ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
---------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
44/2012/QĐ-UBND
|
Lào
Cai, ngày 13 tháng 9 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ,
BẢO VỆ, KHAI THÁC TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VÙNG HỒ CHỨA THỦY ĐIỆN BẮC
HÀ
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của
HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước (1998); Căn cứ Luật Di sản
văn hóa (2001);
Căn cứ Luật Đất đai (2003);
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004);
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa (2004);
Căn cứ Luật Thủy sản (2003);
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường (2005);
Căn cứ Luật Du lịch (2005);
Căn cứ Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Di sản
văn hóa (2009);
Căn cứ Luật Khoáng sản (2010);
Căn cứ Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 của
Chính Phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên môi trường các hồ chứa
thủy điện, thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 60/2011/NĐ-CP ngày 20/7/2011 của
Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường
thủy nội địa;
Căn cứ Nghị định số 21/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của
Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy
nội địa;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của
Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
Căn cứ Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07/5/2007 về
quản lý an toàn đập;
Căn cứ Thông tư số 03/2012/TT-BTNMT ngày 12/4/2012 quy
định về quản lý, sử dụng đất vùng bán ngập lòng hồ thủy điện;
Căn cứ Thông tư số 25/2010/TT-BGTVT ngày 31/8/2010 của
Bộ Giao thông Vận tải quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa;
Căn cứ Thông tư số 20/2011/TT-BGTVT ngày 31/3/2011 của
Bộ Giao thông Vận tải quy định về vận tải hành khách đường thủy nội địa;
Căn cứ Thông tư số 21/2011/TT-BGTVT ngày 31/3/2011 của
Bộ Giao thông Vận tải quy định về đăng ký phương tiện vận tải thủy nội địa;
Căn cứ Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001
của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của cá nhân được giao,
được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006
của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý rừng;
Căn cứ Thông tư số 34/2010/TT-BCT ngày 07/10/2010 quy
định về quản lý an toàn đập của công trình thủy điện;
Căn cứ Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20/5/2011
của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài
gỗ;
Căn cứ Thông tư số 21/2011/TT-BGTVT ngày 31/3/2011 của
Bộ Giao thông Vận tải Quy định về đăng ký phương tiện vận tải thủy nội địa;
Căn cứ Quyết định số 1042/QĐ-BCT ngày 07/3/2011 của
Bộ Công Thương ban hành Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Bắc Hà;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
tại Tờ trình số 77/TTr-STNMT ngày 28/6/2012 và Văn bản số 1171/TNMT-NKTTV ngày
07/8/2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định
quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên môi trường hồ chứa thủy điện Bắc
Hà.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau
10 (mười ngày) kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các
sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận
tải, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công Thương, Văn hóa Thể thao và Du lịch;
Công an tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện: Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương; Thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Vịnh
|
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ, BẢO VỆ, KHAI THÁC
TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VÙNG HỒ CHỨA THỦY ĐIỆN BẮC HÀ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 44/2012/QĐ-UBND ngày 13/9/2012 của UBND tỉnh
Lào Cai)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định này quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử
dụng tổng hợp tài nguyên và môi trường vùng hồ chứa thủy điện Bắc Hà.
Vùng hồ chứa thủy điện Bắc Hà bao gồm vùng đất, mặt nước
hồ thuộc địa giới hành chính các xã Cốc Ly, Hoàng Thu Phố của huyện Bắc Hà; xã
Thào Chư Phìn, Bản Mế, Nàn Sín và Sín Chéng của huyện Si Ma Cai; xã Cao Sơn, Tà
Thàng, Tả Gia Khâu, Lùng Khâu Nhin, Dìn Chin, Nấm Lư của huyện Mường Khương.
2. Đối tượng áp dụng:
Quy định này áp dụng đối với mọi hoạt động sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ và các hoạt động khác (sau đây gọi tắt là các hoạt động) của các
cơ quan Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định
cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là các tổ chức,
cá nhân) có liên quan đến việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên
và môi trường trên địa bàn vùng hồ chứa thủy điện Bắc Hà.
Điều 2. Nguyên tắc chung khi tổ chức các hoạt động quản
lý, khai thác, bảo vệ, sử dụng tài nguyên và môi trường vùng hồ chứa thủy điện
Bắc Hà
1. Phải có giấy phép theo quy định của pháp luật hoặc dự
án được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận phù hợp với quy hoạch vùng,
ngành, lĩnh vực trên địa bàn.
2. Tuân thủ các quy định quản lý nhà nước của ngành, lĩnh
vực liên quan và Quy định này.
3. Chủ dự án phải thực hiện đúng, đầy đủ các yêu cầu, quy
định về bảo vệ môi trường; báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường
với Sở Tài nguyên và Môi trường và Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc UBND
các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai liên quan đến vùng hồ.
4. Khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả, tiết kiệm các
nguồn tài nguyên; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước hồ
chứa thủy điện Bắc Hà.
5. Quản lý, khai thác sử dụng phải tuân thủ theo Quy chế
phối hợp phòng chống lụt bão của nhà máy thủy điện Bắc Hà.
Điều 3. Các hành vi bị nghiêm cấm khi tổ chức thực hiện
các hoạt động trong vùng hồ chứa thủy điện Bắc Hà
1. Phá hoại, khai thác trái phép rừng, các nguồn tài nguyên
thiên nhiên khác trong vùng hồ. Lấn, chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục
đích; vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vùng hồ đã được công bố; phá hoại
các tiêu báo, mốc toạ độ địa chính xung quanh hồ.
2. Khai thác, đánh bắt các nguồn tài nguyên sinh vật tự
nhiên vùng hồ bằng phương tiện, công cụ, phương pháp mang tính huỷ diệt, không
đúng thời vụ và đúng sản lượng theo quy định của pháp luật. Khai thác các loài
thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đang cư trú trong vùng hồ.
3. Nuôi trồng các động, thực vật lạ không rõ nguồn gốc,
xâm hại nghiêm trọng đến hệ động, thực vật vùng hồ các loài sinh vật nhập khẩu
từ nước ngoài hoặc các loài sinh vật mới chưa được khảo nghiệm và chưa được cơ
quan có thẩm quyền cho phép vào nuôi trồng trên vùng hồ.
4. Xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích
lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh; chiếm đoạt, làm sai lệch, huỷ hoại hoặc
gây nguy cơ huỷ hoại di sản văn hoá; đào bới trái phép địa điểm khảo cổ. Lợi dụng
việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá để thực hiện những hành vi trái
pháp luật.
5. Xây dựng trái phép nhà, lều quán hoặc các công trình
khác trên đường thuỷ nội địa và phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường
thuỷ nội địa trong vùng hồ. Phá hoại công trình giao thông đường thuỷ; tạo vật
chướng ngại gây cản trở giao thông đường thuỷ trên hồ. Xây dựng công trình du
lịch không đúng với quy hoạch đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, sử dụng
sai mục đích hoặc không có biện pháp xử lý và bảo vệ môi trường.
6. Thải chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường;
các chất độc, chất phóng xạ và các chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước của
vùng hồ. Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá tiêu chuẩn cho phép trong vùng lòng hồ.
7. Khai thác trái phép khoáng sản trong khu vực vùng hồ;
phá hoại cảnh quan thiên nhiên; đổ đất xuống hồ; đắp đập lấn chiếm lòng hồ. Đổ
đất, đá, cát, sỏi hoặc chất thải khác, khai thác khoáng sản trong phạm vi luồng
và hành lang bảo vệ luồng; đặt cố định các phương tiện khai thác, nuôi trồng
thuỷ sản trên luồng.
8. Mở bến thuỷ nội địa trái phép; đón, trả người hoặc xếp,
dỡ hàng hoá không đúng nơi quy định.
9. Đưa phương tiện không đủ điều kiện hoạt động theo quy
định tham gia giao thông đường thuỷ nội địa trên hồ; sử dụng phương tiện không
đúng công dụng hoặc không đúng vùng hoạt động theo giấy chứng nhận an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường của cơ quan đăng kiểm. Bố trí thuyền viên không đủ
định biên theo quy định khi đưa phương tiện vào hoạt động; thuyền viên, người
lái phương tiện làm việc trên phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn
hoặc bằng, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp. Vi phạm báo hiệu hạn chế tạo
sóng hoặc các báo hiệu cấm khác. Làm việc trên phương tiện khi trong máu có
nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc 40 miligam/1lít khí thở
hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.
10. Chở hàng hoá độc hại, dễ cháy, dễ nổ, động vật lớn
chung với hành khách; chở quá sức chở người của phương tiện hoặc quá vạch dấu mớn
nước an toàn.
11. Tổ chức đua hoặc tham gia đua trái phép phương tiện
thuỷ nội địa trên hồ; lạng lách gây nguy hiểm cho phương tiện khác. Bỏ trốn sau
khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm; xâm phạm tính mạng, tài sản khi
phương tiện bị nạn; lợi dụng việc xảy ra tai nạn làm mất trật tự, cản trở việc
xử lý tai nạn.
12. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, gây phiền
hà khi thực hiện nhiệm vụ; thực hiện hoặc cho phép thực hiện hành vi vi phạm
pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa trên vùng hồ thủy điện và các hành
vi khác vi phạm pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. QUẢN LÝ VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC, ĐẤT, MÔI TRƯỜNG,
KHOÁNG SẢN
Điều 4. Quản lý hoạt động về khai thác, sử dụng nguồn
nước hồ chứa thủy điện Bắc Hà
1. Các tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến
việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước vùng hồ chứa
thủy điện Bắc Hà phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về tài nguyên
nước:
a) Có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả
nước thải vào nguồn nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định.
b) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với các hoạt
động khai thác tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của
pháp luật.
2. Công ty Cổ phần Thuỷ điện Bắc Hà (sau đây được gọi là
chủ đập) phải tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý tài nguyên nước:
a) Khai thác sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất điện phải
có trách nhiệm điều tiết nguồn nước hồ chứa thủy điện Bắc Hà một cách hợp lý,
đảm bảo không làm cạn kiệt nguồn nước cũng như ngập lụt vùng hồ chứa thủy điện
Bắc Hà.
b) Tuân thủ quy trình vận hành hồ đã được cấp có thẩm quyền
phê duyệt, đảm bảo an toàn hồ chứa, an toàn hạ du hồ chứa, không làm cạn kiệt
nguồn nước, không gây biến đổi lớn đến chế độ dòng chảy hạ lưu hồ.
c) Thực hiện việc quan trắc, thu thập thông tin, dữ liệu
về thuỷ văn bằng nguồn kinh phí của đơn vị phục vụ yêu cầu bảo vệ, quản lý vận
hành, khai thác hồ chứa theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên
và môi trường.
d) Trước ngày 05 hàng tháng có thông báo kế hoạch điều
tiết nước (Mực nước hồ) cho Ủy ban nhân dân 3 huyện vùng hồ để UBND các huyện thông
báo cho các xã nơi có hồ chứa nhằm giảm thiểu tác động xấu đến sản xuất, du
lịch, giao thông thủy vùng lòng hồ. Có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các
tổ chức, cá nhân vùng hạ du trong trường hợp xả lũ, xả đáy, duy trì dòng chảy
tối thiểu không đúng quy định, quy chế, quy trình.
đ) Lắp đặt các phao báo hiệu thuộc vùng cấm thủy thuộc
khu truyền năng lượng, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm
soát ngăn chặn các hoạt động trong khu vực này và hỗ trợ cứu hộ, tìm kiếm cứu
nạn.
Điều 5. Quản lý, sử dụng đất trong hành lang bảo vệ
an toàn hồ chứa thủy điện Bắc Hà
1. Lập phương án sử dụng đất vùng bán ngập:
a) Tháng 01 hàng năm, UBND các xã thuộc khu vực lòng hồ
phối hợp với chủ đập xây dựng phương án sử dụng đất vùng bán ngập thuộc địa bàn
mình quản lý để phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và trình UBND huyện phê duyệt
theo quy định tại Thông tư số 03/2012/TT-BTNMT ngày 12/4/2012 của Bộ Tài nguyên
và Môi trường về việc quy định về quản lý, sử dụng đất vùng bán ngập lòng hồ
thủy điện (gọi tắt là Thông tư số 03/2012/TT-BTNMT).
b) Nội dung phương án sử dụng đất phải đảm bảo các nội
dung sau:
- Việc giao khoán đất vùng bán ngập thuộc thẩm quyền của
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất vùng bán ngập (sau đây gọi là bên giao
khoán).
- Đối tượng nhận khoán đất vùng bán ngập là các tổ chức,
hộ gia đình và cá nhân (sau đây gọi là bên nhận khoán).
- Nguyên tắc sử dụng đất vùng bán ngập.
- Xác định cụ thể đối tượng được giao, nhận khoán; đơn
giá giao nhận khoán đất vùng bán ngập và hình thức giao khoán đất vùng bán ngập
phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
- Trách nhiệm, quyền hạn của bên giao khoán.
- Nghĩa vụ, quyền lợi của bên nhận khoán.
2. Việc sử dụng đất vùng bán ngập phải đảm bảo theo đúng
quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
3. Hồ sơ, trình tự, thủ tục giao nhận khoán:
Tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động tại khu vực đất vùng
bán ngập (hành lang bảo vệ hồ chứa) phải lập hồ sơ và thực hiện đầy đủ trình
tự, thủ tục theo Quy định tại Điều 11, Điều 12 của Thông tư số 03/2012/TT-BTNMT,
cụ thể như sau:
a) Hồ sơ gồm có:
- Đơn đề nghị nhận giao khoán đất vùng bán ngập (theo mẫu
số 01).
- Sơ đồ thửa đất vùng bán ngập (theo mẫu số 02).
- Hợp đồng giao, nhận khoán đất vùng bán ngập (theo mẫu
số 03).
- Biên bản giao đất vùng bán ngập ngoài thực địa (theo
mẫu số 04). b) Trình tự, thủ tục:
- Bên nhận khoán nộp đơn xin giao khoán đất vùng bán ngập
cho bên giao khoán.
- Bên giao khoán có trách nhiệm xem xét đơn xin giao khoán
đất vùng bán ngập, nếu đủ điều kiện phải thông báo cho bên nhận khoán và thực
hiện việc trích lục bản đồ hoặc trích đo địa chính khu đất; chuẩn bị hợp đồng
giao, nhận khoán đất vùng bán ngập.
- Hai bên ký hợp đồng giao, nhận khoán đất vùng bán ngập
(nội dung của hợp đồng theo quy định của TT03); tổ chức giao, nhận đất vùng bán
ngập tại thực địa, ký biên bản giao, nhận đất vùng bán ngập.
- Thời gian thực hiện các công việc quy định tại các Khoản
1, 2 và 3 Điều này không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày bên giao
khoán nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Điều 6. Quản lý, bảo vệ môi trường vùng hồ chứa thủy
điện Bắc Hà của chủ đập
1. Xây dựng kế hoạch: Hàng năm, chủ đập phải xây
dựng kế hoạch tiến hành quan trắc, thu thập thông tin, dữ liệu về thủy văn, môi
trường định kỳ bằng nguồn kinh phí của mình để phục vụ công tác bảo vệ, quản lý
vận hành, khai thác hồ chứa.
2. Lập trạm quan trắc: Lập trạm quan trắc đo mực nước hồ
tại khu vực hồ chứa trên Sông Chảy; hạ lưu sau đập để đo đạc và đánh giá dòng
chảy tối thiểu ở hạ lưu nhà máy.
3. Tổ chức quan trắc:
a) Theo dõi sát sao diễn biến tình hình khí tượng thủy
văn. Thường xuyên liên lạc với Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương
để cặp nhật thông tin mới nhất về khí tượng thủy văn khu vực.
b) Những yếu tố khí tượng thuỷ văn phải được tiến hành
quan trắc định kỳ, số liệu phải được bổ sung vào tài liệu để tính toán và dự báo
phục vụ cho công tác quản lý, vận hành hồ chứa và toàn bộ công trình.
c) Đo lưu lượng xả tối thiểu sau đập; đo mực nước để dùng
số liệu này xây dựng quan hệ H-Q tại tuyến và dùng quan hệ này từ H suy ra Q
dòng chảy tối thiểu mà hồ xả ra.
4. Nội dung quan trắc: Quan trắc an toàn đập thực hiện
theo đúng quy định của Thông tư số: 34/2010/TT-BCT ngày 07/10/2010 của Bộ Công Thương
quy định về quản lý an toàn đập của công trình thủy điện; Quan trắc chất lượng
nước hồ để có giải pháp kịp thời khắc phục hiện tượng suy thoái chất lượng nước
trong quá trình khai thác, sử dụng.
a) Hình thức: Đo đạc trực tiếp và lấy mẫu phân tích.
b) Chế độ đo:
- Vị trí: Thượng lưu đập và hạ lưu nhà máy.
- Tần suất: 2 lần/ năm
- Thời gian quan trắc tối thiểu là 10 năm.
5. Báo cáo kết quả quan trắc: Kết quả quan trắc chất lượng
nước hồ gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai.
Điều 7. Quản lý hoạt động khai thác khoáng sản vùng
hồ chứa thủy điện Bắc Hà
1. Khu vực cấm hoạt động khai thác khoáng sản gồm các sườn
núi phía tiếp giáp với mặt nước trong vùng hồ chứa thủy điện Bắc Hà tính theo
đường phân thuỷ của mặt nước hồ chứa (UBND 3 huyện vùng hồ chứa thủy điện Bắc
Hà có trách nhiệm thông báo công khai, cắm biển báo khu vực cấm khai thác khoáng
sản).
2. Hoạt động khai thác khoáng sản tại vùng hồ chứa thủy
điện Bắc Hà phải tuân theo Quy định về quản lý các hoạt động khoáng sản trên
địa bàn tỉnh Lào Cai và đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Không khai thác khoáng sản trong khu vực hành lang bảo
vệ đập, bến thủy nội địa, khu vực quy hoạch nuôi trồng thủy sản, quy hoạch phục
vụ du lịch, văn hóa.
b) Không cản trở luồng, tuyến giao thông thủy nội địa trên
vùng hồ.
c) Không ảnh hưởng đến các hoạt động nuôi trồng thủy sản,
vận hành hồ chứa.
Mục 2. QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN RỪNG
Điều 8. Quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác rừng
1. Việc bảo vệ và phát triển rừng vùng hồ chứa thủy điện
Bắc Hà phải đảm bảo nguyên tắc quản lý rừng bền vững, kết hợp bảo vệ và phát
triển với khai thác theo quy định để phát huy hiệu quả tài nguyên rừng, tạo
vành đai cây xanh để điều hoà dòng chảy, hạn chế lũ lụt và bồi lấp lòng hồ chứa
thủy điện Bắc Hà và lưu vực sông Chảy; phòng chống suy thoái và cạn kiệt nguồn
nước; ngăn chặn có hiệu quả sự rửa trôi, xói mòn đất bề mặt; góp phần điều hoà
thời tiết tiểu khí hậu và tạo cảnh quan thiên nhiên vùng hồ chứa thủy điện Bắc
Hà.
2. Việc phát triển các loại rừng trên diện tích đất thuộc
vùng hồ chứa thủy điện Bắc Hà phải đảm bảo:
a) Đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (rừng cảnh quan):
Đảm bảo sự phát triển tự nhiên của rừng, trồng rừng theo quy hoạch bảo tồn đa
dạng sinh học và cảnh quan của rừng.
b) Đối với rừng sản xuất: Quản lý, giữ vững diện tích rừng
sản xuất đặc biệt là rừng tự nhiên. Đối với rừng sản xuất là rừng trồng phải
thực hiện thâm canh nhằm tăng thu nhập cho người làm nghề rừng; tạo nguồn thu
thường xuyên, ổn định từ rừng để tạo vùng nguyên liệu có trữ lượng cao, phát
huy tốt khả năng phòng hộ, tạo cảnh quan môi trường sinh thái cho vùng hồ chứa
thủy điện Bắc Hà.
3. Hoạt động khai thác rừng phải tuân thủ các nguyên tắc,
quy định sau đây:
a) Đối với rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên
các chủ rừng chỉ được tiến hành tổ chức khai thác khi có quyết định mở cửa rừng
của cấp có thẩm quyền. Việc khai thác chủ yếu là chặt chọn theo mục đích sử
dụng lâm sản, cường độ khai thác tối đa theo quy định của Bộ Nông nghiệp và
PTNT (trừ các quy định khác của Chính phủ), song phải đảm bảo nguyên tắc duy
trì và phát triển các chức năng phát triển bền vững của từng loại rừng để tăng
khả năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái vùng hồ chứa thủy điện Bắc Hà.
b) Đối với rừng trồng sản xuất:
- Chủ rừng là tổ chức, trồng rừng bằng vốn ngân sách khi
có nhu cầu khai thác rừng phải xây dựng hồ sơ khai thác trình Sở Nông nghiệp và
PTNT phê duyệt và chỉ được phép khai thác theo quyết định phê duyệt của Sở Nông
nghiệp và PTNT.
- Các trường hợp khác: Chủ rừng tự quyết định tuổi khai
thác của rừng, nhưng phải đảm bảo trồng lại rừng ngay sau vụ kế tiếp.
c) Đối với rừng trồng phòng hộ, chủ rừng được khai thác
cây phụ trợ, tỉa thưa, chặt chọn, cường độ khai thác và độ tán che còn lại phải
thực hiện theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Mục 3. QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY
SẢN
Điều 9. Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản lòng
hồ chứa thủy điện Bắc Hà
1. Việc nuôi trồng thuỷ sản tại hồ chứa thủy điện Bắc Hà
phải đảm bảo:
a) Thực hiện đúng nội dung quy hoạch phát triển nuôi trồng
thuỷ sản trên hồ chứa thủy điện Bắc Hà được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt không
phát triển nuôi trồng thủy sản tràn lan, gây ô nhiễm nguồn nước.
b) Điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thuỷ
sản; tiêu chuẩn thú y thuỷ sản và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật
và cảnh quan vùng hồ chứa thủy điện Bắc Hà.
c) Thức ăn, nguyên liệu làm thức ăn nuôi trồng thủy sản;
thuốc, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản phải bảo đảm đạt tiêu chuẩn ngành,
tiêu chuẩn Việt Nam.
d) Không được đưa các giống thuỷ sản mới chưa được khảo
nghiệm vào nuôi tại hồ chứa thủy điện Bắc Hà.
đ) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu nuôi trồng thủy sản trong
lòng hồ chứa thủy điện Bắc Hà phải đăng ký nhu cầu chăn nuôi với UBND huyện có
mặt nước và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai.
2. Việc khai thác thuỷ sản hồ chứa thủy điện Bắc Hà phải
đảm bảo:
a) Đối với thủy sản tự nhiên:
- Tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch nhằm không làm cạn
kiệt nguồn lợi thuỷ sản; phải tuân theo quy định về mùa vụ khai thác, thời gian
khai thác, chủng loại và kích cỡ thuỷ sản được khai thác hàng năm theo quy định
của Luật Thuỷ sản.
- Sử dụng các loại ngư cụ, phương tiện khai thác thuỷ sản
có kích cỡ cho phép với các loài thuỷ sản được phép khai thác.
- Không ảnh hưởng đến các luồng tuyến giao thông và các
khu vực quy hoạch phát triển du lịch trên hồ chứa thủy điện Bắc Hà.
- Phải có giấy phép khai thác thủy sản (hoặc theo quy chế
khai thác thủy sản của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai).
b) Đối với thủy sản nuôi:
Được khai thác thủy sản theo phương án sản xuất.
c) Quyền của các tổ chức cá nhân nuôi trồng thủy sản:
- Ðược UBND huyện chứng nhận quyền sử dụng mặt nước để
nuôi trồng thủy sản.
- Ðược Nhà nước bảo vệ khi bị người khác xâm hại đến quyền
sử dụng, mặt nước hồ để nuôi trồng thủy sản hợp pháp của mình; được bồi thường
thiệt hại khi Nhà nước thu hồi vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh trước
khi hết thời hạn được giao, cho thuê theo quy định của pháp luật.
- Ðược cơ quan chuyên ngành thủy sản phổ biến, đào tạo,
tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mới về nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật sản xuất
giống thủy sản mới, kỹ thuật phòng trừ và phát hiện dịch bệnh thủy sản, thông
báo về tình hình môi trường và dịch bệnh vùng nuôi trồng thủy sản, thông tin về
thị trường thủy sản.
d) Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản:
- Phải tuân theo các quy định của vùng nuôi trồng thủy sản tập
trung; tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành của công trình nuôi trồng thủy sản, kỹ
thuật nuôi trồng thủy sản và môi trường nuôi trồng thủy sản.
- Sử dụng đúng mục đích, có hiệu
quả diện tích đất, mặt nước được giao, cho thuê để nuôi trồng thủy sản
và bảo vệ các công trình phục vụ chung cho nuôi trồng thủy sản.
- Thực hiện nghĩa vụ tài chính
về sử dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật.
- Báo cáo thống kê nuôi trồng
thủy sản theo quy định của pháp luật về thống kê.
- Giao lại mặt nước để nuôi trồng
thủy sản khi có quyết định thu hồi theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các quy định của
pháp luật về bảo vệ môi trường.
Mục 4. QUẢN LÝ GIAO THÔNG
ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Điều 10. Quản lý hoạt động
của các bến thuỷ nội địa
1. Việc xây dựng bến thủy nội
địa hồ chứa thủy điện Bắc Hà phải phù hợp với quy hoạch đã được UBND tỉnh phê
duyệt và bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.
2. Tổ chức, cá nhân khi lập dự
án xây dựng bến thủy phải có ý kiến bằng văn bản của Sở Giao thông Vận tải tỉnh
Lào Cai.
3. Các bến thủy nội địa khi đi
vào hoạt động phải được Sở Giao thông Vận tải cấp phép; và phải đảm bảo các quy
định về an ninh trật tự, an toàn kỹ thuật, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô
nhiễm môi trường.
Điều 11. Quản lý hoạt động
giao thông vận tải đường thuỷ trên hồ chứa thủy điện Bắc Hà
1. Điều kiện hoạt động đối với
bến thủy, bến hàng hóa, bến hành khách:
Việc quản lý, khai thác đối với
cảng, bến hàng hóa; cảng, bến hành khách (bao gồm cả bến khách ngang sông) trong
khu vực hồ phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 13 Luật Giao thông đường
thủy nội địa và Thông tư số: 25/2010/TT- BGTVT ngày 31/8/2010 của Bộ Giao thông
Vận tải quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa.
2. Điều kiện hoạt động của phương
tiện, thuyền viên và người lái:
Phương tiện của tổ chức, cá nhân
khi hoạt động trên vùng hồ phải đảm bảo tuân thủ, thực hiện theo đúng quy định
tại các Điều 24, 25, 26, 27, 28 Luật Giao thông đường thủy nội địa và Thông tư
số 21/2011/TT-BGTVT ngày 31/3/2011 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về đăng
ký phương tiện vận tải thủy nội địa.
Thuyền viên và người lái phương
tiện phải bảo đảm các điều kiện quy định tại các Điều 29, 33, 34, 35 Luật Giao
thông đường thủy nội địa và Quyết định số 19/2008/QĐ-BGTVT ngày 18/9/2008 của
Bộ Giao thông Vận tải ban hành quy chế thi, cấp, đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn
thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa và đảm nhiệm chức danh thuyền
viên phương tiện thuỷ nội địa và các quy định khác liên quan.
3. Quy định về vận tải đường
thủy nội địa:
Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt
động vận tải đường thủy nội địa trên vùng hồ tuân thủ quy định tại Chương VII
Luật Giao thông đường thủy nội địa; Nghị định số 21/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005
của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường
thủy nội địa; Thông tư số 20/2011/TT-BGTVT ngày 31/3/2011 của Bộ Giao thông Vận
tải quy định về vận tải hành khách đường thủy nội địa; Thông tư số
15/2012/TT-BGTVT ngày 10/5/2012 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về trang bị
và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận
tải hành khách ngang sông.
Mục 5. QUẢN LÝ VỀ DU LỊCH
Điều 12. Quản lý và phát
huy giá trị Quần thể Danh lam thắng cảnh hồ chứa thủy điện Bắc Hà
1. Quần thể Danh lam thắng
cảnh thuộc phạm vi hồ chứa thủy điện Bắc Hà phải được quản lý và phát huy giá
trị theo Luật Di sản văn hoá và Luật Du lịch.
2. Phòng Văn hóa - Thông tin
của 3 huyện vùng hồ có trách nhiệm giúp UBND huyện quản lý nhà nước về thắng
cảnh vùng hồ chứa thủy điện Bắc Hà theo quy định của Luật Di sản văn hóa và
thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
a) Tổ chức thực hiện các quy
hoạch, kế hoạch về bảo vệ và sử dụng khu thắng cảnh vùng hồ chứa thủy điện Bắc
Hà sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Bảo vệ các danh lam thắng
cảnh, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên du lịch trong vùng hồ.
Điều 13. Quản lý các hoạt
động phát triển du lịch
Quản lý hoạt động du lịch thực
hiện theo Quyết định số: 05/2008/QĐ-UB ngày 23/01/2008 của UBND tỉnh Lào Cai về
việc ban hành quy chế quản lý một số hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Lào
Cai; ngoài ra phải đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Việc phát triển du lịch,
xây dựng các khu, điểm du lịch và các công trình phục vụ du lịch ở vùng hồ chứa
thủy điện Bắc Hà, đặc biệt là trong vùng bảo vệ của Di tích Lịch sử và Danh lam
thắng cảnh thủy điện Bắc Hà phải tuân theo quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê
duyệt, bảo đảm các yêu cầu về cảnh quan và bảo vệ môi trường vùng thủy điện Bắc
Hà.
2. Các cơ sở lưu trú du lịch
phải bảo đảm các điều kiện vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm;
trang bị các thiết bị thu gom, xử lý rác thải, nước thải đảm bảo tiêu chuẩn
theo quy định của pháp luật. Xây dựng nội quy về bảo vệ môi trường của cơ sở để
phổ biến cho nhân viên và khách lưu trú biết thực hiện.
3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh
du lịch, kinh doanh lữ hành trong vùng thủy điện Bắc Hà phải tuân thủ
các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh; hướng dẫn khách du lịch tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường
nơi đến du lịch.
4. Các tổ chức, cá nhân kinh
doanh vận chuyển khách du lịch trong vùng thủy điện Bắc Hà phải sử dụng phương tiện
đáp ứng các yêu cầu về an toàn và bảo vệ môi trường; thu gom, đổ rác thải đúng
nơi quy định; hướng dẫn khách du lịch không xả rác, thải chất thải bừa bãi trên
đường đi.
5. Khách tham quan du lịch tại
vùng hồ chứa thủy điện Bắc Hà phải tuân thủ quy định về an ninh trật tự, an toàn
xã hội; tôn trọng và giữ gìn di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của khu vực; tuân
thủ các quy định bảo vệ môi trường tại nơi đến du lịch; xả rác đúng nơi quy
định; không vứt rác xuống hồ.
Mục 6. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ
TÀI CHÍNH
Điều 14. Các tổ chức, cá
nhân hoạt động khai thác, sử dụng tiềm năng tại vùng hồ thủy điện Bắc Hà có
quyền và nghĩa vụ như sau
1. Các tổ chức, cá nhân được
hoạt động khai thác, sử dụng tiềm năng tại vùng hồ thủy điện Bắc Hà có quyền:
a) Được khai thác, sử dụng
tiềm năng theo quy định của giấy phép (hoặc giấy chứng nhận sau đây được gọi
chung là giấy phép).
b) Được Nhà nước bảo hộ quyền,
lợi ích hợp pháp quy định.
c) Được Nhà nước bồi thường
thiệt hại trong trường hợp bị thu hồi trước thời hạn vì lý do quốc phòng, an
ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định của pháp luật.
d) Được yêu cầu tổ chức, cá
nhân bồi thường thiệt hại đối với các quyền, lợi ích hợp pháp của mình về khai
thác, sử dụng tiềm năng vùng hồ chứa theo quy định của pháp luật.
đ) Được yêu cầu cơ quan cấp
phép gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép theo quy định.
e) Trả lại giấy phép theo quy
định.
f) Khiếu nại, khởi kiện các
hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp có liên quan đến giấy phép của mình.
g) Các quyền khác theo quy định
của pháp luật.
2. Các tổ chức, cá nhân được
hoạt động khai thác, sử dụng tiềm năng tại vùng hồ thủy điện Bắc Hà có nghĩa vụ:
a) Chấp hành quy định của pháp
luật liên quan và quy định trong giấy phép.
b) Không cản trở hoặc gây
thiệt hại đến việc khai thác, sử dụng hợp pháp tiềm năng vùng hồ của tổ chức,
cá nhân khác.
c) Bảo vệ tài nguyên vùng hồ khai thác, sử dụng.
d) Bồi thường thiệt hại do hoạt
động khai thác, sử dụng tiềm năng vùng hồ gây ra. e) Thực hiện các nghĩa vụ tài
chính khác theo quy định của pháp luật.
f) Thực hiện việc tháo dỡ, di
dời thiết bị, công trình và các biện pháp phục hồi môi trường, đất đai, mặt
nước khi giấy phép chấm dứt hiệu lực.
g) Tạo điều kiện cho các tổ
chức, cá nhân mà cơ quan quản lý nhà nước cho phép thực hiện hoạt động nghiên
cứu khoa học, điều tra, đánh giá tại khu vực đã được cấp phép của mình.
h) Thực hiện các nghĩa vụ khác
theo quy định của pháp luật.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Trách nhiệm của
các cơ quan nhà nước trong việc quản lý, khai thác, sử dụng tiềm năng và bảo vệ
môi trường vùng hồ
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
có trách nhiệm:
a) Chủ trì phối hợp với chủ
đập và các sở liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên và môi
trường trong hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng lòng hồ, hàng năm phối hợp với
các sở, UBND các huyện và chủ đập tiến hành rà soát, đánh giá xem xét điều
chỉnh, bổ sung trình UBND tỉnh phê duyệt.
b) Kiểm tra, giám sát việc
thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài
nguyên và môi trường hồ chứa thủy điện Bắc Hà. Chủ trì lập kế hoạch phối hợp
với các sở, ngành, UBND các huyện để kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy
định của chủ đập và các tổ chức, cá nhân hoạt động trên vùng hồ.
c) Khoanh vùng cấm hoạt động
khoáng sản trong vùng hồ chứa thủy điện Bắc Hà.
2. Sở Giao thông Vận tải có trách
nhiệm:
a) Lập và thực hiện rà soát
quy hoạch bến thuỷ nội địa, luồng, tuyến đường thủy nội địa trên vùng hồ trình
UBND tỉnh phê duyệt.
b) Phối hợp với Công an tỉnh,
UBND các huyện liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về giao
thông đường thủy; xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
c) Kiểm tra, thanh tra việc
chấp hành quy định đối với các bến thủy nội địa, bến dân sinh và các tổ chức cá
nhân tham gia hoạt động giao thông vận tải đường thủy trên vùng hồ chứa thủy điện
Bắc Hà.
d) Chấp thuận xây dựng và cấp
giấy phép hoạt động cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông cho các tổ chức
cá nhân; chấp thuận vận tải hành khách theo tuyến cố định và phương tiện vận tải
hành khách chạy khảo sát, chạy thử trên tuyến đường thuỷ nội địa trên vùng hồ.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
a) Căn cứ chức năng và nhiệm
vụ được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và chủ đập lập quy
hoạch tuyến du lịch trong hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng lòng hồ trình UBND
tỉnh phê duyệt.
b) Chủ trì, phối hợp với các
cơ quan chức năng thực hiện việc quản lý nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân
kinh doanh du lịch, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến lĩnh vực du
lịch, bảo tồn các di sản văn hóa thuộc khu vực hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng
lòng hồ.
4. Sở Nông nghiệp và PTNT:
a) Chủ trì, phối hợp với các
sở ban ngành liên quan và chủ đập xây dựng quy hoạch nuôi trồng thủy sản, sản
xuất nông, lâm nghiệp trong hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng lòng hồ trình UBND
tỉnh phê duyệt.
b) Xây dựng quy chế khai thác
thủy sản hồ chứa thủy điện Bắc Hà.
c) Hỗ trợ và hướng dẫn tổ
chức, cá nhân về việc lựa chọn giống và kỹ thuật nuôi trồng thủy sản để phát
triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ rừng trong vùng hồ chứa thủy điện Bắc Hà.
d) Phê duyệt hồ sơ khai thác
rừng trồng sản xuất trong vùng hồ.
5. Sở Công Thương có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo việc xây dựng kế
hoạch điều tiết nước hồ chứa; chỉ đạo việc điều tiết nước hồ chứa thuỷ điện Bắc
Hà trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng
hoặc khi xảy ra các sự cố, tai biến môi trường nghiêm trọng khác trên lưu vực
sông.
b) Chỉ đạo, quản lý, cấp phép
các hoạt động sản xuất, kinh doanh khai thác tài nguyên hồ chứa theo thẩm quyền.
c) Phối hợp với Sở Tài nguyên
và Môi trường trong việc xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc tài nguyên và môi
trường các hồ chứa lớn.
d) Phối hợp với UBND các huyện
nơi có hồ chứa kiểm tra việc thực hiện pháp luật về quản lý, bảo vệ, khai thác
tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện Bắc Hà.
6. Công an tỉnh có trách nhiệm:
a) Chủ trì phối hợp với Sở
Giao thông Vận tải, UBND các huyện, các xã trong phạm vi vùng hồ chứa thủy điện
Bắc Hà thực hiện các biện pháp bảo vệ trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ
nội địa theo quy định.
b) Chỉ đạo Công an các huyện
Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương thường xuyên làm tốt công tác đảm bảo an ninh
trật tự; tổ chức lực lượng cảnh sát giao thông đường thuỷ thường trực tuần tra,
kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm đối với người, phương tiện tham gia giao thông
đường thuỷ trong khu vực lòng hồ theo quy định của pháp luật.
7. UBND các huyện Bắc Hà, Si
Ma Cai, Mường Khương có trách nhiệm:
a) Xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý và khai
thác hồ chứa thủy điện Bắc Hà theo quy định tại Nghị định số 112/2008/NĐ-CP
ngày 20/10/2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên
và môi trường các hồ chức thủy điện, thủy lợi và các quy định hiện hành có liên
quan trong hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng lòng hồ để quản lý, khai thác hiệu
quả hồ chứa thủy điện Bắc Hà. UBND huyện Bắc Hà là đầu mối tổng hợp báo cáo
định kỳ 6 tháng một lần về kết quả thực hiện quy hoạch, tình hình tổ chức khai
thác về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20 tháng 6 và ngày 25 tháng 12
hàng năm.
b) Phê duyệt phương án sử dụng
đất vùng bán ngập, phương án sử dụng mặt nước cho nuôi trồng thủy sản, tổ chức
thực hiện Quy hoạch đã được phê duyệt và phối hợp với các sở, ngành chức năng
để quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng tiềm năng và bảo vệ môi trường vùng
hồ chứa thủy điện Bắc Hà trên địa bàn theo quy định này và các quy định khác
của pháp luật.
c) Chỉ đạo thực hiện các biện
pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa, chống lấn, chiếm
hành lang bảo vệ luồng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa
và chịu trách nhiệm về trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa tại địa
phương; tổ chức cứu hộ, cứu nạn, giải quyết hậu quả các vụ tai nạn đường thủy
trong phạm vi địa phương và theo quy chế phối hợp.
d) Tổ chức thực hiện việc tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa; kiểm
tra, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa theo thẩm quyền;
áp dụng các biện pháp thiết lập trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa
trên vùng hồ. Tổ chức cắm biển cấm hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định.
8. UBND các xã thuộc vùng hồ
chứa thủy điện Bắc Hà có trách nhiệm:
a) Bảo vệ mốc giới hành lang
bảo vệ hồ thủy điện, mốc giới vùng bán ngập đã được bàn giao. Phối hợp với các ngành
liên quan trong quản lý đất đai, mặt nước, bến bãi, phương tiện và trật tự an
toàn giao thông đường thủy nội địa; tổ chức lực lượng phối hợp trong công tác
cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm. Tổ chức phổ biến tới mọi người dân thuộc địa phương
mình quản lý biết và thực hiện Quy định này.
b) Chủ động rà soát xây dựng
phương án sử dụng đất vùng bán ngập phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản
trình UBND huyện phê duyệt theo quy định tại Thông tư số 03/2012/TT-BTNMT ngày
12/4/2012.
c) Phối hợp với các cơ quan chức
năng trong công tác quản lý mặt nước, đất đai khu vực giáp ranh; kiểm tra và xử
lý các trường vi phạm về quản lý, khai thác hồ chứa thủy điện Bắc Hà.
d) Thực hiện quyền giám sát,
phát hiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong vùng hồ.
Điều 16. Trách nhiệm của tổ
chức, cá nhân có đăng ký hoạt động trên vùng hồ chứa thủy điện Bắc Hà
1. Tổ chức, cá nhân có đăng ký
hoạt động tại khu vực hành lang bảo vệ và lòng hồ chứa thủy điện Bắc Hà
có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành và quy định
này.
2. Phối hợp chặt chẽ với chính
quyền địa phương trong việc đảm bảo an ninh trật tự; đảm bảo giao thông đường
thủy; phát triển nguồn lợi thủy sản; quản lý, sử dụng và khai thác các nguồn
tài nguyên.
3. Chịu sự kiểm tra, giám sát
của các cơ quan chức năng; thường xuyên báo cáo kết quả hoạt động do mình thực
hiện; chấp hành nghiêm các quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
4. Huy động lực lượng, phương
tiện để phối hợp tham gia cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả các vụ tại nạn
giao thông đường thủy trong phạm vi lòng hồ chứa thủy điện Bắc Hà.
Điều 17. Khen thưởng và xử
lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân chấp hành
thực hiện tốt các quy định về quản lý, khai thác, sử dụng tiềm năng và bảo vệ
môi trường vùng hồ chứa thủy điện Bắc Hà; phát hiện và kịp thời ngăn chặn các
hành vi vi phạm sẽ được biểu dương, khen thưởng theo quy định.
2. Tổ chức, cá nhân có hành vi
vi phạm quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm
hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Hoạt
động của các tổ chức, cá nhân gây tổn hại đến tài nguyên và môi trường, công
trình và tài sản của nhà nước, của tổ chức, cá nhân sẽ phải bồi thường thiệt
hại và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Tổ chức thực hiện
1. Giao Sở Tài nguyên và Môi
trường chủ trì phối hợp với các Sở Nông nghiệp và PTNT; Giao thông Vận tải; Kế hoạch
và Đầu tư; Xây dựng; Công Thương; Văn hóa Thể thao và Du lịch; Công an tỉnh,
UBND các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ
chức kiểm tra và thực hiện Quy định này.
2. Trong quá trình tổ chức thực
hiện nếu có vướng mắc hoặc vấn đề mới phát sinh các ý kiến phản ánh về Sở Tài
nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung
cho phù hợp./.