QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC BỘ
TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 4296 /QĐ-BTP ngày 24 tháng
11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Hội đồng
khoa học Bộ Tư pháp
Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp bao gồm các nhà
khoa học, các chuyên gia luật có trình độ, có kinh nghiệm và trách
nhiệm cao, hiện đang công tác trong các tổ chức, đơn vị trực thuộc Bộ
Tư pháp, được thành lập nhằm tư vấn cho Bộ trưởng về những vấn đề khoa học
pháp lý, quản lý tư pháp phục vụ việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của Bộ Tư pháp.
Điều 2. Nhiệm vụ
và quyền hạn của Hội đồng khoa học
Hội đồng khoa học có nhiệm vụ, quyền hạn sau
đây:
1. Giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc tham gia
xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến tổ chức
bộ máy, tư pháp và pháp luật;
2. Tư vấn cho Bộ trưởng về xây dựng chiến lược
phát triển ngành Tư pháp, phát triển khoa học pháp lý; về chiến lược phát triển,
sử dụng nguồn nhân lực khoa học, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành
Tư pháp; về xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề tài nghiên cứu
khoa học dài hạn và hàng năm, bao gồm cả chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học
với nước ngoài;
3. Đề xuất các kiến nghị khoa học về những vấn đề
thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ; về các chương trình, đề tài cấp Nhà nước, cấp
Bộ, cấp Cơ sở và các đề án công tác của Bộ; về cơ chế, biện pháp khuyến khích
hoạt động khoa học của các đơn vị thuộc Bộ và ngành Tư pháp;
4. Tham gia ý kiến đối với việc đánh giá các
công trình khoa học, các đề án, dự án của Bộ, báo cáo tổng kết công tác khoa học
của Bộ Tư pháp; các giáo trình, chương trình giảng dạy của các cơ sở đào
tạo luật nếu các cơ sở đó có đề nghị;
5. Thảo luận, đóng góp ý kiến khoa học đối với
các dự án luật theo yêu cầu của Bộ trưởng, các văn bản góp ý của Bộ Tư pháp về
dự thảo luật theo kế hoạch lấy ý kiến nhân dân trước khi trình Bộ trưởng Bộ Tư
pháp;
6. Thực hiện các hoạt động tư vấn khác theo yêu
cầu của Bộ trưởng.
Điều 3. Nhiệm kỳ
và số lượng thành viên của Hội đồng khoa học
1. Nhiệm kỳ của Hội đồng Khoa học là 5 năm. Số
lượng thành viên Hội đồng khoa học là 21 người, trong đó, thành viên Hội đồng
khoa học thuộc các đơn vị có chức năng đào tạo chiếm không quá 5 người.
2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Viện trưởng Viện Khoa
học Pháp lý là thành viên đương nhiên của Hội đồng khoa học.
Điều 4. Cơ cấu của Hội
đồng khoa học
1. Cơ cấu của Hội đồng khoa học gồm: Chủ tịch,
02 Phó Chủ tịch, trong đó có một Phó chủ tịch thường trực, Thư ký và các
thành viên.
2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp là Chủ tịch Hội đồng
Khoa học.
3. Các Phó Chủ tịch và Thư ký do Hội đồng khoa học
bầu ra trong số các thành viên của Hội đồng khoa học tại phiên họp đầu tiên của
Hội đồng khoa học nhiệm kỳ mới theo giới thiệu của các thành viên Hội
đồng.
4. Khi cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ
thành lập các Ban chuyên môn thường xuyên hoặc tạm thời trong Hội đồng
khoa học.
Chương II
THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG
KHOA HỌC
Điều 5. Tiêu chuẩn của
thành viên Hội đồng khoa học
Thành viên Hội đồng khoa học phải có đủ các tiêu
chuẩn sau:
1. Có lập trường chính trị vững vàng; có đạo đức
tư cách tốt;
2. Có học vị tiến sĩ luật từ 3 năm trở lên kể từ
ngày có quyết định của cơ quan có thẩm quyền cấp bằng tiến sĩ;
3. Có một trong các thành tích khoa học sau:
Đã chủ trì và bảo vệ thành công ít nhất 01 đề tài, đề án cấp Bộ hoặc đề tài
nhánh cấp Nhà nước; hoặc đã là tổ trưởng tổ biên tập soạn thảo 02 văn bản quy
phạm pháp luật từ Nghị định trở lên; hoặc đã hướng dẫn 03 nghiên cứu sinh bảo vệ
thành công luận án tiến sĩ trở lên;
4. Có thâm niên 5 năm công tác trong lĩnh vực tư
pháp và pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp;
5. Có đủ thời gian thực hiện nhiệm vụ
của thành viên Hội đồng khoa học ít nhất là 3 năm tính đến thời điểm bầu Hội đồng khoa học.
Riêng đối với người có học vị Tiến sĩ Khoa học và có học hàm Giáo
sư, Phó Giáo sư thời
gian ít nhất để thực hiện nhiệm vụ thành viên Hội đồng khoa học là 2 năm tính
từ thời điểm bầu Hội đồng khoa học.
Điều 6. Bầu thành
viên Hội đồng khoa học
1. Các thành viên của Hội đồng khoa học do Hội
nghị đại biểu bầu theo hình thức bỏ phiếu kín. Thành phần Hội nghị
đại biểu gồm: những cán bộ đang công tác trong các đơn vị trực thuộc
Bộ Tư pháp có
học vị tiến sĩ luật, học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư; có ngạch chuyên viên
cao cấp và tương đương và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
2. Danh sách đề cử thành viên Hội đồng khoa học
nhiệm kỳ mới do Hội đồng khoa học nhiệm kỳ trước và các đơn vị thuộc Bộ Tư
pháp giới thiệu. Danh sách đề cử và bầu cử không bao gồm thành viên đương nhiên
của Hội đồng khoa học.
3. Việc bầu bổ sung thành viên Hội đồng khoa học
sẽ do Hội đồng khoa học đương nhiệm tiến hành theo thủ tục bỏ phiếu kín.
Danh sách ứng viên Hội đồng khoa học cần bầu bổ sung do Hội đồng khoa
học đương nhiệm giới thiệu.
Điều 7. Xác định
trúng cử thành viên Hội đồng khoa học
1. Người trúng cử vào Hội đồng Khoa học phải là
người đạt số phiếu thuận từ 50% trở lên trên tổng số phiếu hợp lệ và được chọn
theo số phiếu từ cao xuống thấp cho đến khi đủ số lượng thành viên của Hội đồng
khoa học. Trường hợp các ứng viên có số phiếu bầu bằng nhau thì việc trúng
cử sẽ được xác định như sau:
a) Ứng viên nào có học hàm, học vị, cao
hơn;
b) Nếu các ứng viên có học hàm, học vị bằng
nhau thì ứng viên có thâm niên công tác nhiều hơn sẽ trúng cử;
c) Nếu các ứng viên có học hàm, học vị bằng
nhau, thâm niên công tác bằng nhau thì ứng viên là nữ sẽ trúng cử;
d) Nếu việc xác định các ứng viên trúng
cử theo một trong các tiêu chí trên không thực hiện được thì Bộ trưởng
Bộ Tư pháp quyết định
ứng viên trúng cử.
2. Trong trường hợp bầu lần đầu không đủ số lượng
thành viên đã định, Hội nghị bầu thành viên Hội đồng khoa học có thể bầu bổ
sung ngay sau đó.
3. Căn cứ vào kết quả bầu cử, Bộ trưởng Bộ Tư pháp
xem xét ra quyết định phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng khoa học và triệu
tập phiên họp đầu tiên của Hội đồng khoa học.
Điều 8. Quyền hạn và trách
nhiệm của Chủ tịch Hội đồng
1. Lãnh đạo Hội đồng hoạt động theo các quy định
của Quy chế này;
2. Chỉ đạo cơ quan thường trực và Thư ký của
Hội đồng chuẩn bị nội dung và chương trình các phiên họp của Hội đồng;
3. Triệu tập và chủ trì các phiên họp của Hội đồng;
4. Ký các văn bản kết luận của Hội đồng
khoa học.
Điều 9. Quyền hạn và trách
nhiệm của Phó Chủ tịch Hội đồng
1. Giúp Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo, theo dõi các
hoạt động thường xuyên của Hội đồng theo phân công chủ Chủ tịch;
2. Chịu trách nhiệm về
những công việc được Chủ tịch giao, thay mặt Chủ tịch khi được Chủ tịch ủy quyền;
3. Giúp Chủ tịch Hội đồng điều hành cơ quan thường
trực và Thư ký của Hội đồng chuẩn bị các nội dung và chương trình các phiên họp,
các công tác đột xuất có liên quan tới hoạt động của Hội đồng;
4. Ký các văn bản kết luận của Hội đồng
theo ủy quyền của Chủ tịch.
Điều 10. Quyền hạn và
trách nhiệm của Thư ký Hội đồng
1. Ghi biên bản phiên họp Hội đồng khoa học;
2. Tổng hợp các ý kiến trong biên bản phiên họp
để xây dựng các kiến nghị của Hội đồng đối với Bộ trưởng và các đơn vị có
liên quan đến các vấn đề mà Hội đồng khoa học cho ý kiến;
3. Ký biên bản họp cùng với người chủ trì phiên
họp;
4. Phối hợp với Viện Khoa học Pháp lý chuẩn bị
các điều kiện cần thiết cho phiên họp Hội đồng.
Điều 11. Quyền và
nghĩa vụ của thành viên Hội đồng khoa học
1. Thành viên Hội đồng khoa học có các quyền và
lợi ích sau:
a) Tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề
trong chương trình nghị sự của Hội đồng khoa học;
b) Thể hiện quan điểm khoa học một cách độc lập,
không chịu sự ràng buộc về hành chính;
c) Đề xuất các sáng kiến khoa học, các nhiệm vụ
khoa học theo các quy định của Quy chế Quản lý khoa học của Bộ Tư pháp;
d) Được yêu cầu cơ quan thường trực giúp việc
của Hội đồng khoa học đảm bảo tài liệu và các thông tin cần thiết cho việc thực
hiện nhiệm vụ của thành viên Hội đồng khoa học.
đ) Được hưởng các quyền lợi vật chất theo chế
độ hiện hành áp dụng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
2. Thành viên Hội đồng khoa học có nghĩa vụ sau:
a) Tham gia đầy đủ các phiên họp của Hội đồng
khoa học;
b) Thực hiện tốt các nhiệm vụ tư vấn khoa học được
Hội đồng khoa học giao với trách nhiệm và thái độ mẫn cán, khách quan, xây dựng;
c) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thường trực của
Hội đồng khoa học để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Điều 12. Chấm dứt tư cách
thành viên Hội đồng Khoa học
Tư cách thành viên Hội đồng khoa học sẽ bị
chấm dứt nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
1. Bị miễn nhiệm do vắng mặt không có lý do chính
đáng trên một nửa tổng số phiên họp trong một năm của Hội đồng khoa học.
2. Bị xóa tên theo quyết định của Bộ trưởng Bộ
Tư pháp do không đáp ứng một trong các tiêu chuẩn được quy định tại Điều 5 của
Quy chế này.
3. Thôi công tác tại Bộ Tư pháp.
Chương III.
BỘ MÁY GIÚP VIỆC VÀ
PHƯƠNG THỨC LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC
Điều 13. Bộ máy giúp việc của
Hội đồng khoa học
1. Viện Khoa học Pháp lý là cơ quan thường trực
giúp việc cho Hội đồng khoa học và có các nhiệm vụ sau:
a) Chuẩn bị chương trình các phiên họp Hội đồng;
lưu trữ hồ sơ hoạt động của Hội đồng; phối hợp với Thư ký Hội đồng và các đơn vị
liên quan chuẩn bị nội dung các phiên họp Hội đồng khoa học;
b) Trình Chủ tịch Hội đồng khoa học thành phần đại
biểu dự các phiên họp của Hội đồng; đề xuất với Chủ tịch Hội đồng mời
các chuyên gia có chuyên môn sâu làm phản biện đối với vấn đề mà Hội
đồng cần thảo luận, thông qua tại phiên họp;
c) Giúp Chủ tịch Hội đồng trong việc chỉ đạo
công tác chung của Hội đồng;
d) Đề xuất với Chủ tịch Hội đồng các đề án,
chương trình, đề cương và đề tài khoa học và công nghệ cần được Hội đồng tư vấn,
phản biện;
đ) Phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị có
liên quan thực hiện các kết luận hoặc kiến nghị của Hội đồng;
e) Giải quyết các công việc có liên quan đến hoạt
động của Hội đồng trong thời gian giữa 2 phiên họp Hội đồng;
g) Đề xuất với Chủ tịch phương án bầu bổ sung
thành viên Hội đồng khoa học trong trường hợp khuyết thành viên;
h) Thực hiện các nhiệm vụ khoa học khác theo chỉ
đạo của Chủ tịch Hội đồng.
Điều 14. Phiên họp Hội
đồng khoa học
1. Hội đồng Khoa học họp thường kỳ mỗi quý một lần.
Các phiên họp thường kỳ của Hội đồng phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên của
Hội đồng tham dự.
2. Phiên họp bất thường của Hội đồng khoa học được
triệu tập theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng hoặc theo đề nghị bằng văn bản
của ít nhất 1/3 tổng số thành viên Hội đồng khoa học. Các phiên họp bất
thường phải có ít nhất 50% thành viên Hội đồng khoa học có mặt trong
đó phải có đủ số lượng thành viên có chuyên môn về vấn đề cần đưa ra thảo
luận tại phiên họp.
3. Căn cứ vào nội dung chương trình, Chủ tịch Hội
đồng khoa học có thể quyết định mời các nhà khoa học trong và ngoài ngành Tư
pháp tham gia phiên họp của Hội đồng. Khách mời được tham gia thảo luận các vấn
đề nêu ra trong phiên họp nhưng không tham gia biểu quyết.
4. Chương trình các phiên họp của Hội đồng
khoa học, các tài liệu liên quan đến phiên họp của Hội đồng khoa học phải được
thông báo, được chuyển cho các thành viên chậm nhất là 3 ngày trước phiên họp
định kỳ, trừ trường hợp đột xuất.
Điều 15. Thảo luận
và biểu quyết
1. Hội đồng khoa học thảo luận dân chủ, công khai
về những vấn đề trong chương trình phiên họp và những vấn đề do Chủ tịch hoặc
các thành viên nêu ra.
2. Những vấn đề được Hội đồng thông qua
trên 50% số phiếu của thành viên Hội đồng có mặt được coi là ý kiến
chính thức của Hội đồng. Các ý kiến khác được ghi vào biên bản phiên họp.
Chương IV
CÁC ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO
HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC
Điều 16. Các điều kiện
đảm bảo cho hoạt động của Hội đồng khoa học
1. Văn phòng Bộ Tư pháp đảm bảo địa điểm
cho các phiên họp của Hội đồng khoa học theo đề nghị của Viện khoa
học pháp lý sau khi có ý kiến của Chủ tịch triệu tập phiên họp Hội
đồng.
2. Viện Khoa học pháp lý đảm bảo thông tin
kịp thời cho các thành viên của Hội đồng khoa học về thời gian tổ
chức phiên họp, chương trình và tài liệu cần thiết phục vụ cho phiên họp.
Điều 17. Trách nhiệm của
các đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp
1. Các đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp có cán bộ,
công chức là thành viên Hội đồng khoa học có trách nhiệm tạo điều kiện để thành
viên Hội đồng khoa học có mặt đầy đủ tại các phiên họp của Hội đồng và thực hiện
tốt nhiệm vụ của mình.
2. Các đơn vị có dự thảo văn bản, đề án hoặc vấn
đề chuyên môn cần xin ý kiến của Hội đồng khoa học phải có giải trình, tiếp thu
ý kiến của Hội đồng khoa học bằng văn bản sau khi nhận được kết luận của Hội đồng
khoa học.
Điều 18. Kinh phí hoạt
động của Hội đồng khoa học
1. Kinh phí hoạt động của Hội đồng khoa học được
lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của Bộ Tư pháp và ghi trong kế hoạch
khoa học công nghệ hàng năm.
2. Viện Khoa học Pháp lý chịu trách
nhiệm giúp Hội đồng Khoa học thực hiện việc thanh toán và quyết
toán kinh phí hoạt động của Hội đồng Khoa học.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Sửa đổi,
bổ sung Quy chế
Trong quá trình thực hiện Quy chế này nếu có vướng
mắc hoặc những điểm chưa phù hợp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, các thành
viên Hội đồng khoa học phản ánh về cơ quan thường trực giúp việc Hội đồng
khoa học Bộ để nghiên cứu, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, sửa đổi, bổ sung
Quy chế.