ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
438/QĐ-UBND
|
Hậu Giang,
ngày 28 tháng 3 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
HẬU GIANG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04
tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản;
Căn cứ Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày
06 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện
Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về
bán đấu giá tài sản;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp bán đấu giá tài sản trên địa bàn
tỉnh Hậu Giang.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban,
ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ
quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi
nhận:
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT. NC. Ct.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đồng Văn Thanh
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 438/QĐ-UBND ngày 28 tháng 03 năm 2016 của
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế quy định trách nhiệm phối
hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc bán đấu giá tài sản
trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
2. Đối tượng áp dụng
- Người có tài sản bán đấu giá:
Chủ sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu ủy quyền bán tài sản; người có trách
nhiệm chuyển giao tài sản để bán đấu giá là cơ quan quyết định tịch thu sung quỹ
nhà nước đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định của
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; cơ quan có thẩm quyền quyết định bán,
thanh lý (hoặc được giao chủ trì xử lý) tài sản nhà nước; tổ chức tín dụng đối
với tài sản bảo đảm; chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự; cá nhân, tổ chức
khác có quyền bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức bán đấu giá tài sản:
Tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, Hội đồng bán đấu giá tài sản.
- Cơ quan, tổ chức có liên quan
trong việc đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã được bán đấu giá.
- Cơ quan có liên quan trong việc
quản lý các tổ chức bán đấu giá tài sản.
Điều 2.
Nguyên tắc phối hợp
Việc phối hợp thực hiện trên cơ
sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi cơ quan và các tổ chức, cá nhân có
liên quan theo quy định của pháp luật và Quy chế này, nhằm đảm bảo cho quá
trình tổ chức bán đấu giá tài sản được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đúng
quy định của pháp luật.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Nội
dung phối hợp
1. Phối hợp thực hiện ký hợp đồng
bán đấu giá tài sản, chuyển giao, bảo quản, tổ chức bán đấu giá tài sản, đăng
ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã được bán đấu giá.
2. Phí, chi phí có liên quan đến
việc bán đấu giá tài sản.
3. Quản lý công tác bán đấu giá
tài sản.
Điều 4. Ký
hợp đồng bán đấu giá tài sản
Hợp đồng bán đấu giá tài sản được
ký trong trường hợp quy định tại Điều 26 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày
04 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản (Nghị định số17/2010/NĐ-CP).
1. Khi ký kết hợp đồng bán đấu
giá tài sản, người có tài sản bán đấu giá có trách nhiệm cung cấp cho tổ chức
bán đấu giá tài sản giấy chứng nhận hợp pháp hoặc bằng chứng khác chứng minh
quyền sở hữu hoặc quyền được bán tài sản theo quy định của pháp luật và chịu
trách nhiệm trước pháp luật về các bằng chứng đó. Tổ chức bán đấu giá tài sản
có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác của các thông tin về nguồn gốc tài sản,
quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản do người có tài sản bán đấu giá cung cấp.
2. Việc ký hợp đồng phải đảm bảo
về hình thức và nội dung, trường hợp cơ quan nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân được
nhà nước giao quyền hoặc cá nhân thuộc quyền quản lý của cơ quan nhà nước không
thực hiện đúng quy định trong ký hợp đồng gây thiệt hại tài sản cho nhà nước
ngoài việc phải bồi thường còn bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 5.
Chuyển giao, bảo quản tài sản bán đấu giá
1. Các loại tài sản chuyển giao
cho tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để bán đấu giá, gồm:
a) Tài sản để thi hành án theo
quy định của pháp luật về thi hành án.
b) Tài sản là tang vật, phương
tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật
về xử lý vi phạm hành chính.
c) Tài sản bảo đảm trong trường
hợp pháp luật về giao dịch bảo đảm quy định phải xử lý bằng bán đấu giá.
d) Tài sản nhà nước được xử lý
bằng bán đấu giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
tài sản là quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử
dụng đất hoặc cho thuê đất được bán đấu giá theo quyết định của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền.
đ) Các tài sản khác phải bán đấu
giá theo quy định của pháp luật hoặc tài sản thuộc sở hữu của các tổ chức, cá
nhân khi có nhu cầu bán đấu giá tại tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp.
Cơ quan, người có thẩm quyền
chuyển giao các loại tài sản trên cho tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp phải chịu
trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ của mình trước, trong và sau khi giao tài sản
theo quy định.
2. Các tài sản do Hội đồng bán
đấu giá thực hiện gồm:
a) Đối với tang vật, phương tiện
vi phạm hành chính bị tịch thu không thuộc trường hợp quy định tại các Điểm a,
b, c, d Khoản 1 Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính mà không thuê được tổ chức
bán đấu giá thì thành lập hội đồng để bán đấu giá.
b) Tài sản nhà nước, tài sản là
quyền sử dụng đất có giá trị lớn, phức tạp hoặc trong trường hợp không thuê được
tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện việc bán đấu giá thì thành lập Hội
đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt.
c) Khi tổ chức bán đấu giá, Hội
đồng bán đấu giá ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để tổ chức
này cử đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tài sản của Hội đồng, trừ trường
hợp do Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt thực hiện.
Trong trường hợp các tổ chức
bán đấu giá chuyên nghiệp từ chối thì Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản có
trách nhiệm cử đấu giá viên giúp Hội đồng bán đấu giá tài sản thực hiện. Kinh
phí chi trả theo quy định pháp luật hiện hành.
3. Các cơ quan, tổ chức thuộc
nhà nước hoặc được nhà nước giao quyền xử lý bán tài sản phải chuyển giao tài sản
cho tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để bán đấu giá theo đúng quy định, nếu
không thực hiện gây thiệt hại phải bồi thường và tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị
xử lý theo quy định.
4. Đối với tài sản thuộc đối tượng
phải bán đấu giá nhưng không có tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp nào trên địa
bàn tỉnh tiếp nhận thì Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản nhà nước có trách
nhiệm tiếp nhận để tổ chức bán đấu giá tài sản.
Trường hợp một tài sản có nhiều
tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp cùng đăng ký tham gia bán đấu giá thì cơ
quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tổ chức đấu thầu để lựa chọn tổ chức có
năng lực thực hiện tốt việc bán đấu giá.
5. Thời hạn chuyển giao tài sản
bán đấu giá được thỏa thuận theo hợp đồng quy định tại Điều 25 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP.
Kể từ thời điểm chuyển giao, tổ
chức bán đấu giá tài sản phải chịu trách nhiệm bảo quản tài sản, nếu gây thiệt
hại phải chịu trách nhiệm bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Điều 6.
Đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã được bán đấu giá
1. Căn cứ Hợp đồng mua bán tài
sản bán đấu giá giữa tổ chức bán đấu giá tài sản và người mua được tài sản bán
đấu giá, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận quyền
sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá theo quy định
của pháp luật, trừ trường hợp tài sản bán đấu giá là quyền sử dụng đất để nhà
nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được thực hiện theo quy
định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
chịu trách nhiệm thực hiện và chỉ đạo hướng dẫn các cơ quan liên quan trong việc
cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho người mua được
tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật.
3. Các cơ quan nhà nước có
trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của người mua được tài sản
bán đấu giá nếu bị xâm phạm.
Điều 7.
Phí, chi phí có liên quan đến việc bán đấu giá tài sản
1. Phí, chi phí liên quan đến
việc bán đấu giá tài sản được áp dụng theo quy định tại Điều 43 Nghị định số
17/2010/NĐ-CP .
2. Các tổ chức bán đấu giá
chuyên nghiệp không được tăng, miễn hoặc giảm phí bán đấu giá trái với quy định.
Trường hợp đấu thầu, phí bán đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của
pháp luật có liên quan.
3. Người có tài sản bán đấu giá
hoặc người mua được tài sản bán đấu giá có thể thỏa thuận với tổ chức bán đấu
giá tài sản để được cung cấp các dịch vụ có liên quan đến việc tổ chức bán đấu
giá. Chi phí thực hiện do hai bên thỏa thuận.
Điều 8. Quản
lý công tác bán đấu giá
1. Sở Tư pháp
a) Tham mưu UBND tỉnh thực hiện
nhiệm vụ quy định tại Khoản 1 Điều 53 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP.
b) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ
quy định tại Khoản 2 Điều 53 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP
và Điều 19 Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày
06 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tư pháp Quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện
Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về bán
đấu giá tài sản (Thông tư số 23/2010/TT-BTP).
c) Ngoài nhiệm vụ nêu trên, Sở
Tư pháp có trách nhiệm phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện công tác quản
lý nhà nước đối với các Văn phòng đại diện của Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản.
Việc quản lý các Văn phòng đại diện được thực hiện như đối với việc quản lý các
doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, chi nhánh bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Tài chính
a) Chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp
hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng phí, lệ phí bán đấu giá tài sản của
các tổ chức bán đấu giá tài sản theo quy định.
b) Thành lập Hội đồng xác định
giá hoặc phối hợp với các ngành liên quan thẩm định giá khởi điểm để bán đấu
giá tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước.
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác
theo quy định của pháp luật.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Cung cấp cho Sở Tư pháp danh
sách các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản tại địa phương sau khi cấp Giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh cho Doanh nghiệp hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt
động đối với Chi nhánh, Văn phòng đại diện của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản.
b) Phối hợp với Sở Tư pháp kiểm
tra tổ chức, hoạt động của các Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, Chi nhánh hoặc
Văn phòng đại diện của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản theo định kỳ, kiểm tra
đột xuất trong trường hợp cần thiết hoặc theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, Ủy ban
nhân dân tỉnh.
4. Các Doanh nghiệp bán đấu giá
tài sản, Chi nhánh, Văn phòng đại diện Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản (gọi tắt
là tổ chức bán đấu giá):
a) Lập danh sách đấu giá viên,
cập nhật nội dung thay đổi, bổ sung danh sách đấu giá viên báo cáo về Sở Tư
pháp khi có phát sinh.
b) Báo cáo về Sở Tư pháp theo
quy định tại Điều 20 Thông tư số 23/2010/TTT-BTP.
5. Ủy ban nhân dân cấp huyện
Báo cáo về Sở Tư pháp theo quy định tại Điều 20 Thông tư số 23/2010/TTT-BTP.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Tổ
chức thực hiện
1. Giao Sở Tư pháp phối hợp với
các cơ quan liên quan triển khai, hướng dẫn thực hiện Quy chế này đến từng đối
tượng có liên quan.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân
có trách nhiệm thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong phạm vi
quy định của pháp luật liên quan đến bán đấu giá tài sản và nội dung Quy chế
này.
Trong quá trình thực hiện có
khó khăn, vướng mắc phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, tham mưu Ủy nhân dân tỉnh
xem xét, quyết định./.