ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
49/2004/QĐ.UBBT
|
Phan Thiết, ngày
23 tháng 6 năm 2004
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC: BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT
ĐỘNG KHOÁNG SẢN VÀ PHÂN CẤP CẤP GIẤY PHÉP KHAI THÁC TẬN THU KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH BÌNH THUẬN.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân đã được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Luật Khoáng sản đã được Quốc hội
khoá IX, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 20/3/1996;
- Căn cứ Nghị định 76/2000/NĐ-CP ngày
15/12/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản (sửa đổi);
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và
Môi trường Bình Thuận tại Tờ trình số 226 TNMT/QLTN ngày 09/6/2004;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy định phân công
quản lý Nhà nứơc về hoạt động khoáng sản và phân cấp cấp giấy phép khai thác tận
thu khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.
Điều 2: Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Quyết định này thay thế Quyết định số 74/2002/QĐ-UBBT ngày 11/12/2002 của Uỷ
ban nhân dân Tỉnh và những quy định của Uỷ ban nhân dân Tỉnh trước đây trái với
quy định này đều được bãi bỏ.
Điều 3: Các ông Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân
Tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các Huyện,
Thành phố và Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành liên quan căn cứ Quyết định thi
hành./.
Nơi nhận:
- Như điều 3
- Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp)
- T.T Tỉnh ủy (b/c)
- T.T HĐND Tỉnh (b/c)
- Chủ tịch, các PCT.UBND Tỉnh
- Sở Tư pháp
- Lưu:
+ VP/UB
+ NLN
|
TM. UBND TỈNH
BÌNH THUẬN
CHỦ TỊCH
Hùynh Tấn Thành
|
BẢN QUY ĐỊNH
PHÂN CÔNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN VÀ PHÂN CẤP
CẤP GIẤY PHÉP KHAI THÁC TẬN THU KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 49 /2004/QĐ/UBBT ngày 23 tháng 6 năm 2004
của UBND tỉnh Bình Thuận).
CHƯƠNG I:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG :
Điều 1: Uỷ ban nhân dân Tỉnh thống nhất quản lý Nhà nước về tài
nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong đó có phân công, phân cấp
cho các ngành, các cấp theo quy định của pháp luật và theo quy định này.
Điều 2: Mọi tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh
Bình Thuận, ngoài việc chấp hành nghiêm túc Luật Khoáng sản, Nghị định
76/2000/NĐ-CP của Chính phủ, các văn bản quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường
và Bộ, Ngành liên quan, còn phải chấp hành quy định này.
Điều 3: Mọi hoạt động khoáng sản kể cả khai thác đất, cát, sỏi bồi
nền, san lấp công trình đều phải có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Nếu những giấy phép nào do Bộ trưởng Bộ Tài
nguyên và Môi trường cấp thì Sở Tài nguyên và Môi trường phải sao gửi cho Sở
Công nghiệp, Uỷ ban nhân dân Huyện, Thành phố và Uỷ ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn liên quan (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân Huyện và Uỷ ban nhân dân
Xã); nếu do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp
thì phải gửi bản chính đến Sở Công nghiệp, Uỷ ban nhân dân Huyện, Xã nơi có khu
vực được cấp giấy phép.
Khi phát hiện tổ chức, cá nhân đang hoạt động
khoáng sản trên địa bàn xã nào thì Uỷ ban nhân dân xã đó có quyền yêu cầu tổ chức,
cá nhân xuất trình giấy phép hoạt động khoáng sản.
Điều 4: Nếu hoạt động khoáng sản cần phải giao đất để thực hiện thì
khi tiến hành giao cột mốc theo tọa độ được ghi trên giấy phép khai thác, ngoài
các thành phần tham gia bàn giao theo quy định còn phải có cán bộ Tài nguyên và
Môi trường của Huyện, Xã tham gia cùng ký vào biên bản.
Điều 5: Khu vực hoạt động
khoáng sản bao gồm:
5.1. Khu vực hạn chế là khu vực hoạt động khoáng
sản chỉ được tiến hành theo các điều kiện hạn chế do Chính phủ quy định.
5.2. Khu vực đấu thầu là khu vực hoạt động
khoáng sản chỉ được tiến hành theo kết quả đấu thầu.
5.3. Khu vực thông thường là khu vực hoạt động
khoáng sản không theo các quy định tại các điểm 5.1, 5.2 của điều này.
Hoạt động khoáng sản hợp pháp là hoạt động khảo
sát, điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trong phạm vi xác định
trong giấy phép được cấp có thẩm quyền cấp theo điều 9 - Nghị định
76/2000/NĐ-CP ngày 15/12/2000 của Chính phủ và theo phân cấp của quy định này.
Điều 6: Khu vực khoáng sản chưa khai thác là khu vực không thuộc điều
5 trên đây, có khoáng sản đã được điều tra hoặc chưa được điều tra, đã có quy
hoạch khai thác hoặc chưa có quy hoạch khai thác kể cả khu vực khai thác tận
thu đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có quyết định công nhận, khu
vực đất bồi nền, cát sỏi lòng sông nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy
phép cho tổ chức, cá nhân để tiến hành khai thác.
Điều 7: Khu vực cấm hoạt động
khoáng sản là khu vực không được hoạt động khoáng sản nhằm để bảo vệ hoặc để
dành riêng cho mục đích quan trọng khác của Nhà nước hoặc xã hội theo quy định
của pháp luật, gồm các khu vực:
- Có di tích lịch sử, di tích văn hóa, khu vực
khảo cổ;
- Rừng phòng hộ, rừng bảo tồn thiên nhiên;
- Thuộc phạm vi bảo vệ đê, kè, bờ sông, cầu, quốc
lộ, tuyến đường sắt, kè thuỷ lợi, đường dây dẫn điện cao áp;
- Dành riêng cho tôn giáo;
- Đất cho mục đích quốc phòng, an ninh;
Trong các khu vực này không được xem xét đề xuất
cấp giấy phép hoạt động khoáng sản. Trường hợp khai thác khoáng sản nhưng không
sử dụng đất trong khu vực (như khai thác nước khoáng, nước nóng dẫn đến khu vực
khác sử dụng, chế biến) thì trước khi đề xuất cấp giấy phép phải lấy ý kiến thỏa
thuận của cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan.
CHƯƠNG II:
PHÂN CÔNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
VỀ KHOÁNG SẢN
Điều 8: Sở Tài nguyên và Môi trường giúp Uỷ ban nhân dân Tỉnh thực
hiện chức năng quản lý Nhà nước về khoáng sản. Nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Tài
nguyên và Môi trường được quy định tại Thông tư Liên tịch số
01/2003/TTLT-BTNMT-BNV ngày 15/7/2003 của Liên Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ
Nội vụ.
Ngoài việc chịu trách nhiệm chung quản lý Nhà nước
về khoáng sản, Uỷ ban nhân dân Tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên và Môi trường
chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức,
cá nhân được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản trong các khu
vực thuộc điều 5 của Bản Quy định này.
Điều 9: Uỷ ban nhân dân Tỉnh giao Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Huyện chịu
trách nhiệm quản lý các khu vực thuộc điều 6 của bản Quy định này. Trên cơ sở
đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Huyện giao cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Xã quản lý
trong phạm vi địa giới hành chính của xã. Nếu để xảy ra hoạt động khoáng sản
trái phép trong khu vực khoáng sản chưa khai thác thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
Huyện và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân Tỉnh.
- Giúp Uỷ ban nhân dân Huyện trong công tác quản
lý Nhà nước về khoáng sản là Phòng Tài nguyên và Môi trường. Giúp Uỷ ban nhân
dân xã trong quản lý Nhà nước về khoáng sản là cán bộ Tài nguyên và Môi trường
xã.
Điều 10: Các Sở, Ngành theo chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm
phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên
khoáng sản và hoạt động khoáng sản. Thủ trưởng các cơ quan quản lý chuyên ngành
ngoài việc thực hiện quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được được phân công còn
có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản trong khu vực cấm hoạt động khoáng
sản quy định tại điều 7 của Bản Quy định này. Cụ thể là :
- Sở Giao thông -Vận tải: Hành lang bảo vệ công
trình giao thông
- Sở Công nghiệp: Hành lang bảo vệ an toàn lưới
điện cao áp.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hành
lang bảo vệ các công trình thủy lợi, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
- Sở Văn hóa - Thông tin: Các di tích lịch sử,
các di tích văn hóa, khu vực khảo cổ.
- Chi cục Kiểm lâm: Rừng đặc dụng, rừng bảo tồn
thiên nhiên.
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Huyện: Ngoài chức
năng quản lý theo điều 9 của Bản Quy định này, đồng thời quản lý khu vực dành
riêng cho tôn giáo.
- Giám đốc Công an Tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ
huy Quân sự Tỉnh: khu vực đất dành riêng cho an ninh, quốc phòng.
Điều 11: Thanh tra, kiểm
tra quản lý Nhà nước về khoáng sản:
11.1. Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện
thanh tra chuyên ngành về hoạt động khoáng sản theo quy định của Chính phủ. Nội
dung thanh tra:
- Việc chấp hành pháp luật khoáng sản và bảo vệ
môi trường trong hoạt động khoáng sản ở các địa phương, đơn vị.
- Công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa
khai thác.
- Việc thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của tổ chức,
cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản.
- Việc thực hiện các nội dung của giấy phép hoạt
động khoáng sản trong các khu vực hoạt động khoáng sản được quy định tại điều 5
của Bản Quy định này.
11.2. Uỷ ban nhân dân Huyện chỉ đạo thanh tra
Huyện phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện thanh tra, kiểm tra
trong các khu vực khoáng sản chưa khai thác theo điều 6 của Bản Quy định này
thuộc phạm vi địa phương quản lý. Khi có đề nghị thì cử cán bộ tham gia đoàn
thanh tra do Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất.
11.3. Các đơn vị thuộc các Sở, Ngành được phân
công quản lý các khu vực cấm hoạt động khoáng sản theo điều 10 của Bản Quy định
này, ngoài việc kiểm tra bảo vệ đối tượng được quản lý còn phải phối hợp với
chính quyền địa phương và ngành Tài nguyên và Môi trường trong việc ngăn chặn
hoạt động khoáng sản trái phép
Điều 12: Hoạt động khoáng sản
trái phép trong các khu vực cấm hoạt động khoáng sản được quy định tại điều 7 của
Bản quy định này thì do các Sở, Ngành quản lý chuyên ngành kiểm tra và xử lý
theo quy định của các Nghị định xử phạt hành chính trong quản lý Nhà nước về
lĩnh vực tương ứng.
Trường hợp chưa có Nghị định xử phạt hành chính
trong quản lý Nhà nước về lĩnh vực tương ứng thì chuyển sang xử phạt theo Nghị
định 35/CP ngày 23/4/1997 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về khoáng sản. Trường hợp này các Sở, Ngành quản
lý chuyên ngành lập biên bản chuyển cho Uỷ ban nhân dân Huyện xem xét ra quyết
định xử phạt.
Điều 13: Xử phạt hành chính
trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về khoáng sản:
Căn cứ Nghị định 35/CP ngày 23/4/1997 của Chính
phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về khoáng sản,
Uỷ ban nhân dân Tỉnh phân định trách nhiệm như sau:
- Trong khu vực hoạt động khoáng sản theo điều 5
của Bản Quy định này, nếu vi phạm nội dung hoạt động của giấy phép thì Sở Tài
nguyên và Môi trường kiểm tra và xử lý.
- Trong khu vực khoáng sản chưa khai thác theo
điều 6 của Bản Quy định này, nếu có hoạt động khoáng sản trái phép, thì Uỷ ban
nhân dân Huyện, Uỷ ban nhân dân Xã kiểm tra và xử lý.
Điều 14: Xử phạt vi phạm
hành chính trong quản lý Nhà nước về Khoáng sản:
14.1. Thẩm quyền xử phạt hành chính trong quản
lý Nhà nước về khoáng sản của Uỷ ban nhân dân các cấp, của Sở Tài nguyên và Môi
trường thực hiện theo điều 9, điều 10 của Nghị định 35/CP ngày 23/4/1997 của
Chính phủ đến khi có Nghị định mới thay thế Nghị định này theo quy định tại
Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính năm 2002.
14.2. Trình tự, thủ tục xử lý vi phạm thực hiện
theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.
CHƯƠNG III:
QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC QUẢN
LÝ VÀ CẤP PHÉP KHAI THÁC TẬN THU KHOÁNG SẢN.
Điều 15: Khai thác tận thu
là hình thức khai thác trong khu vực khoáng sản mỏ theo điều 16 của Bản Quy định
này và phù hợp với các điều kiện sau đây:
15.1. Không bắt buộc tiến hành thăm dò toàn bộ
diện tích khu vực được phép hoạt động trước khi bắt đầu khai thác.
15.2. Khối lượng khai đào, bao gồm cả đất đá thải
và khoáng sản đối với một giấy phép khai thác tận thu được cấp cho cá nhân
(không phải là doanh nghiệp) không quá năm nghìn (5.000) tấn /năm, được cấp cho
tổ chức không quá một trăm nghìn (100.000) tấn /năm.
15.3. Công cụ và phương pháp hoạt động khai thác
tận thu chủ yếu là thủ công, có thể sử dụng cơ giới nhỏ trong một số công đoạn;
trong trường hợp có sử dụng vật liệu nổ thì người sử dụng vật liệu nổ phải qua
đào tạo, sát hạch và có chứng chỉ theo quy định của pháp luật; không sử dụng
hoá chất độc.
Điều 16: Các khu vực được cấp
giấy phép khai thác tận thu bao gồm:
16.1. Khu vực có khoáng sản phân bố không tập
trung, đầu tư khai thác quy mô công nghiệp không có hiệu quả kinh tế, nằm xa đường
giao thông, hồ nước, sông ngòi và các khu dân cư đô thị.
16.2. Khu vực có khoáng sản làm vật liệu xây dựng
thông thường, mà các điều kiện về kinh tế - xã hội, cũng như nhu cầu tiêu thụ
không cho phép đầu tư khai thác quy mô công nghiệp.
16.3. Khu vực khai thác mỏ đã có quyết định đóng
cửa mỏ mà điều kiện để khai thác lại xét thấy đầu tư khai thác quy mô công nghiệp
thì không có hiệu quả kinh tế và việc khai thác tận thu không gây mất an toàn
cho mỏ đã đóng cửa.
Các giấy phép khai thác tận thu chỉ được cấp
trong các khu vực được Bộ Tài nguyên và Môi trường có quyết định bàn giao cho Uỷ
ban nhân dân Tỉnh quản lý.
Điều 17: Việc khai thác đất, cát, sỏi bồi nền dùng trong san lấp
công trình xây dựng cơ bản mà khu vực khai thác nằm ngoài diện tích xây dựng
công trình, tuyến công trình đã được cấp có thẩm quyền giao đất xây dựng, khai
thác cát sỏi ở các dòng sông nhánh, ngắn trữ lượng cát sỏi ít không thuộc đối
tượng khai thác tận thu nhưng cũng tuân theo thủ tục và phân cấp cấp giấy phép
của quy định này.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Huyện chỉ đạo quy hoạch
khu vực khai thác đất, cát, sỏi bồi nền thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường
trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh phê duyệt.
Các giấy phép khai thác đất, cát, sỏi bồi nền,
cát sỏi lòng sông chỉ được cấp trong các khu vực do Uỷ ban nhân dân Tỉnh phê
duyệt.
Điều 18: Giấy phép khai thác tận thu chỉ cấp cho tổ chức hoặc cá
nhân Việt Nam. Diện tích khu vực khai thác tận thu của một giấy phép cấp cho một
tổ chức không quá hai mươi (20) ha, cho cá nhân không quá một (01)
ha. Mỗi cá nhân chỉ được cấp một (1) giấy phép khai thác tận thu.
Điều 19: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh cấp giấy phép khai thác tận
thu cho các tổ chức, cá nhân trong các khu vực đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường
khoanh định và bàn giao khai thác thác tận thu.
Trong thẩm quyền đó, Uỷ ban nhân dân Tỉnh quy định
như sau:
19.1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh cấp giấy
phép khai thác tận thu đối với:
- Khoáng sản kim loại
- Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường
(là các loại khoáng sản được quy định tại Quyết định số 154/QĐ-ĐCKS ngày
23/01/1997 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp - nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường),
than bùn, kể cả đất, sỏi, cát bồi nền, với quy mô công xuất khai đào đến một
trăm nghìn (100.000) tấn/năm.
- Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông
thường, nếu có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
19.2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh uỷ quyền cho
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấp phép khai thác tận thu khoáng sản
làm vật liệu xây dựng thông thường với quy mô công suất khai đào dưới ba mươi
nghìn (30.000) tấn/năm, không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và than bùn.
Điều 20: Thời hạn của một giấy phép khai thác tận thu có giá trị tối
đa là ba mươi sáu (36) tháng và được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian
gia hạn không quá hai mươi bốn (24) tháng.
Điều 21: Thủ tục để xin
phép khai thác tận thu :
Trên cơ sở vùng được phép khai thác tận thu được
Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao và khu vực đất, cát, sỏi bồi nền, danh mục
các dòng sông nhánh, ngắn do Uỷ ban nhân dân Tỉnh phê duyệt, Sở Tài nguyên và
Môi trường công bố công khai bằng hình thức đăng trên báo Bình Thuận, niêm yết
tại Phòng Tài nguyên khoáng sản Sở Tài nguyên và Môi trường. Tổ chức, cá nhân
muốn được cấp giấy phép khai thác tận thu phải lập hồ sơ và nộp tại Sở Tài
nguyên và Môi trường. Hồ sơ gồm :
- Đơn xin phép khai thác tận thu (theo mẫu).
- Bản sao có công chứng giấy chứng nhận đăng ký
kinh doanh có chức năng khai thác, chế biến khoáng sản do cơ quan có thẩm quyền
cấp.
- Phương án khai thác tận thu và chế biến khoáng
sản.
- Bản đồ khu vực khai thác tận thu tỷ lệ không
nhỏ hơn 1/10.000, theo hệ tọa độ UTM.
Nếu khai thác đất bồi nền, sỏi cấp phối
thì kèm theo quyết định giao nhiệm vụ công trình xây dựng cơ bản của cơ quan thẩm
quyền (nếu có).
- Bảng đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường được Sở
Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
Trong thời gian không quá 15 ngày kể từ
ngày tiếp nhận đủ hồ sơ theo quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm
xem xét, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh cấp giấy phép khai thác tận thu hoặc
do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp cấp giấy phép khai thác tận
thu theo quy định tại khoản 19.2 điều 19 của Bản Quy định này.
Trong tất cả giấy phép khai thác tận thu đều được
đăng ký Nhà nước tại Phòng tài nguyên khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Điều 22: Gia hạn giấy phép
khai thác tận thu.
Việc xin gia hạn giấy phép khai thác tận thu phải
được tiến hành trước ba mươi (30) ngày kể từ ngày giấy phép khai thác tận thu
hoặc giấy phép gia hạn đã cấp lần trước hết hạn. Tổ chức, cá nhân xin gia hạn
giấy phép khai thác tận thu phải lập hồ sơ và nộp tại Sở Tài nguyên và Môi trường.
Hồ sơ gồm:
- Đơn xin gia hạn giấy phép khai thác tận thu
(theo mẫu).
- Giấy phép khai thác tận thu đã cấp lần đầu.
- Báo cáo hiện trạng khu vực khai thác khoáng sản.
Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, trình Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân Tỉnh xem xét, quyết định việc gia hạn hoặc gia hạn nếu giấy
phép khai thác tận thu lần đầu do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp.
Điều 23: Thu hồi giấy phép
khai thác tận thu.
Giấy phép khai thác tận thu bị thu hồi do một
trong các trường hợp sau:
23.1. Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày được cấp
giấy phép nhưng không triển khai thực hiện khai thác khoáng sản.
23.2. Giấy phép đã hết hạn hoặc nộp đơn xin gia
hạn mà thời hạn còn lại của giấy phép ít hơn 30 ngày và không được gia hạn .
23.3. Chủ giấy phép vi phạm Luật khoáng sản, các
quy định về bảo vệ môi trường, không nộp lệ phí giấy phép, thuế tài nguyên, ký
quỹ phục hồi môi trường và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của Pháp
luật.
23.4. Khu vực không còn phù hợp với hoạt động
khai thác tận thu hoặc phát hiện có khoáng sản quý hiếm .
23.5. Khu vực bị Chính phủ tuyên bố cấm hoạt động
khoáng sản .
Trong trường hợp bị thu hồi theo khoản 23.4 và
23.5 của điều này, thì Uỷ ban nhân dân Tỉnh giải quyết thỏa đáng những thiệt hại
cho chủ giấy phép theo điều 17 của Luật khoáng sản và điều 70 của Nghị định
76/2000/NĐ-CP.
Điều 24: Mọi hoạt động khai thác theo giấy phép khai thác tận thu chỉ
được thực hiện sau khi chủ giấy phép đăng ký tại Sở Tài nguyên và Môi trường,
hoàn thành việc ký quỹ phục hồi môi trường vào tài khoản do Sở Tài nguyên và
Môi trường thông báo và được cơ quan thẩm quyền cho thuê đất.
Thẩm quyền cho thuê đất thực hiện theo điều 37 của
Luật Đất đai năm 2003.
Điều 25: Chủ giấy phép khai thác tận thu chỉ được khai thác trong
ranh giới khu vực đất được Nhà nước cho thuê, phải thực hiện các biện pháp bảo
vệ môi trường theo phương án được duyệt.
Khi chấm dứt hoạt động khai thác, chủ giấy phép
phải phục hồi môi trường, hoàn trả lại mặt bằng, cảnh quan, báo cáo với Sở Tài
nguyên và Môi trường để tổ chức nghiệm thu. Nếu đạt yêu cầu thì Sở tài nguyên
và Môi trường hoàn trả lại tiền ký quỹ phục hồi môi trường.
Điều 26: Chủ giấy phép khai thác tận thu phải thực hiện các biện
pháp bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn lao động; bồi thường các thiệt hại do
hoạt động khoáng sản gây ra; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo cuối
cùng; phục hồi đất đai, môi trường môi sinh; chấp hành các quy định về quản lý
hành chính, xã hội; chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan Nhà nước
có thẩm quyền.
Nơi nhận báo cáo định kỳ và báo cáo cuối cùng là
Sở Tài nguyên và Môi trường và Phòng Tài nguyên và Môi trường Huyện.
Điều 27: Lệ phí giấy phép khai thác tận thu khoáng sản, các khoản
phí và thuế, chủ giấy phép khai thác tận thu thực hiện theo quy định của Bộ Tài
chính.
Điều 28: Giấy phép khai thác tận thu kèm theo bản đồ khu vực khai
thác và những thông tin cần thiết để đăng ký hoạt động khai thác tận thu được gửi
đến Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam một (1) bộ, Sở Công nghiệp, Uỷ ban nhân
dân Huyện, Uỷ ban nhân dân xã nơi có mỏ được cấp giấy phép một (1) bộ.
Điều 29: Nghiêm cấm các ngành liên quan, chính quyền hai cấp Huyện
và Xã cho phép khai thác tận thu khoáng sản dưới mọi quy mô và hình thức. Các
phương án nạo vét ao, hồ, sông, suối hoặc đào ao có tận thu khoáng sản thuộc thẩm
quyền phê duyệt của các ngành, hoặc chính quyền hai cấp Huyện, Xã trước khi thực
hiện chủ dự án phải đăng ký bằng văn bản với Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở
Tài nguyên và Môi trường xem xét giải quyết theo điều 62 - Nghị định
76/2000/NĐ-CP ngày 15/12/2000 của Chính phủ.
Điều 30: Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở,
Ngành liên quan lập kế hoạch, dự trù kinh phí thực hiện khoanh vùng các khu vực
khai thác tận thu trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh để đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi
trường xem xét, quyết định việc bàn giao khu vực khai thác tận thu khoáng sản để
Uỷ ban nhân dân Tỉnh quản lý.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Huyện tiến hành quy hoạch
khu vực khai thác đất, cát, sỏi bồi nền trên địa bàn Huyện thông qua Sở Tài
nguyên và Môi trường trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh phê duyệt.
CHƯƠNG IV:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 31: Trong khi chờ Chính phủ công bố khu vực cấm, tạm thời cấm
hoạt động khoáng sản trên địa bàn Tỉnh. Giám đốc các Sở, Ngành nêu tại điều 10
của Bản Quy định này xây dựng, thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường trình chủ
tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh công bố khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản để
bảo vệ các khu vực di tích lịch sử, di tích văn hóa, khu vực khảo cổ, công
trình thủy lợi, rừng phòng hộ, rừng bảo tồn thiên nhiên. Các khu vực này phải
nêu rõ diện tích cần bảo vệ nghiêm ngặt kèm theo tọa độ hệ UTM các cột mốc.
Riêng các công trình theo tuyến như đường giao thông (chủ yếu Quốc lộ, Tỉnh lộ,
đường Huyện, đường Xã); đường dây điện cao áp (chủ yếu 35 KV, 110 KV và 220 KV)
cần quy định rõ ranh giới cần bảo vệ về 2 phía, chiều dài tuyến và địa phận các
xã mà công trình đi qua.
Điều 32: Căn cứ thông tư số 76/2000/TT-BTC ngày 25/7/2000 của Bộ Tài
chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 219/1999/QĐ-TTg ngày 11/11/1999 của Thủ
tướng Chính phủ về chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có
khoáng sản được khai thác, chế biến và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai
thác, hàng năm trên cơ sở thu từ hoạt động khoáng sản ở địa phương, bao gồm: Tiền
cho thuê mặt đất đối với các doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến khoáng
sản, lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản; thu phạt xử lý vi phạm hành
chính trong lĩnh vực khoáng sản; thuế tài nguyên (trừ thuế tài nguyên nước của
các công trình thuỷ điện, thuế tài nguyên rừng, thuỷ sản); các khoản thu khác từ
hoat động khoáng sản theo quy định của pháp luật, ngân sách địa phương sẽ trích
ra chi nhằm bảo đảm chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có
khoáng sản được khai thác, chế biến, trong đó có chi cho công tác quản lý Nhà
nước về khoáng sản ở các địa phương trọng điểm.
Điều 33: Uỷ ban nhân dân
Huyện có trách nhiệm tổ chức hội nghị, phổ biến quy định này đến Uỷ ban nhân
dân các xã, các Phòng, Ban chuyên môn thuộc địa phương mình.
Giám đốc các Sở, Ngành phổ biến quy định này đến
các đơn vị trực thuộc.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách
nhiệm kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu
có gì khó khăn vướng mắc phải kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh xem xét giải
quyết.
Điều 34: Quy định này có hiệu
lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Mọi quy định trước đây trái với quy định
này đều bãi bỏ.
Tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản; Uỷ ban
nhân dân các Huyện; Uỷ ban nhân dân các Xã; Thủ trưởng các Sở, Ngành liên quan
có trách nhiệm thực hiện Bản Quy định này; đồng thời thực hiện những quy định theo
Nghị định số 76/2000/NĐ-CP ngày 15/12/2000 của Chính phủ và những quy định khác
của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, Ngành liên quan.
Điều 35: Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn tổ
chức triển khai thực hiện và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các tổ chức,
cá nhân, các Sở, Ngành và địa phương liên quan đối với Bản Quy định này; đồng
thời hướng dẫn mẫu đơn, mẫu giấy phép để thống nhất áp dụng./.