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc
theo chế độ hợp đồng quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy chế này hội đủ 3 điều kiện
(1, 2, 3) dưới đây thì được xem xét nâng bậc lương trước thời hạn:
1. Lập thành tích xuất sắc đã được cấp có thẩm
quyền quyết định công nhận (bằng văn bản) trong thực hiện nhiệm vụ và được khen
thưởng bằng một trong các hình thức sau:
a) Huân chương Lao động các hạng;
b) Anh hùng Lao động;
c) Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng cấp Nhà
nước, giải thưởng Quốc tế;
d) Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
e) Bằng khen của Bộ, Ngành, Trung ương về thành tích
công tác trong năm (không tính các bằng khen về phong trào, đột xuất);
g) Bằng khen của UBND tỉnh về thành tích công
tác trong năm;
h) Chiến sĩ Thi đua toàn quốc;
i) Chiến sĩ Thi đua cấp tỉnh;
Các thành tích khen thưởng do lập thành tích xuất
sắc trong thực hiện nhiệm vụ nói trên chỉ được tính kể từ ngày 01/10/2004 trở về
sau để làm căn cứ bình chọn.
2. Trong thời gian giữ bậc lương, được cấp có thẩm
quyền đánh giá về kết quả đánh giá công chức định kỳ hàng năm (theo quy định của
Bộ Nội vụ) đạt từ loại khá trở lên.
3. Còn thiếu thời gian để được nâng bậc lương
thường xuyên từ 01 tháng đến 12 tháng.
Chương II
CHẾ ĐỘ NÂNG BẬC LƯƠNG
TRƯỚC THỜI HẠN
Điều 4. Tiêu chuẩn
nâng bậc lương trước thời hạn
1. Áp dụng nâng bậc lương trước thời hạn 06
tháng đối với:Cán bộ, công chức, viên chức đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và
khoản 3 Điều 3 Quy chế này, đồng thời đạt thành tích, được khen thưởng bằng một
trong các hình thức: Bằng khen của Bộ, Ngành, Trung ương; Bằng khen của UBND tỉnh;
Chiến sĩ Thi đua cấp tỉnh quy định tại các điểm e, g và i khoản 1 Điều 3 Quy chế
này.
2. Áp dụng nâng bậc lương trước thời hạn 12
tháng đối với:
Cán bộ, công chức, viên chức đủ điều kiện quy định
tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Quy chế này, đồng thời đạt thành tích, được khen
thưởng bằng một trong các hình thức: Huân chương Lao động các hạng; Anh hùng
Lao động; Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng cấp Nhà nước, giải thưởng Quốc tế;
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chiến sĩ Thi đua toàn quốc quy định tại các
điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 3 Quy chế này.
Điều 5. Nguyên tắc xét nâng
bậc lương trước thời hạn
1. Không thực hiện liên tiếp hai lần nâng bậc
lương trước thời hạn đối với một cá nhân cán bộ, công chức, viên chức.
2. Đảm bảo đúng đối tượng và các điều kiện được
quy định tại Điều 2, Điều 3 của Quy chế này.
3. Trong thời gian giữ bậc lương không bị cấp có
thẩm quyền xử lý vi phạm kỷ luật ở bất kỳ hình thức nào theo quy định của Pháp
lệnh Cán bộ, công chức.
4. Xét hết số người có cấp độ thành tích được
nâng bậc lương trước thời hạn 12 tháng rồi mới xét đến số người có cấp độ thành
tích được nâng bậc lương trước thời hạn 06 tháng.
Điều 6. Quy trình xét nâng bậc
lương trước thời hạn
1. Hàng năm, cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ,
công chức, viên chức tổ chức Hội nghị công nhân viên chức để bình chọn danh
sách các đối tượng được đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn.
2. Căn cứ vào danh sách được Hội nghị công nhân
viên chức đề nghị, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thành lập Hội đồng nâng lương trước
thời hạn, thành phần gồm: Thủ trưởng đơn vị, đại diện: cấp ủy, Ban chấp hành
Công đoàn và Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cùng cấp để quyết định số lượng
và danh sách cụ thể các đối tượng được nâng bậc lương trước thời hạn theo quy định;
đồng thời niêm yết công khai danh sách các đối tượng được xét nâng lương trước
thời hạn để cán bộ, công chức, viên chức biết và phản hồi ý kiến. Trong trường
hợp có ý kiến trái ngược với danh sách được chọn thì Thủ trưởng đơn vị là người
quyết định sau cùng và chịu trách nhiệm với cấp có thẩm quyền về quyết định của
mình.
3. Nội dung và kết quả họp xét phải được ghi
chép bằng biên bản để lưu hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị,
địa phương và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định theo phân cấp quản
lý cán bộ, công chức, viên chức hiện hành.
Điều 7. Cách tính số người
được nâng bậc lương trước thời hạn hàng năm
Số người được nâng bậc lương trước thời hạn hàng
năm không quá 5% (chỉ tính phần số nguyên) chỉ tiêu biên chế được giao thực hiện
(không tính chỉ tiêu công chức dự bị).
Chỉ tiêu nâng bậc lương trước thời hạn của năm
nào thì thực hiện hết trong năm đó. Nếu đến hết quý I năm sau liền kề, cơ quan,
đơn vị và địa phương không thực hiện hết chỉ tiêu trong năm thì không được cộng
dồn vào chỉ tiêu của năm tiếp theo để tính.
Riêng các đơn vị có số biên chế ít thì được tính
như sau:
a) Đơn vị có số biên chế dưới 10 người, thì cứ
03 năm được 01 chỉ tiêu nâng bậc lương trước thời hạn;
b) Đơn vị có số biên chế từ 10 đến dưới 20 người,
thì cứ 02 năm được 01 chỉ tiêu nâng bậc lương trước thời hạn.
Điều 8. Hồ sơ thủ tục
Hồ sơ lưu về nâng bậc lương trước thời hạn của
cán bộ, công chức, viên chức gồm có:
1. Văn bản chứng nhận thành tích của cấp có thẩm
quyền (bản photocopy).
2. Biên bản họp bình xét của Hội đồng nâng lương
trước thời hạn của đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.
3. Bản đánh giá công tác cán bộ, công chức, viên
chức hàng năm của cấp có thẩm quyền.
Riêng đối với các chức danh ngạch công chức và
các chức danh lãnh đạo thuộc thẩm quyền nâng lương của Chủ tịch UBND tỉnh và
Trung ương thì bổ sung thêm Tờ trình của đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công
chức, viên chức có ý kiến của cơ quan chủ quản về đề nghị nâng bậc lương trước
thời hạn gửi Thường trực Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy) đối với cơ quan Đảng,
Mặt trận, Đoàn thể; gửi UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) đối với các cơ quan, đơn vị,
địa phương thuộc khối Nhà nước.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trách nhiệm thi hành
1. Đối với cơ quan, đơn vị trực thuộc các sở,
ngành và địa phương.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc các sở,
ngành và địa phương (sau đây gọi chung là đơn vị cơ sở) có trách nhiệm:
a) Tổ chức học tập, quán triệt sâu kỹ các văn bản
của Trung ương, của tỉnh quy định về chế độ nâng bậc lương trước thời hạn trong
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị và địa phương mình nhằm
đảm bảo tính dân chủ, công khai và minh bạch;
b) Thống kê, dự kiến danh sách và thời gian cán
bộ, công chức được xét nâng bậc lương trước thời hạn;
c) Tổ chức họp với cấp ủy và Ban chấp hành Công
đoàn cùng cấp để xem xét, có ý kiến thống nhất đề nghị số người nâng lương trước
thời hạn trong cơ quan, đơn vị;
d) Thông báo công khai danh sách những người được
xét nâng bậc lương trước thời hạn trong cơ quan, đơn vị và địa phương;
e) Giải thích những kiến nghị, vướng mắc trong
việc thực hiện chế độ nâng bậc lương trước thời hạn;
f) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định
nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc đơn vị
theo phân cấp hiện hành của UBND tỉnh.
2. Đối với các sở, cơ quan ngang sở, đơn vị thuộc
UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố:
a) Xét duyệt và ra quyết định nâng bậc lương trước
thời hạn cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc đơn vị theo phân cấp hiện hành
của UBND tỉnh;
b) Có tờ trình đề nghị UBND tỉnh nâng lương trước
thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức diện UBND tỉnh và Trung ương quản
lý;
c) Kiểm tra việc thực hiện chế độ nâng bậc lương
thường xuyên và nâng lương trước thời hạn ở đơn vị cơ sở thuộc phạm vi quản lý.
3. Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm:
a) Giúp UBND tỉnh theo dõi kiểm tra, thanh tra
việc thực hiện nâng bậc lương trước thời hạn ở các cơ quan, đơn vị và địa
phương trong tỉnh;
b) Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định nâng bậc
lương trước thời hạn đối với các chức danh, ngạch do UBND tỉnh quản lý theo
phân cấp hiện hành;
c) Tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Nội vụ thỏa thuận
nâng bậc lương trước thời hạn đối với các ngạch chuyên viên cao cấp và tương
đương;
d) Tổng hợp báo cáo theo quy định.
Điều 10. Thời gian áp dụng
Chế độ nâng bậc lương trước thời hạn do đạt
thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ quy định tại Quy chế này được áp dụng
kể từ ngày 01/10/2004.
Điều 11. Chế độ báo cáo
Định kỳ vào tháng 12 hàng năm, các sở, cơ quan
ngang sở, đơn vị thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
báo cáo tình hình thực hiện và kết quả việc nâng bậc lương trước thời hạn (theo
Mẫu số 1 và Mẫu số 2 Thông tư số 03/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ)
về Sở Nội vụ để theo dõi, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nội vụ theo quy định.
Điều 12. Bản Quy chế này được phổ biến đến cán bộ, công chức, viên
chức và được công khai trong cơ quan, đơn vị, địa phương và làm căn cứ thực hiện
việc nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức lập
thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao./.