ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
427/2014/QĐ-UBND
|
Quảng Ninh,
ngày 28 tháng 02 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH TRỌNG ĐIỂM QUẢNG
NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Di sản văn hoá ngày 29/6/2001 và
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá ngày 18/6/2009;
Căn cứ Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày
07/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn
và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh;
Căn cứ Quyết định số 322/QĐ-TTg ngày
18/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn
và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng, tỉnh Quảng Ninh;
Căn cứ Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày
18/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án mở rộng và phát triển
Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh;
Xét đề nghị của Trưởng ban Quản lý các di
tích trọng điểm tại Tờ trình số 42/TTr-DTTĐ ngày 13/12/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý các Di tích
trọng điểm Quảng Ninh.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng
Ban quản lý các Di tích trọng điểm Quảng Ninh; Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể
thao và Du lịch, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi
trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Ngoại vụ, Giao thông và
Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Khoa học Công nghệ, Công thương; Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí,
Vân Đồn và các tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vũ Thị Thu Thủy
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH TRỌNG ĐIỂM QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 427/2014/QĐ-UBND ngày 28/02/2014 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng
áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quản lý 04 khu di tích trọng điểm: Khu
di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng; khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều;
khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử; khu di tích lịch sử Thương
cảng Vân Đồn. Phạm vi ranh giới và khu vực bảo vệ di
tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng bảo vệ di
tích và quy hoạch tổng thể, đề án đã được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 307/QĐ-TTg, ngày 07/02/2013 Quy
hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch
Đằng, tỉnh Quảng Ninh; Quyết định số 322/QĐ-TTg, ngày 18/02/2013 Quy hoạch tổng
thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Nhà Trần ở Đông Triều, tỉnh
Quảng Ninh và Quyết định số 334/QĐ-TTg, ngày 18/02/2013 Đề án mở rộng và phát
triển Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh).
2. Đối tượng áp dụng
Mọi tổ chức, cá nhân trong nước và
nước ngoài tham gia hoạt động trong các khu di tích trọng điểm Quảng Ninh đều
phải tuân thủ các quy định của pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt
Nam và Quy chế này.
Điều 2. Mục
đích
Quy chế này cụ thể hóa Luật Di sản
văn hóa, văn bản pháp luật của Nhà nước, quy định của tỉnh Quảng Ninh để quản
lý, bảo tồn, tôn tạo, nghiên cứu khoa học và phát huy giá trị của các khu di
tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội,
an ninh quốc phòng của Tỉnh và quốc gia.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong quy chế này các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Khu vực bảo vệ I: Là vùng có các yếu tố gốc cấu
thành di tích.
2. Khu vực bảo vệ II: Là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp
khu vực bảo vệ I.
3. Bảo
quản di tích: Là hoạt động nhằm phòng ngừa và hạn chế những tác nhân huỷ hoại
di tích mà không làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc vốn có của di tích.
4. Bảo
tồn di tích: Là những hoạt động nhằm bảo đảm sự tồn tại lâu dài, ổn định của
di tích để sử dụng và phát huy giá trị của di tích đó.
5. Tu
bổ di tích: Tu bổ di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh là
hoạt động nhằm tu sửa, gia cố, tôn tạo di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng
cảnh.
6. Tôn
tạo di tích: Là hoạt động nhằm tăng cường khả năng sử dụng, khai thác và
phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di
tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.
7. Phục
hồi di tích: Phục hồi di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh là hoạt
động nhằm phục dựng lại di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh đã bị huỷ
hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng
cảnh đó.
8. Tu
sửa cấp thiết di tích: Là hoạt động chống đỡ, gia cố, gia cường tạm thời hoặc
sửa chữa nhỏ để kịp thời ngăn chặn di tích khỏi bị sập đổ, hủy hoại.
9. Di
vật: Là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hoá,
khoa học.
10. Cổ
vật: Là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử,
văn hoá, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên.
11. Bảo
vật quốc gia: Là hiện vật được lưu truyền lại có giá trị đặc biệt quý hiếm,
tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hoá, khoa học.
Điều 4. Các hành vi
sau đây bị nghiêm cấm
1. Tuyên truyền, phổ biến, trình
diễn sai lệch nội dung, giá trị của di
tích.
2. Làm thay đổi yếu tố gốc cấu
thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích; hoặc tu bổ,
phục hồi không đúng với các yếu tố nguyên gốc của di tích và các hành vi khác
khi chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
3. Làm thay đổi môi trường cảnh
quan như chặt cây, săn bắn động vật, khai thác khoáng sản, động, thực vật, xây
dựng trái phép và các hành vi khác gây ảnh hưởng đến di tích.
4. Đào bới, tìm kiếm, trục vớt di
vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trong khu di tích.
5. Tiếp nhận tượng, đồ thờ, hiện vật
khi chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
6. Các hành vi xâm phạm an ninh quốc
gia và trật tự an toàn xã hội, phát tán tài liệu phản động, truyền đạo trái
phép, mê tín dị đoan, ăn xin, xóc thẻ, xem bói, bán hàng rong, ma tuý, mại dâm
và các tệ nạn xã hội khác; tự ý viết vẽ, sơn khắc tại di tích và các hành vi vi
phạm pháp luật.
7. Các hoạt động xâm hại ảnh hưởng
môi trường, hệ sinh thái, gây xói lở, làm trượt đất, cát, xả chất thải, xác động
vật, xăng dầu xuống sông, suối, hồ, ao, đầm, hố tự thấm trong lòng đất ở những
khu vực hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ
THỂ
Mục 1. Bảo tồn,
tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích
Điều 5. Quy định
về bảo tồn, tu bổ, phục hồi tôn tạo di tích
1.
Các khu vực bảo vệ I phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trên
bản đồ địa chính, trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ di tích và phải
được cắm mốc giới trên thực địa.
Khu
vực bảo vệ I phải được bảo vệ nghiêm ngặt, nguyên trạng về mặt bằng và không gian.
Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ
và phát huy giá trị di tích, thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích
đó.
2.
Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II
đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng
văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Việc
xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố
gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di
tích.
3. Khu vực phụ cận: Các hoạt động
kinh tế - xã hội phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành và Quy chế này,
có cam kết các giải pháp bảo đảm không gây tác động xấu đến cảnh quan môi trường
sinh thái và giá trị của di tích.
Điều 6. Nguyên
tắc bảo tồn, tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích
1. Chỉ tiến hành bảo tồn, tu bổ,
phục hồi và tôn tạo di tích trong trường hợp cần thiết và phải lập thành dự án.
Dự án và thiết kế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích hoặc báo cáo tu sửa cấp
thiết di tích phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Bảo đảm tính nguyên gốc, tính
toàn vẹn và sự bền vững của Di tích.
3. Ưu tiên cho các hoạt động bảo
quản, gia cố di tích trước khi áp dụng những biện pháp kỹ thuật tu bổ và phục hồi
khác.
4. Việc thay thế kỹ thuật hay chất
liệu cũ bằng kỹ thuật hay chất liệu mới phải được thí nghiệm trước để bảo đảm kết
quả chính xác khi áp dụng vào di tích.
5. Chỉ thay thế một bộ phận cũ bằng
một bộ phận mới của di tích khi có đủ những chứng cứ khoa học chuẩn xác.
6. Bảo đảm an toàn cho bản thân
công trình và khách tham quan.
7. Điều kiện lập dự án bảo tồn, tu
bổ, phục hồi và tôn tạo di tích: Dự án và thiết kế bảo tồn, tu bổ, phục hồi và
tôn tạo di tích phải do tổ chức có chuyên môn về bảo quản, tu bổ và phục hồi di
tích thực hiện theo quy định thẩm quyền, trình tự thủ tục lập, phê duyệt dự án
bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của
Chính phủ.
Điều 7. Thẩm
quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt, quy hoạch, dự án bảo quản tu bổ di tích
Nội dung dự án bảo quản, tu bổ, phục
hồi di tích phải tuân thủ Nghị định số 70/2012/NĐ-CP, ngày 18/9/2012 của Chính
Phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo
quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Thông tư
số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định
chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Thông tư
số 17/2013/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2013 hướng dẫn xác định chi phí lập
quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục
hồi di tích và các quy định hiện hành khác.
Mục 2. Phát huy
giá trị các khu di tích trọng điểm
Điều 8. Điều
kiện để các tổ chức, cá nhân hoạt động đầu tư xây dựng và dịch vụ trong khu di
tích trọng điểm
1. Phải có dự án phù hợp với Quy
hoạch tổng thể về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích đã được
Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt. Tuân thủ các quy định quản lý Nhà nước của
ngành, lĩnh vực; các quy định của Quy chế này. Ban quản lý các di tích trọng điểm
Quảng Ninh là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo cấp tỉnh triển khai quy hoạch,
có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ban, ngành, các địa phương liên quan thẩm định
trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Các công trình xây dựng phải
phù hợp với kiến trúc văn hóa truyền thống thuần Việt vốn có của khu di tích
(chiều cao ở khu dân cư xây dựng ngoài khu vực II không quá 3 tầng, ở trong khu
vực II của di tích xây dựng không quá 2 tầng); đảm bảo giữ gìn cảnh quan môi
trường, hệ sinh thái, giá trị di tích; đảm bảo các yêu cầu trong lĩnh vực bảo tồn,
tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn theo quy định.
3. Các dự án đầu tư phát triển kinh
tế - văn hoá, xã hội ở địa phương liên quan đến khu di tích hoặc gần khu di
tích trọng điểm trước khi được phê duyệt phải lập báo cáo đánh giá tác động
môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định, phòng chống cháy
nổ; đồng thời chủ đầu tư dự án phải thực hiện đúng, đầy đủ các yêu cầu bảo vệ
môi trường ghi trong báo cáo hoặc cam kết và không được làm ảnh hưởng
đến cảnh quan khu di tích trọng điểm.
Điều 9. Quy định
về quản lý, sử dụng đất và rừng ở các khu di tích trọng điểm
1. Căn cứ vào hiện trạng, mục đích
sử dụng đất, rừng nằm trong khu di tích gồm các loại:
- Đất nông nghiệp (đất nông nghiệp,
đất lâm nghiệp, mặt nước nuôi trồng thủy, hải sản);
- Đất phi nông nghiệp (đất khu dân
cư, đất đô thị, đất chuyên dùng);
- Đối tượng rừng được quy hoạch; rừng
đặc dụng hoặc rừng phòng hộ;
- Đất chưa sử dụng.
2. Các tổ chức, cá nhân đang sử dụng
đất hợp pháp nằm trong phạm vi được quy định tại Điều 1 của Quy chế này được tiếp
tục sử dụng theo hiện trạng, khi có nhu cầu nhà nước sẽ thu hồi đất và bồi thường
tài sản theo quy định của Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
3. Việc quản lý và sử dụng đất vào
mục đích xây dựng các công trình phát triển kinh tế - xã hội phải tuân theo quy
hoạch tổng thể, kế hoạch sử dụng đất được duyệt và các quy định hiện hành khác
về bảo vệ môi trường, di tích lịch sử - văn hóa, cảnh quan.
4. Đối với quỹ đất chưa sử dụng
trong các khu di tích trọng điểm, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí, Vân Đồn, Ủy ban nhân dân
các xã, phường, thị trấn liên quan phải có trách nhiệm quản lý theo thẩm quyền,
chỉ được phép khai thác sử dụng khi có thẩm định của cơ quan chức năng và quyết
định của cấp có thẩm quyền.
5. Tổ chức và cá nhân đang sử dụng
đất trong các khu di tích trọng điểm phải tuân thủ sử dụng đất đúng mục đích,
đúng ranh giới được giao.
6. Việc giao đất, thu hồi đất và
cho thuê đất được áp dụng theo quy định của Luật đất đai và các quy định hiện
hành của Nhà nước.
7. Việc các tổ chức cá nhân và hộ gia đình được
giao rừng, thuê rừng và sử dụng rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trong
các khu di tích trọng điểm phải tuân thủ theo quy định của Luật Bảo vệ và phát
triển rừng và các quy định hiện hành.
Điều 10. Bảo vệ
môi trường trong các khu di tích trọng điểm
1. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt
động kinh doanh, dịch vụ trong các khu di tích trọng điểm phải thực hiện:
- Lập báo cáo đánh giá tác động
môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường, bảo đảm thực hiện đúng các tiêu chuẩn
môi trường trong quá trình kinh doanh, dịch vụ;
- Tổ chức phương tiện, hệ thống
thu gom, xử lý rác thải, nước thải đúng quy định;
- Có biện pháp phòng chống, khắc
phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm môi trường;
- Bồi thường thiệt hại khi có hành
vi gây tổn hại đến môi trường.
2. Việc khai thác nguồn nước ngầm
nhằm sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh và dịch vụ, phải có thiết kế theo
dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo khai thác và sử dụng,
hợp lý tài nguyên nước.
Điều 11. Một
số quy định về hoạt động tế lễ, chiêm bái, tham quan - du lịch trong các khu di
tích trọng điểm
1. Đối với nhân dân trên địa bàn
và khách thập phương tham quan du lịch:
- Được chiêm bái, tế lễ, tham
quan du lịch tại các di tích đã được công bố;
- Phải chấp hành nội quy, quy định
và sự hướng dẫn của cán bộ, nhân viên quản lý di tích, thủ từ và các nhà sư trụ
trì tại các điểm di tích.
2. Đối với đơn vị, cơ quan kinh
doanh du lịch tại các khu di tích:
- Tổ chức các hoạt động cho khách
tham quan, du lịch tại các khu vực theo quy định;
- Xây dựng nội quy để bảo vệ di
tích, môi trường đảm bảo phù hợp với quy định chung;
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
cho cán bộ nhân viên và khách du lịch nâng cao nhận thức và thực hiện tốt Quy
chế quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh và các quy định của pháp luật.
Điều 12. Quy
định về hoạt động văn hoá, lễ hội, dịch vụ, vui chơi giải trí trong các khu di
tích trọng điểm
1. Mọi hoạt động văn hoá, nghệ thuật,
lễ hội, dịch vụ, vui chơi giải trí phải có nội dung, chương trình, kế hoạch cụ
thể và phải được phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền mới được tổ
chức thực hiện;
2. Trong quá trình tổ chức các hoạt
động nêu trên phải chịu trách nhiệm về nội dung, đảm bảo an toàn, an ninh trật
tự, vệ sinh môi trường, không gây trở ngại đến các hoạt động chung và không
xâm hại đến các giá trị của di tích.
Mục 3. Hoạt động
nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, xã hội hoá công tác bảo tồn, tôn tạo và
phát huy giá trị các di tích
Điều 13. Xã hội
hoá trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị các di tích
trọng điểm
1. Khuyến khích đối với các tổ chức
quốc tế, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia vào các hoạt
động sau:
- Nghiên cứu khoa học về các khu
di tích trọng điểm Quảng Ninh;
- Ủng hộ tiền, tài sản, sức lao động,
dự án đầu tư xây dựng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích trọng
điểm Quảng Ninh;
- Tuyên truyền, quảng bá cho di
tích; giáo dục cộng đồng bảo vệ các khu di tích trọng điểm Quảng Ninh.
2. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ,
nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt
Nam.
Điều 14. Điều
kiện để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khi tiến hành nghiên cứu khoa
học tại các khu di tích trọng điểm
1. Chấp hành các quy định tại Quy
chế này và các quy định pháp luật có liên quan khác.
2. Các nội dung, chương trình, đề
án cụ thể phải được các cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định và gửi Ban
quản lý các Di tích trọng điểm Quảng Ninh trình Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng
Ninh phê duyệt.
3. Phải phối hợp và chịu sự giám
sát kiểm tra của Ban quản lý các Di tích trọng điểm Quảng Ninh, các cơ quan chức
năng liên quan và các địa phương nơi có các khu di tích trọng điểm.
4. Cung cấp kết quả nghiên cứu
khoa học cho Ban quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh để phục vụ công tác
bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích trọng điểm.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA
CÁC SỞ, BAN, NGÀNH, UBND CẤP HUYỆN, XÃ VÀ BAN TRỊ SỰ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT
NAM TỈNH QUẢNG NINH
Điều 15.
Trách nhiệm của Ban quản lý các di tích trọng điểm
1. Xây dựng, quản lý và tổ chức thực
hiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng, tu bổ, trùng tu, tôn tạo các di tích
trọng điểm theo từng giai đoạn cụ thể.
2. Quản lý các dự án đầu tư xây dựng
bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo các di tích trọng điểm theo quy định của
pháp luật.
3. Nghiên cứu, sưu tầm có chọn lọc
nhằm phục hồi, bảo tồn, phát huy và nâng cao giá trị các di tích trọng điểm.
- Quản lý các hồ sơ, tài liệu khoa
học của các di tích trọng điểm và hệ thống bảo tàng, nhà trưng bày trong các
khu di tích trọng điểm;
- Nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung
tài liệu, tư liệu, hiện vật, lập hồ sơ khoa học và thực hiện các chương trình
khảo sát, thám sát, khảo cổ… đề xuất phương hướng tôn tạo, tu bổ, nâng cấp các
di tích trọng điểm;
- Tổ chức các hoạt động khoa học
nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trọng điểm.
4. Tổ chức tuyên truyền, quảng bá
các giá trị lịch sử - văn hoá và danh thắng của các di tích tới nhân dân trong
nước và khách quốc tế; tuyên truyền, vận động nhân dân và du khách tham gia giữ
gìn, bảo vệ di tích, danh thắng.
5. Tổ chức các chương trình hợp
tác quốc tế, huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước
vào việc đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, khoa học, lịch
sử của các di tích trọng điểm.
6. Kiểm tra, giám sát, tham gia thẩm
định và có ý kiến tham gia vào hồ sơ các dự án, đề tài, công trình nghiên cứu
khoa học, các dự án đầu tư trùng tu tôn tạo di tích, các hồ sơ dự án đầu tư
kinh doanh - dịch vụ, phát triển kinh tế - xã hội tại các khu di tích trọng điểm.
7. Tổ chức quản lý các di vật, cổ
vật, bảo vật quốc gia được phát hiện tại các khu di tích trọng điểm và báo cáo
Ủy ban nhân dân Tỉnh, các ngành chức năng có biện pháp quản lý, bảo quản theo
quy định tại khoản 20 Điều 1 của Luật Di sản văn hóa sửa đổi bổ sung năm 2009.
Điều 16.
Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành liên quan
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Phối hợp với Ban quản lý các di
tích trọng điểm Tỉnh và Ủy ban nhân dân các địa phương: Đông Triều, Uông Bí,
Quảng Yên, Vân Đồn quản lý các hoạt động kinh tế, văn hoá - xã hội, cảnh quan
thiên nhiên trên địa bàn các khu di tích. Theo dõi, giám sát việc thực hiện các
quy hoạch đảm bảo đúng mục tiêu đề ra;
- Hướng dẫn trình tự thủ tục lập, phê duyệt quy
hoạch dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi các khu di tích trọng điểm Quảng Ninh;
- Phối hợp với Ban quản lý các di tích trọng điểm
thẩm định các dự án đầu tư xây dựng, bảo tồn, tu bổ, phục hồi phát huy giá trị
di tích theo thẩm quyền;
- Định hướng phát triển du lịch, truyền thông quảng
bá, kết nối các khu di tích trọng điểm với các trung tâm du lịch của tỉnh, tuyến
và quốc tế;
- Có trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý các di
tích trọng điểm triển khai công việc theo chức năng và nhiệm vụ của Sở, thực hiện
chức năng quản lý nhà nước theo quy định.
2. Sở Tài Chính:
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố
trí nguồn vốn cho các dự án triển khai thực hiện tại các khu di tích trọng điểm
theo quy định của Nhà nước;
- Hướng dẫn cơ chế tài chính phù hợp với các đề
án, dự án tại các khu di tích trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy
hoạch tổng thể; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng, thanh quyết toán
nguồn vốn đảm bảo đúng quy định;
- Có trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý các di
tích trọng điểm triển khai công việc theo chức năng và nhiệm vụ của Sở, thực hiện
chức năng quản lý nhà nước theo quy định.
3. Sở Kế hoạch - Đầu tư
- Tổng hợp kế hoạch, phối hợp với
các Sở, ban, ngành liên quan cân đối bố trí nguồn vốn đầu tư từ
ngân sách hàng năm, tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh phân bổ kế hoạch cho các dự
án thành phần trong các Khu di tích trọng điểm;
- Có trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý các
di tích trọng điểm triển khai công việc theo chức năng và nhiệm vụ của Sở, thực
hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định.
4. Sở Xây dựng
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước
về quy hoạch và các hoạt động xây dựng trong khu di tích trọng điểm;
hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác quy hoạch xây dựng và các quy hoạch chi tiết
xây dựng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội tại các khu di tích trọng điểm;
- Có trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý các di
tích trọng điểm triển khai công việc theo chức năng và nhiệm vụ của Sở, thực hiện
chức năng quản lý nhà nước theo quy định.
5. Sở Tài nguyên - Môi trường
- Có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng, Ban
quản lý các di tích trọng điểm hướng dẫn thực hiện quy hoạch sử dụng đất nông
nghiệp; quy hoạch về quản lý môi trường trong các khu di tích;
- Có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và
PTNT hướng dẫn các xã triển khai thực hiện công tác đo đạc, chỉnh lý biến động
và cấp đổi giấy chứng nhận sử dụng đất trong khu di tích;
- Có trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý các di
tích trọng điểm triển khai công việc theo chức năng và nhiệm vụ của Sở, thực hiện
chức năng quản lý nhà nước theo quy định.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Hướng dẫn việc lập và chịu trách nhiệm thẩm định
quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tại các khu di tích;
- Chịu trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý các
di tích trọng điểm triển khai công việc theo chức năng và nhiệm vụ của Sở, thực
hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định.
7. Sở Giao thông - Vận tải
- Phối hợp với Ban quản lý các
di tích trọng điểm trong việc đầu tư, xây dựng các công trình giao thông trong
khu di tích theo quy hoạch;
- Có trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý các di
tích trọng điểm triển khai công việc theo chức năng quản lý nhà nước theo quy
định.
8. Sở Nội vụ
- Có trách nhiệm hướng dẫn và thực hiện Công tác quản lý nhà nước về Tôn giáo tại các Khu di tích
trọng điểm của Tỉnh;
- Có trách nhiệm phối hợp với Ban
quản lý các di tích trọng điểm triển khai công việc theo chức năng và nhiệm vụ
của Sở, thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định.
9. Sở Ngoại vụ
- Có trách nhiệm hướng dẫn và
thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với khách thập phương là người nước
ngoài đến tham quan tại các khu di tích trọng điểm;
- Có trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý các di
tích trọng điểm triển khai công việc theo chức năng và nhiệm vụ của Sở, thực hiện
chức năng quản lý nhà nước theo quy định.
10. Sở Thông tin - Truyền thông
- Phối hợp với Ban quản lý các di tích trọng điểm
quản lý các hoạt động thông tin, truyền thông, tuyên truyền quảng bá giá trị đặc
biệt tại các khu di tích trọng điểm của tỉnh;
- Có trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý các di
tích trọng điểm triển khai công việc theo chức năng và nhiệm vụ của Sở, thực hiện
chức năng quản lý nhà nước theo quy định.
11. Sở Khoa học Công nghệ
- Phối hợp với Ban quản lý các di tích trọng điểm
trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học tại các khu di tích trọng điểm.
- Có trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý các di
tích trọng điểm triển khai công việc theo chức năng và nhiệm vụ của Sở, thực hiện
chức năng quản lý nhà nước theo quy định.
12. Sở Công thương
- Phối hợp với các Sở ngành liên quan và Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí, Vân Đồn
quản lý các hoạt động lưu thông hàng hoá tại các khu di tích trọng điểm;
- Có trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý các di
tích trọng điểm triển khai công việc theo chức năng và nhiệm vụ của Sở, thực hiện
chức năng quản lý nhà nước theo quy định.
Điều 17. Ban Trị sự Tỉnh hội
Phật giáo Quảng Ninh
- Phối hợp với Ban Quản lý các di tích trọng điểm
Quảng Ninh xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các dự án được Ủy ban nhân dân
tỉnh Quảng Ninh giao làm chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hoá;
- Tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền giá trị di
tích và các nghi lễ tôn giáo tại các khu di tích trọng điểm tới tăng ni, phật tử
theo quy định.
Điều 18.
Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố: Đông Triều, Quảng Yên, Uông
Bí, Vân Đồn
1. Thực hiện chức năng quản lý Nhà
nước trên địa bàn đối với các hoạt động kinh tế - văn
hoá, xã hội có liên quan đến các khu di tích
trọng điểm.
2. Phối hợp với Ban quản lý các di
tích trọng điểm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho cán bộ, công chức, viên chức,
cộng đồng dân cư và du khách thập phương tham gia bảo vệ các di tích trọng điểm
và quy định tại Điều 3 của Quy chế này.
3. Có trách nhiệm quản lý, giám
sát việc sử dụng đất nằm trong phạm vi các khu di tích trọng điểm đảm bảo đúng
mục đích; thực hiện phương án đền bù, giải tỏa mặt bằng theo yêu cầu của cấp
có thẩm quyền.
4. Phối hợp với Ban quản lý các di
tích trọng điểm, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong quá trình lập, thực hiện
các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội; kiểm tra, xử lý vi phạm pháp
luật có liên quan đến các khu di tích trọng điểm; chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã,
phường, thị trấn tổ chức triển khai và giải quyết theo thẩm quyền những vấn đề
liên quan đến việc quản lý bảo vệ các khu di tích trọng điểm.
5. Có trách nhiệm bảo vệ và tổ chức
các hoạt động lễ hội truyền thống của nhân dân tại các khu di tích.
6. Phối hợp với ngành có liên quan
tổ chức thực hiện việc thu - chi các loại phí, lệ phí, dịch vụ, tiền công đức
và đề xuất cơ chế, chính sách để Ủy ban nhân dân Tỉnh trình Hội đồng nhân dân Tỉnh
xem xét, quyết nghị việc thu các loại phí, lệ phí; quản lý sử dụng tiền công đức
vào việc quản lý và trùng tu, tôn tạo di tích trọng điểm.
Điều 19.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã có di tích trọng điểm
1. Có trách nhiệm quản lý trên địa
bàn bảo vệ di tích, bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội, phòng chống cháy
nổ, vệ sinh môi trường tại các khu di tích trọng điểm.
2. Tiếp nhận những khai báo hiện vật,
cổ vật về di sản văn hóa và báo cáo kịp thời với cơ quan cấp trên.
3. Phòng ngừa và ngăn chặn, xử lý
kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi xâm hại di tích và những hành vi làm tổn hại
đến di tích tại địa bàn quản lý.
4. Ngăn chặn và xử lý các hoạt động
được quy định tại Điều 4 của Quy chế này.
Điều 20. Ban
quản lý Di tích cấp xã (nếu có)
Chấp hành sự quản lý và điều hành
của Ủy ban cấp huyện theo quy định của pháp luật.
Chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ
di tích, đảm bảo vệ sinh, cảnh quan môi trường, hướng dẫn cộng đồng dân cư và
du khách thập phương thực hành nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng đảm bảo giữ gìn
thuần phong mỹ tục của dân tộc theo quy định của Nhà nước và theo Điều 4 của
Quy chế này.
Điều 21. Các
Sở, ngành, địa phương khác
Các Sở, ngành, địa phương khác
không thuộc trường hợp quy định từ Điều 16 đến Điều 19 của Quy chế này căn cứ
chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm phối hợp với Ban quản
lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh trong việc thực hiện các quy định của Quy
chế quản lý các khu di tích trọng điểm đối với những vấn đề thuộc phạm vi quản
lý Nhà nước của Sở, ngành, địa phương mình.
Chương IV
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ
LÝ VI PHẠM
Điều 22. Khen
thưởng
Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất
sắc trong việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các khu Di tích trọng
điểm của Tỉnh, được biểu dương, khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 23. Xử
lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định
tại Quy chế này và các quy định pháp luật hiện hành khác có liên quan đến công
tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích trọng điểm,
tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách
nhiệm hình sự theo pháp luật hiện hành.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 24. Các Sở, ngành, địa phương có liên quan căn cứ
chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Ban quản lý các Di tích trọng điểm xây dựng
quy hoạch, kế hoạch, chương trình theo ngành, lĩnh vực và địa phương để triển
khai thực hiện Quy chế này phù hợp với tình hình thực tế của mỗi Sở, ngành, địa
phương.
Điều 25. Giao Ban quản lý các di tích trọng điểm Quảng
Ninh chủ trì phối các Sở, ngành, địa phương, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị
liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế này và định kỳ
6 tháng và trước ngày 31/12 hàng năm phải báo cáo về Ủy ban nhân dân Tỉnh
việc thực hiện quy chế này và các quy định hiện hành trong việc
quản lý các khu di tích trọng điểm.
Điều 26.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu
có những vấn đề ch¬ưa phù hợp, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Ban quản lý các
di tích trọng điểm Quảng Ninh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.